Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 05 tháng 01 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
VNCS: Miền Bắc tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm 2024
04/01/2024
Minh họa: Đèn đường trên một con phố của Hà Nội bị tắt hôm 30/5/2023 do thiếu điện
AFP
Miền Bắc Việt Nam có thể lại phải đối mặt với tình trạng thiếu điện vào giai đoạn cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7 tới.
Truyền thông Nhà nước hôm 4/1 dẫn thông tin từ Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc dự báo có thể thiếu điện từ 1.200-2.500 MW trong giai đoạn hè 2024.
Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) đưa ra hai kịch bản cấp điện năm 2024 mà theo đó, với phương án cao, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200-2.500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7. Trong khi năm nay, miền Bắc sẽ không có nguồn điện lớn nào được bổ sung.
Hồi hè năm 2023, Miền Bắc cũng đã phải trải qua tình trạng thiếu điện trong nhiều tuần lễ do các thuỷ điện thiếu nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều khu công nghiệp lớn.
Truyền thông Nhà nước cho biết, với nhiều khu công nghiệp lớn tại Miền Bắc tại các tỉnh như Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, mức tăng trưởng điện sử dụng của EVNNPC có thể đạt 8,7-13,7%.
Để đối phó với tình trạng thiếu điện, EVNNPC dự kiến sẽ mua điện từ Trung Quốc qua lưới điện 220kV cấp điện cho một phần Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên với sản lượng mua cả năm là 2.569 tỷ kWh. Ngoài ra, công ty cũng dự kiến nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 110kV liên kết (Thâm Câu – Móng Cái, Lào Cai – Hà Khẩu, Mamaotiao – Thanh Thủy).
Thủ tướng VNCS yêu cầu giảm chi ngân sách; bội chi 2024 dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng
04/01/2024
Chính phủ Việt Nam nhắm đến tiết kiêm chi tiêu ngân sách trong năm 2024.
Thủ tướng Việt Nam ra chỉ thị hôm 4/1 về “tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước”, nhấn mạnh cần tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm so với dự toán được giao. Trước đó, Bộ Tài chính công bố bản dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, với mức thâm hụt có thể lên đến hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Bản chỉ thị, được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam, viết rằng thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, các cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố, các địa phương… phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về ngân sách và tiết kiệm, chống lãng phí.
Một ưu tiên cao được thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh trong bản chỉ thị là các cơ quan nhà nước và các địa phương phải “đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách nhà nước và giảm bội chi ngân sách nhà nước”.
Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm tuân thủ một nghị quyết của Quốc hội, theo đó, trong giai đoạn 2021-2026, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân là khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước, và cần phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng dưới 60%.
Ngoài ra, người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan, các địa phương “chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết”, mà cụ thể là trong năm 2024 nhắm đến “cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm” về chi thường xuyên so với dự toán được giao để “tăng đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội”.
Chỉ thị được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bộ Tài chính công khai dự toán ngân sách nhà nước, trong đó nêu ra con số tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là gần 1 triệu 701 nghìn tỷ đồng, bao gồm thu nội địa là chính dự kiến đạt hơn 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, từ dầu thô 46 nghìn tỷ đồng; từ xuất khẩu, nhập khẩu 204 nghìn tỷ đồng; và từ nhận viện trợ gần 6 nghìn 600 tỷ đồng.
Ngân sách dự kiến bị thâm hụt gần 420 nghìn tỷ đồng, vì theo dự toán, tổng chi ngân sách sẽ là gần 2 triệu 120 nghìn tỷ đồng, trong đó, phần nhiều nhất là chi thường xuyên, lên đến gần 1 triệu 200 nghìn tỷ đồng.
Các khoản chi lớn khác được dự tính cho năm là đầu tư phát triển, hơn 677 nghìn tỷ đồng; trả lãi các khoản nợ, gần 112 nghìn tỷ đồng; bên cạnh đó là khoản chi hơn 74 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội.
Trong khi Việt Nam ước tính sẽ nhận viện trợ gần 6 nghìn 600 tỷ đồng, quốc gia này cũng dự trù sẽ chi viện trợ 2 nghìn 200 tỷ đồng.
Mức thâm hụt ngân sách được tính ra từ các con số về tổng thu và tổng chi nêu trong bản dự toán của Bộ Tài chính có sự chênh lệch khoảng 19 nghìn tỷ đồng so với mức bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định trong nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2024.
Mức bội chi được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2023 là hơn 399 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm bội chi ngân sách trung ương là gần 373 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP. Phần còn lại là bội chi ngân sách địa phương, 26.500 tỷ đồng.
Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay
Võ Xuân Sơn – 04/01/2024
Tôi hành nghề đạo chích các bác ạ. Thực ra thì tôi được tuyển vô để làm bảo vệ, nhưng tài sản, đồ đạc thì để hớ hênh, chẳng ai trông coi cả, hay nói cho đúng, ai cũng nhăm nhe lấy trộm ba cái tài sản, đồ đạc đó, nên giống như tất cả các bảo vệ khác, tôi biến thành đạo chích.
Cũng giống như tất cả mọi nghề, cũng có lúc, mấy tay đạo chích tụi tôi bị tổ trát, vậy là bị bắt. Có một đồng đảng của tụi tôi nói, chẳng có tổ nào trát cả. Hắn cho rằng, chẳng qua các đạo chích khác giành ăn nên lợi dụng danh nghĩa bảo vệ để bắt. Thế cho nên, nếu biết thương lượng, thì bị bắt rồi cũng vẫn được thả ra và tiếp tục “chích”.
Chỉ khi nào không thể thương lượng được, hoặc vô lúc ngặt, cần có chỉ tiêu, thì tụi tôi mới bị bắt thật. Nhưng bảo vệ nào thì cũng vậy, gặp lúc xui xẻo hay “thời tiết bất thường”, thì đều có thể đang từ vai trò bảo vệ, lại thành ngay đạo chích, đang từ vị trí răn dạy thiên hạ, lại thành tội đồ. “Biết ra sao ngày sau”. Nên ai cũng phải thủ cái thân mình.
Thế là cái chiêu “khắc phục hậu quả” được tung ra. Này nhé, “chích” cả trăm vụ, bị bắt năm vụ, ba vụ thương lượng được, mất 50% của ba vụ, một vụ gặp cái thằng “chát” quá, hoặc có kim bài, mất 100%, chỉ có một vụ không thương lượng được. Vụ này, chi 100% để được “khắc phục hậu quả”, thêm 100% để nộp “khắc phục hậu quả”, rồi thêm 100% nữa để “dọn chỗ” trong tù, để “nghỉ dưỡng” một thời gian.
Tổng tốn kém của cái vụ bị bắt là 300%. Như vậy, sau 100 vụ, mất trắng 5 vụ, phải chi thêm 50% giá trị vụ cuối cùng. Còn lại tới 94 vụ, sống phè phỡn cả mấy đời sau vài năm “nghỉ dưỡng” theo chế độ đã được “dọn chỗ”. Xứng đáng quá đi chứ nhỉ.
Phải nói là cái chiêu “khắc phục hậu quả” tuyệt thật đấy. Không có nó, mấy đạo chích chúng tôi đâu có dám “manh động” một cách mạnh mẽ.
Năm 2023, Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu lao động
Ảnh minh họa (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước)
Năm 2023, hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam lập kỷ lục với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 129% so với kế hoạch.
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Hiện tại, có khoảng 650.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; hơn 500 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài.
Được biết, đang giữ kỷ lục số lượng lao động ra nước ngoài làm việc năm vừa qua là tỉnh Nghệ An. Địa phương này đã đưa khoảng 24.000 lao động sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, chiếm 15% số người cả nước ra nước ngoài làm việc.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ), trong đó thị trường Nhật Bản: 74.354 lao động (31.592 lao động nữ), Đài Loan (Trung Quốc): 54.769 lao động (16.820 lao động nữ), Hàn Quốc: 7.830 lao động (537 lao động nữ), Trung Quốc: 1.785 lao động nam (02 lao động nữ), Hungary: 1.463 lao động (695 lao động nữ), Singapore: 1.333 lao động nam, Romania: 804 lao động (143 lao động nữ), Ba lan: 760 lao động (136 lao động nữ) và các thị trường khác.
Thời gian vừa qua, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là việc tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.
Ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan Hàn Quốc, Bộ đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia…
Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ LĐTB&XH đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Việc hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động cũng sẽ được tăng cường; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Nguyễn Thông – Không ai cả
05/01/2024
Vụ cháy máy bay chở khách ở Nhật Bản rồi sẽ còn âm ỉ trong dư luận nhiều năm sau, không phải bởi “máy bay cháy” mà là “con người”.
Người Nhật đã từ lâu gây ấn tượng đặc biệt với thế giới về phẩm chất đáng trân trọng của họ, nên vụ cháy này cũng chỉ góp phần khẳng định thêm thôi. Một quốc gia, một dân tộc tạo được và duy trì được đặc sản như thế quả là điều hạnh phúc, tự hào.
Tôi để ý, người Nhật, từ bình dân tới nhà lãnh đạo, rất ít khi “nổ” về thành tích của họ. Nổ hoàn toàn trái với phong cách của người Nhật.
Trong vụ cháy nói trên cũng vậy, khi thế giới hết lời khen ngợi sự xử lý sự cố thì người Nhật chỉ dùng những lời lẽ rất khiêm tốn. Theo báo chí Nhật tường thuật, Ban lãnh đạo Hãng hàng không Nhật Bản (JAL) đã “khen ngợi hành khách tuân thủ kỷ luật và hợp tác với phi hành đoàn để tất cả đều được sơ tán an toàn khỏi máy bay, trong đó có 8 trẻ em tuổi mẫu giáo. Đặc biệt là không ai trì hoãn để cố lấy hành lý của mình”.
Họ nói về sự thần kỳ qua chi tiết rất bình thường “không ai trì hoãn để cố lấy hành lý”. Người Nhật là vậy. Không ai cả. Xin ngả mũ cúi đầu trước họ, trong đó có 8 em bé tuổi mẫu giáo kia.
Chạnh buồn, nếu xảy ra cháy chiếc máy bay ở nước… khác, nước mà khi phi cơ chưa đáp xuống đường băng thì điện thoại đã được mở rào rào a lô a lô gọi người nhà ra đón, bánh xe vừa chạm đất thì tất cả nhất loạt đứng lên lấy hành lý cho chắc ăn, rồi máy bay vừa dừng thì người phía sau cố chen lên vượt người phía trước để được… ra trước vài phút, v.v.. thì không biết hậu quả sẽ khủng khiếp tới mức nào.
Nếu xứ này thực sự cần phải chi 350 nghìn tỉ nhằm chấn hưng văn hóa, thì dùng hết số tiền ấy để tạo được “không ai cả” trong cộng đồng, chỉ một phẩm chất này thôi đã, cũng là điều cần thiết và xứng đáng.
Đó chỉ là ước vọng, chứ với con người xứ này, xã hội này, thể chế này, đám lãnh đạo này, dẫu một nghìn năm nữa vẫn không có “không ai cả”. Lúc bình thường đã tranh giành đạp lên nhau mà chết, huống chi trong đám cháy.
Nguyễn Thông
XEM THÊM (Báo Dân Trí)
Xôn xao hình ảnh trụ cầu Trung Hà nối Hà Nội – Phú Thọ trơ sắt thép
Thế KhaThứ sáu, 05/01/2024 – 15:2800:00/02:22Nam miền Bắc
(Dân trí) – Sông Đà cạn nước làm lộ ra hàng loạt trụ cầu Trung Hà (nối Hà Nội với tỉnh Phú Thọ) đang bị hư hỏng, có trụ cầu trơ sắt thép. Hình ảnh đang gây xôn xao mạng xã hội.
Ngày 5/1, mạng xã hội lan truyền hình ảnh sông Đà cạn nước để lộ trụ cầu Trung Hà (nằm trên Quốc lộ 32, nối huyện Ba Vì, Hà Nội với huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) trơ sắt thép, nhiều tảng bê tông ở trụ cầu bị vỡ.
Hai phía đầu cầu Trung Hà cắm biển thông báo cấm xe tải từ 3 trục trở lên và xe khách trên 29 chỗ qua cầu.
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ, cầu Trung Hà đang trong quá trình sửa chữa vì bị xói lở.
Từ ngày 28/12/2023, Sở Giao thông vận tải Phú Thọ đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, giới hạn tốc độ, trọng tải xe qua cầu. Việc này được thực hiện sau khi có ý kiến của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) về việc trực gác, điều tiết giao thông và thực hiện thủ tục sửa chữa đột xuất cầu Trung Hà (Km64+639, Quốc lộ 32, tỉnh Phú Thọ).
Ngoài các loại xe tải (3 trục trở lên) và xe khách trên 29 chỗ ngồi bị cấm qua cầu, các loại phương tiện còn lại được phép lưu thông bình thường.
Hướng thứ nhất: Đi đến Km76+500 Quốc lộ 32 thuộc địa phận xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông thì qua cầu Phong Châu, đi theo Quốc lộ 32C tránh thành phố Việt Trì đến cầu Văn Lang, đi qua cầu 7,5km gặp Quốc lộ 32 tại Km59+500 huyện Ba Vì, Hà Nội và ngược lại.
Hướng thứ hai: Đi đến Km69+00 Quốc lộ 32 thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông thì rẽ phải vào đường tỉnh 317G, tiếp tục đi đến Km17+400 đường tỉnh 317G (xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy), rẽ trái vào đường tỉnh 317E đến cầu Đồng Quang, đi qua cầu Đồng Quang đến huyện Ba Vì, Hà Nội và ngược lại.
Hướng thứ ba: Các xe đi từ Hà Nội về tỉnh Phú Thọ và ngược lại có thể đi theo các tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoặc Quốc lộ 2.
Việc cấm xe, phân luồng sẽ được tiến hành cho đến khi hoàn thành khắc phục sửa chữa cầu Trung Hà. Sở Giao thông vận tải Phú Thọ không lên tiếng, đánh giá về những hư hỏng của cầu Trung Hà.
Cầu Trung Hà đã khai thác 22 năm
Cầu Trung Hà có kết cấu bê tông bắc qua hạ lưu sông Đà; chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long, thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Cầu được khởi công vào tháng 11/1999 và khánh thành vào tháng 4/2002.
Cầu dài gần 744m, gồm 14 nhịp, rộng 11m, kết cấu cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; khổ thông thuyền rộng 90m, cao 7m.
Dân Trí VN
Overlay7
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam