Chuyện Việt Nam Thứ Hai 31 tháng 7 năm 2023: *Trần Huỳnh Duy Thức bị tịch thu thiết bị y tế cá nhân *Chỉ có ‘thiên tài’ mới làm đường cao tốc bị ngập *Chuyến bay giải cứu và ‘tham nhũng có tính Đảng’ *Mỗi năm VN có 200.000 người đột quỵ
Quê Hương tổng hợp
TNLT Trần Huỳnh Duy Thức bị trại giam tịch thu thiết bị y tế cá nhân sau khi đấu tranh đòi công lý
RFA – 31/7/2023
Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. RFA edited
Cán bộ Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) tịch thu đồ dùng của tù nhân lương tâm (TNLT) Trần Huỳnh Duy Thức, ông nghi ngờ mình bị trù dập vì lên tiếng đòi công lý cho bản thân.
Ông Thức, một doanh nhân và kỹ sư về công nghệ thông tin đang thụ án năm thứ 14 của bản án 16 năm tù về tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” bị quản giáo thu các thiết bị y tế cá nhân sau khi ông viết giấy phản hồi Toà án Nhân dân Tối cao về Văn bản số 253 của chính cơ quan này.
Trong văn bản này, Toà án Nhân dân Tối cao khẳng định ông Thức bị kết tội theo Khoản 1 của Điều 79 BLHS 1999 “thuộc trường hợp tội phạm đã hoàn thành, không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo Khoản 3 của Điều 109 BLHS 2015.”
Do đó, ông không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi theo quy định tại Nghị quyết số 41 năm 2017 của Quốc hội để xem xét miễn phần hình phạt còn lại.
Ông Trần Huỳnh Duy Tân nói gia đình ông nhận được thông tin từ anh ruột ông trong cuộc gọi bất thường vào ngày 30/7. Ông thuật lại cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết về tình cảnh của anh ruột mình ở trại giam trong thời gian gần đây.
“Ngày 20/7 vừa rồi, (giám thị) trại giam họ đi vào buồng giam của anh và họ lấy hết những thứ rất cần thiết cho sinh hoạt của anh như đèn đọc sách, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, và cái quạt chạy bằng pin.
Đó những thứ mà anh rất cần trong điều kiện thời tiết (nóng bức như hiện nay-PV) cũng như kiểm tra sức khỏe trong tình trạng của anh hiện tại. Họ nói để đi kiểm tra nhưng mà cả tuần rồi cũng không trả lại nữa.”
Theo lời ông Thức thuật lại với gia đình, vào ngày 22/7, người của Cục An ninh vào buồng giam kiểm tra tất cả đồ đạc cá nhân còn sót lại. Ông cho rằng điều này liên quan tới việc trả lời Văn bản 253, và khẳng định “chắc chắn đây là sự trù dập, trả thù đối với việc ông đấu tranh cho cái bản án đó.”
Trại giam cũng không cho ông Thức tiếp tục gửi thư về nhà như thường lệ.
Phóng viên hôm 31/7 gọi điện cho Trại giam số 6 để kiểm chứng thông tin gia đình ông Thức cung cấp, nhưng không có ai nghe máy.
Cũng theo gia đình của tù nhân lương tâm nổi tiếng này, ông sẽ từ chối thăm gặp gia đình từ tháng sau để phải đối hành động của giám thị và quản giáo Trại tạm giam số 6, đồng thời đề nghị gia đình báo cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam biết về việc ông bị phân biệt đối xử, và ông cũng muốn được gặp đại diện ngoại giao quốc tế để nói về trường hợp của mình.
Nếu không được đáp ứng, ông sẽ từ chối quyền được gọi điện thoại về nhà, gia đình cho biết. Ông Thức cũng tuyên bố không mặc đồng phục tù nhân mà trại giam cung cấp, theo quy định tù nhân sẽ phải mặc mỗi khi gặp thân nhân.
Ông Thức là một trong nhiều tù nhân lương tâm được nhiều chính phủ quốc gia phương Tây quan tâm và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng đòi tự do cho ông kể từ khi ông bị bắt hồi năm 2009.
Ông đã tuyệt thực nhiều lần trong trại giam để phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo và đòi được trả tự do.
Chính sách doanh nghiệp quốc doanh: nhầm lẫn và mâu thuẫn
RFA
29/7/2023
Hình ảnh tiền đồng Việt Nam trong một bức ảnh minh họa của Reuters năm 2017
Reuters
Hôm 18/07/2023, Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong nước cho biết Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp công bố thông tin rằng trong nửa đầu năm 2023, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước giải ngân vốn đầu tư đạt 59.500 tỷ đồng. Một số tập đoàn, tổng công ty được đánh giá là có kết quả giải ngân tích cực như EVN (Tập đoàn Điện lực), PVN (Tập đoàn Dầu khí), VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông)…
Hồi tháng 3, 2023, Ủy ban này cũng công bố thống kê cho biết 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện có “tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1,6 triệu tỉ đồng (gồm cả phần quỹ chưa điều chuyển là 8.000 tỉ đồng), tổng tài sản hợp nhất là 2,45 triệu tỉ đồng, tăng 14.200 tỉ đồng.”
Bản thân chính quyền cũng nhận thấy các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không có động lực sáng tạo, “chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt động đầu tư cũng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết để thực hiện dự án lớn.” Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng những kết quả mà doanh nghiệp nhà nước đạt được “chưa ngang tầm với vốn, tổng giá trị tài sản đang nắm giữ.” Tuy vậy, ông vẫn chỉ đạo “các doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách đầu tư và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cung tiền ra nền kinh tế.” Cuối cùng thì các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có kết quả “giải ngân vốn tích cực” như bản tin Thời báo Kinh tế Sài Gòn ở trên cho biết hôm 18/7.
Mệnh lệnh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng cường đầu tư để “cung tiền ra nền kinh tế” dường như nằm trong một chính sách “có tính chiến lược” phát triển doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam.
Có 35 DNNN tỷ đô trong 3 năm?
TS. Nguyễn Lê Tiến, một nhà quan sát về các vấn đề kinh tế chính trị và công nghệ ở Việt Nam và quốc tế, trao đổi với RFA về Nghị quyết Số: 68/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ Việt Nam “về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội”.
Nghị quyết ban hành năm 2022 này đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nghĩa là chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam “có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ.”
Nếu có ít nhất 10 doanh nghiệp nhà nước đạt mức vốn chủ sở hữu, hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán, là 5 tỷ đô la Mỹ, thì tổng số vốn 10 doanh nghiệp này đạt được sẽ là 50 tỷ đô la. Và nếu có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước đạt số vốn (chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán) đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ thì tức là tổng số vốn của 25 công ty này sẽ là 25 tỷ đô la. Tổng cộng của cả 35 doanh nghiệp nói trên sẽ là 75 tỷ đô la Mỹ.
TS. Nguyễn Lê Tiến nhận xét rằng mục tiêu mà Chính phủ muốn doanh nghiệp nhà nước phải đạt được, như Nghị quyết này đặt ra, nếu làm theo nguyên tắc cạnh tranh sòng phẳng và công bằng trên thị trường, thì chỉ là vĩ cuồng. Còn nếu Việt Nam thực hiện mục tiêu này theo cách lâu nay vẫn làm thì sẽ đạt được mục tiêu, nhưng mục tiêu đó là có hại cho nền kinh tế.
Cách mà lâu nay Việt Nam vẫn làm sẽ là lấy tài sản công, như đất đai hoặc ngân sách, cung cấp vào các công ty này để tạo ra “vốn chủ sở hữu” lớn. Bằng cách làm đơn giản và có tính cơ học đó, họ có thể đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng làm như vậy sẽ gây hại cho quốc gia. TS. Nguyễn Lê Tiến phân tích cụ thể hai cái hại có tính chiến lược của chính sách này:
Một mặt, nó chôn vùi nguồn lực quốc gia vào chỗ không thể tạo ra giá trị. Không chỉ riêng gì Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước ở bất kì đâu, một khi được bao cấp nguồn lực và độc chiếm một thị trường nào đó mà không phải cạnh tranh, cũng sẽ trở nên trì trệ và mất động lực phát triển. Chôn nguồn lực ít ỏi của quốc gia vào chỗ ấy, mất nguồn lực để đầu tư cho gốc rễ của sự phát triển là giáo dục, văn hoá, xã hội, Việt Nam sẽ chìm sâu hơi vào các loại bẫy kinh tế, chính trị, xã hội, kìm hãm cơ hội phát triển của dân tộc.
Mặt khác, DNNN chiếm dụng nguồn lực quốc gia và độc quyền thị trường sẽ khiến cho cơ hội dành cho khối doanh nghiệp tư nhân trở nên hẹp hơn. Không tích lũy đủ nguồn lực, và không có cơ hội (cả về thị trường, vốn và cơ chế chính sách) khối tư nhân sẽ chỉ loay hoay trong một số lĩnh vực không có tính chiến lược với sự phát triển quốc gia.
Nếu chúng ta giả định rằng nhà nước Việt Nam sẽ đặt ra cơ chế cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước này, mục tiêu mà Nghị quyết nói trên nêu ra là không tưởng. Doanh nghiệp nhà nước luôn kém hiệu quả, thiếu sáng tạo. Đây là nhược điểm chung ở khắp nơi trên thế giới,không cứ riêng gì ở các nước XHCN hay Việt Nam. Thực tế là phần lớn các DNNN đều kinh doanh lỗ lã, không xứng với số vốn và tài nguyên bỏ cho nó.
Ông Nguyễn Lê Tiến kết luận rằng doanh nghiệp nhà nước chỉ nên làm những gì tư nhân không thể, hay không muốn làm. Doanh nghiệp nhà nước luôn có nhà nước đứng sau, nếu tham gia cả vào những gì tư nhân làm, bằng nguồn lực quốc gia với “nước sông, công lính” và quyền lực nhà nước thì luôn bóp chết doanh nghiệp tư nhân. Ông nêu ra một nghị quyết khác của Chính phủ Việt Nam ban hành cuối tháng 3 năm 2023, “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết số 45/NQ-CP), và đặt vấn đề:
“Chính phủ một mặt muốn ‘phát triển kinh tế tư nhân’, mặt kia lại đồng thời phát triển ‘những quả đấm thép’ nhà nước thì quả là mâu thuẫn!”
Lẫn lộn mục đích và kết quả
Trả lời câu hỏi của RFA về mục tiêu có 35 doanh nghiệp nhà nước “vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán” đạt trên 75 tỷ đô la Mỹ”, một cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không muốn nêu tên, nhận xét: Vấn đề nằm ở chỗ “vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ hay trên 5 tỷ đô la Mỹ” không phải là mục tiêu, mà là kết quả tự nhiên đi đến sau khi đạt được mục tiêu. Ông giải thích rằng đối với các doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu phải là lĩnh hội các thành tựu khoa học kĩ thuật mới, đổi mới sáng tạo, cho ra những sản phẩm phù hợp với thị trường và thành công về mặt thị trường. Khi đạt được những mục tiêu này, doanh nghiệp bước vào thị trường chứng khoán và được thị trường này chấp nhận, thì sẽ đạt kết quả về mặt tài chính.
Ví dụ, cùng là doanh nghiệp nhà nước, nhưng Vietel làm kinh doanh thành công, trong khi nhiều doanh nghiệp khác kém hiệu quả hoặc thua lỗ. Cái tạo ra sự khác biệt này là Vietel có chiến lược, có sản phẩm, có kế hoạch làm chủ công nghệ.
Việt Nam thường có thói quen tư duy là đặt ra các mục tiêu về mặt danh hiệu lên trước, và khi hành động thì nhắm đến các mục tiêu có tính hình thức này. Chúng ta thấy hiện tượng này khác phổ biến. Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục đại học, người ta đặt ra mục tiêu vào được danh sách xếp hạng “100 trường đại học hàng đầu”. Làm như vậy, họ quên mất rằng vào được danh sách xếp hạng “100 trường đại học hàng đầu” chỉ là kết quả của một quá trình cố gắng cải cách bộ máy, tổ chức, đầu tư nguồn lực cho giảng dạy, nghiên cứu, phát triển môi trường học thuật… Nguyên quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh: Khi đạt được những thành tựu này thì kết quả xếp hạng sẽ đến một cách tự nhiên, chứ vị trí trong bảng thứ hạng không phải là đích đến đầu tiên.
Chuyến bay giải cứu và ‘tham nhũng có tính Đảng’
31/7/2023 – Trần Đông A
(Hình: Phạm Kiên/TTXVN)
Viện sĩ Hoàng Xuân Phú từng viết: “Mọi hoạt động chống tham nhũng phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, đúng với quy định của pháp luật. Nếu cầm quyền mà hành xử phi pháp, thì xét về phương diện pháp lý, cũng chẳng hơn gì kẻ tham nhũng” (1).
Đại án vắng bóng “đại trung tâm”
Phiên tòa sơ thẩm vụ “Chuyến bay giải cứu” đã kết thúc trong sự bất cập về cả ba mặt là chính trị, tuyên truyền và tư pháp (2). Người dân có thể được trấn an, được mơn trớn phần nào rằng, Đảng quyết tâm xử tham nhũng “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, nhìn vào những sự tréo ngoe của phiên tòa, có thể thấy, nền tư pháp của Việt Nam là hết sức bất cập và vắng bóng kẻ bị hại. Bị can – Bị hại như là những tác nhân, những “đại trung tâm” của bất cứ vụ án lớn nào. Nhưng trong đại án vừa xử hoàn toàn vắng bóng các tác nhân bị hại. Cái kết luận của tòa hết sức vô trách nhiệm: Hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng hơn 200,000 hành khách đã trả giá cao trong thời điểm dịch bệnh khó khăn trên hàng ngàn chuyến bay hồi hương sẽ tiếp tục mờ tịt về việc có được bồi thường hay không (3).
Vụ án vừa khép lại sớm 12 ngày so với kế hoạch có nhiều “chiều kích” đáng bàn. Nếu như chỉ tiêu nào trong các Nghị quyết của Đảng cũng “vượt mức” như thế này thì ai dám bảo, Việt Nam sẽ thua xa Campuchia và Thái Lan trong nhiều lĩnh vực của sinh hoạt xã hội. Chẳng qua điều không may lần này là Đảng đã chọn sai thời điểm (bad timing). Xử đại án đúng vào lúc Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen đang làm lễ “truyền ngôi” cho Thái tử. Còn Thái Lan thì sau các cuộc bầu cử có ý nghĩa bước ngoặt, dường như người dân và tân chính quyền đang muốn “quay xe” sang dân chủ… Hai sự kiện này càng làm nổi bật lên “sự hụt hơi” cũng như nhiều bất cập trong tính tiên phong của Đảng trên các “đường đua” của khu vực Đông Nam Á (4).
“Sự sửa phạt” lần này ở pháp đình không đến nỗi quá nặng và chủ trương của Đảng vẫn giữ được “chừng mực” đối với các phán quyết. Các thế lực thù địch không thể xuyên tác tính nhân văn, nhân ái mà TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn nhấn mạnh mỗi khi ông “chất củi vào lò”. Chẳng qua là vì Đảng đã “nhỡ” tuyên bố về vai trò lãnh đạo “tuyệt đối và toàn diện” của mình, nên mọi quyết định ở tòa đều vướng vào “gậy ông đập lưng ông”. Thâm tâm, Ban Nội chính Trung ương chẳng bao giờ muốn để lộ ra việc “chạy án” giữa pháp đình như vừa qua. Nay kéo dài nữa thì kẹt, mà “nghỉ giải lao” lâu quá càng bất tiện. Thôi đành che miệng thế gian bằng cách “đánh bùn sang ao” như thế này vậy. Cho đến giờ này thì ai ai cũng thấy, hiếm có quốc gia nào có câu chuyện những chuyến bay giải cứu như Việt Nam trong đại dịch. Sự kiện mà rất nhiều người phải vay nóng, cầm cố, bán tài sản… trong khi các quan chức nhà nước, cả trung lẫn cao cấp, “ngạo nghễ” kiếm chác trên những nối bất hạnh của công dân mình.
Tòa án lương tâm sẽ xử tiếp
Tòa án lương tâm là thuật ngữ dùng để chỉ các chuẩn mực và những giá trị đích thực của nền công lý mà không phải bao giờ cũng được chứng minh xác đáng thông qua quy trình xét xử bởi các toà thông thường, tức là toà án tư pháp (judicial courts) hay bán tư pháp (semi-judicial courts) được thành lập theo luật. Vụ án “chuyến bay giải cứu” diễn ra trông giống như một cái chợ, xét từ góc nhìn “mua bán”, “mặc cả” công khai giữa cơ quan tố tụng và các bị can (5). Hẳn nhiên, vì thế mà phiên tòa thiếu vắng nhiều chuẩn mực và các giá trị nói trên. Cho nên vụ án này sẽ không dừng ở phiên sơ thẩm vừa diễn ra, hay kể cả phiên phúc thẩm sau này. Thay vào đó, tòa án lương tâm, lương tri sẽ còn xử tiếp cả bị can lẫn những kẻ nhân danh công lý để thực thi pháp luật…
Cả lương tâm lẫn lương tri trên pháp đình bao giờ cũng đòi hỏi “trọng chứng hơn trọng cung”, phải quán triệt nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Ấy vậy nhưng tại phiên tòa vừa qua, mọi quy trình có lúc bị đảo ngược. Kiến thức pháp lý của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng – nay đã trở thành “idol” của giới khoa bảng – có vẻ không thể địch lại nổi các lập luận của các cơ quan tố tụng, nhất là một khi giữa họ đã có sự thống nhất cao. HĐXX vẫn nhận định, hành vi của bị cáo Hoàng Văn Hưng đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (6). Nhưng có dư luận cho rằng, bản án tòa danh cho Hưng cũng không hẳn trên cơ sở trọng chứng hay trọng cung, mà thực chất cũng như bao vụ án từ trước đến nay, đó là thông điệp Đảng gửi đến toàn dân. Khi ra trước chốn pháp đình thì tốt nhất là không nên cãi lý với tòa. Điều này nhắc nhở mọi người nhớ lại phát biểu của cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương: “Luật của ta xử thế nào cũng được” (7).
Tính Đảng cao nhất tại phiên tòa chính là màn “vách áo cho người xem lưng” trong các lời cáo buộc sinh tử giữa Hưng, Tuấn và Hằng. Những rường cột của các lực lượng tư pháp lại chính là những con “mối chúa” có thành tích chạy án “dày”, đục ruỗng nền pháp lý XHCN… Mở ra phiên tòa là Đảng muốn chứng minh cho tính chính danh trong chiến dịch đột lò của ông Trọng. Nhưng sau 18 ngày theo dõi phiên tòa, người dân mới tá hỏa tam tinh rằng, tòa xử mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân, lại còn trưng ra bao nghịch lý (8). Kẻ chức tước cao (Thiếu tướng) lại phải “chạy vạy” cấp dưới (Trung tá) cho thấy các giá trị đảo lộn đến nhường nào? Các cơ quan tố tụng nghĩ gì về các khoản tiền lớn hiện chưa biết đang nằm ở đâu? 2000 chuyến bay mà chỉ thanh tra có 700 chuyến thì những bị can tiềm năng nào đã được “ưu tiên” cho lọt tội? Nay mai, nếu có chuyện gì xảy ra với Hoàng Văn Hưng thì tòa tính sao?
Các bị cáo chưa phải là chính phạm
Những tình tiết nghi vấn còn nguyên trong vụ đại án như: chứng cứ nào để biết trong cặp có tiền, hay các Thư ký ăn hối lộ một mình chứ không hề chia chác, cho thấy có một tổng đạo diễn “vô hình” đằng sau cả “dây chuyền tham nhũng” ở Việt Nam xảy ra giữa dịch giã Covid-19. Đó là kịch bản giống nhau đến kỳ lạ giữa “chuyến bay giải cứu” và “kit-test Việt Á”! (9) Theo đó, cả 2 công ty Bluesky và Việt Á làm nên 2 đại án kéo theo hàng trăm cán bộ trung cao cấp của Đảng xuống bùn đen đều là những doanh nghiệp nhỏ, hầu như vô danh nhưng lại được chọn để thực thi chủ trương lớn của BCT! Nếu theo dõi quá trình hình thành một “giai cấp mới” – tức là tầng lớp quan liêu, tầng lớp hưởng đặc quyền đặc lợi của Đảng Cộng sản, theo định nghĩa “chỉ mặt đặt tên” của Milovan Dijlas – thì chúng ta mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra rất gần với mình, ngay trên chính mảnh đất nơi chúng ta đang hàng ngày sinh sống (10).
Theo bình luận của Thiên Hành trên RFA, sự tha hóa ở đây là tất yếu. Không ai khác, chính Đảng/ Nhà nước đã ấn các điều kiện để dễ dàng tha hóa vào tay các cá nhân và bộ máy thực thi quyền lực. Những tuần qua người dân Việt Nam chứng kiến sự tha hóa của cả một tập thể các cán bộ lãnh đạo cao cấp tại nhiều cơ quan Nhà nước trọng yếu. Những thái độ, những câu nói trơ trẽn tột độ của họ, đối lập gay gắt với chức vụ rất cao mà họ từng giữ khiến những người dân thường hết “trồi” từ sự ngạc nhiên này lại “sụt” xuống sự sững sờ khác. Nhưng chỉ có những lương dân mới sững sờ thôi. Còn họ, các quan chức sống và làm việc theo cơ chế “còn Đảng còn mình” thì họ quan niệm “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” là “chuyện thường ngày ở huyện” (11). Hơn thế, đó cũng chính là nguyên tắc sống còn và lý do tồn tại của Đảng, là nơi thể hiện tập trung nhất tính đảng, tính “giai cấp mới” của bộ máy!
Một câu nói được cho là của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình…”. Nhưng súc vật chỉ quay lưng thôi, chứ chúng không nỡ lợi dụng đau khổ của đồng loại để hút máu và ăn thịt. Nhưng suy cho cùng, các bị cáo của đại án chưa phải là chính phạm trong “chuyến bay giải cứu” (12). Chúng chỉ là hệ quả phái sinh của “cơ chế xin – cho” mà ĐCSVN đã sinh hạ và nuôi dưỡng. Còn độc tài đảng trị, còn trò hề “công cuộc đốt lò”, thì tham nhũng, hối lộ còn sinh sôi nảy nở. Nhưng nếu Đảng chỉ “nới trói” một chút, “cho dân mở mồm” thì may ra “con bệnh” mới qua được những phút “lâm chung” hiện nay. Hãy để cho báo chí góp phần phát hiện tham nhũng khi nó còn trong kén. Hãy để cho truyền thông giúp thanh lọc bộ máy. Hãy thực hiện điều Hiến pháp đã cho phép lâu nay để người dân được lập các hội thân hữu, tạo nên những luồng gió mới tươi mát đẩy lùi các xú uế của nhũng lạm và hành dân. 600 năm trước Nguyễn Trãi từng dạy: “Lật thuyền là dân mà chở thuyền cũng là dân”. Tiếc rằng, bài học ấy của tiền nhân Đảng ngồi trong những resort “được lại quả” thì không có cách gì mà nhớ được, chứ chưa nói đưa ra thực thi để cứu Đảng, cứu chế độ!
https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-bay-giai-cuu-va-tham-nhung-co-tinh-dang-/7204626.html
Mỗi năm 200.000 người Việt đột quỵ: đừng đổ lỗi cho vaccine!
Trần Cảnh Chân/VNTB – 31/7/2023
Việt Nam xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, luôn luôn nằm trong top đầu về “ăn nhậu” trên bảng xếp hạng quốc tế.
Liên tục đưa ra những số liệu cũ để định hướng dư luận. Có phải các cơ quan truyền thông, tuyên giáo Việt Nam đang tung tin mập mờ về vấn đề đột quỵ tại Việt Nam để đổ lỗi cho vaccine?
Thông tin “mỗi năm 200.000 người Việt đột quỵ” đã được đưa ra từ tháng 10 năm 2011 (cách đây 12 năm), trong Lễ phát động phòng chống bệnh đột quỵ, tổ chức ngày 4/10/2011 ở TP. Hồ Chí Minh. Ở thời điểm đó, GS.TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống Tai biến mạch máu não đã dẫn chứng tài liệu quốc tế, cho biết mỗi năm có 5 triệu người bị tai biến mạch máu não, trong đó Việt Nam là 200.000 người.
Thế nhưng gần đây báo chí trong nước liên tục đưa lại tin này như là một số liệu mới, đặc biệt là sau khi người dân thực hiện chích ngừa virus Vũ Hán. Chỉ cần Google tìm từ khoá “200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm” thì sẽ xuất hiện ít nhất 50 bài viết từ 2021 đến nay. Đặc biệt là trong 1 tháng vừa qua có hơn 10 tờ báo đưa lại thông tin này, trong đó có những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Vietnamnet…
Một người dùng mạng xã hội đánh giá rằng việc đưa ra các thông tin đột quỵ sau khi người dân thực hiện chích ngừa virus Vũ Hán là cách để nhà cầm quyền đổ lỗi cho vaccine. Họ dùng các số liệu cách đây hơn 10 năm để cho người dân mơ hồ nghĩ rằng đột quỵ là do vaccine. Trong khi thực tế khoa học chứng minh đột quỵ là do các yếu tố về lối sống và bệnh lý. Chưa có một nghiên cứu nào cho thấy vaccine gây ra đột quỵ.
Thử nhìn lại các yếu tố dẫn tới đột quỵ để xem vì sao người Việt Nam lại đột quỵ nhiều như vậy. Về lối sống, đột quỵ xảy ra với những người thừa cân, béo phì, lười thể thao, uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc, hoặc người sử dụng ma tuý. Về các yếu tố liên quan tới bệnh lý, đột quỵ xảy ra ở những người bị tăng huyết áp, cholesterol máu cao, người bệnh đái tháo đường, người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đột quỵ cũng xảy ra nhiều ở những người bị tim mạch như suy tim, dị tật tim, nhiễm trùng tim, rung nhĩ; người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị đột quỵ, đau tim hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.
Về thừa cân, béo phì, VTV đã có một thống kê về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lơn tại Việt Nam đã tăng hơn chục lần trong vòng 22 năm. Còn tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ học đường, tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm. Khu vực thành thị cao gấp nhiều lần so với nông thôn và miền núi. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn không hợp lý, thói quen lười vận động. Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Về lười vận động, Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn. Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước. Tính đến hết năm 2021, số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia thể dục, thể thao vẫn ở mức thấp. Số người tập luyện thường xuyên đạt hơn 35%, số hộ gia đình có thể thao chiếm 26%.
Về việc sử dụng rượu bia, Việt Nam xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, luôn luôn nằm trong top đầu về “ăn nhậu” trên bảng xếp hạng quốc tế. Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành ở Việt Nam quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018 (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít). Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 170 lít bia mỗi năm.
Điểm sơ qua về lối sống là thấy tình trạng lười lao động, ham ăn nhậu ở Việt Nam đang ở mức báo động nguy cấp. Chính lối sống này đã dẫn tới sự suy nhược nòi giống, nguồn gen, và muôn vàn hệ luỵ về sức khỏe. Đó là chưa kể tới chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước, không khí, những yếu tố gián tiếp dẫn đến bệnh tật và các nguy cơ về đột quỵ.
Nhà chức trách không thể đánh lận con đen, tuyên truyền mập mờ đổ lỗi cho vaccine mà phải nghiêm túc nhìn lại vấn đề quản lý xã hội, các định hướng về môi trường, sức khoẻ của người dân. Ví dụ như thay vì tăng giá sữa giảm giá bia, hãy làm ngược lại. Phải có một chiến lược rõ ràng, lâu dài để cải tạo môi trường, thực phẩm, sức khoẻ, đời sống người dân. Chỉ có một môi trường sạch, một lối sống lành mạnh, một xã hội an toàn với những chính sách bền vững mới có thể cải tạo nòi giống dân tộc. Còn nếu cứ như hiện nay thì bất kỳ người dân Việt nào cũng trở thành một con bệnh, một mầm bệnh.
Chỉ có ‘thiên tài’ mới làm đường cao tốc bị ngập
Lê Thiệt /SGN
30/7/2023
Vị trí ngập cao tốc sau khi nước rút. Để ý sẽ thấy thấy khu vực này trũng nhưng cống thoát nước nằm ở vị trí rất thấp, bình thường cũng khó có thể thoát nước kịp – Ảnh: Tuổi Trẻ
Nhiều người phải thốt lên như thế khi chứng kiến một đoạn đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vừa bị ngập nặng vào sáng sớm ngày 29 Tháng Bảy, 2023.
Anh Lê Bình Minh viết trên Facebook khi phải dừng xe tại đoạn cao tốc thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, nơi dòng xe ngừng nối đuôi nhau chờ nước rút:
“Chắc trên thế giới chỉ có cao tốc Việt Nam làm mới bị ngập như thế này. Thật ra tôi không ngạc nhiên lắm. Ở Việt Nam chuyện gì cũng có thể xảy ra được, kể cả chuyện làm cho cao tốc ngập nặng!”
Trên một đoạn video clip được chia sẻ trên mạng, người ta thấy tại khu vực ngập, nước tràn qua ngập cả hai bên giải phân cách cao tốc. Nhiều xe bị chết máy sau khi cố vượt qua đoạn ngập dài khỏng 100 mét, vị trí ngập sâu nhất lên đến 1 mét. Một chiếc xe tải bị dòng nước đánh trôi, sạt xuống lề đường, nằm chết một chỗ, tài xế phải ra ngoài cầu cứu.
Cống nằm ở vị trí thấp, không kịp thoát nước – Ảnh: Tuổi Trẻ
Ban quản lý dự án Thăng Long đánh giá nguyên nhân sơ bộ xảy ra tình trạng ngập do lượng mưa lớn, xảy ra liên tục, nước từ hạ lưu không thoát kịp, chảy ngược lại phía thượng lưu tràn ra phạm vi đường cao tốc gây ngập một đoạn đường.
Theo ghi nhận của giới truyền thông, tại vị trí ngập có một cống xuyên qua tuyến chính. Cống nằm ở vị trí thấp, không kịp thoát nước. Địa hình tại đây trũng, có một con suối nhỏ. Nước ngập làm hư đường gom dân sinh cạnh tuyến cao tốc. Ngoài ra, hệ thống rãnh dọc hai bên cũng gom nước về đây.
Đến 10:00 cùng ngày, nước đã rút hết, xe cộ lưu thông bình thường trở lại, tuy nhiên vẫn chưa hết chuyện. Nhiều người đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người có xe bị hư hỏng, thậm chí cho những người vì phải dừng lại chờ nước rút mà công việc của họ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại tài chính và tinh thần của họ?
Một chiếc xe hơi đang được cứu hộ trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sáng ngày 29 Tháng Bảy, vì cao tốc bị ngập – Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc phải chịu trách nhiệm, nhưng trước hết phải đánh giá xem thiết kế thoát nước ở đây có gì sai sót không. Nếu thiết kế hệ thống thoát nước không đáp ứng được lượng mưa tại địa phương thì đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây do chưa giao cho đơn vị nào quản lý vận hành nên chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long sẽ có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường cho bên bị thiệt hại do ngập nước.
Sau đó, chủ đầu tư cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến ngập lụt và trách nhiệm của các bên liên quan.
Một tài khoản trên Facebook tên Mac Doanh viết: “Tôi tin rằng sẽ chẳng đơn vị nào bồi thường cả, đừng có mơ! Tất cả chỉ tại ‘ông trời’, khi nào đòi tiền được ‘ông trời’ thì trả, không thì thôi. Hãy nhìn Sài Gòn, cứ mỗi lần mưa là một lần ngập, xe chết máy, xe hư phải sửa biết bao nhiêu chiếc, mà có ai chịu trách nhiệm bồi thường đâu?”
Một chiếc xe tải đã trôi xuống lề đường – Ảnh cắt từ clip
Còn tài khoản Văn Dung viết: “Tôi nghĩ cơ quan chức năng sẽ ‘vặt lông’ đơn vị thiết kế trước, sau đó là bên thi công. Sẽ tốn không ít tiền để ‘trám’ cái lỗ trách nhiệm, rồi cuối cùng tiền sẽ từ túi người này chảy qua túi người khác, và không có ai chịu trách nhiệm cả”.
Theo các chuyên gia cầu đường, cao tốc bị ngập là “chuyện xưa nay hiếm!”, nếu không nói là chưa bao giờ xảy ra. Nếu thế thì đúng là câu “thiên tài cùng với thiên tai một vần” đầu tiên phải trao cho đơn vị thiết kế, rồi trao luôn cho cả bên ký duyệt thiết kế này nữa.
“Với kiểu thiết kế vô trách nhiệm, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vẫn có thể tái diễn cảnh ngập lụt như thế này”, một kỹ sư cầu đường cho biết.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam