Chuyện Việt Nam Thứ Tư 17/05/2023: * Trả tự do cho Ngụy Thị Khanh *Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác quốc tế hóa giáo dục đại học *Gỏi gà măng cụt gây hại bàn tay người gọt
Quê Hương tổng hơp
Các tổ chức quốc tế hoan nghênh việc trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh
16/5/2023
Bà Ngụy Thị Khanh © internationalrivers.org
Thanh Phương /RFI
Thay mặt cho liên minh quốc tế gồm các tổ chức nhân quyền và công lý khí hậu, tổ chức International Rivers hôm qua, 15/05/2023, ra thông cáo “bày tỏ sự vui mừng” về việc nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh được trả tự do trước thời hạn.
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển và Sáng tạo xanh GreenID, đã bị kết án 24 tháng tù (án tù sau đó giảm xuống còn 21 tháng ) vào năm ngoái về tội “trốn thuế”. Hoa Kỳ và nhiều tổ chức quốc tế đã lên án vụ xử. Nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh đã được ra tù trước thời hạn hôm 12/05, theo thông báo của chính bà trên trang Facebook cá nhân (KhanhGreenid Vietnam) hôm 13/05.
Thông cáo của International Rivers nhắc lại những đóng góp của bà Ngụy Thị Khanh, mà họ gọi là một “anh hùng khí hậu” : “Trong 10 năm qua, người được trao Giải thưởng Môi trường Goldman nổi tiếng quốc tế đã làm việc với chính quyền các tỉnh để giảm các kế hoạch mở rộng ngành than của Việt Nam; nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa khí thải từ nhà máy than với tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, một trong những nơi bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới; và tiến hành nghiên cứu và tham gia chính sách để chứng minh hiệu quả về chi phí của các giải pháp năng lượng Mặt trời tại Việt Nam”.
Tổ chức International Rivers lưu ý rằng bà Ngụy Thị Khanh, cùng với ba nhà hoạt động khí hậu khác ở Việt Nam, đã bị bỏ tù với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Ba người kia hiện vẫn bị giam, gồm các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.
Thông cáo của International Rivers nhấn mạnh các chuyên gia về khí hậu và những người hoạt động về môi trường như bà Ngụy Thị Khanh có vai trò “rất quan trọng đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam. Họ phải được tham gia một cách tự do và an toàn trong tiến trình chuyển đổi năng lượng và hoạt động trong một môi trường có sự hợp tác và hỗ trợ”.
Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác về đổi mới quốc tế hóa giáo dục đại học
16/5/2023
Giám đốc Quốc Gia USAID tại Việt Nam Aler Grubbs và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ký bản ghi nhớ ngày 9/9/2022 nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: USAID Vietnam. [Ảnh minh họa]
Phái bộ ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm thứ Ba 16/5 cho biết họ hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc đổi mới quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua một hội thảo khu vực.
Cơ quan ngoại giao này cho hay Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper và ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mới đây hỗ trợ cho hội thảo khu vực của Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) 2023 về đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học, được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và trường Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Knapper nói rằng cơ quan mà ông phụ trách “tự hào hỗ trợ hội thảo này nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học thông qua việc khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học hỗ trợ nhau nhằm tăng cường hội nhập khu vực”.
“Giáo dục là một ưu tiên quan trọng của Chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực vì đây là lĩnh vực đào tạo và trang bị kiến thức cho những nhà lãnh đạo trẻ tương lai”, ông Knapper phát biểu.
Theo phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ Knapper “đánh giá cao” sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức Việt Nam dành cho YSEALI, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và 10 năm YSEALI.
Ông Knapper nói thêm rằng “điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực qua việc khuyến khích các thủ lĩnh trẻ tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung của cộng đồng”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) năm ngoái ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tiên với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (GD&ĐT) nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp thúc đẩy tự chủ đại học tại Việt Nam, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Tin cho hay, thông qua việc ký kết này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ GD&ĐT một dự án mới để cung cấp trợ giúp kỹ thuật trực tiếp nhằm rà soát và cải thiện các chính sách về giáo dục đại học.
“Cải thiện các chính sách sẽ giúp thúc đẩy tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế liên tục của Việt Nam”, thông báo của Đại sứ quán Mỹ cho biết.
Cạm bẫy thị trường bán tước: Tổng bí thư đánh, khách hàng mất trắng, quan tham đầy túi
17/5/2023
Thêm…
Vụ Trần Trí Mãnh chạy thuyên chuyển ông Đinh Văn Nơi 20 tỷ, được cho là dùng tiền ít và không biết đường chạy
Trước đây, chúng tôi có nhận được tài liệu từ bạn đọc là người bên trong bộ máy Công an cho biết, hiện nay, bộ máy này là một thị trường mua quan bán tước béo bở. Giá cho một xuất thuyên chuyển đến vị trí giám đốc công an tỉnh giàu là 30 tỷ đồng. Với con số này, chúng tôi thấy rất kinh khủng, nhưng lại nhận được phản hồi rằng, giá đó chưa cao. Chỉ là giá cả trung bình.
Thực tế, nếu phân tích dựa trên những thương vụ đã xảy ra, thì có thể tin rằng, đấy là giá không cao thật. Lấy ví dụ như vụ án Trần Trí Mãnh (43 tuổi, ngụ tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã chi 20 tỷ đồng để chạy điều chuyển ông Đinh Văn Nơi và thất bại, thì sẽ thấy, con số 30 tỷ để được thuyên chuyển không cao. Nguồn tin cho chúng tôi biết rằng, muốn chạy thuyên chuyển một giám đốc công an tỉnh, thì phải chạy đến Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, ông Trần Trí Mãnh chi ra 20 tỷ thì không bao giờ nhận được cái gật đầu của ông Bộ trưởng, bởi giá này “quá bèo”. Và vì thế mà ông ta thất bại.
Thực ra ông Trần Trí Mãnh không biết cách chạy, mà nếu biết cách chạy, thì chưa chắc ông ta đã đủ tiền. Tuy nhiên, với những người đang là phó giám đốc công an tỉnh mà muốn chạy thuyên chuyển sang tỉnh khác để lên giám đốc, thì những người này sẽ biết đường chạy. Nói tóm lại là, những người trong ngành công an mới biết rõ đường chạy hơn những người ngoài ngành. Ngoài ngành không biết đường chạy, có khi lại tiền mất tật mang. Khi nào thấy ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm liên tục tung ra nhiều quyết định thuyên chuyển, thì đấy là “mùa bộ thu” của ông Bộ trưởng. Ý kiến bạn đọc cho chúng tôi biết như thế.
Đấy là bức tranh mua quan bán tước của ngành công an. Nói đến bộ máy chính quyền Cộng sản thì nó vẫn thế, bởi nói cho cùng, bức tranh của ngành công an là bức tranh toàn Đảng thu nhỏ mà thôi. Trong ngành công an ra sao, thì bên ngoài ngành vẫn thế, không khác gì mấy.
Cuộc thanh lọc này được cho là chỉ lọc được “tép riu”
Cứ so sánh lương cán bộ và tài sản nổi của họ thì sẽ biết, tiền đâu ra mà quan chức sắm xe sang, xây biệt phủ như thế. Một chiếc xe có khi bằng từ 5 đến 10 năm tiền lương của một quan chức. Một biệt phủ có thể bằng hàng trăm năm tiền lương, thì có quan nào mà sống bằng lương. Thời Cộng sản, quan chức vừa làm chính trị vừa làm kinh tế gia đình. Dùng quyền lực kiếm tiền là dễ nhất, không gì dễ bằng.
Hầu hết các quan chức, họ dùng tiền mua chức, rồi dùng chức kiếm tiền. Và cứ như thế, họ leo cao bằng cách đầu tư (mua chức), rồi hốt lại (tham nhũng) mà thôi. Hầu như ai có quyền lực trong tay cũng kiếm chác. Cho nên, hễ ông Nguyễn Phú Trọng cho thanh tra tới đâu thì lòi ra sai phạm đến đấy. Đó là nguyên nhân cả bộ máy bị ù lì khi ông Trọng đẩy mạnh đốt lò.
Mới đây, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, qua rà soát, đã xử lý gần 100.000 trường hợp. Trong đó, thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp có sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức. Hầu hết những quan chức ngồi nhầm chỗ đều là dạng mua ghế. Hầu như ai cũng mua, nhưng chỉ có 1,2% bị phát hiện. Có người cho rằng, những người bị phát hiện là chạy không đúng cách, hoặc chạy ít tiền, nên không có ô lớn bảo vệ. Những người này sẽ bị mất trắng tiền mua chức. Họ phải chấp nhận, không thể đòi lại tiền.
Trong thị trường mua quan bán tước rất nhộn nhịp của chế độ này, ông Nguyễn Phú Trọng ban xuống một mệnh lệnh, thì sẽ có thanh lọc ở cơ sở. Tuy nhiên, chỉ một số tép riu bị vớt lên phơi, còn tôm hùm to đùng lại không bị vớt. Một số người mua tước bị mất tiền, mất chức, nhưng người bán thì vẫn đầy túi. Tiền vào túi bọn bán tước thì không thể lấy lại được. Đây là cuộc buôn bán 1 chiều, người mua gặp rủi ro hơn người bán. Đấy là luật chơi xưa nay.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
Phụ huynh ngậm ngùi với các khoản thu ‘lách luật’ của nhà trường
An Vui /SGN
16/5/2023
Trường tiểu học Hoằng Thanh buộc phải dừng thu khoản xây dựng trường vào cuối năm và trả lại tiền cho phụ huynh. (ảnh: VietnamNet)
Đầu năm học đã thu mỗi em học sinh 200,000 đồng ($8.5) tiền cơ sở vật chất, đến cuối năm, một trường tiểu học ở Thanh Hóa lại vận động phụ huynh đóng tiếp 600,000 đồng ($25).
Số tiền trên được nhà trường cho hay là dùng để sửa chữa một số hạng mục cơ sở vật chất, “chuẩn bị sự kiện đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2”.
Do phụ huynh phản ứng, thanh tra Sở giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã phải làm việc với ban giám hiệu trường này, đó là trường tiểu học Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa.
Ông Trần Văn Thức, giám đốc Sở giáo dục, xác nhận thông tin với VnExpress và cho biết chủ trương của trường Hoằng Thanh chưa được phòng Giáo dục huyện Hoằng Hóa phê duyệt, phụ huynh chưa đồng thuận, nên trường phải dừng thu và trả tiền lại cho số phụ huynh đã đóng.
Số là hồi giữa Tháng Tư, phụ huynh trường Hoằng Thanh nhận được thông báo của trường vận động mỗi học sinh đóng 600,000 đồng để sửa chữa một số hạng mục cơ sở vật chất, mục đích là để trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2.
Công trình dự kiến tu sửa bao gồm lan can an toàn tầng 2-3; mái che nhà vệ sinh; bảng biểu cho 17 phòng chức năng và mái che khu bán trú. Tổng dự toán thu của hơn 1,000 học sinh khoảng 600 triệu đồng ($25,578).
Khi phụ huynh phản ứng thì nhà trường chia làm hai đợt đóng góp, đợt một đóng ngay 300,000 đồng ($12.7), số còn lại sẽ đóng vào đầu năm học mới.
Phụ huynh tiếp tục phản đối vì đầu năm họ đã phải đóng 200,000 đồng tiền cơ sở vật chất/học sinh, giờ đóng tiếp 600,000 đồng nữa, vị chi 800,000 đồng tiền cơ sở vật chất/học sinh ($34) cho một niên học, quá cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Nhà nào có hai đứa con học ở trường này thì số tiền đóng gấp đôi, một khoản chi quá sức của họ.
Trường tiểu học Hoằng Thanh buộc phải dừng thu khoản xây dựng trường vào cuối năm và trả lại tiền cho phụ huynh – Ảnh: VietnamNet
Bà Trần Thị Lan, hiệu trưởng trường tiểu học Hoằng Thanh, nói trường mới xây dựng kế hoạch, chưa được phòng Giáo dục phê duyệt nên chưa thu. Tuy nhiên, có 16 phụ huynh đã nộp tiền nên trường sẽ trả lại.
Các trường học công lập từ Nam chí Bắc ở Việt Nam hiện nay thường lạm dụng cái gọi “vận động xã hội hóa” để đẻ ra nhiều khoản thu đầu năm học như tiền cơ sở vật chất, tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, tiền trang thiết bị cho lớp học….làm phụ huynh nghèo khốn khổ khi cho con đi học. Chỉ cần chậm đóng thì con của họ sẽ bị thầy cô đối xử phân biệt.
Hồi Tháng Hai 2023, trường trung học phổ thông Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (Sài Gòn) cũng phải trả lại 715 triệu đồng ($30,480) cho ban đại diện phụ huynh học sinh do vận động xã hội hóa sai quy định, sau khi thanh tra Sở kiểm tra và ra lệnh trả lại.
Theo quy định của Bộ giáo dục, các trường học được vận động, tiếp nhận tài trợ để cải tạo, sửa chữa xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục. Song, việc này phải được lấy ý kiến, được cấp quản lý phê duyệt và thực hiện trên tinh thần tự nguyện, minh bạch, không cào bằng hay quy định mức đóng góp tối thiểu.
Còn từ Tháng Mười 2022, Sở giáo dục thành phố (Sài Gòn) đã ra văn bản yêu cầu các trường chấn chỉnh công tác quản lý thu đầu năm học, nghiêm cấm các trường lợi dụng danh nghĩa ban đại diện phụ huynh học sinh để thu các khoản ngoài quy định.
Thế nhưng, ai có con đi học trường công lập cũng ngậm ngùi với các khoản thu “lách luật” của nhà trường, bởi không hề có giáo dục miễn phí và y tế miễn phí ở đất nước này.
Trào lưu gỏi gà măng cụt phát sinh nghề gọt măng cụt xanh
An Vui /SGN
16/5/2023
Ảnh chụp màn hình của Tuổi Trẻ, về một lời rao tuyển người gọt phụ măng cụt xanh trên mạng Facebook
Gỏi gà măng cụt đang là món ăn khách trong các nhà hàng ở Sài Gòn, Bình Dương lẫn Hà Nội. Món ăn xuất phát trên mạng này trước chỉ bán online, giờ trở thành món ăn hot trong mùa hè này.
Nguyên liệu chính của món này là măng cụt xanh, và việc gọt trái măng cụt xanh để lấy thịt quả bên trong không phải dễ, vì trái này có vỏ rất cứng, lại rất nhiều mủ và gọt không khéo thịt quả sẽ bị thâm đen chứ không trắng.
Vì vậy, theo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Năm 2023, nhiều nơi đang tuyển người gọt măng cụt xanh và đây là “việc nhẹ lương cao” (?) được trả tiền theo ngày, với công gọt 50,000 đồng/kg ($2.1).
Những nội dung như: “Em đang cần người nhận măng cụt xanh về gọt, không cần cọc vốn, giao hàng và trả công theo ngày, công gọt 50,000 đồng/kg”; “Cần tuyển người gọt măng cụt, làm trong ngày, ai làm được nhắn em”; “”Cả nhà thức trắng đêm gọt măng cụt xanh giao khách. Tại tôi ham nhận quá nhiều đơn giờ làm muốn xỉu. Cần tuyển người phụ gọt măng cụt gấp”… có thể nhìn thấy nhan nhản trên mạng xã hội Facebook, TikTok…
Các cơ sở này sẵn sàng trả công từ 300,000 – 600,000 đồng/ngày ($12.7 – $25.5) cho công việc gọt măng cụt xanh, không yêu cầu kỹ thuật, có thể nhận về nhà gọt, giao hàng và lãnh tiền công ngay trong ngày.
Tuổi Trẻ dẫn lời bà Thi Hà, chủ một cơ buôn bán măng cụt xanh tại TP. Thủ Đức cho biết: vừa tuyển gấp 20 người gọt măng cụt xanh, mỗi ngày cơ sở bà gọt 100 – 150 kg măng cụt xanh nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp.
Vì không có đủ chỗ làm việc cho nhân viên, bà Hà duy trì 10 người gọt tại cơ sở và thuê thêm 20 người, giao hàng cho họ mang về nhà tự gọt.
Một chủ cửa hàng chuyên bán măng cụt xanh tại TP.Thủ Đức cho biết hiện đang thuê 30 người bóc vỏ măng cụt xanh, khoán làm tại nhà và trả lương mỗi ngày, người làm giỏi có thể kiếm được 700,000 đồng/ngày ($29.8)
Còn bà Nguyễn Thị Giang (ngụ huyện Hóc Môn) phải thức dậy từ một giờ sáng để bắt đầu gọt măng cụt và giao cho các nhà hàng, quán ăn vào sáng sớm hôm sau. Công việc quá sức nên bà Giang phải tuyển thêm 10 người phụ mới kịp trả hàng cho khách. Tuy quá sức, nhưng bà Giang nói đây là việc thời vụ, mỗi năm chỉ có một mùa, khi măng cụt chín rộ thì chả ai cần nữa.
Những bàn tay nhăn nheo vì gọt măng cụt xanh phải gọt dưới vòi nước, chưa kể bị đứt tay – Ảnh chụp màn hình
Tuổi Trẻ không nói rõ công gọt 50,000 đồng/kg là tính số ký măng cụt xanh đã gọt, hay tính trên số thịt quả đã gọt xong? Nếu tính trên số thịt quả đã gọt xong thì để có 50,000 đồng, người lao động theo thời vụ này phải gọt vỏ từ 5-6 kg mới lấy được 1kg thịt quả.
Chính vì vậy, trái xanh chưa gọt vỏ giá 50,000 – 80,000 đồng/kg ($2.1-$3.4) nhưng loại đã gọt vỏ xong rồi giá từ 500,000 – 700,000 đồng/kg ($21.3 – $29.8), gấp 10 lần.
Tuy đắt, thịt quả măng cụt xanh gọt xong vẫn được nhiều người lựa chọn, vì để lấy được 1kg thịt quả làm gỏi, tốn nhiều công sức, thời gian và rất tốn nước, chưa kể bị đứt tay, da tay nhăn nheo và dính mủ. Vì món ăn này đang được chuộng, trên mạng hiện truyền nhau nhiều cách gọt măng cụt xanh cho nhanh và ít tốn nước, ngay cả báo mạng cũng đăng lại để câu view như Tuổi Trẻ Cười.
Afamily ngày 15 Tháng Năm tìm hiểu tại một vựa măng cụt xanh tiêu thụ hơn một tấn mỗi ngày ở TP. Thủ Đức, đa số là sinh viên làm thêm, làm liên tục trong 8 tiếng, kiếm được 400,000 – 500,000 đồng/người, cao hơn phụ bán cà phê hay quần áo ($17-$21).
Ông Phạm Duy Phi (chủ vựa) cho biết trong mùa cao điểm măng cụt xanh “cháy hàng”, mỗi ngày vựa này phải thuê hơn 20 nhân công làm việc tại chỗ và khoảng 10 người làm việc tại nhà, liên tục từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm …mới đủ số măng cụt cung cấp cho thị trường.
Món gỏi gà măng cụt được ưa chuộng tạo thêm việc làm cho sinh viên nhưng ai thích ăn măng cụt chín thì phải mua đắt – Ảnh trên Facebook
Khảo sát ở thị trường Hà Nội, Tiền Phong ngày 12 Tháng Năm 2023 cho biết, dân Hà Nội cũng ưa gỏi gà măng cụt. Các cửa hàng bán trái cây ở Hà Nội phải đặt măng cụt xanh ở Bình Dương hoặc thịt quả măng cụt đã gọt xong ở Sài Gòn, vận chuyển ra Hà Nội bằng phi cơ và luôn trong tình trạng thiếu hàng để bán.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Ngọc, một tiểu thương bán nông sản online, cho biết cứ đến mùa hè là bà lại nhập măng cụt xanh từ miền Nam về bán, nhưng năm nay sức mua cao bất ngờ, vì ngoài những người chuyên bán đồ ăn online, còn có cả những bà nội trợ cũng tham gia, muốn tự làm món gỏi cho gia đình.
Theo bà Ngọc, giá măng cụt xanh ở các tỉnh phía Nam chỉ khoảng 70,000-80,000 đồng/kg, nhưng ra đến Hà Nội, phải thêm phí vận chuyển sẽ lên mức 110,000-130,000 đồng/kg ($4.6 – $5.5), loại size 8-10 quả/kg, cao hơn năm ngoái 20%.
Dân bán quán hoặc nhà hàng thường chọn loại thịt quả với giá 550,000 – 600,000 đồng/kg ($23.4- $25.5), còn các bà nội trợ lại thích mua nguyên quả về tự gọt để tiết kiệm tiền.
Hà Nội còn đặt cả món gỏi gà măng cụt làm sẵn ở Bình Dương để vận chuyển ra Hà Nội bằng phi cơ trong ngày. Khách phải đặt hàng trước một ngày mới có. Một set gỏi nguyên con gà tre có giá 580,000 đồng ($24.7), còn gà ta là 680,000 đồng/set ($28.9). Mỗi set bao gồm muối tiêu chanh, mắm trộn gỏi, mắm chấm gỏi, hành phi, đậu phộng rang, rau trộn gỏi, rau thơm, lõi măng cụt gọt sẵn…
Vì măng cụt chỉ có vào mùa hè, nên độ hiếm của thứ quả này càng khiến món gỏi gà măng cụt được săn đón. Giá mua món này làm sẵn trên mạng ở Sài Gòn từ 450,000 đồng – 475,000 đồng/nguyên con gà ($19-$20); ở Bình Dương 490,000 đồng/nguyên con gà, kèm với cháo ($20.8).
Món gỏi gà hoa phượng trong đó gồm rất nhiều loại rau, hoa phượng chỉ điểm màu cho đẹp – Ảnh: bloganchoi
Tuy nhiên, sau món gỏi gà măng cụt, dân tình lại một phen chạy đua với các biến tấu gỏi gà như gỏi gà hoa phượng, gỏi gà dâu da, gỏi gà mãng cầu… Trong số đó, món nhảm nhất là gỏi gà hoa phượng, chủ yếu lấy cánh hoa để trang trí cho đẹp.
bloganchoi ngày 14 Tháng Năm 2023 chỉ dẫn chi tiết cách làm gỏi hoa phượng, trong đó, cánh hoa phượng như điểm thêm cho đẹp, cho lạ, vì rổ rau trộn gỏi có nhiều loại như bắp chuối, xoài, khế xanh, thơm, càng cua… Từng đó thứ rau cũng đủ làm dậy mùi món gỏi gà, cần chi có cánh hoa phượng?
Nguyen Hoang Lan, một bạn đọc Tuổi Trẻ bình luận: “Ngon như thế nào thì tôi không biết nhưng ai cũng đòi an toàn thực phẩm nhưng nhìn cái bịch đựng ruột trần trụi thế kia được chở ngoài trời nắng gió để đi giao cho khách và ai cũng vô tư ăn thì tôi cũng đến chịu. Ngoài ra, tôi cũng không thích ăn trái cây do người khác lột cho mình ăn, và nhìn hình hai chị ngồi lột măng cụt xanh như thế kia càng không nuốt nổi. Ăn uống vào người cái gì thì nên cân nhắc các bạn ạ, đừng vì cái miệng cảm thấy nó ngon mà cái gì cũng cho vào được”.
Còn Đọc thiệt phê phán: “Riết rồi thứ gì cũng diệt không cho nó phát huy giá trị của nó. Không chỉ măng cụt mà hiện nay trào lưu gỏi hoa phượng cũng đang xảy ra. Thử hỏi vài năm nữa có còn măng cụt chín để ăn? Có còn hoa phượng để chụp hình kỷ niệm mỗi khi đến hè? Bó tay”.
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam