Chuyện Việt Nam Thứ Năm 07/9/2023: *Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo *Nhân quyền trong chuyến thăm của TT Biden *Phụ huynh khó khăn năm học mới *Ai đứng đầu Nhà nước CSVN? *Tiếp viên hk bị bắt ở Hàn Quốc *Mỹ áp thuế 220% móc áo thép Việt Nam *Bình Thuận vẫn phá 600 ha rừng


Quê Hương tổng hợp


Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ: Việt Nam thụt lùi về tự do tôn giáo

Phan Minh /RFI

07/9/2023

Vài ngày trước khi tổng thống Joe Biden công du Việt Nam nhằm nâng cấp quan hệ ngoại giao, một ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc Hà Nội lại không tuân thủ các cam kết về bảo đảm quyền tự do tôn giáo. 

Ảnh tư liệu: Một thánh lễ của cộng đồng Công Giáo sắc tộc Hmong tại Sapa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, ngày 18/10/2015.

Ảnh tư liệu: Một thánh lễ của cộng đồng Công Giáo sắc tộc Hmong tại Sapa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, ngày 18/10/2015. REUTERS – Nguyen Huy Kham 

Trong một báo cáo được công bố hôm qua, 05/09/2023, và được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết kể từ khi Washington xóa Việt Nam khỏi danh sách “các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo năm 2006, chính quyền Hà Nội đã “có nhiều tiến bộ” về tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, việc đàn áp xã hội dân sự trong thời gian gần đây, việc gia tăng áp lực lên các cộng đồng tôn giáo độc lập, cùng với những thông tin đáng báo động về việc ép buộc bỏ đạo, những hành động vi phạm quyền tự tôn giáo gia tăng cho thấy Việt Nam đang đi thụt lùi trở lại trong vấn đề này.

Báo cáo cũng cho biết, phó chủ tịch USCIRF, ông Frederick Davie và ủy viên Eric Ueland, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5, đã nhận thấy rằng trong khi các tổ chức tôn giáo ở khu vực đô thị được tự do tương đối nhiều hơn, thì các vùng nông thôn vẫn gặp nhiều thách thức. USCIRF cho biết thêm là các cơ quan chính phủ tiếp tục giám sát chặt chẽ tất cả hoạt động tôn giáo, thường xuyên sách nhiễu, bắt giữ, ngăn chặn các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký thực hiện quyền cơ bản về tự do tôn giáo.

Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và dự định nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội nhân chuyến công du của tổng thống Biden tới Hà Nội vào ngày 10/09, nhưng giới phân tích cho rằng những quan ngại về nhân quyền có thể là trở ngại cho một số hợp tác song phương.


Công luận chú ý đến nhân quyền Việt Nam trước chuyến thăm của TT Biden 

07/9/2023 

VOA Tiếng Việt 

Tổng thống Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống nâng cốc chúc mừng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 7/7/2015.

Tổng thống Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống nâng cốc chúc mừng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington ngày 7/7/2015. 

Giới hoạt động trong và ngoài nước đang lo ngại về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Hầu như mỗi chuyến đi của các nhà lãnh đạo hay các giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam đều là những cơ hội để các nhà hoạt động yêu cầu các cấp thẩm quyền Mỹ khi tới Việt Nam chớ bỏ qua vấn đề nhân quyền tại quốc gia nằm dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng sản trong nhiều thập niên. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden từ ngày 10-11/9, mà qua đó quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất có thể sẽ được nâng lên thành ‘đối tác chiến lược’, cũng nằm trong thông lệ này.

Tờ Washington Post cách đây vài ngày đã đăng bài xã luận nhắc nhở chính quyền Biden về những công cụ đang có trong tay để khuyến khích Hà Nội cải thiện nhân quyền nhiều hơn nữa.

Bài báo nói kể từ năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã tiến hành đàn áp trên diện rộng các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tự do tôn giáo bằng cách dùng các điều khoản mơ hồ trong luật cùng những lý do không thuyết phục như trốn thuế để đàn áp các tiếng nói phản kháng.

Hiện có 193 nhà hoạt động bị cầm tù tại Việt Nam, chưa kể tới những người bị buộc phải im lặng hoặc phải lưu vong. 

Hai điều luật được sử dụng để bỏ tù những ai lên tiếng trái chiều với nhà cầm quyền là Điều 117 hình sự hóa việc “làm, tàng trữ, phổ biến hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước” hay Điều 331 về “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước.” 

Một trong những ví dụ mà Washington Post liệt kê là trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang, người năm ngoái nhận Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng hiện đang thụ án 9 năm tù vì bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam, và kêu gọi Tổng thống Biden khi tới Hà Nội hãy yêu cầu phóng thích Phạm Đoan Trang cùng tất cả các tù nhân chính trị khác.

Washington Post cũng nhắc tới các cuộc đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội dẫn đến việc giải thể các nhóm môi trường, các nhà xuất bản độc lập, hội các nhà báo độc lập và một tổ chức chống tham nhũng phi chính phủ. Những người không có lịch sử hoạt động có tổ chức, nhưng dùng mạng xã hội để lên tiếng bất bình về tham nhũng và nạn lạm dụng tài nguyên công thì phải đối mặt với việc bị truy tố, bài xã luận trên Washington Post nêu rõ. 

Vẫn theo bài báo, các biện pháp kiểm soát đối với xã hội dân sự đã trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm các hạn chế đối với giới học thuật và các hội nghị quốc tế, tăng cường giám sát các tổ chức trong nước dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài và kiểm duyệt truyền thông xã hội.

Về mặt tôn giáo, Washington Post trích dẫn phát hiện của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF về ‘những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra và có hệ thống’ ở Việt Nam khiến USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998.

Việt-Mỹ thiết lập quan hệ song phương vào năm 1995. Tổng thống Barack Obama vào năm 2013 lập ‘quan hệ đối tác toàn diện’ với Hà Nội và việc chính quyền Biden muốn nâng cấp lên thành ‘quan hệ đối tác chiến lược’ là dựa trên căn bản về thương mại và địa chính trị. Việc này, vẫn theo bài xã luận trên Washington Post, sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận các điều kiện thương mại ưu đãi và hợp tác quân sự sâu rộng hơn. Tuy nhiên, tác giả bài báo nhấn mạnh, ông Biden không thể làm ngơ trước tình hình nhân quyền ngày càng leo thang tại Việt Nam.

Tác giả bài xã luận thúc giục Tổng thống Biden nên một lần nữa thúc đẩy sự thay đổi – và sẵn sàng hơn nữa để đạt các thỏa thuận thương mại quan trọng vừa mang đến sự thịnh vượng lại vừa cải thiện các điều kiện về nhân quyền cho những nơi như Việt Nam.

Bài xã luận của Washington Post nhấn mạnh: “Như các tổng thống khác đã làm, ông Biden chắc chắn sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị khác biệt của Việt Nam. Nhưng ông cũng nên nói sự thật với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng: Không một kẻ cai trị nào hay một hệ thống nào trở nên mạnh mẽ hơn khi hủy hoại quyền và phẩm giá của chính người dân mình.”

Khi được hỏi về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jean-Pierre nói với báo giới hôm 28/8 rằng Tổng thống Biden ‘không bao giờ né tránh’ chuyện nêu vấn đề nhân quyền với bất kỳ lãnh đạo nào.

Hà Nội lâu nay bác các tố cáo vi phạm nhân quyền và một mực nói rằng không có tù nhân chính trị tại Việt Nam mà chỉ có những người phạm pháp bị xử lý theo quy định của pháp luật.


Phụ huynh khó khăn xoay sở khi năm học mới bắt đầu 

07/9/2023 – Nguyễn Lại 

Ảnh tư liệu - Khai giảng năm học mới ở Tắc Pổ, Nam Trà My, Quảng Nam. (Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ)

Ảnh tư liệu – Khai giảng năm học mới ở Tắc Pổ, Nam Trà My, Quảng Nam. (Hình trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ) 

Một năm học mới đã chính thức bắt đầu ngay sau dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 02/9 tại Việt Nam. Nhiều phụ huynh lại đang đau đầu vì những khoản đóng góp cho nhà trường, chi phí sách vở, quần áo đồng phục cùng nhiều khoản chi khác để cho con đi học… 

Washington DC —  

Một năm học mới đã chính thức bắt đầu ngay sau dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 02/9 tại Việt Nam. Nhiều phụ huynh lại đang đau đầu vì những khoản đóng góp cho nhà trường, chi phí sách vở, quần áo đồng phục cùng nhiều khoản chi khác để cho con đi học. Trong hoàn cảnh kinh tế và thu nhập khó khăn như hiện nay, những khoản chi này đang trở thành gánh nặng cho không ít gia đình. 

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, một cư dân của quận Hai Bà Trưng, cho biết năm nay vợ chồng anh đã phải chuẩn bị từ sớm 30 triệu đồng để cho hai đứa con đang học cấp một tại một trường công trong quận. Đối với gia đình anh, đây thực sự là một khoản tiền lớn bởi tổng thu nhập hàng tháng của vợ chồng anh cũng chưa tới mức đó, chưa kể bao nhiêu khoản chi khác cần phải thanh toán. Anh nói để có đủ tiền cho các cháu đầu năm học mới, vợ chồng anh đang hỏi mượn thêm từ ông bà nội-ngoại. 

“Chắc phải gần chục khoản khác nhau. Sách vở, giấy tờ, bảo hiểm… Ối giời ơi nhiều lắm. Quỹ này, quỹ nọ, quỹ phụ huynh, rồi quỹ lớp…đủ cả. Mỗi cái một tí nhưng cộng lại cũng nhiều,” anh Tuấn than thở về những khoản phải mua sắm và đóng góp trước thềm năm học mới. 

Anh nói có rất nhiều khoản đóng góp vô lý nhưng vì không muốn con bị ‘trù’ nên anh đành làm theo ‘gợi ý’ của hội phụ huynh. 

“Riêng tiền xây dựng trường lớp mỗi đứa phải đóng 1 triệu rồi. Nhưng vào năm học thì thực tế người ta có xây dựng hay sắm sửa mới gì cho trường lớp đâu. Cứ nói xây dựng nhưng xây dựng cái quái gì,” anh Tuấn bức xúc. 

Chị Nguyễn Thu Minh, một cư dân sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho hay để chuẩn bị cho hai đứa con vào năm học mới, vợ chồng chị cũng phải lo một khoản không nhỏ theo đề nghị của nhà trường và hội phụ huynh mà không biết có được dùng đúng mục đích hay trở thành ‘khoản bồi dưỡng bắt buộc’ mà phụ huynh phải nộp mỗi dịp năm học mới. 

“Họ đang yêu cầu giải tán hội phụ huynh vì hội phụ huynh thực tế là cái hội thu tiền, nghĩ ra mọi cách để thu tiền nào là đầu tư rèm cửa, nào là thay mới điều hoà..,” chị Minh chia sẻ và tỏ ý tán đồng việc giải tán hội phụ huynh để giảm gánh nặng các khoản thu vô lý và tràn lan trong nhà trường hiện nay. 

Khác với anh Tuấn và chị Minh, anh Đoàn Minh Thành, một cư dân tại quận Đống Đa, Hà Nội, đã chuyển cho hai con sang học trường tư vài năm trước để tránh những khoản thu ‘chướng tai gai mắt’. Anh Thành cho biết khi con học trường tư, anh không còn phải đi họp hội phụ huynh nhiều như ở trường công, nhưng anh lại phải đối mặt với áp lực học phí. 

“Tốn đấy. Trường tư như con tôi bây giờ mỗi tháng 10 triệu/đứa. Trong khi thu nhập thì giảm, giám tới 40%,” anh Thành than thở. 

Dù vậy, anh nói anh vẫn sẽ cố gắng tiếp tục cho con học trường tư để tránh những chuyện đóng góp, thăm hỏi, ‘chăm sóc’ ban giám hiệu và thầy cô tại các trường công vốn là gánh nặng ‘khó thoát’ lâu nay đối với các phụ huynh cả về tiền bạc, công sức và thời gian. 

Ông N.T.S, lãnh đạo một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho VOA biết những khoản đóng góp đầu năm học mới là chuyện ‘cực chẳng đã’ mà nhà trường không thể không thu. 

“Nói gì thì nói, mình cũng phải thông cảm. Cái nền kinh tế của mình thì phụ huynh hay cô, thầy giáo đều khổ. Ai cũng phải kiếm tiền. Vì đồng lương nó bèo bọt quá thì người ta cũng phải nghĩ cách kiếm thêm, kiếm sống này kia chứ,” ông than thở. 

Vẫn theo lời ông, với đồng lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng hiện nay, giáo viên và cả ban giám hiệu không thể nào nuôi sống được bản thân chứ đừng nói gì nuôi sống gia đình tại những thành phố như Hà Nội. Vì thế, ông nói, những khoản đóng góp dịp đầu năm hay dịp lễ tết của phụ huynh ngoài việc chỉnh trang lại trường lớp thì cũng giúp ban giám hiệu và thầy cô có thêm một phần thu nhập đảm bảo cuộc sống và yên tâm làm việc. 

Theo báo chí nhà nước, trước thực trạng bắt buộc đóng góp tại các trường công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi khai giảng năm học 2022 – 2023 đã yêu cầu các Sở Giáo dục Đào tạo công khai các khoản thu chi. Theo chỉ thị này, chỉ có học phí, bảo hiểm y tế, quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu, học phẩm cho học sinh mầm non và nước uống học sinh (tùy từng tỉnh thành) là những khoản thu bắt buộc. 

Theo báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của chính phủ, mức chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo chỉ xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách, nghĩa là chưa tới mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách như dự kiến. 


Ai mới là người đứng đầu Nhà nước trong các quan hệ ngoại giao?

Hiền Vương/VNTB

07/9/2023

VNTB – Ai mới là người đứng đầu Nhà nước trong các quan hệ ngoại giao?

Nếu cứ răm rắp “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì quả tình sẽ rất khó trong chuyện nghi thức đón ông Tổng thống Hoa Kỳ vào Chủ nhật tới đây.

Hiến pháp 2013, Điều 86:  “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.

Với Hiến định này thì phải chăng cần hiểu rằng vài hôm nữa, người đứng đầu Chính phủ Hoa Kỳ sẽ hội đàm với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong một gặp gỡ được tiến hành theo nghi thức lễ tân đón nguyên thủ quốc gia.

Thế nhưng nếu cứ răm rắp “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thì quả tình sẽ rất khó trong chuyện nghi thức đón ông Tổng thống Hoa Kỳ vào Chủ nhật tới đây.

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 18/2022/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 10-04-2022) thì các nghi lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia thăm chính thức được tiến hành như sau:

“Điều 8. Đón, tiếp nguyên thủ quốc gia thăm chính thức

1. Đón đoàn tại sân bay:

a) Thành phần: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Chủ tịch nước và Vụ trưởng Vụ khu vực thuộc Bộ Ngoại giao;

b) Nghi thức: Trải thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của nguyên thủ quốc gia nước khách;

Bố trí đội hình tiêu binh danh dự đứng hai bên thảm từ chân cầu thang máy bay đến nơi đỗ xe của nguyên thủ quốc gia nước khách;

Tặng hoa nguyên thủ quốc gia nước khách và phu nhân hoặc phu quân.

2. Lễ đón chính thức:

a) Chủ tịch nước chủ trì lễ đón chính thức;

b) Thành phần: Phu nhân hoặc phu quân Chủ tịch nước (nếu phu nhân hoặc phu quân nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng), Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng tháp tùng, Đại sứ Việt Nam tại nước khách, lãnh đạo các bộ, ngành tương ứng với thành phần đoàn khách và yêu cầu đón, tiếp;

c) Nghi thức đón và duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam: thực hiện như đối với nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước quy định tại mục c, d, đ khoản 2 Điều 6 Nghị định này nhưng không bắn đại bác khi cử Quốc thiều hai nước;

d) Trong trường hợp thời tiết không thuận lợi, lễ đón chính thức được tổ chức tại Nhà Quốc hội. Không diễu binh sau khi duyệt Đội danh dự.

3. Gặp hẹp và Hội đàm chính thức:

a) Chủ tịch nước và nguyên thủ quốc gia nước khách gặp hẹp trước khi hội đàm theo thỏa thuận của hai bên;

b) Chủ tịch nước và nguyên thủ quốc gia nước khách đồng chủ trì hội đàm;

c) Thành phần tham dự phía Việt Nam tương ứng với thành phần chính thức của đoàn khách và yêu cầu của nội dung hội đàm;

d) Trong thời gian gặp hẹp và hội đàm, bố trí gác tiêu binh danh dự.

4. Tiếp xúc cấp cao:

Thu xếp nguyên thủ quốc gia nước khách tiếp xúc cấp cao với Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số lãnh đạo khác theo yêu cầu và điều kiện cụ thể của chuyến thăm.

5. Chiêu đãi chính thức:

a) Chủ tịch nước chủ trì tiệc chiêu đãi;

b) Trải thảm đỏ từ cửa phòng tiệc đến nơi đỗ xe của Nguyên thủ quốc gia nước khách. Bố trí đội hình tiêu binh danh dự tại sảnh; gác tiêu binh danh dự;

c) Thành phần dự:

Phía Việt Nam: Phu nhân hoặc phu quân Chủ tịch nước (nếu phu nhân hoặc phu quân nguyên thủ quốc gia nước khách đi cùng); các thành viên tham gia lễ đón, hội đàm chính thức, các nguyên Đại sứ Việt Nam tại nước khách. Trong trường hợp cần thiết, mời một số, nhân sĩ, trí thức, đại diện doanh nghiệp có nhiều hợp tác với nước khách cùng dự;

Phía khách: các thành viên chính thức, một số tùy tùng, đại diện doanh nghiệp (nếu có) và một số cán bộ ngoại giao của cơ quan đại diện ngoại giao nước khách;

d) Nghi thức:

Chủ tịch nước đọc diễn văn chào mừng;

Nguyên thủ quốc gia nước khách đáp từ;

đ) Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chào mừng tại tiệc chiêu đãi.

6. Tiễn đoàn tại sân bay: thành phần và nghi lễ thực hiện như khi đón”.

Như vậy, với những “tình tiết điều chỉnh” cho các nghi thức lễ tân đón nguyên thủ số 1 của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào Chủ nhật tới đây, cho thấy cần luật hóa về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; đặc biệt là luật về Tổng bí thư tương tự như đề xuất luật về Chủ tịch nước vừa được Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh yêu cầu ở Quốc hội.


Tiếp viên hàng không bị bắt ở Hàn Quốc nói không biết giúp vận chuyển cần sa

07/9/2023

VNTB – Tiếp viên hàng không bị bắt ở Hàn Quốc nói không biết giúp vận chuyển cần sa

Tiếp viên: Chỉ chuyển hàng, không biết bên trong là cần sa

Theo Đài MBC đưa tin ngày 6-9, Sở cảnh sát thành phố Incheon, phía tây thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã bắt giữ hai nữ tiếp viên trong số bốn thành viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam vì nghi vấn buôn lậu tinh dầu cần sa.

Theo Đài MBC đưa tin ngày 6-9, Sở cảnh sát Incheon, phía tây Seoul bắt giữ hai trong số bốn thành viên phi hành đoàn của một hãng hàng không Việt Nam để điều tra hành vi buôn lậu ma túy.

Hai nữ tiếp viên khoảng 20 tuổi bị nghi ngờ giấu cần sa dạng lỏng (tinh dầu cần sa) trị giá 300 triệu won (hơn 5,4 tỉ đồng) trong các hộp đựng mỹ phẩm và mang vào Hàn Quốc từ tháng 4-2023.

Theo kết quả điều tra của cảnh sát, hai nữ tiếp viên trên nhận họ đã chuyển hàng hộ từ Việt Nam sang Hàn Quốc với tiền công khoảng 68.000 won đến 150.000 won (từ khoảng 1,2 triệu đến 2,7 triệu đồng) cho mỗi lần chuyển hàng.

Các nữ tiếp viên cho biết họ chỉ nhận vận chuyển hàng mà hoàn toàn không biết bên trong là cần sa.

Cảnh sát Hàn Quốc cũng cho biết thêm hai nữ tiếp viên còn lại không nhập cảnh vào Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Các cơ quan điều tra Hàn Quốc đang tiếp tục truy tìm hai thành viên phi hành đoàn còn lại, đồng thời mở rộng điều tra để xác định xem có thêm người tham gia hay không.

Cũng theo Đài MBC News, việc kiểm tra hành lý bao gồm quá trình kiểm tra bằng máy quét tia X của các thành viên phi hành đoàn tương đối đơn giản hơn so với những hành khách thông thường.

Phía cảnh sát Incheon nhận định việc các tiếp viên hàng không Việt Nam nhận vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc để kiếm thêm thu nhập đã có từ lâu.

Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, một nhân viên hải quan sân bay quốc tế Incheon nói với Đài MBC họ sẽ tăng cường kiểm tra hành lý của tiếp viên các hãng hàng không đến từ Việt Nam.

Trong khi đó, theo báo Hankyung, cảnh sát Hàn Quốc cũng phát hiện một tiếp viên khác có hành vi vận chuyển ma tuý và đang đề nghị phía Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phối hợp truy tìm.

Vietnam Airlines, Bamboo Airways lên tiếng vụ tiếp viên bị Hàn Quốc bắt giữ

Vietnam Airlines, Bamboo Airways vừa trả lời Báo Lao Động về việc 2 tiếp viên Việt Nam bị Hàn Quốc bắt giữ vì liên quan đến cần sa.

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện truyền thông hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết tối 6.9, phía truyền thông của hãng đã đọc được thông tin đài MBC đưa tin Sở Cảnh sát Incheon, phía Tây thủ đô Seoul (Hàn Quốc) bắt giữ 2 nữ tiếp viên hàng không Việt Nam vì nghi buôn lậu tinh dầu cần sa. Hãng đang cho xác minh thông tin và sẽ có thông báo sớm nhất.

Còn đại diện hãng hàng không Bamboo Airlines cho Lao Động biết, ngay sáng nay, hãng sẽ rà soát thông tin trên và sẽ có phản hồi.

Hãng VietjetAir khẳng định hai tiếp viên trên không phải là nhân viên của hãng.

Nguồn: Tổng hợp


Mỹ áp thuế chống bán phá giá 220% đối với móc áo thép Việt Nam

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/09/mocthep.jpg

Sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế hơn 220%. Các mặt hàng khác như gỗ dán, pin năng lượng mặt trời cũng bị Bộ Thương mại Mỹ gia hạn điều tra chống lẩn tránh thuế.
Mỹ áp thuế hơn 220% đối với móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam. (Ảnh minh họa: Freer/Shutterstock)

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Việt Nam, tháng 8/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo về kết luận cuối cùng của đợt rà soát lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam, báo Công thương đưa tin.

Theo đó, tại kết luận, do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 220,68% (trừ ba công ty được áp dụng thuế suất riêng là 157%). Mức thuế này không thay đổi so với mức thuế hiện hành (áp dụng từ tháng 2/2013).

Ngoài ra, sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cũng đang bị DOC áp dụng thuế chống trợ cấp với mức thuế 31,58% (trừ một công ty bị áp dụng thuế suất riêng là 90,42%).

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng và sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ thành phần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các sản phẩm này có thể sẽ phải chịu mức thuế có thể lên đến gần 200% như Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc.

Được biết, ván ép hay còn gọi là gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ một hoặc hai lớp ván gỗ cứng ở bề mặt.

Hiện tại, Mỹ đang áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc, với mức thuế chống bán phá giá là 183,3% và thuế thuế chống trợ cấp từ khoảng 23% – 195%.

Theo Liên minh Thương mại Công bằng đối với Ván ép gỗ cứng của Mỹ (Coalition for Fair Trade in Hardwood Plywood), DOC đã đưa ra quyết định trên cơ sở toàn quốc, có nghĩa là quyết định này áp dụng cho tất cả các sản phẩm ván ép xuất khẩu từ Việt Nam.

Tuấn Minh


Bình Thuận vẫn bảo vệ quyết định chuyển đổi 600 ha rừng làm hồ chứa nước

2023.09.06

Bình Thuận vẫn bảo vệ quyết định chuyển đổi 600 ha rừng làm hồ chứa nước

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngCổng TTĐT tỉnh Bình Thuận 

Sở Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận vào ngày 6/9 lên tiếng bảo vệ quyết định làm hồ chứa nước Ka Pét tại khu 600 ha rừng mà công luận phản ứng mạnh vì đó là rừng già còn nhiều gỗ quý.

Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày dẫn phát biểu của Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, ông Lê Thanh Sơn, rằng trước đây khu rừng dự kiến triển khai hồ Ka Pét được phép khai thác đến năm 2002 khi có chủ trương đóng cửa rừng. Do đó hiện số cây gỗ lớn, có giá trị còn rất ít.

Ông Lê Thanh Sơn cho rằng những cây căm xe cổ thụ, cây lim già mà cư dân mạng chia sẻ trong những ngày qua đều nằm ngoài ranh giới dự án.

Sở NN- PTNT tỉnh Bình Thuận nói khu vực rừng hồ chứa nước đã được quy hoạch từ năm 1995; tuy nhiên do có nhiều khó khăn nên đến năm 2019, Quốc hội Việt Nam mới thông qua chủ trương dự án.


XEM THÊM:

Comments are closed.