Chuyện Việt Nam Thứ Năm 27/04/2023: *Việt Nam và Campuchia hợp tác biên giới. *Việt Nam trả lời LHQ về Phạm Đoan Trang. * Thay 4 tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước. *: Đồi Cù Đà Lạt bị phá? *VinFast nhận được cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD? *


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam và Campuchia họp bàn hợp tác trên biên giới 

27/4/2023 

VOA Tiếng Việt 

Quan chức Việt Nam và Campuchia đồng chủ trì một cuộc họp về hợp tác và phát triển giữa các tỉnh biên giới, ngày 28/10/2021. [Ảnh minh họa] Photo CAND. 

Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia Sar Kheng hôm 25/4 đồng chủ trì hội nghị về hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia tại tỉnh Tây Ninh.

Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News), các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên “đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền” dựa trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.

VGP News đưa tin thêm rằng hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết việc phân giới cắm mốc chưa hoàn thành (16% còn lại) để “tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững”.

Liên quan tới việc hợp tác an ninh và quốc phòng, Cổng thông tin chính phủ Việt Nam cho biết rằng Việt Nam và Campuchia “luôn khẳng định không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia”.

Theo VGP News, chính phủ hai nước “cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước”.

Theo tờ Phnom Penh Post hôm 26/4, ông Sar Kheng trích dẫn một thông cáo chung trên Facebook, trong đó nói rằng “hai bên hài lòng với kết quả của hội nghị và rằng các bộ, ngành liên quan sẽ hợp tác, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế hợp tác để các tỉnh biên giới hợp tác với nhau dễ dàng hơn”.

“Hai bên nhất trí tiếp tục giúp đỡ các tỉnh biên giới tăng cường hợp tác, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước nói chung và các tỉnh biên giới nói riêng”, thông cáo mà ông Sar Kheng đăng tải có đoạn, theo Phnom Penh Post.


Việt Nam trả lời chất vấn của chuyên gia LHQ về trường hợp Phạm Đoan Trang

26/4/2023

Nhà báo Phạm Đoan Trang 

ICJ 

Văn thư của Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc trả lời chất vấn của các chuyên gia nhân quyền thuộc tổ chức này về biện pháp bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố ngày 16/4 vừa qua.

Văn thư của Đại diện Việt Nam đề ngày 6/4 cho rằng bà Phạm Đoan Trang không phải nhà báo; bà bị đưa ra tòa xử án vì có các hoạt động mà Hà Nội cho là nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí.

Đại diện Việt Nam cũng nêu rằng “các phương tiện truyền thông tại Việt Nam trong những năm gần đây cũng phát hiện và đưa tin công khai về việc cá nhân bà Phạm Đoan Trang cấu kết với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhằm mục đích hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân (trong các tổ chức đó có Việt Tân)”.

Phía Việt Nam còn nêu rằng bà Phạm Đoan Trang xuất bản trái phép nhưng ấn phẩm bị cho “có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách tập hợp lực lượng, đối phó với lực lượng bảo vệ pháp luật… để tiến hành bạo loạn lật đổ Nhà nước”.

Bà Phạm Đoan Trang bị bắt hồi tháng 10 năm 2020 theo cáo buộc “Phát tán tài liệu chống nhà nước”. Sau đó Toà án ở Hà Nội xét xử và kết án bà chín năm tù giam vào tháng 12 năm 2021. Tòa phúc thẩm vào tháng 8/2022 y án phúc thẩm.

Nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm ở Việt Nam. Bà từng là phóng viên của một vài cơ quan truyền thông quốc doanh, sau đó đã cùng một vài nhà hoạt động khác sáng lập ra Luật Khoa Tạp Chí, một tờ báo tiếng Việt độc lập hiếm hoi ở quốc gia Cộng Sản.

Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.

Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa Tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.

Các hoạt động nhân quyền và các bài viết của bà Phạm Đoan Trang mang lại cho bà nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hoà Séc), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.


Mai Bá Kiếm – Trong hai năm, SCB thay 4 tổng giám đốc mà Ngân hàng Nhà nước không thấy bất thường ? 

Tháng 7/2020, ông Võ Tấn Hoàng Văn giữ chức tổng giám đốc SCB trong 7 năm đã từ nhiệm, ông Hoàng Minh Hoàn là phó lên “quyền tổng giám đốc”.

Ba tháng sau, ông Jeremy Chen thay ông Hoàng Minh Hoàn làm quyền tổng giám đốc SCB, để triển khai“Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2030” với sự tư vấn chiến lược của McKinsey & Company.

“Quyền tổng giám đốc ngoại” chỉ “khè” Ngân hàng Nhà nước và cổ đông được 7 tháng. Ngày 15/05/2021 ông Jeremy Chen “bỏ của chạy lấy người”, ông Trương Khánh Hoàng lên thay. Sau hơn một năm, ngày 12/08/2022, SCB đã miễn nhiệm quyền tổng giám đốc của ông Hoàng, bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu Phó tổng giám đốc “phụ trách”.

Hai năm thay 4 tổng giám đốc, nhưng SCB đã dụ bán cổ đông hiện hữu 478,8 triệu cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) để nâng vốn điều lệ lên hơn 20.000 tỉ đồng! Chỉ 19 ngày sau khi thay tổng giám đốc thứ tư (31/8/2022), Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với SCB, cổ đông hiện hữu mới biết mình bị lừa! 

Tương tự, SCB lừa cổ đông mua “cổ phiếu rác”, Ngày 28/05/2021, Vạn Trường Phát cấu kết, giao công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI- Hà Nội) làm đại lý đăng ký, lưu ký, đại lý thanh toán và đại diện người sở hữu trái phiếu để lừa trái chủ.

Từ tháng 6/2021 tới tháng 11/2021, Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu, mỗi đợt 2.000 tỉ đồng, tổng giá trị 5 đợt là 10.000 tỉ đồng. Cả 5 đợt phát hành trái phiếu đều có tài sản đảm bảo là mảnh đất hơn 177 hecta sở hữu bởi Tân Thanh Long An, nhưng 177 hecta này là tài sản thế chấp tại SCB.

Ngày 24/10/2022, đến hạn thanh toán lãi trái phiếu, Vạn Trường Phát không chuyển khoản cho TVSI để chi trả cho trái chủ.

Ngày 25/10/2022, TVSI giả vờ gửi văn bản yêu cầu Vạn Trường Phát mua lại trước thời hạn toàn bộ lô trái phiếu có tổng trị giá 10.000 tỉ đồng trong vòng 10 ngày. 

Ngày 31/10/2022, TVSI giả bộ gửi văn bản đề nghị Vạn Trường Phát cùng TVSI tổ chức gặp gỡ trao đổi với các trái chủ lô trái phiếu 10.000 tỉ đồng.

Ngày 9/11/2022, TVSI làm bộ ra thông báo yêu cầu Vạn Trường Phát cùng TVSI và Tân Thành Long An, SCB phối hợp xử lý tài sản đảm bảo là lô đất hơn 177 ha, đang thế chấp tại SCB để hoàn trả các nghĩa vụ trái phiếu cho trái chủ.

Chúng lừa cổ đông và trái chủ một cách có hệ thống, nên Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước không thể vô can với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của SCB và Vạn Trường Phát!

Dân mình quá khờ dại! Bớ ba hồn chín vía dân chúng hãy mau mau lay tỉnh!

MAI BÁ KIẾM 26.04.2023


Đà Lạt: Đồi Cù đang bị phá để xây dựng cái gì?

An Vui /SGN
26/4/2023

Rồi đây cái thứ gì sẽ hiện hình ở Đồi Cù – một không gian công cộng nằm trong ký ức của nhiều người yêu Đà Lạt? – Ảnh An Vui cắt từ video trên Tuổi Trẻ 

Nhà cầm quyền Lâm Đồng đã bác bỏ phương án xây dựng hai khối công trình ngầm (mỗi khối 7 tầng) tại Đồi Cù (phường 1, trung tâm TP.Đà Lạt) sau khi bị người dân Đà Lạt và cộng đồng mạng xã hội phản đối.

Thế nhưng Đồi Cù vẫn bị “cạo trọc”, ngổn ngang vật liệu xây dựng và những trụ thép bê tông. Họ đang xây dựng cái gì?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ ngày 25 Tháng Tư 2023, Ủy ban tỉnh Lâm Đồng đang cho phép công ty Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư, xây dựng cái gọi là “Câu lạc bộ Golf” không biết có lợi ích gì cho người dân Đà Lạt? Tuổi Trẻ ghi nhận, bên cạnh các công trình đang sử dụng, đấu nối vào cổng sân golf Đồi Cù phía đường Trần Nhân Tông, công ty Hoàng Gia Đà Lạt đang xây dựng một khối công trình lớn có cổng mở ra đường Đinh Tiên Hoàng. Công trường hoàn toàn đóng kín và trước cổng công trường không công khai giấy phép xây dựng nên người dân không hiểu những hạng mục, công trình nào đang được xây dựng bên trong.

Theo đồ án phác họa của công ty Hoàng Gia Đà Lạt, tòa nhà có diện tích xây dựng 6,120m2 (65,875 square feet), nằm ở khu vực lỗ golf số 8. Khối công trình tòa nhà câu lạc bộ golf được xây dựng với nhiều công năng, trong đó có nhà hàng và khách sạn, gồm 3 tầng cao và 2 tầng hầm. Chiều cao được cơ quan chức năng cho phép không quá 12m (39 feet), không tính tầng hầm. Ngoài khối công trình có mái che, tỉnh Lâm Đồng còn đồng ý cho công ty Hoàng Gia Đà Lạt dùng 3,900m2 (41,979 square feet) làm bãi đậu xe!

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc xây dựng khối nhà “Câu lạc bộ Golf” đúng quy hoạch và chỉ tiêu kiến trúc. Đây là dự án nằm trong quy hoạch được thông qua năm 1993… nhưng đến nay mới thực hiện (?)

Tuổi Trẻ đã xoáy vào việc công ty Hoàng Gia Đà Lạt đã xây dựng bên trong Đồi Cù từ năm 2022 nhưng đến ngày 12 Tháng Giêng 2023 mới được Sở xây dựng tỉnh cấp phép, ông Trung trớ ngay: “Việc chủ đầu tư làm từ năm 2022 tôi không rõ” (?)

Khi xây dựng xong, “Câu lạc bộ Golf” này có đúng với đồ án thiết kế ban đầu hay lại “lấn trời, lấn đất”… như những công trình khác ở Đà Lạt, rồi quan chức Lâm Đồng lại trả lời cái kiểu “tôi không rõ” như câu trả lời của giám đốc Sở xây dựng tỉnh?

Đồi Cù là ngọn đồi nằm ở trung tâm TP.Đà Lạt, được khánh thành vào năm 1922 như là sân golf đầu tiên của Việt Nam. Năm 1930, Đồi Cù được cải tạo thành sân 9 hố theo tiêu chuẩn châu Âu và đến năm 1942, được kiến trúc sư người Pháp Jacques Lagisquet khoanh vùng trọng điểm cho đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt. Hơn 100 năm tuổi, Đồi Cù được người dân Đà Lạt xem như một công viên trong nội ô, từ vị trí này có thể ngắm nhìn toàn cảnh Đà Lạt.

Diện tích của Đồi Cù 71.5ha (176 acres) vốn là tài sản chung của dân Đà Lạt và của toàn dân Việt bỗng chốc nằm gọn trong tay một công ty tư nhân, không rõ là “sân sau” của quan lớn nào?

Đồi Cù, không gian xanh quan trọng nằm trong khu vực bảo tồn ở trung tâm Đà Lạt hiện đã xuất hiện công trình có khối tích lớn, màu xanh đã biến mất, chỉ còn màu đỏ của đất bị cạo trọc – Ảnh An Vui cắt từ video trên Tuổi Trẻ 

Trước đó, ngày 20 Tháng Tư, trong bài “Xây công trình lớn trong Đồi Cù, dư luận bức xúc”, Tuổi Trẻ nói rõ vì thất bại với việc kinh doanh sân golf, Tháng Hai 2023, công ty Hoàng Gia Đà Lạt đề nghị xây dựng hai khối công trình trung tâm thương mại và bãi đậu xe ngầm (7 tầng/hầm) bên trong Đồi Cù Đà Lạt, đề nghị tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất (hơn 15.6ha, tức 38 acres) của Đồi Cù. Chết nỗi là ý tưởng của công ty này đưa ra lại được sự ủng hộ của Ủy ban tỉnh Lâm Đồng, khiến cộng đồng mạng sôi sục bàn tán, lo lắng sẽ làm biến dạng không gian trung tâm Đà Lạt.

Tuổi Trẻ dẫn lời kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khuyến cáo: “Bảo tồn trung tâm Đà Lạt, Đồi Cù, hồ Xuân Hương không đơn thuần là mảng xanh, mặt nước. Sâu bên trong là khoa học quy hoạch, buộc phải tuân thủ để giải quyết những sai lầm quá khứ, vấn nạn của hiện tại”.

Còn luật sư – kiến trúc sư Nguyễn Hồ (Hội Kiến trúc sư thành phố – Sài Gòn) lưu ý tỉnh Lâm Đồng và doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm chỉnh nội dung của quyết định số 2221 ngày 23 Tháng Mười 2014 của Ủy ban tỉnh, quy định các công viên thành phố và công viên rừng cảnh quan (Đồi Cù, công viên văn hóa – thể dục thể thao tại đường Cao Bá Quát, vườn hoa thành phố) là không gian bảo tồn cảnh quan sinh thái của đô thị, không gian lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho cộng đồng và khách du lịch… có tỷ lệ mật độ xây dựng tối đa là 5%, tầng cao tối đa từ 1 – 2 tầng.

Ý kiến của ông Lương Văn Quý (người dân Đà Lạt, hiện sống tại Sài Gòn) được Tuổi Trẻ ghi lại: “Thực tế, đã 30 năm người Đà Lạt mất Đồi Cù, phên giậu và rào chắn sừng sững. Ngoài rào cây, trong rào kẽm, kín cổng cao tường. Lần rồi về Đà Lạt, thấy hai cái cần trục dùng để làm công trình lớn, nghẹn tức không tả nổi. Đọc Tuổi Trẻ, nhìn bức ảnh đại công trình câu lạc bộ golf bên trong mới biết những tâm tư của người dân bao nhiêu năm qua không được chính quyền tỉnh lắng nghe. Rồi lại nghe có thể xây thêm hai khu hầm 7 tầng trong phạm vi 12ha Đồi Cù, tôi có cảm giác họ được đằng chân, lân đằng đầu. Thử trưng cầu ý dân xem có ai đồng ý với ý tưởng làm trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn chìm nổi ở Đồi Cù lẫn trung tâm Đà Lạt hay không. Với tư cách là người Đà Lạt, tôi mong mọi việc hãy dừng lại, hãy tôn trọng người dân!”.

Ngày 18 Tháng Tư 2023, trao đổi với Tuổi Trẻ, kiến trúc sư Trần Công Hòa (Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng) cũng cảnh báo: “Cần dừng lại việc tác động đến trung tâm Đà Lạt, sân golf Đồi Cù là điểm nhấn quan trọng của quy hoạch Đà Lạt nằm trong khu vực “bất kiến tạo”. Ý tưởng làm hầm ngầm 12ha là ý tưởng khiên cưỡng để khai thác thêm không gian kinh doanh ngay trong khu vực “bất kiến tạo”. Nếu thực hiện sẽ tạo sự đứt gãy không gian quy hoạch chung Đà Lạt, từ đó tạo nên những biến đổi giao thông, dân cư…, không những không giải quyết được vấn nạn kẹt xe, ùn tắc ở trung tâm Đà Lạt mà còn làm trầm trọng hơn”.

Bạn đọc Tuổi Trẻ ngày 25 Tháng Tư đã bất bình hỏi nhau: Công ty Hoàng gia Đà Lạt là công ty gì (của ai) mà được xây dựng trong Đồi Cù?

Khiêm, một bạn đọc khác trả lời ngay: “Trong quá trình hoạt động tại Đà Lạt, công ty Hoàng Gia Đà Lạt từng khiến dư luận chú ý hai lần với việc được giao quyền sử dụng, kinh doanh Dinh 1 (King Palace) mà không thông qua đấu giá. Thanh tra Chính phủ đã có kết luận sai phạm của Ủy ban tỉnh Lâm Đồng vào năm 2020 liên quan đến việc giao đất này. Ngoài ra, công ty này còn xây dựng sai phép một công trình có khối tích lớn bên trong không gian của khách sạn Dalat Palace. Sau khi xử phạt gần 50 triệu đồng thì được cho tồn tại”.

Quá khứ bất minh, kinh doanh bất chấp mà vẫn được cho hoạt động, đủ hiểu cái “ô” trên đầu của công ty Hoàng Gia Đà Lạt lớn cỡ nào. Vì thế, bạn thieunguyen ca thán: “Công ty gì thì không biết, chỉ biết là xây cất trái phép, đóng 50 chai phạt rồi ok, giữ nguyên hiện trạng, đủ biết mạnh hay không! Thôi nhắm mắt lo kiếm cơm đi, bao nhiêu vụ còn to hơn nữa mà có thấy ai bị gì đâu!”.

Có thấy ai bị gì đâu? Ông trời ơi, sao Người ở xa thế?


VinFast nhận được cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD 

27/4/2023 

Reuters 

Xe điện VinFast trước một cửa hàng ở California. [Ảnh minh họa] 

VinFast hôm 26/4 cho biết đã nhận được một đợt cam kết tài trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD cho sự phát triển trong tương lai – động thái có thể báo hiệu một sự chậm trễ mới đối với kế hoạch niêm yết tại Hoa Kỳ.

Hai người biết thông tin về vấn đề này trước đó đã nói với Reuters rằng kế hoạch Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hoa Kỳ của VinFast có thể bị trì hoãn thêm. Một người nói rằng việc này có thể bị đẩy sang năm sau do điều kiện thị trường không thuận lợi.

“Chúng tôi vẫn cam kết và tập trung vào quá trình niêm yết của mình”, VinFast cho biết hôm 26/4 mà không nêu chi tiết về khung thời gian của kế hoạch IPO.

VinFast, vốn bắt đầu hoạt động vào năm 2019, đang chuẩn bị mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ, nơi họ hy vọng sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất ôtô và pin để cạnh tranh với các nhà sản xuất ôtô và công ty khởi nghiệp lâu đời, mặc dù các lô hàng xe từ nhà máy của họ ở Việt Nam cho đến nay vẫn tiến triển chậm.

Trong số các cam kết mới, 1 tỷ USD sẽ được cung cấp dưới dạng tài trợ trong năm tới từ người sáng lập Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Công ty mẹ Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, sẽ cung cấp khoản tài trợ trị giá 500 triệu USD cộng với khoản vay 1 tỷ USD với thời hạn lên tới 5 năm.

Con số đó sẽ nâng tổng số tiền mà VinFast huy động được lên 10,7 tỷ USD, dựa trên các hồ sơ nộp trước đó của công ty.

Công ty nói rằng các khoản tài trợ và khoản vay sẽ “tạo động lực để VinFast tăng tốc phát triển”.

Vingroup có kế hoạch huy động tiền từ việc có thể bán tài sản từ nhánh chuyên về trung tâm mua sắm và phát triển bất động sản, Reuters đưa tin độc quyền hồi tháng Ba.

VinFast lần đầu tiên tính IPO tại Mỹ vào tháng 4 năm 2021, nhằm mục đích huy động 2 tỷ USD với mức định giá khoảng 60 tỷ USD.

Việc niêm yết ban đầu được lên kế hoạch vào nửa cuối năm ngoái và kể từ đó, một số ngân hàng cho biết đợt IPO dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, không có khung thời gian cập nhật nào trong hồ sơ mới nhất của công ty gửi cho chính quyền Hoa Kỳ vào tháng Ba.

Định giá thị trường cho các công ty khởi nghiệp về xe ôtô điện đã hạ nhiệt đáng kể sau khi một số công ty có mức định giá cao ngất ngưởng phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Comments are closed.