Giáo dục ở Việt Nam cũng đang bờ vực khủng hoảng? – VNTB
Mai Lan
(VNTB) – Đến sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Sự thật dần không thể thoái thác
Đến nay, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học/ hoạt động giáo dục các khối lớp. Theo thống kê thì tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp.
Thế nhưng báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận rằng sách giáo khoa còn có một số nội dung chưa phù hợp với đối tượng học sinh, hoặc chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương, phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.
Khi có nhiều bộ sách giáo khoa, việc thay đổi quan niệm về vai trò tự chủ của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; quan niệm về vai trò sách giáo khoa từ chỗ lấy sách giáo khoa làm chuẩn để dạy học và kiểm tra, đánh giá sang việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo nội dung và yêu cầu cần đạt chương trình của giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh và xã hội còn chưa theo kịp yêu cầu mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nhìn nhận: “Bên cạnh nguyên nhân khách quan là chương trình, sách giáo khoa luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm tác động đến từng người dân, gia đình nên phải thực hiện cẩn trọng, trong khi các điều kiện chuẩn bị còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lường hết được sự phức tạp của đổi mới chương trình, sách giáo khoa nên đôi lúc bị động, lúng túng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Chính chuyện “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” đặt trong tâm thế ở cấp lãnh đạo tối cao là “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” , đã tạo nên cái nhìn qua lăng kính được tô hồng không có thật, đưa đến những ngộ nhận của nền giáo dục mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giáo viên là nghề phận bạc
Thiếu giáo viên cũng là vấn đề cho thấy góp phần đẩy nền giáo dục nước nhà ở mấp mé bờ vực khủng hoảng.
Trong đề án thu hút giáo viên tiểu học tại TP.HCM được công bố hồi đầu tháng 2-2023, cho biết chỉ trong riêng năm học 2022-2023, toàn TP.HCM có tổng cộng 663.426 học sinh. Căn cứ theo điều lệ trường tiểu học quy định 35 học sinh/ lớp, tổng số lớp phải là 18.955 lớp, tương ứng 18.955 phòng học, số lượng giáo viên tiểu học căn cứ tỷ lệ 1,5 giáo viên/ lớp phải đạt 28.432 giáo viên.
Do đó, chỉ tính riêng trong năm học 2022-2023, đã thiếu 1.758 lớp học/ phòng học và thiếu 3.643 giáo viên tiểu học. Số lượng giáo viên tiểu học còn thiếu tại TP.HCM tương đương 12,8% số lượng giáo viên cần có. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên hiện nay phải choàng gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc thực tế mà họ chỉ đảm nhận.
Số liệu cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học không còn công tác trong ngành giáo dục cũng được đề cập ở đề án nêu trên. Đây là số liệu được thu thập vào thời điểm tháng 12-2022. Theo đó, từ năm học 2020-2021 đến nay, đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục. Những lý do là do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ việc.
Cụ thể, số cán bộ quản lý rời khỏi ngành giáo dục tương đương 16,20%, số giáo viên tiểu học không còn công tác trong ngành giáo dục tương đương 10,01%.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số liệu trên được tính toán để cần bù đắp số lượng, vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, quan trọng hơn nữa là để thực hiện các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.
Như vậy trong khi biên soạn sách giáo khoa thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, giáo viên nơi thừa, nơi thiếu đã cho thấy diện mạo chung của nền giáo dục Việt Nam rất đáng báo động không kém gì chuyện thời sự “thiếu đủ thứ” ở bệnh viện công lập, hay việc bế tắc trong đăng kiểm xe cơ giới…
Việt Nam Thời Báo