Chuyện Việt Nam Thứ tư 26/4/2023: *Chôm 54 tỷ chỉ tù 3 năm. *Oái oăm. *Phạm Đoan Trang ‘không phải là nhà báo.’ *Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ bị rỉ sét. *Khi người Mỹ trở lại…


Quê Hương tổng hợp


Nghịch lý tham nhũng: ‘Tham’ 45 triệu bị 5 năm tù, ‘chôm’ 54 tỷ tù có 3 năm!

Ông Tư Sài Gòn /SGN
25/4/2023

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lao Động 

Bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vừa bị kết án 5 năm tù vì tội tham nhũng.

Ở đất nước luôn có “mặt trời chân lý chói qua tim” này tin về lãnh đạo tham nhũng, gây thiệt hại rồi bị tù hầu như tuần nào cũng có, đọc riết cũng chán, vì cũng chỉ có chừng đó chữ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Thế nhưng kết quả vụ án bà Dung lại làm nhiều người trố mắt hỏi nhau, “công lý có phải dây thun quần không mà lúc co lúc giãn?”

Lục lại vụ án bà Dung thì như thế này:

Trong quá trình làm bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi “không đúng quy định pháp luật”. Nói tắt là bà Dung tham không đúng quy trình.

Cụ thể là dù đã nhận phụ cấp cấp ủy nhưng bà vẫn tính thêm 3 tiết/tuần cho chức danh bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán.

Số tiền bà Dung tham cũng không đáng là bao, theo cáo trạng là hơn 48 triệu đồng, nhưng sau đó được Viện Kiểm sát rút xuống còn chưa đến 45 triệu đồng.

Bà Dung cãi lại nói bà không có tội, vì đó là quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.

Bà Dung cũng khẳng định rằng bà đã thực hiện thanh toán công khai, đúng quy chế chi tiêu nội bộ, không có cơ quan có thẩm quyền khẳng định quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm là sai.

Tin nội bộ cho biết đúng ra tòa chỉ xử nhẹ chừng 1, 2 năm thôi, vì chuyện chẳng có gì lớn. Thế nhưng do bà cãi nhiều quá, lại không chịu nhận tội, cũng không chịu nộp lại tiền để “khắc phục hậu quả”, nên tòa gởi cho bà năm cuốn lịch ngồi đếm từng tờ để nghiền ngẫm sự đời.

Quan tòa cho biết mức án đó là đã gia giảm rồi, dù sao gia đình bà Dung cũng có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có đóng góp kinh phí hỗ trợ phòng chống COVID-19… nên mức án như thế là “đúng người đúng tội”.

Ông Nguyễn Quang Tuấn tại phiên tòa ngày 21 Tháng Tư – Ảnh: Dân Trí 

Quay sang một vụ án khác, cũng mới được tòa tuyên án vào ngày 21 Tháng Tư. Đó là vụ ông Nguyễn Quang Tuấn – cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội – cùng 11 người khác bị xử trong vụ án nâng giá vật tư thiết bị y tế, gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng.

Tội của ông Tuấn có khung phạt 10-20 năm tù, thế nhưng cơ quan công tố chỉ đề nghị HĐXX tuyên phạt 4-5 năm tù (!) với lý do ông ấy đã “được trao tặng nhiều huân huy chương cao quý. Bị cáo cũng nguyên là Đại biểu Quốc hội, bản thân là giáo sư, tiến sĩ, đã cứu sống cho nhiều bệnh nhân, được nhân dân khen ngợi, yêu quý”, báo Dân Trí viết như thế.

Chủ tọa phiên tòa còn cho biết cuộc đời ông Tuấn có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt đáng kể. Tòa cũng ghi nhận ông Tuấn đã “chủ động nhận trách nhiệm, thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hơn 6 tỷ đồng dù không có trách nhiệm phải nộp”.

Từ những nhận định đó, tòa tuyên án ông Tuấn chỉ bị 3 năm tù thôi.

Thế là người ta có dịp so sánh 2 vụ án: Bà Dung tham 45 triệu bị kết án 5 năm tù, ông Tuấn gây thiệt hại gần 54 tỷ chỉ bị 3 năm tù.

Hai ông bà giống nhau là cùng là đảng viên, có “cống hiến cho cách mạng”, gia đình gương mẫu, v.v… Chỉ khác một điều: Bà Dung cứ “cái cối cãi chày”, không chịu nhận tội, lại còn không chịu nộp tiền “khắc phục hậu quả”; còn ông Tuần thì “thành khẩn ăn năn”, nộp 6 tỷ đồng dù không phải nộp, y như dùng tiền “đấm mõm nhà nước”.

Chẳng biết đúng – sai thế nào, chứ so sánh kết quả hai bản án mới thấy công lý Việt Nam như cái thun quần: Khi thì bóp chặt lấy cái bụng, khi thì lỏng là lỏng lẻo, tụt xuống ngang đầu gối, lòi cái “chân lý” ra ngoài.


Nguyễn Thông – Oái oăm

25/4/2023

– Sau khi nhà phê bình văn học Đặng Tiến, một Việt kiều ở Pháp qua đời, thế giới mạng đưa tin rất nóng sốt, kéo theo nhiều báo mậu dịch cũng có bài có tin có ảnh. Chuyện này không lạ bởi ông Đặng Tiến là người rất nổi tiếng, cây đa cây đề trong làng văn Việt, được đông đảo nhà văn nhà thơ trong nước nể phục, kính trọng.

Chẳng hiểu sao, đám cai trị ở TP.HCM không ưa sự này. Họ chỉ thị cho các báo quốc doanh phải hạ bài, cấm hó hé gì về Đặng Tiến nữa. Tôi từng làm báo mấy chục năm nên biết, chỉ một cuộc điện thoại hoặc cái tin nhắn lúc… nửa đêm là bọn báo chí tuân chỉ răm rắp. Sau này nếu phanh phui ra không có bằng cớ để quy kết “tội”, khẩu thiệt vô bằng, cũng như những vụ đánh Hoàng Cát “Cây táo ông Lành”, Việt Phương “Cửa mở” hồi trước, chúng cứ cãi lem lẻm, tao đâu có thế này, tao đâu có thế nọ, đổ cho tao lấy gì làm bằng chứng, v.v..

Việc hạ bài về Đặng Tiến xét đúng quy trình thì đó là sản phẩm của bọn tuyên giáo, nhưng tôi đồ rằng chúng không thể qua mặt ông Nên. Người đứng đầu thành phố chả nhẽ lại vô can? Ông đừng để “danh tiếng” phải chôn vùi trong những vụ tào lao thế này.

Vấn đề là, những đứa làm điều đó lại chính là những kẻ kêu gào hòa giải hòa hợp to mồm nhất. Ai không tin, cứ để ý từ nay tới ngày 30.4 thì rõ.

– Cô diễn viên Lệ Hằng đâu phải tự dưng bị bắt, mà chắc đã vào vòng ngắm từ lâu rồi. Tôi nói thật, buôn ma túy ở tầm mức bỏ vốn 500 nghìn đồng để mua được gần 0,7 gam rồi đem chia nhỏ ra bán lấy lời thì thuộc hạng khốn cùng, vừa đáng giận lẫn đáng thương. Một xã hội “mặt trời chiếu sáng rực rỡ trên đất nước ta”, “chưa bao giờ tiền đồ đất nước tươi sáng như ngày nay” rõ ràng vênh với hiện tượng Lệ Hằng. Muốn biết có rực rỡ, có sáng không, cần hỏi cả những người như Lệ Hằng chứ đừng chỉ tin mồm mấy ông mặt trận tổ quốc. Bi kịch Lệ Hằng, nói cho cùng là bi kịch của cái xã hội đầy bi thảm được che đậy bằng sự giả dối.

Từ vụ Lệ Hằng buôn ma túy, thấy rõ luật pháp cũng chả ra gì, thậm chí là trò cười, cười không nổi, cười ra nước mắt. Buôn gần 0,7 gam (chỉ nặng bằng 2 viên thuốc cảm cetamol) thì bị bắt tống vào nhà giam, còn những đứa vận chuyển hơn 11 ký thì lại được tự do ngay sau khi bị tóm bởi “không có bằng chứng kết tội”. Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… có sống lại cũng phải bẻ bút trước sự điên đảo ấy.


Việt Nam: Phạm Đoan Trang ‘không phải là nhà báo’, và có ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ 

25/4/2023 

VOA Tiếng Việt 

Bà Phạm Đoan Trang tại phiên phúc thẩm ở Hà Nội ngày 25/8/2022 khi bị kết án 9 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”. Photo TTXVN via VietnamPlus. 

Trả lời thư chất vấn của các chuyên gia nhân quyền LHQ về việc bắt giữ tùy tiện đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, chính quyền Việt Nam vừa cho biết: “Phạm Thị Đoan Trang không phải là nhà báo, và đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần, chứ không phải vì thực hiện quyền tự do báo chí của mình”.

Ngoài ra, chính quyền Việt Nam còn cáo buộc bà Phạm Đoan Trang “có âm mưu lật đổ chính quyền” thông qua việc “cấu kết với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài”.

“Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã phát hiện và đưa tin công khai về việc cá nhân này đã cấu kết với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhằm mục đích hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân (trong đó có Việt Tân)”, văn thư đề ngày 6/4 của đại diện chính phủ Việt Nam tại LHQ được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố hôm 16/4 có đoạn viết.

Thư phản hồi của chính quyền Việt Nam còn nói rằng nhà báo độc lập này xuất bản trái phép các ấn phẩm “có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn cách tập hợp lực lượng, đối phó với lực lượng bảo vệ pháp luật… để tiến hành bạo loạn lật đổ Nhà nước”.

Từ Australia, nhà hoạt động nhân quyền Hoa Nguyễn, đồng thời là một người bạn của Phạm Đoan Trang, nêu nhận định với VOA hôm 25/4 về phản hồi của phía Việt Nam:

“Ở trong thư gửi này, những điều viết về Phạm Đoan Trang rất là sai sự thật. Và nó thể hiện một thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam là họ không cần quan tâm đến tất cả những liên lạc của LHQ.

“Trong thư này nảy ra những thông tin mà hoàn toàn không có trong phiên tòa: ví dụ như cáo buộc Phạm Đoan Trang “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “liên lạc với các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài, liên kết với cả Việt Tân.

“Tôi đọc và tôi hiểu rằng đây là một thái độ rất tiêu cực từ phía nhà cầm quyền Việt Nam”.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10/2020, và sau đó bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù giam với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.

Nhận định về việc chính quyền Việt Nam cho rằng bà Phạm Đoan Trang không phải là một nhà báo, bà Hoa Nguyễn nói:

“Ở trong này họ nói rằng Phạm Đoan Trang “không phải là một nhà báo, đã bị xét xử vì các hoạt động bất hợp pháp nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần” thì rất là buồn cười vì Phạm Đoan Trang đã nhận được rất nhiều giải thưởng về báo chí, bản thân chị ấy có 10 năm là nhà báo của cơ quan truyền thông nhà nước.

“Khi họ nói rằng “Phạm Đoan Trang không phải là một nhà báo” là một điều vô cùng lố bịch, bất chất dư luận, bất chấp dư luận trong nước luôn vì không ít người biết Phạm Đoan Trang là một nhà báo”.

Phía Việt Nam cho biết thêm bà Trang đang chấp hành án tại Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) với “Điều kiện giam giữ, quyền được gặp thân nhân và được khám chữa bệnh định kỳ được đảm bảo”.

Văn thư cho biết thêm: “Hiện tại, Bà Trang có đủ sức khỏe để chấp hành án”.

Trước đó, vào tháng 11/2022, các chuyên gia nhân quyền LHQ gửi văn thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc 18 nhà bảo vệ nhân quyền, nhà báo và nhà hoạt động bị cho là bị bắt giữ tùy tiện và tước đoạt tự do bởi nhà cầm quyền Việt Nam.

Các nhà bảo vệ nhân quyền này bao gồm Bùi Tuấn Lâm, Bùi Văn Thuận, Cấn Thị Thêu, Đặng Đăng Phước, Đinh Văn Hải, Đỗ Nam Trung, Lê Anh Hùng, Lê Chí Thành, Lê Trọng Hùng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Thuý Hạnh, Trần Quốc Khánh, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang.


Sài Gòn: Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ chưa xong đã rỉ sét

Lê Thiệt /SGN


25/4/2023

Sau ba năm dừng thi công, rác thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang trước khuôn viên cống Tân Thuận – Ảnh: VNExpress 

“Hồi đó (2016) lãnh đạo thành phố ‘nổ’ dữ lắm, nào là dự án sẽ giúp cho người dân không còn phải lội bì bõm mỗi khi triều cường, hay mưa lũ. Bà con ngây thơ ‘tin sái cổ’. Sau bảy năm thi công, giờ bà con ở đây trẹo cổ thật vì ‘lời hứa có mùi triều cường’ đó”.

Ông Hai Tòng, cư dân xã Phú Xuân huyện Nhà Bè nói thế về “Dự án chống ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1” với giọng ngán ngẩm.

Dư án này do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), bắt đầu từ Tháng Sáu năm 2016.

Theo lãnh đạo TP.HCM, mục đích cao cả của dự án là nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6.5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Một số người nghe thế thấy mát rười rượi trong lòng, “lãnh đạo thì phải thế, chứ đâu cứ để Sài Gòn mãi ngập”. Một số khác mỉa mai hỏi “30% của 10 ngàn tỷ là bao nhiêu?”

Chẳng biết mấy ông ấy “cắn” 30% hay hơn mà công trình dự kiến hoàn thành sau ba năm, nhưng hai năm sau đã dừng thi công (Tháng Tư năm 2018).

Công trường hiện không có công nhân làm việc. Máy móc, thiết bị ngổn ngang, rỉ sét – Ảnh: VNExpress 

Thời gian sau công trình lại được tiếp tục, nhưng đến giữa Tháng Mười Một 2020 dự án tiếp tục ngưng do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ Tháng Sáu 2020).

Từ đó cho đến nay, họ bỏ mặc đống trang thiết bị nằm phơi sương, rỉ sét. Triều cường hàng ngày vẫn lên xuống đưa rác rưởi vào nhà dân, như chưa có gì xảy ra. Mấy ông kỹ sư nói họ đau lòng lắm, khi cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) đặt tại con sông cùng tên, dài hơn 200 mét, gồm bốn cửa van ngăn triều cường đã được lắp, đạt khoảng 95%. Họ nói “nếu làm xong cống này thì nạn triều cường được khống chế rồi”.

Bà Nguyễn Hoàng Phụng (54 tuổi, sống ở quận 7), ngồi bệt xuống lề đường gần cống Tân Thuận nói: “Lúc đầu nghe nói cống làm trong ba năm mà giờ bảy năm vẫn chưa thấy nhúc nhích gì. Triều cường lên, nước vẫn tràn vào nhà suốt mấy năm nay”,

Cống Phú Định trên kênh Đôi (quận 8), ngăn triều từ sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố, đã xong 90% nhưng hiện tạm dừng thi công – Ảnh: VNExpress 

Hệ thống cống ngăn triều cường này cũng đã hoàn thành 93% công việc, rồi ngưng.

Ông Phan Hoài Anh (52 tuổi, ngụ tại quận 8) nói “không phải tiền của họ bỏ ra nên họ không biết xót. Khốn nạn lắm!”

Ông Anh cho biết ở quận 8, cống Phú Định trên kênh Đôi ngăn triều từ sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Giuộc đổ vào trung tâm thành phố hiện tạm dừng thi công. Công trình đã xong lắp cửa van và đang thi công nhà quản lý và hệ thống điện, đạt khoảng 90% tiến độ thì… ngưng!

Một số công trình khác như cống Cây Khô và Phú Xuân cũng đã đạt trên 90% tiến độ, cũng tạm ngưng hai năm nay chờ… giải ngân mới làm tiếp.

Công trường đang tạm dừng thi công. Máy móc, thiết bị được rào chắn, khuôn viên tận dụng làm chỗ trú cho gà, chó – Ảnh: VNExpress 

Cống Bến Nghé trên kênh Tàu Hủ (quận 1) đã hoàn tất lắp đặt cửa van cung chìm, hệ thống bơm đã hoàn thiện và triển khai lắp đặt hệ thống. Công trình đã hoàn thành được 97%.

Trong chuyến thị sát công trình tái khởi công hôm 11 Tháng Ba, Phó chủ tịch thành phố Bùi Xuân Cường cho biết, khó khăn nhất hiện nay là gia hạn khoản tín dụng, quy trình vận hành… Do vậy thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư rà soát, tập hợp báo cáo cụ thể để cùng nhau tìm hướng giải quyết.

Người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7, đứng trước cống Tân Thuận – Ảnh: VNExpress 

Câu trả lời của ông Cường cho thấy có vẻ như ông đứng ngoài cuộc, và phải nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả của người tiền nhiệm vậy. Ông không dám nói tại sao công trình lại phải ngưng thi công? Ai là người phải chịu trách nhiệm?

Một tháng nữa trôi qua, các ông lớn ở thành phố vẫn đang rà soát, và mong bà con kiên nhẫn chờ đợi. Chỉ còn vài phần trăm nữa là đến đích rồi, lúc đó có muốn quay về những ngày lội bì bõm giữa dòng nước hôi hám cũng không được.

Thế nên, giờ bà con còn lội được, thì cứ lội cho vui!


Khi người Mỹ trở lại

Tùng Phong /SGN

25/4/2023

Ngoại trưởng Antony Blinken (ảnh: Nathan Posner/Anadolu Agency via Getty Images) 

Ông Antony Blinken đã kết thúc chuyến công du Việt Nam sau ba ngày từ 14 đến ngày 16 Tháng Tư, 2023, trong bầu không khí chính trị Hà Nội giống như thời tiết nồm ẩm – một thứ “đặc sản” khí hậu miền Bắc Việt Nam, rất ngột ngạt và khó chịu. Sự e dè trong tiếp đón, khánh tiết khiêm tốn là điều thấy rõ.

Trước đó vài tiếng đồng hồ, nhà cầm quyền Việt Nam đã kết án nặng blogger nổi tiếng Nguyễn Lân Thắng trong một phiên tòa “công khai xử kín”; và bắt cóc nhà báo Thái Văn Đường đang tị nạn ở Thái Lan, như muốn gửi đến Washington thông điệp rõ ràng rằng Hà Nội sẽ không nhượng bộ vấn đề Nhân quyền và Tự do ngôn luận. Chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken được thực hiện vào thời điểm kỷ niệm 10 năm ngày hai nước cựu thù trở thành “đối tác hợp tác toàn diện” (2013-2023), 50 năm kể từ thời điểm người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam (1973-2023).

Cần nhắc lại, tổng kim ngạch giao thương hai quốc gia từ $6.78 tỷ năm 2005 đã lên tới $123.86 tỷ năm 2022. Mức xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ lên tới $116 tỷ – con số quyết định sự sống còn đối với một nền kinh tế gia công phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam. Không chỉ là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng số một, Mỹ còn giúp Việt Nam nhiều phương diện khác. Trong thảm họa COVID-19, Mỹ đã hỗ trợ gần 40 triệu liều vaccine, trang thiết bị và cả chuyên gia y tế.

Trong lĩnh vực quân sự, cảnh sát biển Việt Nam đã nhận được hai chiến hạm lớp Hamilton (chiếc thứ ba sẵn sàng bàn giao cho Hà Nội từ cuối năm 2022 nhưng còn chờ một số “thủ tục và đàm phán” từ phía Việt Nam). Một số phi công Việt Nam cũng đã được huấn luyện sử dụng chiến đấu cơ F5. Theo kế hoạch, 12 chiến cơ T6 và 6 chiếc UAV Scan-Eagle sẽ được bàn giao cho Việt Nam từ 2024 đến 2027. Việt Nam là quốc gia xếp thứ năm trong các quốc gia có số du học sinh nhiều nhất tại Mỹ với 20,713 người trong năm 2022…

Dù đóng vai trò sống còn đối với nền kinh tế và có ý nghĩa “thực chất” trong nhiều lĩnh vực từ y tế, an ninh quốc phòng đến giáo dục nhưng Hoa Kỳ vẫn chỉ được Hà Nội xếp ở thứ hạng ngoại giao khiêm tốn, “đối tác hợp tác toàn diện”, ngang với Venezuela, Myamar hay Ukraine…

Dịp 30 Tháng Tư năm nay chắc sẽ không náo nhiệt. Áp lực từ cuộc khủng hoảng kinh tế đã không còn là “dự báo”. GDP quí I-2023 đạt 3.32%, thấp hơn cả giai đoạn cùng kỳ năm 2020, thời điểm mà Việt Nam áp dụng Chỉ thị 16 trong việc cách ly xã hội bởi dịch bệnh COVID-19. Những đầu tàu kinh tế quốc gia như Sài Gòn gần như không tăng trưởng (0.7%) và những địa phương từng luôn ở top đầu GRDP (Gross regional domestic product) như Bình Dương hoặc Bà Rịa-Vũng Tàu thậm chí tăng trưởng âm. Hơn 200,000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản, tính từ 2022 đến hết quí I-2023. Hơn 4 triệu người lao động thất nghiệp đã phải rút khoản tiền tiết kiệm BHXH cuối cùng trong 5 năm qua đã cho thấy cuộc khủng hoảng dân sinh diễn ra âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt.

Trong bối cảnh đó, người Mỹ đến với nụ cười trên môi và… rất nhiều tiền trên tay. Trước chuyến công du của Ngoại trưởng Antony Blinken, một phái đoàn gồm 50 tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ được dẫn đầu bởi cựu Đại sứ Ted Osius đã đến tìm cơ hội hợp tác và đầu tư tại Việt Nam từ ngày 21-24 Tháng Ba. Những cái tên như Boeing, Netflix, SpaceX… đem tới những tia sáng hy vọng cho nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn.

Một trong những sự kiện quan trọng trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Antony Blinken là dự lễ động thổ tòa Đại sứ quán mới tại Hà Nội, trị giá $1.2 tỷ Mỹ. Đây là tòa đại sứ đắt nhất của Hoa Kỳ và cũng là đắt nhất trên thế giới. Một điều khá thú vị là tòa Đại sứ quán mới của Hoa Kỳ với qui mô và diện tích 3.2 hecta, nằm ở vị trí “kim cương” của thủ đô Hà Nội có thời gian thuê lên tới 99 năm nhưng không vấp ý kiến phản đối nào từ dân chúng giống như dự luật đặc khu kinh tế cách đây vài năm, hay đề xuất của bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng muốn Trung Quốc xây dựng thêm một tuyến đường sắt nội đô.

Bất luận thế nào, trong các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, thông điệp “tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau” là cụm từ được nhắc lại nhiều nhất. Nó cho thấy mối lo lắng hàng đầu của giới cai trị Việt Nam là bảo vệ thể chế trong khi có thể đón nhận tối đa lợi ích kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, quân sự từ Hoa Kỳ. Tất nhiên, người Mỹ thấu hiểu điều này. Hoa Kỳ hẳn đã có những bài học đắt giá với Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế và một tầng lớp trung lưu lớn mạnh không phải là điều kiện cần và đủ cho quá trình chuyển đổi xã hội theo các giá trị phổ quát về Nhân quyền hay Dân chủ ở các quốc gia độc tài.

Comments are closed.