Chuyện Việt Nam Thứ Hai 30/10/2023: *Một giường ba bệnh nhân và chuyện y tế cơ sở *Đại biểu Quốc hội sẽ cuốc gì nữa? *Vinfast động thổ nhà máy ở Mỹ nhưng không có tiền để xây


Spread the love

Quê Hương tổng hợp


DongPhungViet – Đại biểu Quốc hội sẽ cuốc gì nữa?

29/10/2023

Tờ Tuổi Trẻ vừa kể chuyện Garmex Sài Gòn – doanh nghiệp lâu đời, nổi tiếng trong lĩnh vực dệt may, cổ phiếu đã được đưa ra giao dịch từ 2006… Theo đó, quý rồi (quý 3/2023), doanh thu hợp nhất của Garmex Sài Gòn chỉ có 73 triệu đồng. Khoản thu khiêm tốn đến mức đáng ngại này không phải nhờ sản xuất – sản phẩm mà là từ dịch vụ. Garmex thua lỗ suốt năm quý vì không có đơn đặt hàng. Cuối năm 2021, nhân sự của Garmex Sài Gòn là hơn 3.700 người nhưng tới cuối tháng vừa rồi, nhân sự chỉ còn… 37 người (1). 

Garmex Sài Gòn không phải là trường hợp cá biệt. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp dệt may. Tháng trước, tờ Tuổi Trẻ từng đề cập đến việc ngoài chuyện thiếu đơn đặt hàng, những doanh nghiệp này còn bị đe dọa vì thiếu công nhân. Thiếu việc, thu nhập giảm, chỉ làm việc cầm chừng không đủ tiền trang trải các nhu cầu thiết yếu nên công nhân bỏ việc hàng loạt (2). Vì thiếu nhân lực, doanh nghiệp không thể hoàn tất các đơn đặt hàng vốn rất hiếm hoi, cả doanh nhân lẫn công nhân cùng hấp hối.

Con số doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động vẫn tăng không ngừng. Chẳng riêng những doanh nghiệp sản xuất như Garmex Sài Gòn ngắc ngoải, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng điêu đứng. Trong khi thất nghiệp tràn lan, tất cả các giới đều tuyệt vọng về tương lai, không những không đề ra được giải pháp nào để giúp dân chúng nói chung và doanh giới nói riêng sinh tồn, chính phủ còn liên tục dùng các chỉ số để… báo công đã thúc đẩy… tăng trưởng! Quốc hội – cơ quan giám sát cũng vậy!

Thay vì thảo luận để xác định nguyên nhân khiến kinh tế – xã hội càng ngày càng bi đát, tìm kiếm giải pháp cải thiện tình hình, quốc hội tiếp tục dành thời gian để xem nên đặt tên cho loại giấy tờ tùy thân, giúp nhận dạng từng cá nhân là… “căn cước công dân” (CCCD) hay… “căn cước” (3). Thay vì xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Công an, trực tiếp xử lý ông Tô Lâm bằng phiếu bãi nhiệm hay yêu cầu Thủ tướng xử lý nhân vật từng nằng nặc đòi thông qua “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” – thường được gọi tắt là “Đề án 06” (4), từng tuyên bố việc cấp phát CCCD  là “mệnh lệnh chiến đấu và kỷ luật công tác” (5), nhiều ĐBQH lại nhất trí với yêu cầu mới của ông Tô Lâm… sửa Luật CCCD thành Luật Căn cước, bất chấp sự thật hiển nhiên rằng: Điều đó tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước – trong tám năm buộc công dân phải đổi giấy tờ tùy thân ba lần (6).

***

Các ĐBQH khóa này đổ về Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ sáu sau khi Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam công bố “Kết quả  khảo sát về đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023” với nhiều số liệu mà bất kỳ ai có lương tri cũng choáng váng: Thu nhập của 75,5% người lao động không đủ sống và điều này buộc 53,7% phải cân nhắc về việc kết hôn, 72% phải cân nhắc về việc sinh con. Chỉ 37% đủ khả năng bảo đảm 100% nhu cầu học hành của con cái.

Tỉ lệ người lao động có thể ăn thịt, cá mỗi ngày chỉ là 26,2%. Có tới 10,3% cho biết với thu nhập hiện tại, họ chỉ có thể ăn thịt, cá trong bữa ăn với gia đình một lần/tuần. Chỉ có 40% đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản khi đau bệnh. 6,3% cho biết thu nhập hiện tại đủ để khám bệnh, mua thuốc, chữa bệnh và 6,5% cho biết không làm gì cả và để bệnh tự khỏi. Thu nhập không đủ sống nên 17,3% thường xuyên vay nợ, 45,2% người vay nợ lo lắng, bất an và hơn 3% thường xuyên bị dọa dẫm, khủng bố vì nợ nần.

Bà Phạm Thị Thu Lan – Viện phó Viện Công nhân và Công đoàn, một trong những nơi thực hiện cuộc khảo sát vừa đề cập, kể với báo giới: Rất nhiều người lao động bày tỏ mong muốn được làm nhiều giờ hơn. Thật đáng buồn khi nghe người lao động cho biết sau nhiều năm làm việc họ vẫn không thể tích lũy nên phải tìm việc làm thêm. Một đất nước có thu nhập trung bình mà người lao động vẫn phải sống như vậy thì theo chúng tôi đó là sự tồn tại hơn là cuộc sống có chất lượng (7)…

“Kết quả  khảo sát về đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023” chỉ cung cấp các số liệu cụ thể về thực trạng mà ai cũng biết và trong vài năm gần đây, mức độ tệ hại càng ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên các ĐBQH – những cá nhân tự nhận là những người đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của toàn dân” hoàn toàn không bận tâm. Năm trước, sau khi dành rất nhiều thời gian để bàn bạc, các ĐBQH khóa này ra “Nghị quyết  thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” (Nghị quyết 73/2022/QH15)! Thừa thắng xông lên, năm nay, các ĐBQH khóa này bắt đầu thảo luận về việc phân nhóm số điện thoại để xác định đúng giá trị tiềm năng của “số điện thoại đẹp” và tổ chức đấu giá “số điện thoại đẹp”, tăng thu ngân sách (8)! Đây là bất trí hay vô tri? Rất khó xác định! Có người phỏng đoán, có thể vì thấy dân chúng như vậy, doanh giới như vậy, lại hoang mang vì không biết giải quyết “quốc kế, dân sinh” thế nào nên các ĐBQH nhắm vào “số đẹp” để… cuốc. Chẳng may phỏng đoán đó đúng, hết “số đẹp” các ĐBQH sẽ nhắm vào gì để cuốc?      

Tham khảo

(1) https://tuoitre.vn/khong-don-hang-mot-cong-ty-det-may-gan-4-000-nhan-su-nay-con-37-nguoi-20231027134339417.htm

(2) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-det-may-thieu-don-hang-thieu-ca-lao-dong-20230921151257208.htm

(3) https://plo.vn/quoc-hoi-tranh-luan-soi-noi-doi-ten-cccd-thanh-the-can-cuoc-post758315.html

(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-06-QD-TTg-2022-De-an-phat-trien-ung-dung-du-lieu-ve-dan-cu-2022-2025-499726.aspx

(5) https://cadn.com.vn/bo-truong-to-lam-thuc-hien-de-an-06-la-menh-lenh-chien-dau-va-ky-luat-cong-tac-post259321.html

(6) https://thanhnien.vn/8-nam-ma-3-lan-doi-the-can-cuoc-gay-du-luan-khong-tot-185230622172238794.htm

(7) https://vneconomy.vn/hon-11-cong-nhan-co-muc-luong-khong-du-song.htm

(8) https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-chia-nhom-sim-dien-thoai-so-dep-gia-khoi-diem-cao-nhat-la-200-trieu-dong-1258990.ldo


Vụ Vạn Thịnh Phát: 2 nguyên Chủ tịch SCB cùng 5 người bị Bộ Công an truy nã

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/r_vu-van-thinh-phat-2-nguyen-chu-tich-scb-cung-5-nguoi-bi-bo-cong-an-truy-na2.jpeg

Các bị can hiện đang bị truy nã. (Ảnh: bocongan.gov.vn) 

Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, 2 nguyên chủ tịch Ngân hàng SCB cùng 5 người khác bị khởi tố nhưng đang bỏ trốn nên bị Bộ Công an phát lệnh truy nã.

Ngày 29/10, website của Bộ Công an Việt Nam cho hay Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra Quyết định truy nã đối với 7 bị can trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan.

Theo bài đăng này, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đang điều tra vụ án “Tham ô tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan.

Trước đó, ngày 25/10, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 người nhưng những người này đã bỏ trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu.

Bảy người gồm:

– Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1974, trú tại TP.HCM) – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB;
– Đinh Văn Thành (SN 1971, trú tại TP.HCM) – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB;
– Chiêm Minh Dũng (SN 1973, trú tại Cần Thơ) – nguyên Phó Tổng giám đốc SCB;
– Trầm Thích Tồn (SN 1961, trú tại Trà Vinh) – nguyên thành viên Hội đồng quản trị SCB;
– SUN HENRY KA ZIANG (SN 1957, quốc tịch Trung Quốc) – nguyên thành viên Hội đồng quản trị SCB;
– Lam Lee George (SN 1959, trú tại Hong Kong, quốc tịch Canada) – nguyên thành viên Hội đồng quản trị SCB;
– Nguyễn Lâm Anh Vũ (SN 1969, trú tại TP.HCM) – nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Theo kết quả điều tra của công an, từ năm 2018 đến năm 2020, các bị can có liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty CP Đầu tư Quang Thuận, Công ty CP Dịch vụ Thương mại TP.HCM, Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt. Theo Bộ Công an, số trái chủ bị lừa lên đến 42.000 người.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định những trái chủ đang sở hữu 25 mã trái phiếu do 4 Công ty phát hành nêu trên là nạn nhân trong vụ án.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị nạn nhân trong vụ lừa đảo còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu mã: ADC 2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 do 4 Công ty nêu trên phát hành đến Công an các tỉnh, thành phố (nơi cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị để được xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Khánh Vy (t/h)


Vinfast động thổ nhà máy ở Mỹ nhưng không có tiền để xây

October 30, 2023 

https://eadn-wc04-9642573.nxedge.io/wp-content/uploads/2023/10/Photo-1-2919-1690596073-696x441.jpg

Không có thêm bất kỳ tin tức cập nhật vụ xây nhà máy sau lễ động thổ ồn ào hồi cuối tháng 7/2023

Nói thêm về rủi ro khi xây dựng nhà máy ở Mỹ là chi phí duy trì và hoạt động rất là cao. Có khi lên tới cả tỷ đô mỗi năm. Nên nếu Vinfast thực sự xây nhà máy thì việc bán được xe hay lấy đâu đủ duy trì cũng là bài toán nan giải. 

Nhìn vào hiện trạng mảnh đất dự định xây nhà máy Vinfast ở bang North Carolina, Mỹ, thì có thể thấy mọi thứ vẫn y nguyên từ lúc động thổ hồi cuối tháng 7 và chỉ có những ống nước bê tông để sẵn đó.

Có vẻ Vinfast chưa trả tiền đền bù đất cho khu này.

Theo báo News Observers, nhiều chủ đất trên đường vào nhà máy Vinfast vẫn chưa nhận được tiền đền bù đất và Vinfast đã thực sự không còn đủ tiền để thực hiện xây dựng nhà máy.

Về tình hình giấy phép, Vinfast mới nhận được Air Permit, một loại chứng nhận khí thải, nhưng còn vướng, chưa có giấy phép của Công Binh Hoa Kỳ đánh giá ô nhiễm nguồn nước do nhiều tổ chức bảo vệ môi trường ở North Carolina phản đối.

Ngoài ra, Vinfast cũng đã nộp đơn lên xin vay 1.4 tỷ USD từ chương trình vay ưu đãi phát triển năng lượng thay thế của Bộ Năng lượng Mỹ và thúc ép bang North Carolina vận động nhưng có vẻ không có tác dụng.

Nói chung là đa số các công ty của Mỹ hoặc hiếm lắm là Nissan Bắc Mỹ được vay ưu đãi để kích cầu xe điện vì Nissan Leaf hồi đó giá khá rẻ. Cho nên hy vọng của Vinfast được Bộ Năng lượng Mỹ phê duyệt khoản vay ưu đãi là khá thấp.

Nói thêm về rủi ro khi xây dựng nhà máy ở Mỹ là chi phí duy trì và hoạt động rất là cao. Có khi lên tới cả tỷ đô mỗi năm. Nên nếu Vinfast thực sự xây nhà máy thì việc bán được xe hay lấy đâu đủ duy trì cũng là bài toán nan giải. 

Sợ đất hay cả cái tập đoàn Vingroup cũng không bù nổi hoạt động hai, ba năm.


Nguyễn Thị Phương Thảo và VietJet bị kiện tại Singapore

October 30, 2023 

https://eadn-wc04-9642573.nxedge.io/wp-content/uploads/2023/10/image_2023-10-30_113853611-696x418.png

Báo đảng giấu tin tiêu cực về VietJet

Hãng VietJet và người sáng lập Nguyễn Thị Phương Thảo nằm trong số các bên đang bị kiện ở Singapore với cáo buộc âm mưu ngăn chặn việc trả lại bốn máy bay thuê trị giá khoảng 200 triệu USD.

FW Aviation Holdings 1, chủ sở hữu các máy bay, cáo buộc Nguyễn Thị Phương Thảo âm mưu với một số giám đốc điều hành của VietJet và hai công ty thành lập ở Singapore – Silva Star Capital và Polar Star Capital – ngăn cản nỗ lực tịch thu máy bay.

Nỗ lực thu hồi bốn chiếc máy bay của FW Aviation đang được ngành hàng không theo dõi chặt chẽ. Cơ quan giám sát cho thuê máy bay đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi sau khi một tòa án Việt Nam ngăn cản việc hủy đăng ký các máy bay của VietJet, trong một hành động được cho là vi phạm một hiệp ước quốc tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến chi phí tài chính trong tương lai của việc giao máy bay cho các hãng hàng không Việt Nam.

VietJet ban đầu bị kiện ở Anh khi hãng này không trả được tiền thuê bốn máy bay Airbus A321. Hãng đã trả hơn 4,4 triệu đến 5,2 triệu USD mỗi năm cho mỗi chiếc máy bay. Tính đến tháng 10 năm 2021, hãng này bị truy thu khoảng 8 triệu đô la Mỹ và phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành hợp đồng thuê.

Sau đó, hãng đã ký thỏa thuận với FW Aviation, đồng ý viết văn bản cho Cục Hàng không Việt Nam hủy đăng ký và chuyển lại bốn chiếc máy bay này cho FW Aviation. Đinh Việt Phương đã ký bức thư với tư cách là giám đốc điều hành của VietJet khi đó.

Phương hiện là một trong những bị đơn trong vụ kiện ở Singapore.

Silva Star Capital, với tư cách là cổ đông của VietJet, sau đó đã khởi kiện Cục Hàng không Việt Nam và nhận được phán quyết của tòa rằng chỉ có hội đồng quản trị chứ không phải Phương có thẩm quyền yêu cầu hủy đăng ký.

Bốn chiếc máy bay được lên kế hoạch sử dụng trong tối đa 12 năm, tạo ra doanh thu hàng năm từ 27 triệu đến 29 triệu USD và lợi nhuận từ 2 triệu đến 3 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay.

VietJet sẽ được mua các máy bay với giá ưu đãi vào năm thứ 8 hoặc 10 của thời hạn thuê. Họ đã trả 45,4 triệu đô la Mỹ vào thời điểm gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch và không trả được hợp đồng thuê, và theo thỏa thuận, các khoản thanh toán này sẽ bị mất nếu không hoàn thành hợp đồng thuê.

Silva Star Capital sau đó đã dừng vụ kiện tại Việt Nam và hủy bỏ lệnh cấm, nhưng ba cổ đông Việt Nam khác đã khởi kiện trong nước và đã được cấp lệnh cấm.

Mặc dù các lệnh này sau đó đã được rút lại sau khi FW Aviation bắt đầu thủ tục tố tụng nhắm vào VietJet, Thảo và Phương ở Anh vì vi phạm lệnh. FW Aviation cho biết vụ kiện đang diễn ra tại Việt Nam đã ngăn cản họ thu hồi máy bay.

FW Aviation, do luật sư Wendy Lin đại diện trong vụ kiện ở Singapore, cáo buộc rằng Thảo là giám đốc trên thực tế và cuối cùng kiểm soát Silva Star Capital và cổ đông Polar Star Capital. Phương cũng là một trong hai giám đốc của Polar Star.

FW Aviation lập luận rằng Phương, Thảo và hãng vận chuyển đứng đằng sau các hành động pháp lý, trong đó có vụ mới nhất từ ba cổ đông tại Việt Nam, nhằm hủy bỏ lệnh trao trả máy bay. Họ muốn tòa án Singapore ra lệnh cho các bị cáo không được bắt đầu hoặc tiếp tục bất kỳ thủ tục tố tụng nào trên toàn thế giới.

Các bị cáo, được đại diện riêng bởi cố vấn cấp cao N Sreenivasan, luật sư Megan Chia và Blossom Hing, phản đối việc tòa Singapore là diễn đàn thích hợp để xét xử vụ kiện do FW Aviation đưa ra.

Một số bị đơn cho rằng vụ kiện tụng thiếu mối liên hệ với Singapore vì hầu hết họ và nguyên đơn đều không có quan hệ cá nhân với Singapore. Ngoài ra, âm mưu bị cáo buộc cũng như việc thực hiện hợp đồng cho thuê cũng không diễn ra ở đó.

Phiên xử đầu tiên về vụ việc đã diễn ra ngày 25/10 tại Tòa án Tối cao Singapore.


XEM THÊM

Hà Nội: Bắt quả tang cô gái trẻ dự đám cưới của người lạ để trộm tiền mừng

Hà Nội: Bắt quả tang cô gái trẻ dự đám cưới của người lạ để trộm tiền mừng

H.T.K.L. tại cơ quan điều tra (Ảnh: Nhà chức trách Hà Nội)

 Bình luậnHoàng Anh • 16:48, 30/10/23

Thừa lúc gia đình cô dâu, chú rể không chú ý, cô gái này đã vào phòng ngủ trộm 51 phong bì tiền mừng cưới, tổng giá trị hơn 19 triệu đồng.

Cụ thể, trưa ngày 25/10, H.T. K. L (sinh năm 2003, trú tại Cụm 2, xã Thọ Xuân) ăn mặc đẹp và đến dự đám cưới người không quen biết là gia đình bà Nguyễn Thị Lữ ở xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Thừa lúc mọi người không chú ý, L. đã lẻn lên tầng 2, vào phòng ngủ mở tủ lấy 51 phong bì tiền mừng cưới, tổng giá trị hơn 19 triệu đồng. Khi L. đang chuẩn bị rời đi thì bà Lữ đi vào phòng.

Phát hiện L. là người lạ, bà Lữ yêu cầu L. xuống tầng một của gia đình. Do sợ hành vi trộm cắp bị phát hiện, L. nói với bà Lữ xin đi vệ sinh nhờ. Vào nhà vệ sinh, L. giấu toàn bộ phong bì vừa lấy được trong chậu quần áo.

Sau khi L. ra khỏi nhà vệ sinh, bà Lữ kiểm tra thì phát hiện 51 phong bì tiền cưới đang ở trong chậu quần áo nhà vệ sinh nên đã báo cho nhà chức trách địa phương.

Tại trụ sở điều tra, L. khai nhận ngoài vụ việc trên, cô còn gây ra nhiều vụ trộm cắp tương tự khác.

Cụ thể, ngày 24/9, L. đã cậy hộp gỗ đựng tiền mừng tại đám cưới của con gái bà N.T.V. (ở xã Hạ Mỗ) để ăn trộm. Cùng ngày, L. “cuỗm” 135 phong bì mừng cưới tại đám hỷ của con gái bà Đ.T.Đ. (ở xã Tân Hội).

Ngoài ra, nhà chức trách cũng xác định L. cũng trộm cắp tại đám cưới ở xã Thượng Mỗ ngày 3/10 và xã Thạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vào ngày 24/10.

Cách thức thì L. áp dụng cùng một chiêu thức, cô gái giả làm khách được mời, ăn mặc sang chảnh, đi xe máy đẹp đến đám cưới để không ai nghi ngờ. Sau đó, L. lợi dụng lúc gia đình tổ chức đón, đưa dâu để trộm cắp. Tổng số tiền mừng cưới mà cô gái đã trộm được khoảng 200 triệu đồng.

NTDVN.NET


Một giường ba bệnh nhân và chuyện y tế cơ sở

Quan Thế Dân

Quan Thế Dân

Thứ hai, 30/10/2023 – 08:48

Nhiều năm nay chúng ta loay hoay với tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, cảnh 2, 3 bệnh nhân và thậm chí nhiều hơn nằm chung giường đã trở thành quen thuộc. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong số đó nằm ở năng lực của y tế cơ sở và thói quen của người dân, cứ có bệnh là đi thẳng ra thành phố chữa trị.

Hệ thống y tế của Việt Nam chia làm 3 tuyến: Trung ương, tỉnh và cơ sở. Tuyến cơ sở gồm y tế từ huyện trở xuống, như bệnh viện huyện, trung tâm y tế dự phòng huyện, các trạm y tế xã… Phải nói rõ như vậy vì nhiều người vẫn hiểu nhầm, cứ nghĩ y tế cũng phân cấp giống như hệ thống hành chính có 4 cấp, Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Tầm quan trọng của y tế cơ sở (YTCS) với chăm sóc sức khỏe toàn dân chúng ta đã nói đến từ lâu. Ai cũng công nhận rằng YTCS rất quan trọng vì gần dân, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng phục vụ. Hơn nữa, YTCS còn gắn với y tế dự phòng, có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống y tế.

Một giường ba bệnh nhân và chuyện y tế cơ sở - 1
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân ở một đơn vị y tế cơ sở tỉnh Đắk Lắk, tháng 12/2018 (Ảnh: H.Hải)

Dường như cứ nghĩ YTCS là y tế xã, cho nên một thời gian dài trước đây mô hình y tế của huyện không được chú trọng, bệnh viện huyện và mấy trung tâm y tế huyện hết tách ra rồi nhập vào. Đến năm 1998, chúng ta hợp nhất tất cả các tổ chức y tế trên địa bàn huyện như bệnh viện huyện, y tế dự phòng, trung tâm chăm sóc bà mẹ, trẻ em… thành trung tâm y tế huyện.

Sau một thời gian thấy khó quản lý nên đến năm 2005 lại tách ra thành 3 bộ phận: Phòng y tế thuộc ủy ban huyện, quản lý các trạm y tế xã; bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng thì thuộc Sở y tế. Tách ra một thời gian vẫn thấy không ổn, chồng chéo hoạt động, nên đến năm 2016 lại quy định sáp nhập tất cả thành một trung tâm y tế huyện như năm 1998.

Qua nhiều giai đoạn, dù còn rất khó khăn và không ổn định về tổ chức, nhưng phải công nhận hệ thống YTCS đến nay đã đạt được nhiều thành tích vững chắc. Các dịch bệnh lưu hành trước kia như lao, tả, lỵ, mắt hột, bại liệt, viêm não đã được loại bỏ. Các đợt dịch theo mùa bị khống chế. YTCS cũng góp phần rất lớn trong phòng, chống đại dịch Covid 19. Có thể nói YTCS đã góp phần vào kết quả chung là làm cho tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,4 tuổi, ngang mức trung bình của thế giới.

Nhưng tất cả những kết quả đã đạt được vẫn còn dưới mức mong đợi của xã hội. Người dân còn kỳ vọng cao hơn nữa vào YTCS. Để đáp ứng điều này, ai cũng thấy là cần đầu tư mạnh hơn, nhưng phải có chính sách “đúng và trúng” kèm theo hành động thực tế.

Giai đoạn gần đây Bộ Y tế có chương trình 10 năm (2011 – 2020) củng cố y tế tuyến cơ sở với bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đến năm 2020 tổng kết chương trình, số xã trên toàn quốc đạt điểm chuẩn hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia là 94%. Như vậy phải nói là chương trình trên đã hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên nhiệm vụ của ngành y vẫn còn rất nặng nề, vì thực ra bộ tiêu chí quốc gia dành cho y tế xã vẫn còn rất thấp so với đòi hỏi chăm sóc sức khỏe của người dân hiện nay.

Điểm qua một số tiêu chí chính của trạm y tế xã như: Nhân lực từ 5 đến 10 người; có bác sĩ làm việc tại xã 3 ngày/tuần; có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, máy thử đường máu… thì ta thấy công việc của trạm y tế xã vẫn chủ yếu là thực hiện các “phong trào” như cũ, có thể về nề nếp hành chính sẽ chuẩn chỉ hơn song thực chất việc điều trị không cải thiện là bao. Nhiệm vụ của nhân viên trạm y tế xã vẫn suốt ngày bị cuốn vào các “phong trào” bất tận. Còn người dân hầu như khi có bệnh là tự đi thẳng lên huyện hoặc tỉnh, nhất là từ khi bảo hiểm y tế thông tuyến đến tận tỉnh.

Về mặt chính sách thì YTCS và y tế dự phòng luôn được đề cao song trên thực tế không được như vậy. Không khó để chúng ta nhìn thấy nguồn lực y tế vẫn dành phần lớn cho điều trị và cũng chủ yếu tập trung cho tuyến Trung ương.

Tại sao như vậy? Chung quy vẫn chỉ tại nguồn lực còn hạn chế, hay nói nôm na là tại cái nghèo. Nguồn lực hạn chế nên chúng ta luôn loay hoay giữa các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, giữa tính thành tích và tính bền vững, giữa tư duy nhiệm kỳ và tư duy cho hàng chục năm.

Với một nguồn lực ít ỏi trong tay, thì rất tự nhiên, người làm công tác y tế muốn chi tiêu ngay cho công việc trước mắt là điều trị, kết quả thấy ngay. Còn nếu tiêu cho y tế dự phòng, kết quả sẽ đến rất chậm và cũng không rõ ràng. Cũng tương tự như vậy, nếu tập trung đầu tư cho vài bệnh viện lớn ở Trung ương thì hình ảnh sẽ thấy rõ, còn cũng từng ấy tiền mà dàn trải cho 10.000 xã trong toàn quốc thì mỗi xã một ít, phải nói là như muối bỏ bể, không nhìn thấy đâu cả.

Điều đáng mừng là gần đây Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của YTCS trong tình hình mới.

Là người đã trải hơn 40 năm trong ngành y, đã chứng kiến và tham gia rất nhiều phong trào của ngành y, từ phong trào 5 dứt điểm của YTCS của những năm 1980 đến nhiều phong trào khác sau này, tôi xin đóng góp 3 điểm sau:

Thứ nhất, xác định chính xác được địa bàn đầu tư: YTCS bao gồm cả y tế huyện và y tế xã. Vậy nên đầu tư cho y tế nào. Nhiều phong trào trước đây xác định YTCS tức là xã và tập trung đầu tư cho trạm y tế xã. Kết quả là nguồn lực dàn trải, tác động không rõ ràng. Vì vậy, cùng với việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 25, cụ thể như đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn…, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm trước đây để tập trung đầu tư cho y tế huyện (cấp huyện có 700 địa chỉ đầu tư, còn cấp xã là 10.000). Các bệnh viện huyện với đầy đủ các phương tiện, khoảng cách đến người dân dưới 20km, sẽ là nơi gần dân nhất, giúp ích thiết thực cho dân nhất.

Thứ hai, xác định nguồn lực từ đâu. Trong quá trình triển khai Chỉ thị 25, các cấp chính quyền sẽ bố trí nguồn tài chính dành cho YTCS. Nhưng một vấn đề chúng ta cần chú ý là tình trạng tài chính của YTCS hiện nay dựa chủ yếu vào bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi đó cơ cấu chi trả của BHYT vẫn “ưu ái” cho bệnh viện tuyến trên. YTCS bị khống chế cả về dịch vụ kỹ thuật lẫn trần thanh toán. Nên để có tài chính cho YTCS thì phải thật mạnh mẽ thay đổi cách chi trả của BHYT bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp từ ngân sách.

Thứ ba, xác định cụ thể lời giải cho bài toán nhân lực y tế. Để có được bác sĩ giỏi ở huyện mà dùng biện pháp hành chính như phân công, luân chuyển bác sĩ theo nghĩa vụ hoặc đào tạo cử tuyển người của địa phương đã thực hiện suốt thời gian dài trước kia, thì kết quả là có song khá hạn chế.

Chúng ta phải xác định cụ thể phụ cấp lương là bao nhiêu, dứt khoát lương bác sĩ về huyện phải cao hơn nhiều lần lương bác sĩ ở lại thành phố lớn thì mới đủ hấp dẫn. Tiếp theo, con đường nâng cao chuyên môn các bác sĩ ở tuyến YTCS cụ thể như thế nào? Một lộ trình học tập rõ ràng như sau bao nhiêu năm thì được đi học, khi đi học được hỗ trợ cụ thể bao nhiêu. Nếu có một mức lương đủ hấp dẫn, cũng như một lộ trình thăng tiến rõ ràng, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhân lực trình độ cao cho YTCS.

Chủ trương, chính sách đi vào đời sống không chỉ cần có nguồn lực mà cần quyết tâm hành động và cần cả rút kinh nghiệm từ những bài học của quá khứ. Mong rằng những năm tới đây chất lượng YTCS sẽ dần được cải thiện, theo đó bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương sẽ được giảm tải, không còn cảnh nhiều bệnh nhân chen chúc trên một giường.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Theo Dantri.com.vn

Comments are closed.