Hiệu quả vắc-xin Vero Cell (của Trung Quốc) và trách nhiệm của WHO


Nguyễn Nam – 16/12/2022

VNTB – Hiệu quả vắc-xin Vero Cell và trách nhiệm của WHO

Số ca nhiễm Covid ở Trung Quốc đại lục tăng vọt sau khi ngưng chính sách Zero COVID

Chính phủ Trung Quốc đột ngột ngừng chính sách Zero COVID vào tuần trước, bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa. Bất ngờ là số ca nhiễm Covid ở Trung Hoa đại lục tăng vọt…

Sáng 14-12-2022 (giờ địa phương), nhà chức trách Trung Quốc cho biết đã ghi nhận 2.249 ca mắc Covid-19 có triệu chứng trên toàn quốc vào ngày 13-12, 20% trong số này được phát hiện ở thủ đô.

Trong một bài viết trên Twitter, một luật sư ở Bắc Kinh đồng thời là cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc James Zimmerman cho biết, 90% số nhân viên trong văn phòng ông mắc Covid-19, tăng từ một nửa số nhân viên mắc bệnh vài ngày trước đó…

Nhiều ý kiến bắt đầu ngờ vực chất lượng phòng Covid thực sự ra sao của vắc-xin do chính quốc gia này nghiên cứu và sản xuất; qua đó cũng đặt lại vấn đề của ‘đề kháng tự nhiên’ của người Trung Quốc về con vi-rút này.

Vắc-xin Vero Cell của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt và chấp thuận cho phép đưa vào sử dụng từ ngày 07-05-2021. Hiệu quả bảo vệ của loại vắc-xin này trong phòng ngừa Covid-19 được thông báo là 78.2%. Đây là loại vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất bởi một quốc gia không thuộc các nước phương Tây, được WHO phê duyệt.

Vắc-xin Vero Cell là vắc-xin được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh Sinopharm. Đây là Tập đoàn Y Dược Trung Quốc, là đơn vị sản xuất vắc-xin lớn nhất của Trung Quốc với hơn 1.500 công ty con.

Vắc-xin Sinopharm được sản xuất tại cơ sở Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd của Trung Quốc. Tên gọi khác của loại vắc-xin này là vắc-xin Vero Cell. Vắc-xin được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt, một công nghệ đã được sử dụng từ lâu trong sản xuất nhiều loại vắc-xin khác nhau.

Ở Trung Quốc, người dân chỉ được chích vắc-xin phòng Covid-19 do chính quốc gia này nghiên cứu sản xuất.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Jiao Yahui, một quan chức cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia, cho biết trong cuộc họp báo ngày 14-12 rằng Trung Quốc đã phải mở 14.000 phòng khám sốt tại các bệnh viện lớn và 33.000 phòng khám tại các bệnh viện cộng đồng.

Trong báo cáo Covid gần đây nhất trong tuần lễ tính đến ngày 27-11-2022, WHO cho biết Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhập viện gia tăng trong 4 tuần liên tiếp.

Ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho rằng vi rút đã lây lan “mạnh mẽ” ở Trung Quốc từ rất lâu trước khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế dịch bệnh.

“Vì vậy, thách thức mà Trung Quốc và các quốc gia khác vẫn phải đối mặt là: những người nào cần được tiêm chủng, tiêm chủng đầy đủ, đúng loại vắc-xin và đúng số lượng và lần cuối cùng những người đó tiêm vắc-xin là khi nào” – vị giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, lưu ý.

Trong một động thái được cho là bất ngờ vì đảo chiều rất đột ngột, đó là cùng thời điểm ngày 14-12-2022 với các phát biểu ở họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) của ông Mike Ryan, thì phía Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã cho biết hiện không thể theo dõi số lượng chính xác ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, bởi vì người bệnh không có triệu chứng không còn tham gia xét nghiệm. Ủy ban này cũng cho biết thêm rằng việc xét nghiệm không còn cần thiết ở phần lớn đất nước họ.

Tuy không chấp nhận lưu hành các vắc-xin phòng Covid khác ngoài Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vào tháng 2-2022 đã cấp phép cho các bệnh viện sử dụng Paxlovid để điều trị cho người nhiễm Covid-19 nặng.

Ngày 13-12-2022, công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ cho biết họ đang tăng cường cung cấp thuốc kháng virus Paxlovid điều trị Covid-19 sang Trung Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này đang gia tăng. Công ty cho biết: “Pfizer đang tích cực hợp tác với tất cả các bên liên quan để đảm bảo cung cấp đủ Paxlovid đáp ứng nhu cầu điều trị Covid-19 của các bệnh nhân ở Trung Quốc”.

Sở dĩ đặt vấn đề về hiệu quả phòng Covid-19 của vắc-xin do Trung Quốc tự nghiên cứu sản xuất và được sự phê chuẩn cho sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của WHO vì ghi nhận số liệu tính đến ngày 13-12-2022, có đến 92,73% người dân Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, và 90,37% người dân đã được tiêm phòng đầy đủ ở Trung Quốc – Xia Gang, một quan chức của Ủy ban Y tế quốc gia phụ trách dịch vụ tiêm chủng của Trung Quốc, cho biết.

Một so sánh có thể không tương xứng đại lượng về vấn đề sử dụng vắc-xin phòng Covid đa dạng hơn ở Việt Nam.

Cuối tháng 11-2022, Sở Y tế TP.HCM công bố một kết quả điều tra cho biết hơn 98% người dân TP.HCM có kháng thể ngừa Covid-19. Kết quả này có được từ công trình khoa học điều tra cắt ngang khảo sát tình hình miễn dịch cộng đồng của người dân TP.HCM đối với vi rút SARS-CoV-2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp với bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện vào tháng 9-2022.

Công trình khoa học điều tra này do Sở Y tế TP.HCM đặt hàng, để đánh giá mức độ miễn dịch cộng đồng của người dân thành phố sau giai đoạn TP.HCM trở thành tâm dịch Covid-19 khốc liệt nhất, và nhất là sau giai đoạn cả thành phố đã nỗ lực triển khai hoạt động tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân thành phố.

Kết quả điều tra biết được tỉ lệ người dân có miễn dịch chống lại vi rút SARS-CoV-2 (do đã mắc bệnh hoặc do đã tiêm vắc-xin) có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở khoa học để thuyết phục người dân phải tiêm vắc-xin nếu tỉ lệ có kháng thể chưa cao. Đây cũng là cơ sở khoa học để kêu gọi người dân tiêm nhắc lại theo đúng quy định để duy trì khả năng miễn dịch nếu tỉ lệ có kháng thể tại thời điểm khảo sát đã ở mức bảo vệ cộng đồng.

Như vậy phải chăng hiện tình lúc này về Covid-19 ở Trung Quốc là kháng thể tự nhiên chống lại vi rút SARS-CoV-2 kém, còn khả năng đến từ ‘tác dụng phụ’ nào đó chưa được tìm hiểu hết trong nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng Covid của Trung Quốc?

Tags: , ,

Comments are closed.