Chuyện Việt Nam Thứ Năm 02/02/2023: Dư luận viên VN trên Facebook – Chùa Hương có động Bàn Tơ (*) – CSVN: Thưởng 1 triệu USD nếu VĐV được huy chương vàng Olympic 2024? – Sáu người Việt đi lậu vào Mỹ từ Canada?
Quê Hương tổng hợp
Hơn 60 tổ chức, nhà hoạt động đòi Facebook xử lý nạn tài khoản giả, dư luận viên ở VN
02/02/2023
Mark Zuckerberg – người sáng lập và là CEO của Facebook.
Hơn 60 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền và các Facebooker có nhiều ảnh hưởng hôm 1/2 gửi thư ngỏ kêu gọi ông chủ Facebook giải quyết tình trạng mạng lưới tài khoản giả, độc hại đang tồn tại và hoạt động mạnh tại Việt Nam nhằm phổ biến các thông tin sai lệch và gây thiệt hại cho các tài khoản thật.
Thư ngỏ được gửi cho ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, nhân dịp sinh nhật lần thứ 19 của mạng xã hội này vào ngày 4/2.
Lá thư nhắc lại cam kết cung cấp “khả năng xây dựng cộng đồng và mang thế giới lại gần nhau hơn” của ông Zuckerberg trước đây và ghi nhận thành tựu “cách mạng hoá” của mạng xã hội này trong cách thức tiếp cận, tạo và chia sẻ thông tin của con người.
Lực lượng 47, dư luận viên
Nhưng thư ngỏ đặc biệt nêu lên tình trạng các mạng lưới tinh vi gồm các tài khoản Facebook ảo, những tài khoản kết nối với các nhóm được xác nhận là của Lực lượng 47, với cách thức hoạt động phổ biến là đồng loạt báo cáo tài khoản của các nhà hoạt động, khiến cho nội dung của họ bị gỡ xuống và sử dụng các lập trình tự động – bot – để phổ biến thông tin sai lệch, gây hại cho các tài khoản thật bị nhắm mục tiêu.
“Có rất nhiều ảnh hưởng tác hại”, ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư đảng Việt Tân, một trong những tổ chức tham gia gửi thư ngỏ, nói với VOA về Lực lượng 47 – một tổ chức của quân đội Việt Nam có nhiệm vụ “chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội trên không gian mạng”.
“Lực lượng 47 họ đã tổ chức những kế hoạch báo cáo hàng loạt những bài vở của các nhà hoạt động, trong đó có Việt Tân, đã đăng trên Facebook. Khi họ báo cáo hàng loạt như vậy, công ty Facebook nhiều khi không phân biệt được những nội dung nào thực sự vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của Facebook hay không nên đã tháo gỡ những nội dung đó. Đó là một hình thức mà nhà nước Cộng sản Việt Nam kiểm duyệt những tiếng nói độc lập, đối kháng trên Facebook”, thành viên trong ban lãnh đạo đảng Việt Tân nói.
“Tác hại thứ nhì là Lực lượng 47 sử dụng rất nhiều tài khoản giả để họ spam (tấn công ồ ạt) những trang Facebook có nhiều comments (bình luận) để tung tin giả, và đó là cách họ đóng vai trò dư luận viên tung tin giả để tuyên truyền, gây ảnh hưởng xấu đối với dư luận trên mạng”, ông Hoàng Tứ Duy nói thêm.
Kiểm duyệt
Một báo cáo mang tên “#Stop Vntrolls – Combatting Force 47 and Cyber Sensorship” (tạm dịch “Hãy chặn việc đăng bài chế nhạo – Chống Lực lượng 47 và Kiểm duyệt Không gian mạng”) do Việt Tân thực hiện và công bố trong dịp này nói rằng giữa bối cảnh Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có dân số sử dụng internet tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tỷ lệ ước tính 72 triệu người dùng vào năm 2022, các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành công cụ đắc lực để người dân Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình.
“Nhưng cơ hội chưa từng có dành cho hàng triệu người Việt Nam để họ chia sẻ ý kiến cá nhân
và tiếp cận thông tin chưa bị sàng lọc lại bị chính quyền Hà Nội xem như là một nguy cơ đối với việc độc quyền quyền lực của họ”, báo cáo viết.
Vì vậy, vẫn theo báo cáo, tình trạng “tự do” mới có này của người dân Việt Nam lại đi kèm với nhiều rủi ro đáng kể, “vì người dùng ngày càng phải đối mặt với sự quấy rối, đe dọa, bạo lực về thể chất và khả năng bị truy tố từ các cơ quan nhà nước quyết tâm dập tắt những tranh luận của công chúng”.
Kiểm soát nội dung của Facebook có vấn đề?
Thư ngỏ và báo cáo cũng dẫn ra tài liệu nội bộ của Facebook do người tố giác Frances Haugen công bố về sự tồn tại của 15 triệu tài khoản giả ở Việt Nam.
“Số lượng tài khoản giả to lớn này khiến cho con số thống kê 70 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam không chính xác và dễ dàng gây thiệt hại cho các tài khoản thật thông qua chiêu thức báo cáo hàng loạt”, thư ngỏ viết.
Ngoài ra, với chiêu thức “trang trại nhấp chuột” (click farm) đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam nhằm gia tăng khối lượng người theo dõi cho các trang và nhóm trên Facebook đã tạo ra các “tương tác giả”, làm gia tăng mức độ lan tỏa của bài đăng, trong đó có những nội dung gây hiểu lầm hoặc được phóng đại để thu hút người dùng, đưa thông tin sai lệch và tác hại đến tương tác trên mạng xã hội. Thư ngỏ và báo cáo cho rằng đây chính là lỗ hổng từ thuật toán của Facebook khi ưu tiên đề xuất các bài đăng nhận được nhiều bình luận.
“Việt Nam đã trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tạo tài khoản giả đang bùng nổ với quy mô mở rộng nhờ kỹ thuật tự động hóa các thao tác hàng loạt”, thư ngỏ nói.
Theo ông Hoàng Tứ Duy, lá thư ngỏ không chỉ kêu gọi Facebook giải quyết một vấn nạn thực tế tại Việt Nam mà còn là một đóng góp cho chính quyền lợi của Facebook.
Ông nói: “Qua lá thư này, chúng ta nêu lên một sự thật ở Việt Nam với công ty Facebook, đó là những mạng lưới độc hại đang kiểm duyệt những tiếng nói ở Việt Nam, làm hại cho Facebook, và vì quyền lợi của Facebook, họ phải giải quyết những mạng lưới độc hại do Lực lượng 47 và các dư luận viên gây ra”.
Để giải quyết tình trạng trên, các tổ chức và nhà hoạt động đưa ra 3 đề xuất với ông chủ Facebook. Thứ nhất là xóa hàng triệu tài khoản Facebook giả được báo cáo ở Việt Nam và xem xét thay đổi chính sách để ngăn chặn hành vi “câu click” trắng trợn.
Đề xuất thứ hai là đóng các mạng lưới tham gia vào hoạt động phối hợp báo cáo hàng loạt và các hành vi gây tác hại xã hội khác. Cuối cùng là cung cấp một phương thức để các nhà hoạt động, các nhà báo và những người dùng Việt Nam có thể khiếu nại việc gỡ bỏ nội dung và làm việc trực tiếp với nhân viên Facebook khi bị nhắm mục tiêu bởi các chiến dịch phối hợp hành động gây hại xã hội.
Chùa Hương có động Bàn Tơ (*)?
Bình luận của Nguyễn Tâm Du
01/02/2023
Lễ khai hội Chùa Hương 2023
FB Phạm Ngọc Thắng
Tôi đọc bình luận của bác sĩ Phạm Ngọc Thắng trên trang mạng Facebook, phì cười. Cứ tưởng ông bác sĩ đáo để.
Hóa ra là thật.
Trong đoạn clip phát trên báo Tin tức (báo của Thông tấn xã Việt Nam) tường thuật về lễ khai Hội chùa Hương năm 2023, nhạc cảnh này có bảy cô gái mặc áo ngắn chẽn trên rốn phơi ra cả gang bụng, dưới là quần bó chặt từ hông đến đầu gối rồi xòe rộng lất phất. Quanh bụng và đầu gối đều quấn các dải tua rua vàng rung rinh. Khổ thay, dải tua rua quanh bụng lại hớt lên hình chữ V ngược ngay ở vùng… “ngã ba biên giới” khiến dù không muốn nhưng con mắt người xem cứ bị tập trung vào đó. Chiếc quần vải mỏng, may vụng và bó chặt khiến các cô – gọi theo ngôn ngữ bọn teen bây giờ là “lộ hết hàng”. Chiếc mão trên đầu na ná hình con chim Lạc cộng với bộ đồ màu vàng nghệ chói không liên quan gì đến thiết kế của bộ trang phục. Đường Tăng đội mão Liên hoa (mũ đội đầu hình bảy cánh hoa sen, mỗi cánh mang hình ảnh một vị Bồ tát nên còn gọi là mão Thất Phật), mặc cà sa đứng chắp tay phía sau. Tiền cảnh lại thêm một phụ nữ xinh đẹp trong áo choàng trắng xẻ tà khoác bên ngoài một bộ đồ không rõ là áo dài hay cosplay tiên nữ. Tay nhân vật này cầm một chiếc bình cam lồ màu vàng, tay kia cầm cành dương nên đây là Phật Bà Quan Âm, hiện xuống trừ yêu quái giúp Đường Tăng thuận lợi thỉnh kinh.
Hóa ra nhạc cảnh này tả lại cảnh bảy con yêu nhền nhện trong động Bàn Tơ đang lẳng lơ quyến rũ Đường Tăng.
Cách đó vài bước chân, hàng ngũ các chức sắc tôn giáo chùa Hương, các chùa lớn quanh vùng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nghiêm trang ngồi dự lễ. Hàng hàng hoa lan tượng trưng cho sự thanh khiết của nhà Phật nhưng được đặt ngay dưới đất, gần chân các vị.
Nhạc cảnh tiếp theo mở mắt cho chúng ta vào một level mới. Quý vị đọc bài này xong thì hẵng xem video, kẻo cười nhiều quá mắt mở không lên lại quên đọc bài viết. Tôi xin tả thực cho quý vị xem trước:
Có một con lân, một con rồng, hai con rùa, một con phượng và một con công.
Đầu tiên con rùa đỏ nằm chầu dưới sân. Con phượng từ dưới sân đi lên, nhảy lóc cóc quanh con rùa, thỉnh thoảng giơ cánh chạm vào nó một cái. Xong, nó quạt hai cánh đi nghiêng ngả như đang bị nướng chả khắp sân rồi 1,2, 3… nhảy cẫng lên rất kỳ cục. Con rùa thì rất phấn khích, cũng nhảy chồm chồm. Điệu múa độc lạ Bình Dương này lặp lại hai lần, con phượng nhảy cẫng lên hai lần, xong đâu đấy nó cúi đầu bái trước lư hương rồi về chỗ.
Nhạc cảnh tiếp theo, con công thay thế con phượng. Rùa đỏ thay bằng rùa xanh, nhưng con rùa này không nhảy mà chỉ ra sức duỗi cổ ra rồi rút vào. Trong khi đó con công tiếp tục điệu nhảy nướng chả quanh con rùa, chạm cánh, nhảy cẫng lên hai lần, bái tổ, về chỗ.
Trong khi rùa, công và phượng thực hiện các thủ tục xã giao hơi kỳ lạ ở sân chính Thiên Trù thì phía dưới diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa một con người và một con lân.
Tôi đọc giới thiệu về quần thể đại danh thắng Hương Sơn có đoạn “Quần thể núi non tạo ra những dáng hình kỳ thú. Dáng núi tựa hai con rồng đá tranh hòn Ngọc Ốc ở cánh đồng Đục Khê. Núi nổi trên cánh đồng nước ở gần đền Trình tạo thành hình bốn con vật (rồng, sư tử, rùa, phượng) linh thiêng trong tâm thức người Việt” nên mạnh dạn đoán nhạc cảnh nói trên là mô tả lại quá trình thu phục các linh vật. Nhưng cái con đang bị con người cầm gậy Như ý bịt vàng nhảy chồm chồm và đâm mãnh liệt ở dưới sân có phải là sư tử đâu. Nó chính hiệu là con lân bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, vì có cái sừng rõ to trên đầu.
Về phần con phượng và con công, lẽ ra đây phải là hình ảnh đẹp mắt, gây trầm trồ nhất trong nhạc cảnh. Nhưng hỡi ơi, có lẽ phượng và công chùa Hương đều bị nhiễm COVID nặng trong hai năm qua nên cả hai linh vật đều rụng trụi cả lông, mỗi con chỉ còn duy nhất ba sợi tun ngủn vừa chấm mông người đóng vai, vắt va vắt vẻo theo nhịp trống trông đến sặc cười.
Diễn phượng và công đều là đàn ông, trông dáng chắc ở tuổi trung niên và khá mập. Ba sợi lông vắt vẻo qua vai họ, phô trọn bộ đồ trắng tuyền đùng đục có nẹp đen suốt ống quần, hoàn chỉnh hình ảnh bằng đôi giày bata cũng trắng đục dưới chân. Thú thật nếu không được giới thiệu là Lễ khai hội chùa Hương 2023 thì tôi cứ tưởng một đội mai táng đang làm lễ cho một thân chủ nuôi chim chóc vừa qua đời.
Như giới thiệu, đảm trách phần văn nghệ cho lễ hội là các đội trống và đội rồng của địa phương. Nó ngô nghê, vụng về đến mức gây phản cảm.
Nên phải đặt câu hỏi tại sao một lễ hội cấp quốc gia thu hút hàng chục vạn khách du lịch (chỉ riêng ngày khai hội đã là 40.000 khách), mà không có nổi một ban tổ chức có đủ chuyên môn để thuê các nghệ sĩ xây dựng kịch bản nghệ thuật khai mạc xứng đáng?
Các phần văn nghệ của người dân địa phương vẫn có thể tổ chức nhưng chỉ nên diễn tại các xóm, các phường, theo kiểu cây nhà lá vườn, phục vụ nội bộ cho bà con địa phương mà thôi.
Nhưng, thôi! Chùa bây giờ có phải là nơi thiêng liêng, thánh địa tôn giáo đâu. Năm 2002, cách đây 20 năm, danh tiếng chùa Hương đã một thời bị làm nhơ nhuốc khi đám sư sãi giả mạo và sư sãi hổ mang lợi dụng dựng lên đến 42 chùa giả, động giả trên đường đến thánh địa, để lừa tiền công đức của phật tử và khách du lịch. Bây giờ chùa giả dẹp xong thì Phật pháp lại bị thương mại hóa quá nhiều để làm du lịch một cách thô vụng và xôi thịt. Nhiều người quen của tôi đang đi du xuân ở chùa Hương kể người đông đến nỗi nghẹt thở, hàng trăm mét đường lên chùa toàn người chen vai thích cánh không còn chỗ đặt chân. Sự ồn ào xô bồ đó phá hỏng toàn bộ không khí và cảnh đẹp thoát tục của Hương Sơn, vô cùng uổng phí.
Tới đây lại phải nhắc đến chùa Phúc Khánh (Hà Nội), ngôi chùa nổi tiếng nhiều năm qua với thành tích kinh doanh bán lá số và dâng sao giải hạn vào đầu năm âm lịch. Năm nào cũng vậy, báo chí Việt Nam chụp được vô số ảnh hàng ngàn người ngồi vòng trong vòng ngoài chùa, chen chúc kín cả đoạn đường cạnh đó để làm lễ giải hạn cầu an khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.
Chùa Phúc Khánh hoạt động rất bài bản, có biểu giá cụ thể cho từng yêu cầu giải hạn sao xấu hay cầu an. Thiếu một đồng cũng không được. Năm 2019, có một phật tử muốn giải hạn toàn gia đình trọn gói giá 450.000 đ, nhưng móc hết ví chỉ còn 400.000 đ, nên bị chùa từ chối.
Từ nhiều năm trước, hoạt động kinh doanh chính này của chùa Phúc Khánh đã bị chính các chức sắc tôn giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định là mê tín dị đoan và phê phán. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, nói trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt hay ngày tháng đẹp, xấu trong năm. “Nếu các chùa vừa tụng kinh vừa cúng sao thì đó là mê tín, thậm chí có tính chất kiếm tiền”- ông nói.
Thế nhưng ai nói mặc ai, tháng Giêng hàng năm sư sãi chùa Phúc Khánh vẫn đếm tiền mệt nghỉ, cúng sao giải hạn thật đều tay. Tuy nhiên, nói cho công bằng, không riêng chùa Phúc Khánh mà ở Hà Nội có cả một… tập đoàn chùa nhận làm lễ dâng sao giải hạn, xin sớ xem vận số năm mới các thứ. Biểu giá mỗi lần xem là 150.000 đ-500.000 đ, rẻ hơn chùa Phúc Khánh từng hoạt động của mỗi cá nhân đều phải trả 150.000 đ.
Thế nhưng càng rực rỡ xa hoa, màu mè choáng lộn, hoặc cái tâm tham hiện lên bừng bừng trong mắt thì Phật càng xa. Chùa giả không thể có Phật, nhưng chùa bị đem ra bán sỉ bán lẻ dưới những chiêu bài giả Phật thì càng làm Phật nổi giận mà thôi.
Ít nhất, những địa phương nơi có thắng cảnh, linh địa cần tách bạch mỹ tục vãn cảnh chùa sau Tết với những hoạt động mang tính giải trí mua vui bình thường khác như múa hát, trò chơi dân gian, ẩm thực đường phố… Tuy cảnh chùa đẹp đẽ là trọng tâm thu hút khách du lịch nhưng chính vì thế càng phải tỉnh táo, chớ bóc ngắn cắn dài. Trước mắt điều dễ làm nhất là hạn chế số du khách đến chùa trong cùng một thời điểm để bảo đảm được “thương hiệu” núi non xuất trần thanh tĩnh, vẻ đẹp thơ mộng hài hòa của thiên nhiên Hương Sơn đặng còn… kiếm tiền dài lâu.
______________
Tham khảo:
(*) Động Bàn Tơ: từ tác phẩm Tây Du Ký của Trung Quốc nơi có ổ yêu tinh nhền nhện nhả tơ trói Đường Tăng để ăn thịt
https://tuoitre.vn/nguoi-dan-doi-mua-vuot-gio-di-hoi-chua-huong-20230127133725383.htm
https://vneconomy.vn/khai-hoi-chua-huong-2023-cau-noi-giua-qua-khu-va-tuong-lai.htm
https://video.afamily.vn/trang-tro-ng-le-khai-ho-i-chu-a-hu-o-ng-2023-89770.chn
https://video.afamily.vn/trang-tro-ng-le-khai-ho-i-chu-a-hu-o-ng-2023-89770.chn
Thấy gì từ vụ sáu người Việt Nam đi lậu vào Mỹ từ Canada? – 02/02/2023
Cửa khẩu Calais ở bang Maine của Hoa Kỳ thông với tỉnh New Brunswich của Canada.
Vụ sáu người Việt Nam bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ vì nhập cảnh bất hợp pháp từ Canada cho thấy một số người đang tìm cách vào Mỹ từ biên giới phía bắc, nhưng điều này không có nghĩa là ngày càng nhiều người sẽ theo đuổi con đường này trong tương lai, theo một luật sư ở Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú.
Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) cho biết sáu người Việt Nam bị phát hiện nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp trên một chiếc xe tại khu vực Houlton thuộc bang Maine ở vùng đông bắc vào ngày 20 tháng 1. Các viên chức biên phòng nhận thấy chiếc xe khả nghi gần Hồ Lambert và ra lệnh dừng xe lại để kiểm tra nhập cảnh.
Người lái xe được nói là công dân Mỹ. Người này bị tạm giam vì nghi ngờ phạm tội đưa lậu người nhưng sau đó được thả chờ điều tra thêm, theo CBP.
Cơ quan này cho biết thêm rằng sáu người Việt Nam này phạm tội lần đầu, bị xử lý bằng cách phạt mỗi người 5.000 đô la và làm thủ tục trục xuất khỏi Mỹ.
Jennifer Hà, một luật sư chuyên về di trú ở thành phố Salt Lake City thuộc bang Utah của Mỹ , nhận định với VOA có phần chắc những người này không phải là thường trú nhân của Canada mà chỉ đến nước này như một điểm đến trung gian để từ đó đi sang Mỹ.
“Trong mười mấy năm qua tôi đã có dịp tư vấn một vài người Việt đi lậu từ Canada qua Mỹ, tại vì việc xin visa qua Canada dễ hơn rất là nhiều so với việc xin visa qua bên Mỹ. Thành ra có một số người họ xin visa qua Canada rồi sau đó họ lại đi đường bộ qua Mỹ hoặc là đi xe qua Mỹ như trong trường hợp này,” bà cho biết.
Đa số những trường hợp di cư bất hợp pháp mà bà thụ lý là những người qua Mỹ theo diện du lịch hoặc du học rồi sau đó ở lại quá hạn visa, bà nói thêm.
“Thường thì khi mình đi qua Mỹ bất hợp pháp không có giấy tờ thì rất là khó để xin visa hoặc thẻ xanh để ở lại trừ phi mình có một người vợ hay người chồng có quốc tịch hoặc có thẻ xanh, nhưng mà sau đó mình phải xin một cái ‘ân xá,’” bà giải thích thêm.
“Và cái ân xá đó mình phải chứng minh nếu mình bị trục xuất ra khỏi Mỹ thì người vợ hoặc người chồng của mình sẽ gặp một cái khó khăn lớn lao bất thường. Đó phải là một lý do thật là đặc biệt, ví dụ như người phối ngẫu đó bị khuyết tật hay là họ đang vận hành một cái doanh nghiệp và họ không thể duy trì cái doanh nghiệp đó nếu mà người đang sống ở đây bất hợp pháp không có thẻ xanh bị trục xuất. Hoặc là họ xin tị nạn, nhưng mà họ phải chứng minh là nếu mà họ quay về Việt Nam thì sẽ bị chính quyền truy bức về chính trị, về tôn giáo hoặc là về những lý do khác.”
Nhận định về trường hợp của sáu người Việt Nam nhập cảnh bất hợp pháp từ Canada, nữ luật sư này cho biết họ “chắc chắn” sẽ gặp khó khăn khi xin trở lại Mỹ sau này bằng các visa du học hay du lịch. Chỉ trường hợp trong tương lai họ có một người phối ngẫu bảo lãnh và họ có thể xin được ân xá thì họ mới có thể vào Mỹ.
Trước đó, ngày 19/1, lực lượng biên phòng bang Maine cũng đã bắt giữ bảy người Mexico vượt biên trái phép vào Mỹ. Hai người trong nhóm này đã bị trục xuất khỏi Mỹ.
William Maddocks, người đứng đầu lực lượng biên phòng ở Maine, cho biết lượng người vượt biên ở đây không ồ ạt như ở biên giới Mỹ – Mexico. Tuy nhiên, các hoạt động tội phạm xuyên biên giới vẫn luôn là vấn đề đáng lo ngại.
Luật sư di trú Jennifer Hà nói bà không cho rằng việc di cư bất hợp pháp từ Canada sẽ tăng lên trong tương lai và sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng như ở biên giới phía nam vì chính sách di trú cởi mở và chất lượng cuộc sống tốt của nước láng giềng phía bắc.
“Xin visa từ Việt Nam qua Canada khá là dễ. Có rất là nhiều những chương trình đầu tư với số vốn rất là ít so với số tiền vốn đầu tư ở Mỹ. Hiện giờ mình có rất là nhiều khách hàng, họ đầu tư ở Canada khoảng 100.000 đô la thôi, rất là ít, họ đã có giấy tờ qua bên đó làm tạm thời rồi sau đó họ chờ đợi thẻ xanh thôi,” bà nói. “Ít có ai di dân qua Canada hợp pháp rồi, có giấy tờ định cư rồi mà lại vào nước Mỹ bất hợp pháp tại vì chất lượng cuộc sống rất là cao, những phúc lợi xã hội cũng cao.”
Phú Quốc: Đau đầu vụ ba người ‘đến từ Nga’ đứng xin tiền
Chiều 1/2, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở thành lập đoàn công tác đến Phú Quốc để tìm hiểu vụ việc 3 công dân Nga cầm bảng xin tiền ở chợ Dương Đông.
Phòng An ninh đối ngoại và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Kiên Giang cũng sẽ tham gia đoàn công tác.
Sau khi tìm gặp nhóm người này và xác minh vụ việc, đoàn công tác sẽ báo cáo Sở Ngoại vụ Kiên Giang lên phương án xử lý vụ việc.
Khi đó, Sở Ngoại vụ tỉnh có thể sẽ liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Nga để làm thủ tục đưa những người này trở về nước, theo Thanh Niên.
Trước đó vài ngày, mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện hình ảnh và clip một nhóm du khách gồm 3 người đàn ông ‘đến từ Nga’ đứng ở gần chợ Dương Đông để xin tiền.
Ba người đàn ông cầm tấm giấy bìa ghi dòng chữ tiếng Việt: “Xin chào, chúng tôi đến từ Nga. Chúng tôi đã đi du lịch mà không có tiền trong 5 năm nay. Hãy ủng hộ hành trình của chúng tôi. Cám ơn!”.
Chiều 30/1, ông Phạm Văn Nghiệp – Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh việc 3 du khách Nga đứng xin tiền người qua đường ở khu vực chợ Dương Đông.
Đại diện chính quyền TP Phú Quốc cho biết thêm, hành động xin tiền nơi công cộng dù với bất cứ lý do gì cũng rất khó chấp nhận được.
Tuy nhiên, vụ việc dường như chưa được giải quyết dứt điểm khiến Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang phải vào cuộc.
Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, được biết đến với những bãi biển cát trắng phau và các khu nghỉ dưỡng.
Hòn đảo này trước đây là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch yêu thích vẻ đẹp hoang sơ nhưng những năm gần đây ngày càng có nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn mọc lên khiến nó đang phải đối mặt với nhiều thách thức như rác thải, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch quá mức…
Doanh nghiệp xăng dầu than lỗ, Bộ Công thương vẫn “bỏ ngỏ” mức chiết khấu – RFA
01/02/2023
Doanh nghiệp xăng dầu đang than lỗ do mức chiết khấu bằng 0 tuy nhiên Bộ Công thương trong dự thảo sửa đổi vẫn không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán.
Đó là một trong những nội dung theo dự thảo tờ trình của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được truyền thông Nhà nước loan trong ngày 1/2/2023.
Theo dự thảo, Bộ Công Thương có sửa đổi về việc thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ ba đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng mua bán xăng dầu, thay vì được mua từ nhiều nguồn như hiện nay.
Về đề xuất này, ban soạn thảo của Bộ cho rằng mục tiêu là nhằm đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế đại lý trong quá trình đàm phán, mua hàng.
Tuy vậy, liên quan đến mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương giữ quan điểm không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.
Bộ Công thương cũng nêu rõ trong dự thảo về việc điều hành giá xăng dầu không nên giao một bộ quản lý mà vẫn giữa nguyên phối hợp giữa hai bộ Tài chính và Công thương, nhằm mục đích đảm bảo lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, duy trì nguồn cung cho thị trường trong nước.
Trước đó, hôm 30/1, liên bộ Tài Chính-Công thương đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu thêm gần 1.000 đồng, chiết khấu-mức hoa hồng mà đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại cho doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn thấp chỉ 100-200 đồng mỗi lít.
Tờ VnExpress dẫn lời doanh nghiệp bán lẻ cho biết với mức chiết khấu trên, DN sẽ chỉ có thể bán cầm chừng, không có lãi và nếu tình trạng này tiếp tục, sẽ tái diễn cảnh thiết hụt xăng dầu như trong đợt Tết Quý Mão vừa qua.
Một doanh nghiệp tại phía Bắc nói trên tờ VnExpress rằng: “Không thể để mãi cảnh doanh nghiệp bán lẻ lấy tiền nhà ra bù lỗ để bán xăng dầu phục vụ thị trường, hay những lúc thị trường gặp khó, chúng tôi còn phải trả thêm tiền cho các nhà phân phối ngoài giá mua để được lấy hàng”.
Hiện thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng, trong đó có 3.000 cửa hàng của hai doanh nghiệp Nhà nước, còn lại thuộc về các doanh nghiệp bán lẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, kiêm Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN –VCCI cho rằng, vai trò của hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tư nhân cung ứng cho thị trường ngày càng lớn, nên những quy định tới đây khi sửa đổi, theo ông, cần làm rõ vai trò của họ, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng cho thị trường.
Truy tố nguyên Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận vì làm thất thoát tiền Nhà nước
01/02/2023
Nguyên Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 10 người là các cán bộ công chức thuộc tỉnh này vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố trong một vụ án giao đất nhà nước cho tư nhân với giá rẻ.
Theo truyền thông Nhà nước, vào ngày 1 tháng 2, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ ở tỉnh Bình Thuận trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án xảy ra tại dự án Khu dân cư Tân Việt Phát 2 (phường Phú Hài, TP Phan Thiết).
Theo cáo trạng được báo Nhà nước trích dẫn, vào tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao và cho thuê ba lô đất cho công ty Cổ phần Tân Việt Phát với giá đất lấy từ năm 2013 là 1,2 triệu đồng/ mét vuông. Tuy nhiên, từ năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã ban hành quyết định điều chỉnh giá các lô đất này lên 1,6 triệu đồng/mét vuông.
Cáo trạng xác định việc giao đất này đã gây thiệt hại cho Nhà nước là 45,4 tỷ đồng.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Ngọc Hai và nguyên Phó chủ tịch tỉnh là ông Lương Văn Hải bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Bị truy tố đồng thời với cùng tội danh là các nguyên giám đốc và phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, nguyên giám dốc Trung tâm phát triển quỹ dất, nguyên Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh.
Nguyên Phó chủ tịch tỉnh là ông Nguyễn Văn Phong bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo truyền thông Nhà nước, trong quá trình điều tra, gia đình ông Nguyễn Ngọc Hai đã khắc phục 300 triệu đồng, gia đình ông Lương Văn Hải đã khắc phục 500 triệu đồng. Gia đình ông Lê Nguyễn Thanh Danh – nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường – đã khắc phúc 100 triệu đồng.
Cáo trạng kiến nghị các các nhân vi phạm phải khắc phục hậu quả số tiền thiệt hai hơn 44,4 tỷ đồng sau khi đã trừ 900 triệu đồng gia đình các bị can đã nộp.
Vận động viên Việt Nam nếu giành huy chương vàng Olympic 2024 sẽ được thưởng một triệu đô la
01/02/2023
Vận động viên Việt Nam giành được huy chương vàng ở thế vận hội Olympic 2024 sẽ được thưởng một triệu đô la, trong khi huy chương bạc được nhận 500.000 đô la, huy chương đồng được nhận 200.000 đô la.
Đây là mức thưởng mới được công bố tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng với Chủ tịch Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế (ISF) Ryu Seung-min cùng Phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Ser Miang hôm 31/1.
Truyền thông Nhà nước cho biết, tại buổi gặp, đại diện ISF hứa sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo cho 100 vận động viên Việt Nam ở các môn thể thao mà Hàn Quốc có thế mạnh. Các vận động viên này được ISF tuyển chọn, sau đó tham gia các khóa huấn luyện tại Hàn Quốc.
ISF cũng treo thưởng với mức tiền như đã nêu tại Olympic 2024 diễn ra tại Pháp.
Đoàn thể thao Việt Nam đã từng một lần giành huy chương vàng Olympic ở môn bắn súng tại Olympic 2016 từ chiến thắng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng đã giành ba huy chương bạc khác tại các kỳ Olympic 2000, 2008 và 2012. Tại kỳ Olympic 2020 ở Tokyo, đoàn Việt Nam không giành được bất cứ huy chương nào.
Theo truyền thông Việt Nam, tại kỳ Olympic 2020, thể thao Việt Nam và các doanh nghiệp treo thưởng lên đến 1,85 tỷ đồng cho huy chương vàng, 1,02 tỷ đồng cho huy chương bạc và 640 triệu đồng cho huy chương đồng.