Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 15 tháng 3 năm 2024
Quê Hương tổng hợp
Nguyễn Chương – Ngày15/03/2024 : Lễ giỗ Hai Bà Trưng lần thứ 1981
(Nhằm ngày 6 tháng Hai âm lịch năm 2024, cách đây 1981 năm Hai Bà Trưng tuẫn tiết: 6 tháng Hai âm lịch, năm 43)
1/ Hôm 8 tháng Ba (ở nước Việt Nam đời nay gọi là mừng ngày Quốc tế phụ nữ), tôi cảm thấy nặng lòng. Chuyện gì nên nỗi? Rảo trên mạng, trên Facebook, tôi thấy những dòng viết như sau: “Kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng nổi lên khởi nghĩa: 8 tháng 3 năm 40”!
Thấy gì? Hậu quả nhãn tiền của việc lắp ghép “Kỷ niệm 8/3 với Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng”, trộn lại với nhau.
Một sự tệ hại khó tưởng, lắp ghép riết khiến cho lịch sử bị người ta hiểu lệch hoàn toàn! – “Bà Trưng” nào mà khởi nghĩa đúng vào ngày 8 tháng 3 năm 40 ?
– Kỷ niệm ngày giỗ Hai Bà Trưng, tại Sài Gòn (ảnh tư liệu chụp ngày 3 tháng 3 năm 1960, nhằm ngày 6 tháng Hai âm lịch. Ngày giỗ Hai Bà được chọn là “Ngày Nữ giới Việt Nam”.
2/ Trong nhiều tài liệu, vẫn chưa xác định ngày nào là ngày chính thức khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Chỉ biết là vào năm 40 (Canh Tý). Riêng ở lễ hội đền Hạ Lôi (Mê Linh), mừng tế cờ khởi nghĩa là vào 6 tháng Giêng âm lịch. Nếu dựa theo tập quán ở đây thì, năm nay 2024, kỷ niệm khởi nghĩa của Hai Bà rơi vào ngày 15/02/2024 (nhằm 6 tháng Giêng), tức đã phải kỷ niệm khoảng 3 tuần trước “quốc tế phụ nữ 8/3” rồi đa!
3/ Theo đúng truyền thống của người Việt, việc hiếu nghĩa, tưởng nhớ tiên tổ luôn luôn phải dựa vào ngày qua đời của tiền nhân (tính theo âm lịch), gọi là ngày giỗ, lễ giỗ.
Chạnh nghĩ, tỉ như có một ai đó đến ngày giỗ của ông, ngày giỗ của bà thì không màng đến, quên béng => Thử hỏi có dám tin kẻ đó là sống có hiếu, đạo nghĩa, dù luôn miệng lúc nào cũng nói về truyền thống?
– Hồi năm ngoái, tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, kỷ niệm Lễ giỗ “1980 năm Ngày mất Hai Bà Trưng (6 tháng Hai âm lịch), nhằm ngày 25/02/2023. Theo báo chí, đây mới là lần đầu tiên đưa Lễ giỗ Hai Bà vào trong việc kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, trong …phạm vi địa bàn TPHCM thôi (trước năm 1975, gọi là Sài Gòn).
4/ Xin trở lại với Hai Bà Trưng.
Ngày Hai Bà tuẫn tiết, hy sinh được minh định là 6 tháng Hai âm lịch năm 43 (Quý Mão). Tưởng niệm, lễ giỗ hàng năm vào ngày 6 tháng Hai (âm lịch).
Lễ giỗ Hai Bà Trưng xứng đáng trở thành một ngày lễ chính thức trong toàn quốc.
Lúc sinh thời, chí sĩ Phan Bội Châu đã trân trọng mà gọi “Hai Bà Trưng là thủy tổ của dân Việt” – vì đây là chính sử người thật việc thật, không phải là huyền sử hư hư thực thực.
NGUYỄN CHƯƠNG 13.03.204
Vua và hoàng hậu Hà Lan hoãn chuyến thăm Việt Nam vì Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sắp bị cưa ghế?
BTV Tiếng Dân – 15/3/2024
Sau khi mời quốc vương Willem-Alexander và hoàng hậu Máxima của Hà Lan sang thăm Việt Nam thăm cấp nhà nước, hơn ba tuần sau, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dường như không còn đủ tư cách để đón tiếp họ.
Ngày 20-2-2024, trên trang web của Hoàng gia Hà Lan (Royal house of the netherlands) đưa tin, chuyến thăm của quốc vương và hoàng hậu theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng “sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 3 năm 2024. Nhà vua và Hoàng hậu sẽ đi cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hanke Bruins Slot“.
Hai ngày trước, ngày 12-3-2024, trang web Hà Lan và Việt Nam (The Netherlands and Vietnam) cũng đưa ra Thông cáo Báo chí, khẳng định thông tin trên: “Chuyến thăm cấp Nhà nước của Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Hà Lan Máxima tới Việt Nam từ ngày 19 đến 22 tháng 3 năm 2024“.
Thế nhưng, chỉ vài tiếng trước, GMA Network dẫn nguồn từ Reuters, cho biết: Vua và Hoàng hậu Hà Lan hoãn chuyến thăm Việt Nam theo yêu cầu của Hà Nội. Reuters dẫn tin từ Hoàng gia Hà Lan nói rằng, “nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan sẽ hoãn chuyến thăm Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22-3 theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam“.
Về lý do vì sao chuyến thăm này bị hoãn, Hoàng gia Hà Lan nói trong một tuyên bố: “Nhà chức trách Việt Nam yêu cầu hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của Nhà vua và Hoàng hậu Máxima tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do tình hình nội bộ“.
Đầu tháng 3, báo chí trong nước cũng đã loan tin này, nhưng hiện tin tức trên mạng biến mất. Hôm 6-3-2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa tin: “Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan sắp sang thăm Việt Nam“. Tuy nhiên, bài báo này hiện không còn truy cập được:
Ảnh chụp màn hình bài báo: “Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan sắp sang thăm Việt Nam”, hiện không còn truy cập được.
“Tình hình nội bộ” gì dẫn đến việc hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của nhà vua và hoàng hậu Hà Lan? Người phát ngôn của nhà vua không nói thêm chi tiết và Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không đưa ra bình luận.
Thế nhưng, đêm qua một thông tin chấn động từ cung đình đã lan truyền trên mạng: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị ép viết đơn xin từ chức, rút lui khỏi chính trường.
Chắc chắn thông tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sắp bị cưa ghế có liên quan tới cái gọi là “tình hình nội bộ” mà phía Việt Nam đưa ra để yêu cầu hoãn chuyến thăm của người đứng đầu hoàng gia Hà Lan.
Ghế Chủ tịch nước, chiếc ghế “ma ám”, Thưởng đang dính “lời nguyền”?
Trà My – Thoibao.de – 15/3/2024
Từ năm 2018 đến nay, chiếc ghế Chủ tịch nước đã 3 lần đổi chủ. Lần thứ nhất là vào năm 2018, sau khi ông Trần Đại Quang bất ngờ chết giữa nhiệm kỳ, ông Nguyễn Phú Trọng thâu tóm ghế này về tay mình, và định làm Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư, giống Tập Cận Bình.
Thế nhưng, ngồi ghế Chủ tịch nước chưa được 1 năm, thì ông Trọng bị gục ngã ngay tại Kiên Giang – thánh địa của Nguyễn Tấn Dũng. Cú ngã này khiến ông Trọng suýt theo chân Bác Hồ của ông, may mà được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, di chứng của lần ngã bệnh này đến nay vẫn còn đeo bám ông. Ông Trọng giờ không thể đi đứng bình thường, mà là đi “cà lết” với những bước chân nặng nề, lúc nào cũng cần có người theo sau để sẵn sàng đỡ, nếu ông bị ngã.
Sau cú quật “thập tử nhất sinh” tại Kiên Giang, ông Trọng đã phải nhả chiếc ghế “xui xẻo này” cho ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng rồi, ông Phúc cũng chẳng ngồi được lâu, chỉ 2 năm sau là ngã ngựa. Ông Võ Văn Thưởng thay thế. Tưởng rằng, với bản chất “hiền lành” nhất trong Bộ Chính trị, không gây thù chuốc oán với ai, Võ Văn Thưởng sẽ yên vị tại ghế này cho đến hết nhiệm kỳ. Thế nhưng, mới chỉ 1 năm mà sóng gió đã nổi lên với ông Thưởng. Có vẻ như, ông Thưởng cũng đang dính phải “lời nguyền”?
Việc cho hốt hàng loạt quan chức có dính líu tới Tập đoàn Phúc Sơn cho thấy, ông Tô Lâm đang nhắm tới Võ Văn Thưởng. Thế lực Hưng Yên tại Bộ công an hiện đang có lợi thế hơn thế lực Ninh Bình do Trần Quốc Tỏ đứng đầu. Lương Tam Quang đang tràn trề hy vọng thay thế Tô Lâm. Như vậy, dù có rời khỏi Bộ Công an, thì Tô Lâm vẫn có “hậu phương” vững chắc. Vậy nên, có lẽ ông Tô đang nhắm đến trụ yếu nhất trong tứ trụ – đó là trụ Chủ tịch nước.
Cách đây một năm, Tô Lâm chê ghế Chủ tịch nước, vì sợ cái “dớp” của Trần Đại Quang. Tuy nhiên, tình thế giờ đây đã khác. Thế lực Hưng Yên đã tự tin thao túng được toàn bộ Bộ Công an, nên Tô Lâm có thể an tâm rời ghế Bộ trưởng, để tính toán con đường leo cao hơn.
Ông Võ Văn Thưởng và Tô Lâm đều là cánh tay của ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy thờ một chủ, nhưng vì lợi ích riêng, họ sẵn sàng kịch chiến. Ông Tô Lâm đang tìm những chứng cứ mà ông Thưởng không thể chối cãi, thông qua những vụ án của đàn em ông Thưởng, để buộc Bộ Chính trị phải loại Thưởng.
Vì vậy, số phận của Võ Văn Thưởng đang rất mong manh. May ra, chỉ có ông Trọng mới có thể cứu được ông Thưởng. Còn nếu ông Trọng mà gật đầu cho thay Thưởng, thì xem như, Võ Văn Thưởng sẽ ngã ngựa giống như Nguyễn Xuân Phúc.
Bão tố đang nổi lên quanh chiếc ghế Chủ tịch nước là sự thật. Điều đáng nói là, cách đây 1 năm, chính Tô Lâm đã đùn đẩy chiếc ghế này cho Võ Văn Thưởng. Giờ đây, Tô Lâm lại quyết giành cho bằng được. Nguyên nhân cũng là do thời thế đã đổi thay chóng vánh.
Ngồi ở ghế Chủ tịch nước, với quyền lực tuyệt đối như Nguyễn Phú Trọng, mà vẫn suýt chết. Thì với quyền lực mong manh như Võ Văn Thưởng, sẽ rất khó để trụ qua cơn sóng gió, nếu không có sự trợ lực từ Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng cũng đang rơi vào thế khó, Tô Lâm và Võ Văn Thưởng như 2 cánh tay của ông, mà giờ đây lại tranh giành quyền lực. Nếu mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm, thì rất có thể, ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải chọn một bên và hy sinh bên còn lại.
Nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 2 Chủ tịch nước; nhiệm kỳ 2021 – 2026 mới được nửa đường, mà cũng đã có 2 Chủ tịch nước. Nếu Võ Văn Thưởng không trụ nổi qua sóng gió, thì có lẽ, chiếc ghế Chủ tịch nước lại bị đồn là “chiếc ghế ma ám”. Kể từ sau khi ông Trần Đại Quang chết, chưa ai được yên khi ngồi vào chiếc ghế mà ông để lại.
Tuy ghế Chủ tịch nước là hữu danh vô thực, nhưng nó vẫn thuộc hàng Tứ trụ. Mà chỉ có vào được Tứ trụ, thì mới có cơ hội được hưởng suất đặc biệt dành cho uỷ viên Bộ Chính trị trên 65 tuổi, mới có cơ hội tiếp tục với giấc mơ quyền lực.
Công An Việt Nam truy lùng người Thượng Tỵ Nạn tại Thái lan
An Nhiên /VNTB
15/3/2024
(VNTB) – Công an Việt Nam đã đến tận Thái Lan để truy bắt những người Thượng tỵ nan.
Ngày 14/3/2024 Công an Việt Nam đến khu tị nạn của người người Thượng ở Thái Lan để truy lùng một số người. Những công an này nêu đích danh người họ đang truy lùng là ông Y Quynh Buon Dap vì liên quan đến vụ xả súng ở DakLak.
Vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), tỉnh Đak Lak xảy ra rạng sáng 11/6/2023. Một số người Thượng có võ trang làm 9 người thiệt mạng, trong đó có Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu cùng 4 công an. Đã có 100 người bị đưa ra xét xử với 10 án tù chung thân. Ông Y Quynh Buon Dap là một trong 6 người bị tòa án Việt Nam kết án vắng mặt. Ông Y Quynh Buon Dap bị kết án 10 năm tù vì cáo buộc tội khủng bố.
Bộ Công an xác định 2 tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) và Nhóm Hỗ trợ Người Thượng (MSGI) là phạm tội “Khủng bố”, “Tài trợ khủng bố” và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam hôm 06/03/2024.
Ngoài ra những công an Việt Nam đi kèm cùng cảnh sát Thái còn nói sẽ bắt 100 nhà hoạt động người Thượng khác về Việt Nam nhưng không nêu tên. Họ cảnh cáo những người Thượng nếu cố tình che giấu những người đang bị cảnh sát Việt Nam truy lùng.
Trong đoàn công an mặc thường phục của nhà nước Việt Nam tới khu tị nạn có ông trung tá Y Lương Niê, công an tỉnh DakLak, và thiếu tướng Rahlan Lâm, giám đốc công an tỉnh Gia Lai.
Trước đó, Tổ chức Christian Solidarity Worldwide (Đoàn kết Thiên Chúa giáo Toàn cầu) lên tiếng về việc Bộ Công an gọi 2 tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ) và Nhóm Hỗ trợ Người Thượng (MSGI) là tổ chức khủng bố.
Chủ tịch sáng lập CSW Mervyn Thomas nói:
“Chính phủ Việt Nam đang gây nguy hiểm đến tính mạng những người đấu tranh nhân quyền khi nêu tên và chia sẻ địa chỉ của họ trên các phương tiện truyền thông nhà nước, gây ra lo ngại an ninh trực tiếp và rõ ràng nhằm để bịt miệng, sách nhiễu, và đe dọa. Chính phủ Việt Nam là một nhà nước độc tài hoang tưởng là thế giới sẽ biết mức độ thực sự cách họ kiểm soát và đàn áp các tôn giáo và sắc tộc thiểu số, và đây là bằng chứng nữa cho thấy họ ngang nhiên đàn áp xuyên quốc gia với các nhà hoạt động chỉ đơn giản đang thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. CSW bác bỏ tên gọi tổ chức khủng bố cho MSGI và MSFJ và kêu gọi chính phủ Việt Nam công nhận các nhóm nhân quyền là tiếng nói hợp pháp trong bất kỳ xã hội dân sự lành mạnh nào.”
Thiếu tướng Rahlan Lâm giám đốc công an tỉnh Gia Lai ( áo trắng) tham gia truy lùng người Thượng ở Thái Lan.
Trung tá Y Lương Niê công an tỉnh Đak Lak (X) đến chỗ người Thượng tị nạn Wat In, Sao Thong Hin, Bangyai, Nonthaburi ở Thái Lan.
Cảnh sát Thailand dẫn đoàn Việt Nam tới khu Beng Len, Bang Yai
Mùa du lịch biển Việt Nam 2024: Người trong nghề không hy vọng nhiều
15/3/2024
Ảnh tư liệu – Du khách tại Lâm Đồng, Việt Nam
Washington DC —
Còn hơn một tháng nữa mùa du lịch biển 2024 tại Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5. Như thông lệ, các trung tâm du lịch biển trên khắp cả nước, các doanh nghiệp lữ hành, và các resort, khách sạn vào thời điểm này đã rộn ràng giới thiệu các chương trình khuyến mãi, quảng bá để thu hút du khách. Tuy nhiên, họ cho biết không kỳ vọng nhiều, kể từ đại dịch tới nay.
Những người làm việc trong lĩnh vực này nói thực trạng ‘trầm lắng’ bắt nguồn từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam và sự sụt giảm nghiêm trọng của một số thị trường khách truyền thống như Nga, Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành thậm chí đã phải chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực khác, còn người lao động thì không hiếm trường hợp đã bỏ nghề.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, chủ bút một tạp chí chuyên làm truyền thông, quảng bá cho các trung tâm du lịch, resort và khách sạn cao cấp tại Sài Gòn,cho biết mọi năm vào thời điểm này, tạp chí của chị đã tới tấp nhận được các hợp đồng, thậm chí anh em trong tạp chí còn không chạy việc kịp và chị thường xuyên phải từ chối những hợp đồng nhỏ. Nhưng năm nay, tới giờ tạp chí của chị vẫn chưa nhận được bất kỳ một hợp đồng quảng bá nào dù mùa du lịch biển đã đến rất gần.
“Chán lắm. Bây giờ bắt bớ lung tung thế thì làm ăn gì. Dân chẳng có tiền thì đi du lịch thế nào. Thứ hai là mấy cái resort, khách sạn đều đi ra từ bất động sản mà bây giờ cứ bắt bớ lung tung thế, các chủ resort, khách sạn người ta không bơm tiền vào nữa thì lấy tiền đâu ra,” chị Huyền nói với VOA.
Để tạp chí có thể tồn tại và có công ăn việc làm tạm thời cho phóng viên, chị Huyền cho biết phải chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh, quảng bá mỹ phẩm và một số sản phẩm chăm sóc sắc đẹp nhờ vào mối quan hệ khá thân thiết với giới showbiz tại Việt Nam nhiều năm qua. Nhưng theo chị, nếu tình hình này tiếp tục kéo dài thì chuyện đóng cửa tạp chí, giải tán doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi.
“Đói lắm. Nhưng thôi, mình dân ngu khu đen thì mình cứ đến đâu mình tính đến đấy vậy,” chị Huyền than thở.
Anh Nguyễn Thành Hưng, chủ một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, cho biết mùa du lịch biển năm nay anh cũng không có kỳ vọng gì bởi những vấn đề khiến tình trạng ngành du lịch Việt Nam ảm đạm mấy năm gần đây, theo anh, sẽ còn kéo dài.
“Bây giờ vắng lắm. Bởi vì nói chung kinh tế nó quyết định mà. Sức mua và nhu cầu của người dân giảm thì các hoạt động du lịch là giảm đầu tiên vì người ta phải ưu tiên những nhu cầu như ăn mặc, vốn là thiết yếu trước chứ. Ông đang đói thì ông đi chơi sao được,” anh Hưng chia sẻ và cho biết doanh nghiệp của anh chỉ lác đác tổ chức được một vài tour cho khách du lịch Ấn Độ và Hàn Quốc từ đầu năm đến nay.
Anh Hưng nói kinh tế ảm đạm, người dân không có tiền nhưng giá tour lại phải tăng, nên càng khiến những doanh nghiệp lữ hành thêm khốn đốn trước mùa du lịch biển năm nay.
“Giá vé máy bay giờ tăng cao. Ví dụ như giá vé từ Hà Nội vào Sài Gòn giờ lên đến 4 triệu/lượt thì ai người ta đi làm gì. Như thế người ta thậm chí đi chơi nước ngoài còn rẻ hơn,” anh Hưng tiếp lời.
Anh cho biết với tình trạng hiện tại, anh đã sa thải hết nhân viên. Bây giờ anh là nhân viên duy nhất vừa nhận khách kiêm tổ chức tour, và anh chỉ cộng tác thêm với 1-2 hướng dẫn viên, trả lương theo tour để tiết kiệm chi phí.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, một giám đốc kinh doanh làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về đồ lưu niệm miễn thuế tại Hà Nội, nhận xét riêng đối với khách quốc tế thì du lịch Việt Nam chưa thể thu hút được lượng khách như thời trước đại dịch Covid.
“Việt Nam mình đen ở chỗ là Nga giờ đang đánh nhau. Chứ ngày xưa chưa đánh nhau thì Nga họ vào mình nhiều lắm. Họ đi biển kinh luôn mà khách Nga thì lại chi tiêu nhiều. Khách Trung Quốc giờ cũng chưa nhiều lắm. Không biết làm sao. Giờ chỉ có khách Hàn Quốc và khách Ấn Độ là sang nhiều,” anh Sơn cho biết và nói thêm rằng tuy lượng khách Ấn Độ và Hàn Quốc có tăng nhưng vẫn không thể bù đắp cho việc mất đi nguồn khách từ Nga do chiến tranh tại Ukraine.
Anh Trần Thành Nam, một hướng dẫn viên có thâm niên tại Hà Nội, chia sẻ với VOA rằng vài năm nay kể từ sau đại dịch Covid, anh chỉ có thể cầm cự qua ngày vì nhận được rất ít tour từ các công ty lữ hành. Không còn hy vọng, anh đang chuẩn bị vào Nam kết hợp với người bạn để làm việc trong lĩnh vực khác, thay vì lay lắt sống qua ngày chờ khách như hiện tại.
“Mình mở xưởng sản xuất đồ ăn sẵn bán. Nói chung là đầu tư để làm đồ ăn sẵn thì mình cũng chỉ đầu tư ít thôi chứ không phải đầu tư nhiều,” anh Nam nói.
Một số khách du lịch đến Việt Nam vào thời điểm này cho biết họ được hưởng mức giá tương đối hời trong hầu hết dịch vụ.
Chị Nguyễn Thuỳ Mi, một Việt kiều từ Canada cho con tranh thủ về Việt Nam chơi trong kỳ nghỉ xuân,cho biết chị đã giật mình vì mức giá quá rẻ của các dịch vụ du lịch hiện tại. Ví dụ như tại trung tâm du lịch biển Đà Nẵng, giá phòng khách sạn trung bình đã giảm tới 50%. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ khác cũng đều giảm giá ở mức tương tự nếu so với trước đại dịch cũng vào dịp này năm 2019.
“Thuê xe thì có 1 triệu/ngày mà mình yêu cầu đi đâu là đi đấy cả ngày, giống như tài xế riêng đấy. Thế mà giờ chỉ là 1 triệu/ngày thôi. Quá rẻ so với trước,” chị Mi nói.
Báo chí trong nước dẫn lời ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước khiến chuỗi cung ứng gián đoạn giữa lúc kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, đặc biệt là Trung Quốc hiện tăng trưởng ở mức thấp khoảng 4,5%, làm giảm nhu cầu thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế của Việt Nam.
Truyền thông nhà nước cũng dẫn dữ liệu từ Cục Du lịch Quốc gia cho biết tổng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam năm ngoái là 12,5 triệu lượt khách, khách du lịch nội địa là 108 triệu lượt, cả hai đều vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Nhưng các chuyên gia cho rằng khó có thể nói “du lịch Việt Nam trong năm 2023 là thành công rực rỡ” vì số lượng khách quốc tế như vậy là giảm tới gần 6 triệu lượt so với năm 2019. Doanh thu vì thế cũng giảm từ 726.000 tỉ năm 2019 xuống 672.000 tỉ đồng trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng được báo nhà nước dẫn lời hồi cuối năm ngoái cho biết trong khi các thị trường khách truyền thống của Việt Nam như Nga và Trung Quốc đang gặp khó khăn do cuộc chiến tại Ukraine và những vấn đề quốc tế khác, thì việc khai thác những thị trường mới, thị trường tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn chậm. Du lịch Việt hiện cũng thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện ở nước ngoài, khâu quản lý điểm đến chưa tốt dẫn tới tình trạng ‘chặt chém’ du khách, làm xấu hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Cũng theo báo chí nhà nước, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia đã phục hồi du lịch tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam sau đại dịch Covid vì có chiến lược tốt hơn trong khi Việt Nam thiếu tất cả các chiến lược ngắn, trung, dài hạn cũng như tầm nhìn xa để lường trước những khó khăn.
Năm 2024 này, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, và đạt tổng doanh thu khoảng 840.000 tỉ đồng.
Công ty CTS Hoa Kỳ tư vấn về việc thành lập các khu thương mại tự do tại Việt Nam
13/3/2024
Đoàn công tác của Công ty CT – Strategy (CTS) của Hoa Kỳ làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.
Báo Công Thương
Đoàn công tác của công ty Mỹ CT-Strategy (CTS) đang tiến hành tư vấn đề xuất hình thành các khu thương mại tự do (TMTD) tại một số tỉnh, thành Việt nam như Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Ngãi…
Mạng báo của Bộ Công thương Việt Nam ngày 13/3 loan tin này. Theo đó đoàn công tác của CTS gần đây có cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam về hoạt động vừa nêu.
CTS đưa ra một số khuyến nghị về cơ chế đặc thù, vượt trội cho khu thương mại tự do tại một số địa phương của Việt Nam mà công ty này đang nghiên cứu, tham gia tư vấn.
Những dự án của CTS tại Việt Nam được nêu ra gồm “Tư vấn triển khai và vận hành các khu thương mại tự do Lao Bảo (VN)- Đensavan (Lào); “Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tự do Khu thương mại tự do Tam Hòa; “Tư vấn triển khai & vận hành các khu thương mại tự do trong Trung tâm Sản xuất, Chế biến Nông sản Chất lượng cao tại Đồng bằng Sông Cửu Long”…
CTS mong muốn Việt Nam quan tâm phát triển các khu thương mại tự do kiểu mới như Khu TMTD Xanh (Green FTZ); Khu TMTD điện tử (sFTZ); Khu TMTD số (Digital FTZ)…
Dự án 15 triệu USD tại Quảng Bình “treo” suốt nhiều năm
14/3/2024
Đến nay dự án chỉ nằm trên giấy, còn 3 ha của dự án hầu như vẫn là bãi đất trống.
Sài Gòn Giải Phóng
Dự án viên nén năng lượng với mức đầu tư 15 triệu USD tại Khu Kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình bị đề nghị chấm dứt sau gần chục năm không thực hiện.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 14/3 dẫn đề nghị chấm dứt dự án do cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đưa ra.
Tin cho biết Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Dohwa của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Phát triển nguồn lực Dohwa, Hàn Quốc được cấp giấy chứng nhận đầu tư hồi ngày 8/4/2016, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD quy đổi vào thời điểm đó).
Theo kế hoạch, giai đoạn một của Nhà máy dự kiến sẽ đi vào vận hành với công suất cao nhất đạt 200.000 viên nén/năm vào quý hai năm 2017. Giai đoạn hai dự kiến đi vào hoạt động vào quý hai năm 2019.
Tuy nhiên, chủ đầu tư tiếp tục xin gia hạn điều chỉnh và lần cam kết triển khai dự án gần nhất được cho biết vào ngày 25/5/2023; tuy nhiên đến nay dự án chỉ nằm trên giấy, còn 3 ha của dự án hầu như vẫn là bãi đất trống.
Overlay7
Tags: độc tài, Tham nhũng, tin tức, toàn trị, việt nam