Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 19/05/2023: *Phái đoàn Tự Do Tôn Giáo QT thăm Việt Nam, gặp các tôn giáo độc lập *Hà Nội: Nóng gay gắt, xe hơi bốc cháy *Trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh *Hà Nội muốn có sân bay quốc tế thứ 2
Quê Hương tổng hợp
Phái đoàn USCIRF thăm Việt Nam, gặp gỡ các nhóm tôn giáo độc lập
VOA Tiếng Việt
19/5/2023
Phái đoàn USCIRF gặp các nhóm tôn giáo độc lập tại Tp. HCM ngày 18/5/2023. Photo Facebook Trung Kien Pham.
Một phái đoàn của Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đang có chuyến công du Việt Nam, gặp gỡ các nhóm tôn giáo độc lập – nhóm thường xuyên cho rằng bị chính quyền sách nhiễu – và cả Đức pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước hậu thuẫn.
Đại diện của Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN), nhóm gồm 5 các tôn giáo độc lập không được nhà nước công nhận, hôm 19/5 cho VOA biết một phái đoàn của USCIRF do Uỷ viên Frederick Davie dẫn đầu, có cuộc gặp với các lãnh đạo và thành viên của hội đồng sáng ngày 18/5 tại chùa Giác Hoa Tp. Hồ Chí Minh.
“Hội đồng Liên tôn Việt Nam qua đại diện của Hòa thượng Thích Không Tánh đã trình bày tình hình chung và trao bản kiến nghị của HĐLTVN cho phái đoàn. Ngoài ra, mỗi tôn giáo đều trình bày những sự bách hại của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mà mỗi tôn giáo đó gặp phải”, ông Lê Quang Hiển, Thư ký của hội đồng, cho biết.
Bản kiến nghị mà VOA xem được có đoạn viết: “Cộng sản Việt Nam công khai cầm tù những người tu hành ở Tịnh thất Bồng Lai của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại tỉnh Long An; khủng bố, đe dọa khởi tố vụ án vô căn cớ với Hội Thánh Tin Lành Phục Hưng tại Sài Gòn; Mục sư Đinh Diêm bị chết đột ngột trong tù! Ngăn cấm, sách nhiễu các Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, Hội Thánh Đức Chúa Trời, Hội Thánh Tin Lành Cộng Đồng Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ ở Quảng Nam, Nghệ An, Đắc Lắc. Đặc biệt ở vùng sắc tộc Tây Nguyên nhiều mục sư, tín hữu không được sinh hoạt đạo sự!”.
Thượng Toạ Thích Vĩnh Phước thuộc tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thành viên của HĐLTVN, người tham dự cuộc gặp hôm 18/5, cho VOA biết:
“Những tổ chức tôn giáo độc lập luôn luôn bị bách hại, bị khó khăn, điển hình riêng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là chùa Sơn Linh ở Kon Tum do thầy Thích Nhật Phước làm nhà tạm để ở, và chùa Thiên Quang của thầy Thích Thiên Thuận ở Bà Rịa – Vũng Tàu”.
“Có lẽ là nhờ sự lên tiếng của các giới chức ngoại giao như Tổng Lãnh sự quán của Đức, tùy viên Hoa Kỳ đến thăm chùa Thiên Quang cho nên đến hôm nay chùa Thiên Quang tạm bình yên, không bị tháo dỡ những công trình đã xây dựng từ nhiều năm”.
Ông Lê Quang Hiển lặp lại đề xuất của hội đồng như nêu trong bản kiến nghị gửi USCIRF:
“Chúng tôi tha thiết mong muốn chính phủ Hoa Kỳ áp lực đối nhà cầm quyền Cộng sản để cho các tôn giáo độc lập trong nước Việt Nam được hoạt động; phải tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của các tổ chức tôn giáo độc lập…Nếu cần, chính phủ Hoa Kỳ có thể áp dụng các biện pháp chế tài, như đưa Việt Nam vào danh sách CPC [Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt], hay luật Magnitsky đối với những quan chức nào của chính phủ Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ cho bình luận về bản kiến nghị này, nhưng chưa được phản hồi.
Chiều ngày 18/5, tại chùa Huê Nghiêm ở thành phố Thủ Đức, phái đoàn USCIRF đến gặp Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo hội được nhà nước chính thức công nhận và hậu thuẫn.
“Tình hình tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng cũng có những chuyển biến tích cực, thay đổi phù hợp với sự phát triển chung; mối liên hệ giữa các tổ chức tôn giáo được tăng cường và mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức tôn giáo cũng ngày càng tốt đẹp hơn”, báo Giác Ngộ dẫn lời Hòa thượng Thích Trí Quảng nói với phái đoàn USCIRF.
Tại buổi tiếp phái đoàn USCIRF hôm 16/5 ở Hà Nội, ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: “Việt Nam luôn sẵn sàng và mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với phía Hoa Kỳ nói chung và Ủy ban USCIRF nói riêng trong lĩnh vực tôn giáo trên cơ sở thiện chí, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau”, theo Cổng thông tin Bộ Công an, cơ quan thường xuyên chỉ trích sự lên tiếng của USCIRF về tình hình tự do, tôn giáo Việt Nam.
Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định: “Đảng và Chính phủ Việt Nam có chính sách nhất quán và luôn nỗ lực đảm bảo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, coi đó là một mục tiêu quan trọng đi cùng với công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam”, trang này cho biết.
Uỷ viên Frederick Davie cho VOA biết vào hồi đầu tháng 5 rằng ông quan ngại về điều kiện tự do tôn giáo ở Việt Nam “rõ ràng trở nên tồi tệ hơn” trong thời gian qua, với việc quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập, chưa đăng ký.
“USCIRF đặc biệt lo ngại về việc chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập, chưa đăng ký, bao gồm người Hmong và người Thượng theo đạo Tin lành, tín đồ Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo và Phật giáo Thống nhất, và Dương Văn Mình. Các nhóm Tin lành người Hmong và người Thượng vẫn đặc biệt dễ bị chính quyền đàn áp. Ngoài ra, USCIRF lo ngại về hai dự thảo nghị định được đưa ra vào tháng 6/2022 để thực thi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2018, và nếu được thông qua sẽ hạn chế hơn nữa quyền tự do tôn giáo”, ông Davie cho viết qua email.
Cổng thông tin Bộ Công an Việt Nam cho biết hiện Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện, bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo. Bộ này nói: “Đây là 02 văn bản luật với nhiều điểm mới, tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện các hoạt động tôn giáo…”
Hà Nội im lặng trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh
Như Hồ/SGN
Tối ngày 13 Tháng Năm 2023 (giờ Việt Nam), trên trang Facebook của bà Ngụy Thị Khanh vừa có tin bất ngờ: Hà Nội đã im lặng trả tự do cho bà mà không cho biết lý do. Bà Khanh viết trên Facebook rằng “Hạnh phúc vô bờ bến khi được trở về giữa vòng yêu thương của gia đình, được gặp và ôm người thân sau 16 tháng tròn xa cách. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả mọi người đã quan tâm lo lắng, chia sẻ và giúp đỡ cho cá nhân Khanh và gia đình trong suốt gần một năm rưỡi qua”.
Bà Khanh là một trong bốn người, bao gồm Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, là những người tranh đấu cho môi trường các chính sách phát triển của Việt Nam và giai đoạn phát triển quan hệ với thể giới. Thế nhưng lần lượt cả bốn người này đều bị bắt với cáo buộc “trốn thuế” và đi tù. Mặc dù ở các phiên tòa, thẩm phán không viện dẫn được điều luật nào chính xác cho việc các khoản tài trợ cho hoạt động phi lợi nhuận phải đóng thuế, nhưng các bản án vẫn được đưa ra.
Vào ngày 21 tháng 4 năm 2023, tổ chức nhân quyền The 88 Project (Dự án 88) đã công bố một báo cáo tại câu lạc bộ báo chí ở Bangkok, cho rằng: việc cáo buộc bà Ngụy Thị Khanh, “là dấu hiệu của một làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam”.
Ngay trong Tháng Một 2022, khi có tin bà Ngụy Thị Khanh bị kết án, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, công bố trong một thông báo rằng chính phủ Mỹ quan ngại sâu sắc và “kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho bà Khanh, người đã được quốc tế công nhận vì những đóng góp của bà nhằm thúc đẩy các vấn đề về biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững ở Việt Nam, cũng như các nhà hoạt động môi trường khác đang bị giam giữ khi làm việc vì lợi ích của Việt Nam và người dân”.
Bà Ngụy Thị Khanh là nhân vật nổi bật trong số bốn người bị bắt giam nói trên, vì bà là người Việt đầu tiên nhận Giải thưởng Môi trường uy tín của Goldman. Ngày 13 tháng 9 năm 2022, một lá thư của 52 người đoạt giải Môi trường Goldman đã được gửi đến các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để ủng hộ bà Ngụy Thị Khanh. Các phản ứng quốc tế dồn dập, khiến sau đó, Hà Nội giảm cho bà ba tháng tù giam.
Tổ chức Project 88, còn có tên là Dự án 88, gọi bốn nhà hoạt động trên là The Vietnamese Four – “Bộ tứ Việt Nam” – là những người tiêu biểu trong NGO (tổ chức phi chính phủ) mà chính quyền Việt Nam dùng tội “trốn thuế” sau khi tham gia hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiệt điện than, nhưng thực chất là do yếu tố chính trị.
“Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này vì chúng tôi quan sát thấy rằng các chuyên gia trong lĩnh vực NGO đang bị bắt giữ và các tổ chức của họ buộc phải đóng cửa. Đây là một xu hướng mới mà chúng tôi muốn hiểu sâu hơn’, ông Ben Swanton, người viết báo cáo cho biết.
Các dự án nhiệt điện, cải tạo đất làm dự án… của Việt Nam luôn có các thế lực từ trung ương Hà Nội tham gia, kể cả ngoại bang, nên việc minh bạch và đòi sự an toàn và các quy chế văn minh khiến gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhóm lợi ích này.
Một nguồn tin khác, dự đoán việc trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh, là để mở đường cho chuyến đi Mỹ của đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng sắp tới. Việc biến đất nước và con người Việt Nam trở thành con tin, nhằm đổi chác và thủ lợi cho đảng cộng sản, vẫn là cách thức quen thuộc của Hà Nội, kể từ sau 1975 đến nay.
Một người Việt bị bắt vì cáo buộc bán thẻ xanh Hoa Kỳ
An Vui /SGN
Mỗi ngày, hàng dài người xếp hàng chờ xin visa trước văn phòng Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở đường Lê Duẩn, quận 1 – Ảnh: Tuổi Trẻ
Một người Việt sống ở Hoa Kỳ đã có thẻ thường trú nhân mới bị bắt ở Sài Gòn chiều 17 Tháng Năm 2023.
Dẫn nguồn tin từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ chiều 17 Tháng Năm, Tuổi Trẻ và Dân Trí cho biết người này bị Công an phường Bến Nghé (quận 1, Sài Gòn) bắt trong tuần qua vì bị cáo buộc có hành vi mua bán thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) của chính mình.
Đương sự đã cung cấp thông tin sai sự thật về việc mất thẻ xanh của mình cho công an ở thành phố (Sài Gòn) để được công an cấp đơn cớ mất, sau đó dùng đơn này nộp kèm trong hồ sơ xin giấy phép nhập cảnh một lần (boarding foil) cho Tổng lãnh sự quán để có thể quay về Hoa Kỳ.
Phát giác giấy tờ không khớp, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ đã thông báo cho Công an phường Bến Nghé về vụ việc và đương sự đã bị bắt.
Theo Tuổi Trẻ, đương sự bị nghi làm giả vụ mất thẻ xanh, để bán thẻ xanh của mình cho người khác. Vụ việc vẫn đang được công an Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ phối hợp điều tra.
Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ thông báo, việc giả mạo lý do mất thẻ xanh hoặc cung cấp thông tin không trung thực cho lãnh sự hoặc viên chức thực thi pháp luật liên bang là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tình trạng nhập cư của chính cá nhân đó.
Nguyên văn thông báo này như sau: “Chúng tôi khuyến cáo tất cả các thường trú nhân giữ gìn cẩn thận thẻ xanh của mình, cất giữ thẻ ở nơi an toàn, và khuyến nghị sử dụng các loại giấy tờ tùy thân khác, chẳng hạn như bằng lái xe hoặc thẻ căn cước công dân/chứng minh nhân dân Việt Nam”.
Ngoài ra, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng lưu ý tất cả các đương đơn muốn đến Hoa Kỳ du học hay du lịch phải luôn xuất trình các giấy tờ hợp lệ, không chỉnh sửa. Người nào nộp tài liệu giả mạo có thể bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ vĩnh viễn.
Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo người Việt về việc mua bán thẻ thường trú nhân – Ảnh: CNBC
Trước đó, hồi Tháng Hai 2023, một đương đơn Việt Nam xin thị thực du học Hoa Kỳ cũng bị điều tra với cáo buộc dùng giấy tờ giả, với khuyến cáo bị bắt giam nếu vi phạm.
Thông báo trên trang Facebook chính thức ngày 23 Tháng Hai 2023, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn cho biết: “Một đương đơn đang bị điều tra vì sử dụng giấy tờ giả trong quá trình xin thị thực”,
Cùng ngày, Tuổi Trẻ loan tin Công an thành phố phối hợp Phòng Lãnh sự và Văn phòng An ninh Khu vực (RSO), thuộc Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã bắt giam một người nghi ngờ sử dụng giấy tờ giả khi xin visa du học vào ngày 14 Tháng Hai.
Đó là việc đương đơn này sử dụng đơn I-20 bị làm giả, các thông tin gốc thuộc về người khác từng xin thị thực Hoa Kỳ. I-20 là giấy chấp thuận nhập học do nhà trường ở Hoa Kỳ cấp, một phần bắt buộc phải có trong hồ sơ xin thị thực du học Hoa Kỳ.
Theo Tuổi Trẻ, công an Việt Nam bắt giam đương đơn này bên ngoài khuôn viên Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở quận I và tịch thu các bằng chứng liên quan.
Nhân vụ này, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cảnh báo người Việt khi xin thị thực vào Hoa Kỳ nên chọn lựa kỹ đơn vị tư vấn làm dịch vụ visa, tuyệt đối không sử dụng dịch vụ nếu đơn vị tư vấn những lời khai thiếu trung thực, xem nhẹ pháp luật Hoa Kỳ và Việt Nam.
Việc bắt giam đương đơn này là bài học cảnh tỉnh cho những ai muốn đi du học Hoa Kỳ mà dễ dãi chấp thuận bản khai thiếu trung thực của đơn vị tư vấn xin visa. Tính đến cuối năm 2022, có gần 30,000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ.
Cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh và cựu Chủ tịch tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam
Công an phong tỏa, khám xét nhà riêng ông Nguyễn Văn Vịnh. (Ảnh: laocai.gov.vn)
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đêm 18/5, UBND tỉnh Lào Cai cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Văn Vịnh (SN 1960, ngụ phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với ông Doãn Văn Hưởng (SN 1956, ngụ phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), nguyên Phó Bí Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; ông Ngô Đức Hoàng (SN 1974), Chuyên viên phòng Kế hoạch – Tài chính Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ TN&MT.
Cả ba người này bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự 2009.
Hiện, các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND tỉnh Lào Cai phê chuẩn.
Đêm 18/5, nói với báo Dân trí, lãnh đạo UBND phường Bắc Cường (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) xác nhận thông tin trên và cho biết, đến lúc hơn 22h, cảnh sát vẫn đang tiếp tục làm việc.
Theo đó, hàng chục cảnh sát cùng với phương tiện chuyên dụng đã xuất hiện và phong tỏa toàn bộ tuyến đường dẫn vào nhà cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh lúc hơn 20h cùng ngày, tại ngôi nhà trên phố Cù Chính Lan, phường Bắc Cường, TP. Lào Cai.
Trước đó, ngày 15/5, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 7), Trung ương đã xem xét kỷ luật cựu Bí thư Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh theo đề nghị trước đó của Bộ Chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 28 diễn ra ngày 12 và 13/4, ông Vịnh cùng nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai có trách nhiệm liên quan đến sai phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011-2016 vì buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước trong hoạt động liên quan đến khoáng sản.
Một số cán bộ, đảng viên trong tập thể này kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 8/5 cũng xác định ông Vịnh cùng nhiều thuộc cấp đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Các cá nhân này cũng vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bị xử lý hình sự.
Vi phạm của các cá nhân trên, theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thiệt hại, thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
Vì thế, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Vịnh.
Khánh Vy
Hà Nội: Nắng nóng gay gắt, ô tô liên tục bốc cháy
Xe ô tô 7 chỗ đang di chuyển thì bốc cháy dữ dội (Ảnh: Halo Phúc Thọ/Facebook)
TP. Hà Nội ghi nhận 3 xe ô tô bốc cháy khi đang di chuyển và dừng đỗ trong 2 ngày đầu của đợt nắng nóng gay gắt thứ 2.
Ngày 18/5, chỉ huy Đội CSGT Công an huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) cho biết đơn vị vừa phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Phúc Thọ xử lý một vụ cháy xe ô tô xảy ra tại huyện này.
Theo đó, khoảng 14h40 ngày 18/5, xe ô tô nhãn hiệu Chevrolet Captiva 7 chỗ mang BKS 30A-317.XX do một nam tài xế cầm lái, di chuyển trên Quốc lộ 32 hướng về huyện Đan Phượng (TP. Hà Nội). Khi đến địa phận xã Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) thì xuất hiện khói bốc ra từ đầu xe, sau đó lửa bùng từ khoang máy, bao trùm toàn bộ phương tiện.
Công an huyện Phúc Thọ đã huy động 2 đội nghiệp vụ trên đến hiện trường hỗ trợ dập lửa, phân luồng giao thông. Đến khoảng 15h cùng ngày, vụ cháy được dập tắt, cũng là lúc chiếc xe bị thiêu rụi, còn trơ khung. Tài xế thoát ra ngoài trước lúc lửa bùng mạnh nên không bị thương.
Đội CSGT Công an huyện Phúc Thọ nhận định nguyên nhân vụ cháy có thể do nắng nóng. Tuy nhiên, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH công an huyện này xác định vụ cháy xảy ra do chập điện, nhưng có phải do nắng nóng gây áp lực lên hệ thống điện gây chập hay không thì phải giám định, điều tra.
Trước đó, trưa ngày 17/5, tại quận Đống Đa (TP. Hà Nội) cũng ghi nhận 2 xe ô tô bị cháy. Trong đó, một xe đang dừng đỗ và một xe đang di chuyển trên đường.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đây là đợt nắng nóng diện rộng thứ 2 tại miền Bắc và miền Trung trong năm nay, dự kiến kéo dài từ ngày 17 – 23/5.
Ngày 17/5, nhiệt độ mặt đường tại Hà Nội có lúc lên tới 55 độ C, còn ngày 18/5 nhiệt độ mặt đường lên tới ngưỡng hơn 50 độ C lúc 13h30.
Bảo Khánh
Hà Nội muốn có sân bay quốc tế thứ 2
Hà Nội hiện có sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: noibai.com.vn)
Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội là sân bay quốc nội. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội muốn quy hoạch thành sân bay quốc tế.
UBND TP. Hà Nội vừa có công văn số 1382 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT báo cáo đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2.
Theo công văn, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP. Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 có quy mô phù hợp, nâng tổng công suất đạt 130 – 150 triệu hành khách/năm đến năm 2050.
Tuy nhiên, tại đồ án quy hoạch toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xác định sân bay thứ 2 của Hà Nội là sân bay quốc nội.
UBND TP. Hà Nội lấy dẫn chứng vùng đô thị TP.HCM được hoạch định 2 sân bay quốc tế gồm sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và sân bay Long Thành (Đồng Nai) với tổng công suất 150 triệu khách/năm.
Như vậy, vùng Thủ đô Hà Nội cũng cần thiết quy hoạch 2 sân bay quốc tế để đáp ứng yêu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất và phân bổ nhu cầu vận tải.
Theo giới chức Hà Nội, vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21 – 23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314 km2, cơ bản tương đồng với vùng TP.HCM (quy mô dân số 24 – 25 triệu người, diện tích khoảng 30.400 km2).
“UBND TP. Hà Nội kiến nghị nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ 2 làm cơ sở để UBND TP. Hà Nội cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang triển khai đảm bảo thống nhất”, công văn nêu.
Các vị trí dự kiến nghiên cứu sân bay thứ 2 của Hà Nội gồm: khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 60 – 65km; khu vực phía nam Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 35 – 40km; khu vực huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 45 – 50km; khu vực huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng), cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 120km.