Đại án AIC: “Chủ mưu” chịu khung hình phạt tối đa và khía cạnh đạo đức


Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
RFA – 09/6/2023

Đại án AIC: "Chủ mưu" chịu khung hình phạt tối đa và khía cạnh đạo đức

Cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn. 

Cổng thông tin điện tử Bắc Giang 

Xét xử vụ án là sự trừng phạt các đối tượng có tội vi phạm pháp luật của chế độ nhằm răn đe họ, nhưng trong vụ AIC (Công ty CP Tiến bộ Quốc tế), là đại án thuộc diện Trung ương quản lý bởi tính chất nghiêm trọng, bị cáo Cựu chủ tịch công ty, bị coi là “chủ mưu”, hiện vẫn đang bỏ trốn, và bị tuyên án tù nặng nề… Tuy nhiên, hơn cả một vụ án hình sự vụ AIC còn phản ánh khía cạnh đạo đức liên quan đến chuyển đổi thị trường và, sự thay đổi các chuẩn mực trong quá trình này bộc lộ những bất cập của thể chế hiện hành.

Cuối tháng 5 năm 2023 Toà án tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và AIC. Tại đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm phán quyết không chấp nhận kháng cáo của 15/36 bị cáo có kháng cáo về do các luật sư đại diện cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch AIC và 7 bị cáo là cựu CEO của Công ty hiện đang còn bỏ trốn, rằng cơ quan tố tụng điều tra chưa đầy đủ… Về cơ bản, Toà giữ y nguyên mức án đối với các bị cáo trên tại phiên tòa sơ thẩm vào hồi đầu năm. Trong đó, bị cáo bị coi là chủ mưu, bị tuyên phạt 30 năm tù vì hai tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với khung hình phạt tối đa (16 năm) và đưa hối lộ (14 năm)… Ngoài ra, trong nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hai ông nguyên bí thư và nguyên chủ tịch UBND, bị tuyên chịu án phạt lần lượt là 11 và 9 năm tù… Trong phiên phúc thẩm duy nhất có Cựu Giám đốc Bệnh viện hầu tòa để xin giảm án…

Dong Nai province office.jpeg

Trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh Người Đưa tin

“Chủ mưu” 

Để có thể áp dụng khung hình phạt tối đa Toà án đã quy kết bị cáo Nhàn là “chủ mưu”, cho rằng với vai trò cựu Chủ tịch Công ty AIC phải chịu trách nhiệm trong việc bố trí ‘ma trận’ cài cắm nhà thầu hay ‘quy trình 70 bước’ gian lận thông thầu…’ Hơn thế, bà Nhàn được cho là đã chỉ đạo các như là các phi vụ hối lộ cho các quan chức chính quyền tỉnh trong nhiều năm nhiều năm với số tiền “khủng”… Cụ thể, đưa hối lộ 14 lần với số tiền hơn 43 tỉ, trong đó các nguyên bí thư và chủ tịch tỉnh và giám đốc Sở Y tế, mỗi người trên 14,5 tỉ đồng… để chiếm đoạt khoảng 150 tỉ đồng…

Dư luận không mấy bất ngờ về bản án nghiêm khắc, nhưng kiểu những hành vi phạm tội, hơn thế xẩy ra với công ty AIC, gây “ngạc nhiên” cho chế độ. Cho đến khi AIC bị khởi tố hình sự cuối tháng 4/2022, dưới con mắt của chính quyền bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được coi là doanh nhân “tài năng” và AIC là doanh nghiệp tư nhân “thành công”.

Bà Nhàn được đào tạo bài bản, được tôn vinh, được Liên Bang Nga phong danh hiệu Viện sĩ, Tiến sĩ (năm 2015), được tặng Huân chương Mặt trời mọc (năm 2018) của Nhật Bản dành cho những cá nhân trong nước và người nước ngoài có những đóng góp quan trọng, được tạp chí Forbes Việt Nam xếp trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam (năm 2017). Ngoài ra, Bà Nhàn và AIC cũng đã được nhận nhiều giải thưởng và nhiều bằng khen của Thủ tướng, huân, huy chương, nhiều bằng khen của các Bộ, ban, ngành và địa phương trong cả nước…

Trên thương trường bà ấy có công đưa Công ty Xây dựng và Thương mại Traenco (thuộc Bộ Giao thông vận tải) khi cổ phần hoá trở thành Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), tại đây bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Dưới sự lãnh đạo của bà Nhàn, sau hơn 10 năm AIC trở thành doanh nghiệp được xếp vào nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất cả nước, có vốn điều lệ là 1.350 tỉ đồng tính đến đầu năm 2021 và doanh thu đạt hơn 10.000 tỉ đồng. AIC tiên phong trong nhiều lĩnh vực kinh doanh như Y tế, giáo dục, đào tạo nhân lực, bất động sản, năng lượng, khoa học công nghệ…, với 29 công ty thành viên, hàng ngàn cán bộ nhân viên và hàng trăm đối tác lớn trên toàn cầu. Trong hơn 10 năm AIC Group đã trúng nhiều gói thầu “khủng” trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị… ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

dcsvn.jpeg

Một người đang hoàn tất một băng rôn về đảng cộng sản Việt Nam. Ảnh AFP

“Khía cạnh đạo đức”

Đảng đã ‘tự hào’ về điều này. Trong một dịp có liên quan, vị nguyên Trưởng Ban Đối ngoại TƯ khi đó đã phát biểu: “Với những đóng góp quan trọng cho ngành khoa học công nghệ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn là tấm gương cho doanh nhân Việt Nam, cho những người làm khoa học Việt Nam. Đây là vinh dự chung của người Việt Nam, là niềm tự hào của đất nước…!” Hơn thế, chế độ tin tưởng rằng với những doanh nhân như bà Nhàn, doanh nghiệp như AIC chính sách tự do hoá kinh tế sẽ thành công.

Tuy nhiên, như đã thấy, khi vụ việc ‘vỡ lở’ chế độ dường như đã bị bất ngờ, bị ‘phản bội’ khi ‘niềm tin bị đánh cắp’, bởi vậy khung hình phạt tối đa được tuyên đối với bị cáo “chủ mưu” phần nào chứa đựng khía cạnh đạo đức, và sự trừng phạt nghiêm khắc này có thể coi như một phản ứng từ cơn thịnh nộ của quyền lực tuyệt đối. Hơn thế bà cựu Chủ tịch và bảy CEO của AIC đã kịp bỏ trốn trước khi bị bắt giam. Người ta đồn rằng họ có quan hệ ‘rộng và cao’ với giới lãnh đạo chính trị và đã được cảnh báo trước khi bị khởi tố. Thế lực nào đứng sau vụ việc vẫn là một bí ẩn đối với chế độ!

“Câu hỏi lớn với cải cách” 

Ngoài ra, trong vụ việc AIC truyền thông nhà nước đã khai thác khía cạnh đạo đức kiểu như bà Nhàn là người “tham lam” khi đặt vấn đề vì sao bà ấy có khối tài sản ‘khủng’ và, điều họ không thể nói, như một quy tắc, rằng qua vụ việc này những bất cập thể chế bị phơi bày và rằng, sự suy thoái đạo đức là hiện tượng không tránh khỏi trong kinh tế thị trường từ lâu đã được cảnh báo, về nguyên lý và thực tế, trong các nước phát triển  và các thể chế cũng chú ý được thiết lập, cải thiện trong quá trình phát triển.

Thời gian gần đây các hiện tượng tiêu cực, các vụ việc lừa đảo, trục lợi, tranh chấp, khiếu kiện… bùng phát ngày càng nhiều gây ra cảm giác lo ngại rằng xã hội đang rối loạn và, hơn thế, sự suy thoái đạo đức, tha hoá quyền lực, nhận hối lộ và chiếm đoạt trắng trợn tài sản công… của quan chức nghiêm trọng dường như vượt tầm kiểm soát của chế độ. Những dấu hiệu quay lại chế độ toàn trị kiểu cũ, dù để chống tham nhũng, có thể làm tổn hại chuyển đổi thị trường, gây lo ngại cho cải cách thể chế. Sự trừng phạt, thể hiện thứ quyền lực bậc thấp, đòi hỏi chi phí cao và gây phản ứng ngược, dù có khốc liệt đến đâu cũng chỉ là giải pháp tình thế, và hiện nay câu hỏi lớn với chế độ là đồng thời với việc chống tham nhũng thì việc tiếp tục cải cách thể chế sẽ thế nào để chính sách tự do hoá kinh tế, chuyển đổi sang thị trường.

Rõ ràng, câu trả lời nghiêm túc đòi hỏi thay đổi đột phá từ tư duy đến hành động. Và vấn đề mấu chốt ở chỗ mâu thuẫn mang tính bản chất giữa thị trường và chế độ tập quyền để toàn trị cần phải được giải quyết, trong đó liên quan tới chủ đề bài viết có vấn đề đạo đức đang thay đổi thế nào trong chuyển đổi kinh tế sang thị trường cần được tiếp tục làm sáng tỏ. 

Phạm Quý Thọ

https://www.rfa.org/vietnamese

Comments are closed.