Chuyện Việt Nam Thứ Tư 30 tháng 8 năm 2023


Quê Hương tổng hợp


Vụ blogger Đường Văn Thái: Sau ba tuần hết hạn tạm giam gia đình chưa nhận được thông báo mới

RFA
30/8/2023

Vụ blogger Đường Văn Thái: Sau ba tuần hết hạn tạm giam gia đình chưa nhận được thông báo mới

Hình ảnh cuối cùng từ camera an ninh trước khi ông Thái ra khỏi nhà trọ hôm 13/4 và không quay trở lại nữa 

Photo: RFA 

Gần ba tuần sau khi thời hạn tạm giam kết thúc, gia đình blogger Thái Văn Đường (tên thật là Đường Văn Thái), người được cho là bị an ninh Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan và đưa về Hà Nội, vẫn chưa nhận được thông báo mới về tình trạng của ông.

Ông Đường Văn Thái, một nhà báo độc lập chuyên đưa thông tin về đấu đá nội bộ giữa quan chức cao cấp của chế độ hoặc giữa những người lãnh đạo ở nhiều địa phương của Việt Nam, bị mất tích ở Thái Lan vào chiều ngày 13/4. 

Báo chí Việt Nam không lâu sau đó dẫn tin từ cơ quan công an Hà Tĩnh nói, công an địa phương đã bắt được ông này khi đang từ Lào xâm nhập trái phép qua biên giới. 

Ba tháng sau, gia đình nhận mới nhận được giấy thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) ký ngày 05/7. 

Văn bản này cho biết blogger 41 tuổi này đang bị tạm giam ở Trại tạm giam B14 của Bộ Công an ở Kim Giang, Thanh Trì, Hà Nội để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Theo văn bản này, thời hạn tạm giam kéo dài đến ngày 12/8. Tuy nhiên, cho tới nay đã gần ba tuần trôi qua gia đình của blogger này vẫn chưa nhận được thêm giấy gia hạn tạm giam hay bất cứ một văn bản nào về tình trạng của ông.

Bà Dương Thị Lư, người mẹ già hơn 70 tuổi của blogger Đường Văn Thái đang sống một mình ở xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng bà đã tìm cách đi thăm con trai ở trại tạm giam ngay sau khi nhận được thông báo. Bà nói trong ngày 30/8: 

Bác ra hai lần. Lần đầu thứ bảy người ta không tiếp, lần sau đến thứ sáu thì chỉ được gửi quà chứ không được vào. Cổng bên ngoài người ta đón tiếp, người ta chỉ bảo là bà cứ yên tâm không có vấn đề gì, bây giờ đang trong thời gian điều tra thì người ta không cho vào thăm đâu.”

Bà cho biết có kế hoạch đi gửi đồ tiếp tế cho con trai vào tuần tới, sau dịp nghỉ lễ 2/9. 

Khi được hỏi về việc thuê luật sư cho con trai mình, bà Lư cho biết bà đã già và không đủ minh mẫn để làm việc đó mà trông chờ vào sự giúp đỡ từ bạn bè của con trai.

Theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam tối đa là bốn tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, và trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam, và chỉ được phép thêm hai lần (mỗi lần không quá bốn tháng). 

Phóng viên gọi điện cho Bộ Công an Việt Nam theo hai số điện thoại đăng trên trang web của cơ quan này để hỏi về tình trạng hiện tại của blogger Đường Văn Thái, tuy nhiên không có ai nhắc máy.

Ông Đường Văn Thái sang tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2018 và đã được Văn phòng Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc ở Bangkok cấp quy chế tị nạn. Ngay trước khi bị mất tích ở khu vực gần nhà trọ ở Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, ông đã được phỏng vấn để đi định cư ở nước thứ ba.

Nhiều tổ chức dân sự quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng ông bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam và đưa về Việt Nam, giống như trường hợp blogger Trương Duy Nhất của RFA ở Bangkok trong năm 2019 hay cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017.

LHQ kêu gọi công lý cho các nạn nhân bị cưỡng bức mất tích

Nhân kỷ niệm ngày Ngày Quốc tế Nạn nhân bị cưỡng bức mất tích (30/8), các chuyên gia nhân quyền thuộc Uỷ ban chống cưỡng bức mất tích của LHQ ra thông cáo báo chí kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của LHQ cung cấp quyền tiếp cận công lý cho các nạn nhân bị cưỡng bức mất tích, bao gồm bất kỳ cá nhân nào bị tổn hại do hậu quả trực tiếp của việc cưỡng bức mất tích. 

Đảm bảo quyền công lý của nạn nhân đòi hỏi phải thực hiện tất cả các bước cần thiết để khám phá sự thật,” thông cáo báo chí nói.

Trong thông cáo, các chuyên gia nhân quyền cảnh báo rằng việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý đầy đủ và trách nhiệm giải trình thích đáng đối với thủ phạm ở tất cả cấp độ của hệ thống chỉ huy là rất quan trọng để truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng cưỡng bức mất tích – một tội ác theo luật nhân quyền quốc tế – là trái phép hoặc không được dung thứ.

Trong cuộc đấu tranh đòi công lý hàng ngày, các nạn nhân thường phải đối mặt với những lời đe dọa, hăm dọa, trả thù và kỳ thị. Điều này phải chấm dứt và nạn nhân phải được tiếp cận trợ giúp pháp lý miễn phí để đảm bảo tình hình tài chính không cản trở họ tìm kiếm công lý,” thông cáo nói.

Việc tiếp cận công lý không chỉ đơn thuần là lý thuyết mà phải được đảm bảo trên thực tế thông qua các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy và đánh giá đầy đủ sự tham gia thực sự và có ý nghĩa của các nạn nhân và đại diện của họ trong suốt quá trình,” thông cáo nhấn mạnh.


Việt Nam trong nhóm 6 nước nhận viện trợ an ninh từ Nhật Bản trong năm tài chính 2024 

29/8/2023 – VOA Tiếng Việt 

Chiến hạm Hatakaze của Nhật Bản thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, vào ngày 24/2/2022. Photo Báo Đà Nẵng. Nhật Bản trong những năm qua tăng cường hỗ trợ và hợp tác an ninh với Việt Nam và các nước trong khu vực để đối phó Trung Quốc.

Chiến hạm Hatakaze của Nhật Bản thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, vào ngày 24/2/2022. Photo Báo Đà Nẵng. Nhật Bản trong những năm qua tăng cường hỗ trợ và hợp tác an ninh với Việt Nam và các nước trong khu vực để đối phó Trung Quốc. 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đang có kế hoạch cung cấp viện trợ an ninh trị giá khoảng 5 tỷ yên (34,1 triệu USD) cho 6 quốc gia “có cùng chí hướng”, bao gồm Việt Nam, trong năm tài chính 2024, nhằm tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc, tờ Asahi dẫn các nguồn thạo tin cho biết hôm 28/8.

Khoản viện trợ được xem là gấp đôi số tiền dành cho 4 quốc gia trong năm tài chính hiện tại.

Khoản tiền sẽ được cung cấp dưới dạng Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA), được giới thiệu trong năm tài chính này để giúp cho các quốc gia có chung mục tiêu ngoại giao và các mục tiêu khác cải thiện khả năng cảnh báo và giám sát trên lãnh thổ của họ cũng như trong các lĩnh vực chống khủng bố và chống cướp biển.

Cụ thể, chương trình sẽ cung cấp miễn phí các thiết bị quốc phòng như hệ thống liên lạc vệ tinh, thiết bị radar và tàu tuần tra, đồng thời cung cấp các hình thức viện trợ khác như xây dựng cảng cho mục đích quân sự-dân sự, vẫn theo Asahi.

Theo kế hoạch dự kiến, OSA của năm tài khóa 2024 sẽ được dành cho Việt Nam, Indonesia, Philippines, Papua New Guinea, Mông Cổ và Djibouti.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng khoản viện trợ sẽ giúp nâng cao khả năng phòng thủ của các quốc gia “thân thiện” này, chủ yếu là các quốc gia đang phát triển, tạo thành một bức tường thành chống lại một Trung Quốc ngày càng lấn át.

Asahi dẫn các nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự kiến sẽ đảm bảo khoảng 5 tỷ yên trong năm tài chính 2024, bao gồm 2,1 tỷ yên mà bộ này yêu cầu trước hạn chót 31/8.

Theo Yomiuri Shimbun, trong môi trường an ninh phức tạp hiện nay, Nhật Bản mong muốn tăng cường khả năng an ninh của các quốc gia có cùng quan điểm tại những địa điểm có vị trí địa chính trị quan trọng, với mục tiêu kiểm soát hoạt động mở rộng hàng hải và xây dựng quân sự của Trung Quốc.

Philippines, Việt Nam và Indonesia đang phải đối mặt với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Papua New Guinea nằm trong số các quốc đảo Thái Bình Dương nơi Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh của mình. Mông Cổ là nước láng giềng phía bắc của Trung Quốc và Djibouti là nơi có tiền đồn duy nhất ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Không giống như Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) chỉ giới hạn ở hỗ trợ phi quân sự, OSA – được quy định trong Chiến lược An ninh Quốc gia sửa đổi vào tháng 12 năm ngoái – cho phép cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho quân đội của một số quốc gia. Về nguyên tắc, các quốc gia đang phát triển có đủ điều kiện nhận viện trợ như vậy, được cung cấp theo Ba Nguyên tắc về Chuyển giao Thiết bị và Công nghệ Quốc phòng cũng như Hướng dẫn Thực hiện của nó.

Theo Asahi, chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ đưa các quốc gia đang phát triển đến gần hơn với Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và tránh xa Trung Quốc thông qua OSA. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu các quốc gia đang phát triển này, mà nhiều trong số đó có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc về mặt kinh tế, có muốn tham gia cùng Nhật Bản hay không.

Chương trình OSA cũng được cảnh báo có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực nếu phạm vi thiết bị quốc phòng mà Nhật Bản cung cấp được mở rộng.

Ngoài ra, Nhật cũng sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ để xác định xem các thiết bị cung cấp cho các quốc gia tiếp nhận có được sử dụng phù hợp theo quy định hay không.


VNCS:  Mỗi tháng có hơn 210 doanh nghiệp bất động sản và xây dựng giải thể

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/08/batdongsanphasan.jpg

Thị trườg bất động sản tiếp tục khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp ngừng kinh doanh, giải thể. (Ảnh minh họa: xaydung.gov.vn) 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi tháng có khoảng hơn 210 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và xây dựng giải thể trong 8 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 8 tháng qua có hơn 860 doanh nghiệp xây dựng, hơn 850 doanh nghiệp BĐS đã làm thủ tục phá sản, báo Dân Việt đưa tin.

Bình quân, mỗi tháng có hơn 106 doanh nghiệp BĐS phá sản hoặc ngừng hoạt động do khó khăn của ngành này trong hơn 1 năm qua.

Tương tự, cũng có hơn 107 doanh nghiệp xây dựng bị phá sản mỗi tháng do tình hình kinh doanh khó khăn.

Tính chung 8 tháng năm 2023, có 71.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; 41.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,7%; 11.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2%.

Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ phá sản và hoàn tất thủ tục phá sản lên đến hơn 124.700 doanh nghiệp. Bình quân một tháng có gần 15.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Chỉ riêng trong tháng 8/2023, đã có hơn 5.100 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tổng số doanh nghiệp khó khăn, tạm dừng hoạt động, chờ giải thể và chính thức giải thể trong tháng 8/2023 là hơn 11.600 doanh nghiệp, bằng 1/10 số doanh nghiệp khó khăn, tháo chạy khỏi thị trường trong 8 tháng qua.

Trọng Minh


Mối quan hệ của Vinfast với các đối tác và nhà đầu tư Trung Quốc

Thuỷ Tiên

Mối quan hệ của Vinfast với các đối tác và nhà đầu tư Trung Quốc

Hình ảnh ông Phạm Nhật Vượng trên bìa tạp chí Forbes năm 2013. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images) 

Việc phát triển dòng xe điện vốn chưa phải thế mạnh của Việt Nam thúc đẩy Vinfast phải tìm kiếm các đối tác có ưu thế hơn. Về lý thuyết, Trung Quốc hiển nhiên là lựa chọn tốt nhất cả địa lý lẫn công nghệ và chi phí của dòng tiền.

Hôm nay, ngày 30/8/2023, cổ phiếu Vinfast trên sàn giao dịch Hoa Kỳ được ghi nhận ở mức giá giá 46,25 USD/cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast tiếp tục giảm mạnh từ mức kỷ lục 190 tỷ USD xuống còn 107,5 tỷ USD.

Tuy ghi nhận mức giảm mạnh nhưng VinFast vẫn giữ vững vị trí top 3 những công ty sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất toàn cầu, chỉ sau Tesla và Toyota. Ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục nằm trong danh sách 30 tỷ phú giầu nhất thế giới của Forbes. Trong một diễn biến khác, Bloomberg loại ông Vượng ra khỏi danh sách tỷ phú toàn cầu của hãng.

Theo bản cáo bạch của VinFast ngày 30/6/2023, nhà sản xuất pin Trung Quốc Gotion Inc. đã ký thỏa thuận với nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đăng ký mua cổ phiếu phổ thông. Công ty này đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu VFS trong một đợt phát hành riêng lẻ với giá 10 USD/cổ phiếu. Tổng giá mua là 150 triệu USD (khoảng 3.540 tỷ đồng), tương đương tỷ lệ sở hữu 0,7% vốn điều lệ của VinFast.

Giao dịch này được hoàn tất sau khi kết thúc hợp nhất kinh doanh của VinFast và Black Spade; và Gotion được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Gotion có trụ sở tại Thung lũng Silicon ở California (Mỹ), với nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Ohio (Mỹ), Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Châu Âu.

Gotion trực thuộc Công ty Hefei Guoxuan High-Tech Power Energy (Gotion High Tech), công ty chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh pin lithium ion dành cho xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng. Doanh nghiệp này nổi bật với việc sở hữu công nghệ sản xuất pin LFP giá rẻ, phù hợp với các dòng xe ô tô điện phân khúc nhỏ và vừa. Năm 2020, Volkswagen (Trung Quốc) đã đầu tư khoảng 1,1 tỷ EUR vào Gotion High-Tech, qua đó sở hữu 24,77% và là cổ đông lớn nhất của công ty tính tới thời điểm hiện tại.

Gotion High Tech là công ty sản xuất hầu hết các thành phần của pin như bộ phân cực, vật liệu cathode, lõi pin và bộ quản lý pin. Hiện nay, công ty này cũng sản xuất cả pin lithium-ion, nổi tiếng nhất là loại LFP.

Gotion cũng là công ty hợp tác với Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VinES trong dự án nhà máy liên doanh sản xuất pin lithium khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Dự án này có tổng mức đầu tư 275 triệu USD (hơn 6.300 tỷ đồng) trong đó, khoảng 2.400 tỷ đồng là nguồn vốn của các nhà đầu tư và 3.900 đồng từ nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, tổ chức khác.

Tỷ lệ góp vốn dự án của VinES là 49%, còn lại Gotion chiếm 51%. Mục tiêu của dự án là phát triển và sản xuất pin sạc được sử dụng chủ yếu trong xe điện và hệ thống lưu trữ điện năng.

Ngoài Gotion, tờ “Travel Finance” cho biết Công ty Taizhou Jingchaoli Molding Co., Ltd (gọi tắt là “Jingchaoli”) đến từ Chiết Giang, Trung Quốc là đối tác quan trọng trong sự phát triển của VinFast từ cuối năm 2018 và là nhà cung cấp giải pháp về hệ thống trang trí nội ngoại thất, dụng cụ đồ đạc, công cụ kiểm tra, lắp ráp và hỗ trợ quy trình hệ thống khác.

Năm 2019, Chinese Longchuang Design (Shanghai Launch Design) đã cạnh tranh với một số công ty thiết kế ô tô hạng nhất quốc tế và cuối cùng đã giành được đơn đặt hàng R&D xe hàng trăm triệu nhân dân tệ (dự án VFe34) từ nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast.

Hồi tháng 3/2021, VinFast và Công ty Công nghệ ProLogium (Đài Loan) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe ô tô điện tại Việt Nam.

Ngày 30/10/2022, VinFast ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Công nghệ CATL nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis).

Tháng 4/2023, VinES hoàn tất ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các tế bào (cell) pin sạc siêu nhanh (XFC) ở nhiều dạng pin khác nhau với StoreDot, công ty Israel tiên phong trong công nghệ pin sạc siêu nhanh (XFC) cho xe điện nhằm chuẩn bị cho việc sản xuất và cung ứng tế bào pin XFC trong tương lai.

Ngày 15/8/2023, theo giờ Miền Đông Mỹ, VinFast và BlackSpade Acquisition đã hoàn tất việc sáp nhập và lần đầu tiên đổ bộ lên sàn chứng khoán Nasdaq. Cổ phiếu VinFast chào sàn chứng khoán ở mức hơn 37 USD/cp, giá cổ phiếu ngày niêm yết đầu tiên tăng 254,64% và giá trị thị trường đạt 86,05 tỷ USD.

Như vậy, sau gần 2 tuần giao dịch, VFS đã tăng vọt lên gần gấp đôi mức giá chào sàn. Hãng xe ô tô điện VinFast đã lập kỷ lục vốn hóa mới với giá trị tính tới 30/8 là gần 107 tỷ USD; kỷ lục vốn hoá từng thiết lập trước đó lên tới 190 tỷ USD. 

Trước khi đưa VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, tài sản của ông Vượng là 5,9 tỷ USD. Như vậy, phần lớn tài sản của ông Vượng tăng thêm là nhờ VinFast và sự tăng bứt phá của cổ phiếu này.

VinFast hiện đang xây dựng nhà máy tại Bắc Carolina, tập trung vào sản xuất, bàn giao xe và đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là Châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông, bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast, cho biết.

Hiện nay VinFast Auto còn chưa có lãi, sau ngày thành lập, công ty liên tục thua lỗ và vẫn cần được Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng như cá nhân tỷ phú này tiếp vốn.

Thuỷ Tiên (tổng hợp)


Dưới triều đại duy vật này, chuyện tệ hại nào cũng xảy ra

Trương Nhân Tuấn

30/8/2023

Thay vì cổ súy các chùa ngừng chuyện “phóng sinh”, theo tôi, tất cả chúng ta nên yêu sách QH ra luật cấm đặt bẫy chim muông và loại thú rừng không gây nguy hại quá đáng cho mùa màng nông dân.

Chuyện “phóng sinh”, theo những gì tôi nhớ từ thuở nhỏ, nay ít ra đã vài chục năm rồi. Ngày xưa má tôi cũng thường hay đi chợ mua chim, cò… về để “phóng sinh”, mỗi năm vào tháng bảy. Tôi nhớ như in những lúc má tôi tay tháo dây buộc chân chim, miệng lâm râm cầu khẩn. Tôi còn nhớ những dịp tết nhứt làm đồ cúng, khi cắt cổ con gà, con vịt… má tôi cũng lâm râm nguyện cho con gà, con vịt được sớm “đầu thai kiếp khác”… Nhà tôi ở quê sông rạch nhiều tôm cá. Vì vậy dân trong làng rất ít khi ăn thịt heo hay gà, vịt.

“Phóng sinh” vì vậy là một truyền thống tốt đẹp của dân quê VN. Có thể ngày nay, thời tu sĩ tu với phương châm “dân tộc – đạo pháp – xã hội chủ nghĩa”, cho nên chuyện “phóng sinh” cũng bị lợi dụng và “chính trị hóa”.

Tu sĩ, chùa chiềng quốc doanh sử dụng việc “phóng sinh” như một cách “câu khách”, làm cho những người dân thiệt thà (như má tôi) trở thành những tín đồ trung thành. Tín đồ càng mù quáng trung thành, tín đồ càng rộng lượng cúng dường. Chuyện “phóng sinh” càng được tổ chức rùm beng, báo chí truyền hình của tuyên giáo trợ lực. Chim chóc bị “cháy hàng”. Hàng hàng lớp lớp chim muông bị tuồng vào các chùa, các nơi thờ tự chờ được “phóng sinh”. Vô số chim chóc đã bị “hóa thân”, do chết khát, chết vì chen lấn trong chuồng…

Trước đạo pháp, hành vi “phóng sinh” của các chùa quốc doanh trở thành một “tội ác”. Trước thiên nhiên, chuyện phóng sinh (kiểu chùa VN) là hành vi tàn phá môi sinh, làm đảo lộn tuần hoàn của hệ sinh thái địa cầu.

Suy nghĩ sâu xa, chuyện tệ hại nào chưa xảy ra trên đất nước này?

Thời mà những đồ tể, những kẻ đã gây “tội ác diệt chủng” như ông Hồ, ông Giáp, ông Đỗ Mười… cũng được phong “bồ tát” thì “máu” đã nhuộm đỏ hết tòa sen rồi. Kinh kệ nhà chùa đã bị thay thế bằng các tín điều của chủ nghĩa duy vật. Người ta không còn phân biệt được tuyên giáo với tu sĩ quốc doanh. Thiện trở thành ác, ác đổi thành thiện. Trắng đen lẫn lộn. Người ta cũng vô phương phân biệt chùa, nơi tu hành, hay đó là cơ sở kinh tài của đảng?

Dưới triều đại duy vật này chuyện tệ hại nào cũng xảy ra được hết. Huống chi là chuyện “phóng sinh” lẻ tẻ.


Xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục giảm vào tháng 8 

29/8/2023 

VOA Tiếng Việt 

Công nhân dệt may Việt Nam.

Công nhân dệt may Việt Nam. 

Tổng cục Thống kê (TCTK) hôm 29/8 cho biết rằng xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 8 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cơ quan này thông báo rằng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 32,37 tỷ USD, tức giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tin cho hay, tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tức giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, TCTK cho biết rằng Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trong bản cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam công bố hồi tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định hôm 18/5 rằng nền kinh tế Việt Nam “đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu của các nước khác suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu”.
Theo World Bank, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm lần lượt 17,1% và 20,5% vào tháng 4 năm nay.
Tổ chức tài chính này nhận định trong bản cập nhật: “Điều này phản ánh sức cầu trên toàn thế giới suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU, khi xuất khẩu sang hai thị trường này tương ứng giảm 22,1% và 14,1% trong 4 tháng đầu năm 2023”.

Comments are closed.