Chuyện Việt nam Thứ Năm 19/01/2023: Tân quyền chủ tịch nhà nước CSVN – Bất ổn nhân sự tại Việt Nam và hậu quả – Sập cửa hàng tạp hóa Circle K tại Sài gòn


Quê Hương tổng hợp


Tân quyền Chủ Tịch nhà nước Cộng Sản Việt Nam – Võ Thị Xuân Ánh

18/01/2023 | By VQ0

https://lh3.googleusercontent.com/pw/AL9nZEX1e52NfBF4AgIrRBHfFg5hfvBuW_Z8Dje0W5CIi_zT2MSpOGeTEQ3pRpADf1cEFIuNGY5GOnXaExSraAMHP5G7KaG1uyo1_9W_WJhCvQOfMYWnxbqQgucxAIzSB6HYvuZOqcqIH-MX43qIsBgaSYdn=w416-h360-no?authuser=1

Võ Thị Xuân Ánh

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2023, Quốc Hội nhà nước Cộng Sản Việt Nam họp truất phế toàn bộ chức vụ trong đảng và chính phủ của Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Lão niễng phải trở về trở về nhà đóng vai “công dân làm ăn lương thiện” chắc bị công an mật bám sát và theo dõi một thời gian dài.

Võ Thị Xuân Ánh, không có tên trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), chỉ là Ủy Viện Trung Ương được lên ngôi giữ “cung vua Hà Nội”. Chắc chắn bị “phủ chúa” Nguyễn Phú Trọng coi như hàng “quần thần lơ láo”. Vì trong Đảng cũng như trên chính trường quốc tế thì bà Ánh còn mờ lắm.

Võ Thị Xuân Ánh sinh năm 1970, năm nay 53 tuổi. Năm 1992 khi 22 tuổi bà chưa phải là đảng viên Cộng Sản, bắt đầu vào nghề làm giáo viên trung học ở Long Xuyên tỉnh Mỹ Tho. Năm 1994, 24 tuổi gia nhập vào đảng đỏ. 21 năm sau, vào năm 2015 Võ Thị Xuân Ánh đứng đầu tỉnh An Giang, giữ chức Bí Thư Tỉnh.

Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam đầu năm 2021, Võ Thị Xuân Ánh được đảng chọn làm Phó Chủ Tịch nhà nước Cộng Sản Việt Nam.

Ngày 18/01/2023, sau khi Quốc Hội miễn nhiệm Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Thị Ánh Xuân được Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam phân công giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc Hội CSVN bầu Chủ tịch nước mới.

https://vietquoc.org


Gần 6% người dùng di động ở Việt Nam bị lừa qua tin nhắn, cuộc gọi giả mạo – RFA – 19/01/2023

Gần 6% người dùng di động ở Việt Nam bị lừa qua tin nhắn, cuộc gọi giả mạo

Hình chụp hôm 4/8/2020: một thành viên của Liên minh Red Hacker đang làm việc trên máy tính ở một văn phòng tại Đông Hoản, Trung Quốc (hình minh hoạ) 

AFP 

75% người sử dụng mạng Việt Nam nhận được cuộc gọi lừa đảo tài chính online, hơn một nửa người dùng nhận được tin nhắn lừa đảo, trong đó có 5,7% đã thực hiện theo yêu cầu trong tin nhắn, cuộc gọi giả mạo…

Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin Truyền thông cho truyền thông nhà nước hay tin trên trong ngày 19/1 dựa theo số liệu từ chương trình đánh giá an ninh mạng dành cho người sử dụng cá nhân, do Tập đoàn Bkav thực hiện trong tháng 12/2022.

Theo số liệu từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, trong năm 2022 đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm hơn 24%) và lừa đảo tài chính (chiếm gần 76%).

Tin nhắn SMS Brandname giả mạo từ các tổ chức ngân hàng, tài chính cũng được hacker chuộng dùng trong năm 2022. Kết quả khảo sát của Bkav, hơn nửa số người dùng Việt Nam bị làm phiền bởi các tin nhắn này.

Cũng theo thống kê của Bkav, Việt Nam hiện có 6,8 triệu người tham gia thị trường tiền mã hóa, thuộc top các nước có số người tham gia cao hàng đầu thế giới. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin cho biết trong năm 2022 đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Trong năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến khi hacker có thể kiếm tiền dễ dàng với các phi vụ lên tới hàng tỷ đồng. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, hacker sẽ ngày càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi. Các chuyên gia dự báo, tấn công APT (tấn công mạng kỹ thuật cao có chủ đích) nhằm mục đích gián điệp sẽ gia tăng trong năm 2023.


Việt Nam : Bất ổn nhân sự lãnh đạo tác hại đến môi trường đầu tư ? – RFI – 18/01/2023

Tiếp theo sau vụ từ chức của hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, chính trường Việt Nam trong những ngày đầu năm 2023 lại bị rúng động bởi một sự kiện chưa từng có tiền lệ: chủ tịch nước, nhân vật đứng hàng thứ hai trong ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, buộc phải “xin thôi” các chức vụ, thậm chí xin “nghỉ công tác và nghỉ hưu”, rút hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị.  

Sau ông Nguyễn Xuân Phúc, câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra : nhân vật nào sẽ nằm trong danh sách kế tiếp? Nói cách khác, cùng với đà tăng tốc của chiến dịch “chống tham nhũng” do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, tình hình chính trị Việt Nam chắc là sẽ còn gặp nhiều xáo trộn, khi mà ngay cả chủ tịch nước mà cũng không giữ được chiếc ghế của mình. 

Nhưng liệu có nguy cơ là bất ổn về nhân sự lãnh đạo tối cao sẽ gây tổn hại cho hình ảnh của Việt Nam dưới con mắt của các nhà đầu tư quốc tế hay không? 

Trong năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt đến 8%, mức tăng cao nhất ở vùng Đông Nam Á, một phần chính là nhờ Việt Nam cho tới nay được đánh giá ổn định hơn một số nước láng giềng như Thái Lan, Miến Điện hay Malaysia, nên thu hút được nhiều đầu tư. 

Nhưng trong một bài viết đăng trên trang Nikkei Asia ngày 17/01/2023, nhà phân tích người Mỹ Zachary Abuza cho rằng những thay đổi chưa từng có trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước của Việt Nam khiến các nhà đầu tư ngoại quốc phân vân, không biết sự ổn định chính trị đó có sẽ được duy trì lâu dài không. 

Theo đánh giá của Abuza, ông Nguyễn Xuân Phúc, từng là thủ tướng vào thời kỳ mà kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, được xem là một lãnh đạo vững chắc hơn là người kế nhiệm Phạm Minh Chính, bị xem là thiếu kinh nghiệm.

Hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng được xem là những nhà quản trị đầy năng lực, đã đóng vai trò then chốt trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, được coi là một trong những quốc gia chống Covid tốt nhất thế giới. 

Phần lớn chính nhờ thành công chống đại dịch mà kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng năm 2022 đạt mức cao như thế. 

Nhưng cả hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam rốt cuộc bị xem là chịu trách nhiệm về hai vụ tai tiếng tham nhũng có liên quan đến Covid là vụ Việt Á và vụ “chuyến bay giải cứu”, tuy rằng bản thân hai ông không dính líu vào những vụ này.

Nhà phân tích Abuza nhấn mạnh, những nhân vật như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và những người trước đó cũng bị mất chức là những nhà kỷ trị thực dụng, đã góp phần giúp bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho Việt Nam. 

Trong số các ứng viên có triển vọng nhất cho chức chủ tịch nước, có đương kim bộ trưởng Công An Tô Lâm. Nếu ông Tô Lâm được lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, như vậy là trong “tứ trụ” sẽ có hai nhân vật xuất thân từ bộ máy an ninh. Thế lực của công an trong guồng máy lãnh đạo đảng và nhà nước của Việt Nam sẽ tăng thêm.

Trả lời hãng tin Bloomberg hôm qua, chuyên gia Bill Hayton, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), nhận định như vậy là bộ Công An sẽ giành lấy quyền kiểm soát đảng từ những nhân vật vẫn chủ trương là tốt hơn nên để cho chính phủ thi hành chính sách. Ông ghi nhận : ” Các nhân vật chủ trương tự do hóa, các bộ trưởng có năng lực, hoặc như quý vị gọi, các “ngôi sao”, đều đã bị tống ra ngoài.”

Nhà phân tích Abuza cũng có nhận định tương tự. Theo ông, chiến dịch chống tham nhũng đang gây bối rối cho các nhà đầu tư ngoại quốc, vì những nạn nhân hàng đầu của chiến dịch này lại là các nhà quản trị có năng lực. Do hiện nay đang có cạnh tranh gay gắt giữa các nước châu Á để thu hút những nhà đầu tư đang tìm một nơi thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ bị mất lợi thế nếu bộ máy cầm quyền không còn được xem là ổn định và có năng lực.

Đó là chưa kể, sau Tết Nguyên Đán, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều người bị bắt giữ hoặc bị điều tra vì tham nhũng, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Đấu đá nội bộ sẽ ngày càng gay gắt vì các phe sẽ tranh nhau chức vụ lãnh đạo tối cao thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc sẽ rời chiếc ghế tổng bí thư khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026.

https://www.rfi.fr/vi


Sài Gòn: Sập cửa hàng tạp hóa Circle K, một nữ sinh lớp 9 tử vong – Tường Vy – 18/01/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/01/06-Circle-K-1.jpg

Hiện trường cửa hàng tạp hóa Circle K bị sập sàn tần gmột – Ảnh: Dân Trí 

Đó một tai nạn đau buồn, nhất là lại xảy ra trong những ngày mọi người đang tất nập mua sắm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 5h ngày 18 Tháng Giêng, cửa hàng tạp hóa Circle K (số 16 đường Vĩnh hội, phường 4, quận 4, Sài Gòn) phát ra một tiếng động lớn. Nhiều người chưa kịp hiểu nguyên nhân từ đầu thì sàn lầu 1 bất ngờ đổ sập xuống tầng trệt.

Lúc này, bên trong cửa hàng có 9 người dưới tầng trệt. Ngay khi họ phát hiện ra tiếng động trần trần đã kịp chạy ra ngoài, chỉ còn một nữ sinh lớp 9 bị kẹt tại bên trong.

Môt số người dân gần đó chạy lại cửa hàng với ý định cứu giúp nhưng họ gặp khó khăn vì không có kinh nghiệm cứu nạn, và cũng không có thiết bị, nên chỉ biết trông chờ cảnh sát PCCC và CNCH đến.

Một người có mặt tại hiện trường cho biết lực lượng PCCC đã đến rất nhanh. Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP HCM, cho biết khi tiếp cận hiện trường, lực lượng cứu hộ đã bơm oxy vào nơi bị sập và tháo các kết cấu thép, bốc dỡ hàng hóa đưa nạn nhân ra ngoài.

Ông cho biết thêm, hiện trường là căn nhà cấp 4 được tận dụng làm cửa hàng tiện lợi, diện tích khoảng 70m2, có một tầng đúc giả. Nguyên nhân ban đầu được xác định kho dự trữ nhiều hàng bán Tết, do để quá nhiều trên kho ở tầng một, dẫn đến bị quá tải, sập sàn sắt.

Thiếu tá Hùng Nguyên Thuận, trực tiếp huy ở hiện trường cứu hộ nói: “Công tác cứu nạn gặp khó khăn do kết cấu thép của sàn bị thay đổi, hàng hóa chắn các lối, phải dùng nhiều thiết bị chằng chống mới tiếp cận nạn nhân”.

Tin từ Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, 8 nạn nhân chạy được ra ngoài chỉ bị xây xát nhẹ nên được sơ cứu tại chỗ. Riêng nữ sinh lớp 9, Giám đốc Bệnh viện quận 4 Đỗ Thành Tuấn, cho biết nạn nhân khi được đưa tới bệnh viện đã ngưng tim, ngưng thở, sau đó tử vong. Đến 12h, công tác cứu hộ hoàn tất, lực lượng cảnh sát rút khỏi hiện trường.

Đến trưa cùng ngày, lãnh đạo PC07 xác định không còn ai mắc kẹt trong đống đổ nát và công tác cứu nạn kết thúc.


Chạy thử nghiệm Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên với hệ thống ATP – RFA – 19/01/2023

Chạy thử nghiệm Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên với hệ thống ATP

Tàu metro số 1 lăn bánh chạy thử từ ga Suối Tiên hôm 21/12/2022 (hình minh hoạ) 

Lao động 

Đoàn tàu metro số 1 đã chạy thử nghiệm một đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP).

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 18/1, nêu rõ, ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trường ban phụ trách metro số 1 thuộc Ban quản lý Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) đã trực tiếp chỉ đạo việc chạy thử.

Ông Hiển cho biết, lần chạy thử nghiệm này với hệ thống bảo vệ tàu tự động được đánh giá thành công. Hệ thống điều khiển trên tàu (Onboard ATP) đã liên kết với hệ thống điều khiển mặt đất (Ground ATP) để bảo vệ tàu và hành khách một cách tự động.

Theo MAUR, dự kiến sau tết Nguyên đán 2023, MAUR và nhà thầu sẽ tiếp tục phối hợp để chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm vận hành tàu tự động hoàn toàn (ATO).

Hôm 21/12/2022 đoàn tàu metro số 1 từ ga Suối Tiên đến ga Bình Thái đã được vận hành chạy thử nghiệm chín km đoạn trên cao.

So sánh giữa hai đợt chạy thử ngày ông Hiển cho biết, đợt chạy thử nghiệm lần này chủ yếu để kiểm tra các hệ thống tiếp cung cấp điện, hệ thống đường ray. Bên cạnh đó còn có hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của Hệ thống tín hiệu (Signalling) nhằm đánh giá khả năng bảo vệ tàu và hành khách khi có vật cản hoặc sự cố bất ngờ.


Trung Quốc tạm dừng nhập hàng qua biên giới từ Việt Nam nhân dịp Tết

19/01/2023

Trung Quốc tạm dừng nhập hàng qua biên giới từ Việt Nam nhân dịp Tết
Xe container chở hàng qua cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn (minh họa) 
https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Trung Quốc sẽ hạn chế việc nhập hàng từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới với tỉnh Lạng Sơn trong vòng bảy ngày từ ngày 21/1 nhân dịp Tết.

Truyền thông Nhà nước dẫn thông tin từ Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Cốc Nam sẽ đóng cửa từ ngày 21 đến 23 tháng 1. Ba ngày tiếp theo đó các cửa khẩu này sẽ chỉ nhận những hàng đã được đăng ký từ trước.  

Cửa khẩu Chi Ma cũng sẽ chỉ nhận hàng đã đăng ký từ trước từ ngày 21 đến 27 tháng 1.

Thương mại qua biên giới hai nước sẽ nối lại bình thường vào ngày 28/1.

Hôm 8/1 vừa qua, Trung Quốc gỡ bỏ các quy định xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với hàng hóa nhập từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới sau ba năm phong tỏa vì dịch bệnh.

Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt gần 178 tỷ đô la. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 đạt hơn 52 tỷ đô la, nhập khẩu hơn 110 tỷ đô la.

Tags: , , , ,

Comments are closed.