Làn sóng sa thải sẽ tiếp tục ở Việt Nam (sau chuyến thăm của Medvedev)* – VNTB
Định Tường
(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần đăng đàn nhận trách nhiệm về các tụng ca ‘tự sướng’ dẫn đến cái nhìn sai lệch về đời sống kinh tế Việt Nam.
Hơn chục ngày trước, một lần nữa trong một diễn văn ‘mang tính chỉ đạo’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘lại cắm cúi đọc’: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (xem clip do Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn).
“Tổng Bí thư thông báo với Chủ tịch Đảng Medvedev những thành tựu phấn đấu của Nhà nước, toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để đạt được kết quả chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam như ngày hôm nay” – trích thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương Đảng về nội dung hội đàm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, chiều 22-5-2023 tại Hà Nội.
Như vậy cả về đối nội lẫn đối ngoại, tính đến hiện tại thì người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam vẫn một mực tin rằng nước nhà đang có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mà suốt lịch sử cầm quyền của đảng, chưa bao giờ có được.
Các tuyên ngôn trên là phiến diện và dễ đưa đến những ngộ nhận về khả năng quản trị quốc gia của người đang nắm giữ quyền lực tối cao của đảng cộng sản Việt Nam. Chính ngộ nhận này nên rất có thể những ý kiến trái chiều, nếu mang tính đơn lẻ, sẽ dễ bị chụp mũ chính trị là “tự diễn biến – tự chuyển hóa”.
Theo báo cáo về kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa công bố, thì trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm.
Ngược lại chỉ 13,5% cho biết sẽ giữ nguyên quy mô. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%.
Ban IV cho rằng đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê khi 4 tháng đầu năm có 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25.1% so với cùng kỳ 2022. Bình quân mỗi tháng có trên 19.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.
Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại TP.HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.
Đứng đầu là khó khăn về đơn hàng (59,2%). Thứ hai là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%); Thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%) là 2 nhóm khó khăn tiếp sau.
Có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.
“Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh t”, Báo cáo phân tích.
“Đợt khảo sát cũng ghi nhận rất nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp mang tính cấp bách, hướng đến tháo gỡ các nút thắt ngay trước mắt nhằm củng cố niềm tin và gia tăng nội lực để doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay”, Báo cáo tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp do ông Trương Gia Bình, Trưởng ban ký gửi. gửi Thủ tướng Chính phủ.
Trong số 7.333/9.556 doanh nghiệp còn hoạt động năm, cơ quan nghiên cứu cho biết có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Ban IV nhận định có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.
Tính theo địa phương, TP.HCM có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%). Mức giảm 21-50% thì Bình Dương có tỷ lệ lớn nhất (26,6%), sau đó đến TP.HCM (25%).
Như vậy nếu báo cáo trên là đúng, không phải kết quả từ ý đồ mang tính “tự chuyển hóa – tự diễn biến”, thì xem ra phía ban trợ lý báo chí của Văn phòng Tổng bí thư, kể từ nay phải mạnh dạn ‘biên tập’ trong soạn thảo diễn văn về mẫu câu thường xuyên ‘nhai lại’ lâu nay: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bởi nếu cứ giữ nguyên ý tứ trên, người ta sẽ cảm giác… trí tuệ người đọc diễn văn đang rất… ‘có vấn đề’ (?!)
* phần trong ngoặc do chúng tôi đặt thêm HDP