Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 11/8/2023: *Liên Âu và vụ án tử hình tại VN *Tù nhân tôn giáo sắc tộc không có luật sư *Sạt lở, lũ cuốn đất ở rừng Sóc Sơn *Philippines muốn thỏa thuận hàng hải với Việt Nam *Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì thiếu điện *Sám hối vì phá rừng, sạt núi, lấp sông hồ xây tòa nhà bê tông gây thảm họa thiên nhiên *Đường dây mại dâm tiếp viên hàng không, người mẫu hàng ngàn đô


Quê Hương tổng hợp


Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại VN: Tuyên bố tại nước sở tại về trường hợp sắp thi hành án tử hình ở Việt Nam 

11/8/2023

 Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại VN

Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ra tuyên bố sau đây cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh

Phái đoàn EU tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh kêu gọi các cơ quan thẩm quyền Việt Nam dừng việc thi hành án tử hình ông Nguyễn Văn Chưởng. 

Chúng tôi cực lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình.

Ngày nay, hơn hai phần ba các quốc gia trên thế giới đã trở thành những quốc gia bãi bỏ trong luật pháp hoặc trên thực tiễn, điều này khẳng định xu hướng toàn cầu ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình. Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù. Hơn nữa, việc cải tạo với vai trò như một mục tiêu của luật hình sự hiện đại không thể thực hiện được bằng việc áp dụng hình phạt tử hình. Không những thế, bất kỳ sai sót nào – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống luật pháp nào – đều không thể đảo ngược. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới việc xóa bỏ này.

***

Local statement on a forthcoming death penalty case in Vietnam!

The Delegation of the European Union to Vietnam issues the following statement together with the diplomatic missions of Canada, the Kingdom of Norway and the United Kingdom. 

Local statement on the forthcoming execution of Mr. Nguyen Van Chuong

The EU Delegation to Vietnam and the diplomatic missions of Canada, the Kingdom of Norway and the United Kingdom call on the Vietnamese authorities to halt the execution of Mr. Nguyen Van Chuong (decision No. 02/2023/QD-CA). 

We strongly oppose the use of capital punishment at all times and in all circumstances, which is a cruel, inhuman and degrading punishment and can never be justified, and advocate for Vietnam to adopt a moratorium on all executions. 

Today, more than two thirds of the countries of the world have become abolitionist in law or practice, which confirms a global trend in favour of the abolition of the death penalty. No evidence exists to show that the death penalty serves as a more efficient deterrent to crime than imprisonment. Moreover, rehabilitation as an objective of modern criminal law is rendered impossible by the application of capital punishment. Furthermore, any errors – inevitable in any legal system – are irreversible. 

We will continue to actively work to further the universal trend towards the eradication of the death penalty and stand ready to support Vietnam on a path towards abolition.

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=732185772270778&id=100064380861736

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện


 Hầu hết tù nhân tôn giáo sắc tộc thiểu số không có luật sư trợ giúp pháp lý

RFA – 11/8/2023

Hầu hết tù nhân tôn giáo sắc tộc thiểu số không có luật sư trợ giúp pháp lý

Nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Y Krếc Byă 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngBộ Công an 

Nhiều nhà hoạt động nhân quyền và luật sư cho biết hầu hết tù nhân tôn giáo thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam không có luật sư trợ giúp pháp lý trong vụ án của họ.

Trong vài thập niên qua, có hàng trăm người thuộc các sắc tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc hoặc Tây Nguyên bị án tù vì thực thi quyền tự do tôn giáo. Họ bị kết án theo tội danh “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 116 của Bộ luật Hình sự 2015, với những bản án nặng nề từ ba năm đến 18 năm tù giam.

Gần đây, một số người hoạt động về tự do tôn giáo bị bắt giữ hoặc kết án về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, số người dân tộc thiểu số nhận được sự trợ giúp pháp lý từ luật sư mà gia đình họ thuê chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Năm 2022, luật sư Nguyễn Văn Miếng bào chữa cho ông Y Wo Nie trong vụ án mà ông này bị kết án bốn năm tù giam về tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Năm nay, luật sư Hà Huy Sơn đã ký hợp đồng bào chữa cho ông Y Krếc Byă- người bị bắt trong tháng tư vừa qua với cáo buộc “Phá hoại chính sách đoàn kết” và ông Nay Y Blang- người bị bắt giam một tháng sau đó với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Vị luật sư của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã được nhà chức trách tỉnh Đắk Lắk cấp giấy bào chữa cho ông Y Krếc Byă, và đã tham dự một buổi hỏi cung ông Nay Y Blang trong Trại tạm giam của Công an tỉnh Phú Yên. Cả hai ông là thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo chưa được nhà nước công nhận.

Theo mục sư Aga, người sáng lập Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên và hiện đang sống tị nạn ở Hoa Kỳ, năm 2016, mục sư A Đảo bị bắt sau khi tham dự một hội nghị về tự do tôn giáo Đông Nam Á ở Indonesia về Việt Nam. Gia đình ông thuê luật sư cho ông nhưng sau đó ông bị buộc phải từ chối trợ giúp pháp lý.

Năm 2017, toà án tỉnh Gia Lai đã kết án ông với bản án năm năm tù về tội nhiều lần tổ chức đưa người Thượng đi Thái Lan trái phép.

Theo các nhà hoạt động, việc người dân tộc thiểu số không có sự trợ giúp pháp lý có các nguyên nhân chính là phí luật sư cao, khả năng tiếp cận luật sư kém, và sự ép buộc từ chối luật sư đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Mục sư Aga cho biết ông nắm vững tình trạng người hoạt động về tự do tôn giáo ở các sắc dân thiểu số bị cầm tù trong hơn hai thập niên qua vì tham gia viết báo cáo về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam và gửi cho Liên Hiệp quốc từ 2015.

Các cộng đồng tôn giáo bị bách hại và được ông báo cáo cho quốc tế bao gồm Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, Hội thánh Tin lành Miền Nam Việt Nam, Đạo Hà Mòn…

Ông đã thu thập thông tin về hơn 100 người bị bắt vì lý do tôn giáo từ 2001 cho đến ngày nay.

Ông chỉ ra nguyên nhân mà hầu hết trong số họ không có luật sư trong các vụ án của mình:

Đối với người Kinh thì cái chuyện thuê luật sư đó là cái chuyện quá bình thường nhưng đối với người đồng bào (dân tộc thiểu số- PV) thì đó là cả một vấn đề.

Người đồng bào cơm ăn áo mặc lúc có lúc không và rất là thiếu thốn. Cho nên nói đến luật sư họ không có hiểu luôn và không có khả năng: thứ nhất là họ không biết tìm luật sư, thứ hai họ không có khả năng để chi trả số tiền lớn.”

Ông nói về hậu quả của việc không có luật sư:

Bao nhiêu người, đặc biệt là người ở Hội thánh Tin lành Dega, họ đi tù oan chỉ vì cái lý do là cho rằng có liên lạc bên nước ngoài hoặc là cái này khác, bắt họ ghép vào tội này tội khác.

Vì không có luật sư thì phải chấp nhận để cái chính quyền họ nói sao thì phải chấp nhận vậy, không có cách nào để mà cãi lại tòa án được với chính quyền.”

Do được tiếp xúc nhiều người Kinh và tham gia lớp học dân sự trực tuyến từ năm 2015 do một số tổ chức xã hội dân sự tổ chức nên ông nhận thức được về vai trò của luật sư trong các vụ án. Vì vậy, khi hai thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên bị bắt, ông đã thuyết phục gia đình họ về nhu cầu thuê luật sư.

Tôi bàn với gia đình của họ rằng mình phải cần có luật sư để mà bào chữa cho trường hợp về các vụ việc tự do tôn giáo… Gia đình họ thấy như vậy họ rất là mừng khi mà mình mình tìm được luật sư để mà bào chữa cho gia đình của họ.

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải (Hải Điếu cày) cho biết ông gặp nhiều người Thượng trong 11 trại giam mà ông đã đi qua. Qua tiếp xúc với họ, ông được biết họ đều không có sự trợ giúp từ luật sư trong các vụ án của mình.

Theo ông, bên cạnh lý do tài chính eo hẹp, người Thượng còn bị cô lập dẫn tới việc gặp khó khăn trong việc tiếp cận luật sư. Ông nói với RFA trong ngày 11/8:

Không ai có luật sư. Ở Tây Nguyên đó xứ rừng núi và họ nghèo khổ thế sao mà thuê luật sư được. Với lại, họ bị bắt vào những năm 2000-2001, thời điểm đó làm gì có luật sư. Bản thân họ khi chưa bị bắt họ đã khổ rồi, những vùng dân tộc đó họ khổ lắm. Đất rẫy thì bị người Kinh lên mua dần lấn dần.

Họ hầu như bị cô lập, không có luật sư bào chữa cho họ, anh hỏi mấy người chả ai có luật sư cả.”

Nhà hoạt động công đoàn Đoàn Huy Chương, người bị tù hai lần tổng cộng tám năm sáu tháng, cho biết ông gặp nhiều người Thượng trong những trại giam mà ông đã đi qua. Ông nói về thủ đoạn của công an Việt Nam trong việc ép buộc người hoạt động từ chối luật sư, đặc biệt là người thuộc các sắc tộc thiểu số:

Những người tôi gặp không có luật sư đâu. Phía an ninh điều tra luôn ghi một bản nói họ không cần luật sư và tự bào chữa. Người Thượng đâu có đủ khả năng để họ hiểu nhiều tiếng Việt đâu mà để họ tự bào chữa, cho nên là muốn ghép họ vô cái gì thì ghép, vì vậy họ đi tù rất là nặng.”

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng thì cho biết trong thời gian gần hai năm thi hành án ở Trại giam Nam Hà, ông có bị giam cùng khu với nhiều tù nhân lương tâm Hmong và họ hầu như không có luật sư riêng mà chỉ có luật sư chỉ định, do điều kiện kinh tế cũng như do sự hạn chế về nhận thức của họ.

Nhiều luật sư hay tham gia vào các vụ án chính trị như Ngô Anh Tuấn và Đặng Đình Mạnh cho biết họ chưa từng bào chữa cho người dân tộc thiểu số nào vì không có ai liên hệ với họ.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người tham gia bào chữa trong một vụ án duy nhất của người dân tộc thiểu số, đó là vụ án của ông Y Wo Nie, cho RFA biết về tác động của trợ giúp pháp lý đối với người hoạt động thuộc sắc tộc thiểu số:

Họ rất tin tưởng luật sư. Họ ý thức được quyền của họ theo lẽ tự nhiên, nhưng khi những ý thức mơ hồ ấy được củng cố bởi pháp luật và niềm tin tôn giáo, nó sẽ biến thành cuồng phong. Nên chính quyền cộng sản rất sợ khi họ tiếp cận được nguồn trợ giúp ấy.”

Mục sư Aga cho rằng nếu việc thuê luật sư trong hai vụ án của hai ông Y Krếc Byă và Nay Y Blang có hiệu quả thì trong tương lai, nhiều người hoạt động thuộc các sắc dân thiểu số, đặc biệt là người Thượng ở Tây Nguyên, sẽ tìm đến luật sư.

Về vai trò của luật sư trong các vụ án thuộc Chương An ninh quốc gia, luật sư Hà Huy Sơn cho rằng bên cạnh việc giúp công khai minh bạch về nội dung và bản chất của vụ án cho công chúng cũng như làm cầu nối thông tin giữa thân chủ và gia đình, thì luật sư còn có vai trò quan trọng khác. Ông nói:

Luật sư tham gia các cái vụ án này thì tránh được những cái tình trạng bức cung hoặc là nhục hình nếu mà nó có thể xảy ra thì cũng là một cái kênh có thể lên tiếng để ngăn chặn nguy cơ.

Luật sư có thể là cung cấp tư vấn và cái kiến thức pháp lý để cho người bị bắt hay là cho thân chủ có cái lựa chọn cách có lợi nhất hay là theo cái ý chí của họ.”

Theo ông Hà Huy Sơn, luật sư có nghĩa vụ đấu tranh để buộc các cơ quan tham gia tố tụng tuân thủ luật pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự.

https://www.rfa.org/vietnamese


Nguyễn Thông – Sóc Sơn nát tại ai? 

Vụ sạt lở, lũ cuốn đất ở rừng đặc dụng Sóc Sơn, phơi bày thực tế là vùng này đã bị tàn phá, chiếm dụng nặng nề, nghiêm trọng.

Nhưng không phải bây giờ mới vậy. Cần lôi cổ mấy đời đám lãnh đạo Hà Nội ra mà trị. Những vụ ca sĩ, họa sĩ, quan chức… (tôi chả cần nói, ai cũng biết) ngang nhiên xây cất trái phép, báo chí phản ánh, dư luận mỏi mồm nhưng đều được chính quyền xuê xoa, lờ đi, chả biết có chuyện chạy chọt, ăn tiền không. 

Mọi thứ còn chình ình ra đó, nếu xử thì hãy xử đi, đừng có nay hô mai hào, hứa này hứa nọ cho hết nhiệm kỳ. Thánh Gióng có bay về đòi đất cũng chẳng còn chỗ cho ngựa đậu.

Thủ đô còn thế, đừng trách các tỉnh thành tan nát như tương. 

Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn.

Xứ này, chẳng riêng gì chuyện đất ở Sóc Sơn, mọi thứ mọi việc đều thế cả. Hỏng từ thượng đỉnh, có cứu bằng giời. Chỉ xóa đi làm lại.

NGUYỄN THÔNG 10.08.2023


Giữa căng thẳng với Trung Quốc, TT Philippines nhắm ký thỏa thuận hàng hải với Việt Nam 

VOA Tiếng Việt 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. 

Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. hôm thứ Năm (10/8) nói rằng Philippines mong muốn ký một thỏa thuận với Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác hàng hải ở Biển Tây Philippines (Biển Đông), giữa bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa nước này với Trung Quốc trong tuần qua sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng bắn vào các tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông vào ngày 5/8.

Truyền thông Philippines cho biết trong cuộc hội đàm với Đại sứ Việt Nam tại Philippines Hoàng Huy Chung, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nói một thoả thuận hàng hải với Việt Nam sẽ mang lại “sự ổn định” và giúp đối mặt “dễ dàng hơn” với “những thách thức chung” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tuyên bố được đưa ra trong cuộc điện đàm chia tay với Đại sứ Việt Nam sắp mãn nhiệm Hoàng Huy Chung tại Manila, theo thông cáo từ văn phòng của ông Marcos.

“Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thảo luận về thỏa thuận mà chúng ta có giữa Philippines và Việt Nam, tôi nghĩ đây là một điều rất, rất quan trọng – nó sẽ là một phần rất, rất quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta và nó sẽ mang lại yếu tố ổn định đối với các vấn đề mà chúng ta đang thấy hiện nay ở Biển Đông”, Politiko dẫn lời Tổng thống Philippines nói.

Theo lời ông Marcos, thỏa thuận sẽ đánh dấu “một bước tiến rất lớn” trong quan hệ giữa hai quốc gia Đông Nam Á.

Việc Manila cân nhắc ký thỏa thuận với Hà Nội diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên biển đang leo thang giữa Philippines và Trung Quốc. Quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Manila đã đi xuống do những tranh chấp ở Biển Đông.

Tàu chiến mắc cạn Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.

Tàu chiến mắc cạn Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. 

Sự việc gần nhất diễn ra hôm 5/8. Philippines cáo buộc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông khi hải cảnh của họ sử dụng vòi rồng và thực hiện các hành động được cho là nguy hiểm đối với các tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho các binh sĩ trên chiếc tàu Sierra Madre mắc cạn từ thời Thế chiến thứ hai tại Bãi Cỏ Mây.

Philippines đã gửi công hàm phản đối tới Trung Quốc về vụ việc “vi phạm luật pháp quốc tế”.

Ngược lại, phía Trung Quốc cáo buộc Philippines không giữ lời hứa “rõ ràng” là sẽ di dời con tàu mà Manila đã cho neo đậu vào năm 1999 để củng cố yêu sách lãnh thổ của mình tại một trong những khu vực tranh chấp nhất trên thế giới.

Đáp lại, Philipines nói họ chưa bao giờ hứa với Trung Quốc về việc di dời con tàu và tuyên bố của Bắc Kinh chỉ là “sản phẩm trong trí tưởng tượng nhằm phục vụ cho tất cả những ý đồ và mục đích của họ”.

Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Philipines, Đại sứ Hoàng Huy Chung cảm ơn ông Marcos vì sự hợp tác của Philippines “liên quan đến lợi ích chung ở Biển Tây Philippines và ngăn chặn các sự cố ở vùng biển Philippines”, trang Yeni Safak tường thuật.

Ông Chung cũng nói với ông Marcos rằng Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng bày tỏ lòng biết ơn tới ông Marcos và chính phủ Philippines vì đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là vì lợi ích chung của hai quốc gia ở Biển Đông và ngăn chặn các sự cố tiếp theo ở vùng biển Philippines.

Trong khi đó, ông Marcos nói rằng một thỏa thuận “tốt vững chắc” có lợi cho cả hai nước và giúp đối đầu với “những thách thức chung” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông “dễ dàng hơn”.

Manila dưới thời của Tổng thống Marcos, người vừa lên nhậm chức vào năm ngoái, đã có những bước đi kiên quyết và thẳng thừng trong việc đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines được cho là nghiêng hẳn về phía Mỹ khi cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn trước.


World Bank ước tính Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD vì thiếu điện

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/trungtamdieukhien.jpg

Ảnh minh họa: cmsc.gov.vn 

Tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định việc mất điện diện rộng ở miền Bắc hồi tháng 5, tháng 6 là một trong những nguyên nhân gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam, ước tính khoảng 1,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, thực trạng nhu cầu mua sắm yếu và tổng giá trị xuất nhập khẩu giảm khiến kinh tế khó khăn trong nửa đầu năm 2023.

Theo đó, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, miền Bắc Việt Nam thường xuyên bị mất điện. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy tại các khu công nghiệp phía Bắc vì thế bị cắt điện trong nhiều giờ, liên tục trong tuần.

“Phí tổn kinh tế của các đợt mất điện miền Bắc vào tháng 5 và 6, khiến sản xuất bị gián đoạn, ước tính khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank, nói trong buổi họp báo sáng hôm 10/8.

Con số này được World Bank đưa ra dựa trên ước tính về nhu cầu điện chưa được đáp ứng là 36 GWh năm 2022 và khoảng 900 GWh ước tính cho tháng 5 và 6/2023 (theo Báo cáo vận hành của Trung tâm Điều độ và ước tính của chính đơn vị này).

Khảo sát của tổ chức này với các doanh nghiệp miền Bắc trong lĩnh vực công nghiệp cho thấy tổn thất về doanh thu do mất điện lên đến 10%.

Mặt khác, dựa vào ước thiếu hụt cung đến tháng 6, World Bank đánh giá, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.

Theo World Bank, miền Bắc đang gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung điện. Khu vực này có nhu cầu điện tăng nhanh hơn cả nước; có tính mùa vụ, đặc biệt trong các tháng 5 đến 7.

Nguyên nhân là nguồn điện phía Bắc lệ thuộc chủ yếu vào thuỷ điện, điện than; đồng thời chậm trễ trong đầu tư sản xuất và truyền tải điện. Thiếu hệ thống truyền tải khiến miền Bắc bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn dư công suất lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).

Trong báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh công bố tháng 7, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá thiếu điện có khả năng xảy ra theo chu kỳ và kiến nghị Chính phủ tập trung vào các kế hoạch dài hạn.

Phía World Bank cũng đề cập đến các biện pháp trước mắt như sớm có lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong 2024, 2025; xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải; đa dạng hóa các nguồn cung, chuyển từ cơ cấu năng lượng năm 2025 sang dựa nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu trong khu vực.

Ngoài ra, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể đem lại tác động nếu thiết lập ngay hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Đức Minh


Sám hối trước thiên nhiên

Lê Huyền Ái Mỹ – 10/8/2023

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/pha-rung-6-6889.jpg

1. Những cánh rừng bị tàn sát, những tòa ngang dãy dọc bê tông ngạo nghễ “chinh phạt” từ rừng đặc dụng đến biển bờ, sông suối mà thủ phạm không chỉ là những “ông trời không ở trên cao”, cái chính là “sự im lặng của cả một hệ thống” dưới mặt đất!

Khi chúng tôi lên tiếng, cả một bầy người-trời ở hạ giới quy kết chúng tôi nói “sai sự thật”.

Mấy hôm Đà Lạt sạt lở công trình, Bảo Lộc đất đồi sụp vùi 3 cảnh sát rồi hàng chục chiếc ô tô ngập trong đống bùn ở Sóc Sơn, một lãnh đạo báo chí gọi cho tôi và nói “sự thật đúng là đó chứ ở đâu”.

Nhìn những thước phim lũ cuốn trôi xe, nhà ở Trung Quốc mấy hôm rồi, những hình ảnh tan hoang ở trường phổ thông dân tộc bán trú và THCS Hồ Bốn ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái, VN) và những hiểm họa khôn lường đang chực chờ từ triền núi đến bờ sông; rồi nghe những bản tin dự báo, những phân tích từ chuyên gia thì đó gần như là thiên tai mà chả phải nhân họa, là cái họa do con người gây ra. Đã thế thì sự trả giá càng dài…

Nghĩ trộm, việc mang lễ vật đến muộn đã khiến Thủy Tinh thua cuộc. Nhưng cái “đề thi” voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao vừa thiên vị cho Sơn Tinh, toàn đặc sản của núi rừng; vừa cho thấy thánh Tản Viên cũng “góp một tay” cùng vua Hùng gây tổn hại đến động vật rừng quý hiếm! Khi hệ thực vật lẫn động vật bị thay đổi, biến dạng dẫn tới những hệ lụy cho rừng như một căn nguyên dẫn tới kiếp nạn “không năm nào Thủy Tinh không làm mưa làm bão, dâng nước lên đánh Sơn Tinh”.

Truyện cổ tích kết “lần nào Thủy Tinh cũng thua, phải bỏ chạy”. Thực tế ngày nay: con người lớp bỏ mạng, lớp tìm cách chống đỡ, tránh trú, hoàn toàn thúc thủ trước thiên tai.

2. TP.HCM vừa tổ chức lễ hội sông nước. Một màn trình diễn “trên bến dưới thuyền” đầy sắc màu. Nhưng so với motif sân khấu hóa theo chương hồi đã quá quen thuộc kia thì tôi lại ấn tượng gần như duy nhất cái thông điệp mà ông chủ tịch thành phố đưa ra “theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển”, cũng như xác lập một điểm nhìn văn hóa “có trước có sau”: “sông và kênh rạch không chỉ góp phần kiến tạo dáng hình, diện mạo của Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM mà còn mang theo dòng chảy sự đa dạng về văn hóa để hợp lưu và tiếp biến thành bản sắc văn hóa Nam Bộ, hình thành tính cách hào sảng, phóng khoáng, cởi mở, lạc quan, khát khao vươn ra biển lớn của người dân TP.HCM. Đến hôm nay, với những cơ hội mới, dòng chảy lịch sử sẽ tiếp tục ghi dấu bước chuyển mình trong chiến lược phát triển thành phố bên sông”.

Có một Phật tử đến hỏi về việc cúng thổ địa thần tài, hòa thượng Thích Lệ Trang – Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo TP.HCM giải đáp: thổ địa thổ công là ai? Là cục đất, môi trường mà mình may mắn ở có đủ phúc duyên nên có dòng sông chảy qua, có cây lá xanh tươi bao bọc. Sông hồ là chiếc máy điều hòa tự nhiên cho cuộc sống của mình nên hãy biết ơn bằng cách đừng xả rác, chất độc hại xuống dòng sông; đừng xâm chiếm, hủy hoại nó. Đó là cách thờ thổ địa thổ công hữu dụng nhất.

Cũng như sự hữu dụng mà chính quyền và người dân có thể trả ơn cho dòng sông không chỉ là trị giá khai thác nó; và phải khai thác đúng tiêu chuẩn mà ở chỗ nhìn ra được giá trị của một tài nguyên thiên nhiên để có sự kết nối và “nương tựa”, sáng tạo và lưu giữ những tài nguyên văn hóa tương xứng để “soi mặt xuống lòng sông”.

Chắc chắn thông điệp “nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển” là truyền đi hành động biết tôn trọng dòng chảy tự nhiên, gìn giữ, bảo vệ mặt nước, hệ bờ sông, hành lang sông để không xảy ra những hệ lụy đã và đang đến.

Bởi, với hiện trạng nhìn từ bờ Ba Son, khối nhà “nhền nhện” ở Tân Cảng, công viên “mỏ hàn” Central Park thì có lẽ, trong chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” vẫn còn thiếu một lời sám hối!


Đường dây môi giới mại dâm tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh nổi tiếng

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/duong-day-moi-gioi-mai-dam-tiep-vien-hang-khong-nguoi-mau-anh-noi-tieng-700x480.jpeg

Võ Thị Mỹ Hạnh tại cơ quan công an. (Ảnh: vov.vn) 

Nghi phạm từng là tiếp viên hàng không bị bắt quả tang môi giới bán dâm tại một khách sạn. Người này quản lý 30 gái bán dâm là nữ tiếp viên của nhiều hãng hàng không và nhiều hotgirl, người mẫu ảnh nổi tiếng…

Tối 10/8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết đã tạm giữ Võ Thị Mỹ Hạnh (SN 1997, ngụ đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp) để điều tra về hành vi môi giới cho 4 cô gái đến khách sạn bán dâm cho khách.

Trước đó, qua việc vận động người dân, Công an TP.HCM xác lập chuyên án điều tra nhóm hoạt động môi giới mại dâm cho tiếp viên hàng không, người mẫu ảnh…

Ban chuyên án xác định Hạnh từng là tiếp viên hàng không nhưng đã nghỉ việc vào ngày 5/10/2022. Hạnh có quá trình làm việc chung lâu năm, thường xuyên tiếp cận với nữ tiếp viên của nhiều hãng hàng không, các “hot girl”, người mẫu ảnh nổi tiếng…

Hạnh xây dựng hình tượng cô gái trẻ thành đạt với hơn 300.000 lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, thường xuyên phô trương cuộc sống sang chảnh, check in, du lịch tại những nơi nổi tiếng, mua sắm đồ hiệu đắt tiền nhằm chiêu dụ các cô gái trẻ hám lợi, lôi kéo họ tham gia vào đường dây mại dâm do Hạnh điều hành.

Hạnh chỉ đạo các cô gái chỉ liên hệ, trao đổi việc mua bán dâm qua các nền tảng mạng xã hội, thuê mướn xe hơi sang trọng để đưa đón gái mại dâm, chọn nơi bán dâm là các khách sạn, resort sang trọng.

Hiện nay, Hạnh quản lý trên 30 gái bán dâm, trong đó có các nữ tiếp viên của nhiều hãng hàng không và nhiều hotgirl, người mẫu ảnh nổi tiếng. Giá bán dâm từ 1.000 USD đến 3.000 USD/lượt. Ngoài việc môi giới cho gái bán dâm trên tại TP.HCM, Hạnh còn môi giới cho gái bán dâm đi tour, đi tỉnh với số tiền thu lợi rất lớn.

Ngày 9/8, công an kiểm tra khách sạn trên đường Lê Thị Riêng (phường Bến Thành, quận 1).

Tại đây, công an bắt quả tang 4 gái bán dâm đang bán dâm gồm: N.T.A (SN 1992, tiếp viên hàng không), H.N.Q.T (SN 1996, tiếp viên hàng không), N.H.K.V (SN 1995), L.T.T.N (SN 1993, “hotgirl”, người mẫu ảnh). Công an đã tạm giữ Hạnh vì đã có hành vi môi giới cho 4 gái đến khách sạn để bán dâm.

Tại Cơ quan Công an, cả 4 gái bán dâm đều khai nhận được Hạnh môi giới và thừa nhận hành vi phạm tội.

Hạnh khai nhận đã liên hệ với nhiều tiếp viên hàng không và “hot girl”, người mẫu ảnh; sau đó gửi hình ảnh gái bán dâm trong trang phục tiếp viên các hãng hàng không nhằm thu hút khách.

Số tiền bán dâm một lần là 27 triệu đồng (tương đương 1.000 USD); khách đi qua đêm với giá 60 triệu đồng (khoảng 3.000 USD). Hạnh thu tiền qua chuyển khoản ngân hàng từ khách mua dâm và chuyển trả cho gái bán dâm. Hạnh được hưởng 7 triệu đồng/1 lần môi giới gái bán dâm.

Hạnh cũng trực tiếp tham gia bán dâm với giá 1.000 USD – 3.000 USD qua một số người môi giới cho các khách mua dâm tại Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, thu lợi bất chính trên 1 tỷ đồng.

Hiện, Công an TP.HCM đang củng cố tài liệu, chứng cứ, đồng thời điều tra mở rộng chuyên án.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM kêu gọi những ai là đồng phạm, giúp sức cho Hạnh đến trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an (số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1) đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Khánh Vy


Comments are closed.