Nhóm dân biểu Mỹ đưa ra dự luật nhân quyền nhằm vào quan chức, bộ công an VN


12/05/2023

Bốn đồng chủ tịch Nhóm Vietnam Caucus ở Quốc hội Hoa Kỳ.
Bốn đồng chủ tịch Nhóm Vietnam Caucus ở Quốc hội Hoa Kỳ.

Bốn dân biểu liên bang Hoa Kỳ vừa giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm buộc các quan chức Việt Nam phải chịu trách nhiệm vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và cấm các khoản tài trợ cho Bộ Công an Việt Nam vì cho rằng bộ này đang thực hiện các hoạt động gián điệp.

Các đồng chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Quốc hội Mỹ (Congressional Vietnam Caucus) gồm các dân biểu Michelle Steel, Chris Smith, Lou Correa, và Zoe Lofgren trình Dự luật HR 3172 tại Hạ viện hôm 11/5, đúng vào ngày các nhà lập pháp Mỹ kỷ niệm 29 năm Ngày Nhân quyền Việt Nam.

Trao đổi với VOA Việt Ngữ qua điện thoại hôm 11/5, Dân biểu Michelle Steel, đảng viên Cộng hòa, đại diện cử tri Khu vực 45 ở bang California, nói:

“Dự luật này không phải từ một đảng, nó là dự luật lưỡng đảng, bốn thành viên quốc hội cùng giới thiệu dự luật mà chúng tôi gọi là ‘Đạo luật Nhân quyền Việt Nam’. Chúng tôi muốn rằng các quan chức Việt Nam phải chịu trách nhiệm vì những vi phạm nhân quyền trắng trợn. Chuyện vi phạm này xảy ra biết bao nhiêu năm rồi. Chúng ta phải làm một cái gì đó về chuyện này!”

Dân biểu Michelle Steel.
Dân biểu Michelle Steel.

Nữ dân biểu cho biết dự luật này còn giúp ngăn chặn các hành động tài trợ hay tiếp tay cho Bộ Công an Việt Nam.

“Chúng ta phải cấm mọi khoản tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho Bộ Công an Việt Nam. Họ thực sự đang tham gia vào hoạt động gián điệp, tấn công không gian mạng. Chúng ta phải buộc họ dừng lại tất cả những điều này”.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng kêu gọi hạn chế hỗ trợ phi nhân đạo cho chính phủ Việt Nam cho đến khi đạt được các tiến bộ nhân quyền nhất định”.

EMBED SHARE

Ngày Nhân quyền Việt Nam ở thủ đô Mỹ

 EMBED SHAREThe code has been copied to your clipboard. 


Dân biểu Lou Correa, đảng viên Dân chủ, đại diện Khu vực 46 ở California cho biết trong một tuyên bố: “Chính phủ Việt Nam cần phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các cử tri của tôi và gia đình họ ở Việt Nam hàng ngày. Tôi rất vinh dự được hỗ trợ Đạo luật Nhân quyền Việt Nam, thúc đẩy chính phủ Việt Nam mở rộng và bảo vệ các quyền tự do dân sự, nhân quyền, và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam”.

“Đạo luật Nhân quyền Việt Nam lưỡng đảng của chúng tôi sẽ giúp cung cấp cho người dân Việt Nam những công cụ và thông tin họ cần để đấu tranh cho sự thay đổi từ bên trong, và nó sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo. Đó là một dự luật vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho Hoa Kỳ và vừa cho cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Dân biểu Zoe Lofgren, đảng viên Dân chủ, đại diện Khu vực 18 ở California, đưa ra quan điểm.

“Chính quyền Cộng sản Việt Nam không tôn trọng quyền tự do báo chí, tự do internet hay các liên đoàn lao động độc lập”, Dân biểu Chris Smith, đảng viên Cộng hòa, đại diện Khu vực 04, bang New Jersey, nói. “Chính phủ đã thất bại trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi nạn buôn người và việc đàn áp tôn giáo của họ – bao gồm cả Giáo hội Công giáo – đã đặc biệt trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, khiến Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) và Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế liệt Việt Nam vào diện một Quốc gia Cần quan tâm Đặc biệt (CPC)”.

Phát biểu tại sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Mỹ hôm 11/5, bà Steel kỳ vọng rằng dự luật nhân quyền lưỡng đảng mà bà đang nỗ lực vận động sẽ giúp người dân có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình mà không sợ chính quyền trừng phạt, bên cạnh đó là quyền tự do tôn giáo, quyền tín ngưỡng, là những quyền căn bản được quốc tế công nhận.XEM THÊM:Nhóm dân biểu Mỹ kêu gọi trừng phạt 8 công an Hà Tĩnh theo luật Magnitsky

Dự luật HR 3172 còn hối thúc nhánh hành pháp Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp trừng phạt chính đã được quy định trong Đạo luật Magnitsky Toàn cầu và Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, bao gồm từ chối cấp thị thực và trừng phạt tài chính đối với các quan chức Việt Nam vi phạm.

Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam chưa phản hồi ngay lời đề nghị bình luận của VOA về dự luật này.

Giới tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật lưỡng đảng này.

Từ Virginia, ông Phan Thông Hưng, đại diện cho ban tổ chức Ngày Nhân quyền Việt Nam 11/5, nói rằng ông rất vui mừng về nỗ lực lập pháp mới này của các dân biểu Mỹ.

“Dự luật 3172 được giới thiệu bởi bốn dân biểu trong nhóm Vietnam Caucus là một điều rất vui cho tất cả Nhóm Ngày Nhân quyền Việt Nam và các tổ chức khác đồng hành với chúng tôi. Đây là một chương mới để bắt đầu một hành trình và chúng tôi có thể sẽ vận động bên Thượng viện có một dự luật tương tự…”

“Khi dự luật này thành luật thì những chuyện như các quan chức Việt Nam có hành động đàn áp tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị thì họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đó là một điều răn đe đối với họ và cũng bảo vệ các tù nhân, các nhà hoạt động vì nhân quyền ở Việt Nam”.

Tượng tự, ông Nguyễn Bá Tùng, giám đốc điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở California, nhận định:

“Dự luật được bốn dân biểu cả hai đảng đề xuất, tôi thấy đây là một thắng lợi cho những người Việt ở hải ngoại tha thiết với vấn đề nhân quyền trong nước”.

“Dự luật cho phép chúng ta hài lòng hơn đó là việc kêu gọi hạn chế vấn đề hỗ trợ phi nhân đạo cho Việt Nam”.

“Tuy nhiên, vẫn còn có những lo ngại về cơ hội thành công của dự luật vì nhiệm kỳ của khóa quốc hội này đến cuối năm tới là chấm dứt, thời gian ngắn quá và vận động cũng khó khăn. Thứ đến là tình hình địa chính trị ở Việt Nam và Đông Nam Á, theo đó việc Việt Nam xích lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là nhu cầu của Hoa Kỳ bây giờ. Và cũng cần có một dự luật tương đương ở Thượng viện”, ông Nguyễn Bá Tùng phân tích các khó khăn mà Dự luật 3172 sẽ gặp phải.

“Dù rằng tương lai như thế nào đi nữa, nhưng khi các dân biểu đã lên tiếng thì đây là một cảnh báo với chính quyền Việt Nam là không phải dễ dàng qua mặt về vấn đề nhân quyền đối với chính giới Mỹ”, ông Tùng nhận định.

 EMBED SHARE

Tân Ủy ban Việt Nam ở Quốc hội Mỹ cam kết thúc đẩy nhân quyền

 EMBED SHAREThe code has been copied to your clipboard. 


Từ bang Oregon, nhà hoạt động Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, chia sẻ:

“Tôi rất vui vì hôm nay các dân biểu lưỡng đảng Hoa Kỳ đã đưa ra Dự luật Nhân quyền Việt Nam”.

“Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam duy trì sự độc quyền về chính trị và không cho phép thách thức nào đe dọa đến sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiếp tục ngăn cấm người dân Việt Nam lên tiếng và nói lên quan điểm của mình…”

“Tôi hy vọng rằng Dự luật Nhân quyền này sớm trở thành luật để áp dụng đối với thể chế độc tài Cộng sản Việt Nam và những cá nhân trong thể chế độc tài đó đã vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam”.

Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay việc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.

Hồi tháng 2 năm nay, phản hồi yêu cầu bình luận của VOA sau khi các đồng chủ tịch nhóm Vietnam Caucus ra tuyên bố về thúc đẩy nhân quyền Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam”.

“Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền con người và quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn”, tuyên bố của Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng viết.

Phía Việt Nam nói rằng họ “sẵn sàng” trao đổi với Hoa Kỳ trong các khuôn khổ hiện có về các vấn đề hai bên cùng quan tâm “trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.

Comments are closed.