Chuyện Việt Nam Thứ Tư 19/7/2023
Quê Hương tổng hợp
Việt Nam sẽ buộc người dùng có phép mới được live stream
18/7/2023
Một người dân “lướt net” tại một quán cà phê ở Hà Nội.
Reuters
Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) Việt Nam đề xuất bổ sung quy định về việc cấp phép cho người sử dụng mạng xã hội muốn phát video trực tuyến (live stream).
Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo Nghị định thay thế cho hai quy định hiện hành: Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet & thông tin trên mạng, và Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 18/7.
Cụ thể Bộ TT-TT Việt Nam nêu rằng chỉ các mạng xã hội đã được cơ quan này cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phát video trực tuyến (live stream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).
Bộ TT-TT Việt Nam cho rằng hình thức thông tin trực tuyến theo thời gian thực có tác động ảnh hưởng nhanh đến xã hội. Bộ này cho rằng hiện trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… có những thông tin bị cho là “giả, xấu độc, bôi nhọ, xúc phạm uy tín-danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoan; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.”
Thực tế cho thấy, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội cả trong và ngoài nước Việt Nam lâu nay sử dụng hình thức phát video trực tuyến theo thời gian thực để bày tỏ quan điểm, trình bày những hoạt động thường nhật…
Nhiều nhà hoạt động, bloggers, giới bất đồng sử dụng công cụ này để thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận mà theo họ được Hiến pháp quy định; thế nhưng họ đạ bị bắt rồi bị án tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước…” theo các điều gồm 117, 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bão số 1 vào miền Bắc, các tỉnh phía Nam lại bị thiệt hại nặng
18/7/2023
Sóng biển cao tác động trực tiếp vào đê biển Tây ở Cà Mau – Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, vào hồi 7h giờ ngày 18 Tháng Bảy, vị trí tâm bão Talim (bão số 1) ở trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, 20km/h, đổ bộ vào các tỉnh Đông Bắc của Bắc Bộ và suy yếu dần; cường độ cấp 7, giật cấp 9.
Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới – Ảnh: NCHMF
Đáng chú ý là do ảnh hưởng của bão số 1, tại các tỉnh phía Nam như Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau có mưa lớn kèm theo dông, lốc và gió mạnh trên biển đã gây thiệt hại.
Tính đến sáng nay đã có 117 nhà bị sập đổ, tốc mái. Do mưa lớn, gió giật mạnh, cơn bão cũng làm chìm nhiều tàu cá và nhà cửa của người dân miền Tây.
Gió mạnh đã làm nhiều nhà người dân ở Sóc Trăng bị sập – Ảnh: Tuổi Trẻ
Chiều 18 Tháng Bảy, ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau – cho biết những ngày qua mưa lớn, lốc xoáy kèm theo sóng biển cao đã làm sập và tốc mái 33 căn nhà của người dân ở Cà Mau, chìm hai tàu cá và hơn 50m kè bị sụp, lún. Tổng thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.
Giông lốc đã làm chìm hai tàu cá đang khai thác trên biển. May mắn, 11 thuyền viên đã được cứu vớt và đưa vào bờ an toàn.
Ông Phạm Tấn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng – cho biết tỉnh Sóc Trăng có gần 50 căn nhà và một điểm trường ở thị xã Vĩnh Châu bị tốc mái.
Hiện trường xảy ra vụ việc khiến một nữ du khách tử vong – Ảnh: Người dân cung cấp
Riêng tại TP Sóc Trăng, ngoài bảy căn nhà bị tốc mái, còn nhiều cây xanh bị bật gốc, ngã đổ và một trụ điện bị gãy.
Ông Lê Quốc Lịnh – phó Chủ tịch UBND xã An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) – xác nhận chiều ngày 18 Tháng Bảy, giông lốc bất ngờ làm sập giàn mái che nhà chờ ở bến cầu cảng xã An Sơn. Vụ việc khiến bà Đỗ Thị Trà My – nữ du khách ở huyện Đức Hòa, Long An – tử vong, ba người khác bị thương.
Họ là ai, họ có đại diện cho đạo đức cán bộ của bộ máy không?
Đoàn Bảo Châu
18/7/2023
Theo các bạn, các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” có đại diện cho đạo đức cán bộ của bộ máy không?
Có biết bao đồng chí nhìn các bị cáo mà toát mồ hôi tự nhủ “may quá!, giá mình vào vị trí ấy, được cả núi tiền bỗng dưng bày trước mắt thì có khi mình cũng đang trong số các đồng đội áo sọc kia!”
Chắc chắn là tồn tại tâm lý ấy, bởi sự tham nhũng ở đây diễn ra rộng khắp, liên quan nhiều ngành, đủ độ để có thể nói rằng nếu vào một hoàn cảnh khác thì rất nhiều các đồng chí đang an toàn và may mắn đang đóng vai trò khán giả sẽ trở thành các “nhân vật chính” trong vở bi hài kịch to đùng kia.
Điều đáng buồn và có thể nói là điều tuyệt vọng ở đây là có vẻ như rất khó hay không thể tìm được một giải pháp nào để thay đổi tình trạng tham nhũng kinh hoàng này.
Ta không thể thay đổi một hiện trạng bằng một tư duy cũ. Nếu ta cứ đốt lò nhưng không thật sự tự hỏi củi từ đâu sinh ra thì ta có lẽ cứ phải đốt triền miên.
Cũng giống như việc điều trị ung thư, cứ xạ trị, hoá trị nhưng con bệnh cứ ăn uống bậy bạ thì ông nội bác sỹ cũng bó tay.
Muốn một xã hội trong sạch, tất nhiên là trong sạch tương đối thì vấn đề gốc rễ là cả xã hội phải trọng đạo, đầu tiên là đạo làm người.
Đạo ở đây không phải là cúng bái mê tín, không phải đút lót, hối lộ thánh thần để được phù trợ, ban phát bổng lộc, sức khoẻ, sự may mắn, sự trúng quả trong các phi vụ làm ăn, mà là một con đường sống giản dị, sống là để có ích cho mình, cho gia đình và xã hội. Một chiếc lá xanh làm đẹp thêm cho bầu trời, một con người làm đẹp thêm cho cuộc sống. Rất giản dị, khiêm tốn và rõ ràng.
Tiếc thay, các cán bộ trong hệ thống mặc dù được học đủ các lớp đào tạo về chuyên môn và đạo đức cán bộ, lý tưởng cán bộ nhưng lại không hiểu được điều giản dị ấy.
Các đồng chí ấy đã hối hả vơ vét, hối hả thúc giục nhau nộp tiền và giờ thì hối hả tố tội nhau trước toà, rồi thì sẽ chậm rãi bóc lịch khi đi “nghỉ”, từ của một đồng chí dùng khi đứng trước toà.
Tôi hy vọng những người nằm trong hệ thống thấy rõ sự nghiêm trọng, sự đau lòng của vụ án và nhận thức rõ đây chính là chân dung, những nét phác thảo khái quát nhưng chính xác của bộ máy.
Phải nhìn vào sự thật, phải nuốt thuốc đắng thì mới hy vọng chữa được bệnh. Vụ việc này không có một “thế lực thù địch” nào làm, không có “phản động” nào có thể làm bẩn thỉu hơn những gì đã và đang diễn ra.
Việc cần làm ngay là cương quyết dẹp bỏ cái tệ nạn được goi là “văn hoá phong bì”. Sở dĩ nó được gọi là văn hoá bởi cái thứ ti tiện ấy nó tràn khắp mọi nẻo trong xã hội. Nó hạ thấp cả kẻ đưa lẫn kẻ nhận.
Tôi tâm đắc với bài viết gần đây về phong bì của thầy Chu Mông Long. Nhiều năm trước, khi còn làm phóng viên, tôi chứng kiến các buổi họp báo có một số phóng viên đến đôi khi chỉ để nhận phong bì. Có đồng nghiệp một ngày lượn tới mấy cuộc họp báo, cốt để làm cái việc ấy.
Tôi tin chắc rằng, bây giờ các buổi họp báo vẫn y như vậy. Đây chính là mấu chốt, là căn nguyên của vấn đề.
Chúng ta coi mấy cái phong bì là chuyện nhỏ, ta thò tay ra đưa và thò tay ra nhận, cả kẻ đưa, kẻ nhận đều cười tươi như thể đấy là một cử chỉ xã giao “dễ thương”, nhưng thực ra cả hai đều là những kẻ đang bán lương tâm và phẩm giá của mình.
Tôi đã có bài phong bì sau khi vụ cháy quán Karaoke làm chết mấy chục người. Chính phong bì là kẻ đã gây ra bi kịch đau lòng ấy. Phong bì nó làm què cụt đi những yêu cầu và quy định về phòng cháy chữa cháy.
Hồi ấy khi nói về việc nhận phong bì ở các cuộc họp báo, một đồng nghiệp bảo tôi rằng phải thông cảm với đồng nghiệp bởi cuộc sống của họ khó khăn.
Nếu cứ áp dụng cái lý luận ấy thì ta cũng có thể “thông cảm” với các cán bộ áo sọc, bởi lương họ thấp, họ làm việc vất vả…
Và rồi ta cũng có thể “thông cảm” với một kẻ sát nhân, hay kẻ cướp bởi những lý do rất “con người” nào đấy.
Đây cũng là một vấn đề trong xã hội Việt Nam. Một xã hội mà tư duy con người mập mờ, ù xoẹ trắng đen, tặc lưỡi cho qua, tặc lưỡi “thông cảm”, đầy “nhân văn”, “mềm mại”.
Việc cần làm ngay là bên cạnh việc đốt lò thì phải làm sao ngừng sản xuất ra củi!
Các bạn lại hỏi vậy làm sao để ngừng sản xuất ra củi? Tôi để các bạn trả lời tiếp nhé!
Thư ký Kiên “khắc phục hậu quả”
Đông Đô/VNTB
19/7/2023
Bị cáo Phạm Trung Kiên và gia đình đã hoàn lại 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Sau khi bị đề nghị án tử hình với cáo buộc nhận hối lộ lên tới 42,6 tỷ đồng trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, khóc, xin được xem xét hưởng khoan hồng.
Luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên cho biết sáng ngày 18-7-2023, vợ bị cáo Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục cho hành vi của Kiên. Cùng với đó, đồng thời, gia đình đã có đơn gửi Hội đồng xét xử về căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội) thế chấp, mong muốn được phát mại để bồi thường.
Trước khi Viện Kiểm sát Nhân dân công bố bản luận tội, trong số hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ, Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để “khắc phục hậu quả” (*). Như vậy, bị cáo và gia đình bị cáo đã hoàn lại 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Điều 5 của Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Bị cáo Phạm Trung Kiên được luật sư bào chữa là có thái độ thành khẩn, nhận thức được hành vi phạm tội. Trong quá trình công tác, Kiên nhận nhiều bằng khen, đặc biệt trong khoảng thời gian chống dịch đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen. Người bào chữa cho cựu thư ký thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết Kiên tự thú.
Như vậy, với quy định người phạm tội phải đồng thời có cả 2 điều kiện “cần” và “đủ” để không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt bị truy tố.
Tình huống pháp lý đặt ra, đó là giả dụ như bản án hình sự sơ thẩm tới đây được tuyên mức chung thân đối với bị cáo Phạm Trung Kiên nhờ vào hai yếu tố giảm nhẹ phù hợp quy định là nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ, và tự thú.
Song, như ý kiến của công tố lúc luận tội là cần xem xét trách nhiệm của thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cho thấy để giảm thiểu rủi ro về số phận pháp lý của mình trong chuyện “thành khẩn”, có lẽ ông Phạm Trung Kiên sẽ không kháng cáo trình tự phúc thẩm; bởi rất có thể nếu mai đây lẽ gì đó mà cơ quan điều tra phát hiện ra hành vi vi phạm trong vụ “chuyến bay giải cứu” trên cương vị thứ trưởng Y tế của ông Đỗ Xuân Tuyên, vậy thì có phải tình cảnh oái oăm của “Lê Lai cứu Chúa” phiên bản Hà Nội 2023?
Với tình huống pháp lý ở trên cho thấy pháp luật hình sự của Việt Nam cần một tu chỉnh phù hợp, đó là cần bổ sung quy định hoãn thi hành án hình phạt tử hình trong một khoảng thời gian nhất định.
Có thể tham khảo Điều 48 Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định về hoãn thi hành hình phạt tử hình 02 năm khi xét thấy không cần thiết phải thi hành ngay lập tức.
Sau khi hoãn thi hành án 02 năm thì các cơ quan tố tụng đánh giá về tình hình của người bị kết án để xử lý theo một trong ba trường hợp sau: (1) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án không cố ý phạm tội mới sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân; (2) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án lập công lớn sẽ được giảm hình phạt từ tử hình xuống thành hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm; (3) Trong thời gian hoãn thi hành án phạt tử hình nếu người bị kết án cố tình phạm tội, được xác minh là đúng sự thật thì tòa án ra phán quyết hoặc phê duyệt thi hành hình phạt tử hình.
_______________
Chú thích:
(*) Về pháp lý thì đây không phải là “nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”, tức đã nói hậu quả thì buộc phải nói đến bị hại, nạn nhân đầu tiên, trực tiếp của vụ án này: những người mua vé “chuyến bay giải cứu” cao chót vót là đối tượng chính đáng, đầu tiên, duy nhất nhận lại tiền khắc phục hậu quả gây ra với họ này.
Trong khi đó, việc giá vé thông thường bị nâng lên quá mức – hậu quả của những cuộc ăn chia, hối lộ bạc tỷ đồng, bạc triệu đô la – có được hoàn lại hay không chưa rõ, chưa thấy ai nói tới. Vậy số tiền các bị cáo nộp lại hiện giờ phải nói là “nộp lại tiền hối lộ và nhận hối lộ”.
Còn nói “nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án”, tức các bị hại thực sự nhưng không có mặt ở phiên tòa có thể nghĩ đến việc nhận lại phần nào số tiền mình bị thu quá mức kia.
Trong vụ này, hành khách “chuyến bay giải cứu” là nạn nhân của hậu quả, là bị hại chứ không phải nhà nước, càng không phải tòa án.
Tiền của dân nên trả lại cho dân.
Nếu dám “khai tiếp” sẽ bị khởi tố thêm tội danh “xâm phạm hoạt động tư pháp”
Cát Tường/VNTB
19/7/2023
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng “dọa” sẽ đưa ra các tình tiết cho thấy vụ án này đã “lọt tội phạm”.
Viện Kiểm sát nhận định cựu trưởng phòng 5 Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công an có dấu hiệu Xâm phạm hoạt động tư pháp, nên cơ quan công tố đề nghị cần điều tra, xác minh thêm, sau khi vụ án “chuyến bay giải cứu” kết thúc.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nhận định, bị cáo Hoàng Văn Hưng khi là điều tra viên chính vụ án “chuyến bay giải cứu”, đã nhiều lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) tại nhà bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Và, theo cơ quan công tố, việc tiết lộ thông tin là điều tra viên chính nên hành vi này của ông Hoàng Văn Hưng có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp, qua đó cần điều tra và xử lý trong giai đoạn sau.
Cuối tuần trước, khai trước tòa, ông Hoàng Văn Hưng nói rằng tháng 9-2022, sau 8 tháng điều tra vụ án, ông Hưng đã điều chuyển sang làm Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra. Ông Hưng cho hay vụ án “chuyến bay giải cứu” có khoảng 25 điều tra viên tham gia dưới chỉ đạo trực tiếp của 2 lãnh đạo Cục và sự kiểm soát chặt chẽ của các kiểm sát viên. Khi chuyển sang Phòng Hậu cần, ông Hưng không được tham gia nên không thể can thiệp giúp Hằng và Sơn như họ khai.
Bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt mức án 19- 20 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quyền tự bào chữa ở chiều ngày 17-7-2023, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng thêm một lần nữa khẳng định mình bị oan và cho rằng có việc bỏ lọt tội phạm. Nguyên nhân bị cáo buộc oan, theo bị cáo Hưng là do lời khai của cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, một phần lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky).
Những lập luận khá mạch lạc về pháp lý của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng rất đáng để quan tâm cho các trường hợp tương tự: “Lời khai của anh Tuấn hoàn toàn không đúng sự thật, đổ trách nhiệm cho bị cáo. Lời khai của chị Hằng là lời khai tạo dựng, có định hướng, gây bất lợi cho bị cáo. Nhưng đây không phải nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính do các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố tình buộc tội oan cho bị cáo”, bị cáo Hưng trình bày.
Tự bào chữa, bị cáo Hưng còn cho rằng, Cơ quan An ninh điều tra đã vi phạm rất nhiều nội dung trong Bộ luật tố tụng hình sự, được quy định tại các điều 13, 15, 17, 19, 85, 70, 79, 189, 233…. Bị cáo Hưng cho rằng, từ định kiến và nóng vội, cơ quan điều tra đã vội vàng khởi tố bị cáo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không có chứng cứ nào, chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Tuấn. “Bị cáo không có bất cứ cơ hội nào được giải trình, trình bày về lời khai của anh Tuấn”, bị cáo Hưng trình bày tiếp.
Theo cựu điều tra viên, khi bị cáo nhận quyết định khởi tố, bị cáo đã kêu oan, nhưng cơ quan điều tra không có buổi hỏi cung nào với bị cáo, cho đến gần 3 tháng sau đó, trước khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra mới dành 10 giờ đồng hồ để hỏi cung bị cáo.
Khi bị cáo yêu cầu được xem căn cứ buộc tội nhưng không có, chỉ có lời khai của bị cáo Tuấn. “Cơ quan điều tra đã viện dẫn những nội dung không đúng sự thật để định hướng người đọc hiểu theo chiều hướng bất lợi cho bị cáo”, lời bị cáo Hưng.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, luật sư Trần Minh Tân hoàn toàn đồng tình với các nội dung mà Hoàng Văn Hưng tự bào chữa. Luật sư đề nghị tách hành vi của bị cáo Hưng ra thành một vụ án khác.
Liên quan đến 2 khoản tiền 350 ngàn USD và 450 ngàn USD, theo luật sư, bị cáo Hưng đã trình bày rõ ràng việc không có động cơ mục đích liên quan đến số tiền này. Bị cáo Tuấn khai đựng tiền trong chiếc cặp, còn bị cáo Hưng đã khai nhất quán xuyên suốt là có nhận chiếc cặp này tại trụ sở làm việc, nhưng trong đó có gì thì đang có sự mâu thuẫn giữa 2 lời khai.
Luật sư cho rằng, việc cựu điều tra viên khai có 4 chai rượu thì không được thực nghiệm điều tra. Luật sư đề nghị: Trên cơ sở xem xét hồ sơ vụ án, kiến nghị xem xét nếu không đủ căn cứ buộc tội bị cáo Hưng thì mong hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Trong trường hợp thấy rằng những hành vi của bị cáo Hưng và của người liên quan khác thì mong hội đồng xét xử xem xét tách vụ án, trả hồ sơ điều tra bổ sung để không làm ảnh hưởng tới việc xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu”.