Hệ thống y tế Việt Nam: Sâu bọ lổn ngổn – Thạch Thảo
1 tháng 6, 2022
Ông Nguyễn Lân Hiếu (Ảnh: Dân Việt)
Ngày 1 Tháng Sáu, Quốc hội Việt Nam thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế -xã hội. ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã có phát biểu rất đáng chú ý. Mở đầu phát biểu ông đề cập tới vấn đề liên quan đến dịch Covid-19. Sau khi phân tích, ĐB Hiếu cho rằng, dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực mà báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành y tế.
“Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức nên tôi xin phép không nhắc lại ở đây. Những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công, tội phân minh”, ông nói. Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào. Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt”.
“Những khó khăn trước đây như thu thập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết. Nếu các vị đại biểu Quốc hội có thời gian thăm các bệnh viện địa phương mình sẽ thấy tình hình có thể coi là nguy hiểm này. Rất nhiều các nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, các cử tri, người bệnh đã gửi gắm cho tôi nỗi lòng của mình về những khó khăn hiện nay trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam. Tìm được câu trả lời theo tôi không hề dễ dàng vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn”.
Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của các đại đa số các bệnh viện cả công và tư. Gần đây có vị bộ trưởng cũng than phiền là muốn ra mua viên Zinat, một loại kháng sinh rất thông dụng, mà không thể mua được ở các cửa hàng. Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng ít hơn, vì mức lương không tăng mà có xu hướng giảm. Theo thống kê, “ở các bệnh viện công không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng đành phải bó tay, nản lòng”, ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Từ phân tích trên, ông Nguyễn Lân Hiếu đã đề nghị Quốc hội ba vấn đề:
Thứ nhất, rà soát cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua ở kỳ họp tiếp theo.
Thứ hai, giám sát Chính phủ, ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế, như quyết nghị giảm tốc độ dịch Covid-19, như hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ ba, có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở; đầu tư các kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng, thu hút tài năng, nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.
Bầy sâu bọ đã bị gạt khỏi hệ thống, “những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Một cách chính xác, thật ra vấn đề ở chỗ không phải “bắt sâu” mà là làm thế nào để môi trường đẻ ra sâu không còn tồn tại. Sâu ở Việt Nam chỗ nào cũng có, làm gì có thể bắt hết được?!
Tags: Đại dịch, độc tài, đồng tâm, việt nam