Liên minh ‘tam vương’ sắp tan vỡ, Thủ Tướng Chính… hết đường!


quehuong2.5.250 Facebook Twitter Google+

Minh Hải

01/5/2025

.com/docsz/

Ông Phạm Minh Chính (Hình: báo Thanh Niên) 

Liên minh “tam vương” sớm bị tan vỡ, trục quyền lực Phúc-Chính hình thành từ lâu nay, từng khuynh đảo Trung Ương nay cũng đến hồi cáo chung.

Trong bối cảnh ấy, liệu còn con đường nào khác ngoài con đường về hưu sau Đại Hội Đảng lần thứ XIV dành cho Thủ Tướng Phạm Minh Chính?

Trước sự áp đảo toàn diện của Tổng Bí Thư Tô Lâm cùng phe nhóm an ninh-tư pháp, những người đang kiểm soát gần như toàn diện hệ thống chính trị của Đảng CSVN, liên minh cầm quyền cũ buộc phải tìm cách chống đỡ để không bị xóa sổ hoàn toàn trước Đại hội Đảng lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2026-2031). Trong khi đó, Chủ Tịch Nước Lương Cường, Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn và Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính buộc phải bắt tay tạo thành trục “tam vương hợp bích” nhằm duy trì thế cân bằng quyền lực.

Tuy nhiên, thế sự xoay vần, liên minh mong manh nhanh chóng tan vỡ, ông Cường sớm nhận ra bất lợi, chủ động rút lui để quay về củng cố thế lực quân đội, ông Mẫn chọn thỏa hiệp với ông Lâm để tiếp tục tồn tại cương vị. Riêng ông Chính rơi vào tình thế đơn phương độc đấu, từ chỗ bị cô lập trong Bộ Chính Trị cho đến khi thất thế hoàn toàn tại hội nghị của ban chấp hành Trung Ương vừa qua.

Cũng cần phải nói thêm rằng, ông Chính trước đây từng có khoảng thời gian công tác trong ngành công an (thời Bộ Trưởng Trần Đại Quang), nhưng kể từ khi ông Tô Lâm lên nắm quyền, khẳng định vị thế độc tôn thì mối quan hệ giữa ông Chính với ngành Công An không còn “keo sơn” nữa. Nội các của ông Chính càng thêm suy yếu, các phó thủ tướng như: Lê Minh Khái, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh lần lượt bị phanh phui sai phạm. Trong khi đó, các phó thủ tướng còn đương chức vụ lại quá trung hòa, không đứng hẳn về phía ông Chính để cùng nhau bảo vệ sức mạnh của Chính Phủ.

Ngoài ra, việc ông Chính yếu thế ở Bộ Chính Trị còn có liên quan đến cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc. Thời ông Phúc làm thủ tướng đã nâng đỡ ông Chính từ vị trí bí thư tỉnh Quảng Ninh lên trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, hình thành trục quyền lực Phúc-Chính và trở thành đối trọng đáng gờm trong nội bộ Đảng CSVN. Trục này hình thành trong bối cảnh chính sự CSVN đấu đá quyết liệt, các phe nhóm lợi ích không ngừng thanh trừng lẫn nhau.

Việc ông Phúc và ông Chính hợp tác không đơn thuần là chuyện của hai cá nhân mà là sự hợp tác chiến lược, kết nối các phe nhóm chính trị và quyền lực ngay chính nơi tổ chức mà họ là hai người đứng đầu.

Ông Phúc tạo dựng lực lượng cán bộ thân tín, đặc biệt trong Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Ông Chính trong vai trò Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, xây dựng một mạng lưới quyền lực bằng việc điều động nhân sự, tạo sự ủng hộ trong nội bộ Đảng. Rõ ràng, trục quyền lực Phúc-Chính không nằm ngoài mục tiêu là tăng cường khả năng kiểm soát bộ máy lãnh đạo của Đảng và Chính Phủ, cùng hưởng lợi từ việc cân bằng quyền lực.

Khác với nhiều người tiền nhiệm, ông Phúc ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước mà không xuất thân từ ngành quân đội hoặc công an, cho nên sự ủng hộ của hai thế lực này dành cho ông gần như là bằng “O”. Ông Phúc chủ yếu có ảnh hưởng bên Đảng và Chính Phủ nhưng bên Đảng thì thời điểm đó, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang nắm quyền.

Sinh thời, ông Trọng ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư từ chức vụ chủ tịch Quốc Hội. Ông Trọng có kịch bản muốn người kế nhiệm mình phải là chủ tịch Quốc Hội nên tích cực hậu thuẫn những nhân vật: Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng và Trương Thị Mai. Đích nhắm cuối cùng mà ông Trọng hướng đến là ông Huệ sẽ tổng bí thư, bà Mai từ thường trực Ban Bí Thư sẽ chuyển qua nắm chức vụ chủ tịch Quốc Hội.

Ông Trọng biết trục quyền lực Phúc-Chính nhưng do vấn đề sức khỏe nên trao quyền thanh trừng cho một người đầy tham vọng Tô Lâm.

Khoảng giữa năm 2021, ông Phúc “bị” Bộ Chính Trị chỉ định ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước, và ông Chính giữ chức thủ tướng Chính Phủ. Nhìn bề ngoài, cứ tưởng ông Phúc và ông Chính đang được Bộ Chính Trị tăng thêm quyền lực, gia tăng ảnh hưởng chính trị. Nhưng thực ra, cả hai ông đã rơi vào bẫy “thả tép bắt tôm” mà Bộ Chính Trị giăng sẵn, dễ bị kiểm soát và tấn  công.

Ngay sau đó, trục quyền lực Phúc- Chính bắt đầu bị rạn nứt, Bộ Chính Trị CSVN chỉ đạo Thanh Tra Chính Phủ vào cuộc điều tra các dự án, tập trung nhắm vào các sai phạm kinh tế-hành chính thời kỳ Chính Phủ hai ông Phúc-Chính. Thế lực của ông Phúc bị suy yếu rõ rệt, cụ thể:

Bà Nguyễn Thị Xuân Trang là ái nữ của ông Phúc bị đồn đoán dính vào hai cú “phốt”: Liên quan đến sai phạm tại ngân hàng Phương Nam và vụ việc bé trai 6 tuổi tử vong, do bị bỏ quên trên xe đưa đón đi học sinh xảy ra tại trường tiểu học quốc tế Gateway, công ty mẹ của trường tiểu học này là công ty Cổ Phần Tập Đoàn Giáo Dục Quốc Tế Edufit, nơi bà Trang có cổ phần.

Nhiều doanh nhân của những tập đoàn như: Đỗ Anh Dũng –Tân Hoàng Minh là sân sau của ông Phúc bị khởi tố, trực tiếp ảnh hưởng đến mạng lưới quyền lực của ông Phúc.

Đỉnh điểm là vào Tháng Giêng, 2023, hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng bị ủy ban kiểm tra Trung Ương Đảng kết luận có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong vụ án “Kit test COVID-19 Việt Á” và vụ “Chuyến bay giải cứu,” ông Phúc buộc phải từ chức chức vụ chủ tịch nước do trách nhiệm chính trị của người đứng đầu.

Ông Phúc bị loại bỏ, các phe nhóm lợi ích khác nổi lên trong đó có phe nhóm Tô Lâm chiếm lấy thế thượng phong, ông Chính mặc dù vẫn giữ chức vụ thủ tướng nhưng dần bị cô lập, lâm vào tình thế khó khăn duy trì ảnh hưởng. Trục quyền lực Phúc- Chính coi như thất thế.

Giữa Tháng Tư, 2025, sự kiện Tổng Bí Thư Tô Lâm chỉ đạo Ban Chỉ Đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng xem xét thanh tra dự án xây dựng mới trụ sở Bộ Ngoại Giao trực thuộc sự quản lý của Chính Phủ, đặt dấu chấm hết cho thế lực của ông Phúc. Phạm Minh Ông Chính bị uy hiếp, và đối mặt tứ bề bủa vây bởi các đồn đoán, gián tiếp có liên đới đến các vụ án kinh tế, đất đai như: Sai phạm đất đai – đầu tư công, thời ông nắm quyền bí thư tỉnh Quảng Ninh (Vân Đồn, Ha Long Marina…) một số vụ án kinh tế-tài chính liên quan thời ông làm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương và các cán bộ dưới quyền bị xử lý kỷ luật như trường hợp Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Nguyễn Sỹ Hiệp, Trịnh Văn Quyết, liên quan đến Bamboo Airways bị khởi tố.

Chính Phủ Phạm Minh Chính còn bị Bộ Chính Trị CSVN nói chung, tố lỗi chậm giải ngân, xử lý chậm trong khủng hoảng bất động sản-tài chính tại Việt Nam, nhiều chính sách điều hành kinh tế bị đánh giá là không hiệu quả… Đây toàn là những đòn “chí mạng” giáng trực tiếp vào uy tín và tham vọng tái cử nhiệm kỳ tới của ông Chính.

Sinh năm 1958, tính đến khi đại hội, ông Chính đã bước qua tuổi 68, vượt quá số tuổi quy định của một ứng cử viên tái ứng cử vào Bộ Chính Trị. Để tiếp tục tái ứng cử, ông Chính phải thuộc diện “đặc biệt,” nhưng trong bối cảnh đấu đá quyền lực cùng với thế áp đảo của Tổng Bí Thư Tô Lâm và phe nhóm, quyền quyết định “đặc biệt”nằm ngoài khả năng. Chỉ có ông Tô Lâm mới có đủ khả năng này với lý do ổn định an ninh chính trị. Chính vì vậy, truyền thông nhà nước CSVN bắt đầu giảm đưa tin, giảm sự xuất hiện của ông Chính trong các sự kiện quan trọng như cách họ làm với trường hợp của Chủ Tịch Nước Lương Cường.

Không có gì bất ngờ khi những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội chuyên theo dõi chính sự Việt Nam, dư luận gần như đồng thuận rằng sự nghiệp chính trị của Phạm Minh Chính đang đi đến hồi kết sau Đại hội Đảng XIV. Khi cái tên Nguyễn Xuân Phúc bị “xóa” khỏi bàn cờ quyền lực, thì nay đến lượt Phạm Minh Chính bị loại khỏi Bộ Chính Trị. Chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trục quyền lực không còn, ông Chính có ở lại cũng đâu làm ăn được gì. Rút lui sớm trong im lặng có lẽ là con đường “êm đềm” nhất nếu ông Chính không muốn bị tố dính vào vụ án nào đó (một cách để triệu hạ), thì lại gánh thêm tai tiếng.

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/lien-minh-tam-vuong-sap-tan-vo-thu-tuong-chinh-het-duong/
Tags:Chính trịCSVNSaigon Nhỏ

About Báo Quốc Dân
Báo Quốc Dân ra đời như một trong những nỗ lực cụ thể của sự kết hợp chung của tiếng nói Quốc dân Việt. Báo Quốc Dân xuất phát từ những tấm lòng yêu thương đất nước chân thành, cùng những ý chí muốn hiến dâng tâm tư, trí tuệ và thân xác cho khát vọng của TOÀN THỂ QUỐC DÂN VIỆT.

Comments are closed.