Chuyện Việt Nam Thứ Năm 08/06/2023: *LHQ yc VN giải thích vụ ls Đặng Đình Mạnh. *Campuchia nối cao tốc với Việt Nam. *Đức và vụ bắt giữ Hoàng Thị Minh Hồng. * TQ đầu tư pin vào Việt Nam? * Sài gòn thất nghiệp !! * Chúng ta đang tự hại mình!!


Quê Hương tổng hợp


Chuyên gia LHQ yêu cầu Việt Nam giải trình việc điều tra hình sự luật sư Đặng Đình Mạnh 

07/6/2023 

VOA Tiếng Việt 

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. YouTube PLO. 

Các chuyên gia nhân quyền của LHQ vừa gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” do Công an tỉnh Long An, khởi xướng đối với một trong những luật sư nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất ở Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia nhận được thông tin cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hay còn được gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.

Văn thư của Báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền đề ngày 31/3/2023 và vừa được công bố hôm 30/5 có đoạn viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi khi đang diễn ra một cuộc điều tra hình sự cáo buộc ông Mạnh, điều này dường như có mối liên quan trực tiếp với việc bào chữa của ông ở Việt Nam”.

Cáo báo cáo viên đặc biệt nói rằng nếu những thông tin mà họ nhận từ các nguồn khác nhau mà được xác nhận, thì vụ việc này dẫn đến “một sự cố nghiêm trọng vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến tự do và hành nghề luật sư một cách độc lập”.

Theo các tiêu chuẩn này, các quốc gia phải đưa ra tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng các luật sư có thể thực hiện tất cả các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rối hoặc can thiệp không phù hợp.

Ba báo cáo viên cũng nhắc đến việc luật sư Mạnh bị cấm xuất cảnh khi ông định sang Campuchia vào đầu tháng 2/2023 và phía công an thông báo cho ông rằng ông đã bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an kể từ tháng 8/2021, điều mà ông không được thông báo trước đó.

Như VOA đã đưa tin, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa các thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, ngày 21/03/2023, bị Công an Long An triệu tập và thẩm vấn liên quan đến cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Việc triệu tập diễn ra sau khi cơ quan này tiếp nhận tin báo từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) cho rằng ông Mạnh “có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Truyền thông Việt Nam cho biết công an tỉnh Long An triệu tập ông Mạnh lần 2 vào ngày 12/4 nhưng ông không có mặt, nói thêm rằng nếu người được triệu tập vắng mặt thì sau đó sẽ bị áp giải theo luật định.

Các chuyên gia LHQ yêu cầu chính quyền Việt Nam cung cấp thông tin chi tiết về các chứng cứ dẫn đến việc điều tra hình sự đối với ông Mạnh và giải trình xem những điều này phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của Việt Nam theo điều 14, 19, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày các chuyên gia gửi thư cho phía Việt Nam hồi 31/3 và tính đến ngày công bố hôm 30/5, văn thư này vẫn chưa được Hà Nội hồi đáp, theo email của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ gửi cho báo giới.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia LHQ.

Nữ luật sư Mỹ gốc Việt Vi Trần, đồng sáng lập Tạp chí Luật khoa, nêu nhận định với VOA về Điều luật 331 của Việt Nam:

“Điều luật 331 là điều luật rất phi lý. Nó là luật trên cả luật. Nó không hợp lý và vô ý nghĩa. Và nếu dùng điều luật đó để buộc tội những người luật sư thì càng không đúng hơn, bởi vì một người luật sư phải làm tất cả mọi thứ để bảo vệ và biện hộ cho thân chủ của mình.

“Nếu nhìn về phía luật pháp quốc tế thì việc dùng những điều luật như vậy để buộc tội họ khi họ thực thi quyền lợi của mình và của thân chủ thì rất là sai”.

“Hành vi sách nhiễu, cản trở, đàn áp giới luật sư, đặc biệt là những luật sư can đảm dám nhận lời bảo vệ, bào chữa cho các thân chủ trong những vụ án “bị xem là nhạy cảm” là hành vi xâm phạm nhân quyền của cả luật sư lẫn thân chủ”, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm, người theo dõi vụ án Thiền Am, nêu nhận định với VOA.

Bà Quỳnh nhận định rằng qua thư yêu cầu giải trình này có thể là “cơ sở để giới quan sát nhân quyền quốc tế nhìn lại Điều 331 – một điều luật mơ hồ, vi hiến, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam”.

Hồi tháng 3/2023, Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) có thư ngỏ gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam lên án cuộc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và kêu gọi Việt Nam ngưng điều tra hình sự đối với ông và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ.

Ngoài ra, ICJ còn kêu gọi Việt Nam hủy bỏ hay sửa đổi Điều 331 cho tương thích với luật nhân quyền quốc tế, cũng như phải có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi một cách tự do nghề luật sư mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, hay bị sách nhiễu trong quá trình tố tụng.

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-lhq-yeu-cau-viet-nam-giai-trinh-viec-dieu-tra-hinh-su-luat-su-dang-dinh-manh/7126540.html


Campuchia khởi công tuyến cao tốc kết nối với Việt Nam – RFA
07/6/2023

Bản đồ quy hoạch tuyến đường cao tốc Phnom Penh – Bavet 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngvov.vn 

Tuyến đường cao tốc nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Pavet tỉnh Svay Rieng, tiếp giáp biên giới Việt Nam vừa được Campuchia chính thức khởi công xây dựng.

Bộ Giao thông Công chính Campuchia trong sáng 7/6 đã làm lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc trên, với tổng vốn đầu tư 1.35 tỷ USD và chiều dài toàn tuyến là 135.1km.

Tờ Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam cho biết, phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Hun Sen nói tuyến đường cao tốc kết nối thủ đô Phnom Penh với thành phố Bavet sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho người dân, do kết nối với tuyến đường cao tốc mà Việt Nam sẽ xây dựng, nối liền hệ thống đường cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Campuchia.

Ông Hun Sen cũng nhấn mạnh đây sẽ là tuyến kết nối hết sức quan trọng và cũng là một phần trong việc triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) theo sáng kiến trước đây.

Campuchia đã hiện thực hóa việc kết nối dự án đường cao tốc ASEAN thông qua kết nối với Việt Nam, giữa thành phố Phnom Penh với Thành phố Hồ Chí Minh và giữa Phnom Penh với Bangkok của Thái Lan”, tờ Tin tức dẫn lời Thủ tướng Hun Sen.

Trong cùng ngày, Chính phủ Hoàng gia Campuchia tiến hành ký kết dự án nghiên cứu xây dựng đường cao tốc Phnom Penh – Siem Reap và Siem Reap – Poipet với một đối tác Trung Quốc. Đây là tuyến đường cao tốc thứ ba ở Vương quốc Campuchia, sau tuyến đường cao tốc Phnom Penh – Sihanoukville đầu tiên thông xe vào tháng 11/2022 và tuyến đường cao tốc Phnom Penh – Bavet vừa khởi công.


Đức quan ngại về vụ bắt giữ nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng – 08/06/2023 

Ngân hàng Thế giới khen ngợi những đóng góp của bà Hoàng Thị Minh Hồng.jpg 

Chính phủ Đức ngày 7/6 bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ một nhà vận động môi trường nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời cảnh báo rằng một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ đô la gần đây để giúp Việt Nam loại bỏ than đá cần có sự tham gia của các nhà hoạt động xã hội dân sự.

Văn phòng Nhân quyền Liên hiệp quốc cho biết, trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy, bà Hoàng Thị Minh Hồng bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vào tuần trước theo một lệnh tạm thời với cáo buộc trốn thuế. Báo cáo cho biết bà Hồng là nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thứ năm bị bắt ở Việt Nam vì cáo buộc trốn thuế trong hai năm qua.

Bộ Ngoại giao Đức nói vụ bắt giữ bà Hồng và những người khác “là một tín hiệu đáng báo động đối với các tổ chức xã hội dân sự trên cả nước, cũng như đối với việc bảo vệ môi trường và khí hậu.”

“Chúng tôi cũng xem vụ bắt giữ này là nghiêm trọng liên quan đến việc thi hành sắp tới Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) đã được thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước G7, Đan Mạch và Na Uy,” Bộ nói.

Thỏa thuận được thống nhất vào cuối năm 2022 chứng kiến hai quốc gia Bắc Âu và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển giàu có cam kết 15,5 tỷ đô la để giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo.

Thỏa thuận này nhằm giúp Việt Nam giảm phát thải ròng bằng zero vào năm 2050, một mục tiêu mà các chuyên gia cho rằng cần phải được đáp ứng trên toàn cầu để hạn chế sự hâm nóng toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Đây là một trong một số thỏa thuận mà các quốc gia đang phát triển và giàu có đang đàm phán để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận đầu tiên như vậy đã được ký với Nam Phi vào năm 2021 và một thỏa thuận tương tự đã đạt được với Indonesia vào năm ngoái.

Bộ Ngoại giao Đức cho biết sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình này “được đính kèm rõ ràng trong thỏa thuận với Việt Nam theo chỉ thị của chính phủ Đức.”

“Những người bảo vệ khí hậu và môi trường như bà Hoàng Thị Minh Hồng đóng một vai trò không thể thiếu,” Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh.


Hai hãng lưu trữ năng lượng, pin Trung Quốc đang xem xét đầu tư lớn vào Việt Nam 

08/6/2023 

Một nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Việt Nam. 

Hai nhà sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc đang cân nhắc các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu đôla vào Việt Nam, Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành và chính phủ cho biết hôm 8/6.

Tổng trị giá của các khoản đầu tư này có thể vượt hơn 1 tỷ đôla, theo một người am tường và theo dõi trực tiếp về các cuộc thảo luận.

Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, một trung tâm xuất khẩu toàn cầu nhờ vào các hiệp định thương mại tự do và lao động giá rẻ.

Xiamen Hithium Energy Storage Technology, một công ty khởi nghiệp đang mở rộng ở châu Âu và Mỹ, vừa tiếp cận các quan chức và các nhà quản lý trong ngành tại Việt Nam để có khả năng đầu tư tới 900 triệu đôla để xây dựng một nhà máy trên diện tích rộng hơn 30 ha đất công nghiệp, người này cho biết.

Nếu khoản đầu tư được chốt ở con số trên, công ty Hithium sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Một nguồn thứ hai quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết khoản đầu tư đang được xem xét với giá trị ít nhất 500 triệu đôla.

Các nguồn tin này không được phép nói chuyện với giới truyền thông và từ chối tiết lộ danh tính.

Công ty Hithium, có trụ sở tại thành phố cảng phía đông nam Hạ Môn, cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ không có giao dịch mới nào sắp được ký kết. Công ty này cũng cho biết họ có kế hoạch mở rộng công suất sản xuất lên 70 Gigawatt (GW) vào cuối năm nay từ mức chỉ 15 GW hiện nay.

Growatt New Energy, công ty thuê một nhà máy chế tạo sẵn tại Việt Nam, đang có kế hoạch chi khoảng 300 triệu đôla mua khoảng 15 ha đất công nghiệp để xây dựng một nhà máy mới, nguồn tin đầu tiên cho biết.

Một nguồn tin riêng quen thuộc với các cuộc thảo luận cũng cho biết công ty Growatt có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Growatt, công ty sản xuất hệ thống pin và bộ biến tần lưu trữ năng lượng cho mục đích thương mại và dân dụng, không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Các nguồn tin cho biết cả hai công ty đang đàm phán với nhiều cơ quan chức năng và khu công nghiệp về các địa điểm tiềm năng cho các nhà máy của họ.

Việt Nam cũng là một thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển khi nền kinh tế đang bùng nổ của nước này phải vật lộn với tình trạng cắt điện thường xuyên do nhu cầu ngày càng tăng, biến đổi khí hậu và lưới điện yếu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa thông qua luật cho phép sử dụng các cơ sở lưu trữ năng lượng để tăng cường mạng lưới điện.

Hithium, hiện chưa có mặt tại Việt Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm lưu trữ năng lượng cố định, bao gồm các tế bào và bình chứa lớn hơn giúp quản lý việc cung cấp năng lượng không liên tục từ các trang trại năng lượng mặt trời hoặc gió.

Theo tổ chức Precedence Research, thị trường lưu trữ năng lượng cố định toàn cầu được ước tính sẽ tăng giá trị từ mức chỉ hơn 31 tỷ đôla vào năm 2021 lên khoảng 224 tỷ đôla vào cuối thập kỷ này. Các công ty lớn trên thị trường lưu trữ năng lượng bao gồm Tesla, Panasonic và Philips.


Sài Gòn, “buồn ơi … “

08/6/2023

Bạch Liên

 (VNTB) – Buồn nhiều khi nhìn một Sài Gòn với không khí cuộc sống kém sắc tươi vui.

 Sài Gòn giờ mang tên Hồ Chí Minh, nhưng đó là cái tên trong phần thủ tục hành chính, thể hiện trên các văn bản…; hoặc được gọi tắt như một danh từ riêng “Thành phố”.

Khi nói về Sài Gòn, với không ít người, bên cạnh những quá khứ lịch sử hào hùng; bên cạnh một Sài Gòn nhộn nhịp, trù phú trước năm 1975 như thế nào; bên cạnh một Sài Gòn “ảm đạm” sau cái ngày ấy; một Sài Gòn với ra đường hay ở nhà cũng đầy nỗi lo; một Sài Gòn ăn uống thiếu thốn; một Sài Gòn nơm nớp trước số phận của những tác phẩm bị gắn cái mác gọi là “văn hoá phẩm đồi truỵ”…, thì  Sài Gòn còn là một nơi hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo.

Theo thông tin trên báo chí cũng như ghi nhận từ thực tế, buổi sáng, các con đường từng nổi tiếng về buôn bán ở Sài Gòn như Lý Tự Trọng – Pasteur, Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Thiệp, Hai Bà Trưng…  được dán tràn ngập những bảng quảng cáo cho thuê nhà.

Cả một đoạn đường dài của đường Lê Lợi đoạn nằm giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến sát chợ Bến Thành vắng vẻ. Mặt bằng trên đường Đồng Khởi đã treo biển cho thuê từ khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng cục Thống kê cho biết, 2 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,9% so với hai tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Đó là một ngày của tháng 6-2023. Dạo vòng nhỏ nội đô Sài Gòn về đêm. Không nói đến khu vực trung tâm, cái không khí của Sài Gòn ở nhiều con phố, ở các con đường cũng đã thay đổi ít nhiều. Hàng quán trên con đường Phạm Văn Đồng vắng khách hơn. Nhiều khu vực ngày trước buôn bán đông đúc, giờ lặng lẽ “đóng cửa” nghỉ sớm. Và người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mưu sinh… dường chừng như nhiều hơn so với trước khi áp dụng chính sách Zero-covid của ông Vũ Đức Đam.

Những sự ngây thơ ngủ trên chiếc xe ba gác; những đứa bé nhỏ còn bồng trên tay theo chân ba mẹ kiếm sống mưu sinh; những đứa lớn hơn, tay dắt theo em, đi xin dòng người đang dừng xe ở một ngã tư chờ tín hiệu giao thông; những đứa trẻ ngồi ở một góc đường, vừa kiếm miếng ăn vừa đọc sách…

Dẫu biết rằng, cần có một sự hồi phục sau thời gian không ngắn đeo đuổi chính sách sai lầm gọi là zero-covid.

Dẫu biết rằng, năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn và thử thách. Song, buồn nhiều khi nhìn một Sài Gòn với không khí cuộc sống kém sắc tươi vui.

Một Sài Gòn với nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn đang mưu sinh ở các ngã ba, ngã tư, ngã năm…, với nhiều hơn những đứa trẻ thay vì được đi học, được vui chơi mùa hè lại phải ngồi ở một góc đường, một hè phố… với nét mặt hồn nhiên, bán vé số.

Trong khi đó, một trong những “nhân vật chính” đã trực tiếp gây ra những điều nói trên, vẫn dửng dưng ngoài đó sau khi “hạ cánh an toàn” khỏi cái ghế phó thủ tướng, khỏi cái ghế Trưởng ban chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Và giờ cũng chẳng biết “ngài” ấy đang ở đâu?

Sài Gòn bây giờ, ắt hẳn, những giọt lệ ấy, không còn là chỉ dành cho người nghèo, mà nó còn dành cho không ít những hoàn cảnh đã từng có công việc ổn định, đã từng với biết bao ấp ủ trong mở hàng quán mưu sinh.

Có một Sài Gòn hào hoa cho “buồn ơi chào mi” – Bonjour tristesse của Françoise Sagan quen thuộc với giới trẻ Sài Gòn hồi nào…


VNCS: Hải Dương: Cướp tiệm vàng, bắn luôn trung tá công an, con chủ tiệm

Lê Thiệt /SGN
7 tháng 6, 2023

Tiệm vàng Đức Nam (xã Hồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) nơi xảy ra vu cướp – Ảnh: VietnamNet 

Vụ cướp táo tợn này xảy ra tại tiệm vàng Đức Nam, xã Hồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Khoảng 8 giờ tối ngày 7 Tháng Sáu, lợi dụng trời mưa ít người qua lại, hai tên cướp chở nhau trên một chiếc xe máy dừng xe tại tiệm vàng Đức Nam.

Lúc này cả nhà chủ tiệm đang ăn cơm tối bên trong, bên ngoài không có ai coi chừng tiệm. Hai tên cướp vào tiệm, một tên giơ súng chĩa vào phía trong, một tên đập vỡ tủ kính, khua khoắng lấy các tài sản bày trong đó.

Nghe tiếng động, chủ tiệm vàng cùng vợ chồng con trai đang ăn cơm trong nhà xông ra. Tên cướp cầm súng bắn thẳng về phía chủ tiệm, nhưng cha con chủ tiệm vẫn cứ xông tới.

Hai tên cướp bỏ chạy ra ngoài, hai cha con chủ tiệm đuổi theo, tên cầm súng bắn vài phát nữa về phía ông Nguyễn Đăng Ninh (46 tuổi), bắn trung tá công an là con chủ tiệm vàng khiến ông bị thương ở bụng và cánh tay. Tuy vậy hai cha con tiệm vàng vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục đuổi theo, khiến hai tên cướp phải bỏ lại xe máy chạy bộ tẩu thoát.

Thời điểm xảy ra vụ án trời mưa to, nên tiếng hô hoán của gia đình nạn nhân đã không được nhiều người nghe thấy. Một vài hàng xóm đã phát hiện truy đuổi hai tên cướp nhưng không làm gì được chúng.

Tại hiện trường có rất đông người dân theo dõi sự việc. Ông Ninh sau đó được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng.

Chủ tiệm vàng chưa xác định mất bao nhiêu vàng. Hiện công an huyện Kim Thành và tỉnh Hải Dương đang tổ chức truy bắt hai tên cướp này.

Một số người dân khen ngợi hai cha con chủ tiệm vàng dũng cảm, dám đương đầu với hai tên cướp có vũ khí. Tuy nhiên có người lại xem đó là “một hành động cực kỳ ngu xuẩn, khi cả hai xem đống vàng bị mất lớn hơn mạng sống của họ”.

Một người viết trên mạng xã hội: “Hành động của ông trung tá công an chứng tỏ ông ta xem trọng tài sản gia đình ông hơn cả tính mạng của mình. Nếu ông chẳng may tử vong, cấp trên của ông sẽ vô cùng khó xử. Làm sao có thể vinh danh ông vì hành động ‘vì vàng quên thân’ này? Theo tôi nên kỷ luật ông ta thì đúng hơn”.

Một người khác viết: “Đảng và nhà nước nuôi ông bao nhiêu năm, ông cũng phấn đấu mấy chục năm mới leo lên được chức trung tá, thế mà lại có hành động ‘tay không bắt giặc’ điên rồ như thế. Nên đuổi ông ta ra khỏi ngành để tránh hậu họa. Biết đâu sau này, cũng vì vàng (hay vì đô), ông ta sẵn sàng ‘bán đứng’ anh em không chừng. Mạng của ông, ông còn không tiếc, thì mạng của đồng chí chỉ là ‘muỗi’ thôi!”


Bộ trưởng Bộ GTVT/VNCS: ‘Báo cáo ĐBQH, vấn đề đầu tiên là tiền đâu’

Đại biểu Tạ Văn Hạ. (Ảnh: quochoi.vn) 

Trước bức xúc của đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) về việc nhiều nhiệm kỳ chưa xây xong cầu Cẩm Lý (Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ GTVT nói “thực ra báo cáo với ĐBQH, vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Bộ GTVT đang khó nhất là không có tiền”.

Chiều ngày 7/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho hay Bắc Giang còn 2 nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ Quốc hội.

Đầu tiền là dự án cầu Cẩm Lý xây dựng từ năm 1979, có đường sắt đi chung với đường bộ duy nhất ở miền Bắc hiện nay. Đây là tuyến huyết mạch nối giữa Lạng Sơn, Bắc Giang với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra thảm họa. Dự án đang trong danh mục các dự án khẩn cấp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn bố trí cho dự án.

Thứ hai là cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, đây là tuyến huyết mạch nối cửa khẩu hữu nghị với các tỉnh phía Bắc có lưu lượng rất lớn nhưng thường xuyên ùn tắc ở 2 cây cầu Như Nguyệt và Xương Giang. Lý do là 2 cây cầu này mới có 2 làn xe.

Năm 2022, cầu Như Nguyệt đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Bắc Giang đầu tư mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương và tới đây sẽ hoàn thành trong tháng 6. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc của các tuyến cao tốc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, nếu như cầu Xương Giang chưa được mở rộng.

Trả lời về cầu Cẩm Lý, ông Thắng nói đây là cây cầu duy nhất hiện nay đang đi chung giữa đường sắt và đường bộ. Bộ GTVT nhận thấy việc sớm nâng cấp mở rộng cầu này là rất hợp lý, bởi vì lưu lượng bây giờ đi lại qua cầu rất cao, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cũng lớn. Tuy nhiên, ngành GTVT đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn xây dựng cầu.

“Trường hợp thật sự cấp bách cần phải triển khai ngay thì tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn. Nếu cấp thiết quá mà tỉnh có nguồn, mà đợt này giá vải lại đắt, có thể Bắc Giang dành một phần ngân sách để làm. Còn trường hợp không còn thì Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ KH-ĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vấn đề này của Bắc Giang”, ông Thắng nói.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng đây là vấn đề phải tháo gỡ ngay vì nếu kéo dài, cầu Cẩm Lý có thể có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng người dân.

Trong khi đó, cầu Như Nguyệt và Xương Giang là tuyến huyết mạch và ngắn nhất để đưa hàng hóa từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Nếu chỉ tháo được một cây cầu, tình trạng “tắc vẫn hoàn tắc”.

Trả lời ý kiến đại biểu Hạ, ông Thắng cho biết hiện nay còn một số tuyến đường, một số cây cầu cũng đang trong tình trạng như cầu Cẩm Lý. Quan điểm Bộ GTVT rất muốn tham mưu cho Chính phủ và rất muốn Quốc hội tạo điều kiện để mở rộng cho thí điểm thêm một số một số công trình, một số hạng mục, nếu không thì có khó khăn trong việc đầu tư các kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.

Đối với cầu Xương Giang, hiện đã hoàn thành các khâu thẩm định, trình tờ trình lên Chính phủ và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt.

“Còn với cây cầu Cẩm Lý thì chúng tôi cũng tiếp tục ghi nhận. Thực ra báo cáo với ĐBQH, vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Bộ GTVT đang khó nhất là không có tiền”, ông Thắng nói và mong Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm cho Bắc Giang để xử lý vấn đề này.

Hoàng Minh


VNCS: Khánh Hòa: PGĐ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Khánh Vĩnh bị bắt

Ông Nguyễn Quang Phương (bên trái) nghe công an đọc quyết định bắt tạm giam. (Ảnh: vov.vn) 

Do liên quan đến vụ án mà công an đang điều tra theo đơn tố giác của người dân, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Khánh Vĩnh bị khởi tố và bắt giữ.

Ngày 7/6, tin từ Công an huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) cho hay cơ quan này vừa thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Phương (SN 1985, ngụ xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) – Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Khánh Vĩnh để điều tra về hành vi Nhận hối lộ.

Đồng thời, công an cũng khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Phương.

Ông Phương bị bắt do có liên quan đến vụ án của Nguyễn Minh Tùng, đã bị bắt tạm giam vào đầu năm 2023.

Trước đó, sau khi tiếp nhận đơn tố giác của công dân, ngày 10/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) đã điều tra, khởi tố và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Minh Tùng (SN 1978) – Phó chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh và ông Trần Thiện Sinh (SN 1984) – cán bộ dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh về hành vi Nhận hối lộ, liên quan đến sốt đất đai tại huyện Khánh Vĩnh.

Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra vụ việc.

Ngọc Mai


VNCS: ‘Chi 100 đồng, chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại chi cho bộ máy’

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai). (Ảnh: quochoi.vn) 

ĐBQH Nguyễn Công Long chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN việc chi 100 đồng thì chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên.

Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết trong giai đoạn 2021 – 2026, tổng kinh phí dành cho các các, bộ, cơ sở chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu. Có nghĩa là 100 đồng thì chỉ 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên. “Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào và giải pháp trong những năm tới là gì?”, ông Long đặt câu hỏi.

Trả lời, ông Đạt cho rằng lĩnh vực khoa học công nghệ có tính đặc thù về tài chính. Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác.

“Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai”, ông Đạt nói.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) chất vấn về việc xác định mức chi đầu tư phát triển và tỷ lệ phần trăm tổng chi nhà nước cho KH-CN từ năm 2017 đến nay cũng như hướng xử lý tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp dàn trải.

Trả lời, ông Đạt nhìn nhận đây là vấn đề thực tế tại Việt Nam. Bộ KH-CN đã có giải pháp để thời gian tới, ngân sách tiền chi cho các nhiệm vụ KH-CN đảm bảo được hiệu quả.

Theo đó, giải pháp được Bộ KH-CN đưa ra là phê duyệt 19 chương trình KH-CN với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm… với những nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng, tầng ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học.

Lê Hoàn


Đoàn Khắc Xuyên – Chúng ta đang tự hại mình

Báo Người Đô Thị/VNCS

05/6/2023

Núi Chín Khúc ở Nha Trang bị san ủi năm 2021. Ảnh: Thanh Minh

Với thực trạng rừng, núi, biển đang bị xâm phạm ngày một nghiêm trọng, môi trường ngày càng bị suy thoái nặng nề, đặt trong bối cảnh những dự báo ảm đạm về biến đổi khí hậu cực đoan đang và sắp xảy ra, phải nói thẳng rằng chúng ta đang tự hại mình và tương lai của chính mình. 

El Nino 2023-2024: Cần những giải pháp ứng phó tổng thể cấp quốc gia 

Một trong những đợt nắng nóng kinh khủng nhất, trên diện rộng tại Đông Nam Á đã được ghi nhận tại ba nước Thái Lan, Lào và Việt Nam vào cuối tháng tư đầu tháng năm 2023 vừa qua. Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử quan trắc tại Việt Nam là 44,1oC đã được ghi nhận tại Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vào ngày 6.5.2023, còn nhiệt độ cao nhất trong lịch sử tại Lào là 43,5oC đã được ghi nhận tại cố đô Lào Luang Prabang, và nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tại Thái Lan là hơn 45oC ba tuần trước đó.

Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, với 44,1 độ, đây là kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất đo được ở Việt Nam từ trước đến nay. Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, các hình thế thời tiết đang trở nên cực đoan hơn. Mùa khô nắng nóng sẽ dữ dội hơn, mùa đông sẽ lạnh hơn. Các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, sét, bão lũ… sẽ diễn ra nhiều hơn và mức độ nguy hiểm hơn.

Theo dự báo, từ 2025, nghĩa là chỉ trong vòng 2-3 năm nữa thôi, chúng ta sẽ đối mặt với thời kỳ cực đoan của biến đổi khí hậu. Tùy nơi tùy lúc mà mức độ nắng, hạn, bão, lụt, động đất, ngập nặng tăng lên gấp đôi, gấp ba lần hiện nay. Cứ nhìn trận ngập lụt ở Pakistan tháng 8.2022 là rõ.

Một công bố mới đây của Liên Hợp Quốc cho biết khả năng hiện tượng El Nino phát triển trong vài tháng tới đang gia tăng, góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu lên ngưỡng cao hơn và tạo ra những kỷ lục nhiệt độ mới. 

Cùng lúc với tin tức về đợt nóng kỷ lục là thông tin và hình ảnh về đỉnh núi Bà Nà gần đây. Năm 2008 Đà Nẵng đã trao quyền khai thác đỉnh Bà Nà cho Sun Group. Họ san bằng đỉnh núi, xây dựng những tuyến cáp treo vận chuyển người lên đỉnh núi và những công trình kiến trúc châu Âu giả cổ trên đó. Nghe nói có những lúc trên đỉnh núi có hàng chục nghìn người cùng lúc.

Một facebooker mới đây cho biết, 15 năm đã trôi qua, nhưng công trường trên đỉnh Bà Nà vẫn cứ tấp nập, mỗi năm người ta lại xén đi vài ha để mở rộng khu vui chơi, hầm rượu, những tòa lâu đài giả mới tinh trên đỉnh Bà Nà, khiến cho những dòng suối đầu nguồn đổ ra ba con sông chính của Quảng Nam – Đà Nẵng ngập đầy bùn đất. Và cũng từng ấy năm không còn nhà khoa học hay trung tâm nghiên cứu nào ghi nhận được sự xuất hiện của các loài động vật quý hiếm nơi đây.

Một facebooker khác so sánh: Vườn Quốc gia Bạch Mã (Huế) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng) đều có chung đường ranh giới với tỉnh Quảng Nam. Hai khu rừng này có độ cao tương đương nhau, khoảng 1.500m so với mực nước biển, cùng được người Pháp phát hiện ra vào những năm 1930 và đều được xây dựng thành khu nghỉ dưỡng mùa hè với khoảng hơn 100 căn biệt thự.

Hai khu rừng này có nhiều loài động thực vật tương đồng nhau, có phần khác nhau là rừng Bạch Mã nằm hướng đón gió đông nên mưa ẩm nhiều hơn. Tuy nhiên đai trên cao không khí đều trong lành rất phù hợp cho nghỉ dưỡng nghỉ mát… Cho đến khi Sun Group xuất hiện ở Bà Nà thì hai khu rừng này mang hai số phận khác nhau.

Một khu rừng hoang sơ, nước suối quanh năm trong xanh, hoa trái, cỏ cây đua nở… là nơi để mọi người đều có thể được đến và tắm rừng. Còn một khu rừng đã trở nên kiệt quệ, toàn bộ phía đỉnh núi bị san ủi để nhường chỗ cho những tòa lâu đài san sát mới tinh, cho những khu vui chơi giải trí đông người ngột ngạt.

Cùng số phận là nhiều đỉnh núi khác mà điển hình là đỉnh núi Chín Khúc, Nha Trang;  đèo Hòang Liên trên dãy Hoàng Liên Sơn, tỉnh Lai Châu.

Dù được quy hoạch là đất rừng sản xuất, nhưng núi Chín Khúc thuộc TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có tới 8 dự án đang triển khai, trong đó có cả dự án khu đô thị, biệt thự. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa mới đây đã khởi tố hai vụ án “vi phạm quy định về quản lý đất đai” trong quá trình cho triển khai hai dự án “sinh thái tâm linh” Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc.

Theo Tuổi Trẻ Online, trong quy hoạch chung phát triển TP Nha Trang đến năm 2025, được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, núi Chín Khúc (diện tích chủ yếu ở phía tây nam TP Nha Trang, một phần thuộc hai huyện Diên Khánh và Cam Lâm) không quy hoạch phát triển đô thị. Đất trên núi Chín Khúc là đất quy hoạch rừng sản xuất. 

Vậy mà đến năm 2019, đã có 8 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cho triển khai ở núi này, trong đó hai dự án khu biệt thự, hai dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, một dự án khu đô thị, một dự án công viên nghĩa trang, một dự án mở rộng khu dân cư và một dự án kinh tế trang trại. 

Hầu hết các dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đầu tư, môi trường, xây dựng… nhưng đã bạt núi, mở đường, dọn đất rừng để triển khai dự án.

Hậu quả là hai cựu chủ tịch, một cựu phó chủ tịch, ba cựu giám đốc sở và một cựu chi cục trưởng tỉnh Khánh Hòa đã bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý đất đai” khi cho triển khai hai dự án trên núi Chín Khúc.

Tại Lai Châu, theo Tiền Phong Online, cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra, phát hiện Công ty Pusamcap Lai Châu – chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho máy móc san ủi, cày xới 3,5ha trong đó có nhiều diện tích rừng bị tàn phá. Công ty Pusamcap Lai Châu thực hiện dự án khu du lịch đỉnh đèo Hoàng Liên trên diện tích đất thuê là 517.541m2. Từ năm 2012 đến 2017, giá tiền thuê đất được xác định với diện tích 100.000m2 sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có đơn giá chỉ 420 đồng/m2/năm. Diện tích 417.541m2 đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có đơn giá thuê là 30 đồng/m2/năm.

Nhưng không chỉ có rừng, núi bị tàn phá, góp phần vào sự biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường sống. Môi trường biển Việt Nam cũng đang bị hủy hoại nặng nề, với tốc độ cực nhanh. Ai đã từng đến đảo Bình Ba (vịnh Cam Ranh, Khánh Hòa) hay đảo Nam Du ở ngoài khơi xa phía Nam để tham quan cũng có thể tận mắt thấy biển xung quanh các đảo này bị ô nhiễm nặng nề bởi nuôi trồng và du lịch.

Chỉ cần đặt chân xuống biển xung quanh đảo Bình Ba chân bạn sẽ đạp ngay phải các bao tải nhựa đựng đồ ăn công nghiệp để nuôi tôm, cá vứt bừa bãi dưới biển, còn xung quanh đảo Nam Du là rác thải nhựa dày đặc. Những bãi biển đẹp của Việt Nam đang nhanh chóng bị ô nhiễm do làn sóng du lịch với những du khách kém hiểu biết, kém ý thức gây ra, đồng thời với sự quản lý lỏng lẻo và biện pháp xử lý thiếu kiên quyết với các vi phạm về môi trường.

Một bãi biển thuộc xã Chí Công (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) ngập đầy rác. Ảnh: Hùng Lekima

Mặt khác, nếu không bị ô nhiễm do làn sóng du lịch thì nhiều bãi biển đẹp lại bị hủy hoại bởi ngành công nghiệp nuôi trồng khi không có sự quy hoạch rõ ràng diện tích biển dành cho nuôi trồng và diện tích biển, bãi biển dành cho du lịch. Ở nhiều địa phương có biển và bãi biển đẹp, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch như các bãi biển hoang sơ nằm trên vịnh Cam Ranh, thuộc thôn Bình Lập, xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh, với cát trắng, nước biển trong vắt có thể nhìn tận đáy, chỉ sau mấy năm nay đã trở thành những vùng biển ô nhiễm nặng nề với vô số lồng nuôi tôm hùm ken dày trên mặt vịnh, thức ăn nuôi tôm dư thừa và rác rưởi từ các lồng nuôi, các nhà bè xả xuống vịnh biển, những lồng nuôi tôm được kéo từ dưới biển lên làm vệ sinh và xả thẳng lưới cũ, chất thải từ các lồng ra gần các bãi tắm nơi du khách đang tắm. Liệu du khách nào còn dám đến tắm ở những bãi biển như vậy?      

Tất nhiên, người dân cần hoạt động kinh tế, cần mưu sinh từ rừng, từ biển. Nhưng tôn trọng và bảo vệ môi trường cũng là một yêu cầu, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mai sau. Mưu sinh từ rừng, từ biển là một nhu cầu nhưng phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường cũng mang lại thu nhập cho người dân. Vấn đề là chính quyền từng địa phương cần quy hoạch, xác định rõ khu vực nào dành cho nuôi trồng, khu vực nào dành cho du lịch và phải giám sát chặt chẽ, có biện pháp xử lý nghiêm khi quy hoạch bị vi phạm. Có thể nói, quy hoạch và thực hiện quy hoạch hiện có lẽ là khâu yếu nhất trong công tác quản lý của các nhà chức trách địa phương.

Cứ như thế, với thực trạng rừng, núi, biển đang bị xâm phạm ngày một nghiêm trọng, môi trường ngày càng bị suy thoái nặng nề, đặt trong bối cảnh những dự báo ảm đạm về biến đổi khí hậu cực đoan đang và sắp xảy ra, phải nói thẳng rằng chúng ta đang tự hại mình và tương lai của chính mình.

Chẳng lẽ phải đợi thiên nhiên dạy cho ta một bài học nặng nề (mà đợt nắng nóng vừa rồi mới chỉ là màn mở đầu) rồi chúng ta mới giật mình thay đổi, sống biết tôn trọng thiên nhiên, tuyệt đối không làm gì có hại tới môi trường?

Và trong câu chuyện này, mỗi công dân cần nâng cao ý thức, nhưng Nhà nước – với các đòn bẩy và công cụ quản lý của mình – cần phải là người vạch đường chỉ lối có hiệu quả.

Đoàn Khắc Xuyên

https://nguoidothi.net.vn

Comments are closed.