Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 22/9/2023: *Khó khăn đầu tư vào Việt Nam *VN chưa sẵn sàng Mỹ đầu tư bán dẫn *Công ty VNG ‘không ổn định’ *Kêu gọi ngừng án tử Lê Văn Mạnh *Kết tội hoạt động môi trường vì trốn thuế *VN có giầu được không? *Nguyễn Phương Hằng bị 03 năm tù *CSVN muốn Mỹ làm giảm chống đối, thù địch Việt Nam?


Quê Hương tổng hợp


“Điều gì khó khăn nhất khi đầu tư vào Việt Nam?” Nguyễn Minh Đức

22/9/2023

Ngồi nói chuyện với một luật sư nước ngoài có hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mình mới hỏi: “Điều gì khó khăn nhất khi đầu tư vào Việt Nam?”

Ông ta trả lời: “Sự khó tiên đoán của pháp luật, nhất là khâu thực thi.”

Ông ta lấy ví dụ luôn về vấn đề phòng cháy chữa cháy đang rất nóng hiện nay. Về mặt pháp luật trên giấy mà nói, quy định PCCC của Việt Nam yêu cầu khá cao so với các nước thu nhập trung bình thấp.

Trước đây, khi thực thi, các cán bộ PCCC cũng đơn giản hóa, hoặc bỏ qua một số yêu cầu mà họ cho là không thực sự cần thiết. Quy định nào nhất định phải tuân thủ, quy định nào có thể linh hoạt là luật bất thành văn giữa những người làm thực tiễn.

Nhưng đến khi có vụ cháy lớn, chính quyền ra quân rà soát rầm rộ, và yêu cầu phải tuân thủ 100%. Đây là sự thay đổi về thực thi pháp luật một cách đột ngột, không có lộ trình, không thể dự liệu, chi phí lớn, nhiều trường hợp bất khả thi, thậm chí hồi tố, lật lại những quyết định trước đó của chính họ.

“Thực ra, nhà đầu tư đến từ nước tôi không ngại tuân thủ quy định, dù chi phí có thể cao. Nhưng quan trọng là phải rõ ràng từ đầu để bọn tôi còn lập kế hoạch. Bọn tôi không kinh doanh một mình. Mỗi lần thay đổi vậy là tôi phải đàm phán với ngân hàng, phải xin phép các cổ đông để điều chỉnh dòng tiền”.

Ông ta nói thêm, không chỉ PCCC, cứ có vụ ngộ độc thực phẩm chết người, hay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc dư luận rộ lên một vấn đề gì đó là hệ thống chính quyền sẽ phản ứng rất mạnh, khiến các doanh nghiệp luôn ở thế bị động.

Mình mới nói: “Nước tôi vẫn hay nhảy từ thái cực này sang thái cực khác như vậy”. Ông ta gật đầu: “Chính xác”.

Mình mới nói thêm: “Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do hệ thống hành chính của Việt Nam bị chính trị hóa quá mạnh. Nó không hành động theo các tiêu chuẩn quản trị công mà theo áp lực chính trị, áp lực dư luận nhiều hơn. Điều đó cũng có cái hay là đôi lúc vấn đề được giải quyết rất nhanh, nhưng cái dở là sự thiếu ổn định của pháp luật và môi trường kinh doanh”.

Ông ta nói: “Ờ, đúng. Nhưng các ông có nghĩ đến giải pháp gì không?”

Mình trả lời: “Tôi nghĩ bản thân lãnh đạo cũng thích như vậy, vì quyền lực của họ mạnh hơn. Ở Việt Nam cũng có một số người kêu gọi cần có sự độc lập nhất định giữa hành chính và chính trị, nhưng có vẻ như xu hướng chính trị hóa ngày càng thắng thế”.


Việt Nam chưa sẵn sàng khi nhiều hãng Mỹ muốn tăng đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn 

21/9/2023 – An Tôn – VOA 

Chuyên gia: Việt Nam chưa sẵn sàng khi nhiều hãng Mỹ muốn tăng đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn

Thủ tướng Việt Nam mới đây mời chào các hãng Mỹ tăng đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và nhận lại một số cam kết cũng như những kiến nghị về cải thiện thủ tục, môi trường kinh doanh. Một doanh nhân kỳ cựu và một chuyên gia uy tín đánh giá với VOA rằng Việt Nam còn cần phải làm nhiều để tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực nêu trên, hiện đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Thông tin được chính phủ Việt Nam đưa ra trong các ngày 18-19/9 cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các hãng trong lĩnh vực bán dẫn ở cả Bờ Tây lẫn Bờ Đông Hoa Kỳ.

Công ty Amkor Technology sẽ khởi công nhà máy tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023. Tổng đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ đô la. Công ty Synopsys sẽ khai trương một trung tâm thiết kế và khởi nghiệp bán dẫn phối hợp với Saigon Hi-Tech Park. Công ty Marvell công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết.

Microsoft và Truthing Social công bố thỏa thuận phát triển giải pháp dựa trên AI (Trí tuệ Nhân tạo) phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi. NVIDIA đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong các lĩnh vực đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Meta Platforms và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố Thử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam, một chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn theo trang Thông tin Chính phủ.

Tin cho hay Thủ tướng Chính mời chủ tịch của NVIDIA thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn NVIDIA sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch NVIDIA nói hãng “mong muốn tăng cường hợp tác” với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, cũng như có kỳ vọng rằng “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á”.

Việt Nam có thể đào tạo kỹ sư phần mềm dễ dàng nhưng gặp khó trong đào tạo kỹ sư vi mạch

Việt Nam có thể đào tạo kỹ sư phần mềm dễ dàng nhưng gặp khó trong đào tạo kỹ sư vi mạch 

Nhiều giám đốc điều hành trong lĩnh vực bán dẫn ở Mỹ đánh giá rằng “tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn”. Họ nói rằng về lâu dài, các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ “có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam”, trang Thông tin Chính phủ tường thuật.

Tuy nhiên, doanh nhân Mỹ gốc Việt David Dương – đã có kinh nghiệm đầu tư, làm ăn thành công trong nhiều năm ở Việt Nam – nhận xét với VOA:

“Việt Nam chưa sẵn sàng 100%. Về lao động tay nghề cao, chưa có sự chuẩn bị trong nhiều năm qua. Chưa có trường huấn luyện, chưa có nơi dạy tay nghề để chuẩn bị đón tiếp những doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vào. Lao động vẫn còn đang thiếu, kể cả những thành phố lớn như Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội”.

Bây giờ giả sử có một khoản đầu tư khoảng 8 tỷ đô la vào Việt Nam trong ngành sản xuất chip thì chịu, Việt Nam không làm được vì lấy đâu ra người.

Chuyên gia Vũ Tú Thành

Trong một cuộc thảo luận với VOA mới đây, khi nói về hợp tác Mỹ-Việt trong sản xuất chip và hàng bán dẫn, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, đánh giá rằng Việt Nam chưa đáp ứng được một số yêu cầu của các hãng Mỹ, đặc biệt là về nguồn nhân lực:

“Muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở đây, đặc biệt là các nhà máy sản xuất chip, phải có một lượng đủ lớn kỹ sư vi mạch. Tổng số kỹ sư vi mạch hiện nay ở Việt Nam từ khi Intel mở nhà máy từ 2006 đến nay là khoảng trên 5.000 kỹ sư vi mạch, trong khi riêng nhà máy Intel đã cần 2.000, từ 2006, thế thì thiếu trầm trọng. Bây giờ giả sử có một khoản đầu tư khoảng 8 tỷ đô la vào Việt Nam trong ngành sản xuất chip thì chịu, Việt Nam không làm được vì lấy đâu ra người”.

Với việc hai nước có bước đi lịch sử là nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong tháng 9/2023, tới đây, phía Mỹ sẽ giúp Việt Nam giải quyết hai trong số ba vấn đề về nhân lực ngành chip, chuyên gia Vũ Tú Thành nói.

Việt Nam đủ khả năng về các cơ sở đào tạo cho ngành, là một trong ba vấn đề, ông Thành cho biết. Như vậy, theo ông, hai vấn đề còn lại là Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam về việc những sinh viên học để trở thành kỹ sư vi mạch được thực hành trên hiện trường, trong nhà máy, và sau khi họ tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm trong các nhà máy của Mỹ.

“Trong giai đoạn sắp tới, Mỹ sẽ giúp Việt Nam trả lời hai câu hỏi quan trọng đấy. Câu hỏi thứ nhất Việt Nam tự trả lời được”, ông Thành nói với VOA.

Trong 5 năm tới, đây là sự chuẩn bị vì luật pháp cần phải thay đổi, có những chính sách cần thay đổi cho phù hợp với việc đôi bên nâng tầm thành Chiến lược Toàn diện.

Doanh nhân David Dương

Ngoài ra, trên bình diện rộng hơn, sau khi nâng cấp quan hệ, Mỹ và Việt Nam đạt mức độ tin cậy cao hơn, theo đó, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam “cải cách thể chế”, tức xây dựng pháp luật, vẫn chuyên gia Vũ Tú Thành cho hay. Đây là một việc quan trọng vì lâu nay các doanh nghiệp Mỹ nói riêng, các doanh nghiệp làm ăn ở Việt Nam nói chung đều đã phàn nàn nhiều lần về tính không rõ ràng, không lường trước được của các quy định pháp luật ở đất nước này.

Doanh nhân David Dương đưa ra quan sát rằng cấp trung ương có thể đưa ra chính sách khá tốt nhưng cấp địa phương có những hành xử không đúng với chính sách. Nhận định về thời gian tới, sau khi Mỹ và Việt Nam thắt chặt quan hệ, ông David Dương nói:

“Trong 5 năm tới, đây là sự chuẩn bị vì luật pháp cần phải thay đổi, có những chính sách cần thay đổi cho phù hợp với việc đôi bên nâng tầm thành Chiến lược Toàn diện. 5 năm tới là 5 năm thử thách, để Việt Nam bắt đầu thay đổi. 10 năm sau Việt Nam có thể sẽ phát triển rất là tốt, rất là nhanh, rất là mạnh”.

Khi gặp gỡ các đại diện doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn cách đây ít ngày, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất liên quan tới thuế, thủ tục hành chính, đất đai, đào tạo nhân lực…, trang Thông tin Chính phủ tường thuật.

Đáp lại, Thủ tướng Chính nói rằng chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động ngày càng thuận lợi, ổn định, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ.

Ông Chính nhấn mạnh tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hai bên cùng có lợi, cùng thắng, đóng góp tích cực cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, theo thông tin do phía chính phủ Việt Nam đưa ra.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-chua-san-sang-khi-nhieu-hang-my-muon-tang-dau-tu-vao-linh-vuc-ban-dan/7278068.html


Công ty VNG hoãn lên sàn Mỹ ‘do điều kiện thị trường không ổn định’ 

22/9/2023 

VOA Tiếng Việt 

Poster của sàn giao dịch Nasdaq ở New York, Mỹ.

Poster của sàn giao dịch Nasdaq ở New York, Mỹ. 

Công ty Internet Việt Nam VNG Limited hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 150 triệu đôla tại Mỹ cho đến năm sau “do điều kiện thị trường không ổn định”, một người am hiểu trực tiếp về vấn đề này cho Reuters biết.

Nguồn tin này cho biết như vậy với điều kiện không tên vì thông tin vẫn chưa được công khai. VNG Limited – cổ đông chủ chốt của công ty cổ phần VNG – trước đó dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu phổ thông tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market với mã giao dịch “VNG”. Công ty VNG từ chối bình luận.

Hôm 22/9, trang VnExpress dẫn nguồn tin cho biết VNG đã hoãn kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu trên sàn Nasdaq của Mỹ. Trang này cho biết thêm rằng thời gian trì hoãn đến khi nào vẫn chưa được quyết định.

Được thành lập vào năm 2004, VNG có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam – một công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên. Hoạt động kinh doanh của công ty bao gồm trò chơi trực tuyến, thanh toán, dịch vụ đám mây và Zalo, một ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam.

Các hồ sơ pháp lý về việc niêm yết trên sàn Nasdaq đã được công khai vào cuối tháng 8 và dự kiến ra mắt vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, các nguồn tin trước đó đã nói với Reuters.

Nguồn tin cho biết, quyết định tạm dừng niêm yết được đưa ra sau khi công ty và các cố vấn tổ chức các cuộc họp sớm với nhà đầu tư, nhưng trước khi thực hiện việc quảng bá chính thức bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư tiềm năng (roadshow).

Họ cho biết thêm rằng VNG vẫn đặt mục tiêu thực hiện niêm yết tại New York, có thể là vào nửa đầu năm 2024.

Hôm 15/9, hãng tin Bloomberg News đưa tin rằng thỏa thuận phát hành IPO đang bị trì hoãn.

Các điều kiện của thị trường tài chính đối với việc bán cổ phiếu mới vẫn còn mong manh khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho việc lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài ở hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Trang VnEpress cho biết VNG đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq tại Mỹ vào năm 2017, nhưng dường như hoạt động này sau đó không có tiến triển.


Hàng chục nước phương Tây kêu gọi Việt Nam ngừng thi hành án tử tù Lê Văn Mạnh 

21/9/2023 – VOA Tiếng Việt 

Bà Nguyễn Thị Việt (phải) giơ biểu ngữ kêu oan cho con trai Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình vì tội "giết người" và "hiếp dâm" vào năm 2015, ở Hà Nội hôm 21/9.

Bà Nguyễn Thị Việt (phải) giơ biểu ngữ kêu oan cho con trai Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình vì tội “giết người” và “hiếp dâm” vào năm 2015, ở Hà Nội hôm 21/9. 

Phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao một số nước phương Tây ở Hà Nội cũng như các luật sư trong nước vừa đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam để dừng thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh ngay trước thời hạn gia đình tử tù này được yêu cầu đăng ký nhận xác con mình.

Gia đình ông Mạnh nhận được quyết định thi hành án đối với ông hôm 18/9 bằng hình thức tiêm thuốc độc. Tòa án Nhân dân Thanh Hóa đưa ra thông báo hạn cuối nhận xác ông Mạnh cho gia đình là ngày 21/9. Mẹ ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Việt hôm 19/9 cho VOA biết bà từ chối ký vào quyết định của tòa vì cho rằng con trai bà bị kết án oan.

Tất cả 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên EU cùng các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Vương Quốc Anh hôm 20/9 đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em.”

“Chúng tôi cực lực phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình vào mọi lúc, mọi hoàn cảnh, loại hình phạt tàn án, vô nhân đạo, hèn hạ và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời ủng hộ Việt Nam tạm dừng mọi hình thức hành quyết,” tuyên bố chung của EU và 3 nước kể trên viết.

Phái đoàn EU cùng Canada, Na Uy và Anh hồi tháng 8 cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngừng thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng sau khi gia đình và hàng nghìn người khác thỉnh cầu đến Chủ tịch nước Việt Nam xin hoãn thi hành bản án mà họ cho là oan sai đối với ông Chưởng.

Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng nằm trong số 3 tử tù, gồm cả Hồ Duy Hải, được các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu về các bản án tử hình “oan sai” đối với họ khi gặp các lãnh đạo Việt Nam. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm của ông tới Hà Nội ngày 10-11/9.

Trong một bức thư thỉnh cầu riêng biệt gửi tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các luật sư của Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long đề nghị bản án tử hình đối với ông Mạnh được xem xét lại cũng như yêu cầu Chủ tịch nước tạm đình chỉ việc thi hành án.

“Vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đối với tử tù Lê Văn Mạnh đã được xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp Tòa án với những lời kêu oan liên tục của bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh,” các luật sư viết trong thư thỉnh cầu được Luật sư Lê Luân chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. “Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ (vào năm 2015), các Luật sư chúng tôi thực sự nhận thấy….các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận về các lời kêu gọi trên tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ông Mạnh bị kết tội giết hại sau khi hãm hiếp Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991, rồi vứt xác xuống sông ở xã Yên Thịnh thuộc huyện Yên Định ở Thanh Hóa vào ngày 21/3/2005. Bà Việt nói với VOA rằng con trai bà hôm đó cùng bà đi chuyển nhà cho em gái nên không thể là người gây ra án mạng.

Trong 7 phiên tòa từ sơ thẩm đến giám đốc thẩm, ông Mạnh đều nói mình vô tội. Tòa án Nhân dân Thanh Hóa đã kết tội ông dựa trên lời khai nhận giết người mà ông nói rằng ông bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội mà ông không làm.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi năm 2015 đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam cho tiến hành một cuộc điều tra độc lập trước các cáo buộc về việc ông Mạnh bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau đó đã ký lệnh tạm hoãn thi hành án tử hình ông Mạnh. Quyết định thi hành án ông Mạnh mới được đưa ra hôm 18/9 là lần thứ hai.

“Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù… Hơn nữa bất kỳ sai sót nào – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào – đều không thể sửa chữa được,” các phái đoàn EU và 3 nước Canada, Na Uy và Anh nói trong tuyên bố và cho biết 2/3 số quốc gia trên thế giới theo chủ nghĩa bãi bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trong thực tiễn. “Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới xóa bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới xóa bỏ hình phạt này.”


Hoạt động môi trường và tội trốn thuế

VNTB – Hoạt động môi trường và tội trốn thuế

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Lãnh vực xã hội dân sự trong gìn giữ môi trường liệu có phải là những cú áp phe bạc tỷ khiến người ta phải liên tục… trốn thuế?

Việt Nam bắt giam chuyên gia năng lượng Ngô Thị Tố Nhiên, vài ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Biden. Đó là nội dung tóm tắt trong bài báo được Reuters dẫn thông tin từ The 88 Project. Theo đó, bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE), một tổ chức tư vấn độc lập tập trung vào chính sách năng lượng xanh, vào ngày 15-9-2023.

Ghi nhận trên trang web của VIETSE, tính đến chiều ngày 21-9-2023 vẫn không có tin tức gì về chuyện bà Ngô Thị Tố Nhiên vướng lao lý.

Theo phần tự giới thiệu trên trang web VIETSE thì tổ chức xã hội dân sự này được thành lập tháng 8-2018 với pháp nhân có tên “Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam”, viết tắt VIETSE, là một tổ chức nghiên cứu độc lập, với vai trò cầu nối giữa nghiên cứu và chính sách, với sứ mệnh thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững và tin cậy.

Quan điểm độc lập cùng mục tiêu vì xã hội và môi trường là giá trị cốt lõi trong hoạt động của VIETSE.

Theo giới thiệu của Viện Goethe thì bà Ngô Thị Tố Nhiên tốt nghiệp cử nhân Điện tử Tin học tại Đại học Bách khoa Hà Nội; bằng Thạc sĩ Quản lý và Hệ thống Năng lượng của Đại học Flensburg, Đức. Bà có hơn 15 năm kinh nghiệm làm tư vấn độc lập cho các dự án năng lượng do Ngân hàng Thế giới, EU, Liên hiệp quốc, ADB, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.

Các hoạt động chuyên môn của bà tập trung vào kinh tế năng lượng, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp. Bà đã tham gia xây dựng bản đồ tiềm năng năng lượng tái tạo cho Việt Nam và xây dựng chính sách năng lượng tái tạo.

Hiện tại, bà đang làm việc cho Doanh nghiệp xã hội Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), tổ chức tư vấn đầu tiên tại Việt Nam chuyên về chính sách chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu, với tư cách là Giám đốc điều hành.

Từ vụ án trước đó mà Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh GreenID về tội “Trốn thuế” theo quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự, thì lần này cũng rất có thể đây là lý do tương tự đã khiến bà Ngô Thị Tố Nhiên lâm cảnh trớ trêu như cộng đồng mạng xã hội đang cho rằng đây là một đòn đánh thẳng vào chuyện ông Biden rời Việt Nam vào ngày 11-9 sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao và ký kết nhiều thỏa thuận với lãnh đạo Hà Nội, chấp nhận gạt bỏ các vấn đề nhân quyền.

Vào thời điểm bị giam giữ, bà Nhiên đang hợp tác với văn phòng Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để thực hiện Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, một cam kết trị giá 15,5 tỷ đô-la của nhóm G-7 và các nước khác nhằm giúp Việt Nam giảm sử dụng than – Dự án 88 và nguồn tin của Reuters cho biết.

Thông tin trên trùng khớp với một bản tin mới nhất trên trang web VIETSE về “Phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng – JETP”.

Theo tin tức đăng tải trên trang của Dự án 88 thì bà Ngô Thị Tố Nhiên bị cáo buộc về tội trốn thuế, nhưng chưa rõ cụ thể là phần thuế được tính trong thu nhập nào mà bà Ngô Thị Tố Nhiên đã tham gia vào dự án ở tư cách là chuyên gia độc lập?

Về nguyên tắc mang tính lý thuyết, thuế là khoản tiền hay hiện vật mà người dân hoặc các tổ chức kinh doanh phải nộp cho nhà nước tuỳ theo mức quy định nhằm huy động tài chính cho chính quyền, tái phân phối thu nhập, hay điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội.

Trốn, lậu thuế là hành vi phạm pháp của các cá nhân và pháp nhân nhằm không phải nộp thuế, hoặc không phải nộp đủ số thuế mà họ phải đóng. Trốn, lậu thuế khác với tránh thuế vì tránh thuế là hành vi hợp pháp nhằm giảm thiểu số thuế phải đóng.

Tuy nhiên có ngờ vực rằng những vụ bắt bớ kể trên mang yếu tố nhạy cảm chính trị; và nói như nhận xét của ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, thì: “Việc giam giữ bà Nhiên chứng tỏ chính phủ Việt Nam đang sử dụng tù nhân chính trị làm công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán ngoại giao”.


Việt Nam giầu nổi không?

VNTB – Việt Nam giầu nổi không?

Hoàng lan Mộc Châu

(VNTB) – Văn hóa làm việc chăm chỉ không bao giờ đồng nghĩa với nền kinh tế giàu có

Thừa hưởng lịch sử hào hùng chiến đấu bảo vệ và mở mang đất đai của tổ tiên, nhưng thật đáng thương, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sau khi giành được nửa lãnh thổ từ bắc vĩ tuyền 17 trở ra, năm 1954, cho đến 1975 thì cả nước, từ Mũi Cà Mâu đến gần Ải Nam Quan, như một người vẫn cứ mắc kẹt trong quá khứ, điên đảo trong ảo tưởng và tự lừa dối bản thân. 

Chế độ quân chủ phong kiến có thể tự hào về việc đánh đuổi Tàu. Chế độ cộng sản tự hào với đánh Tây, đuổi Mỹ, những lộ ra sự thật đáng buồn cười với sự ngây thơ và bướng bỉnh của nhóm người lãnh đạo của nó. Đất nước đã trở thành và tồn tại như một bóng ma của quá khứ, mất cơ hội vươn lên và tiến bộ bên cạnh các nước tiên tiến.

Trong khi các nước theo chủ nghĩa hiện đại hóa, dù muộn, đã nhanh chóng thích nghi và áp dụng các phương pháp phương Tây để bảo vệ nền độc lập và phát triển kinh tế của họ, Việt Nam cộng sản lại đang mải mê sống trong thế giới hoang tưởng của quá khứ. Việt Nam, kẻ hung hãn một cách ngốc nghếch, thể hiện mình trong mớ bùng nhùng chiều kích kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Dù chế độ thực dân có xấu, nhưng cũng không thể nào so sánh với sự ngu ngốc của đảng cộng sản Việt Nam. Người Anh và người Nhật, dù có những lúc họ cai trị ác độc, đã để lại một dấu ấn tích cực cho nền kinh tế và xã hội của các quốc gia bị trị. Trong khi đó, Pháp chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên thô mà thôi, đóng góp rất ít cho sự phát triển của Việt Nam. Ấy vậy, đám thực-dân-cộng-sản ngày nay đang cai trị trên đầu, trên cổ dân Việt, vẫn theo con đường của thực dân Pháp, khai thác cạn kiệt nguyên liệu thô như than dầu, thậm chí cả cát để có đô la.

Những năm chiến tranh (1945-75) đã cướp đi cơ hội và tương lai của Việt Nam, không chỉ làm hủy hoại tài nguyên và thiệt hại về nhân mạng, mà còn khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng vì sự bất tài kinh bang tế thế của những kẻ tự nhận mình là vô sản, chỉ biết xây dựng bằng búa và liềm.

Miền Bắc, sau khi bị cộng sản tiếp thu năm 1954, hoàn toàn kiệt quệ trong cái gọi là kinh tế theo hệ thống XHCN. Nền kinh tế XHCN dẫn đến cuộc khủng hoảng rất nặng nề vào những năm 70 và kéo theo Miền Nam rơi tự do sau khi được ‘giải phóng’, en chute libre, như tờ Le Monde viết khoảng năm 1986.

Chế độ cộng sản xâm lược miền Nam sau đó đã thực hiện mô hình kinh tế kiểu Xô Viết, dẫn đến nạn đói và thảm họa kinh tế. Việt Nam tiếp tục chìm trong sự cô lập và xung đột, mất đi cơ hội kết nối với thế giới. Kinh tế Việt nam đã bị những tay phù thủy hủy hoại và làm nghèo nàn hơn, trong khi hàng xóm Đại Hàn, Nhật Bản, Singapore đã vươn lên với các tập đoàn kinh tế hùng hậu, cơ sở hạ tầng công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đã dành quá nhiều thời gian cho việc nhớ về quá khứ và ảo tưởng “vô địch” chống lại phương Tây, đã đến lúc nhận ra rằng để tiến lên, họ cần học hỏi và thích nghi với thế giới hiện đại mà họ đã từng chống  và chiến thắng, thay vì sống trong ảo tưởng quá khứ.

Việt Nam là một tập hợp các sự thay đổi kỳ cục mà các nhà lãnh đạo cao hứng hay ngủ mơ tự nhận là diệu kỳ, và những sai lầm quản lý kinh tế vô lý, trớ trêu. Từ năm 1994 trở đi, VN đã đạt được tăng trưởng kinh tế tương đối nhờ có yếu tố từ các nước tư-bản-giẫy-chết.

Việt Nam, dưới ánh đèn dầu “đổi mới” từ năm 1994 đến nay, đã thoát khỏi bóng đêm tù mù “Cò Hồn Xã Nghĩa”, chữ của Phạm Thành, có một chút tăng trưởng khá, giúp thoát khỏi danh sách các nước nghèo nhất thế giới (chủ yếu ở Châu Phi) và tiến gần hơn đến trình độ của Indonesia hoặc Philippines (vẫn nghèo, nhưng không đến nỗi tệ). Tuy nhiên, sự thành công này đi kèm với một loạt vấn đề và sai lầm kinh tế họ phải đối mặt.

Chính sách kinh tế vĩ mô tại một số thời điểm đã làm cho nền kinh tế bị dao động, với thời kỳ lạm phát cao, nợ công tăng, và thâm hụt thương mại. Biến động tiền tệ và bong bóng tài sản đã tạo ra sự kinh tế không ổn định. Điều này cho thấy rằng sự quản lý kinh tế chưa được hiệu quả và chính phủ cần cải thiện khả năng dự đoán và ứng phó với biến động thị trường.

Lạm phát tăng mạnh, nợ công leo thang, thâm hụt thương mại và biến động tiền tệ đều là phần không thể thiếu trong cuộc hành trình “phát triển”. Chính phủ? Họ dường như chẳng thể nào cải thiện được tình hình doanh nghiệp nhà nước. So với Trung Quốc, họ đã dậm chân tại chỗ, và các xí nghiệp, tập đoàn quốc doanh vẫn thuộc sở hữu toàn dân có nghĩa là hoàn toàn của đảng.

Tiến độ chậm chạp trong việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước (di sản từ mô hình Liên Xô) đã làm suy yếu các nỗ lực cải thiện năng suất. Trung Quốc dù vẫn là một nước cộng sản, đã làm tốt hơn nhiều trong việc hợp lý hóa các hoạt động của xí nghiệp, công ty quốc doanh, SOE, State-owned enterprises, bán bớt các đơn vị thua lỗ và bơm máu mới vào những đơn vị còn lại bằng cách chào bán cổ phần lớn cho các nhà đầu tư bên ngoài. 

Việt Nam vẫn giữ các doanh nghiệp lớn trong quản lý của chính phủ, điều mà không thể nào tồn tại trong thế kỷ 21, làm giảm năng suất và gây lãng phí nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn nhất thuộc sở hữu hoàn toàn của đảng như tập đoàn săng dầu, điện…làm ăn chỉ thấy thua lỗ, trong khi những doanh nghiệp khác vẫn tham gia vào các lĩnh vực không cốt lõi và phi chiến lược như sản xuất bia, khách sạn, chế biến thực phẩm và thậm chí bán kem cho khách du lịch!

Cơ sở hạ tầng? Thay vì tập trung vào những dự án lớn có ý nghĩa, VN “trình diễn” bằng cách phân tán nguồn lực vào một loạt các dự án phát triển nhỏ không có giá trị kinh tế, nhưng dễ làm đầy túi tiền của các quan chức nhà nước. Đây là một cách tiếp cận không thực sự thông minh. Cách phát triển cơ sở hạ tầng còn hỗn loạn và thiếu hệ thống. Thay vì tập trung vào một số dự án lớn có thể mang lại hiệu quả tổng thể cao nhất, nguồn lực của Việt Nam lại bị phân tán vào một lượng lớn các dự án phát triển nhỏ, không có nhiều giá trị kinh tế. Điều này cho thấy quyền lực trung ương yếu kém. Sự kiểm soát hạn chế của trung ương đối với chính quyền cấp tỉnh và “tư duy xã hội chủ nghĩa lỗi thời, lạc hậu, dấu diếm sự kém cỏi” không muốn thấy Sài Gòn và các tỉnh phía Nam phát triển quá nhanh so với phần còn lại của đất nước, hay nói rõ ra là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Thị trường tài chính còn sơ khai nhạt nhòa, nằm cùng hạng với các nước như Bulgaria, Bangladesh và Nigeria, dù có một số người nhanh tay làm giầu. Đa số đầu tư đổ vào những tài sản không lớn giá trị, không sản xuất gì cả, chỉ có tiền gửi ngân hàng, ngoại tệ, vàng và bất động sản.

Ngoài ra, có nhiều vấn đề khác còn đang làm chậm sự tiến bộ của Việt Nam. Gia đình trị và tham nhũng, hệ thống giáo dục đại học tệ hại, và “chảy máu chất xám”, tất cả đều làm cho cuộc hành trình tiến lên con đường XHCN trở nên tệ hại hơn bao giờ hết.

Việt Nam, đừng mô tả người dân là “làm việc chăm chỉ”! Đúng là Việt Nam cũng thuộc về cái vòng ảnh hưởng “Sinosphere” đó, nhưng để so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản, thì, chắc chắn là một trò đùa. Đó chỉ là lĩnh vực “văn hóa” chứ không phải làm việc cật lực. VN  có điểm chung ở chỗ họ đều đắm chìm trong triết lý và giá trị Nho giáo, hay mượn cả nghệ thuật từ Trung Quốc chẳng hạn, và bây giờ quay mũi theo văn hóa Nhật Hàn! Nhưng nếu bàn về lối sống, Việt Nam gần gũi hơn với Thái Lan, Lào, Kampuchia. Con người ở đây thích cuộc sống chậm rãi, tận hưởng thời gian bên gia đình. Không quá lười biếng, nhưng họ chỉ đơn giản là “làm việc để sống,” không phải “sống vì công việc.”

Và đừng quên, văn hóa làm việc chăm chỉ không bao giờ đồng nghĩa với nền kinh tế giàu có. Cứ ngỡ rằng người Triều Tiên làm việc chăm chỉ dưới cái gậy chỉ huy của đảng thì nền kinh tế của họ sẽ thịnh vượng. Nhưng không, họ vẫn đang đọng lại ở mức lạc hậu và nghèo nàn đáng thương hại nhất thế giới. Còn Pháp và Ý, Tây Ban Nha, Canada chắc chắn không phải là những ví dụ đạo đức về năng suất làm việc cao, nhưng họ vẫn đứng đầu thế giới về mức sống. Điều này chứng minh rằng, làm việc chăm chỉ và giàu có không hề có mối quan hệ gì cả.

Kẻ viết bài này không kỳ vọng VN sẽ giầu hơn nhiều khi họ được Mỹ nâng lên hàng Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện, trừ phi họ dứt khoát từ bỏ chế độ cộng sản một cách toàn diện. 

Tổ chức đảng Cộng sản tại Ninh Thuận và Hậu Giang hoạt động như ‘đảng cướp’

Lê Thiệt /SGN
21/9/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/04-dang-cuop-1.jpg

Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn không dẹp được sào huyệt của bọn cướp đỏ cát cứ ở địa phương. Lý do dễ hiểu là ủy ban ngày đi ra từ một sào huyệt lớn nhất của đảng ngay tại thủ đô Hà Nội – Ảnh: UBKTTƯ 

Điều này được dư luận hiểu như thế khi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, các tổ chức đảng, đảng viên tại Ninh Thuận và Hậu Giang có một số vi phạm, khuyết điểm “cần rút kinh nghiệm”.

Dư luận hai tỉnh cho rằng thực tế, sự việc nghiêm trọng hơn việc rút kinh nghiệm rất nhiều.

Dù chưa được công bố, nhưng qua đợt kiểm tra của Trung ương Đảng vừa qua, nhiều người bàn tán về những tài sản khổng lồ của các quan chức tỉnh, thành phố. Họ cho rằng nếu các lãnh đạo đó không chứng minh được thu nhập thì đó là tiền của, tài sản đi ăn cướp.

Báo Dân Trí đưa tin theo chỉ đạo như thế này: Sau khi xem xét, UBKTTƯ nhận thấy bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, các tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra còn có một số vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của đảng và kê khai tài sản, thu nhập.

UBKTTƯ yêu cầu các tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; phát huy ưu điểm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát.

Trọng tâm là kiểm tra các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; mua sắm trang thiết bị; thực hiện các dự án đầu tư và những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.

Rõ rằng, không chỉ là “một bộ phận đảng viên tha hóa”, mà tất cả các đảng viên lãnh đạo tỉnh ủy, lãnh đạo chính quyền của cả hai tỉnh Ninh thuận và Hậu Giang, đã trở thành “những tên cướp đỏ”. Sào huyệt của bọn cướp này năm ngay trong tỉnh ủy và trụ sở UBND tỉnh.

Chúng mạnh đến nỗi “mua” đứt luôn UBKTTƯ từ trung ương về tỉnh làm việc, nên mới có kết luận đầu voi đuôi chuột như thế.


Sau “Đối tác chiến lược toàn diện” là gì?

Kim Ngữ /SGN – 21/9/2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/raissa-lara-lutolf-fasel-HwXBpHVBdCA-unsplash-1280x853.jpg

Hình minh hoạ: raissa-lara-lutolf-fasel-unsplash 

Khi Tổng thống Mỹ đến Hà Nội để ký “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam người ta bất ngờ, khi nghe ông TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phía Mỹ thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, nhưng ông Biden không trả lời. Rồi sau khi Tổng thống Mỹ về nước ông Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Mỹ, cũng lặp lại lời yêu cầu này với các quan chức Mỹ, đặc biệt là bà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen

Qua hai lần khẩn khoản Mỹ thừa nhận như vậy nhưng khi nhìn lại phía sau Việt Nam những câu chữ trên mặt trận lý luận vẫn còn sờ sờ ra đấy, các “viện” nghiên cứu và lý luận vẫn tâm niệm Việt Nam là nước kiên quyết theo “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đơn cử như trên tờ báo Tạp Chí Cộng Sản, cơ quan chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn lưu giữ bài viết về vấn đề này, trong đó có đoạn: 

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Cũng có thể nói kinh tế thị trường là “cái phổ biến”, còn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “cái đặc thù” của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

Nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa đây không phải là kinh tế thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, cũng không phải là kinh tế bao cấp, quản lý theo kiểu tập trung quan liêu; và cũng chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, bởi vì như trên đã nói, Việt Nam đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vừa có vừa chưa có đầy đủ các yếu tố của chủ nghĩa xã hội.”

Vậy thì, tại sao Việt Nam “quay xe”, đòi nhìn nhận mình là nền kinh tế thị trường đặc thù kiểu tư bản, nhưng đối với người dân trong nước vẫn bảo vệ cái “lý luận” kỳ quặc, nếu không muốn nói là quái thai của thứ lý luận Cộng sản?

Trên nguyên tắc, Việt Nam chưa bao giờ là nền kinh tế thị trường, vì vướng phải hai điều quan trọng mà nền kinh tế thị trường không chấp nhận, thứ nhất chính sách trợ cấp phá giá của chính phủ Việt Nam đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu, thứ hai những tập đoàn kinh tế nhà nước đã và đang dẫn đầu nền kinh tế Việt Nam với ưu đãi tuyệt đối của chính phủ, vì vậy tính cách cạnh tranh bị triệt tiêu.

Với hai nguyên nhân trên, Hoa Kỳ từng áp đặt nhiều lần thuế chống phá giá lên nhiều mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khiến việc xuất khẩu vào thị trường béo bở này gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới đình trệ. 

Gỗ, thủy hải sản là hai mặt hàng mạnh nhất mà Việt Nam bị kiện chống phá giá là nguyên nhân, mà Việt Nam khẩn khoản yêu cầu Mỹ nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Tuy lảng tránh vấn đề này, nhưng muốn mua chuộc Việt Nam nằm trong vòng đai của mình, có thể Mỹ sẽ nhượng bộ phần nào trong tương lai, nhưng không phải là lúc này, khi hai nước vừa đặt chân lên phần đất của nhau.

Trong chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gây được chú ý trong cộng đồng thế giới, đặc biệt trước cuộc họp của Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã phần nào tránh được bóng ma Trung Quốc khi gặp gỡ nhiều đối tác quan trọng của Mỹ để từ đó niềm hy vọng về chính sách kinh tế vĩ mô đã phần nào ló dạng tuy vẫn còn rất nhiều điều chưa lộ diện.

Thứ nhất, Việt Nam có thể mời các tập đoàn công nghệ Mỹ vào Việt Nam thành lập và huấn luyện nhân sự các nhà máy sản xuất chip bán dẫn loại thấp và trung bình nhưng loại cao cấp chắc khó thoát qua khỏi sự nghi ngờ của Bộ Quốc phòng Mỹ về gián điệp Trung Quốc đối với Việt Nam.

Thứ hai, với việc cấm vận những mặt hàng quan trọng đối với Trung Quốc, Việt Nam từng bị Mỹ tố cáo là đi đêm với những công ty Trung Quốc dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Trước đây Mỹ có thể cảnh cáo nhưng khi đã ký “Đối tác chiến lược toàn diện” thì biện pháp sẽ khác rất xa so với trước đây.

Những ưu ái mà Hoa Kỳ đang tạo ra cho Việt Nam đồng nghĩa với củ cà rốt, chính sách muôn đời của Mỹ trước sau vẫn không thay đổi. Tuy nhiên để nắm được những lợi ích kinh tế đó, Việt Nam không thể tiếp tục đu dây trên lĩnh vực cấm vận mà Mỹ và Phương Tây đang theo đuổi. Trước đây Việt Nam có thể mua vũ khí của Nga nhưng bắt đầu từ bây giờ, những hợp đồng ấy có thể bị đóng băng và muốn tiếp tục không thể không dò chừng thái độ của Mỹ.

Cái giá phải trả không phải là nhỏ khi chơi với Mỹ, nhưng suy rộng ra cái giá ấy vẫn còn rất rẻ so với những gì mà Việt Nam sẽ đạt được từ kinh tế tới môi trường, từ giáo dục tới quốc phòng khi mà nhìn đâu cũng thấy những hình ảnh tiêu cực không thể hình dung nổi.

Cái quan trọng nhất là niềm tin. Không những với Mỹ mà còn với nhân dân Việt Nam, khi mọi người phấn khởi trước thành quả đạt được từ “Đối tác chiến lược toàn diện” thì Đảng và Chính phủ Việt Nam phải thận trọng từng bước một trên chiếc cầu hữu nghị có tới ba mấu chốt: Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Khi nào trong thâm tâm Bộ Chính trị nhìn nhận rằng Nga đang xâm lược Ukraine, thì lúc ấy mọi thái độ của Hà Nội sẽ khác đi lúc trước. Nga sẽ không làm gì bất lợi cho Việt Nam lúc này vì không có khả năng, miễn làm sao cho Nga thấy rằng Việt Nam không còn cách nào khác là phải tuân theo nguyên tắc quốc tế, trong đó phải có cách ứng xử xứng đáng là một nước đang tiến trên con đường thay đổi để sống còn.


Bà Nguyễn Phương Hằng lĩnh án ba năm tù

21/9/2023

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ceo-nguyen-phuong-hang-stands-trial-facing-3-to-4-years-in-prison-09212023091431.html/@@images/image

Bà Nguyễn Phương Hằng (áo trắng) tại Toà án Nhân dân TPHCM hôm 21/9/2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngẢnh chụp màn hình phiên toà 

Tin cập nhật lúc 10:20 AM giờ miền Đông nước Mỹ ngày 21/9/2023

Bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam – hôm 21/9 bị tuyên án ba năm tù với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Bà Hằng (52 tuổi ) cùng bốn bị cáo khác hôm 21/9 ra hầu toà tại Toà án Nhân dân TP HCM với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Những bị cáo khác bị kết án gồm: Đặng Anh Quân (cựu giảng viên Trường Đại học Luật TP HCM, trợ lý pháp lý trong các buổi livestream của bà Hằng) bị tuyên phạt hai năm sáu tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Hằng), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty Đại Nam), Lê Thị Thu Hà (nhân viên của bà Hằng) lĩnh một năm sáu tháng tù.

Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường cho nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan 18 triệu đồng.

Những hình ảnh, video và thông tin về phiên toà được truyền thông Nhà nước đăng tải cho thấy phiên toà thu hút sự chú ý của nhiều người khi ngay từ trước khi phiên toà diễn ra đã có nhiều người dân tập trung bên ngoài toà để theo dõi. Ngay trước phiên toà, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý người dân tránh tụ tập đông người xung quanh khu vực tòa án trong phiên xét xử công khai.

Bà Hằng bị cáo buộc sử dụng 12 tài khoản mạng xã hổi để tổ chức 57 buổi livestream có nội dung xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm 10 cá nhân bao gồm một số các các sĩ, nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng trong nước.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM đề nghị mức án 3 – 4 năm tù đối với bà Nguyễn Phương Hằng, mức án 2 – 3 năm tù đối với ông Đặng Anh Quân; các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ một năm sáu tháng tới hai năm tù.


Thủ tướng CSVN  Phạm Minh Chính đề nghị Mỹ hợp tác giảm sự chống đối, thù địch đối với Việt Nam

21/9/2023

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Mỹ hợp tác giảm sự chống đối, thù địch đối với Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại New York ngày 20/9 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVnExpress/Nhật Bắc 

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 20/9 nhân chuyến thăm Mỹ đã đề nghị phía Mỹ hợp tác làm giảm sự chống đối của các đối tượng phản động, thù địch đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.

Ông Chính đưa ra đề nghị này khi đề cập đến vụ nổ súng ở Đắk Lắk hồi tháng sáu vừa qua. Theo báo Nhà nước, ông Chính đánh giá cao quan điểm rõ ràng của phía Mỹ đối với vụ tấn công khủng bố tại Tây Nguyên.

Vụ nổ súng ở Tây Nguyên, nơi có nhiều người thuộc các sắc tộc người Thượng sinh sống, xảy ra vào ngày 11/6 vừa qua với sự tham gia của khoảng 40 người có trang bị súng đạn và dao. Những người này đã tấn công vào trụ sở hai xã  Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk khiến chín người thiệt mạng gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân. Đã có hơn 50 người bị bắt giữ liên quan đến vụ nổ súng này.

Phát biểu với báo chí hồi tháng 7 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định Mỹ phản đối vụ tấn công ở Đăk Lăk, Tây Nguyên và sẽ phối hợp với Việt Nam để tìm ra kẻ đứng sau sự việc.

Bộ Công an Việt Nam xác định vụ nổ súng là do tổ chức của người Việt có trụ sở tại Mỹ chỉ đạo.

Những tổ chức người Thượng ở nước ngoài nói với RFA rằng họ không liên quan tới với vụ tấn công, đồng thời lên án vụ tấn công này. Họ cũng cho rằng có khả năng vụ tấn công có liên quan đến những bất bình âm ỉ trong cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.

Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng khẳng định vụ nổ súng không có nguyên nhân từ kỳ thị sắc tộc.


Tags: , , , ,

Comments are closed.