Chuyện Việt Nam Thứ Tư 21 tháng 6 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Hơn 60 tổ chức nhân quyền kêu gọi Obama thúc giục VN trả tự do cho bà Minh Hồng
BBC News
Hôm 20/6/2023, sáu mươi lăm tổ chức nhân quyền và môi trường đã công bố một bức thư ngỏ gửi tới cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, yêu cầu ông công khai kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho nhà hoạt động khí hậu và học giả của Quỹ Obama, Hoàng Thị Minh Hồng.
Bà Hồng đã bị giam giữ mà không bị buộc tội vào ngày 31/5 và bị bắt vì tội “trốn thuế” vào ngày hôm sau.
Bức thư viết:
“Công an Việt Nam đã bắt giữ bà Hồng vào ngày 1/6/2023. Bà đang bị biệt giam và không được gặp luật sư. Chính phủ đang chuẩn bị truy tố bà Hồng với tội danh trốn thuế. Bà phải đối mặt với án tù bảy năm và nếu bị kết tội, bà có thể phải bị tù trong một hệ thống nhà tù nổi tiếng về tra tấn và thiếu trách nhiệm.”
Bức thư cũng lập luận rằng vụ bắt giữ bà Hồng là vụ mới nhất trong một loạt các vụ truy tố có động cơ chính trị, sử dụng các cáo buộc sai trái về trốn thuế để hình sự hóa các hoạt động bảo vệ khí hậu:
“Bà Hồng là nhà hoạt động khí hậu thứ năm bị bỏ tù trong hai năm qua tại Việt Nam vì bị cáo buộc trốn thuế. Đặng Đình Bách, một nhà hoạt động bị bỏ tù khác, đã bị kết án 5 năm tù sau khi ông vận động thành công để chính phủ loại bỏ carbon trong ngành năng lượng. Một cuộc điều tra nhân quyền, được công bố vào tháng Tư, đã ghi lại bằng chứng rõ ràng rằng các vụ truy tố này có động cơ chính trị và được thiết kế để hình sự hóa các hoạt động bảo vệ khí hậu bằng cách sử dụng các cáo buộc sai trái về trốn thuế.”
“Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố công khai kêu gọi trả tự do cho bà Hồng. Ông đã gặp bà Hồng và ca ngợi công việc của bà, và quỹ ông tiếp tục sử dụng tên và hình ảnh của bà trên trang web của mình. Vì vậy, có lẽ sẽ rất thích hợp nếu ông tham gia cùng Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại giao để đưa ra tuyên bố công khai của riêng ông kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà.”
Những người ký tên trong bức thư bao gồm các tổ chức nhân quyền hàng đầu, như Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers), và Những người bạn của Trái đất (Friends of the Earth).
Bức thư được đưa ra sau những tuyên bố công khai từ Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Đức về việc bắt giữ bà Hong.
Hôm 8/6, cộng đồng cựu sinh viên quỹ Obama đã gửi thư riêng cho Obama, yêu cầu ông can thiệp để đảm bảo bà Hồng được trả tự do. Hai ngày sau, Quỹ Obama đã đưa ra một tuyên bố trên tài khoản Instagram của mình kêu gọi “Việt Nam tôn trọng các quyền của bà Hồng”.
Cùng ngày, nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg cũng kêu gọi trả tự do cho bà Hồng.
Sau đó, ngày 15/6, Ban biên tập tờ Washington Post cho rằng Hoa Kỳ và các chính phủ G7 nên đặt điều kiện tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam bằng việc yêu cầu trả tự do cho bà Hồng và các nhà hoạt động khí hậu khác khỏi tù. Bất chấp ngày càng nhiều tiếng kêu gọi trả tự do cho bà Hồng, cựu Tổng thống Mỹ Obama cho đến nay vẫn im lặng.
“Ông Obama nên đẩy mạnh yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho bà Hồng,” ông Ben Swanton, Đồng Giám đốc Dự án 88 nói. “Một tuyên bố công khai của ông Obama có rất nhiều trọng lượng. Nó không chỉ giúp nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của bà Hồng trong giới chính trị Hoa Kỳ, mà còn tạo ra nhiều áp lực trong nước đối với chính phủ Việt Nam. Obama cực kỳ nổi tiếng ở Việt Nam. Nếu ông Obama kêu gọi trả tự do cho bà Hồng, chính phủ sẽ phải giải thích cho người dân Việt Nam lý do tại sao bà Hồng bị giam giữ.”
Bà Hồng bị bắt giữ thế nào?
Hôm 31/5/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng cùng với khoảng 15 nhân viên cũ và hiện tại và chồng của bà. Bà Hồng buộc phải thú nhận hành vi trốn thuế và vào ngày 1/6 và chính thức bị bắt theo điều 200 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong khi các nhân viên và chồng bà được trả tự do, bà Hồng hiện bị giam giữ biệt lập trước khi xét xử.
Ben Swanton, Đồng Giám đốc Dự án 88 nhận định rằng do đây là vụ bắt giữ có động cơ chính trị nên có thể phải mất một thời gian dài, có khi tới một năm, trước khi bà Hồng được đưa ra xét xử và kết án.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam tới nay chưa công bố chính thức lý do bắt giữ bà Hồng.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo phong trào chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Năm 2013, bà Hồng thành lập Trung tâm Hành động Chung tay và Kết nối vì Tăng trưởng và Môi trường (CHANGE), một tổ chức ủng hộ các hoạt động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. CHANGE là thành viên của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, một liên minh vận động chính sách đã bị buộc phải giải tán sau khi 4 lãnh đạo của liên minh này bị bỏ tù vì tội trốn thuế trong giai đoạn 2021-2022.
Năm 2017, CHANGE đã tổ chức kiến nghị ngừng xây dựng một nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Long An của Việt Nam, đã thu được hơn 15.000 chữ ký và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, công việc này đã buộc phải dừng lại sau khi cảnh sát can thiệp.
Bà Hồng nói rằng “các chữ ký đã được lên kế hoạch gửi cho các chủ sở hữu và nhà đầu tư Hàn Quốc, và các nhà lãnh đạo chính phủ Việt Nam, nhưng do sự đàn áp của cảnh sát trong thời gian đó, chúng tôi quyết định không gửi kiến nghị.”
Theo ông Swanton, hoạt động tích cực của CHANGE khiến tổ chức này trở thành kẻ thù của ngành than.
Bà Hồng đã không giấu giếm điều này và trong một bài báo đăng trên báo nhà nước Việt Nam, bà được trích dẫn nói rằng “ngành than là vô đạo đức”.
Bối cảnh vụ bắt giữ
Việc bắt giữ các các nhà hoạt động khí hậu hàng đầu của Việt Nam diễn ra vào thời điểm chính phủ Việt Nam đang trong quá trình đàm phán các chi tiết của Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JET-P) trị giá 15 tỷ USD với khối G7 cộng, Đan Mạch và Na Uy.
Theo thỏa thuận, Việt Nam được cho là sẽ phải đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và bình đẳng, cần phải có sự tham vấn thường xuyên với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác. Tuy nhiên, ông Swanton lưu ý rằng “nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, thì sẽ không còn tổ chức dân sự độc lập nào tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.”
https://www.bbc.com/vietnamese
Báo cáo mới: Ba thập niên đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ở Việt Nam
20/6/2023
Người Việt Nam biểu tình ở TPHCM hôm 10/6/2018 phản đối dự luật đặc khu
AFP
Một báo cáo mới của Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) công bố hôm 20/6 tố cáo chính quyền Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa tại Việt Nam trong suốt hơn ba thập niên qua.
“Sự trấn áp bao gồm: sử dụng vũ lực thô bạo không cần thiết, bắt bớ, giam giữ, kết án tùy tiện, và các hình thức đánh đập, sách nhiễu, tấn công đối với các nhà lãnh đạo biểu tình, những người tham gia và những người đồng tình.” – Thông cáo báo chí của FIDH và VCHR cho biết.
Bản phúc trình dài 58 trang liệt kê một loạt các vụ biểu tình, tập trung nổi tiếng ở Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp bao gồm: các vụ khiếu kiện, biểu tình của các dân oan mất đất, của những nông dân phản đối quan chức địa phương tham nhũng như vụ Thái Bình vào năm 1997, các vụ cưỡng chế đất ở Hà Nội và TPHCM trong giai đoạn những năm 2000, vụ hàng ngàn người Thượng biểu tình ở Tây nguyên vào năm 2001 và 2004, vụ đàn áp người dân ở xã Đồng Tâm (ngoại thành Hà Nội) hồi năm 2020, các cuộc tập trung, biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội và TPHCM năm 2011, biểu tình phản đối công ty Formosa thải chất độc ra biển Việt Nam năm 2016, cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân phản đối dự luật đặc khu và Luật an ninh mạng hồi năm 2018, các vụ đàn áp tôn giáo bao gồm đạo Dương Văn Mình, Hòa Hảo…
Theo báo cáo mới, mặc dù Hiến pháp Việt Nam khẳng định người dân Việt Nam có các quyền về tự do bày tỏ ý kiến, tự do tập trung, lập hội, nhưng Quốc hội Việt Nam suốt hơn 10 năm qua vẫn không thể thảo luận và thông qua một luật cụ thể đảm bảo quyền biểu tình của người dân.
Không những thế, Bộ luật Hình sự Việt Nam còn sử dụng các điều luật bị cho là đi ngược với các công ước quốc tế về nhân quyền. Đó là các Điều 109 – “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, Điều 117 – “Tuyên truyền chống Nhà nước”, Điều 331 – “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Đây là những điều luật thường được dùng để kết án những người dám chỉ trích chính quyền.
Theo báo cáo, những người tham gia các cuộc biểu tình ở Việt Nam bị bắt giữ và thường bị chuyển đi các trại giam xa gia đình, tạo thêm khó khăn cho người thân của họ khi muốn thăm nuôi. Những người này sau khi ra tù thường còn phải chịu án quản chế từ một đến năm năm.
Những nhà hoạt động nhân quyền bị tuyên án tù và thường bị đẩy ra nước ngoài. Các trường hợp nổi tiếng trong các năm gần đây gồm: luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Bắt giữ 74 người liên quan đến vụ nổ súng ở Đắk Lắk
20/6/2023
Thiếu tướng Lê Vinh Quy – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk trong cuộc họp ngày 20/6/2023
Công An Nhân Dân
Tổng cộng 74 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ nổ súng ở hai trụ sở xã tại tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 vừa qua, đã bắt hết “các đối tượng cầm đầu” vụ tấn công. Đó là thông báo hôm 20/6 được Thiếu tướng Lê Vinh Quy – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nói với báo chí trong cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam diễn ra hôm 20/6.
Theo thông tin được Bộ Công an cung cấp, vào sáng sớm ngày 11/6, có hai nhóm đối tượng gồm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công và trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân. Ngoài ra còn có ba người dân bị bắt làm con tin, một người trong số này tự giải thoát, hai người còn lại được giải thoát sau đó.
Sau vụ nổ súng, công an đã được huy động để truy bắt những người bị tình nghi có liên quan đến vụ việc. Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội và được người dân cung cấp cho RFA cho thấy hình ảnh những người Thượng bị trói tay và bắt giữ.
Trong cuộc gặp vào ngày 20/6, người đứng đầu cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, “tất cả các đối tượng cầm đầu của vụ tấn công này đều đã bị bắt giữ. Hiện chỉ còn hai đối tượng đang bỏ trốn nhưng không có vai trò chủ chốt và lực lượng công an đang quyết tâm truy bắt bằng được để xử lý theo quy định.”
Ông Lê Vinh Quy cho biết thêm, một số người thuộc nhóm tấn công này bị các tổ chức phản động nước ngoài lôi kéo qua Internet.
Những người này sau đó lợi dụng các mâu thuẫn nhỏ, các bất cập ở địa phương để lôi kéo thêm những người khác từ các buôn làng khác tham gia.
“Họ đồn thổi việc không công bằng trong chính sách dân tộc, đất đai gây chia rẽ, mất đoàn kết.
Với thủ đoạn này, nhóm đã tập hợp nhau lại, chuẩn bị vũ khí để tấn công trụ sở UBND hai xã với mong muốn sẽ thành lập nhà nước riêng.” – Ông Lê Vinh Quy phát biểu tại hội nghị.
Các tổ chức người Thượng mà RFA liên lạc khẳng định họ không có liên quan đến vụ việc và lên án việc sử dụng bạo lực.
Quan thanh tra tham nhũng bị kỷ luật vì tham nhũng
Lê Thiệt /SGN
20/6/2023
Biếm họa tham nhũng của Nguyễn Quang Phan
Cán bộ, đảng viên cao cấp tham nhũng quá, dân tình ca thán thấu trời, nên ông Trọng ra lệnh thành lập ngay lập tức các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, để “xử lý cán bộ biến chất, lấy lại niềm tin của dân chúng”.
Đó là chuyện của năm ngoái.
Sau một năm hoạt động, ngày 19 Tháng Sáu tại Hà Nội Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Chỉ một năm thôi mà các ban chỉ đạo tỉnh thành này khởi tố được 530 vụ án, với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong số này có tới 1.132 bị can là cán bộ, đảng viên trung, cao cấp.
Con số đó được đánh giá là “chưa hoàn thành nhiệm vụ”. Lý do dễ hiểu là rất nhiều Chánh Thanh tra, Phó Thanh tra, và trưởng các bộ phận thanh tra “dính chàm” khi thanh tra tham nhũng.
Nói rõ hơn là họ “nhận quà trên mức tình cảm” của các lãnh đạo tỉnh, thành khi các ông đó bị thanh tra. Nói trắng ra là họ bị các quan tham nhũng mua chuộc bằng rất tiền và đôi khi, cả gái đẹp nữa.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá rằng, khi đã cầm tiền và ôm gái thì các ông Chánh, Phó Thanh tra sẵn sàng làm vụ án tham nhũng trở thành “thiếu trách nhiệm”, thay vì khởi tố thì chỉ kiểm điểm cảnh cáo nội bộ mà thôi.
Thế là Ban Chỉ đạo Trung ương phải thành lập thêm Đoàn Thanh tra Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Nhờ đó mới “phát hiện và xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực”.
Điển hình, An Giang kỷ luật 15 tổ chức đảng, 72 đảng viên trong các cơ quan bảo vệ pháp luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quảng Bình kỷ luật Phó Chánh Thanh tra tỉnh; Cần Thơ kỷ luật Phó Chánh Thanh tra thành phố; Lai Châu khởi tố Chánh Thanh tra tỉnh; Lâm Đồng khởi tố Chánh Thanh tra tỉnh.
Từ những kết quả tréo ngoe đó, dư luận cho rằng cuối cùng cuộc chiến chống tham nhũng cũng chỉ là cuộc tranh giành ghế giữa hai phe phái trong nội bộp đảng. Chứ nếu nói muốn diệt tham nhũng, thì phải khởi tố người đứng đầu đàng CSVN trước, vì ông ta đã nuôi dưỡng tham nhũng như một thứ virus độc hại, để cả hệ thống bị lây nhiễm.
Giả từ thiện, lừa gần sáu ngàn người lấy hơn 5 tỷ đồng
Lê Thiệt /SGN
Hoàng Công Trường tại cơ quan công an. Ảnh: Pháp Luật Online
Cú lừa đảo này không mới, nhưng vẫn thành công do biết đánh vào lòng thương người của người khác.
Theo điều tra, từ đầu năm 2021, Hoàng Công Trường (37 tuổi, trú tại phường 10, quận Gò Vấp, Sài Gòn) nhận ra rằng không có gì kiếm tiền dễ bằng cách đi… lừa đảo. Một trong những kế lừa đảo nhẹ nhàng nhất là làm từ thiện giả.
Thế là Trường gia nhập một số nhóm trên Facebook để tạo dựng mối quan hệ cộng đồng. Sau đó, hắn tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, tải hình ảnh và nội dung về máy tính rồi “xào nấu” câu chuyện sao cho “lâm ly bi đát”, rồi đăng lên Facebook, kêu gọi mọi người góp tiền cứu người bằng cách chuyển tiền vào tài khoản của hắn.
Trong số đó có bài viết, hình ảnh kêu gọi giúp đỡ tiền cho cháu Hoàng Duy Q. (SN 2015, ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông (kèm theo một số giấy tờ liên quan).
Theo điều tra từ cơ quan chức năng, chỉ từ Tháng Giêng đến Tháng Sáu năm 2021, đã có 5,887 người hảo tâm ở nhiều nơi chuyển cho Trường hơn 5.6 tỉ đồng ủng hộ từ thiện, tiền hỗ trợ mai táng. Theo thống kê bước đầu của công an, người chuyển nhiều nhất là hơn 5 triệu đồng và ít nhất là 20 nghìn đồng.
Chưa rõ là trong số người bị lừa gạt, có người Việt nào ở nước ngoài không.
Điều nhẫn tâm là những người có hoàn cảnh đáng thương không nhận được một chút tiền trợ giúp nào từ các nhà hảo tâm. Tất cả số tiền quyên góp được, Trường tiêu xài hoang phí.
Mãi đến ngày 20 Tháng Sáu năm 2023, Công an TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam Trường về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây không phải là vụ lừa đảo hy hữu, mà trở thành phong trào làm từ thiện giả, lấy tiền thiệt. Công an cũng triệt phá được nhiều vụ, nhưng toàn là “trễ một bước” khiến nhiều người bị mất hàng tỷ đồng, trước khi tên lừa đảo tra tay vào còng.
Hàng loạt thanh niên Hà Tĩnh lại đổ xô đi “tìm đường cứu nước”
An Vui /SGN
Hình ảnh tóm gọn bài báo của VietnamNet hôm 19 Tháng Sáu trên Facebook, nêu tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT chọn đi làm công nhân lao động ở nước ngoài là “thực trạng đáng buồn” – Ảnh chụp màn hình Facebook
Thực trạng thất nghiệp, công việc trái chuyên môn, thu nhập thấp sau khi tốt nghiệp đại học (ĐH) trong nước đã khiến nhiều học sinh tốt nghiệp trung học ở Hà Tĩnh đổ xô tìm đường đi lao động ở xứ người.
Phóng sự của VietnamNet ngày 19 – 20 Tháng Sáu 2023 cho biết: Những năm gần đây, nhiều học sinh ở vùng quê Hà Tĩnh như xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân), Mỹ Lộc, Thiên Lộc (huyện Can Lộc), Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Thạch Bằng, Thạch Kim (huyện Lộc Hà)… sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông (THPT) đã không vào ĐH mà tìm đường đi lao động ở xứ người.
Trong số đó, có không ít học sinh giỏi, từng được những trường ĐH có tiếng trong nước tuyển chọn. Từ quyết định chọn đường sang nước ngoài lao động, các em đã chắt chiu gửi tiền về cho cha mẹ xây cất những ngôi nhà khang trang, thay đổi hẳn bộ mặt của những thôn xóm trước kia nghèo khó. Đổi lại, số lượng học sinh học ĐH ở những nơi này ngày càng giảm, thậm chí có làng xã, nhiều năm liền không có sinh viên ĐH.
Em Nguyễn Thị Mai H. (SN 2004, ngụ xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết, năm ngoái em đậu vào trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế nhưng không học mà đang ôn luyện IELTS đạt 5.5 để hoàn thiện hồ sơ đi du học nghề ở Australia.
Mai H. kể cả lớp có 42 bạn thì đến 24 bạn không có nguyện vọng vào ĐH mà lựa chọn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada du học nghề và một số bạn chọn học ngoại ngữ tiếng Hàn, tiếng Nhật để đi xuất cảng lao động. Thôn Xuân Hải nơi H. ở có gần 300 gia đình thì đã có 193 người đi lao động ở xứ người, đa số là học sinh vừa tốt nghiệp THPT.
Như minh chứng cho lời kể của Mai H., trưởng thôn Xuân Hải là ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết từ năm 2018 đến nay, toàn thôn chỉ có ba em đang theo học ĐH! Ông Thọ thống kê, niên khóa 2019- 2020, trong thôn có 17 em hoàn thành THPT, ba em có giấy báo trúng tuyển các trường ĐH. Tiếp đó, niên khóa 2020- 2021 có 15 em tốt nghiệp THPT, ba em đậu ĐH nhưng không em nào đi học.
Hơn 10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (SN 1971, ngụ thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) thuộc loại nghèo, nhưng từ khi hai người con của ông đi lao động ở Đức, cuộc sống của gia đình họ đã sang trang. Ông Minh tự hào kể với VietnamNet:
“Hai con tôi không ai đi học ĐH nhưng vẫn kiếm được nhiều tiền. Tốt nghiệp THPT, hai đứa theo học một khóa nấu ăn ở Sài Gòn rồi sang Đức làm phụ bếp. Hiện mỗi tháng hai cháu gửi về hơn 100 triệu đồng”.
Ngoài gia đình ông Minh, cả xã Thiên Lộc hiện sống sung túc nhờ tiền của con cái đi lao động ở xứ người gửi về.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) cũng có năm người con học lực khá giỏi, tuy nhiên không ai học tiếp ĐH. Bốn con gái của bà Hoa đi Nhật Bản lao động, con trai út đang học tiếng Hàn để đi tiếp.
Bà Hoa phân trần: “Đi học đại học mất thời gian hơn bốn năm và khoản học phí không nhỏ nhưng không chắc chắn về cơ hội việc làm. Vì suy nghĩ đó nên các con tôi chọn ra nước ngoài làm việc, có cơ hội kiếm được khoản tiền lớn. Khi có kinh tế, các con sẽ tự chủ trong cuộc sống”.
Học bạ năm lớp 12 của em Hoàng Thị T. (xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tuy thuộc loại giỏi vẫn quyết định xin đi làm công nhân ở Nhật Bản – Ảnh: VietnamNet
Gia đình bà Nguyễn Thị Thu, mẹ của em Nguyễn Thị H. (SN 1988, ngụ thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) cũng hài lòng với quyết định đi làm việc Hàn Quốc của con. Thời điểm năm 2016, em Nguyễn Thị H. đậu vào ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Ngoại thương nhưng bỏ. Hiện em học tập và làm việc ở Hàn Quốc, có mức thu nhập tốt, hằng tháng gửi 10 triệu đồng về biếu cha mẹ.
Bà Thu chia sẻ: “Con gái tâm sự chưa từng hối hận với quyết định của mình, đi lao động ở nước ngoài tuy vất vả, phải xa bố mẹ nhưng đổi lại thu nhập cao. Một tháng lương con làm bên Hàn Quốc bằng bố mẹ làm cả năm”.
Ông Đặng Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc), nhẩm tính: “Toàn xã có hơn 1,500 người đang lao động ở nước ngoài, tập trung ở các nước châu Âu. Trung bình mỗi cá nhân gửi về 30 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi năm có hàng trăm tỷ đồng được gửi về”.
Một hiệu trưởng của trường THPT thuộc huyện Can Lộc cho biết năm học 2021-2022, trường chỉ có 30% đăng ký vào ĐH, còn lại đi xuất cảng lao động. Học xong THPT rồi đi lao động ở xứ người đang trở thành trào lưu nên học sinh chỉ học chiếu lệ, thứ hạng của nhà trường trong toàn tỉnh do vậy cũng bị ảnh hưởng (!?)
Còn tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, có tổng cộng 1,580 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Bộ mặt làng xã đổi thay nhờ nguồn tiền từ nước ngoài gửi về, với hàng trăm ngôi nhà hai – ba tầng xây dựng kiên cố, tiện nghi đầy đủ, rất nhiều gia đình sắm xe hơi để đi lại.
Ông Nguyễn Thái Phi, Hiệu trưởng trường THPT Mai Thúc Loan (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết thêm thời gian gần đây, những gia đình có điều kiện tài chính còn hướng con em đi theo diện du học nghề, vừa học, vừa làm ở một số nước như Australia, Canada, Pháp…
Thầy Lê Hoài N., Hiệu phó một trường THPT ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, cũng kể trước đây đa số các em học sinh giỏi đều chọn vào các trường ĐH Top đầu, tuy nhiên hiện nay, ngay cả học sinh giỏi, xuất sắc cũng chuyển hướng đi lao động ở xứ người hoặc vừa học vừa làm ở nước ngoài.
Thầy N. cho biết niên khóa vừa qua, nhà trường có hai học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh môn Địa lý, nằm trong đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia nhưng từ chối không tham gia vào đội tuyển để ôn luyện, với lý do các em chỉ muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT và dành thời gian học tiếng Hàn, tiếng Nhật… và các kỹ năng nghề phù hợp để đi lao động xứ người.
Một dãy nhà khang trang được xây lên ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, bằng tiền con em họ đi lao động ở xứ người gửi về – Ảnh: VietnamNet
Bức tranh chọn lựa nghề lao động ở xứ người của thanh niên Hà Tĩnh đã làm bạn đọc Tâm Văn của VietnamNet thốt lên: “Như vậy giáo dục đại học nước ta có ý nghĩa gì, nếu không nói là lãng phí?”, còn bạn đọc Linh Bùi gật gù: “Một sự lựa chọn quá sáng suốt… Học đại học xong rồi không xin được việc thì cũng đi làm công nhân, lương cũng chỉ gần 10tr, đi học nghề rồi đi lao động xứ người sau một năm là đã có lương 20tr đến 30tr…”.
Cuối cùng, bạn đọc Khải Phan cho biết: “Ngày xưa có con vào đại học là niềm tự hào của cả gia đình, làng xóm, nhưng giờ cứ có tiền là có thể học đại học rồi, vậy nên bỏ kiểu tính thành tích xã có bao nhiêu cháu vào đại học mà quan trọng là xã có bao nhiêu gia đình khá giả”.
Cần nói thêm, năm 2022, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới, với tổng số tiền từ người lao động ở nước ngoài gửi về năm 2022 là $19 tỷ, cao hơn $1 tỷ so với năm 2021.
Theo các bài viết trên trang Macaubusiness, Manilatimes và The Star của Malaysia hồi đầu Tháng Hai 2023, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đã tăng gần 5% năm 2022 và có thể tăng 3.6 – 4.5% trong những năm tiếp theo.
Nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia có số lượng lớn người định cư ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Số còn lại đến từ người lao động đi lao động xứ người, chủ yếu là thanh niên ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Ngày 6 Tháng Hai 2023, VTV dẫn số liệu của Bộ Lao động Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2022, có khoảng 600,000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề, đóng góp hơn $3 tỷ kiều hối mỗi năm.