Hiểu về chủ nghĩa Dân tộc mới.


Phong Trào Duy Tân

Nguồn: Daron Acemoglu, “Understading the New Nationalism”, Project Syndicate, 8/6/2022

24/10/2024

Mặc dù chắc chắn mang lại lợi ích lớn, dự án toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh cũng tạo ra điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy trên toàn thế giới. Với uy tín quốc tế đang ở mức thấp, các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ cần phải suy nghĩ lại về cách họ tham gia về mặt kinh tế và chính trị với các quốc gia đã chấp nhận chủ nghĩa này.

CAMBRIDGE – Sự hưng phấn sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 không chỉ xoay quanh điều mà Francis Fukuyama gọi là “chiến thắng không thể chối cãi của chủ nghĩa tự do kinh tế và chính trị.” Nó còn liên quan đến sự suy tàn của chủ nghĩa dân tộc. Khi nền kinh tế thế giới ngày càng hội nhập nhanh chóng, người ta cho rằng con người sẽ bỏ lại sau lưng bản sắc dân tộc của mình. Dự án hội nhập châu Âu – được những người trẻ có học thức và tham vọng nhiệt tình ủng hộ – không chỉ mang tính siêu quốc gia mà còn mang tính hậu dân tộc.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc đã quay trở lại và đang đóng vai trò trung tâm trong chính trị toàn cầu. Xu hướng này không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ hoặc Pháp, nơi cựu Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu Marine Le Pen lần lượt dẫn đầu các liên minh dân tộc chủ nghĩa mới. Chủ nghĩa dân tộc cũng đang thúc đẩy các phong trào dân túy ở Hungary, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác.

Trung Quốc đã áp dụng một hình thức chủ nghĩa độc tài dân tộc mới, và Nga đã phát động một cuộc chiến dân tộc nhằm xóa sổ quốc gia Ukraine.

Có ít nhất ba yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc mới. Thứ nhất, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng có những oán hận lịch sử. Ấn Độ đã bị Anh quốc khai thác có hệ thống dưới thời thuộc địa, và Đế chế Trung Hoa đã bị suy yếu, sỉ nhục và lệ thuộc trong các cuộc Chiến tranh Nha phiến thế kỷ XIX. Chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ được khơi gợi từ ký ức về sự chiếm đóng của phương Tây ở các khu vực rộng lớn của quốc gia này sau Thế chiến I.

Thứ hai, toàn cầu hóa đã làm gia tăng các căng thẳng vốn có. Nó không chỉ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng ở nhiều quốc gia (thường theo những cách không công bằng, bằng cách làm giàu cho những người có mối quan hệ chính trị); mà còn làm xói mòn các truyền thống và chuẩn mực xã hội lâu đời.

Và thứ ba, các nhà lãnh đạo chính trị ngày càng trở nên khéo léo và thiếu lương tâm trong việc lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để phục vụ các mục đích cá nhân. Ví dụ, dưới sự cai trị độc tài của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tình cảm dân tộc đang được nuôi dưỡng thông qua các chương trình giảng dạy mới ở cấp trung học và các chiến dịch tuyên truyền.

Tương tự, dưới chế độ dân tộc chủ nghĩa Hindutva của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nền dân chủ lớn nhất thế giới đã rơi vào chủ nghĩa phi tự do của đa số. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan ban đầu đã né tránh chủ nghĩa dân tộc, thậm chí còn dẫn đầu một tiến trình hòa bình với người Kurd vào đầu những năm 2010. Nhưng sau đó, ông đã hoàn toàn ủng hộ chủ nghĩa dân tộc và đàn áp truyền thông độc lập, các nhà lãnh đạo đối lập và những người bất đồng chính kiến.

Chủ nghĩa dân tộc ngày nay cũng là một phản ứng tự củng cố đối với dự án toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh. Năm 2000, khi là ứng cử viên tổng thống, George W. Bush đã mô tả thương mại tự do là “một đồng minh quan trọng trong những gì Ronald Reagan gọi là ‘chiến lược tiến về tự do’… Thương mại tự do với Trung Quốc, và thời gian sẽ đứng về phía chúng ta.” Niềm hy vọng là thương mại và giao tiếp toàn cầu sẽ dẫn đến sự hội tụ về văn hóa và thể chế. Và khi thương mại trở nên quan trọng hơn, ngoại giao phương Tây sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, vì các quốc gia đang phát triển sẽ sợ mất quyền tiếp cận vào thị trường và tài chính của Mỹ và châu Âu.

Điều đó đã không diễn ra như mong đợi. Toàn cầu hóa được tổ chức theo cách tạo ra những lợi ích lớn cho các quốc gia đang phát triển có thể định hướng lại nền kinh tế của họ theo hướng xuất khẩu công nghiệp trong khi vẫn giữ mức lương thấp (bí quyết thành công của Trung Quốc) và cho các nền kinh tế mới nổi giàu dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, chính những xu hướng này đã trao quyền cho các nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa đầy sức hút.

Khi các quốc-gia-đang-phát-triển-có-vị-thế tích lũy được nhiều nguồn lực hơn, họ cũng có khả năng lớn hơn để thực hiện tuyên truyền và xây dựng các liên minh. Tuy nhiên, khía cạnh ý thức hệ còn quan trọng hơn. Bởi vì ngoại giao phương Tây ngày càng bị coi là một hình thức can thiệp (một quan niệm có phần hợp lý), các nỗ lực bảo vệ nhân quyền, tự do báo chí hoặc dân chủ ở nhiều quốc gia đã chứng tỏ không hiệu quả hoặc thậm chí phản tác dụng.

Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, triển vọng gia nhập Liên minh Châu Âu được cho là sẽ cải thiện hồ sơ nhân quyền của đất nước và củng cố các thể chế dân chủ. Và trong một thời gian ngắn, điều đó đã thành công. Nhưng khi các yêu cầu từ đại diện EU ngày càng nhiều, chúng đã trở thành nguyên nhân để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Quá trình gia nhập bị đình trệ và nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ đã suy yếu kể từ đó.

Chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy cuộc xâm lược Ukraine của Nga phản ánh ba yếu tố đã nêu ở trên. Các giới tinh hoa chính trị và an ninh Nga tin rằng đất nước của họ đã bị sỉ nhục bởi phương Tây kể từ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Việc Nga hội nhập vào nền kinh tế thế giới mang lại ít lợi ích cho dân số, trong khi tạo ra sự giàu có không tưởng cho một nhóm các nhà tài phiệt có quan hệ chính trị, vô đạo đức, và thường có hoạt động phạm tội. Và mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin điều hành một hệ thống bảo trợ rộng lớn, ông ta khéo léo nuôi dưỡng và lợi dụng tình cảm dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc Nga là tin xấu cho Ukraine vì nó giúp Putin củng cố chế độ của mình vững chãi hơn. Dù có các lệnh trừng phạt hay không, ông ta khó có khả năng bị lật đổ vì ông ta được bảo vệ bởi những thân tín có cùng lợi ích và quan điểm dân tộc. Thậm chí, sự cô lập có thể làm cho Putin trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu chiến tranh không làm suy yếu chế độ của ông ta, nó có thể tiếp tục vô thời hạn bất kể mức độ thiệt hại kinh tế của Nga.

Kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy này mang lại một số bài học. Chúng ta có thể cần suy nghĩ lại cách tổ chức các quy trình toàn cầu hóa kinh tế. Không nghi ngờ gì nữa, thương mại rộng mở có thể mang lại lợi ích cho cả các nền kinh tế đang phát triển và phát triển. 

Nhưng trong khi thương mại đã giúp giảm giá cho người tiêu dùng phương Tây, nó cũng làm gia tăng bất bình đẳng và làm giàu cho các nhà tài phiệt ở Nga cùng với những kẻ thân Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Vốn, thay vì lao động, đã trở thành bên hưởng lợi chính.

Do đó, chúng ta cần xem xét các cách tiếp cận thay thế. Trên hết, các thỏa thuận thương mại không còn có thể được quyết định bởi các tập đoàn đa quốc gia hưởng lợi từ việc kiếm lời từ sự chênh lệch về mức lương thấp một cách nhân tạo và các tiêu chuẩn lao động không thể chấp nhận được ở các thị trường mới nổi. Chúng ta cũng không thể dựa vào các mối quan hệ thương mại dựa trên lợi thế chi phí do nhiên liệu hóa thạch giá rẻ được trợ cấp tạo ra.

Hơn nữa, phương Tây có thể cần phải chấp nhận rằng họ không thể tác động một cách đáng tin cậy đến quỹ đạo chính trị của các đối tác thương mại của mình. Đồng thời, họ cũng cần tạo ra các biện pháp bảo vệ mới để đảm bảo rằng các chế độ tham nhũng, độc tài không thể ảnh hưởng đến chính trị của chính các quốc gia phương Tây. Và quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo phương Tây nên nhận ra rằng họ sẽ có được nhiều uy tín hơn trong các vấn đề quốc tế nếu họ thừa nhận các hành vi sai trái trong quá khứ của chính quốc gia họ trong cả thời kỳ thuộc địa và Chiến tranh Lạnh.

Việc nhận ra ảnh hưởng hạn chế của phương Tây đối với chính trị của các quốc gia khác không có nghĩa là dung túng cho các hành vi vi phạm nhân quyền. Nhưng điều đó có nghĩa là các chính phủ phương Tây nên áp dụng một cách tiếp cận mới, hạn chế sự can thiệp chính thức và dựa nhiều hơn vào hành động của xã hội dân sự thông qua các tổ chức như Amnesty International hoặc Transparency International.

Không có giải pháp toàn diện nào để đánh bại chủ nghĩa dân tộc độc tài, nhưng có những lựa chọn tốt hơn để đối phó với nó.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân

Comments are closed.