Hệ lụy của hình sự hóa những ý kiến trái chiều – VNTB –
Hoài Nguyễn
(VNTB) – Quyền biểu đạt ý kiến rất có thể ngày càng phải đối mặt với hình sự hóa.
Phản biện về cách điều hành của Đảng, cá nhân đó nếu ‘nặng lời trách cứ’ thì có thể phải đối mặt hình luật theo điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Giả dụ như khi ai đó nói rằng không chấp nhận chuyện nhúm người nhân danh Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đưa ra một nhân vật nào đó và buộc Quốc hội phải tiến hành thủ tục bầu để người này làm Chủ tịch nước. Lý do: theo điều 69 của Hiến pháp hiện hành thì “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hiến pháp còn quy định rõ là “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” (Điều 86), và “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội” (Điều 87).
“Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội” – trích điều 8.2 “Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước”, Luật tổ chức Quốc hội.
Như vậy, với những gì đang diễn ra công khai ở nghị trường hổm rày cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới là địa chỉ cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đó là một dấu hiệu của vi hiến.
Thế nhưng nếu ai đó theo mạch pháp luật trên để diễn giải, phân tích rồi đưa đến đề nghị cần thành lập Tòa bảo hiến để giữ gìn, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì người ấy sẽ phải đối mặt với chuyện đi tù có thể lên tới 12 năm vì “phỉ báng chính quyền nhân dân – gây hoang mang trong nhân dân – gây chiến tranh tâm lý” được diễn giải theo hình luật 117.
Thời thượng hơn là điều luật hình sự số 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Một đơn cử. Hồi đầu tháng 3-2023, trước dồn dập ta thán của dân chúng về chuyện thủ tục hành chính liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ kiểm tra, nắm bắt tình hình, xác định các vướng mắc ở địa phương, nguyên nhân, khách quan, chủ quan, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể, phù hợp.
Thật ra từ mấy năm trước lúc Bộ Công an xúc tiến chuyện “bỏ sổ hộ khẩu”, thì khi ấy hàng loạt vấn đề đã được báo chí đặt ra thông qua ghi nhận ý kiến của người dân cho tới nhân viên phụ trách về thủ tục hành chính liên quan. Thế nhưng dường như phía chấp bút soạn thảo kế hoạch này vẫn “không tiếp thu” để rồi đưa đến vô số phiền toái mà các văn bản pháp luật liên quan chưa điều chỉnh tương ứng để thích hợp với thay đổi từ “bỏ sổ hộ khẩu”.
Chuyện mẫu hộ chiếu mới được Bộ Công an bỏ mục “nơi sinh” và bị phản ứng cũng tương tự. Bộ này vẫn bảo thủ ý kiến cho đến khi ‘chẳng đặng đừng’ họ mới chịu ‘bổ sung’, nhưng không nhận sai.
Nếu ai đó từ hai vụ việc cụ thể trên của Bộ Công an để rồi lên tiếng phê phán, thậm chí yêu cầu người đứng đầu bộ này phải từ chức vì để khắc phục các sai sót trên về thủ tục, đồng nghĩa ngân sách quốc gia thêm khoản tốn kém ngoài hoạch định, và lòng tin của dân chúng thì sút giảm. Và người nào dám lên tiếng kiểu đó một cách kiên trì, chắc chắn sẽ đi đến cái kết của quy chụp vào hình luật số 331.
Việt Nam Thời Báo