Chuyện Việt Nam Thứ Tư 23/8/2023: *KBank Thái Lan mua Home Credit Vietnam * Các hãng đất hiếm tìm đến Việt Nam * Việt Nam chặn báo Đức sau điều tra về Nguyễn Thị Thanh Nhàn *Người Khmer Krom biểu tình trước tòa đại sứ CSViệt Nam tại DC


Quê Hương tổng hợp


KBank Thái Lan ‘đang đàm phán để mua Home Credit Vietnam trong thỏa thuận 1 tỷ USD’

BBC News

23/8/2023

KBank

Nguồn hình ảnh, Reuters

Ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan Kasikornbank đang đàm phán để mua nhà cung cấp tài chính tiêu dùng Home Credit Vietnam trong một thỏa thuận lên tới một tỷ USD để mở rộng hơn nữa ở Việt Nam, hai nguồn tin của Reuters cho hay.

Ngân hàng Kasikornbank, hay còn gọi là KBank, có trụ sở tại Bangkok, hi vọng sẽ trở thành một trong 20 ngân hàng hàng đầu Việt Nam về tài sản vào 2027. Tổng tài sản của ngân hàng này trị giá 119,7 tỷ USD, chỉ đứng sau Bangkok Bank tại Thái Lan, theo số liệu của Refinitiv. 

Thông tin này được công bố vào thời điểm các ngân hàng Việt Nam đang chịu áp lực khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản làm gia tăng nợ xấu và gây ra các đợt cắt giảm lãi suất trên diện rộng. 

Một thỏa thuận tiềm năng sẽ nhấn mạnh một khuynh hướng hợp nhất trong lĩnh vực tài chính ở châu Á và biến KBank trở thành giao dịch M&A lớn thứ hai trong ngành công nghiệp tài chính của Việt Nam vào năm nay sau khi bán 1,5 tỷ USD cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cho Sumitomo Mitsui của Nhật Bản vào tháng Ba, theo số liệu của Refinitiv. 

KBank đã đàm phán với các chuyên gia tài chính để tìm hiểu về khả năng mua lại, theo hai nguồn tin, dù các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và chưa có kết luận cuối cùng nào được đưa ra. 

“KBank hiện đang vận hành giải pháp KBank Biz Loan, một dịch vụ tín dụng cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Một thỏa thuận tiềm năng với Home Cretdit sẽ cho phép ngân hàng này thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ,” theo một trong các nguồn tin. 

KBank và Home Credit Group không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Việt Nam, với hơn 100 triệu dân, sở hữu dân số trong độ tuổi lao động đang tăng nhanh. KBank ước tính hơn 69% dân số Việt Nam không có tài khoản ngân hàng, cao nhất trong khu vực châu Á. 

Vào tháng Sáu, KBank đã có được sự chấp thuận từ ngân hàng trung ương Việt Nam để tăng vốn cốt lõi cho kế hoạch kinh doanh ở Việt Nam lên 285 triệu USD từ 80 triệu USD, để trở thành ngân hàng nước ngoài lơn thứ Hai.

KBank đã đặt mục tiêu 400 triệu USD thu nhập ròng, với dư nợ 180 triệu bath (5,13 tỷ USD) và cơ sở khách hàng là 8,4 triệu trong năm 2027.

Home Credit Vietnam, một phần của tổ chức phi tài chính ngân hàng Home Credit Group có trụ sở chính tại Hà Lan, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 2008 và hiện có tới 6000 nhân viên, phục vụ 12 triệu khách hàng, theo webiste của công ty này. 

Bên cạnh các khoản vay bằng tiền mặt, ngân hàng này còn có các khoản vay trả góp để mua xe máy và và đồ tiêu dùng. KBank có 9000 chi nhánh ở Việt Nam, theo thông tin trên website.

Home Credit Group nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn đầu tư lớn nhất cộng hòa Séc, PPF, do cố triệu phú Petr Kellner thành lập. Công ty đã báo cáo một khoản thua lỗ lơn trong nửa đầu năm 2022, chủ yếu do ảnh hưởng từ việc bán các sản phẩm từ Nga. 

https://www.bbc.com


Reuters: Các hãng nam châm đất hiếm tìm đến Việt Nam để tránh lệ thuộc Trung Quốc 

22/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Công nhân vận chuyển đất có chứa đất hiếm tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Tiềm năng đất hiếm của Việt Nam, hiện đang có trữ lượng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, đang ngày càng thu hút các công ty tới đây.

Công nhân vận chuyển đất có chứa đất hiếm tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Tiềm năng đất hiếm của Việt Nam, hiện đang có trữ lượng lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, đang ngày càng thu hút các công ty tới đây. 

Các công ty nam châm của Hàn Quốc và Trung Quốc, bao gồm cả nhà cung chấp cho hãng Apple của Mỹ, chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam, theo nguồn tin riêng của Reuters, trong bối cảnh các doanh nghiệp thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và tránh rủi ro vì căng thẳng Trung-Mỹ.

Bản tin độc quyền của Reuters, dựa trên các tài liệu và những nguồn thạo tin, cho biết rằng Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc và Baotou INST Magnet của Trung Quốc bắt đầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng, trong bối cảnh các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng, thậm chí còn bị khách hàng yêu cầu di dời khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc được xem là thống trị việc sản xuất nam châm và kim loại đất hiếm. Nam châm là cấu phần quan trọng trong việc sản xuất các sản phẩm như ô tô điện, tuốc bin gió, vũ khí và điện thoại thông minh, khiến cho ngành sản xuất này trở thành quan trọng về mặt chiến lược. Theo Reuters, có rất ít nỗ lực để thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Theo những người trong ngành được Reuters trích lời cho biết, tiềm năng đất hiếm cùng với ngành công nghiệp chế biến còn non trẻ khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh lớn hơn bao giờ hết.

Đưa ra ví dụ, Reuters nói rằng Dự án Việt Nam của SGI nhắm mục tiêu đạt sản lượng 5.000 tấn nam châm neodymium cao cấp mỗi năm, đủ cho việc sản xuất ra 2 triệu xe điện (EV).

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ sản xuất được 1% sản lượng nam châm trên thế giới, so với 92% của Trung Quốc, theo dữ liệu của Adamas Intelligence được trích dẫn trong báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ mà Reuters đưa ra.

Hơn nữa, vẫn theo hãng tin Anh, một số nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất số lượng nam châm gấp 10 lần dự án của SGI và Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc khai thác và chế biến quặng.

Nhưng theo ước tính của Project Blue, một công ty tư vấn vật liệu hàng đầu, được Reuters trích dẫn, nhà máy của SGI khi hoạt động hết công suất sản xuất được gần 3% sản lượng toàn cầu của năm 2022. Sản lượng này, theo dữ liệu thương mại của Hoa Kỳ, tương đương với gần một nửa lượng nam châm neodymium nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái.

Các quan chức Mỹ đã cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của họ đối với tiềm năng đất hiếm của Việt Nam giữa lúc có những thảo luận về việc nâng cấp mối quan hệ song phương giữa hai nước, theo Reuters. Hàn Quốc hồi tháng 6 cũng đã ký kết với Việt Nam một hiệp định để thúc đẩy chuỗi cung ứng loại khoáng sản chiến lược này.

Các nhà sản xuất nam châm cũng bị thu hút tới Việt Nam vì chi phí lao động thấp và khả năng tiếp cận nhiều hiệp định thương mại tự do. Những người trong ngành cho Reuters biết rằng các nhà sản xuất này muốn tiến gần hơn đến các khách hàng có trụ sở tại Việt Nam, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô và các công ty điện tử, vốn đang ngày càng cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc giữa bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng nam châm, từ khai thác đất hiếm đến sản xuất hạ nguồn, theo một nhà tư vấn trong ngành ở Việt Nam nói với Reuters trong điều kiện ẩn danh.

Chính phủ Việt Nam có kế hoạch mở rộng việc sản xuất đất hiếm với mục tiêu tăng sản lượng khai thác lên 2 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Việt Nam đang sở hữu trữ lượng dự trữ đất hiếm trị giá khoảng 3.000 tỷ USD, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS). Bộ năng lượng Mỹ ước tính rằng công suất tinh chế đất hiếm mà Việt Nam đang nhắm tới vào cuối thập niên này sẽ chiếm 3% thị phần toàn cầu.

Tuy nhiên, “bất kỳ ai đang cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng từ (khai thác) mỏ đến (tạo ra) nam châm sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức,” ông David Merriman của Project Blue cho Reuters biết.

SGI, công ty cung cấp nam châm cho nhà sản xuất ô tô điện VinFast của Việt Nam và Hyundai Motor của Hàn Quốc, nói với Reuters rằng họ đang đầu tư 80 triệu USD vào nhà máy mới tại Việt Nam với việc sản xuất bắt đầu từ năm sau. Nhà máy này sẽ giúp tăng gấp đôi sản lượng hiện tại của công ty là 3.000 tấn/năm từ các nhà máy ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

SGI mô tả khoản đầu tư này là một phần của biện pháp nhằm đối phó với các hạn chế thương mại có thể xảy ra ở Trung Quốc.

“Chính sách của Trung Quốc về kiểm soát nguyên liệu thô và công nghệ liên quan đến đất hiếm đang được tăng cường, dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung”, SGI được Reuters trích lời cho biết.

Công ty này cho hay nguồn cung đất hiếm của họ phần lớn từ Trung Quốc nhưng họ đang tìm kiếm các nguồn thay thế ở Việt Nam và Úc cũng như đang có kế hoạch phát triển một cơ sở chế biến tại Việt Nam.

Còn công ty INST của Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu tháng tới với một nhà máy mà họ thuê ở miền Bắc Việt Nam. INST, một công ty nam châm lớn chuyên thiết kế mạch, đã được thêm vào danh sách nhà cung cấp của Apple vào năm 2021. Một nguồn tin nói với Reuters rằng việc mở rộng sang Việt Nam của INST là theo yêu cầu của khách hàng, không được nêu tên cụ thể, muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.

Luxshare và Foxconn là những nhà cung cấp lớn của Apple đang có mặt tại Việt Nam.

Nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết khoản đầu tư ban đầu của INST được giới hạn ở con số vài triệu USD và giai đoạn thứ 2 có thể sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng nhà máy riêng.

Trong số các nhà máy sản xuất nam châm ở Việt Nam, Shin-Etsu Chemical của Nhật Bản đã mở rộng sản xuất của họ trong năm nay. Trước đó, công ty này đã tăng gấp đôi công suất hàng năm lên 2.200 tấn vào năm 2017, theo tuyên bố của công ty và thông tin chi tiết trên trang web tư vấn của Obayashi được Reuters dẫn lại.

Công ty Vật liệu Chiến lược của Australia hồi tháng 4 đã ký thỏa thuận với một nhà máy lọc dầu của Việt Nam, trong đó cam kết cung cấp đất hiếm để xuất khẩu sang Hàn Quốc, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com


RSF lên án Việt Nam chặn báo Đức sau bài điều tra liên quan đến Nguyễn Thị Thanh Nhàn 

22/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Bài viết về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên trang web của tờ báo Taz. RSF lên án việc trang mạng của tờ báo Đức bị chặn ở Việt Nam sau khi bài viết này được đăng tải.

Bài viết về bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên trang web của tờ báo Taz. RSF lên án việc trang mạng của tờ báo Đức bị chặn ở Việt Nam sau khi bài viết này được đăng tải. 

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án Việt Nam chặn trang mạng của báo Taz sau khi tờ báo Đức đăng bài viết về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị Việt Nam truy nã, được cho là đang sống ở Đức và có nguy cơ bị đặc vụ Việt Nam bắt cóc.

Tổ chức chuyên bảo vệ cho tự do báo chí toàn cầu có trụ sở ở Pháp cho biết rằng chính quyền Việt Nam “rõ ràng đã chặn trang web của nhật báo Taz”. Trong tuyên bố đưa ra hôm 8/8, RSF nói rằng họ đưa ra nhận định như vậy dựa trên các nguồn tin và đánh giá của họ.

Theo RSF, trang mạng của Taz bị chặn ở Việt Nam sau khi tờ báo này đăng bài điều tra về “một vụ bắt cóc có thể sắp được mật vụ Việt Nam tiến hành tại Đức”, nơi mà cách đây 6 năm ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam lúc đó đang bị truy nã, cũng được cho là bị bắt cóc đưa trở về Việt Nam.

Theo kiểm chứng của VOA hôm 22/8, trang web của báo Taz vẫn không truy cập được ở Việt Nam nếu không dùng phần mềm đặc biệt để vượt kiểm duyệt, như VPN.

Tờ Taz hôm 6/8 công bố một bài điều tra của nhà báo Marina Mai và Konrad Litschko, trong đó nói rằng “Các mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một quan chức phản bội ở Berlin” và rằng “giờ đây một phụ nữ phải đối mặt với số phận tương tự”.

Bài báo này tiết lộ rằng bà Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC và được cho là có vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí cho quân đội Việt Nam từ nước ngoài, đã đến sinh sống ở Đức trong vài tháng qua. Vẫn theo điều tra của Taz, Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, người bị kết án vắng mặt với bản án hàng chục năm tù, lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan của chính phủ Đức từ chối.

Tờ Taz dẫn lời Bộ Ngoại giao Đức cảnh báo rằng họ “sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”.

Đức cho rằng ông Thanh, cựu chính trị gia và từng là chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hồi tháng 7/2017 khi đang xin tị nạn tại quốc gia châu Âu này mặc dù Việt Nam nói rằng ông Thanh tự về “đầu thú”. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sau đó bị đình trệ một thời gian vì vụ việc trước khi được nối lại. Ông Thanh bị Việt Nam tuyên án tổng hợp tù chung thân vào năm 2018 với các tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước” và “tham ô tài sản”.

Còn bà Nhàn bị một tòa án ở Hà Nội xét xử vắng mặt hồi tháng 1 năm nay và bị tuyên tổng cộng 30 năm tù với các cáo buộc “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với mức thiệt hại 152 tỷ đồng.

Việt Nam hôm 16/8 nói rằng họ quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú.

Nhà báo Mai, người cùng điều tra viết bài về bà Nhàn cho tờ Taz, nói với VOA rằng độc giả của tờ báo ở Việt Nam thông báo về việc trang web của báo không truy cập được hai ngày sau khi bài viết trên được công bố. Theo nhà báo này, “Việt Nam không đưa ra lý do chính thức vì sao website của Taz bị chặn”.

“Chế độ Việt Nam đang trấn áp một cách có hệ thống đối với các thông tin quan trọng cả trong và ngoài nước thông qua việc sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau”, bà Helene Hahn, chuyên vận động cho Tự do Internet của RSF ở Đức, nói trong tuyên bố. “Chúng tôi cực lực lên án việc chặn trang web Taz, điều cho thấy chế độ Hà Nội sợ điều tra phản biện”.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội về tuyên bố của RSF cũng như những thông tin mà Taz đưa ra về bà Nhàn.

RSF trong năm nay đưa Việt Nam xuống thứ hạng 178/180 quốc gia trên thế giới về tự do báo chí, chỉ trên Trung Quốc và Triều Tiên, vì “tăng cường bịt miệng những tiếng nói của các đối thủ trong cuộc đấu đá nội bộ” trong Đảng Cộng sản.

Việt Nam vẫn luôn phản bác các báo cáo cho rằng Việt Nam nằm trong số các nước kiểm duyệt truyền thông nhiều nhất trên thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhiều lần khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam và được tôn trọng trên thực tế.

RSF cho biết đây không phải lần đầu tiên chính quyền Việt Nam hạn chế các nhà báo và phương tiện truyền thông phản biện có trụ sở ở Đức. Tổ chức này nói rằng bốn bài viết của nhà báo Lê Trung Khoa của Thoibao.de được đăng tải trên Facebook bị chặn ở Việt Nam “do các hạn chế pháp lý ở địa phương”. Ông Khoa xác nhận với VOA hôm 22/8 rằng các bài viết này có các liên kết đến các bài báo chỉ trích chính phủ Việt Nam của truyền thông Đức, bao gồm cả trang web của RSF.

Để phá vỡ sự kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam, RSF cho biết họ đã tạo ra một trang nhân bản để bạn đọc có thể truy cập vào website của Taz ở Việt Nam. Đây là một phần trong dự án hỗ trợ các phương tiện truyền thông bị ảnh hưởng bởi kiểm duyệt trên toàn thế giới của RSF. Tổ chức này hồi tháng 3 năm nay nói rằng họ đã khôi phục trở lại được 80 trang mạng bị chặn ở 24 quốc gia, trong đó phần nhiều ở Nga và Trung Quốc, trong dự án có tên Operation Collateral Freedom.

Trong email gửi VOA hôm 22/8, bà Hahn nói rằng “với dự án ‘Collateral Freedom,’ chúng tôi đang hỗ trợ các trang web truyền thông và tin tức trên toàn thế giới để đưa chúng trở lại trực tuyến nếu chúng bị kiểm duyệt hoặc bị chặn trong nước.” Đại diện của RSF cho biết taz.de đã truy cập được trở lại ở Việt Nam nhờ sự hỗ trợ này.

VOA Tiếng Việt nằm trong số các trang web bị chặn ở Việt Nam nhưng độc giả ở đây giờ có thể truy cập qua trang nhân bản được tạo ra theo phương thức tương tự.

https://www.voatiengviet.com


Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tuyên bố phá tường lửa của Việt Nam

RFA
23/8/2023

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tuyên bố phá tường lửa của Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và logo tờ Taz 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA Edited 

Tổ chức Phóng viên Không Biên (RSF) giới hôm 22 tháng 8 ra thông báo tuyên bố phá bỏ thành công bức tường lửa mà Việt Nam dựng lên để chặn truy cập đối với tờ báo Taz. 

Trước đó, chính tổ chức này đã cáo buộc chính quyền Việt Nam chặn báo Taz sau khi tờ báo của Đức này đăng tin chính quyền quốc gia Đông Nam Á muốn bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị truy nã và bị xử vắng mặt với bản án 30 năm tù giam vì tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ 

Trong diễn biến mới nhất, tổ chức chuyên đấu tranh cho tự do báo chí công bố họ đã giúp tờ báo của Đức thoát được tường lửa của Việt Nam, bằng cách sử dụng công nghệ “Operation Collateral Freedom”

Cụ thể, dựa vào loại công nghệ này, tổ chức Phóng viên Không biên Giới đã tạo ra một phiên bản sao của trang web của tờ báo Taz, sau đó sử dụng dịch vụ Content Delivery Network, là một dạng trung tâm dữ liệu thường do các đại công ty cung cấp, để phát tán bản sao trên. 

Theo tổ chức này, trong trường hợp cơ quan chức năng Việt Nam chặn bản sao trang web của tờ Taz, họ sẽ đồng thời phải chặn tất cả các trang web đang sử dụng dịch vụ của trung tâm dữ liệu trên. 

Có nghĩa là Việt Nam sẽ phải chặn rất nhiều trang web, trong đó có thể có cả những trang web quan trọng đối với người dùng ở trong nước. 

Trong thông cáo báo chí được đưa ra hôm 22 tháng 8, bà Helene Hahn, người phụ trách vận động cho tự do internet, của tổ chức Phóng viên Không Biên giới chi nhánh ở Đức, cho biết: 

Chế độ ở Việt Nam đang đàn áp một cách có hệ thống các tiếng nói phản biện cả ở trong lẫn ngoài nước, và họ sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau. Chúng tôi cực lực lên án việc chặn trang web taz, điều này cho thấy chế độ Hà Nội lo sợ những hoạt động báo chí điều tra mang tính phản biện.” 

Phóng viên RFA hôm 23 tháng 8 nhờ ba người ở các tỉnh thành khác nhau thực hiện kiểm chứng tuyên bố phá tường lửa của tổ chức này, và phát hiện trang web của tờ Taz vẫn không thể truy cập bình thường từ trong nước, một trong số họ phải dùng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để có thể truy cập vào.  

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do trong cùng ngày đã gửi email tới RSF để hỏi về sự việc này, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời. 

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam hạng 178 trên 180 quốc gia về mức độ tự do báo chí trong báo cáo Tự do Báo chí Thế giới năm 2023, và thuộc nhóm ba nước có mức độ tự do báo chí thấp nhất thế giới, cùng với Trung Quốc và Triều Tiên là hai quốc gia Cộng sản khác. 

https://www.rfa.org/vietnamese


Phe nhóm nào ra tay tàn độc với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành? 

Phạm Vũ Hiệp

Báo Tiếng Dân

22/8/2023

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/1-55-300x212.jpg

Chân dung Phó thủ tướng Lê Văn Thành và chữ ký của ông 

Thường khi bị bệnh, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tìm đường sang xứ “tư bản giãy chết” để chữa, còn “thiên đường” với các bệnh viện công mà họ xây dựng chỉ để dành cho dân. Nhiều quan chức bệnh nặng, hiếm khi chữa trị trong nước mà tìm đường sang xứ “giãy chết”.

Năm 2014, chuyến đi chữa bệnh ở Mỹ của ông Nguyễn Bá Thanh quá tốn kém và gây nhiều tai tiếng. Dư luận xã hội dè bỉu việc các quan chức cấp cao cộng sản “xài tiền thuế của dân” để tìm đến y học xứ… giãy chết. Từ đó nội bộ đảng ngấm ngầm thống nhất không đi Mỹ chữa bệnh nữa.

Vì vậy sau này, chủ tịch nước Trần Đại Quang, lẫn phó thủ tướng Lê Văn Thành đều chọn Nhật Bản. Và cái kết cả hai đều giống nhau, mặc dù Nhật cũng là xứ giãy hoài chưa chết. Hôm qua, ngày 22-8-2023, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chết tại nhà riêng.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/2-2-300x217.jpg

Ông Lê Văn Thành sinh năm 1962, quê xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông vào đảng năm 1997, từng giữ chức Chủ tịch UBND, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Uỷ viên Trung ương khoá 12 và 13, sau đó được bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Thành trước đây vốn là giám đốc Xi măng Hải Phòng, nhờ lắm tiền nên được Bí thư Hải Phòng lúc ấy là Nguyễn Văn Thuận giúp “bẻ ngạch” nhảy từ doanh nghiệp nhà nước sang chính quyền, kéo vào thành uỷ và cho ngồi ghế Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng từ tháng 7-2010.

Năm 2021, tại đại hội 13, tiền của Phạm Nhật Vượng và sự đỡ đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giúp Lê Văn Thành tái trúng cử Uỷ viên Trung ương nhiệm kỳ hai. Đặc biệt hơn, ông Thành đã đánh bại các Uỷ viên Trung ương sáng giá khác để giành chiếc ghế Phó Thủ tướng đầy quyền lực, phụ trách công nông thương, xuất nhập khẩu, xây dựng, giao thông vận tải và tài nguyên môi trường.

Lần xuất hiện gần nhất của ông Thành trước khi rời nhiệm sở đi chữa bệnh là ngày 12-11-2022. Hôm đó ông Thành đến dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Ấp 8, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Trở về Hà Nội, ông Thành liên tục bị ngất xỉu và nôn mửa, được đưa vào cấp cứu tại quân y viện 108, suốt một tuần nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Gia đình xin phép Trung ương đưa ông Thành sang Nhật Bản điều trị.

Ngày 20-11-2022, máy bay đưa ông Thành rời Nội Bài, đi Tokyo. Hai bệnh viện tham gia chữa cho bệnh nhân Lê Văn Thành là National Center for Global Health and Medicine (NCGM), địa chỉ 1-21-1 Toyama, Shinjuku, Tokyo 162-8655, Japan và Bệnh viện Ung thư Quốc tế Osaka (OCCI), tại địa chỉ: 3-1-10 Otemae, Chuo-ku, Osaka-shi, Osaka, Japan.  Đây cũng là hai bệnh viện mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (AIC) đã từng đưa Trần Đại Quang đến điều trị vào cuối tháng 7-2017.

Ông Thành được chẩn đoán ung thư bạch cầu cấp, dẫn đến các cơ quan nội tạng bị phá huỷ. Dư luận cho rằng, nguyên nhân mắc bệnh là do ông Thành đã bị đầu độc phóng xạ. Bệnh tình ông diễn biến nhanh, phức tạp và quá nặng, nên các giáo sư y khoa hàng đầu tại đây đã phải bó tay. Các chuyên gia y khoa cho rằng, bệnh của ông Thành chỉ còn một phương pháp điều trị đó là cấy ghép tế bào gốc, thay thế tủy xương. Thế nhưng, việc dùng liều cao của hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt tủy xương bệnh nhân trước khi ghép tế bào gốc là cửa “thập tử nhất sinh”, cả ba ông Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang và Lê Văn Thành đều không vượt qua.

Ngày 21-11-2022, thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định phân công cho hai Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam tạm thời đảm trách điều hành phần việc của ông Lê Văn Thành tại Chính phủ. Nhưng sau 9 tháng nghỉ chữa bệnh, phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã đi theo hai ông Mác và Lê Nin.

Kỳ họp quốc hội khoá 15 hồi tháng 7-2021 đã phê chuẩn 4 phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 gồm các ông Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, đến nay ba người đã “rơi rụng” và chết, chỉ còn lại một mình Lê Minh Khái. Bộ sậu “5 anh em trên chiếc xe tăng” ngày ấy, nay chỉ còn hai, liệu có rớt nữa không khi mà Phạm Minh Chính đang trong thế “tứ bề thọ địch”?

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/1-56-300x169.jpg

“Năm anh em trên chiếc xe tăng” nay rơi rụng gần hết 

Ông Lê Văn Thành có một quý tử tên là Lê Toàn Khánh, sinh năm 1990. Năm 2007, thi không đậu đại học trong nước, Khánh được bố cho đi du học tại Trường Cao đẳng quốc tế Tyndale, Singapore (TEG International College).

Về nước, Khánh được bố Thành đưa vào làm việc tại Công ty Xi măng Hải Phòng, nơi ông làm giám đốc. Khi bố Thành nhảy sang chính trường, con trai Lê Toàn Khánh cũng thành danh chốn quan trường.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/2-3-300x199.jpg

Ảnh: “Quý tử” Lê Toàn Khánh 

Tháng 6-2021, Lê Toàn Khánh tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy và giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy Kiến An, TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ngày 7-10-2022, bố Thành đưa Khánh rời Quận uỷ Kiến An về Hà Nội nhận công tác tại Vụ nghiên cứu thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng. Phó thủ tướng Lê Văn Thành tính không bằng trời tính. Quý tử chưa “chui sâu lao cao” thì bố đã mắc bệnh nan y chết người.

Ai đã đầu độc phóng xạ Phó thủ tướng Lê Văn Thành? Phe nhóm ra tay tàn độc nhằm mục đích gì? Các câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngõ.

Tang lễ của ông Thành sẽ được tổ chức với nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước. Gia đình ông Thành sẽ kiếm thêm được bộn tiền sau tang lễ, con cái ông cũng sẽ được chiếu cố và nâng đỡ. Đó là cách mà giới chóp bu cộng sản luôn làm cho đẹp bộ mặt của đảng và xoa dịu vong linh người quá cố.

https://baotiengdan.com/2023/08/23


Tham nhũng và vùng cấm

Nguyễn Tiến Tường

23/8/2023

Ai là “trùm cuối” trong các đại án giải cứu và Việt Á? Đó là câu hỏi mà người dân luôn day dứt trong những vụ án có thể xem nhơ nhuốc nhất lịch sử.

Tham nhũng trên vạn vạn sinh linh và triệu triệu sinh mệnh đồng bào là điều không phải ai cũng dám làm. Ai cũng có thể xé bỏ lòng tự trọng vì một chút lợi ích, nhưng chỉ một số ít dám xé bỏ nhân tính, họ chính là tội phạm.

Và logic bình thường, tội ác tối thượng phải đến từ quyền lực tối thượng!

Nhân dân không tin rằng những người đứng trước vành móng ngựa hôm nay có đủ quyền lực để khuynh loát những chính sách vĩ mô như vậy.

Một vài viên thư ký nhỏ nhoi, vài nhân viên chấp sự, thậm chí bộ trưởng Long và bộ trưởng Chu chỉ là tép riu trong thể chế để có thể phạm tội tày đình. Trong niềm tin của nhân dân, họ chỉ là cấp thừa hành và nhận ơn mưa móc.

Vậy, ai là ai?

Một số lãnh đạo chóp bu bất ngờ rời ghế trong đại dịch vì những “sai phạm nghiêm trọng” mà nhân dân không bao giờ được biết. Công dân một quốc gia pháp quyền phải đoán già đoán non, xâu chuỗi sự kiện và “mong ước” công lý thay vì nhìn thấy nó diễn ra như nhân quả ngẫu nhiên.

Đó là một sự bất bình đẳng nghiêm trọng. Bất bình đẳng với nhân dân. Bất bình đẳng với những người đối mặt với án tử hình. Bất bình đẳng với cả những lãnh đạo cấp cao công chính của chính thể.

Sai phạm của lãnh đạo phải được minh bạch, dù có liên quan đến đại án hay không. Vì nó là yêu cầu của quốc gia pháp trị.

Và nữa là không thể nào chống tham nhũng tuyệt đối khi mà ai đó được quyền hy sinh “số phận chính trị” để cứu chuộc “số phận hình sự”.

Nhân dân rất hoan nghênh công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo chính thể. Và họ mong mỏi công cụ luật pháp được sử dụng một cách công minh và không thoả hiệp.

Nếu người dân vẫn anh ách về “vùng cấm”, công cuộc ấy chưa thể nói là thành công!


Trợ lý của ông Đam – có phải cũng là một “Lê Lai cứu chúa”?

Ý Nhi – thoibao.de

23/8/2023 

Ngày 20/8, báo Người Việt có bài “Vũ Đức Đam mất chức vì trợ lý nhận 200.000 USD từ ông chủ Việt Á”.

Theo bài báo, sau hơn bảy tháng, kể từ thời điểm ông Vũ Đức Đam mất ghế Phó Thủ tướng, các báo ở Việt Nam đưa tin ám chỉ rằng, nguyên nhân ông Đam mất ghế là vì một Trợ lý của ông này đã nhận 200,000 USD trong vụ Việt Á.

Báo Người Việt dẫn tờ Thanh Niên hôm 20/8 cho biết, ông Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ, bị truy tố tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Báo Người Việt nhận xét, bản tin trên tờ Thanh Niên ghi “Phó Thủ tướng”, nhưng tránh nhắc tên ông Vũ Đức Đam, sếp của ông Trịnh.

Báo Người Việt nhắc lại việc ông Vũ Đức Đam, cùng với ông Phạm Bình Minh, là hai phó thủ tướng đột ngột bị “miễn nhiệm” (cách gọi khác của cách chức), hồi tháng Giêng mà không rõ nguyên do.

Truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ đưa tin rằng, hai ông Phạm Bình Minh và Lê Minh Chuẩn đã có đơn xin thôi các chức vụ theo “nguyện vọng cá nhân”.

Ngày 5/1, Quốc hội Việt Nam đã họp và biểu quyết thông qua việc cho hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh thôi làm đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng thông qua nghị quyết miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.

Tuy nhiên, dư luận vẫn râm ran rằng, ông Vũ Đức Đam bị bãi chức do có liên quan đến vụ Việt Á, còn ông Phạm Bình Minh thì do có dính líu đến vụ chuyến bay giải cứu.

Người Việt dẫn bản kết luận điều tra vụ Việt Á của Bộ Công an Việt Nam, theo đó, ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, là người hai lần đưa tận tay tổng cộng 200,000 USD cho ông Nguyễn Văn Trịnh.

Lần đầu vào hôm 16/8/2020, ông Việt yêu cầu thuộc cấp chuẩn bị một túi vải màu xanh đựng khoảng 5 – 10 hộp sâm. Sau đó, ông Việt bỏ thêm vào túi 100,000 USD, rồi ghé vào một quán cà phê trên phố Vạn Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, và gọi điện cho ông Trịnh.

Ông Trịnh đi bộ đến và hai người ngồi nói chuyện khoảng nửa giờ về công tác phòng chống dịch COVID-19. Sau đó, ông Việt đưa túi đựng sâm cùng đô la cho ông Trịnh và nói: “Em mới nhận được một ít thanh toán, em tranh thủ ghé thăm cảm ơn anh”.

https://thoibao.de/wp-content/uploads/2023/08/hinh-2-1-3.jpg

Hình : Ông Vũ Đức Đam – cựu Phó Thủ tướng – sếp của ông Nguyễn Văn Trịnh 

Khi ông Việt hé mở túi để ông Trịnh nhìn thấy có hộp sâm và tiền, ông Trịnh giả lả nói: “Anh cảm ơn, sao nhiều thế?” Sau đó, ông Trịnh cầm túi và đi bộ về.

Lần thứ nhì vào hôm 2/3/2021, ông Trịnh hẹn gặp ông Việt để cập nhật tình hình Công ty Việt Á phối hợp với tỉnh Hải Dương, mở đợt xét nghiệm COVID-19 đại trà.

Hai ông này tiếp tục gặp nhau tại quán cà phê trên phố Vạn Phúc. Sau đó, ông Việt đưa túi “quà Tết” có 100,000 USD và ông Trịnh đáp: “Cảm ơn tụi em”, rồi cầm về.

Báo Thanh Niên không cho biết, liệu ông Nguyễn Văn Trịnh có “chia lại” khoản tiền nêu trên cho ông Vũ Đức Đam hay không.

Báo Người Việt nhận xét, trường hợp của Vũ Đức Đam khiến công luận liên tưởng đến vụ ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y Tế Việt Nam, có Thư ký là ông Phạm Trung Kiên là “quán quân” nhận hối lộ vụ “chuyến bay giải cứu,” với 42.6 tỷ đồng (tương đương 1.8 triệu USD).

Ông Phạm Trung Kiên bị kết án chung thân sau nộp “khắc phục hậu quả” gần hết số tiền nêu trên, trong lúc ông Đỗ Xuân Tuyên hiện vẫn tại vị ghế Thứ trưởng Bộ Y tế, như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa xét xử vụ Việt Á, Viện Kiểm sát từng kiến nghị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bởi ông Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao để duyệt cấp phép các chuyến bay.

Tuy nhiên, sau đó không thấy phiên tòa đề cập đến vai trò của ông Tuyên. Có dư luận cho rằng, ông Tuyên “trắng án” là nhờ có những người đồng hương quyền cao chức trọng tại Bộ Công an. Vì vậy, ông Tuyên không những không bị khởi tố, mà còn đường hoàng tại nhiệm.

https://thoibao.de/blog/2023/08/23


Người Khmer Krom biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam tại Washington DC

22/8/2023

Khoảng hơn 100 người Khmer Krom đã tập trung trước cửa tòa đại sứ Việt Nam tại Washington DC vào chiều ngày 21/8 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) để phản đối chính sách đàn áp người Khmer Krom của chính quyền Việt Nam và đòi trả tự do cho những tù nhân lương tâm là người Khmer Krom.

Người Khmer Krom là một bộ phận của dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam và vẫn duy trì nét văn hóa cũng như tôn giáo đặc trưng của dân tộc Khmer.

Những người biểu tình mang theo các khẩu hiệu yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho bốn người Khmer Krom đang bị giam giữ là Tô Hoàng Chương, Đinh Thị Huỳnh, Danh Minh Quang và Thạch Chương.

Ông Tran Manin, người đứng đầu việc tổ chức cuộc biểu tình của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom nói với RFA tại cuộc biểu tình:

Điều quan trọng nhất là đòi giới chức cộng sản Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động người Khmer Campuchia Krom bao gồm Tô Hoàng Chương, Thach Koeung (Thạch Chương), Danh Minh Quang và Đinh Thị Huỳnh. Đây là mục đích đầu tiên. Thứ hai là nhân cơ hội này dòi chính quyền Việt Nam nhìn nhận người Khmer Krom là người bản địa vì người Khmer Krom đã ở vùng Đồng bằng Mekong một ngàn năm.”

Ba ông Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vào ngày 31/7 bị Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam theo cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Công an địa phương cho biết việc bắt giữ hai người này xuất phát  từ nguồn tin phản ánh của người dân về việc trên địa bàn hai địa phương vừa nêu gần đây xuất hiện nhiều người bị cho là “lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều bài viết, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương”.

Bà Đinh Thị Huỳnh (sinh năm 1980, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) bị cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam vào ngày 3/8 vừa qua với cáo buộc hành vi “Không chấp hành án” liên quan đến một vụ tranh chất đất đai tại địa phương.

Những người Khmer Krom tham gia biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam phát biểu cả bằng tiếng Anh và tiếng Khmer phản đối các hành động đe dọa và đàn áp đối với những người Khmer Krom bị bắt giữ, đòi Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng các quyền của người bản địa, tôn trọng nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền khi Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.


XEM THÊM

Tags: , , ,

Comments are closed.