Hiệp định Paris và Nhân quyền: Điều khó nói của ‘bên thắng cuộc’ (CS không hề có nhân quyền – LTS)
January 25, 2024 / CBT01
Nếu có một điều bạn nên quan tâm trong Hiệp định Paris thì đó là Điều 11.
Quỳnh Vi
May 11, 2017
” Việc thống nhất thành một quốc gia duy nhất từ năm 1976 không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể chấm dứt nghĩa vụ thực thi Hiệp định Paris 1973.
Như vậy, đối chiếu với hiệp định, chính quyền Việt Nam ngày nay sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn về các trại tập trung cải tạo và các chương trình “đánh tư sản” ở miền Nam sau năm 1975, về hàng triệu thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi, về việc phân biệt đối xử với con em viên chức miền Nam cũ, về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và các vụ cưỡng chế thu hồi đất, cấm kinh tế tư nhân, cấm báo chí tư nhân, và về chế độ kiểm duyệt sách báo và văn hóa phẩm hiện nay.
Chưa hết, việc bỏ tù người dân chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị và tôn giáo của họ, hay cấm công đoàn độc lập và việc thành lập các tổ chức xã hội dân sự cũng là những vấn đề lớn không kém. “
Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCSVN Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thuỷ tại Paris năm 1973. Ảnh: agenciafebre.com.br.
Bài viết này nằm trong số báo tháng Tư năm 2022 của Luật Khoa tạp chí, được phát hành trên ấn bản PDF ngày 26/4/2022.
Gần như người Việt Nam trưởng thành nào cũng từng nghe nói đến Hiệp định Paris năm 1973 về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Đó được coi là thắng lợi của phe miền Bắc, tạo đà cho họ cùng với Mặt trận Giải phóng kiểm soát hoàn toàn miền Nam hai năm sau đó. Nhưng chấm dứt chiến tranh, buộc Mỹ rút quân có phải là toàn bộ nội dung của Hiệp định Paris không?
Câu trả lời là không. Hãy cùng xem:
Điều 11 – Hiệp định Paris 1973Ngay sau khi ngừng bắn hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh. |
Cần lưu ý rằng, có bốn bên và hai phe tham gia ký kết Hiệp định Paris: một phe gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCM), phe kia là Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Mỹ.
“Hai bên miền Nam Việt Nam” mà hiệp định nhắc tới là VNCH và CPCM.
Chỉ trích VNCH vi phạm nhân quyền
Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, hai chính phủ tại miền Nam Việt Nam tiến hành tổ chức các buổi hiệp thương để giải quyết các vấn đề nội bộ giữa họ.
Phe CPCM liên tục nhấn mạnh việc cần phải tuân thủ hiệp định và đảm bảo các quyền tự do dân chủ nói trên cho người dân. Họ cũng liên tục cáo buộc chính quyền VNCH đã đàn áp và tước đoạt các quyền này của người dân miền Nam Việt Nam.
Tại buổi hiệp thương lần thứ 17 ngày 18/7/1973, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng kiêm trưởng đoàn của CPCM, cáo buộc chính quyền VNCH đàn áp nhân quyền:
“Đối với quyền tự do dân chủ của nhân dân, phía các vị chẳng những không chịu bảo đảm đầy đủ như Hiệp định và Thông cáo chung quy định, lại còn chà đạp một cách thô bạo hơn trước. Các vị đã liên tiếp mở những chiến dịch đàn áp và khủng bố bắt bớ và ‘thanh lọc’ hàng trăm ngàn người, ngăn cản nhân dân tự do cư trú, tự do đi lại và làm ăn sinh sống. Các vị cũng liên tiếp đưa ra những luật lệ phát xít nhằm bịt miệng báo chí, ngăn cản các xu hướng chánh trị và tôn giáo nói lên tiếng nói của mình.”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu (giữa) và bà Nguyễn Thị Chơn, phái đoàn Chính phủ Cách mạng tại Hội nghị Hiệp thương hai bên miền Nam ở La Celle St. Cloud, sau Hiệp định Paris 1973. Ảnh: vietscience.free.fr.
Ngoài ra, cũng tại lần hiệp thương thứ 17 này, CPCM đã đưa ra 22 yêu cầu đối với VNCH. Trong đó, có những đòi hỏi “phải bãi bỏ tất cả các loại kiểm duyệt và tất cả các biện pháp được dùng để kiểm soát báo chí”, cũng như “quyền tự do hội họp (của người dân) phải được bảo đảm, và những việc tụ tập, nhóm họp, hay biểu tình của người dân đều không cần phải xin phép chính quyền trước.”
Đến lần hiệp thương thứ 41 ngày 15/2/1974, CPCM nhắc lại 6 điểm mà họ đã yêu cầu VNCH từ những phiên họp đầu tiên.
Trong đó, điểm thứ 3 một lần nữa yêu cầu “bảo đảm ngay và đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân”, đặc biệt nhấn mạnh các quyền “tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống” dựa trên Điều 11 của Hiệp định Paris 1973.
Không phải chỉ riêng CPCM lên tiếng về việc phải thực thi Điều 11 của Hiệp định Paris 1973 nhằm đảm bảo các quyền tự do dân chủ cho người dân.
Năm 1973, Hà Nội đã cho phép Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Luật học xuất bản một tập hợp các bài tiểu luận của các luật gia và chính khách của VNDCCH và CPCM với tên gọi “Hiệp định Paris về Việt Nam – Những vấn đề pháp lý cơ bản”.
Cuốn sách này nhấn mạnh “những quyền tự do dân chủ phải là tiền đề của mọi không gian chính trị và xã hội”. Sách cũng trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng CPCM Nguyễn Văn Hiếu:
“Các quyền tự do dân chủ là những quyền con người căn bản, là khát khao cháy bỏng của mọi tầng lớp xã hội, mọi thế lực chính trị và tôn giáo và mọi xu hướng của miền Nam Việt Nam. Chỉ duy nhất bằng cách thực thi toàn bộ các quyền tự do dân chủ mới có thể đem đến hòa bình và hòa giải dân tộc, giải quyết các tranh chấp nội bộ tại miền Nam Việt Nam, cũng như mang lại quyền tự chủ cho người dân.”
Trong một số cuộc họp hiệp thương khác giữa CPCM và VNCH vào năm 1973 và 1974 tại lâu đài La Celle St. Cloud ở Pháp, đoàn CPCM cũng liên tiếp chỉ trích mạnh mẽ chính quyền VNCH, và đặc biệt là nội các của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, về việc đàn áp nhân quyền và tự do của người dân miền Nam.
Từ buổi hiệp thương thứ 8 diễn ra ngày 25/4/1973, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đã đưa ra đề nghị 6 điểm với VNCH, trong đó nhấn mạnh việc “bảo đảm ngay lập tức và đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân” theo Điều 11 của Hiệp định Paris 1973.
Vào buổi họp hiệp thương lần thứ 12 ngày 22/5/1973, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng đưa ra 3 vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, mà một trong số đó chính là việc “đảm bảo các quyền tự do dân chủ” cho người dân.
Như vậy, CPCM và VNDCCH không những ký kết mà còn liên tục khẳng định nghĩa vụ nhân quyền của các bên trong Hiệp định Paris.
Nghĩa vụ nhân quyền của Việt Nam ngày nay và những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Kể từ ngày 30/4/1975, CPCM lật đổ được chính quyền VNCH và kiểm soát hoàn toàn miền Nam, lập ra nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMN). Đến ngày 2/7/1976, miền Nam thống nhất với miền Bắc, lập ra nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chính quyền hiện nay có nghĩa vụ tiếp tục thực thi Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh: Hoàng Hà/Zing.
Về nguyên tắc, CHMN và sau này là Việt Nam thống nhất vẫn có nghĩa vụ tuân thủ Điều 11 của Hiệp định Paris vì họ thừa kế lại các nghĩa vụ này từ các chính quyền tiền nhiệm, tức là các bên đã ký kết hiệp định.
Hiệp định Paris 1973 là một hiệp ước quốc tế, và những bên tham gia ký kết đều có nghĩa vụ thực thi toàn bộ những điều khoản của nó như đã cam kết. Không có bất kỳ giới hạn nào về thời gian đối với nghĩa vụ thực thi này.
Việc thống nhất thành một quốc gia duy nhất từ năm 1976 không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể chấm dứt nghĩa vụ thực thi Hiệp định Paris 1973.
Như vậy, đối chiếu với hiệp định, chính quyền Việt Nam ngày nay sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn về các trại tập trung cải tạo và các chương trình “đánh tư sản” ở miền Nam sau năm 1975, về hàng triệu thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi, về việc phân biệt đối xử với con em viên chức miền Nam cũ, về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và các vụ cưỡng chế thu hồi đất, cấm kinh tế tư nhân, cấm báo chí tư nhân, và về chế độ kiểm duyệt sách báo và văn hóa phẩm hiện nay.
Chưa hết, việc bỏ tù người dân chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị và tôn giáo của họ, hay cấm công đoàn độc lập và việc thành lập các tổ chức xã hội dân sự cũng là những vấn đề lớn không kém.
https://www.luatkhoa.com/2017/05
Overlay7
Tags: độc tài, Tham nhũng, toàn trị, việt nam