Khi công an dẫn dắt quốc gia – Trân Văn
VOA tiếng Việt- 30/8/2023
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10/8/2022.
Tuy cả kinh tế lẫn xã hội tiếp tục ngả nghiêng vì đủ loại vấn nạn nhưng Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn dành phần lớn tâm lực, trí lực, sức lực, tài lực cho việc thỏa mãn vô điều kiện các yêu cầu của Bộ Công an.
Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục dành thời gian để xác định nên gọi loại giấy tờ tùy thân giúp xác định danh tính, lai lịch, nhân diện, nhân dạng của một cá nhân ở Việt Nam là… “Thẻ căn cước” (Thẻ CC) hay… “Thẻ căn cước công dân” (Thẻ CCCD).
Lần này khác với cách nay hai tháng, dường như các đại biểu quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã “nhất trí cao” với đề nghị của Bộ Công an: Phải sửa Luật Căn cước công dân hiện hành, trong luật mới và theo đó, phải hồi sinh… “Thẻ CC”, khai tử… “Thẻ CCCD”.
***
Tuy cả kinh tế lẫn xã hội tiếp tục ngả nghiêng vì đủ loại vấn nạn nhưng Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn dành phần lớn tâm lực, trí lực, sức lực, tài lực cho việc thỏa mãn vô điều kiện các yêu cầu của Bộ Công an.
Ở Kỳ họp thứ 5 (6/2023) – kỳ họp mới nhất, bất kể tình trạng an ninh – trật tự thế nào, các ĐBQH khóa 15 vẫn ưu tiên dành thời gian cho việc thông qua Dự luật sửa đổi luật công an nhân dân (CAND) để CAND có thể… nâng số lượng tướng từ 199 lên 205.
Bởi khóa trước, viên tướng quân đội được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UB QPAN) mang hàm Thượng tướng, còn khóa này, do quy định của… Luật CAND, viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ nhiệm UB QPAN chỉ có cấp bậc Trung tướng nên Bộ Công an đã đốc thúc Quốc hội gấp rút sửa Luật CAND để các viên tướng công an được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ nhiệm UB QPAN cũng phải là… Thượng tướng và các ĐBQH gật đầu ngay (1).
Cũng trong Kỳ họp thứ 5, gần như tất cả đại biểu của Quốc hội khóa 15 đều tán thành với đề nghị của Bộ Công an là phải có… luật về “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”.
Cần lưu ý, cách nay khoảng ba năm, hồi tháng 11/2020, có 290/393 ĐBQH khóa trước (Khóa 14) đã liệng “Dự luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” vào thùng rác. Khoảng hai phần ba ĐBQH cho rằng, ý tưởng dùng luật để thống nhất ba lực lượng: Công an bán chính quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng trên toàn quốc của ông Tô Lâm không những không cần thiết vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng mà còn tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (2).
Thậm chí tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, Ủy viên UB QPAN Quốc hội khóa 14 còn nhấn mạnh: Lực lượng công an đã quá đông. Mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa! Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình (?). Hay khẳng định như tướng Nguyễn Mai Bộ, Phó Chánh án Tòa Quân sự Trung ương, cũng là Ủy viên UB QPAN của Quốc hội khóa 14: Thống nhất ba lực lượng không những không thể giảm 500.000 người mà còn khiến ngân sách phải gánh thêm lương cho chừng 800.000 người (126.000 công an xã bán chuyên trách, 70.000 bảo vệ phường – xã, 500.000 phòng cháy chữa cháy), chưa kể chi phí cho trụ sở, hoạt động,… và các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội (3)… Thế thì tại sao tình hình kinh tế xã hội tồi tệ hơn nhưng các ĐBQH khóa này lại… “nhất trí cao” với Bộ Công an rằng vẫn phải có luật về “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”?
Ngẫm nghĩ thì chỉ thấy một lý do khả dĩ: Cách nay ba năm, cho dù tham nhũng lan tràn nhưng làn sóng truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức tham nhũng chưa rộng và chưa sâu như vài năm gần đây. Trong bối cảnh như hiện nay, có viên chức nào dẫu là ĐBQH chuyên trách hay vừa là lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, vừa kiêm nhiệm vai trò ĐBQH đủ tự tin là không tì vết để chỉ ra sự phi lý trong các yêu cầu của Bộ Công an và mạnh dạn phủ quyết những yêu cầu ấy?
***
Trở lại với Dự luật sửa luật căn cước công dân hiện hành, tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 15, rất ít ĐBQH khóa này lưu ý các đồng liêu như bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh – đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội – đại ý: Lý do mà Bộ Công an nại ra để yêu cầu sửa Luật Căn cước công dân hiện hành là không thuyết phục. Nếu thông qua dự luật sửa đổi thì có nghĩa là trong tám năm có tới ba lần thay đổi loại giấy tờ tùy thân này. Điều đó tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý nhà nước (4).
Đó không phải là ý kiến của riêng bà Hạnh. Đó là nhận thức chung của công chúng và chẳng khó khăn chút nào để tìm hiểu xem công chúng nghĩ gì về ý tưởng khai tử “Thẻ CCCD” để cấp phát “Thẻ CC” (5).
Tại sao đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nhưng các ĐBQH lại không bận tâm đến dư luận và dễ dàng lập lại theo ông Tô Lâm: Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ CC sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội. Việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân (6)? Ông Tô Lâm không phải là… giáo chủ, các ĐBQH cũng không phải là… tín đồ của ông Tô Lâm, thế thì tại sao đa số ĐBQH lại tin tưởng vô điều kiện rằng, chuyển đổi một trong những loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất của mỗi cá nhân và là loại giấy tờ phổ quát nhất trên phạm vi quốc gia lại không gây ra bất kỳ sự tốn kém nào, đồng thời không tạo ra bất kỳ tác động nào đến tâm lý dân chúng? Tại sao không ĐBQH nào liên tưởng đến những tuyên bố của ông Tô Lâm về hộ chiếu không cần nơi sinh là “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0” khi yêu cầu thông qua Dự luật Xuất nhập cảnh (7) và hậu quả sau đó của sáng kiến này?
“Thẻ CC” là tên gọi loại giấy tờ tùy thân của người Việt trước tháng 8/1945 trên toàn Việt Nam và từ thời điểm này đến trước tháng 5/1975 ở miền Nam. Chỉ có chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới có sáng kiến đổi “Thẻ CC” thành “Thẻ công dân” sau tháng 8/1945 và đến năm 1957 thì đổi thành “Giấy chứng minh”. Năm 1976, “Giấy chứng minh” được đổi thành “Giấy chứng minh nhân dân” để cấp phát cho người Việt trên toàn Việt Nam rồi năm 1999, “Giấy chứng minh nhân dân” được đổi tên thành “Chứng minh nhân dân”. Năm 2016, Bộ Công an đưa ra sáng kiến đổi “Chứng minh nhân dân” thành “Thẻ CCCD”, vào thời điểm đó, nhiều người đề nghị nên gọi “Thẻ CCCD” là “Thẻ CC” như trước đây ở miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa và trước nữa trên toàn Việt Nam nhưng từ Bộ Công an đến chính phủ, Quốc hội không thèm bận tâm. Giờ, Bộ Công an muốn sửa luật, đổi tên “Thẻ CCCD” vì nhận ra, cần cấp phát loại giấy tờ tùy thân này cho những người vì nhiều lý do không hoặc chưa phải là công dân.
Giống như hộ chiếu không cần nơi sinh – “xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”, Bộ Công an đã yêu cầu thì chính phủ, Quốc hội phải đáp ứng, phải chiều như chiều vong – biến các yêu cầu thành luật!
Nếu chưa tin, bạn có thể tham khảo thêm chuyện “đấu giá biển số xe ô tô”. Bởi Bộ Công an yêu cầu, Quốc hội khóa này đã dành nhiều ngày của Kỳ họp thứ tư (11/2022) để thảo luận về việc tổ chức “đấu giá biển số xe ô tô” được cho là “đẹp”. Có lẽ từ cổ chí kim chỉ có Việt Nam dùng thời gian, sức lực, tiền bạc dành cho hoạt động lập pháp vào việc tìm sự thống nhất để bán… biển số xe hơi “đẹp” rồi sau đó cơ quan lập pháp ban hành riêng một… “nghị quyết” về chuyện này.
Sau khi Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành riêng một “Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” (Nghị quyết 73/2022/QH15) [8], tới lượt chính phủ ban hành riêng một… “nghị định” cho hoạt động này (Nghị định 39/2023/NĐ-CP) [9]. Cả “nghị quyết” lẫn “nghị định” vừa dẫn đều giao cho Bộ Công an toàn quyền quyết định việc “đấu giá biển số xe ô tô” dù theo luật pháp Việt Nam, chuyện… tạo thêm, quản lý các nguồn thu thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Cuối cùng, hoạt động… “quan trọng” tới mức cả cơ quan lập pháp lẫn cơ quan hành pháp phải… “vào cuộc”, phải mở đường cho Bộ Công an “tiến lên” bằng “nghị quyết quốc hội” và “nghị định chính phủ” được Bộ Công an giao cho Công ty đấu giá hợp danh Việt Nam (VPA) thực thi. Doanh nghiệp này thành lập năm 2019 và từ đó đến 2021, doanh thu nằm trong khoảng từ vài chục… triệu đến hơn… trăm triệu đồng/năm. Thậm chí năm ngoái không những không thu được đồng nào mà còn lỗ 200 triệu (10)!
Tại sao Bộ Công an lại chọn một doanh nghiệp vốn liếng, hoạt động kinh doanh èo uột như VPA? Theo Bộ Công an thì quyết định này dựa vào yếu tố… “trang thông tin đấu giá trực tuyến của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam có sẵn chức năng tích hợp với hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an, có sẵn cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đảm bảo an ninh an toàn, chức năng tích hợp với Hệ thống đăng ký, quản lý xe và Hệ thống quản lý đấu giá biển số xe ô tô của Cục Cảnh sát giao thông”.
Tại sao VPA lại có trong tay công cụ tích hợp các nguồn dữ liệu quan trọng nhất không chỉ đối với an ninh quốc gia mà còn đối với sự riêng tư của từng cá nhân? Tất nhiên là thường dân không thể trả lời nhưng khi sự việc vỡ lở (phải hủy phiên đấu giá đầu tiên vì trục trặc kỹ thuật do hệ thống quá tải), cả Quốc hội lẫn chính phủ đều làm ngơ, không có bất kỳ ai, nơi nào yêu cầu ông Tô Lâm giải trình. Vì sao yêu cầu của Bộ Công an là “đại sự của quốc gia” kể cả “đấu giá biển số xe ô tô”, còn trách nhiệm lại là chuyện nhỏ dù tính chất của nhiều scandal rất nghiêm trọng? Nếu như đã biết và đang thấy thì có cần duy trì Quốc hội, duy trì chính phủ? Theo kế hoạch, trong các kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục sửa luật để giao cho Bộ Công an nắm thêm nhiều chuyện khác vốn thuộc phạm vi trách nhiệm – phạm vi quyền hạn của nhiều bộ khác. Chẳng hạn tách Luật Giao thông đường bộ làm đôi để công an thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý việc đào tạo – sát hạch – cấp GPLX lẫn các phương tiện giao thông vận tải…