Chuyện Việt Nam Thứ Sáu 25/8/2023: *VN muốn mua vũ khí của Nga vừa muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ? * Úc sẽ nâng cấp với Việt Nam lên chiến lược toàn diện *Phó CT tỉnh An Giang bị bắt vì ‘nhận hối lộ’ vụ khai thác cát *Đại án Việt Á: “Trùm cuối” hay “Chùm cuối”? *Văn hóa Việt Nam bị xúc phạm


Quê Hương tổng hợp


Việt Nam vừa muốn mua vũ khí của Nga vừa muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ?

BBC News

25/8/2023

(Ảnh minh họa)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

(Ảnh minh họa)

Có thông tin rằng Việt Nam đang quan tâm tới việc mua vũ khí của Nga trong khi Nga cũng hết sức rào đón về việc này. Tuy nhiên, bước đi này có thể vấp phải trừng phạt từ Mỹ – quốc gia mà Việt Nam đang muốn nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới.

Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11) và Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023) tại Moscow, Liên bang (LB) Nga diễn ra từ 13-17/8 có sự tham dự của 800 đại biểu đến từ 76 quốc gia và sáu tổ chức quốc tế.

Không có nước phương Tây nào tham gia.

Theo truyền thông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang tham dự hội nghị và đã có cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga. 

Tướng Giang cũng có buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 17/8. 

(Ảnh minh họa)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

(Ảnh minh họa)

Trang Sputnik đưa tin rằng ông Shoigu bày tỏ tin tưởng sự phát triển nền công nghiệp quốc phòng Nga sẽ được ứng dụng vào các lực lượng vũ trang Việt Nam.

Ông Shoigu cũng lưu ý Việt Nam vẫn là đồng minh đáng tin cậy của Nga, là đối tác quan trọng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và mối quan hệ Nga – Việt Nam mang tính chiến lược. 

Ông Shoigu kết luận, “Chắc chắn, sự hợp tác nhiều mặt Nga-Việt đang trong quá trình mang lại lợi ích cốt lõi cho đất nước chúng ta.”

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VIệt Nam, bà Phạm Thu Hằng, khi được phóng viên hỏi về phát ngôn nói trên của tướng Nga, đã trả lời rằng Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng. 

Những trở ngại khi VN mua vũ khí của Nga

Theo GS Carl Thayer từ Đại học New Southe Wales của Úc, Nga tổ chức hội nghị lần này nhằm đẩy lùi liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo vốn tìm cách cô lập Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của nước này vì xâm lược Ukraine. 

Theo quan điểm của Moscow, sự tham dự của các đại biểu từ 76 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh là bằng chứng cho thấy Nga không bị cô lập trên phạm vi quốc tế. 

Con át chủ bài của Nga trong quan hệ với châu Á – Thái Bình Dương là việc bán vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại tiên tiến.

Theo GS Carl Thayer, từ khi Nga sáp nhập Crimea, việc Việt Nam mua vũ khí từ Nga giảm nhanh chóng từ hơn một tỷ USD năm 2014 xuống dưới 100 triệu USD vào năm 2021.

Năm 2021, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam dưới khẩu hiệu “Xây dựng quân đội tinh gọn và vững mạnh vào năm 2025 và quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tiên tiến, hiện đại vào năm 2030.” Hai tuần sau khi chương trình hiện đại hóa quân sự được thông qua, Nga xâm chiếm Ukraine.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam tạm ngừng mua sắm vũ khí.

GS Carl Thayer nhận định rằng Việt Nam hiện đang ở ngã ba đường. 

Việt Nam phụ thuộc vào Nga về vũ khí và quân sự công nghệ quân sự vì di sản khổng lồ của Liên Xô cũ là các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu đa chức năng, áo giáp, pháo binh và tên lửa. 

Có vẻ rõ ràng từ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu rằng Nga mong Việt Nam sẽ tiếp tục mua vũ khí và công nghệ quân sự của Nga. 

Tuy nhiên, Việt Nam đang có kế hoạch nâng cao quan hệ song phương với Hoa Kỳ thành quan hệ đối tác chiến lược. Nếu Việt Nam chọn tham gia thị trường quốc phòng Mỹ thì có nguy cơ bị Trung Quốc gây áp lực buộc Nga phải cắt giảm hỗ trợ quốc phòng hỗ trợ cho Việt Nam. 

“Có thể suy đoán rằng áp lực của Trung Quốc đối với Nga hoặc việc Nga tính toán được mức độ rủi ro đã ngăn chặn việc bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam,” GS Carl Thayer phân tích.

Nhưng nếu Việt Nam tiếp tục mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự với giá trị lớn từ Nga thì nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong khuôn khổ Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt. 

Điều này có thể dẫn đến giả định là quan hệ đối tác chiến lược ‘chết yểu’, theo nhận định của GS Carl Thayer.


Penny Wong: Úc sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên chiến lược toàn diện 

VOA Tiếng Việt 

25/8/2023

Ngoại trưởng Australia Penny Wong (trái) ký sổ lưu bút bên cạnh người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội ngày 22/8/2023. Bà Wong nói Úc sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam.

Ngoại trưởng Australia Penny Wong (trái) ký sổ lưu bút bên cạnh người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội ngày 22/8/2023. Bà Wong nói Úc sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam. 

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong nói Australia sẽ nâng cấp mối quan hệ chính thức với Việt Nam vì những lợi ích chung của hai nước “trong một trật tự toàn cầu” nhằm bảo vệ các quốc gia “bất kể quy mô hay quyền lực.”

Nói với phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 22/8, bà Wong cho biết Úc và Việt Nam đang làm việc cùng nhau để hướng tới việc nâng cấp mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

“Đó là bởi vì chúng tôi cùng đồng thuận về một khu vực mà chúng tôi mong muốn,” bà Wong nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội được Bộ Ngoại giao Úc công bố chi tiết. “Chúng tôi mong muốn một khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng và chúng tôi mong muốn một khu vực trong đó chủ quyền được tôn trọng.”

Bà Wong, ngoại trưởng đầu tiên của Úc có nguồn gốc nước ngoài, đến Việt Nam hôm 21/8 trong chuyến thăm chính thức lần thứ 2 tới quốc gia Đông Nam với tư cách người đứng đầu ngành ngoại giao Úc. Chuyến thăm của bà Wong diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Úc đang thân thiết với nhau hơn vì những lợi ích chung trong khu vực và trên Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng tăng cường sự ảnh hưởng.

Bà Wong đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn khi ở Hà Nội trong chuyến thăm nhằm thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, gồm an ninh, thương mại, chuyển đổi số và biến đổi khí hậu.

“Việt Nam rất là quan trọng đối với Úc,” bà Wong nói và cho biết rằng ưu tiên hàng đầu của bà trong chuyến thăm Việt Nam là tập trung vào nỗ lực để nâng cấp mối quan hệ giữa Canberra và Hà Nội lên đối tác chiến lược toàn diện.

Ý định nâng cấp quan hệ giữa hai nước được công bố khi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tới thăm Úc hồi tháng 12 năm ngoái. Sau đó vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam.

Bà Wong nói rằng Hà Nội và Canberra đang tiến gần đến nhau hơn trong lúc “thế giới đang được định hình lại” bởi những thách thức như địa chính trị và biến đổi khí hậu, theo ghi nhận của Nikkei Asia về buổi giao lưu giữa ngoại trưởng Úc và sinh viên Việt Nam tại một trường đại học ở TPHCM hôm 23/4.

“Không ai trong chúng ta là siêu cường cả,” bà Wong được Nikkei trích lời nói và cho biết rằng Việt Nam và Úc muốn thịnh vượng và phát triển mà “không bị lấn chiếm hay không thể làm được điều đó vì một cường quốc lớn hơn.”

Ngoại trưởng Úc nói thêm rằng “cách nhìn nhận mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện… là coi đó là một tuyên bố về tầm nhìn chung, mục đích chung,” theo Nikkei.

Đưa tin về buổi giao lưu của bà Wong với sinh viên Việt Nam tại Đại học Kinh tế TPHCM, Tuổi Trẻ không trích dẫn những lời nói trên của bà Wong nhưng cho biết rằng ngoại trưởng Úc nhấn mạnh việc Úc xem Việt Nam là đối tác “vô cùng quan trọng trong khu vực.”

Theo tờ báo này, bà Wong, được sinh ra ở Malaysia và sinh trưởng ở Úc, nói với sinh viên ở TPHCM về những thách thức mà cả Việt Nam và Úc đang đối mặt rằng “chúng ta đang sống trong nhiều bối cảnh phức tạp” và rằng “thế giới đang được định hình lại và điều đó đang xảy ra ở chính khu vực mà ta đang sống.”

Trước đó, tại diễn đàn Việt-Úc được tổ chức ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội, bà Wong nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tại Đối thoại Shangri-La 2022 để khẳng định rằng Úc, giống như Việt Nam, mong muốn hòa bình và kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, theo Tuổi Trẻ.

Cả Việt Nam và Úc đều đã chỉ trích các động thái quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm qua. Lãnh đạo hai nước đã chia sẻ mối quan ngại chung về những căng thẳng với Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ tướng Albanese tới Hà Nội hồi tháng 6. Tại đây, ông Albanese nói rằng Úc muốn Việt Nam trở thành một trong những đối tác “hàng đầu của Úc” khi chính phủ ở Canberra tìm cách đa dạng hóa và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Bà Wong không cho biết thời gian cụ thể cho việc nâng cấp mối quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam.

Giữa bối cảnh cạnh tranh và thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ cũng đang muốn nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam. Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ sớm thăm Việt Nam để nâng tầm chiến lược với Hà Nội. Trong khi Mỹ và Việt Nam đang kỷ niệm 10 năm thành lập đối tác toàn diện thì các quốc gia, bao gồm Úc, Anh, Nhật Bản đang đánh dấu mốc 50 năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Hiện chỉ có 4 nước có mức quan hệ đối tác ở tầm cao nhất với Việt Nam, tức chiến lược toàn diện, là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.


Phó chủ tịch tỉnh An Giang bị bắt vì ‘nhận hối lộ’ vụ khai thác cát 

VOA Tiếng Việt 

25/8/2023

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Photo Bo Cong an

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Photo Bo Cong an 

Bộ Công an ngày 24/8 ra lệnh bắt giam ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, vì đã chỉ đạo thuộc cấp “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp khai thác cát vượt công suất, đồng thời nhận “lại quả” ít nhất 1,2 tỷ đồng.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ông Thư đã chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh “hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ” cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp & Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Cổng thông tin Bộ Công an đưa tin hôm 25/8.

“Cá nhân Trần Anh Thư được nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu – Tổng 68 với tổng giá trị bước đầu xác định là 1,2 tỷ đồng”, bộ này cho biết.

Ông Trần Anh Thư, sinh năm 1967, hiện là tỉnh ủy viên, được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vào năm 2018, và tái đắc cử vào năm 2021. Không rõ liệu ông Thư có chịu kỷ luật trong Đảng hay không.

Truyền thông Việt Nam cho biết Công ty CP Đầu tư Trung Hậu đã lén lút khai thác hơn 4,7 triệu m³ cát lòng sông Tiền, vượt đáng kể giới hạn cho phép của tỉnh An Giang là 1,5 triệu m³ – gần gấp 3 lần lượng bị xử phạt.

Mặc dù có thông tin rằng hoạt động khai thác này nhằm hỗ trợ các dự án quan trọng như đường cao tốc Bắc-Nam và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, lượng cát thực tế được phân bổ cho các công trình này chỉ là 900.000 m³. Một lượng dư thừa đáng kể khoảng 3,8 triệu m³ đã được ghi chép sai lệch và được bán bất hợp pháp.

Trước đó, hôm 15/8, Bộ Công an ra quyết định bắt giam ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh An Giang, do nhận tiền của nhóm khai thác cát. 

Tính đến nay trong vụ án này có gần 20 bị can bị bắt với năm tội danh “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Trong số này có ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; Võ Truyền Thống, Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Tấn Lịnh, Giám đốc điều hành mỏ Công ty Trung Hậu 68, bị khởi tố tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và tội đưa hối lộ”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết ông Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các Công ty trung gian do mình thành lập để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lợi bất chính. Số tiền thu được, ông Bình sử dụng chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó chi cho ông Trí và ông Thư.


Đại án Việt Á: “Trùm cuối” hay “Chùm cuối”?

Vũ Anh – Thoibao.de 

25/08/2023 

Có lẽ, 90% người Việt Nam đến lúc vẫn tin rằng, bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân của cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, là “trùm cuối”, theo cáo buộc trên mạng xã hội. Đó là chưa kể đến thông tin, chị Bảy bị giam lỏng ở Hà Nội, vì khoản lợi nhuận 1.400 tỷ v.v…

Câu chuyện vừa kể xem ra khá thuyết phục, vì ba nhân vật, chị Bảy, anh Khế và cậu em Việt, đều là những đồng hương Quảng Nam của Bảy Phúc, điều đó rất dễ khiến người ta tin.

Người ta căn cứ vào một status của anh Khế, viết khen Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á, trong việc sản xuất , kinh doanh kit test, để khẳng định, “chắc chắn” Khế có liên quan. Nói như thế thì xin hỏi, thế thì Tổng Trọng ký tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho Việt Á cũng liên quan hay sao?

Thêm nữa, Bảy Phúc bị truất quyền Chủ tịch nước, khiến dư luận càng tin và khẳng định, chị Bảy chính là “trùm cuối”.

Nhưng, nếu không thực sự bị đổ tội oan, thì Bảy Phúc chắc chắn không dám thanh minh. Đó là lời phát biểu của Bảy Phúc trong buổi lễ trao lại chức Chủ tịch nước cho Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Ánh Xuân ngày 4/2, trước ống kính của các hãng truyền thông trong, ngoài nước, và hàng chục triệu khán giả truyền hình.

Theo báo Tuổi trẻ, Bảy Phúc nói, “Tuy nhiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, tôi chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, khi có một số cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng,”“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, tôi đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu.”

Đáng chú ý, bất ngờ, Bảy Phúc nói thêm về vụ Việt Á, và khẳng định, “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.

Đến đây, vẫn còn rất nhiều người vẫn không tin Bảy Phúc và người thân trong gia đình ông vô can, mà vẫn tin Bảy Phúc là kẻ nói dối. Khi người ta không chú ý chi tiết, “điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”.

Những ai hiểu chuyện chính trường Việt Nam, chắc chắn biết, Tổng Trọng là người nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng. Ngoài sự ủng hộ triệt để của “nước lạ”, Trọng còn nhận được sự ủng hộ không giới hạn của hai nhóm chính trị Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú là một đồng minh thân cận của tổng Trọng. Chắc chắn, Cẩm Tú sẽ không bao giờ im lặng trước điều Bảy Phúc khẳng định, “Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận rõ ràng”, nếu điều này không có thật.

BBC Tiếng Việt nhận định, “Câu nói trên của ông [Phúc] dường như muốn trả lời những đồn đoán đó.”

Hơn thế, nếu nói dối thì sau khi đã bị “tuột chức”, Bảy Phúc đã không dám vác mặt đi viếng Lăng mỗi dịp “lễ tết” cùng với các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Đảng, nhà nước, không sót buổi nào. Theo giới quan sát, cựu Chủ tịch Phúc muốn chứng tỏ, bản thân và gia đình ông trong sạch, không dính líu tới Việt Á.

Trước khi có những đồn đoán về sự liên đới của vợ Bảy Phúc, với đại án Việt Á. Theo giới thạo tin, thân cận với “Nhà Vàng” cho hay, tin đồn này xuất phát từ một nguồn độc lập (hay viết và cho in sách về những điều nghi vấn). Chuyện “trùm cuối” được tác giả này viết dưới dạng một “nghi vấn”, theo suy nghĩ của cá nhân, sau đó in thành sách để bán và biếu trong giới hạn rất hẹp. Mà sau này, tin từ giới blogger tung ra, chỉ là thông tin do hóng hớt từ cuốn sách đó mà có.

Họ còn tiết lộ, đó là một thông tin sặc mùi “thuyết âm mưu” từ Bộ Công an, chủ ý tung ra để giúp ai đó muốn loại bớt một tứ trụ, để rảnh chân cho cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư, khi Tổng Trọng sắp nghỉ.

Cho nên đến giờ, dân tình vẫn hỏi : Trùm cuối Việt Á là ai? Có vẻ không thừa, vì ai cũng thấy, cụ thể:

Rõ ràng, Việt Á của Phan Quốc Việt muốn có giấy phép sản xuất kit test, muốn bán được hàng trên thị trường độc quyền, với giá 470 nghìn đồng/bộ, lãi gấp nhiều lần giá gốc, thì phải qua nhiều cơ quan quản lý, kiểm soát cấp cao.

Việt Á một công ty nhỏ, nhập số lượng lớn kit test từ “nước lạ”, chắc chắn phải qua hải quan, biên phòng… hai nước. Rồi sản phẩm kit test Việt Á được dán nhãn giả Made in Vietnam, được đóng gói từ Thẩm Quyến mang vào Việt Nam, làm sao qua mắt được quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và lực lượng tình báo, nếu không có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất? Đó là chưa kể tới, phải có “Anh Đại” bảo kê, cung cấp tài chính.

Bảy Phúc là ai mà chỉ đạo được Cơ quan Tuyên giáo của Đảng, báo Nhân Dân, Quân đội, Tạp chí Cộng sản, Tổng cục Chính trị… trong vụ nghiên cứu sản xuất kit test của Học viện Quân Y?

Bảy Phúc làm sao chỉ đạo được Nguyễn Thanh Long, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, người thân cận của Tổng Trọng?

Hơn thế, muốn tất cả các tỉnh thành, các CDC… phải mua kit test của Việt Á, đố một mình một cá nhân nào có thể làm được, kể cả Tổng Trọng, mà phải có một tổng chỉ huy, chỉ đạo cả hệ thống, thực hiện một kịch bản mua bậy, làm càn như đã thấy.

Cho nên, nghi ngờ cho rằng, kế hoạch này xuất phát từ cơ quan ngoại giao của “nước lạ” ở Hà nội, là chuyện đáng phải suy nghĩ. Phải chăng, đây là một kế hoạch phá hoại Việt Nam tuyệt hảo không thể hơn?

“Trùm cuối” trong tiếng Việt có nghĩa là ông trùm –  kẻ có quyền lực lớn nhất, đứng đằng sau chỉ đạo một băng đảng. Ngoài ra, còn có cụm từ đồng âm khác nghĩa là “Chùm cuối”, nó bao hàm một chùm – các ông lớn nhất cấu kết với nhau vì quyền lợi cá nhân.

Cho nên, muốn tìm trùm cuối là ai? Sẽ là điều vô vọng. Vì “trùm cuối” là cái “chùm nhóm lợi ích” sẽ lộ mặt. Nói gia đình Bảy Phúc là “trùm cuối”, có thể chỉ là những thông tin bên ngoài, mà cần phải phải tìm hiểu kỹ hơn bản chất của vấn đề chính trị tại Việt Nam.


Người dân Việt Nam, văn hóa Việt Nam bị xúc phạm

Phạm Đình Trọng

24/8/2023

Đến dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cùng đại diện các cơ quan Đảng, ban, bộ, ngành Trung ương.  

Văn Cao sinh ngày 15-11-1923. Còn ba tháng nữa mới đến 100 năm ngày sinh của hiền tài Văn Cao. 

Cách mạng tháng Tám năm1945 khởi đầu từ nhà Hát Lớn, Hà Nội ngày 19.8.1945. Biển người tập hợp ở quảng trường nhà Hát Lớn, gầm vang như sóng biển hát Tiến Quân Ca sáng tác của Văn Cao, rồi từ nhà Hát Lớn rầm rập đi cướp chính quyền của chính phủ chính danh, hợp pháp Trần Trọng Kim. Ngày 19.8.1945 khắc ghi vào lịch sử nhà nước Việt Nam của cách mạng vô sản là ngày khởi nghĩa cướp chính quyền. “Mười chín tháng tám chớ quên là ngày khởi nghĩa …” Lời bài hát Mười Chín Tháng Tám của nhạc sĩ  Xuân Oanh còn âm vang từ 1945 đến nay.

Đêm nhạc chủ nhật 20.8.2023 tổ chức ở nhà Hát Lớn Hà Nội, danh xưng là kỉ niệm 100 năm Văn Cao nhưng thực sự là hoạt động kỉ niệm 78 năm Cách mạng tháng tám. Vì vậy đêm nhạc 20.8.2023 ở nhà Hát Lớn Hà Nội mới có mặt một quan lớn của cách mạng vô sản nhưng là bộ mặt mà người dân không muốn nhìn, như không muốn thấy một thứ nhem nhuốc, dơ bẩn.

Sự có mặt trong đêm nhạc được coi là kỉ niệm 100 năm Văn Cao của ông Nguyễn Xuân Phúc, một quan lớn từng đứng đầu nhà nước đương thời nhưng với người dân có con mắt từng trải, tinh tường và công bằng nhìn ông Phúc như một tội phạm trong tội ác ghê tởm Kit test dỏm Việt Á. Tội ác mang tính mạng người dân ra kinh doanh. Tội ác làm cho đại dịch covid-19 bùng phát thê lương, cướp đi mạng sống hơn bốn mươi ba ngàn người dân lao động lam lũ.

Được đảng của ông trao những trọng trách tối cao, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh mới hơn một năm, chưa được nửa nhiệm kì, đang hả hê, mãn nguyện có mặt ở mọi hội hè, lễ lạt, đang véo von những ngôn từ viển vông, sáo rỗng bỗng ông Phúc đột ngột rầu rĩ nói lời từ biệt đỉnh cao quyền lực về vườn với lí do được tuyên giáo lựa chọn từ ngữ và công bố là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ có nhiều sai phạm gây những hậu quả rất nghiêm trọng.

Nhưng người dân đã trải qua gần cả thế kỉ 20 bão táp cách mạng vô sản đều hiểu chính xác, sâu sắc rằng để làm cách mạng vô sản, đảng cộng sản phải lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện thì mọi vị trí quyền lực, từ người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ đến người đứng đầu phường, xã, cả người đứng đầu các hội đoàn dân sự, các tổ chức tôn giáo trong mặt trận Tổ quốc đều do đảng cắt cử, sắp đặt, đều do đảng soi lí lịch, chọn mặt, đặt lên ghế.

Được đảng đặt lên ghế quyền lực mà hư hỏng thì người đứng đầu đảng phải chịu trách nhiệm chứ không phải người đứng đầu chính phủ, càng không phải là người đứng đầu nhà nước. Hơn một trăm ngàn người dân giầu của cải, giầu trí tuệ, giầu lòng yêu nước bị chết oan ức, tức tưởi, chết do bị đày đoạ trong ngục tù, chết do bị xử bắn, chét do treo cổ trong cải cách ruộng đất mà người đứng đầu nhà nước, người đứng đầu chính phủ vẫn bình thản trên ghế quyền lực, có hề hấn gì đâu! Chỉ có người đứng đầu đảng nhẹ nhàng, êm ái chuyển đổi vị trí quyền lực từ tổng bí thư đảng sang chủ tịch quốc hội. Số dân đen chết thảm do dịch virus corona làm sao so được với số người chết oan trong cải cách ruộng đất.

Từ lịch sử cách mạng và chiến tranh đẫm máu suốt gần một thế kỉ qua cũng cho người dân nhận thức chính xác, sâu sắc rằng chỉ khi có một tên tuổi được đảng chọn mặt, đặt lên ghế quyền lực gây ra một tội ác không thể trốn tránh, không thể giấu giếm thì tên tuổi đó mới bị tổ chức đảng xử lí nhưng cũng chỉ xử lí nhẹ nhàng, êm ái, xử lí lấy lệ cho qua mà thôi.

Từ bộ trưởng, thứ trưởng, từ bí thư, chủ tịch tỉnh, nhiều yếu nhân trong hệ thống quyền lực đảng và nhà nước tiếp tay cho gian thương kinh doanh kit test dỏm Việt Á, tạo điều kiện cho dịch covid-19 bùng phát giết chết hơn bốn mươi ba ngàn người dân là tội ác cụ thể không thể lấp liếm, là tội phạm những quan chức cụ thể không thể giấu giếm, không thể không xử lí nhưng cũng chỉ buộc phải xử lí những tên tuổi đã lộ liễu.

Vốn quen giấu giếm sự thật không có lợi cho đảng cầm quyền, truyền thông nhà nước nói với dân rằng ông Phúc chủ tịch nước từ chức do phải chịu trách nhiệm thời ông làm Thủ tướng để nhiều quan chức dưới quyền hư hỏng. Còn người dân đều hiểu rằng việc không thể công khai tội danh thật của ông Phúc cũng giống như việc không thể công khai tên tuổi chủ của tám mươi phần trăm vốn đầu tư cho Việt Á để kinh doanh test kit dỏm.

Hiểu như vậy nên người dân biết rõ tội danh đích thực buộc ông Phúc phải rời đỉnh cao chói lọi trở về cuộc sống đời thường, chìm vào bóng tối quên lãng.

Có tội với dân với nước đã bị lịch sử đào thải, lòng dân bao dung cũng tha thứ, bỏ qua. Nhưng con người nhơ nhuốc có tội với dân đã bị lịch sử đào thải lại không biết thân biết phận, lại vẫn nhơn nhơn như một gương mặt tiêu biểu của người dân Việt Nam, nhơn nhơn có mặt như một giá trị của chính trường, của quyền lực, của thời đai ở nơi tôn vinh tinh hoa, tôn vinh giá trị văn hoá, tôn vinh hiền tài Việt Nam thì người dân không thể chấp nhận.

Sự có mặt của tội phạm tiếp tay giết hơn bốn mươi ba ngàn dân trong dịch covid-19 ở đêm nhạc kỉ niệm cách mạng tháng tám, đêm nhạc Văn Cao 20.8.2023 ở nhà Hát Lớn Hà Nội là sự xúc phạm cuộc cách mạng tháng tám. Xúc phạm Văn Cao. Xúc phạm vong hồn bốn mươi ba ngàn người chết bởi kit test dỏm Việt Á. Xúc phạm hồn văn hoá kinh kì và khí thiêng lịch sử Việt Nam hội tụ ở Hồ Gươm, hội tụ ở nhà Hát Lớn, hội tụ ở Thăng Long – Hà Nội. Xúc phạm người dân Hà Nội và người dân cả nước Việt Nam.

Comments are closed.