Chuyện Việt Nam Thứ Tư 13 tháng 9 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Tổng thống Mỹ bị chỉ trích đặt lợi ích chiến lược lên trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và Ấn Độ
Minh Anh /RFI
13/9/2023
Ngày 11/09/2023, tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam sau khi hai nước thông báo nâng cấp quan hệ song phương lên thành « Đối tác Chiến lược Toàn diện ». Tuy nhiên, giới đấu tranh nhân quyền chỉ trích chính quyền Biden ưu tiên cho các lợi ích chiến lược, xem nhẹ vấn đề nhân quyền.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2023. REUTERS – EVELYN HOCKSTEIN
Theo Reuters, chuyến thăm Việt Nam hai ngày 10-11/09 và trước đó là Ấn Độ, ngày 08 và 09/09 đã cho phép Hoa Kỳ thắt chặt quan hệ với các nước, có thể giúp Washington làm đối trọng để kềm hãm đà đi lên của Trung Quốc.
Hoa Kỳ không những nâng cấp quan hệ với Việt Nam, mà còn tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao như mây điện tử, linh kiện bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nhà Trắng còn đúc kết một thỏa thuận bán 50 chiếc Boeing 737 Max cho hãng hàng không Vietnam Airlines trị giá 7,8 tỷ đô la.
Theo quan sát của giới đấu tranh nhân quyền, bản tin về chuyến công du Hà Nội của Nhà Trắng gồm hơn 2.600 từ, nhưng lĩnh vực nhân quyền chỉ chiếm có 112 từ, bao gồm cả những tựa nhỏ.
Bị báo chí chất vấn ở Hà Nội, tổng thống Biden cho biết đã đề cập chủ đề này với « tất cả những ai » mà ông gặp. Tại Ấn Độ, vấn đề nhân quyền đã không được đề cập công khai, nhưng trong cuộc họp báo ở Hà Nội, nguyên thủ Mỹ tuyên bố có nhấn mạnh tầm quan trọng việc tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí với thủ tướng Ấn Độ Modi.
Theo tổ chức Human Rights Watch, việc đề cập riêng những chủ đề này là chưa đủ vì cả Ấn Độ và Việt Nam đều bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, như nạn phân biệt sắc tộc ở Ấn Độ hay chống lại các quyền công dân và chính trị cơ bản ở Việt Nam.
Hơn 100 ngàn thí sinh trúng tuyển đại học từ chối nhập học
Lê Thiệt /SGN
12 tháng 9, 2023
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Sài Gòn – Ảnh: Tiền Phong
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh đại học (ĐH) đợt 1 năm 2023 có tới hơn 600 ngàn thí sinh trúng tuyển, chiếm tới 93% trên tổng số thí sinh dự thi (!) Tuy nhiên, đến khi kết thúc thời hạn quy định (ngày 8 Tháng Chín), có đến 117.795 thí sinh trúng tuyển không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ.
Điều này khiến nhiều trường đại học đâu đầu vì tuyển không đủ chỉ tiêu. Dù đã lường trước sẽ phải tuyển sinh thêm, vì năm nào cũng có thí sinh trúng tuyển từ chối nhập học, nhưng con số gần 120 ngàn em bỏ họ là quá nhiều, Bộ GD&ĐT cần phải xem xét lại vấn đề tuyển sinh đại học.
Số thí sinh từ chối vào đại học tiếp tục tăng khi có nhiều trường đại học tỉ lệ nhập học thấp, chẳng hạn như Trường ĐH. Công Thương TPHCM có tỉ lệ nhập học 89%; Trường ĐH. Gia Định (68%); Trường ĐH. Quốc tế Sài Gòn (hơn 60%)… Thậm chí, Trường ĐH. Quốc tế (ĐHQG TPHCM) hiếm khi phải tuyển bổ sung nhưng năm nay dự kiến phải tuyển thêm 500 chỉ tiêu…
Theo một số chuyên gia, thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng từ chối nhập học năm nào cũng xảy ra nhưng con số lên đến khoảng 120.000 em thì quá nhiều. Ngành GD&ĐT cần xem xét lại vấn đề tuyển sinh đại học.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Phát triển thương hiệu và Tuyển sinh Trường ĐH. Ngân hàng TPHCM cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả trên. “Thứ nhất là có em trúng tuyển vào trường, ngành mà mình không mong muốn nên muốn tìm cơ hội ở đợt xét tuyển bổ sung. Thứ hai là cũng có thí sinh chuyển hướng đi du học hoặc học các chương trình liên kết quốc tế trong nước. Và thứ ba, nhiều thí sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chuyển hướng học nghề…”
Lý do thứ ba của ông Vũ được dư luận đưa lên hàng đầu. Theo hướng suy nghĩ của nhiều người trên mạng xã hội, đa phần thí sinh chấp nhận không học đại học vì học phí quá cao.
Đã có gia đình nông dân bán mảnh đất lấy 2 tỷ đồng cho con học đại học. Bốn năm sau, con ra trường thất nghiệp, phải chạy grab kiếm sống qua ngày, trong khi đó, miếng đất năm xưa giờ có giá lên tới 10 tỷ!
Tài khoản Hung Pham Ngoc viết trên Facebook: “Tăng học phí cho lắm vào. Dân thì đa số con nhà nghèo, nông thôn thì các cháu nó bỏ là đúng rồi. Sau này ra trường lại chạy Grab, shiper chứ gì đâu. Để tiền đó mà đầu tư đi lao động xuất khẩu vừa mở mang tầm mắt lại có chút vốn liếng mang về cho bố mẹ”.
Tài khoản Hung Vo Trong nói rõ hơn thực trạng vào học đại học hiện này:
“Mấy năm gần đây Bộ GDĐT nâng cấp một loạt trường trung cấp, cao đẳng thành đại học, kết quả là kỹ sư đào tạo kỹ sư; tiến sĩ công nhận tiến sĩ (tiến sĩ cấp trường, cấp học viện…) Kết quả ra một loạt thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, không đáp ứng được thị trường lao động chỉ vì danh hão “đại học”, trong khi đó bố mẹ mất một đống tiến. Việc số lượng học sinh không nhập học trên là một bước tiến bộ trong nhận thức của các cháu và gia đình cần ủng hộ”.
Có người còn nói “toạc móng heo” rằng “học đại học hay không học thì đằng nào cũng chạy grab, thôi thì chạy luôn bây giờ để khỏi tốn tiền bố mẹ. Có tiền thì lo đi xuất khẩu lao động vài năm về có vốn làm ăn, rồi thuê mấy bạn học đại học vào làm việc cho. Thế là ‘oách’!”
Báo Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể tăng cường quan hệ với Việt Nam trước sự ‘ve vãn’ của Mỹ
12/9/2023
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Nội hôm 11/9.
Ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Hà Nội trong chuyến thăm lịch sử để nâng cấp quan hệ với Việt Nam, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có khả năng thúc đẩy mối quan hệ với quốc gia Đông Nam Á trong lúc Washington đang săn đón Hà Nội.
Việt Nam vừa nâng cấp Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện của mình, mà trước đó chỉ có Trung Quốc và 3 quốc gia khác có quan hệ cao nhất ở mức này. Việc nâng cấp, được cho là bị trì hoãn nhiều năm do Việt Nam phải dè chừng phản ứng của Trung Quốc, được ký kết trong chuyến thăm chưa đầy 24 giờ đồng hồ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội.
Mỹ và Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác trong bối cảnh xung đột giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng lớn.
Mặc dù Tổng thống Biden, trong cuộc họp báo chung với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội, hôm 10/9 nói rằng chuyến thăm Việt Nam của ông không phải nhằm mục đích khơi mào một “cuộc chiến tranh lạnh” với Trung Quốc và rằng Mỹ không muốn “kiềm chế” Trung Quốc, nhưng tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 11/9 cho rằng “chiến lược bao vây Trung Quốc từ phía nam” của Mỹ “đạt được tiến bộ” với sự nâng cấp quan hệ với Việt Nam.
Bài xã luận trên tờ báo ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết do tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam mà “mối quan hệ Mỹ-Việt đã có những bước phát triển suôn sẻ trong những năm gần đây.”
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam và gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội năm 2016, Tổng thống Donald Trump sau đó đã đến Việt Nam hai lần. Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden hôm 10-11/9, Mỹ và Việt Nam đã ký kết các thương vụ đầu tư hàng tỷ đô la, trong đó có chuỗi cung ứng chất bán dẫn, khi mối quan hệ lên tầm cao nhất.
Với những hợp tác mới trong ngành công nghệ, tờ Hoàn cầu Thời báo cho rằng, Mỹ hy vọng rằng Việt Nam “có thể thu nhận một số ngành công nghiệp được chuyển giao từ Trung Quốc và trở thành trung tâm mới về sản xuất chip chi phí thấp.” Tờ báo của Trung Quốc còn nói chuyến thăm của Tổng thống Biden “phù hợp với mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường sản xuất chip và đất hiếm tại Việt Nam.”
Theo đánh giá của Hoàn cầu Thời báo, Việt Nam “phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ và phương Tây như một con bài thương lượng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông” đồng thời “tìm cách mở rộng cơ hội phát triển kinh tế và tiếp cận công nghệ tiên tiến.”
Nhưng tờ báo Trung Quốc cho rằng Việt Nam “sẽ không thành lập liên minh chiến lược với Mỹ” và “cũng sẽ không đứng về phía Mỹ trong vấn đề Đài Loan hay chiến lược ‘cô lập Trung Quốc’.”
Hồi tháng 8 năm nay, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để Hà Nội thành lập thêm tổng lãnh sự ở nước này nhằm kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như cam kết chính sách “một Trung Quốc”, trong đó không tiếp xúc chính thức dưới bất kỳ hình thức nào với Đài Loan.
Các cuộc thảo luận của lãnh đạo Việt Nam với Tổng thống Biden được truyền thông nhà nước Việt Nam ghi nhận cũng như những tuyên bố được đưa ra sau các cuộc hội đàm này không nhắc tới Trung Quốc.
Trước khi Tổng thống Biden đến Việt Nam, Tổng bí thư Trọng đã tiếp đón trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu. Hai bên đã cam kết “tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa” quan hệ chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cùng thời gian đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ không nhắm vào “bên thứ 3” khi hợp tác với các quốc gia khác.
Khi gặp mặt ông Trọng tại Hà Nội hôm 5/9, ông Siêu cho biết Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch tổng thể để “đưa quan hệ hai đảng, hai nước bước lên tầm cao mới.”
Tờ Hoàn cầu Thời báo kết luận rằng “người Trung Quốc không cần phải lo ngại về mối quan hệ nồng ấm của Việt Nam với Mỹ” vì cho rằng, với dân số khoảng 98 triệu dân, Việt Nam “thuộc về nền văn minh Nho giáo” và “chưa bao giờ vượt qua Trung Quốc về trình độ phát triển kinh tế.” Tờ báo này cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy kiên nhẫn hợp tác với Việt Nam khi “nước láng giềng phía Nam” đang tìm cách “tối đa hóa lợi ích của mình trong chiến lược cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.”
Cháy chung cư mini tại Hà Nội: Ít nhất 54 người thương vong
UBND phường Khương Đình cho biết chung cư mini bị cháy có khoảng 150 người sinh sống, 70 người được cứu hộ thành công và 54 người được đưa đi cấp cứu, trong đó có nhiều người tử vong.
Nhiều nạn nhân thoát ra trong tình trạng ngất xỉu sau nhiều giờ mắc kẹt trong chung cư. (Ảnh: vtc.vn)
Theo thông tin ban đầu từ Công an Hà Nội, đến 7h30 sáng ngày 13/9, có nhiều người tử vong trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân.
Trước đó, lúc 23h50 ngày 12/9, tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ. Căn nhà có diện tích khoảng trên 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ cho thấy lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.
Hiện, cơ quan chức năng chưa có thông tin cụ thể về số người tử vong và nguyên nhân vụ cháy.
Là người sinh sống trong tòa nhà, ông Nguyễn Công Huy kể khoảng 23h30 đêm 12/9, ông cùng vợ và 2 người con đang chuẩn bị đi ngủ thì bất ngờ nghe thấy tiếng hô hoán từ các phòng xung quanh.
“Sau khi chạy ra ngoài, tôi ngửi thấy mùi khét kèm khói đen bốc lên nghi ngút từ tầng 1. Ngay lập tức, tôi chạy vào phòng hô hoán vợ con chạy thoát ra phía sau căn hộ, dùng thang dây và tụt xuống con ngõ phía sau tòa nhà”, người đàn ông kể.
Ông nhớ lại thời điểm đó, cả căn chung cư bị cắt điện, mọi người không thể sử dụng thang máy để thoát xuống nên nhiều người “liều mạng” nhảy từ tầng cao xuống các căn nhà bên cạnh.
“Sống ở đây 7 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy xảy ra vụ cháy kinh khủng như vậy. Tòa chung cư mini có tổng 45 hộ dân sinh sống. Thời điểm cháy, hàng chục hộ đang ở trong tòa nhà nên nhiều người mắc kẹt, nhiều người bị thương khi cố nhảy thoát ra khỏi đám cháy”, ông Huy nói.
Nói với báo Dân trí tại hiện trường, ông Ngô Phó Điền – bảo vệ tòa chung cư mini trên cho biết vụ cháy xuất phát từ tầng 1. Thời điểm cháy, trong tòa nhà có 45 hộ dân đang sinh sống.
Anh Nguyên, một người dân sống cạnh chung cư bị cháy cho hay lúc hỏa hoạn xảy ra có rất nhiều người nhảy xuống từ tầng trên cùng của tòa nhà. “Tiếng rơi trên mái tôn nghe như tiếng nổ lớn”, người đàn ông miêu tả.
Khánh Vy
Indonesia mở thầu mua 300.000 tấn gạo, Việt Nam cung cấp 50.000 tấn
Indonesia mua thêm 300.000 tấn gạo 5% tấm dù giá cao. (Ảnh minh họa: tiengiang.gov.vn)
Trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng mạnh do các lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số quốc gia, Indonesia vẫn mở thầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo 5% tấm với giá dao động hơn 600 USD/tấn. Trong đó, một doanh nghiệp Việt Nam nhận đơn hàng 50.000 tấn.
Trong phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) được công bố vào hôm 12/9, Công ty TNHH lương thực Phát Tài (tỉnh Đồng Tháp) là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam nhận đơn hàng cung cấp 50.000 tấn.
Ông Lê Phát Long, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phát Tài xác nhận trúng gói thầu nêu trên với khối lượng 50.000 tấn, với giá dao động khoảng 640 – 650 USD/tấn (giá CIF). Nếu quy ra giá FOB, giao tại cảng từ Việt Nam có giá tương đương khoảng 600 đô la Mỹ/tấn, theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đến từ Pakistan trúng thầu 95.000 tấn và Thái Lan cung ứng 155.000 tấn với mức giá dao động 630 – 650 USD/tấn (giá CIF).
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 8 tháng năm nay đạt 5,8 triệu tấn, với giá trị đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Philippines và Indonesia là những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua tăng “dựng đứng” một phần do hiệu ứng tâm lý sau khi Ấn Độ và một số quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này, báo Việt Nam Net đưa tin.
“Giá lúa trong nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trên dưới 8.000 đồng/kg – tương đương giá gạo 5% tấm xuất khẩu phải ở ngưỡng 680-690 USD/tấn”, ông Bình tính toán.
Sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ vào ngày 20/7 và hôm 25/8, Ấn Độ tiếp tục áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ (đây là loại gạo được làm chín một phần khi còn trong vỏ thóc) xuất khẩu. Dẫn đến giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại, lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Tuấn Minh
Bắt 4 cán bộ hải quan ‘bảo kê’ đường dây buôn lậu 150 tỷ đồng từ Trung Quốc
Bốn cán bộ hải quan tỉnh Bình Phước bị bắt do cáo buộc nhận hối lộ để bỏ qua việc nhập lậu hàng hóa trị giá 150 tỷ đồng. (Ảnh từ cơ quan công an)
Bốn cán bộ hải quan tỉnh Bình Phước bị bắt do cáo buộc nhận hối lộ để bỏ qua việc nhập lậu hàng hóa trị giá 150 tỷ đồng.
Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã phát hiện đường dây buôn lậu sợi polyester do nhóm người Trung Quốc móc nối với những người Việt Nam, trong đó các cán bộ hải quan thực hiện.
Kết quả điều tra xác định nhóm người Trung Quốc chỉ đạo Bạch Tấn Cường (SN 1980, quận 4) thành lập Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sunview (công ty Sunview); chỉ đạo Võ Thanh Tuấn (SN 1987, ngụ huyện Nhà Bè) thành lập Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Long Tân Vina (cùng đặt trụ sở ở tỉnh Bình Phước) để đứng tên nhập khẩu.
Trên thực tế, đây là những công ty ma nhằm tạo điều kiện cho việc mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Bạch Tấn Cường yêu cầu nhân viên là Nguyễn Vĩnh Hòa (SN 1988) và Huỳnh Thị Huyền Trâm (SN 1988) làm giả hóa đơn, chứng từ ngoại thương (invoice) của các công ty bán hàng tại Trung Quốc.
Những người này tự điều chỉnh thông tin chi tiết về hàng hóa từ sợi polyester (có mức thuế chống bán phá giá là 17,45%) sang sợi đơn mono-pylamen polyurethan (có mức thuế chống bán phá giá là 0%).
Sau khi giảm trọng lượng hàng hóa thực tế, nhóm đã làm thủ tục khai báo hải quan hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) để nhập lậu số lượng lớn mặt hàng sợi polyester.
Võ Thanh Tuấn cũng sử dụng thủ đoạn này khi sử dụng pháp nhân Công ty Long Tân Vina để nhập lậu mặt hàng sợi polyester.
Để không bị kiểm tra thực tế hàng hóa khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, Bạch Tấn Cường và Võ Thanh Tuấn đã đưa hối lộ cho một số công chức hải quan thuộc Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu – Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) với số tiền 3,5 triệu đồng/container.
Do đó, các container sợi polyester của Công ty Sunview và Công ty Long Tân Vina đứng tên nhập khẩu sau khi làm thủ tục bốc dỡ hàng hóa từ cảng Cát Lái (TP.HCM) được vận chuyển trực tiếp về các kho tại quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh mà không phải đưa về Chi cục Hải quan Chơn Thành để làm thủ tục kiểm hóa và thông quan hàng hóa.
Ngày 21/8, Công an TPHCM phát hiện Công ty Sunview mở tờ khai nhập khẩu và được Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn (khu vực I) tiến hành niêm phong hải quan, bàn giao cho Công ty vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành để kiểm tra thực tế và hoàn thành thủ tục thông quan.
Tuy nhiên, lô hàng này được vận chuyển về kho hàng ở quận 8 để bốc dỡ mà không vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành theo quy định.
Kết quả kiểm tra phát hiện seal niêm phong hải quan đã bị cắt bỏ, hàng bên trong container là sợi polyester, xuất xứ Trung Quốc, không đúng với chủng loại hàng hóa khai báo tại tờ khai nhập khẩu.
Khám xét khẩn cấp 4 địa điểm là công ty và các kho hàng có liên quan, Công an TP.HCM phát hiện, thu giữ các tài liệu, chứng từ, chữ ký số, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động nhập khẩu sợi polyester của 2 công ty trên và hơn 700 tấn sợi các loại không có hóa đơn chứng từ.
Ngoài ra, nhóm này khai đã móc nối với một số công chức thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) để không thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa.
Từ tháng 3 đến thời điểm bị phát hiện, nhóm này đã nhập lậu 258 container mặt hàng sợi polyester với tổng giá trị hàng hóa ước tính gần 150 tỷ đồng.
Khám xét khẩn cấp nơi làm việc của một số công chức hải quan Chi cục Hải quan Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), cảnh sát phát hiện, thu giữ 21 bộ hồ sơ tờ khai hải quan luồng đỏ đã thông quan của 2 công ty nêu trên và nhiều tài liệu có liên quan.
Bước đầu, 4 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành gồm Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận từ tháng 3 đến nay, các cán bộ đã không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan đối với các container do 2 công ty trên đứng tên nhập khẩu.
Họ chỉ ký xác nhận, đóng dấu công chức hải quan trên biên bản bàn giao hàng nhằm thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.
Đến nay, Công an TP.HCM đã khởi tố Bạch Tấn Cường, Nguyễn Vĩnh Hòa, Huỳnh Thị Huyền Trâm, Võ Thanh Tuấn về tội Buôn lậu; khởi tố Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng về tội Nhận hối lộ.
Phạm Toàn
Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm chi 100.000 USD ‘chạy án’ trước khi bị bắt
Công an bắt ông Chung để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh từ cơ quan điều tra)
Công an cáo buộc ông Đặng Việt Hà khi đương chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lo sợ hành vi nhận hối lộ bị phát hiện nên chi 100.000 USD nhờ Nguyễn Văn Chung ‘chạy án’.
Ngày 12/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lại Thái Phong (SN 1987) – Phó Phòng Kiểm định xe cơ giới (trước đây là Phó Chánh Văn phòng Cục Đăng kiểm) về tội Môi giới hối lộ và Nguyễn Văn Chung (SN 1979, thường trú TP. Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan điều tra, ông Đặng Việt Hà, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (đã bị bắt giam vào tháng 1/2023 về tội nhận hối lộ) lo sợ sai phạm bị phát hiện nên đã thông qua Lại Thái Phong đưa cho Nguyễn Văn Chung 100.000 USD để tìm cách thu thập thông tin “chạy án” cho mình.
Dù biết không thực hiện được, Nguyễn Văn Chung vẫn nhận tiền và chiếm đoạt số tiền trên.
Trong đại án đăng kiểm, ông Đặng Việt Hà bị cáo buộc nhận tiền “hàng tháng, hàng quý” của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành.
Ông Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an, nhận định đại án này là vụ tham nhũng có tổ chức, hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm. Công an phát hiện có sự móc nối chặt chẽ giữa nhân viên kiểm định của Cục Đăng kiểm và các trung tâm để cấp giấy chứng nhận cho xe dưới chuẩn thông qua các công ty sân sau.
Hiện Công an TP.HCM và công an tại hơn 30 tỉnh thành đã khởi tố hơn 60 vụ án về sai phạm đăng kiểm xe cơ giới, với tổng cộng trên 500 người bị điều tra về hàng loạt tội danh. Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục.
Phạm Toàn
Phú Thọ: Nữ hiệu trưởng bị ‘tố’ đánh bài trong phòng làm việc
Hình ảnh được cho là nữ hiệu trưởng đang có hành vi đánh bài trong phòng làm việc đang được lan truyền. (Ảnh: Giáo viên cung cấp/dẫn qua nld.com.vn)
Liên quan đến tin nữ hiệu trưởng trường Mầm non Gia Cẩm (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị cấp dưới “tố” đánh bài trong phòng làm việc, bà này đã lên tiếng về vụ việc.
Ngày 12/9, nói với Báo Lao Động, bà Trần Thị Ngọc Tân – Hiệu trưởng trường Mầm non Gia Cẩm cho biết: “Hiện tại sự việc vẫn đang trong quá trình thanh tra, sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra, tôi sẽ trả lời báo chí sau. Vì tôi đang là người trong cuộc, hiện tại dù có nói thế nào thì cũng là quan điểm cá nhân”.
Trước đó, bà Bùi Thị Mai – giáo viên của trường Mầm non Gia Cẩm đã gửi đơn tố cáo hiệu trưởng nhà trường đến UBND thành phố Việt Trì với 12 hành vi: Việc thu tiền các phụ huynh và cả các giáo viên không đúng; không thực hiện chế độ thai sản, khen thưởng theo quy định; phân công công việc trong nhà trường không hợp lý, không đồng nhất với báo cáo; đánh bài trong phòng làm việc… khiến nhiều giáo viên trong trường lo lắng, bức xúc.
Về việc đánh bài, trong đơn tố cáo, bà Mai cho biết vị hiệu trưởng này đã tổ chức, lôi kéo các giáo viên khác chơi bài vào buổi trưa các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6 (sau khi cho trẻ ăn cơm xong từ khoảng 11h đến hơn 14h) ngay trong phòng hiệu phó, phòng hiệu trưởng, riêng ngày thứ 7 tổ chức chơi bài cả ngày tại phòng y tế. Việc chơi bài diễn ra từ khoảng năm 2021 đến nay.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Việt Trì, việc xử lý đơn đã được gia hạn lần thứ 2, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang xác minh.
Bảo Khánh
Đường dây sản xuất, lưu hành tiền giả liên tỉnh bị phát hiện
Công an tỉnh Quảng Ninh công khai thông tin việc phá đường dây sản xuất, lưu hành tiền giả, giấy tờ giả, căn cước công dân giả tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. (Ảnh: Chụp màn hình/conganquangninh.gov.vn)
Nhóm 9 nghi phạm trong đường dây sản xuất và lưu hành tiền giả liên tỉnh đã bị cơ quan công an phát hiện.
Ngày 11/9, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã triệt phá và khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ 9 nghi phạm để điều tra về hành vi sản xuất, lưu hành tiền giả quy mô lớn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh biết được nguồn tin liên quan 2 nam thanh niên lưu hành tiền giả tại một số địa điểm tại TP. Hạ Long, khi bị người dân phát hiện đã bỏ trốn.
Qua điều tra, cơ quan công an xác định và bắt giữ 2 thanh niên lưu hành tiền giả mệnh giá 500.000 đồng để mua sắm hàng hóa tại tỉnh Quảng Ninh là Nguyễn Xuân Thiệp và Phan Mạnh Hùng (cùng SN 2005, trú phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Thiệp và Hùng khai nhận thông qua mạng Facebook mua tiền Việt Nam giả mang về tiêu thụ tại một số địa điểm tại TP. Hạ Long, Cẩm Phả.
Số tiền giả trên Thiệp và Hùng lên mạng mua từ tài khoản Facebook “Trần Hoài Nam” và người giao hàng có Zalo “Trung Anh td” tại khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bắc Ninh).
Lời khai của 2 nghi phạm trên đã hé lộ một đường dây mua bán và lưu hành tiền giả rất tinh vi, xảo quyệt.
Các nghi phạm chọn địa điểm sản xuất tiền giả ở sát cạnh một con sông. Khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, một số nghi phạm đã nhanh chóng vơ tài liệu và một số thiết bị máy móc ném qua cửa sổ xuống sông. Lực lượng chức năng phải trục vớt các tài liệu lên để điều tra.
Qua điều tra, truy xét đường dây mua bán, tiêu thụ tiền giả thông qua mạng internet, cơ quan điều tra đã làm rõ một nhóm nghi phạm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thuê địa điểm tại Hà Nội, dùng các thiết bị máy móc chuyên sản xuất, làm tiền giả, làm giả các loại giấy tờ của cơ quan tổ chức (bằng giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, căn cước công dân giả…); sau đó thông qua mạng xã hội, quảng cáo tìm người có nhu cầu mua để tiêu thụ.
Chỉ trong vòng 15 ngày, công an đã xác định điều hành nhóm nghi phạm trên là Nguyễn Văn Đại (SN 1994) và Hồng Tuấn Thành (SN 2003, cùng ở Ý Yên, Nam Định); Lê Bá Toàn (SN 1993, trú tại Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hoá, đã có tiền án về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức) và một số nghi phạm giúp sức khác.
Lê Bá Toàn khai do biết Đại và Thành đang sản xuất giấy tờ giả nên đã gặp và trao đổi cách làm tiền giả để tiêu thụ. Toàn là người hướng dẫn Đại, Thành cách làm tiền giả. Đại thuê nhà tại Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội, mua máy móc thiết bị để sản xuất tiền giả;
Khi đã sản xuất được, Toàn tìm kiếm khách hàng để tiêu thụ, Toàn thuê Hoàng Trung Hoà (SN 1997) và Vì Văn Ninh (SN 2003, cùng trú tại Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện việc giao tiền giả cho khách hàng.
Nguyễn Xuân Thiệp và Phan Mạnh Hùng (có địa chỉ tại Giếng Đáy, Quảng Ninh) là một trong số khách hàng mua tiền giả của Toàn. Toàn đã sai Hoà, Ninh đến Bắc Ninh giao 7 triệu đồng tiền Việt Nam giả cho Thiệp, Hùng, sau đó Thiệp, Hùng mang về Quảng Ninh tiêu thụ.
Toàn phụ trách việc tiêu thụ tiền giả, tính đến thời điểm bị bắt, Toàn đã tiêu thụ tổng cộng 160 triệu đồng tiền giả, mệnh giá 500.000 đồng do Đại và Thành sản xuất.
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giữ 9 nghi phạm, gồm: Toàn, Đại, Thành, Hoà, Ninh, Thiệp, Hùng, Việt, Hải, về các hành vi liên quan.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ 40,5 triệu đồng tiền Việt Nam giả, loại mệnh giá 500.000đ; nhiều giấy tờ giả (bằng giả, căn cước công dân giả…) và nhiều máy móc, thiết bị trong dây chuyền làm tiền giả (máy tính, USB, máy in màu 3D, máy ép plastic dùng sản xuất tiền giả…) cùng nhiều đồ vật, tài liệu khác.
Vụ việc hiện đang được Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều tra.
Ngọc Mai