Luật ngầm – Dương Quốc Chính
By thoisu 02 , October 24, 2023 0 Comments
Việc bắt những người nổi tiếng có hành vi “lệch chuẩn” như Khá bảnh, Hằng Đại Nam hay Ngọc Trinh, Tịnh thất Bồng Lai và có thể còn nữa ; cho thấy rằng công an đang áp dụng một luật ngầm cho những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Tất nhiên ảnh hưởng có thể là tích cực hay tiêu cực, hoặc lẫn lộn cả hai.
Những người/nhóm nói trên có đặc điểm chung là có những hành động, phát ngôn, bị coi là “lệch chuẩn” với chính quyền hoặc với tổ chức, cá nhân, xã hội. Cái ngầm ở đây chính là việc tạo nên sự bất bình đẳng trước pháp luật, giữa người nổi tiếng và không nổi tiếng.
Chẳng hạn, bạn chửi chế độ, lãnh tụ, ở quán bia, hay trong một nhóm kín Facebook hoặc status có quá ít friend và follower, thì chả sao cả. Nhưng nếu Facebook, kênh YouTube có trên vạn người theo dõi, thì có thể sẽ bị xử lý.
Như mấy người trên thì lượng theo dõi có thể tới hàng triệu, nên họ bị xử lý hình sự cho một tội danh khá mơ hồ ; đại khái là gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của đám đông hay xúc phạm tổ chức, cá nhân. Như vậy rõ ràng là có sự bất bình đẳng trước pháp luật giữa người nổi tiếng và không nổi tiếng.
Hay nói cách khác là pháp luật đã không rõ ràng, nên mới phải dùng luật ngầm. Tuy nhiên, việc bổ sung hay làm rõ luật trong trường hợp này là không dễ. Vì mạng xã hội phụ thuộc yếu tố công nghệ, nên rất khó có thể định lượng được mức độ ảnh hưởng của một hành vi, lời nói. Nhất là khi những thứ đó đều có thể làm giả.
Ví dụ, một Facebook có 100 ngàn người theo dõi, nhưng hoàn toàn có thể mua được theo dõi ảo. Hay một status có hàng vạn tương tác, nhưng cũng có thể mua dễ dàng. Mức độ ảnh hưởng có khi lại thấp hơn nhiều so với status của người khác có lượng tương tác thật. Như mình bây giờ đang bị bóp tương tác. Nhỡ bị sao thì mình có thể cãi là : Tuy em có lượng theo dõi cao, nhưng mà em bị Facebook nó bóp tương tác, nên anh hạ cho em mức độ ảnh hưởng xuống một nửa thôi. Tức là mặc cả được!
Vậy làm thế nào để định lượng mức độ ảnh hưởng? Vô phương, sự định lượng theo lượng tương tác, comment chỉ tương đối và hoàn toàn có thể bị cãi là ảo!
Ngoài ra, sức ảnh hưởng cũng còn tùy từng thành phần xã hội. Ví dụ một KOL mà có ảnh hưởng với giới cần lao manh động, thì rõ ràng là sẽ nguy hiểm trong việc kích động bạo động. KOL khác có ảnh hưởng tới giới trí thức thì không lo manh động, nhưng lại lo ngại về việc thay đổi nhận thức của xã hội. Vậy ai nguy hiểm hơn ai? Cần bắt ai trước? Chắc chắn là dựa trên cảm tính của phía công an hay cơ quan chức năng.
Mình chưa tìm hiểu xem ở các nước phát triển họ xử lý vấn đề này ra sao. Nhưng cách xử lý của Việt Nam cho thấy rằng vai trò của giáo dục nhà trường và gia đình là quá thấp so với sức ảnh hưởng của mạng xã hội. Các trường hợp bắt bớ kể trên cho thấy chính quyền quá tự ti, mặc cảm, trước khả năng giáo dục chính thống.
Chứ như mình hay con cái mình, thì sẽ thừa khả năng nhận thức là đừng có ngu dốt ; và chắc chắn không thể làm được việc hai thằng chở nhau trên xe máy bằng cách chồng đầu! Hoặc cũng phải giáo dục để giới trẻ biết là không nên lái xe máy bằng cách thả hai tay hay nằm ra yên, vì sẽ nguy hiểm và có thể bị phạt.
Việc bắt bớ này vô hình trung đã đề cao chị Hằng hơn cả VTV, Thiền Am hơn giáo hội Phật giáo, Ngọc Trinh, Khá bảnh còn hơn thày cô giáo về khả năng giáo dục. Lẽ ra, không cần phải lo sợ về sức ảnh hưởng kiểu này, ai phạm luật đâu thì xử lý đó. Như Ngọc Trinh chỉ cần xử phạt hành chính, chỉ bắt bớ khi tái phạm nhiều lần…Tóm lại là vẫn phải điều chỉnh luật để không phải sử dụng luật ngầm với sự bất bình đẳng. Phải chăng cần có thêm luật điều chỉnh hành vi của người nổi tiếng, bao gồm cả quan chức?
Các con vật đều bình đẳng, nhưng những con KOL sẽ được ít bình đẳng hơn.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 24.10.2023
Thụy Mi Blog