Chuyện Việt Nam Thứ Hai 25/9/2023: *Ân xá Quốc tế “kinh tởm” VN tử hình Lê Văn Mạnh! *VinFast lỗ 526 triệu USD trong quý 2 *Viện trưởng VKS lãnh 8,5 năm tù vì chạy án *Việt Nam sẽ mở lại mỏ đất hiếm lớn nhất nước *Oxford bỏ đổi tên thành Thảo College
Quê Hương tổng hợp
Ân xá Quốc tế: “Thật kinh tởm” khi chính quyền Việt Nam thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh!
RFA
25/9/2023
Gia đình ba tử tù Lê Văn Mạnh, Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải biểu tình đòi công lý cho họ
FB Nguyễn Trường Chinh/ RFA edited
Các tổ chức quốc tế lên tiếng sau khi tử tù Lê Văn Mạnh bị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp sự lên tiếng của các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.
Bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về án tử hình của tổ chức Ân xá Quốc tế, trong email gửi tới RFA trong ngày 25/9 khẳng định, mặc dù biết chi tiết rằng vụ án Lê Văn Mạnh có nhiều vi phạm nghiêm trọng và vi phạm quyền được xét xử công bằng, trong đó có cáo buộc tra tấn để buộc nhận tội nhưng chính quyền Việt Nam vẫn xử tử ông chỉ vài ngày sau khi báo cho gia đình biết việc làm đơn nhận thi hài.
Và điều này theo bà Sangiorgio thì “thật là kinh tởm,” bà nói:
“Việc nhẫn tâm theo đuổi việc thi hành án sau các thủ tục tố tụng bất công khiến cho việc tước đoạt mạng sống trở nên tùy tiện.
Vụ án này thật đau lòng và phẫn nộ, đồng thời là một dấu hiệu đáng ngại cho thấy Việt Nam sẵn sàng coi thường hoàn toàn các biện pháp bảo vệ cơ bản nhất của thủ tục tố tụng hợp pháp, ngay cả khi mạng sống bị đe dọa.”
Đại diện của tổ chức quốc tế hoạt động nhằm xóa bỏ án tử hình trên toàn thế giới, cho rằng Việt Nam đang tụt lại phía sau vì vẫn duy trì hình phạt tàn khốc và hèn hạ nhất vào thời điểm mà các nước khác đang xoá bỏ nó.
“Chúng tôi phản đối án tử hình trong mọi trường hợp. Việt Nam phải dừng tất cả các vụ hành quyết như một bước quan trọng đầu tiên trước khi thiết lập lệnh cấm và tiến tới bãi bỏ như hơn 2/3 số quốc gia trên thế giới đã làm.
Các quốc gia không được giết người nhân danh an toàn xã hội và án tử hình không bao giờ là giải pháp cho tội phạm,” đại diện tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London (Anh Quốc) nói.
Trong ngày 23/9, ngay sau khi có thông tin các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh sau 19 năm kêu oan, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã có phản ứng. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, nói trong tuyên bố gửi đến RFA:
“Việt Nam cố gắng che giấu sự thật rằng họ là một trong những quốc gia áp dụng nhiều án tử hình nhất ở châu Á và trên thế giới, nhưng vụ hành quyết Lê Văn Mạnh là một ví dụ nổi bật về mọi điều sai trái trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
Việc công an thường xuyên sử dụng biện pháp tra tấn và hệ thống tòa án không độc lập khác xa với hệ thống tòa án độc lập dẫn đến loại hình phạt cao nhất không thể thay đổi được trong trường hợp bằng chứng ngoại phạm mạnh mẽ của bị cáo bị coi thường.”
Ông kêu gọi Việt Nam ngay lập tức giảm bớt án tử hình để ngăn chặn những vụ án oan và tiến tới bãi bỏ án tử hình ngay lập tức.
Hãng tin AFP dẫn phát biểu của tổ chức Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cho rằng, việc xử tử Lê Văn Mạnh “là vi phạm quyền sống và quyền tự do khỏi những hình phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục theo luật nhân quyền quốc tế.”
Người phát ngôn của ICJ khẳng định, “Việt Nam phải tham gia vào xu hướng toàn cầu hướng tới việc bãi bỏ án tử hình và thiết lập lệnh cấm sử dụng án tử hình.”
“Báo động” tính mạng của hai tử tù đang còn kêu oan
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng báo động về tình trạng của con ông và tử tù Hồ Duy Hải đang rất nguy cấp sau khi Lê Văn Mạnh bị tiêm thuốc độc.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 25/9:
“Hiện nay tôi rất lo lắng cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vì mục tiêu của chúng nó là giết thằng Mạnh trước để thăm dò dư luận rồi giết tiếp thằng Chưởng và thằng Hải.”
Lê Văn Mạnh, sinh năm 1982, người liên tục kêu oan trong 19 năm qua sau khi bị kết án tử hình vì bị cho là thủ phạm hiếp dâm và giết chết một bé gái trong năm 2005 ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, đã bị thi hành án vào sáng ngày 22/9.
Ba ngày trước đó, toà án tỉnh Thanh Hoá có thông báo thi hành án gửi cho gia đình căn cứ vào công văn của Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/8/2023, đồng thời yêu cầu làm đơn nếu muốn nhận xác về để mai táng.
Trong khi đó, Hồ Duy Hải bị kết án tử hình trong vụ án Bưu điện Cầu Voi với hai nhân viên nữ của cơ quan này bị giết chết. Việc kết án người thanh niên này có nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra và kết án, tuy nhiên, bản án vẫn được giữ nguyên qua nhiều phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm ở bốn cấp, kể cả giám đốc thẩm thực hiện bởi Toà án Nhân dân Tối cao.
Ông Nguyễn Trường Chinh nói rằng ông rất bức xúc với cách hành xử độc ác của nhà chức trách, vì ngày 18/9 toà án mới thông báo cho gia đình và chiều 21/9 mới hết hạn nộp đơn mà họ đã tiến hành tiêm thuốc độc ngay trong sáng sớm ngày 22/9.
Ông kêu gọi cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục lên tiếng và mạnh hơn nữa để cứu lấy cuộc sống của hai tử tù còn lại.
“Rất mong cộng đồng mạng và mọi người yêu công lý và tự do trên thế giới cố gắng lên tiếng cứu giúp hai từ tù còn lại, hai tử tù oan là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải vì hiện nay cuộc sống của họ là tính từng giây từng ngày.”
Bà Nguyễn Thị Việt cho RFA biết gia đình bà rất bất ngờ về việc con trai Lê Văn Mạnh bị thi hành án nhanh như vậy.
Ngay khi gia đình nhận được thông báo làm đơn đăng ký nhận xác, bà đã đi ra Hà Nội để kêu oan cho con trai mình ở một số cơ quan trung ương như Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước.
“Sáng 23/9, gia đình tôi mới nhận được cái giấy nói thi hành Lê Văn Mạnh rồi, thi hành án ở ngoài nhà tiêm thuốc độc tỉnh Hòa Bình, đem xác về chôn cất ở (nghĩa trang-PV) Chợ Nhàng, thành phố Thanh Hóa.
Hắn đưa giấy thông báo Lê Văn Mạnh đã thi hành rồi cho con trai tôi ở nhà, có kèm theo trích lục án tử.
Gia đình tôi không được gặp mặt lần cuối mà nó cũng không thông báo là ngày thi hành án. Gia đình tôi đâu có biết mãi đến khi có giấy thông báo thi hành án và chôn xác ở (nghĩa trang-PV) Chợ Nhàng thôi.”
Bà cho biết trong hai tháng qua, gia đình bà có đến trại giam để thăm con trai nhưng trại giam không cho gặp, nói là đề phòng lây lan COVID. Bà nghẹn ngào cho biết, gia đình cũng không được mời đến để chứng kiến việc thi hành án bằng tiêm thuốc độc.
Trước đó, Phái đoàn ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán các nước Vương quốc Anh, Vương quốc Na Uy và Canada đã ra một thông cáo chung kêu gọi Việt Nam dừng thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh và điều tra về cáo buộc tra tấn để bức cung người này, tuy nhiên Việt Nam phớt lờ kiến nghị này.
HRW kêu gọi Việt Nam phóng thích ông Đặng Đăng Phước trước phiên phúc thẩm
25/9/2023
Nhà hoạt động Đặng Đăng Phước. Photo by Le Thi Ha
Hôm 25/9, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động Đặng Đăng Phước, người bị tuyên 8 năm tù và 4 năm quản chế vì “Tuyên truyền chống nhà nước” ở phiên sơ thẩm.
“Ông Đặng Đăng Phước kêu gọi đối xử và công lý cho người nghèo và người dân Việt Nam dễ bị tổn thương, ông đồng thời yêu cầu chính phủ chăm lo cho xã hội tốt hơn và môi trường trong sạch hơn cho tất cả mọi người thì không nên bị ngồi tù”, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, nói trong một tuyên bố gửi đến VOA.
“Nếu chính phủ Việt Nam quan tâm đến phúc lợi của người dân thì họ sẽ lắng nghe những nhà hoạt động có nguyên tắc như ông Đặng Đăng Phước chứ không bỏ tù ông”, đại diện của HRW nói một ngày trước phiên phúc thẩm đối với ông Phước.
Ông Robertson kêu gọi chính quyền Đắk Lắk nên hủy bỏ bản án sơ thẩm vào tháng 6 đối với ông Phước và “trả tự do cho ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện”.
“Chính phủ Việt Nam nên chấm dứt chiến dịch trả thù những công dân đã dũng cảm nói lên quan điểm của mình về các vấn đề thời sự và thực thi nhân quyền của mình”, ông Robertson nhấn mạnh.
Từ Buôn Ma Thuột, bà Lê Thị Hà, vợ của ông Phước, nói với VOA về phiên thúc phẩm dự kiến diễn ra vào ngày 26/9:
“Tôi hiểu bản chất những phiên tòa chính trị nên cũng không kỳ vọng gì. Chồng tôi kháng cáo vì anh ấy vô tội mà thôi”.
VOA đã liên lạc Tòa án Nhân dân Cấp cao Đà Nẵng và đề nghị cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Nhà hoạt động nhân quyền Đặng Đăng Phước bị bắt vào tháng 9/2022 vì tự do ngôn luận về những vấn đề quan trọng đối với ông mà chính phủ Việt Nam cho là “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Ông Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Việt Nam và đóng quân ở Lào hơn 4 năm. Sau khi rời quân ngũ, ông trở thành giáo viên dạy nhạc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.
Ông Phước thường xuyên bình luận về các vấn đề xã hội, chính trị, môi trường và ủng hộ chính nghĩa cho người nghèo và người bất lực, trong đó có những người khiếu kiện về quyền đất đai và các nhóm người Thượng thiểu số, theo HRW.
Như những cáo buộc đối với các nhà hoạt động khác, truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng phiên sơ thẩm nói rằng ông Phước trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến ngày 10/8/2022, “đã có hành vi viết, tải từ mạng Internet các bài viết có nội dung không khách quan; không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước”.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền của các tổ chức quốc tế và các quốc gia phương Tây. Hà Nội cho rằng các quyền tự do căn bản của công dân “luôn được tôn trọng”.
Lại nói về tử hình
Le Nguyen Duy Hau
Có một giai thoại thường được các giáo sư luật ở Mỹ kể cho sinh viên năm nhất nghe. Chuyện kể là có một sinh viên luật mới ra trường được nhận làm thư ký cho thẩm phán huyền thoại của Mỹ là Oliver Wendell Holmes. Khỏi nói cũng biết anh chàng này rất hào hứng. Nhưng không ngờ sự hào hứng đó bị dội ngay gáo nước lạnh khi anh chứng kiến Holmes tuyên xử một vụ án mà anh tin rằng kết quả thật sự không công bằng. Khi phiên tòa kết thúc, anh chàng chạy theo Holmes để chất vấn ông ta. Chuyện kể rằng Holmes ngạc nhiên nhìn anh chàng như trên trời rơi xuống, rồi nói như mắng vào mặt anh: “Cậu làm sai nghề rồi. Nghề của chúng ta là nghề luật, chứ không phải là truy tìm công lý”.
Câu chuyện này kể ra không phải là để lên án luật sư hay thẩm phán, hay hệ thống tư pháp nói chung, mà vốn là để dạy cho sinh viên luật một bài học cơ bản: pháp luật không phải vạn năng. Vì sao pháp luật không phải vạn năng? Vì pháp luật là do con người tạo ra. Mà con người thì không hoàn hảo. Logic hình thức là ở đây. Mình nhớ từng đọc đâu đó trong một phán quyết của Anh, có ghi rằng: “Pháp luật vốn dĩ chỉ là nỗ lực của con người để đạt được công lý.” Công lý, theo ý trên, có thể đạt được bởi nhiều cách khác nhau, và không nhất thiết là độc quyền của pháp luật.
Nói tiếp về lý luận này. Một trong những điều mà ít người để ý đó là dù cố gắng cách mấy, con người sẽ mãi mãi không làm được một đạo luật “rõ ràng”, “không kẽ hở” được. “Kẽ hở” của pháp luật đôi khi xuất hiện chỉ đơn giản vì người làm luật không thể lường được sự sáng tạo của xã hội trong việc tạo ra những thứ mới. Những quốc gia cố gắng viết luật xuống thành văn và giới hạn cái gọi là luật trong các văn bản pháp luật đều có những cái lý của họ. Nhưng cùng lúc đó, họ khiến cho khả năng uyển chuyển, thích ứng với thực tế cuộc sống của luật bị ảnh hưởng. Và khi một vụ việc nào đó rõ ràng có bất công, nhưng luật không thể theo kịp để xử lý, thì người chịu vạ đầu tiên là đương sự, nhưng người mang tiếng nhiều hơn lại là các thẩm phán. Nhất là khi vụ án đó tước đi tính mạng của đương sự, là một vụ án tử hình. Điều này sẽ tệ hơn khi họ cố gắng xây dựng một truyền thuyết rằng pháp luật công bằng, hoàn hảo, và là chuẩn mực của đạo đức. Làm nghề được hơn một thập kỷ nay, mình thấu hiểu điều đó là sai lầm và thú thật là có cái nhìn thông cảm hơn với các thẩm phán trong các vụ án oan. Đành rằng có những vụ án mà nó oan chủ yếu là do thẩm phán không đủ bản lĩnh để đối chọi với sức ép, hay đơn giản là cái uy, từ cơ quan điều tra (công an) và công tố (viện kiểm sát), nhưng có những vụ án oan vì nó đã đến một giới hạn mà công cụ pháp lý trong tay các thẩm phán không còn đủ để thay đổi nữa. Nhưng tất nhiên, là một phần của hệ thống thì họ phải chịu vạ vậy. Chỉ là khi mình nghe chánh án Nguyễn Hòa Bình nói một cách hơi huỵch toẹt rằng Quốc hội chấp nhận chỉ tiêu cho Tòa án được sai không quá 1.5% các bản án được đưa ra xét xử, mình thấy ông Bình hoặc là can đảm nói sự thật, hoặc hơi dại dột. Thực tế là ngay cả chuyện giao chỉ tiêu như vậy cũng là một nỗ lực để hạn chế điều không thể hạn chế, và con số 1.5% vốn cũng hơi ngẫu nhiên.
Mình là một người phản đối toàn diện án tử hình, và mình không giấu diếm điều đó. Không có nghĩa là mình ủng hộ hay bao che cho cái ác (không ai trên đời này quỷ dữ đến như vậy), mà đơn giản là mình nghĩ bản thân sẽ trở nên ác nếu ủng hộ án tử hình. Thực tế thì việc tòa án xử sai người sai tội không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam. Một báo cáo của Trung Tâm Thông Tin Án Tử Hình Hoa Kỳ (Death Penalty Information Center) cho thấy từ 1973 đến nay, có đến 192 tử tù sau đó đã được chứng minh là oan sai. Con số khủng khiếp hơn đó là cho đến năm 2020, có lẽ đã có đến 20 tử tù bị hành quyết oan. Thống kê thực tế là bao nhiêu thì không ai biết cả. Có rất nhiều nguyên nhân cho án oan, nhưng mình tin rằng lý do duy nhất bởi vì đó là bản năng của con người, là sự thật không thể thay thế được. Một khi pháp luật không thể hoàn hảo, thì án oan sẽ luôn luôn tồn tại. Các nỗ lực cải tổ tư pháp rốt cuộc cũng chỉ là cải tổ, không thể thay thế được. Nếu bạn nhìn pháp luật theo cách đó, bạn có thấy dễ sợ không khi biết rằng xã hội hoàn toàn có thể đẩy một người vô tội đến chỗ chết bất kỳ lúc nào.
Tất cả những lập luận ủng hộ án tử hình thường xuất phát từ một mục đích tốt đẹp, đó là cho xã hội tốt hơn, cho người nhà nạn nhân bớt đau buồn, cho kẻ xấu chịu hình phạt thích đáng. Mình hiểu tất cả. Nhưng không phải lúc nào điều chúng ta muốn cũng là điều chúng ta làm được, hoặc nên làm. Cái xấu xí của án tử hình đó là việc nó sử dụng uyển ngữ Hán Việt. Án tử hình đơn giản là giết chết một người nào đó, nhân danh một cộng đồng. Chính vì sự nhân danh cộng đồng mà không ai cảm thấy mình có trách nhiệm trực tiếp với cái chết đó cả. Nhưng thử làm một thử nghiệm tâm lý nhỏ: liệu có bao nhiêu người ủng hộ án tử hình, sẵn sàng tự mình thi hành án tử hình? Câu trả lời mà chính bạn đưa ra chắc sẽ phần nào làm bạn suy nghĩ lại. Chúng ta lên án kẻ giết người vì hắn tước đi mạng sống của một người vô tội, và hắn xứng đáng bị tử hình. Nhưng chúng ta có tự lên án bản thân mỗi lần một bản án tử hình oan bị tuyên không?
Những vụ án oan hiện nay xảy ra là vấn đề gần như tất yếu của hệ thống tư pháp. Hệ thống tư pháp chắc chắn sẽ có thiếu sót, sẽ có sai lầm, và việc tranh luận để giảm sai lầm đó tuy tốt thì cũng chỉ là đắp vá tạm bợ. Trí tưởng tượng của con người không thắng được thực tế xã hội. Vấn đề là chúng ta phải có đường lui, phải có hướng sửa sai. Và đó là thái độ của chúng ta với án tử hình. Chừng nào mà xã hội vẫn còn cho rằng việc duy trì án tử hình là đúng, và chỉ có thi hành án tử hình với người vô tội mới là sai… thì chừng đó xã hội vẫn sẽ còn thấy những oan khuất xuất hiện như gần đây.
Phát Súng Mở Màn
Larry De King
Thế là tử tù Lê văn Mạnh đã ra đi sau hơn 18 năm kêu oan bất thành, mặc cho bao nhiêu lời kêu gào công lý của dân Việt trên khắp thế giới.
Trong số 3 tử tù nổi tiếng hiện nay, Lê văn Mạnh ít được chú ý nhất. Có lẽ vì anh cũng là 1 tội phạm bị bắt vì tội cướp giật nên ít được thương cảm. Tuy nhiên, tội cướp giật của Mạnh cao lắm là 5 năm tù, chứ không phải đổi bằng sinh mạng.
Mạnh bị kết án tử từ một lá thư gửi cho cha từ trong tù, trong đó Mạnh “thú nhận” mình đã giết và hiếp bé gái 14 tuổi ở quê Yên Định, Thanh Hóa.
Câu chuyện viết thư thú tội làm ta nhớ đến tử tù Nguyễn Thanh Chấn được hàm oan chỉ sau khi hung thủ bị bắt. Còn trước đó ông Chấn “được” công an training thao tác giết hung thủ ra sao, bằng vũ khí gì, cầm dao ra sao, đâm nạn nhân ở tư thế nào, để ông diễn lại cho mọi người xem một cách sống động nhất.
Với nền tư pháp hiện tại, tòa án và công an luôn luôn đúng. Những lời bào chữa của luật sư là vô giá trị. Nhân chứng, vật chứng, dấu tay hiện trường là đồ bỏ. Thành tích phá án quan trọng hơn chứng cứ. Chỉ cần nghi phạm có lời khai là đủ lôi ra pháp trường. Lời khai thì đã có điều tra viên rất giỏi “biện pháp nghiệp vụ” lo. Đố mà không khai.
Mạng người tiếp tục ngã xuống mang theo nỗi oan khiên, còn công an và tòa án tha hồ mở tiệc rượu mừng thành tích. Đất nước này nó thế.
***
Cuối cùng rồi Mạnh cũng phải chết, mặc cho các luật sư chứng minh Mạnh vô tội, với bằng chứng ngoại phạm rõ ràng. Tất cả đều không có giá trị bằng “lời thú tội” quá “dễ thương” của Mạnh.
Điều đáng sợ là dư luận với những tiếng kêu gào công lý bao ngày qua trên khắp các phương tiện truyền thông đã không còn được lắng nghe. Chính quyền im lặng 1 thời gian, để những ồn ào tạm lắng, rồi âm thầm hành quyết Mạnh.
Họ đã tìm ra phép thử. Những tiếng kêu gào với thời gian sẽ yếu dần, mất đi cường độ ban đầu rồi tắt lịm, cũng là lúc ra tay thuận tiện nhất.
Đây có lẽ là phát súng mở màn. Tử tù kế tiếp rất có thể là Nguyễn văn Chưởng, tiếp sau là Hồ Duy Hải, cũng sẽ xảy ra với cùng một kịch bản.
Rất mong là mình sai.
https://www.facebook.com/search/top?q=larry%20de%20king
VinFast tăng doanh thu nhưng lỗ 526 triệu USD trong quý 2
Doanh thu tăng nhưng chi phí nhiều khiến VinFast lỗ hơn 500 triệu USD trong quý 2/2023. (Ảnh minh họa: Minh K Tran/Shutterstock)
Hãng xe điện VinFast công bố doanh thu quý 2 chủ yếu tăng nhờ bàn giao xe cho Công ty cho thuê ô tô điện GSM Việt Nam (ông Phạm Nhật Vượng nắm quyền sở hữu). Tổng doanh thu của VinFast đạt 327 triệu USD, tăng 113%. Tuy vậy với chi phí cao cũng khiến hãng này gánh lỗ 526 triệu USD trong quý 2.
Cụ thể, trong báo cáo của VinFast gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), doanh thu quý 2 tăng lên hơn 327 triệu USD và số lượng xe ô tô điện bàn giao đạt khoảng 9.500 chiếc.
Mặc dù VinFast không đưa ra phân tích rõ ràng về doanh số bán hàng theo thị trường, nhưng phần lớn doanh thu tăng vọt được thúc đẩy bởi doanh số bán xe điện cho thị trường nội địa, nhờ kế hoạch biến ô tô của mình thành taxi xanh ở các thành phố chính của Việt Nam, theo Reuters.
Trong đó, đơn vị mua xe lớn nhất của VinFast là Công ty cho thuê xe ô tô điện của chính ông Phạm Nhật Vượng thành lập (GSM Việt Nam).
Tính đến quý 2, GSM đã mua khoảng 7.100 ô tô điện của VinFast. Dự kiến, Công ty này sẽ mua 200.000 xe máy điện và 30.000 ô tô điện của VinFast để kinh doanh dịch vụ taxi, vận tải và cho thuê.
VinFast cũng cho biết tính đến ngày 30/6, hãng có 122 cửa hàng dịch vụ cho ô tô điện và 245 cửa hàng dành cho xe máy điện.
Tuy doanh thu tăng nhưng VinFast lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh khoảng 2.715 tỷ đồng, lỗ ròng ở mức hơn 12.530 tỷ đồng (khoảng 526 triệu USD).
“Doanh số bán hàng ở Mỹ của VinFast dự kiến sẽ không sớm được cải thiện. Các vấn đề về chất lượng không tốt gây ra bởi sự ra mắt của VF8 sẽ không được giải quyết bởi VF9”, nhà phân tích David Byrne của Third Bridge cho biết.
Mẫu xe VF8 đã nhận được những đánh giá tiêu cực ở Mỹ về chất lượng và công ty đã tự nguyện thu hồi lô 999 xe đầu tiên để khắc phục sự cố phần mềm.
Để đẩy nhanh doanh số, CEO VinFast cho biết hãng đang đàm phán với một số đại lý tại Mỹ và sẽ sớm công bố đại lý.
VinFast cũng cho biết kế hoạch thành lập một nhà máy lắp ráp ở Indonesia, nơi nguồn cung niken, nguyên liệu cho pin EV rất dồi dào.
Đức Minh
Viện trưởng VKS lãnh 8,5 năm tù vì nhận một tỷ đồng tiền ‘chạy án’ ma túy
Lê Thiệt /SGN
24 tháng 9, 2023
Ông Vi Đức Ninh, cựu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn. Ảnh: VKSNDBG.
Cùng hầu tòa với Viện trưởng VKSND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) Vi Đức Ninh (SN 1975), còn có Hồ Anh Khoa (SN 1980, cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) và một số tên khác.
Theo cáo trạng đã truy tố, ngày 16 và 17.8.2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn ra quyết định tạm giữ Nguyễn Phạm Việt Nga và Đào Ngọc Sơn, cùng trú tại TP Bắc Giang để điều tra xác minh về hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra ngày 14.8.2022 tại quán karaoke Diamond trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Sau đó, Nguyễn Thị Nhung (vợ bị can Hiếu) cùng với 2 đồng bọn là Quý và Hiếu tìm gặp cán bộ Khoa nhờ chạy án. Khoa nhận lời và gặp nhờ ông Ninh giúp đỡ nhằm giảm nhẹ cho các bị can, kèm theo phong bì 1 tỷ đồng, Ninh hứa sẽ cố gắng xem xét vụ việc.
Ngày 25.8.2022, Nga bị khởi tố; Sơn được VKSND Lục Ngạn ra quyết định trả tự do với lý do chưa đủ căn cứ.
Ông Ninh không ngờ hành động này của VKSND Lục Ngạn bị Công an tỉnh Bắc Giang nghi ngờ, rút hồ sơ về điều tra. Từ đó, việc “chạy án” của ông Viện trưởng Ninh dần sáng tỏ.
Sau khi Hồ Anh Khoa ra đầu thú về hành vi môi giới hối lộ, ông Ninh biết không thể che giấu nên ngày 15.10.2022 cũng ra đầu thú về hành vi nhận hối lộ.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 21 và 22 Tháng Chín, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt các bị cáo: Vi Đức Ninh 8 năm 6 tháng; Hồ Anh Khoa 4 năm 6 tháng; Dương Ngọc Quý 6 năm 6 tháng; Phan Văn Hiếu 6 năm; Nguyễn Thị Nhung 4 năm tù.
Vụ án này làm người ta nhớ đến vụ án trộm vịt vào năm 2017 tại huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang. Trong vụ này, Nguyễn Văn Khang (SN 1997) trong lúc đi tìm mồi nhậu đã bắt một con vịt (được định giá 174 ngàn đồng) của người dân, và sau đó bị kết án 7 năm tù.
Từ đó, người dân hiểu rằng, việc áp dụng luật dành cho người dân khác xa việc áp dụng luật dành cho cán bộ, đảng viên cao cấp.
Không bỏ điều 4, điều 331, nhưng Việt Nam có thể bỏ án tử
Võ Ngọc Ánh
25/9/2023
Facebooker Thái Hạo và anh Hoàng Tuấn Công bên mộ Lê Văn Mạnh.
Hôm qua là Lê Văn Mạnh, ngày mai, ngày kia có thể lại là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Và biết đâu một ngày nào đó chính chúng ta lại là nạn nhân trong sự oan ức.
Cái chết của tử tù Lê Văn Mạnh vào ngày 22/9 gây chấn động mạnh trong xã hội. Bởi chứng cứ buộc tội anh Mạnh thiếu sự thuyết phục. 19 năm kêu oan của gia đình cũng không đủ để cứu một con người bị đày đọa trong oan ức, mà chết cũng đầy oan khiên.
Nỗi đau này không chỉ cho anh Mạnh và gia đình, mà cả sự không hài lòng về một nền tư pháp còn nhiều thiếu sót.
Khi giết lầm sẽ là bỏ sót
Bất chấp sự kêu oan của gia đình và sự quan tâm của nhiều người, chính quyền Việt Nam đã có các bước đi cẩn thận hơn để giết tử tù Lê Văn Mạnh trong ồn ào của việc xét xử bà Nguyễn Phương Hằng còn đang nóng hổi.
Có thể đọc được qua việc thi hành án này, chính quyền đã rút ra kinh nghiệp sau sự phản đối mạnh mẽ của xã hội từ thông báo sẽ thi hành án với tử tù Nguyễn Văn Chưởng trước đó.
Việc thi hành án với một người bị kết tội cướp – hiếp – giết lẽ ra phải là sự an toàn cho chính quyền, trong sự thỏa mãn của công luận. Bởi đây là loại tội phạm trong xã hội hay thể chế nào cũng bị kinh bỉ và lên án. Nhưng cái chết của tử từ Lê Văn Mạnh đang tạo ra điều ngược lại trong lúc này.
Khi chứng cứ buộc tội chưa đủ thuyết phục, thì việc giết Lê Văn Mạnh không tạo ra sự an toàn hơn và răn đe cho xã hội về tính nghiêm minh của luật pháp.
Bởi thêm một người bị chết oan để kết thúc một vụ án, trong lúc biết đâu kẻ giết người thật sự còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ở hành động, thà giết lầm hơn bỏ sót lại là sự bỏ sót thật sự.
Hôm qua là Lê Văn Mạnh, ngày mai, ngày kia có thể lại là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Và biết đâu một ngày nào đó chính chúng ta lại là nạn nhân trong sự oan ức.
Bởi mấy ai có thể chịu được sự tra tấn, đánh đập từ những điều tra viên, cả lời hứa hẹn nhận tội để được sự khoan hồng và qua đi nỗi đau thân xác. Để rồi sau đó chính nó lại là chứng cứ buộc tội trong bản án kết thúc đời người ở một vu án nào đó ở tương lai mà chúng ta vô tình đi ngang qua.
Liệu Việt Nam có tạo điểm về quyền con người qua bỏ án tử hình?
Đặt ra câu hỏi, nhưng cũng thật không dễ để tin chính quyền Việt Nam có thể bỏ án tử hình trong thời gian ngắn trong khi hàng chục án tử vì buôn bán ma túy vẫn chưa thi hành.
Thi hành án đối với tử tù Lê Văn Mạnh sẽ tạo nên sự bức xúc trong xã hội là chính quyền hoàn toàn có thể dự báo được. Điều này có thể nằm trong tính toán của một số người có trọng lượng?
Chứng cứ buộc tội Lê Văn Mạnh chưa thuyết phục, chính quyền vẫn xuống tay thi hành án tử với anh đã tạo ra sự phẫn uất trong xã hội có phải là lý do chuẩn bị của chính quyền đi đến việc bãi bỏ án tử hình trong thời gian đến?
Trong khi chính quyền không thể đưa ra hành động ‘tự sát’ bỏ điều 4 của Hiến pháp về sự lãnh đạo của tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính quyền cũng không thể bỏ đi điều 331, của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chứng tỏ là công cụ hữu hiệu trong việc trao quyền bắt bớ, bỏ tù những cá nhân, tổ chức có suy nghĩ khác với chính quyền độc tài.
Thì việc Việt Nam có thể bãi bỏ án tử hình sẽ là điểm son được ghi nhận của chính quyền độc tài với một số nền dân chủ và cả các tổ chức bảo vệ quyền con người.
Bởi quyết định giết đi một con người là đóng lại cánh cửa ở khả năng hoán cải và sửa chữa sai lầm nếu đó là án oan. Hơn nữa điều kiện giam giữ hiện nay hoàn toàn đảm bảo người bị kết tội khó có khả năng trốn thoát để tiếp tục gây ra sự nguy hiểm cho xã hội.
Đặt trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ mới được nâng cấp sẽ tạo ra tỷ số 1 – 0 nghiêng về phía Việt Nam trong quyền không ai được tước đi mạng sống của con người.
Bởi đến nay, nền tư pháp nước Mỹ vẫn chưa thể chấm dứt án tử hình. Và để chấm dứt án tử hình nước Mỹ sẽ khó làm hơn ở Việt Nam vốn chỉ cần nội bộ đảng đồng ý thì mọi việc còn lại sẽ nhanh như thủ tục một cửa.
Việc bãi bỏ án tử hình có thể còn là sự vận động cho không ít cựu quan chức của chính quyền đã bị tuyên án tử trong thời gian qua và cả thời gian đến.
Việt Nam sắp mở lại mỏ đất hiếm lớn nhất nước vào năm tới
25/9/2023
Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn
Công Thương
Việt Nam dự kiến mở lại mỏ đất hiếm vào năm tới trong một dự án được Phương Tây tài trợ mà theo dự đoán là có thể cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới. Reuters dẫn nguồn tin từ những người biết rõ về thông tin này cho biết như vậy hôm 25/9.
Bước đầu, Chính phủ Việt Nam sẽ mời thầu vào nhiều lô đất hiếm ở mỏ Đông Pao thuộc tỉnh Lai Châu vào trước cuối năm nay, Reuters dẫn nguồn tin từ bà Tessa Kutscher – lãnh đạo Công ty Blackston Mineral Ltd của Austrialia – công ty dự định tham gia thầu. Bà này dẫn nguồn tin chưa được công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết như vậy.
Thời gian mời thầu hiện có thể còn thay đổi nhưng Chính phủ đã có kế hoạch sẽ bắt đầu khai thác mỏ vào năm tới, Reuters dẫn lời ông Lưu Anh Tuấn – Chủ tịch Vietnam Rare Earth JSC (VTRE) – công ty đối tác với Blackstone trong dự án này.
Thông tin về việc Việt Nam mở lại mỏ Đông Pao được đưa ra và khi nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại về sự đứt gẫy trong việc cung ứng đất hiếm từ Trung Quốc vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung.
Bắc Kinh hồi năm nay đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu với các kim loại hiếm được sử dụng trong công nghiệp bán dẫn.
Theo Điều tra Địa chất học của Mỹ, hiện Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thuế hai thế giới sau Trung Quốc nhưng vẫn chưa được khai thác chủ yếu là nhà đầu tư không bị hấp dẫn do giá cả thấp vốn bị Trung Quốc hiện đang gần như độc quyền áp đặt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10/9 vừa qua đã có chuyến thăm Việt Nam và hai nước nhân dịp này đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng được phía Mỹ nhấn mạnh nhân chuyến thăm này là công nghiệp bán dẫn và khai thác đất hiếm.
Reuters dẫn lời người đại diện của Blackstone cho biết, nếu trúng thầu, công ty này sẽ đầu tư 100 triệu đô la vào dự án khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Bà Kutcher của Blackston cũng cho biết công ty đang đàm phán với các hãng xe điện VinFast và Rivian về hợp đồng giá cả để đảm bảo việc cung ứng cho người mua và không có biến động về giá.
Anh-Việt: Trường Linacre ở ĐH Oxford bỏ hẳn kế hoạch đổi tên thành Thảo College
Nguồn hình ảnh, Google
Chụp lại hình ảnh,
Trường Pinacre College thuộc Đại học Oxford từng có kế hoạch đổi tên thành Thảo College
Sau hai năm theo đuổi, trường Linacre College, thuộc Đại học Oxford đã quyết định bỏ kế hoạch đổi tên thành Thảo College vì khoản 155 triệu bảng hiến tặng từ bà Nguyễn Thị Phương Thảo “không chuyển ra khỏi Việt Nam được”, theo truyền thông Anh.
Dự án đổi tên trường để vinh danh nhà hảo tâm từ Việt Nam sau hai năm như thế đã bị bỏ, trang Telegraph cho hay.
Trang Cherwell, báo của ĐH Oxford hôm 24/09 cũng trích nguồn từ Telegraph nói các thành viên hội cựu sinh viên Linacre College được thông báo rằng tiền từ công ty Savico của nữ tỷ phú VN “không chuyển được ra nước ngoài vì quy định do chính phủ Việt Nam áp đặt”.
Các báo Anh cho hay khoản tiền đã được bà Nguyễn Thị Phương Thảo bỏ vào một đại học chuyên về y khoa ở Việt Nam.
Đã có các trường (college – còn gọi là viện đại học) như Lincoln, Wadham, Balliol College, nằm trong liên minh (federation) là Đại học Oxford, đổi tên cũ của họ sau khi nhận tiền hiến tặng lớn.
Nguồn hình ảnh, Vietnam News
Chụp lại hình ảnh,
Giáo Sư Nick Brown, đại diện Linacre College và bà Nguyễn Thị Phương Thảo trao biên bản ghi nhớ nhân sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Scotland tháng 11/2021
Nhưng vụ việc của bà Phương Thảo vấp phải khá nhiều vấn đề tại Anh. Các báo Anh nhắc lại các tiếng nói phản đối kế hoạch đổi tên của ban giám hiệu Linacre College, được công bố năm 2022.
Một số người nói tên nhà hoạt động thời Phục Hưng, ông Thomas Linacre mà trường này chọn làm tên năm 1962, phản ánh sự tôn trọng lịch sử học thuật và không nên thay đổi.
Một số khác, gồm nhóm vận động chống biến đổi khí hậu ‘Oxford Climate Justice Campaign (OUJC)’ thì phê phán việc này bởi họ cho rằng Sovico “hợp tác với các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch, gồm cả Zarbezneft của Nga”. Có tiếng nói phản đối lại cho rằng hoạt động của bà Thảo “gắn chặt với hệ thống chính trị cộng sản ở Việt Nam”, trang Cherwell viết.
Như thế, trường này sẽ vẫn giữ tên là Linacre College, đánh dấu sự đóng góp cho học thuật của bác sĩ Thomas Linacre (1460-1524). Sinh tại Kent và tốt nghiệp ĐH Oxford, ông từng học và sống Ý, đã giữ chức chủ tịch Trường Y Hoàng gia Anh ở London (Royal College of Physicians of London) trước khi bỏ nghề, trở thành một linh mục Công giáo La Mã.