Chuyện Việt Nam Thứ Tư 06/12/2023: *Nhiều công ty Đức chuyển từ TQ sang VN. *Việt Nam sắp xuất khẩu vaccine ngừa dịch tả heo, T Thú y Thế giới cảnh báo


Quê Hương tổng hợp


Nhiều công ty Đức chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

05/12/2023

Nhiều công ty Đức chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

Cờ Đức và cờ Trung Quốc tại một gian hàng xe hơi tại triển lãm xe hơi ở Thượng Hải hôm 19/4/2023 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Một nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại Đức ở Trung Quốc cho thấy có gần nửa số công ty Đức đang hoạt động ở Trung Quốc đang có kế hoạch giảm rủi ro kinh doanh do căng thẳng địa chính trị, nhiều công ty đang chuyển hoạt động sang các nước khác bao gồm Việt Nam.

Reuters hôm 5/12 cho biết, nghiên cứu được tiến hành với 566 công ty Đức từ ngày 5/9 đến 6/10.

83% các công ty được hỏi cho biết họ lo ngại về những căng thẳng địa chính trị và phải thực hiện các bước nhằm giảm thiểu những nguy cơ làm ăn ở Trung Quốc.

Hơn 57% các công ty được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư hơn nữa vào Ấn Độ, 37,9% cho biết sẽ đầu tư thêm vào Việt Nam, hơn 30% các công ty nói sẽ đầu tư thêm vào Thái Lan. Con số này đối với Malaysia và Singapore là 23,3% và 20,1 %.

Chính phủ Đức trước đó cũng cho biết một chiến lược nhằm làm giảm nguy cơ kinh tế của Đức trong quan hệ với Trung Quốc.

Một số nước khác ở Phương Tây cũng đang tìm cách làm giảm thiểu các rủi ro này vi lo ngại những hành động lấn lướt của Trung Quốc đối với Đài Loan và ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, điều tra mới cũng cho thấy 54% số công ty được hỏi nói rằng họ muốn đầu tư thêm nữa vào Trung Quốc, cao hơn con số 51% vào năm ngoái.


Việt Nam sắp xuất khẩu vaccine ngừa tả lợn, Tổ chức Thú y Thế giới ra cảnh báo 

05/12/2023 

Reuters 

Các nước trên thế giới hiện đang nóng lòng tìm kiếm vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi (ASF), căn bệnh nan y và có tỷ lệ lợn tử vong cao, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho các trang trại bị nhiễm bệnh.

Các nước trên thế giới hiện đang nóng lòng tìm kiếm vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi (ASF), căn bệnh nan y và có tỷ lệ lợn tử vong cao, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho các trang trại bị nhiễm bệnh. 

Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) vừa đưa ra cảnh báo rằng cần phải thử nghiệm thêm loại vaccine ngừa tả lợn châu Phi, sau khi Việt Nam công bố kế hoạch xuất khẩu loại vaccine này trong những tháng tới để chống lại căn bệnh thường hành hoành trong các trại nuôi lợn trên toàn thế giới.

WOAH nói rằng Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, nhà sản xuất một trong hai loại vaccine, đã không chia sẻ đầy đủ dữ liệu với các nhà nghiên cứu và các cơ quan quốc tế.

Gregorio Torres, người đứng đầu bộ phận khoa học tại WOAH, kêu gọi các quốc gia quan tâm đến việc sử dụng vaccine của AVAC phải tiến hành thử nghiệm riêng trước khi phê duyệt.

Lần đầu tiên trên thế giới, vào tháng 7, Việt Nam đã cấp phép cho hai loại vaccine chứa virus sống đã bị giảm độc lực để ngừa bệnh tả lợn châu Phi. Mặc dù bệnh này không gây chết người nhưng cực kỳ dễ lây lan ở lợn và đã nhiều lần gây gián đoạn cho thị trường thịt lợn toàn cầu, mà theo nhà cung cấp dữ liệu Research and Markets cho biết có trị giá khoảng 250 tỷ USD vào năm 2022.

Vào tháng 10, khi AVAC chuẩn bị công bố các thỏa thuận với các nhà nhập khẩu vaccine của mình ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar, WOAH đã cảnh báo về những rủi ro “từ việc sử dụng vaccine không đạt tiêu chuẩn”.

Ông Torres cho biết chính các thông báo của Việt Nam đã dẫn đến cảnh báo này của WOAH, nhưng nó không đề cập đến những lo ngại đối với loại vaccine cụ thể nào.

AVAC nói vaccine của họ không nguy hiểm và việc sử dụng rộng rãi sẽ chứng minh điều đó.

Ông Nguyễn Văn Điệp, giám đốc điều hành của AVAC, nói với Reuters: “Chúng tôi đã chứng minh sản phẩm của mình an toàn, hiệu quả, và chúng tôi cần thời gian để chứng minh điều đó với tất cả mọi người, kể cả những người tỏ ra lo ngại”.

Ông không trả lời câu hỏi liệu công ty có chia sẻ dữ liệu với các nhà nghiên cứu quốc tế hay không.

Ông Điệp cho hay vaccine này đã được sử dụng an toàn tại các trang trại ở 17 tỉnh thành của Việt Nam kể từ khi được phê duyệt và doanh số bán hàng ngày càng tăng.

Các nhà khoa học tại Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã tìm ra vaccine AVAC, và vaccine này sau đó được phát triển ở Việt Nam vì loại virus này không có ở Hoa Kỳ. Người phát ngôn của USDA nói với Reuters rằng cơ quan này không có quyền truy cập vào dữ liệu thử nghiệm của Việt Nam.

Ông Torres nói: “Nếu ai đó đưa ra thị trường một loại vaccine không đạt mức tối ưu, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, đồng thời lưu ý rằng việc đánh giá vaccine ở những quốc gia đang có dịch bệnh diễn ra thường gặp khó khăn hơn, chẳng hạn như Việt Nam, vì lợn có thể bị nhiễm virus đã giảm độc lực từ trong vaccine cùng lúc với virus ngoài thiên nhiên.

Các nước trên thế giới hiện đang nóng lòng tìm kiếm vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi (ASF), căn bệnh nan y và có tỷ lệ lợn tử vong cao, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho các trang trại bị nhiễm bệnh.

Trung Quốc cũng đã phát triển một số loại vaccine nhưng chưa loại nào được phê duyệt thương mại.

AVAC đang sản xuất từ 2,5 đến 5 triệu liều mỗi tháng và dự định xuất khẩu 5 triệu liều trong khi đang chờ sự chấp thuận từ các quốc gia nơi công ty đã ký các thỏa thuận thương mại, ông Điệp cho biết, đồng thời lưu ý rằng tín hiệu bật đèn xanh từ Philippines có thể đến vào đầu năm tới.

XỬ PHẠT THƯƠNG MẠI?

Ông Torres nói rằng cơ quan của ông đang thảo luận về một tiêu chuẩn toàn cầu mới để đánh giá vaccine ASF và có thể sẽ được phê duyệt vào tháng 5 tại đại hội đồng WOAH, tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Paris và có 183 quốc gia thành viên.

Tiêu chuẩn này sẽ không bắt buộc, vì các cơ quan quản lý quốc gia sẽ quyết định có phê duyệt hay không, nhưng nó có thể dẫn đến các hạn chế thương mại đối với các quốc gia xuất khẩu thịt lợn đã tiêm phòng bằng các mũi tiêm không đạt chuẩn.

Vaccine AVAC đã được thử nghiệm ở Philippines với 300.000 liều.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines, nơi chịu trách nhiệm phê duyệt vaccine, không trả lời khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận.

Thứ trưởng Nông nghiệp Philippines Deogracias Victor Savellano nói với Reuters rằng nước ông vẫn chưa phê duyệt hoặc mua loại vaccine này. Ông lưu ý rằng việc cho phép của cơ quan quản lý rất quan trọng đối với an ninh lương thực, vì nước này phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia do sự lây lan của ASF.

Các cơ quan quản lý từ Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và Malaysia đã không trả lời cho đề nghị bình luận của hãng thông tấn Anh.

USDA cho hay loại vaccine ngừa ASF thứ hai được phê duyệt, do Cục Thú y Trung ương Navetco của Việt Nam sản xuất từ nền tảng của USDA, đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm tích cực và đang được thử nghiệm tại Cộng hòa Dominica.

Navetco đã không trả lời cho đề nghị bình luận của Reuters.


Cứu đất là cứu dân

FB Lưu Trọng Văn

06/12/2023

Đi dọc đê sông Đuống, cuối đường là làng tranh Đông Hồ, còn ngoặt cánh đồng Đông là trang trại của Nguyễn Đăng Cường, bà con Thuận Thành “váy trùng sát đất” quê Hoàng Cầm phong cho chức “Vua vịt trời.”

Lần lữa bao lần hẹn, giờ gã mới tới chào Vua vịt trời ấy, nhưng sau đại dịch covid, vịt đã về trời hết rồi, vua sểnh ngai.

Cường thân kềnh càng mặt loằng ngoằng râu quai nón, miệng trề cặp môi đẫy, cười hệch hệch rõ quê. Ồi, riêng cặp mắt liền anh tưởng như đụng đâu là đó “gió động canh trường.”

Bác gã hửi coi, trà Thái Nguyên, nhưng phân bón Lucavi của em, sạch và thơm lắm. Chả giấu gì bác gã, sau khi từ giã ngai vua vịt trời em quyết định đi cứu đất. Đất chết vì chất hoá học như rạ. Em làm phân hữu cơ Lucavi này cứu đất. Cứu đất là cứu cây. Cứu cây là cứu nông dân mình.

Cường tuy không còn là vua vịt trời xứ Kinh Bắc này, nhưng cái tên “Cường vịt trời” không rũ ra được, dẫn gã ra cánh đồng 60 ha của mình mênh mông nước. Em nuôi cá mè đấy. Cá mè cùng một loạt cây lá khác trong đó có đỗ tương là chất liệu phân Lucavi của em.

Lần đầu tiên gã nghe chuyện nuôi cá mè không phải để ăn mà để làm phân bón tái tạo lại đất chết và tăng trưởng cây trồng.

-Lucavi nghĩa là sao?

-Lúa cá vịt ấy mà.

Lần mò trên mạng gã vớ được phóng sự của đài truyền hình Đại Từ, Thái Nguyên và Cẩm Khê, Phú Thọ. Bà con nông dân trồng chè ở đây dùng phân Lucavi đổi đời. Đất trồng chè bao năm trơ và mòn chết vì muôn loại chất hoá học, phục hồi dần cùng các chất dinh dưỡng nhờ tưới bón phân Lucavi. Cây chè khoẻ, năng suất cao gấp rưỡi, giá trị sản phẩm lên gấp đôi, trong khi đầu tư một ha chè dùng phân Lucavi chỉ 20 triệu/ năm bằng 1/2 tiền đầu tư các loại phân bón khác, đồng thời sâu bệnh không còn là vấn nạn của nhà nông. Ít sử dụng thuốc trừ sâu, người nông dân tránh được bệnh tật, ung thư từ ảnh hưởng thuốc trừ sâu độc hại.

Gã hỏi Cường, sản phẩm Lucavi hiện có mặt những đâu? Cường đáp, ở hầu hết các vùng trồng chè Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Lao Cai, Hà Giang…

Gã hỏi Cường, có thể sản xuất đến cỡ nào? Cường đáp, có thể mở rộng sản xuất theo nhu cầu.

Rõ vui!

https://www.facebook.com


Câu chuyện bệnh ở Việt Nam 

Dưới đây Bác sĩ Thắng Trần chia sẻ chia sẻ suy nghĩ của mình về số phận các người bệnh tại Việt Nam 

BS Thắng Trần, Na-Uy

Cơ may cho tôi được tìm hiểu thêm về hệ thống y tế Việt Nam CS đến thật bất ngờ và đã cho tôi nhiều suy nghĩ về số phận con người.

Sau 42 năm sống xa xứ, lần đầu tiên tôi quyết định về Việt Nam “ĂN TẾT”. Về Sài Gòn 5 ngày trước tết để sắp sửa trước khi về quê ăn Tết với người thân. Tết ở Sài Gòn năm nay không có không khí như tôi nghĩ. Chợ hoa vắng người, sức mua sắm giảm nhiều vì kinh tế khó khăn và tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Chuyện không vui xảy ra vào sáng mùng 1 tết, người thân tôi té sau khi đi từ nhà tắm ra và bà đã gãy cổ xương đùi. 

Sau khi xác định qua chụp hình X-ray, tôi phải liên lạc bạn bè đồng nghiệp và cũng là bạn học thời trung học để lo cho bà đi mổ. Bác sĩ M. học cùng trường và quen thân, là bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình đã tận tình giúp đỡ: giới thiệu bịnh viện và liên lạc bác sĩ mỗ giỏi. Anh góp ý nên đi bệnh viện tư ở Sài Gòn. Từ quê lên Sài Gòn mất 4-5 giờ xe. Các bệnh viện chỉ mổ những ca thật cấp thiết vì bác sĩ và y tá ( ở Việt Nam gọi là điều dưỡng) nghỉ tết. Tôi được khuyên đừng đưa bà lên trước mùng 6. Vì bà dùng thuốc loãng máu nên cũng phải đợi. Ở Na-Uy những trường hợp này sẽ phải mổ trong vòng 48 giờ.

BỆNH VIỆN

T.A là bệnh viện tư nhân người thân tôi nằm. Thủ tục đầu tiên là nộp giấy chứng minh thư, giấy bảo hiểm sức khỏe, tiền ứng cho tiền phòng. Có nhiều mức giá: phòng 6,3, 2 hay 1 người, ngoài ra có phòng VIP. Chúng tôi chọn phòng 1 người với giá 980.000 ngày. Đặc cọc trước 5 ngày. Trong phòng có 1 giường cho bịnh nhân và 1 giường cho người thân đi NUÔI bịnh nhân. Vì 2 vợ chồng tôi ở lại, nên mướn thêm ghế bố 30.000 mỗi ngày. Tiền phòng bao gồm cháo buổi sáng, 3 món trưa và tối cho người bệnh, 1 lần lau sàn nhà và 1 lần lấy rác. Thay ra mền vệ sinh cho bệnh nhân là trách nhiệm người nhà (!!!)

Phòng và nhà vệ sinh tệ.( Xem hình dưới đây)

ĐIỀU DƯỠNG

Trách nhiệm điều dưỡng: đưa thuốc cho người nhà để cho bệnh nhân uống, thay băng, thử máu, chích thuốc. Ngoài những việc khác người nhà phải lo cho bệnh nhân. Cây kim chích, băng thay, từng miếng bông gòn đều được ghi để tính tiền. Khi họ vào họ không giới thiệu họ là ai, phần hành gì. Khi cần gọi họ đến, nhưng không làm gì, chỉ trả lời là họ sẽ hỏi bác sĩ đã. Trong 2 ngày đầu họ coi thường chúng tôi lắm. Sau khi mổ xong người thân tôi mê sảng và sốt. Tôi yêu cầu đo nhiệt độ, thử máu và xem xét cho trụ sinh. Họ không làm ngay, tôi yêu gặp bác sĩ D, người mổ và người tôi quen. Điều dưỡng thông báo là bs bận mổ. Tôi không đồng ý và tôi tự gọi bs. D xuống ngay. Từ khi bs thông báo cho họ biết tôi là ai, họ đã làm theo yêu cầu của tôi không cần thông qua bs D. Tôi thật sự rất khó chịu tính quan liêu và kiêu ngạo.

Bệnh nhân gãy xương và sau khi mổ với cơn đau dữ dội nhưng họ chỉ cho Paracet để giảm đau. Tôi phải yêu cầu dùng morfin và chấp nhận trả tiền họ mới cho. Rõ khổ.

BÁC SĨ

Ngoài bs D quen biết và biết tôi làm gì, còn những bs khác thì hỡi ơi!
Hôm bà bị mê sảng, có 1 bs đến. Ông vào phòng với 1 điều dưỡng. Ông không tự giới thiệu mình là ai và vào làm gì. Ông hỏi bệnh nhân tên gì, tại sao vào đây? Khi nghe bị gãy cổ xương đùi, ông ta chỉ xoáy vào việc là có phải do choáng váng, mất thăng bằng và té. Ông chỉ muốn xác định là do tai biến đưa đến té. Ông hỏi có dùng thuốc loãng máu vì sao? Tôi giải thích là do trước đây vài năm có triệu chứng tai biến và khi dùng thuốc loãng máu, triệu chứng không còn sau khi uống thuốc vài phút, từ đó bs bệnh viện cho dùng tiếp. Ông ta không nhìn tôi mà chỉ chăm chăm hỏi bà cụ. Tôi không thể hiểu ông đang làm gì. 1 người đang mê sảng không thể nhớ hay có khả năng trả lời. Tôi phải ngắt lời và hỏi ông là ai? Ông báo là bs chuyên khoa thần kinh, tên S, ông muốn bà cụ phải chụp hình MRI để xác định đã bị tai biến và khi ấy mới tiếp tục dùng thuốc loãng máu. Tôi cũng xin phép tự giới thiệu về mình và giải thích yếu tố phòng hộ ban đầu đủ để bà cụ dùng thuốc loãng máu (tiểu đường, cao áp huyết, triệu chứng tai biến). Xác định có tai biến để dùng thuốc loãng máu là phòng hộ thứ hai, người mê sảng không thể nằm yên 30 phút’ để chụp MRI và không bs nào đi lấy bệnh án người mê sảng khi không nói chuyện với người nhà. Tôi trả lời tôi không đồng ý chụp MRI, tôi tự quyết định cho bà dùng thuốc loãng máu và tôi không cần bs S ở đây. Tôi không đồng ý trả tiền cho sự có mặt của bs.

Tôi đã quen với môi trường làm việc bệnh viện Na-Uy 30 năm. Khi bệnh nhân nằm viện, mọi thứ đều được bs, y tá và trợ tá lo. Người thân không được ở lại bệnh viện. Ở Việt Nam hoàn toàn trái ngược. Ở Việt Nam 3 y tá lo cho 30 bịnh nhân cũng không mệt. Bên Na-Uy 1 y tá lo cho 2 bịnh nhân là bù đầu bù cổ.
Tôi nghĩ những phòng 3-6 bịnh nhân, người thân lo cho bịnh nhân họ sẽ nằm ở đâu. Nằm dưới gầm giường chắc?

Cùng là số phận con người và bệnh nhân, nhưng bệnh nhân ở Na-Uy được đối xử đàng hoàng và đúng tình con người. Tôi thật sự không thể tưởng tượng hoàn cảnh bệnh nhân ở bệnh viện công ở Việt Nam thì sao?

Chi phí tôi phải trả cho 5 ngày nằm viện và mổ là 37 triệu và bảo hiểm trả 52 triệu. Với số tiền gần 80 triệu có thể là cả gia tài cho 1 gia đình.

Qua đây tôi càng thương cho số phận những người dân trong nước. Còn nhiều người lo không đủ cho chỗ ở, miếng ăn. Chắc nhiều người lo sợ bị bệnh và người thân bị bệnh. Không có quen biết và kém tài chính sẽ khó khăn lắm.

Dr. Thắng Trần


Xuống đáy rồi 

Cô giáo ở Tuyên Quang bị tập thể trò đánh chửi.

Nước Nam ta từ khi có nền giáo dục tới nay, chưa bao giờ nó (giáo dục) lại xuống cấp tận đáy thảm hại đến thế.

Cả lớp xúm lại đánh chửi cô giáo, thì đạo đức của học trò đã được cắt giảm về 0. Trước khi hứa với thế giới giảm phát thải ròng carbon về 0 thì hãy cố vực đạo đức xã hội lên số dương đã, đảng ạ.

Dù thầy cô gây lỗi gì chăng nữa, nhà trường cũng đã mạt hết mức. Giờ thì thấy hệ quả của việc chê bai và tháo bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thay bằng “Sống học tập, làm theo…” trong nhà trường.

Cô giáo buộc phải phản kháng, bằng cách… ném dép vào bọn học trò. Hành vi này chỉ đáng thương và thể hiện sự bất lực chứ không có gì là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” như một số nhà đạo đức thiên tả.

Tất cả đều đã muộn, quá muộn, vô phương cứu chữa. Thuốc thánh cũng không chữa nổi.

Nguyễn Thông


Bộ GD-ĐT: Việc học sinh nhốt cô giáo ở Tuyên Quang là “vi phạm đạo đức nghiêm trọng”

RFA
06/12/2023

Bộ GD-ĐT: Việc học sinh nhốt cô giáo ở Tuyên Quang là “vi phạm đạo đức nghiêm trọng”

Nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc tường, liên tục xúc phạm. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngLao động (cắt từ clip) 

Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị tỉnh Tuyên Quang xác minh, làm rõ vụ một số học sinh có hành động vi phạm đạo đức với một nữ giáo viên, gây bức xúc dư luận mấy ngày qua.

Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 6/12 dựa theo nội dung Công văn của Bộ GD-ĐT gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang trong ngày 5/12.

Theo nội dung văn bản, Bộ GD-ĐT khẳng định việc học sinh ở một trường học ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nhốt, ném đồ vào người cô giáo là hành động bạo lực, vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc trên, do đó Bộ GD-ĐT yêu cầu tỉnh Tuyên Quang có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan: Giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, lãnh đạo cơ sở giáo dục, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác.

Ngoài ra, UBND tỉnh phải chỉ đạo Sở GDĐT rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND tỉnh Tuyên Quang thông báo kết quả về Bộ trước ngày 29/12/2023. 

Trước đó, vào ngày 4/12, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn bốn phút, ghi cảnh một giáo viên bị nhóm học sinh tấn công. Nhóm học sinh này dồn cô giáo vào tường, ném bằng dép, giấy rác vào người cô và liên tục buông những lời thô tục. Trước hành vi bạo lực của nhóm học sinh, nữ giáo viên này không dám chống cự mà chỉ dùng điện thoại để ghi lại.

Trả lời báo chí tối 4/12 về clip trên, ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, Tuyên Quang xác nhận thông tin đoạn clip ghi lại hình ảnh sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú.

Đại diện sở GDĐT tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, Sở đã nắm được thông tin, xác nhận sự việc xảy ra cách đây khoảng hai tháng và đoạn video được đăng tải lại vào ngày 4/12.


Nguyễn Chương – Tiếng “Trung” không phải là “ngôn ngữ toàn cầu” 

        Xứ sở Bồ Đào Nha, quê hương của giáo sĩ Francisco de Pina, người thành hình nền móng bộ Chữ Quốc ngữ cho tiếng Việt. 

Ở Việt Nam chúng ta nghe quá nhàm tai trước việc khua chiêng gióng trống học “tiếng Trung” – tức là tiếng nước Giữa (trung quốc). 

Bao đời nay, người Việt gọi một cách bình thường như “phố Tàu”, có ai nói “phố Trung” không? Không. Gọi “món ăn Tàu”, có ai nói “món ăn Trung” không? Cứ nói giản dị là “Tàu”, và ngôn ngữ của người Tàu, ta gọi là tiếng Tàu. 

Luận điệu gióng trống khua chiêng cho rằng “tiếng Trung là một ngôn ngữ toàn cầu” (?). Đây là cách giải thích rất hàm hồ. Xin mời đọc thủng thẳng phần giải ảo dưới đây.

1/ Trước hết, cần biết về khái niệm “liên ngữ” (interlingual). Liên ngữ là một ngôn ngữ được học và được sử dụng ở một số quốc gia như ngôn ngữ thứ hai (hoặc ngoại ngữ) bên cạnh tiếng mẹ đẻ của họ (ngôn ngữ thứ nhứt) – chẳng hạn, tiếng Anh ở phần lớn các quốc gia trên toàn cầu.

2/ Để một ngôn ngữ được xem là liên ngữ có tính toàn cầu (universal language), theo A. Mazrui, cần phải hội đủ 4 điều kiện: 

(a) Được hiểu ít nhứt tại 20 quốc gia; 

(b) Được sử dụng ít nhứt tại 10 quốc gia – được công nhận như là một ngôn ngữ chính thức (ngôn ngữ thứ nhứt); 

(c) Có ít nhứt 500 triệu người nói thông thạo; 

(d) Và trải rộng ít nhứt trên 2 lục địa!

Theo bốn điều kiện ấy, trên thế giới hiện nay chỉ có 3 ngôn ngữ xứng đáng gọi là “liên ngữ toàn cầu”: TIẾNG ANH, TIẾNG PHÁP, TIẾNG TÂY BAN NHA. 

Còn tiếng Tàu chỉ thỏa mỗi điều kiện (c) bởi vì dân số trong nước đông nhung nhúc, cả tỉ người. Nhưng, không có quốc gia nào không phải của người Tàu mà lại xem tiếng Tàu là ngôn ngữ thứ nhứt (“ngôn ngữ mẹ đẻ”) hết! 

[Nói thêm: tại Tân Gia Ba (Singapore) thì tiếng Tàu không phải là “ngôn ngữ mẹ đẻ” mà đứng chung cùng với tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Tamil. Ngôn ngữ sử dụng nhiều nhứt gọi là “Singlish” – tức tiếng Anh theo kiểu Singapore]

3/ Ngay đến tiếng Bồ Đào Nha cũng có tính chất quốc tế hơn tiếng Tàu (so sánh 4 điều kiện trên). Tiếng Bồ được sử dụng là ngôn ngữ thứ nhứt ở các quốc gia: Bồ, Brazil, Mozambique, Angola, Cape Verde, Guinea-Bissau, São Tomé & Príncipe; và là một trong các ngôn ngữ chính thức (cùng với tiếng bản địa) ở Macau, Đông Timor và Guinea Xích đạo.

Đối với người Việt chúng ta, tiếng Bồ có mối lương duyên kỳ lạ hết sức! Bộ chữ Quốc Ngữ được thành hình chủ yếu bởi các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, vào những thập niên đầu thế kỷ 17. 

Các vị giáo sĩ đã tìm hiểu và học chữ Nôm (là văn tự chứa được quốc âm, tức Nam âm bên cạnh âm Hán-Việt), đồng thời dựa vào cách ký âm của Tiếng Bồ (vì chữ Bồ dựa vào văn tự Latin, nên chúng ta quen gọi chữ Quốc ngữ từ Latin, trong ngôn ngữ Bồ đặc biệt cũng dùng một số thanh điệu!) => Từ đó tạo ra hệ thống ký tự dùng ký âm Tiếng Việt

4/ Có sự nhầm lẫn như ri: Bởi vì thấy tiếng Tàu hiện diện trong một số định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc nên nghĩ rằng tiếng Tàu là “ngôn ngữ toàn cầu” (?). 

Nên nhớ lại dữ kiện có 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tàu). Do Tàu và Nga có chân ở trỏng nên nhiều văn bản Liên Hiệp Quốc in tiếng Nga (dù không phải là “universal language”), in tiếng Tàu (dù không đủ tiêu chuẩn là “universal language”)!

Ngay tiếng Ả Rập cũng được dùng trong một số văn bản tại Liên Hiệp Quốc, ở đây Ả Rập, Tàu được dùng thiên về tính chất chánh trị, theo “bản đồ” quyền lực.

Kỳ thực, xét chặt chẽ về mặt ngôn ngữ học, tiếng Tàu, tiếng Nga, tiếng Ả Rập đều không hội đủ cùng lúc cả 4 điều kiện a, b, c, d (nêu trên) nên không phải là liên ngữ (interlingual) toàn cầu

5/ Thời đại internet, quí bạn có biết, các website viết bằng tiếng Anh chiếm đến 54 %, trong khi website được viết bằng tiếng Tàu chỉ chiếm… 1,7 %, vậy mà “toàn cầu” cái giống gì nổi.

Website viết bằng tiếng Bồ chiếm 2,9 %, còn nhiều hơn cả tiếng Tàu đó đa! 

NGUYỄN CHƯƠNG 05.12.2023

Hình ảnh

Ba Tây (Brazil), với ngôn ngữ thứ nhứt là tiếng Bồ.


Tags: ,

Comments are closed.