Những dấu hỏi về Hồ Chí Minh. Ô HCM nói: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”- Trần Việt Bắc
Hồ Chí Minh là một nhân vật đầy bí ẩn, rất ít ai biết sự thật về người này, nhưng năm 2008, một tác giả ở Đài Loan là ông Hồ Tuấn Hùng (胡俊熊) đã xuất bản sách có tựa đề “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” (胡志明生平考 – (1) “Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh”) do nhà xuất bản Bạch Tượng Văn Hoá ở Đài Loan ấn hành. Sách này đã gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt là từ khi dịch giả Thái Văn đã dịch sang tiếng Việt, vì chủ đề của sách này nói: Hồ Chí Minh từ năm 1933 về sau không phải là Nguyễn Ái Quốc, mà ông là một người Đài Loan gốc Hẹ (Hakka) hay Khách Gia là Hồ Tập Chương (Hu Ji Zhang 胡集璋), quê ở Đài Loan, huyện Miêu Lật, thôn Đồng La (2), lấy tên là Hồ Chí Minh và trở thành nhân vật số một của đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tác giả Hồ Tuấn Hùng (HTH) đã nêu lên khá nhiều chi tiết về Nguyễn Ái Quốc trước năm 1933, sau đó là về Hồ Chí Minh, người đã được ông cố chứng minh là Hồ Tập Chương. Tác giả đã nêu lên những chi tiết như hoạt động về chính trị, diện mạo, cuộc sống tình ái, bút tích, khả năng ngoại ngữ, cách viết, v.v… của hai nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương. Điều này đã có khá nhiều bài viết của những tác giả người Việt và rất nhiều lời bình phẩm trên các diễn đàn. Trong khi đó chính quyền Cộng Sản vẫn im hơi lặng tiếng.
Một phát giác của ông Hồ Tuấn Hùng đã làm chính tác giả phải “nhảy dựng” lên, người viết bài này chưa thấy ai bàn tới điều này (qua những bài viết đã đọc), đó là câu viết của chính Hồ Chí Minh, dưới bút danh Trần Thắng Lợi trong bài “Đảng ta”, năm 1949. Có lẽ vì “vô tình” (?) nên Hồ Chí Minh đã viết câu: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi” (“Nguyễn Ái Quốc đồng chí hòa ngã” trong “Hồ Chí Minh sinh bình khảo”). Câu này đã xác định rõ: Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc, hai người không phải là một như ông ta tự nhận, mà là hai người khác nhau?
Câu viết này đã tạo nên phản ứng ngầm một cách gián tiếp của đảng và nhà nước Cộng Sản, mà người viết sẽ trình bày thêm trong phần sau. Vậy nếu Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc thì ông ta là ai? Là Hồ Tập Chương như tác giả Hồ Tuấn Hùng đã viết? Chúng ta sẽ cố tìm hiểu thêm qua những nhận định trong sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của tác giả này.
A- Lời tự khai của Hồ Chí Minh
1- “Lạy ông tôi ở bụi này”?
Trong tiểu đề “Cùng lên vũ đài, một ẩn một hiện” (3) của dịch giả Thái Văn:
“Tháng giêng năm 1949, tạp chí “Sinh hoạt nội bộ” kỳ thứ 13 của Việt Nam có đăng tải một bài viết nhan đề “Đảng ta” do Hồ Chí Minh viết dưới bút danh Trần Thắng Lợi. Nhà xuất bản Chính trị Quôc gia đã đưa “Đảng ta” vào “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 5, trang 547. Trong “Đảng ta” có một đoạn nói rất rõ ràng như sau:
Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng. Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám…
(Tác giả nhận định, nguyên văn “Tản Anh” là viết tắt của Lê Tản Anh. Hồi ký cách mạng “Giọt nước trong biển cả” của Hoàng Văn Hoan, trang 4 có đoạn viết về Lê Tản Anh là thành viên sáng lập nhóm “Tâm tâm xã”).
Đọc đến đoạn văn xác thực này, tôi như muốn nhảy dựng lên. Tại làm sao mà trong một tập san chính thức của nhà nước lại xuất hiện câu văn: “đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”. Câu văn này há chẳng khẳng định, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau đó sao? Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cùng tham gia tổ chức Hội nghị Hương Cảng? Lúc mới đọc, tôi cho rằng có sự nhầm lẫn khi viết, sau đó đọc đi đọc lại nhiều lần, rà soát cẩn thận từng chữ, và đi đến kết luận là hoàn toàn không có chuyện nhầm lẫn làm tôi đặc biệt quan tâm” (HTH).
Qua đoạn văn này chúng ta thấy rõ là Hồ Chí Minh đã tự nhận ông ta là một người khác với Nguyễn Ái Quốc.
Tuy nhiên những gì người Cộng Sản nói thì chúng ta cần phải kiểm chứng lại một cách cẩn thận, vì theo như trong sách của ông Hoàng Văn Chí (4) “Từ thực dân đến cộng sản – Một kinh nghiệm lịch sử của Việt Nam” (5), thì ông Hồ nhiều lần đã nói ông không phải là Nguyễn Ái Quốc:
“Nhân dân Việt Nam bắt đầu nghe tên Hồ Chí Minh từ tháng 8 năm 1945. Ngày 28 tháng 8 năm đó (nghĩa là ngay sau ngày Việt Minh cướp chính quyền) báo chí Hà Nội công bố thành phần Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Trước đấy, chưa ai nghe đến tên Hồ Chí Minh bao giờ, và mọi người đều thắc mắc về cái tên hơi kỳ lạ đó. Nhiều người cho rằng cái tên đó văn hoa quá không phải là tên thật mà chỉ là tên hiệu.
Dư luận bàn tán về lý lịch ông Hồ Chí Minh, nhất là các nhân viên trong tân chính phủ hồi ấy lại càng băn khoăn hơn, và tất cả đều nóng lòng muốn biết rõ ông Hồ là ai và tên thật là gì. Nhưng rồi cũng chẳng phải chờ lâu, vì chỉ mấy hôm sau bắt đầu có tin đồn Hồ Chí Minh là tên mới của Nguyễn Ái Quốc, con người bí mật đã từng “khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Khi nghe tin đồn này, sở Mật thám Pháp đã lập tức lục lại hồ sơ để tìm ảnh Nguyễn Ái Quốc. Theo hồ sơ chính thức thì Nguyễn Ái Quốc đã chết ở Hồng Kông năm 1933. Khi đem so sánh bức ảnh đã phai nhạt của Nguyễn Ái Quốc với những tấm ảnh của ông Hồ bán đầy đường Hà Nội, sở Mật thám Pháp mới biết họ Nguyễn vẫn còn sống, và sau 10 năm ẩn náu trong bóng tối đã trở lại chính trường dưới cái tên Hồ Chí Minh. Các chuyên viên sở Mật thám Pháp quyết đoán Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc mặc dầu sau 20 năm gian khổ, vóc dáng và nét mặt họ Nguyễn có thay đổi rất nhiều. Bằng cớ là vành tai phải của hai bức ảnh đều nhọn, trong khi tai bên trái vẫn đều đặn. Nhưng ông Hồ cứ chối, nói rằng mình không phải là Nguyễn Ái Quốc. Ngay cả khi tướng Salan, đại diện Pháp dự cuộc đàm phán năm 1946, hỏi thẳng vào mặt ông Hồ, ông vẫn một mực chối cãi.
Riêng đối với người Việt thì ông Hồ không chối thẳng nhưng cứ trả lời loanh quanh. Thí dụ như trong năm 1946, ông đáp tầu Dumont D’Urville trở về Hải Phòng sau hội nghị Fontainebleau. Cùng đi trên chuyến tàu này có bốn chuyên gia Việt Nam mà ông Hồ đón từ Paris về nước. Một trong bốn ông là ông Võ Quý Huân, có hỏi ông Hồ: “Thưa chủ tịch, chủ tịch có biết ông Nguyễn Ái Quốc hiện nay ở đâu không ạ?” Ông Hồ chỉ mỉm cười và đáp: “Chú tìm ông ấy mà hỏi, tôi đâu biết”.
Không những ông Hồ chỉ giữ kín lý lịch của ông mà đến quê quán gốc tích của ông, ông cũng hết sức bí mật. Trong một bản danh sách ứng cử quốc hội năm 1946, ông khai sinh quán ở Hà Tĩnh; nhưng hiện nay ai cũng biết rõ ông sinh quán ở Nghệ An. Việc này được phơi bày công khai năm 1958 khi một phái đoàn nhân viên sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa viếng thăm quê hương ông Hồ. Sau cuộc viếng thăm, báo chí Hà Nội đã thú nhận ông Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Tạp chí Tranh ảnh Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Việt Nam Thông tấn xã (Bắc Việt) ấn hành, trong số tháng 8 năm 1960, có đăng bức ảnh Nguyễn Ái Quốc với dòng chữ chú thích “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) năm 30 tuổi, đang bôn ba hoạt động ở hải ngoại”.
Mặc dầu lý lịch của ông Hồ đã được xác định rõ rệt, thế giới tự do vẫn không biết mấy về con người kỳ lạ ấy, và phần lớn những hoạt động của ông Hồ vẫn chỉ có Đệ Tam Quốc tế biết rõ mà thôi. Tất cả những điều ghi chép về ông Hồ chỉ là dựa vào tập hồ sơ mong manh của mật thám Pháp, Anh và những lời thuật lại của một vài người đã có dịp gặp ông.
Vì thế muốn biết Hồ Chí Minh là ai chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Riêng về vấn đề hình chân dung của Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh, người viết không dám lạm bàn vì đã có khá nhiều bài viết với những hình ảnh này.
2 – Bảy hay tám đại biểu tại hội nghị Cộng Sản Việt Nam năm 1930?
Trong bản dịch của dịch giả Thái Văn, câu: “Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi” khác với nguyên bản về số đại biểu, nguyên văn theo phiên âm Hán Nôm: “Tại trường đích thất vị đại biểu trung, trừ liễu Nguyễn Ái Quốc đồng chí hoà ngã” (6). Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại hội, hẳn là ông biết rõ có bao nhiêu đại biểu tham dự. Có lẽ dịch giả Thế Anh đã lấy từ bản chính “Hồ Chí Minh toàn tập”, ấn hành năm 2000, dạng PDF, tập 5, trang 1015, trong bài “Đảng ta” của Trần Thắng Lợi, bút hiệu của Hồ Chí Minh: “Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám”. Như thế tác giả Hồ Tuấn Hùng đã tham khảo sách “Hồ Chí Minh toàn tập” ở một lần xuất bản khác? Cũng tập 5, nhưng khác số trang là trang 547 thay vì 1015.
Tuy nhiên trong bản dịch, phần theo sau lại viết như nguyên bản:
“Chú thích (1): Bảy vị đại biểu tại Hội nghị gồm Hồ Tập Chương là phái viên liên lạc của Quốc tế Cộng Sản, đương nhiên đứng đầu danh sách, tuy nhiên tài liệu ghi chép danh sách không thể tìm thấy, có khả năng đã bị sửa chữa hoặc giấu đi. Chỉ biết, sau khi thành lập Đảng, có 7 (bảy) vị Ủy viên Trung ương. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử còn lại, bảy Ủy viên là: Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Trịnh Đình Cửu, Lê Tản Anh, Trần Văn Cung, Lê Hồng Sơn và Hồ Tập Chương.”
Tài liệu của Đảng Cộng Sản viết khác, bảy đại biểu (7) là Nguyễn Ái Quốc (1890-1969), Hồ Tùng Mậu (1896-1951), Lê Hồng Sơn (1899-1933), Trịnh Đình Cửu (1906-1990), Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), Nguyễn Thiệu (1903-1989) và Châu Văn Liêm (1902-1930).
Như thế thì cuộc họp này có thể gồm 8 đại biểu, và người thứ 8 này là Hồ Tập Chương?
Tại sao Hồ Chí Minh lại viết như thế? Theo như ông Hồ Tuấn Hùng thì năm 1949, khi viết bài “Đảng ta”, ông Hồ vẫn chưa chính thức nhận mình là Nguyễn Ái Quốc. Tác giả HTH viết:
“Việc này trong “Truyện Hồ Chí Minh” của William J. Duiker, trang 499 (8) đã viết rất rõ ràng: “Sau hai mươi năm giấu giếm thân phận, hiện tại Hồ Chí Minh 67 tuổi, cuối cùng ông cũng thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, để rồi các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước ra sức ca ngợi ông như một người suốt đời hy sinh vì lý tưởng cách mạng, phục vụ tổ quốc”. Tiếp đó, tác giả (nv: Duiker) lại viết: “Trước đây, Hồ Chí Minh chưa thừa nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, vì vào năm 1946, khi triệu tập Hội nghị Quốc dân đại hội, Bộ trưởng Lao động Nguyễn Văn Thái có đề nghị vinh danh Hồ Chí Minh là “công dân số một” của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”….
“Nếu quả thật Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc cùng là người Việt Nam, liệu còn có động tác giấu đầu hở đuôi “người công dân số một” này không?” (HTH).
3 – Phản ứng gián tiếp của nhà nước Cộng Sản
Câu viết của Hồ Chí Minh: “Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi,” mà ông Hồ Tuấn Hùng nêu ra có lẽ đã làm Đảng Cộng Sản Việt Nam giật mình? Tháng 3 năm 2013, bài viết “”Đảng ta” ngày ấy – bây giờ” của Vũ Lân trong tạp chí Xây Dựng Đảng đã được phổ biến trên internet tại nhiều trang web khác nhau (9). Bài viết “Đảng ta” của Trần Thắng Lợi đã được nhắc lại, tuy nhiên đoạn văn:
“Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi, nay chỉ còn đồng chí Hồ Tùng Mậu và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đồng chí Tản Anh và vài đồng chí nữa đều oanh liệt hy sinh cho Đảng và cho dân tộc lâu trước ngày Cách mạng Tháng Tám…
đã bị loại bỏ và thay bằng hai ngoặc đơn với 4 chấm ở trong “(….)”.
Điều này chứng tỏ “Đảng ta” biết là đã bị hố và sa lầy vì sự việc bưng bít và lừa dối bấy lâu đã lộ ra và không biết làm sao có thể cứu vãn ?!
B- Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương?
Theo như tác giả Hồ Tuấn Hùng thì:
“1 – Vào năm 1930, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là 2 trong số 7, 8 đại biểu sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.
…
3 – Trước sau năm 1930, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cùng làm việc ở Cục Phương Đông Thượng Hải thuộc Quốc tế Cộng Sản. Hai người thường qua lại Hương Cảng và Thượng Hải. Lúc ấy Hồ Chí Minh là phái viên của Cục Phương Đông Quốc tế Cộng Sản đến hoạt động ở Hương Cảng. Vậy thì người mang tên Hồ Chí Minh không phải Nguyễn Ái Quốc này là ai? Ông ta chính là phái viên Quốc tế Cộng Sản Hồ Tập Chương, thành viên tham gia Ban trù bị thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, được các yếu nhân của Trung cộng và Việt cộng hết sức giữ bí mật”.
1- Sơ lược tiểu sử Nguyễn Ái Quốc (10)
Ghi chú: Tiểu sử này được viết theo sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” của ông Hồ Tuấn Hùng.
Nguyễn Ái Quốc là con của ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (11) và bà Hoàng Thị Loan, là con thứ 3 trong 4 người con. Sinh ngày 19 (?) tháng 5 (?) năm 1890 (?) tại làng Kim Liên (gọi nôm na là làng Sen), xã Nam Liên (Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tên hồi nhỏ là Nguyễn Sinh Cung (Công) sau đổi là Nguyễn Tất Thành.
Học chữ Hán từ năm 1900 đến 1904, học dự bị trường Quốc Học Huế từ 1905 đến 1908. Làm giáo viên trường tiểu học Dục Thanh ở tỉnh Phan Thiết.
Năm 1911 vào Sài Gòn, học nghề làm bếp, sau đó lên tàu Amiral Latouche Trevil làm phụ bếp với tên Văn Ba đi Singapore rồi sang Pháp. Đến Marseille năm 1913 sau đó đi Tây Phi, Bắc Mỹ.
Từ năm 1914 đến 1917, sống tạm ở Luân Đôn (London), học tiếng Anh, làm phụ bếp, rồi lại có việc trên tàu đi Nữu Ước (New York).
Cuối năm 1917, đến định cư tại Paris. Tại đây Nguyễn Tất Thành quen biết với các nhà cách mạng như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1919 quen biết với các chính khách Tả khuynh của Pháp, gia nhập đảng Xã Hội Pháp.
Năm 1920 gia nhập đảng Cộng Sản Pháp
Năm 1921, đảng Cộng Sản Pháp tuyên truyền phản đối Chủ nghĩa Thực dân. Nguyễn Ái Quốc bị mật thám theo dõi.
Tháng 6, năm 1923, đảng Cộng Sản Pháp gởi Nguyễn Ái sang Mạc Tư Khoa (Moscow) học về chủ thuyết Cộng sản, làm việc tại Cục Viễn Đông của Quốc Tế Cộng sản.
Tháng 6, năm 1924, tham gia Hội Nghị Cộng Sản quốc tế lần thứ 5 tại Mạc Tư Khoa (Moscow). Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (thủ phủ của tỉnh Quảng Đông) lấy tên là Lý Thụy, làm phụ tá cho Mikhail Borodin là đại diện Quốc Tế Cộng Sản Trung Hoa.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc v tham gia tổ chức”Tâm Tâm xã” sau đổi thành “Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí hội” ở Quảng Châu là tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Quốc Tế Cộng Sản.
Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Quốc Dân đảng lần thứ II tại Quảng Châu.
Ngày 18 tháng 10 năm 1926, lấy Tăng Tuyết Minh ( Zheng Xue Ming 曾雪明) do Đặng Dĩnh Siêu là vợ của Chu Ân Lai và bà Thái Sướng giới thiệu và làm chứng.
Năm 1927, Quốc Dân đảng đàn áp đảng Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc sang Mạc Tư Khoa, rồi được cử đến Bỉ, Thũy Sĩ, Ý và Pháp. Từ giai đoạn này Nguyễn Ái Quốc không có bất cứ liên lạc gì với Tăng Tuyết Minh.
Năm 1928, theo tàu của Nhật đi Bangkok, Thái Lan để vận động Việt Kiều tham gia Cộng Sản. Tại đây Nguyễn Ái Quốc lập “Xiêm La Cách Mạng Đồng Chí hội”.
Năm 1929, tại Bangkok, Nguyễn Ái Quốc mắc bệnh lao, ông phải ở lại đây để trị.
Đầu năm 1930, về lại Quảng Châu với tên Tống Văn Sơ, ngày 3 tháng 2 năm 1930, triệu tập đại hội thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam.
Năm 1931, làm đại biểu Quốc Tế Cộng Sản tại Hương Cảng. Chính quyền Anh hợp tác với Pháp, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 6 tháng 6 năm 1931 tại Hương Cảng. Được luật sư Loseby cứu, Nguyễn Ái Quốc được đưa đi Singapore nhưng nơi đây không nhận.
Năm 1932, Nguyễn Ái Quốc bị dẫn độ trở lại Hương Cảng. Luật sư Loseby đưa vụ kiện này về Luân Đôn. Tòa án ở Luân Đôn ra phán quyết phóng thích và trục xuất Nguyễn Ái Quốc ra khỏi Hương Cảng. Luật sư Loseby nhờ Paul Draken đưa Nguyễn Ái Quốc bay đến sông Hoàng Phố, sau đó đồng chí đưa ông về Thượng Hải.
Gần cuối năm 1932, Nguyễn Ái Quốc lên đường sang Mạc Tư Khoa, bệnh lao phổi tái phát và ông đã chết trên đường đi.
Nguyễn Ái Quốc đã được nhóm học sinh Việt Nam tại Đại Học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa làm lễ truy điệu, có phái viên Quốc tế Cộng Sản đến chia buồn.
Sáu năm sau, năm 1938, Nguyễn Ái Quốc sẽ được thay thế bằng một nhân vật khác?
2- Hồ Tập Chương là ai?
Theo như tác giả Hồ Tuấn Hùng thì Hồ Tập Chương là người chú của ông, người Đài Loan, sinh ngày 11 tháng mười năm 1901 tại thôn Đồng La, huyện Miêu Lật, Đài Loan, thời Nhật đang chiếm đóng.
Cha là Hồ Dần Lượng, mẹ họ Lý, là người con thứ bảy trong 10 người con, học cả tiếng Hán lẫn tiếng Nhật. Đậu tốt nghiệp ưu hạng Đại học Công nghiệp Đài Bắc năm 20 tuổi. Từ năm 1922 đến 1928 về lại Miêu Lật làm nghề nấu rượu, bán thuốc đông y và sản xuất xì dầu.
Năm 1926, kết hôn với Lâm Quế, sinh con gái đầu là Hồ Tố Mai năm 1928 và năm 1930 sinh người con trai không biết mặt cha là Hồ Thự Quang.
Năm 1929 Hồ Tập Chương đi Thượng Hải tham gia đảng Cộng Sản Trung Hoa và sau đó trở thành Phái Viên Quốc Tế Cộng Sản.
Cuối năm 1931, Hồ Tập Chương bị Quốc Dân Đảng bắt ở Quảng Châu, sau đó được thả.
Năm 1933, Hồ Tập Chương (với bí danh P.C. Lin) bị gọi về Mạc Tư Khoa vì bị nghi ngờ là theo Lý Lập Tam (12), P.C. Lin “chịu sự điều tra của tổ 3 người gồm Dmitry Manuilsky, Vera Vasilieva và trùm đặc vụ Trung Quốc Khang Sinh” (13) và bị Khang Sinh đề nghị tử hình. Tuy nhiên P. C. Lin đã được Vera Vasilieva bảo trợ, vì thấy Hồ Tập Chương (P.C. Lin) có diện mạo khá giống Nguyễn Ái Quốc, cũng như có quá khứ tương tự, lại đã từng hoạt động chung nên đề nghị muốn “biến” ông này thành Nguyễn Ái Quốc, người đã bị chết vì bệnh lao năm 1932. Quốc Tế Cộng Sản đảng đồng ý, Hồ Tập Chương sau 5 năm huấn luyện đã biến thành Nguyễn Ái Quốc với bí danh Hồ Quang (14) và là Hồ Chí Minh sau này.
3- Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương, không phải là Nguyễn Ái Quốc?
Tác giả sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” đã nêu ra những sự kiện để chứng minh về những nhận định này như sau:
a- Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương bị bắt là hai việc khác nhau?
Theo những dẫn chứng của ông Hồ Tuấn Hùng, việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt ngày 6 tháng 6 năm 1931 tại Hương Cảng và việc Hồ Tập Chương bị bắt mùa hè năm 1931 tại Quảng Châu là hai việc hoàn toàn khác nhau. Từ hai sự việc khác nhau này, chứng tỏ hai người là hai nhân vật khác nhau. Việc Nguyễn Ái Quốc bị chính phủ Anh bắt ở Hương Cảng, tin này đã được loan truyền rộng rãi qua báo chí. Việc xét xử qua chín phiên toà có tính cách công cộng, với phán quyết là việc trục xuất Nguyễn Ái Quốc.
Tuy nhiên việc Hồ Tập Chương bị bắt ở Quảng Châu lại có tính cách bí mật: “Vì có liên quan đến vụ Noulens nên các thành viên của tổ chức “Công hội Thái Bình Dương” trực thuộc Quốc tế Cộng Sản, đều bị truy bắt, phải bỏ Thượng Hải chạy về Quảng Châu, cuối cùng Hồ Tập Chương bị đặc vụ Quốc dân đảng bắt được vào mùa hè năm 1931” (HTH). Vì thời điểm nên hai sự kiện này bị gom lại thành một, với sự che đậy của Trung Cộng người ngoài chỉ biết đến việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt.
Về việc Hồ Tập Chương bị bắt, ông Hồ Tuấn Hùng dẫn chứng bằng sự đối chiếu giữa ba nguồn khác nhau:
– Truyện “Mối tình nồng thắm giữa Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan” của Lương Ích Tân.
– Truyện “Hồ Chí Minh” của Ngô Trọc Lưu. Trong truyện này ông Hồ Tuấn Hùng viết:
“Ngô Trọc Lưu miêu tả Hồ Chí Minh bị bắt giữ chính là Hồ Tập Chương. Biết tin này, người em ruột của ông là Hồ Tập Dưỡng đã thông báo cho gia tộc biết, đó chính là người đến từ Miêu Lật, Đồng La, Đài Loan, từng được truyền khẩu trong ký ức của gia đình chúng tôi” (HTH).
– “Đài Loan nhật nhật tân báo”:
“Từ tháng mười một đến tháng mười hai năm 1938, Hồ Chí Minh đột nhiên mất tích nửa tháng, trong nửa tháng này, thật kỳ diệu, tôi tìm được trong “Đài Loan nhật nhật tân báo”. Liên kết “Đài Loan Nhật nhật tân báo” với ngày tháng Hồ Chí Minh mất tích, tôi đã tìm được câu trả lời rõ ràng. “Đài Loan Nhật nhật tân báo” số ra ngày 12 tháng 11 năm 1938 có bài viết: “Thông dịch viên quân đội Nhật là Hồ Tập Chương, người gốc Đài Loan, đã trốn khỏi nhà ngục Nam Thạch Đầu, Hà Nam (Quảng Châu). Sau khi tạm trú tại bản doanh quân đội Nhật Ōta, ông được tuyển vào làm thông dịch cho quan chỉ huy Nhật Bản Quân khu Quảng Đông Tiểu Lạp Nguyên Thái Úy” (HTH).
Từ những tham khảo trên, tác giả Hồ Tuấn Hùng đã đi đến kết luận Hồ Chí Minh chính là Hồ Tập Chương.
b – Chuyện hôn nhân và tình ái của hai nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh
Để chứng minh Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Tập Chương, tác giả Hồ Tuần Hùng đã nêu lên những chi tiết về chuyện hôn nhân và tình ái của Hồ Chí Minh như sau:
– Nguyễn Ái Quốc và Tăng Tuyết Minh
Tác giả Hồ Tuấn Hùng lúc này đã coi như Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau và Hồ Chí Minh chính là Hồ Tập Chương, nên ông phân định khá rõ ràng về chuyện hôn nhân tình ái của hai nhân vật này:
“Trước hết, cần phân biệt chuyện hôn nhân tình ái của Nguyễn Ái Quốc với Tăng Tuyết Minh, Nguyễn Ái Quốc với Nguyễn Thị Minh Khai khác với hôn nhân tình ái giữa Hồ Chí Minh với Đỗ Thị Lạc, Hồ Chí Minh với Nông Thị Xuân, Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan” (HTH).
Về Nguyễn Ái Quốc, tác giả đã tham khảo qua một số tài liệu và được tóm lược như sau:
Năm 1923, theo như William J. Duiker Nguyễn Ái Quốc đã từng quen biết với một cô gái người Pháp là Bourdon Breiere và theo giáo sư Nguyễn Thế Anh cô này là Bourdon và tác giả đi đến kết luận đây chỉ là một người: Bourdon Breiere.
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc với tên là Lý Thụy đã kết hôn với Tăng Tuyết Minh (Zeng Xueming曾雪明) do vợ của Chu Ân Lai là Đặng Dĩnh Siêu giới thiệu. Năm 1926 Tăng Tuyết Minh mang thai, nhưng đã bị hủy vì “mẹ Tăng Tuyết Minh là Lương Thị, sau khi biết việc này, sợ con gái sinh cháu bé sẽ theo chồng đi mất nên đã tìm mọi cách ép nàng phá thai” (HTH). Tác giả cho biết thêm là vợ ông là cháu và gọi bà Tăng Tuyết Minh là “cô Mười”, bà là người theo Công Giáo.
“Vợ tôi, đối với Tăng Tuyết Minh thuộc hàng cháu, thường gọi bằng “cô Mười”. Từ khi sinh ra đến lúc qua đời bà đều sống ở Quảng Châu, là tín đồ trung thành của đạo Cơ Đốc, ngày đêm cầu khấn cho Lý Thụy bằng an. Năm 1988, khi tôi cùng vợ về Quảng Châu viếng thăm bà cô Mười, trong ký ức bà vẫn nhớ đến Hồ Chí Minh lúc chia tay từ mấy chục năm trước. Bà kể tường tận cho chúng tôi nghe về thời kỳ quen biết Hồ Chí Minh, nảy sinh tình cảm nam nữ rồi quá trình tổ chức hôn lễ rất xúc động. Tôi gửi lại bà tấm ảnh quý và bức thư ngày trước viết cho Hồ Chí Minh mà bà gửi tôi giữ hộ. Lúc ấy trong tay vợ tôi còn có chiếc nhẫn hồng ngọc mà Lý Thụy đã tặng bà cô Mười lúc đính hôn cùng với tấm rèm cửa cố vấn M. Borodin chúc mừng hôn lễ. Những vật kỷ niệm này được gia đình tôi coi như bảo vật truyền gia của người bà để lại” (HTH).
Tác giả cho biết thêm: “Người chủ trì hôn lễ lúc ấy là Thái Sướng và Đặng Dĩnh Siêu biết rõ Hồ Chí Minh năm 1950 không phải là Nguyễn Ái Quốc (Lý Thụy) năm 1926, chỉ biết giả câm giả điếc, biết rõ Tăng Tuyết Minh đau khổ mà không làm gì được” (HTH). Sau đó, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc phải chạy trốn khỏi Quảng Châu rồi đi Mạc Tư Khoa và từ đó không bao giờ ông gặp lại Tăng Tuyết Minh, bà không lấy chồng khác và chết năm 1991 lúc 86 tuổi.
Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc về Hương Cảng với tên là P.C. Lin, gặp Nguyễn Thị (Minh) Khai (NTMK) và sống với người này như vợ chồng. Năm 1935, Lê Hồng Phong và NTMK tham dự hội nghị Quốc Tế Cộng Sản 7, bà NTMK khai có chồng là P.C. Lin, tuy nhiên P. C. Lin, người đã giúp hai người này “sửa chữa, biên tập văn bản tham luận Hội nghị (bằng tiếng Nga), góp phần làm cho Đoàn đại biểu Đảng Cộng Sản Đông Dương hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc khiến Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai thật sự cảm động” (HTH). Tác giả nêu ra P. C. Lin ở đây không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Tập Chương người đang tập đóng vai Nguyễn Ái Quốc.
– Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan
Năm 1930, Hồ Chí Minh đang ở Quảng Châu lúc này đang bị Quốc Dân Đảng truy lùng. “Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Đào Chú đã bố trí một nữ đảng viên là Lâm Y Lan, đóng giả làm vợ Hồ Chí Minh để bảo vệ an toàn cho ông ta…” Hồ Chí Minh bị bắt nhưng ba ngày sau lại được cứu thoát”. Theo như ông Hồ Tuấn Hùng thì Hồ Chí Minh lúc này là Hồ Tập Chương. Tuy nhiên những gì tác giả nêu ra không phải là từ những tài liệu mà là từ truyện “Mối tình nồng thắm giữa Hồ Chí Minh và Lâm Y Lan” của Lương Ích Tân mà chính ông cũng biết:
“Đây là tác phẩm thuộc thể tài tiểu thuyết, từng đoạn, từng đoạn kể về cuộc tình của Hồ Chí Minh với Lâm Y Lan. Nội dung tác phẩm được thể hiện qua nhiều chi tiết khá lý thú, làm xúc động lòng người. Chỉ tiếc, các sử liệu được vận dụng, chỗ thì lắp ghép một cách khiên cưỡng, chỗ lại tập hợp trình bày nhảy cóc, nhất là đoạn nói về mối tình với Nguyễn Thanh Linh trong những năm 1930. Việc làm này dường như tác giả có ý đồ tạo ra sự lẫn lộn Hồ Chí Minh với Nguyễn Ái Quốc, đồng nhất hai người làm một, tô vẽ ông thành một nhân vật phi thường, mặc dù, trên thực tế, Nguyễn Thanh Linh chỉ là nhân vật hư cấu”.
Có một bài viết đăng trong Dương Thành vãn báo (羊城晚報, Báo Dương Thành buổi chiều) ngày 11-12-2011 cũng như trong báo “Nhân Dân” của Trung Quốc (15) (www.people.com.cn) với đề tài “Một người vợ Trung Quốc khác của Hồ Chí Minh” (16) của tác giả Đinh Đông Văn và Việt Báo có đăng lại ngày 1 tháng 2 năm 2012 (17). Tuy nhiên nội dung cũng tương tự như truyện của Lương Ích Tân mà ông Hồ Tuấn Hùng đã nêu ra nguyên bản ở trong sách.
Tác giả truy tầm thêm tài liệu như “Truyện Hồ Chí Minh” của William J. Duiker về việc ông Duiker đã tham khảo từ, “các bài viết “Nhờ Đào Chú làm mối” và “Chuyện hôn sự của Hồ Chí Minh không nhỏ” của tác giả Lương Văn là xác thực” (HTH). Tuy nhiên ông Duiker với ghi chú số 54 trong chương “All for the front lines” (trang 668) đã nêu ra:
“Có thể ông Hồ muốn có một bạn đồng hành với mình là người Quảng Đông vì ông vẫn ấp ủ sự nhớ nhung người vợ đầu tiên là Tăng Tuyết Minh. Các nguồn khác không giải thích tại sao vai trò này không thể làm bởi một người Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc đã gặp rắc rối vì có tới ba ứng viên trước khi bỏ ý định này. Khi nghe về dự án (tìm người) này, Chu Ân Lai đã bày tỏ sự lo ngại là việc này có thể khơi cảm giác chống Trung Quốc trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản tại Hà Nội” (18).
Trong ghi chú này, tại sao lại có tới ba ứng viên (three candidates) để làm người bạn đồng hành với ông Hồ. Chu Ân Lai và vợ là Đặng Dĩnh Siêu biết rõ Nguyễn Ái Quốc là ai, vì chính bà Đặng Dĩnh Siêu giới thiệu Tăng Tuyết Minh cho Nguyễn Ái Quốc và tham dự đám cưới. Đào Chú, lúc này (1966) đang là người thứ tư trong đảng Cộng Sảng Trung Hoa, ông là người cử Lâm Y Lan làm vợ Hồ Chí Minh và cũng biết rõ ông này là ai. Chính phủ Trung Quốc không thể đưa Lâm Y Lan gặp ông Hồ, cũng như không thể đưa Tăng Tuyết Minh đến gặp ông, nếu họ đã biết rõ ông Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc. Đây là việc mà đảng Cộng Sản muốn che dấu nếu Hồ Chí Minh là Hồ Tập Chương theo như ông Hồ Tuấn Hùng.
Hồ Chí Minh và Đỗ Thị Lạc
Tác giả Hồ Tuấn Hùng đã nêu tên một người khác có liên quan tình ái với Hồ Chí Minh là bà Đỗ Thị Lạc.
“Ngày 10 tháng 9 năm 1943, Hồ Chí Minh được phóng thích tại Liễu Châu, rất được Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê tín nhiệm, giao nhiệm vụ cải tổ Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội… Hồ Chí Minh tự tuyển chọn mười tám thanh niên cốt cán trở về Việt Nam làm công việc huấn luyện nhiệm vụ cách mạng” (HTH).
Một trong mười tám người này là Đỗ Thị Lạc. Tác giả trích dẫn một câu viết của
“sử gia Trần Trọng Kim trong hồi ký “Một cơn gió bụi”: “Đỗ Thị Lạc có với Hồ Chí Minh một người con gái”. Tuy nhiên, sau một thời gian sống chung với nhau ở Khuê Nam, Hồ Chí Minh dấn thân vào cao trào cách mạng, không bao giờ còn trở lại với Đỗ Thị Lạc nữa” (HTH).
Hồ Chí Minh và Nông Thị Trưng
Một người con gái khác có tên là Nông Thị Ngát (tên thật là Nông Thị Bảy) không thấy ông Hồ Tuấn Hùng nêu ra, cô này được Hồ Chí Minh với bí danh là “Già Thu” đổi tên là Trưng, ông Hồ trực tiếp dạy cô này 8 tháng ở Pắc Bó, Cao Bằng.
“Theo tạp chí Asia Times, Nông Thị Trưng là mẹ đẻ của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001” với ghi chú số 6: “Trong tạp chí Asia Times, cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, số 434 ra ngày 30 tháng 4 năm 2001 có đăng bài Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong ký ức của một người thầy nhân dịp Nông Đức Mạnh lần đầu được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nói về cảm tưởng của thầy giáo cũ La Văn Ngâm dạy cấp 2 về học trò cũ Nông Đức Mạnh. Bài có đoạn tả thầy giáo này tìm đến nhà bà Trưng, thân mẫu Nông Đức Mạnh, trong đó có ghi rõ chú thích của tạp chí: “bà Nông Thị Trưng là thân mẫu đồng chí Nông Đức Mạnh” (Wikipedia).
Hồ Chí Minh và Nông Thị Xuân
“Năm 1955, một thiếu nữ là Nông Thị Xuân từ vùng biên giới tỉnh Cao Bằng được đưa về Hà Nội. Cô này khá xinh đẹp được chủ tịch Hồ Chí Minh để ý nên Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương đã bố trí làm y tá bên cạnh ông Hồ. Một năm sau, Nông Thị Xuân sinh với Hồ Chí Minh một bé trai. Đứa bé được bí mật gửi nuôi vài nơi, nhưng cuối cùng, thư ký riêng của Hồ Chí Minh là Vũ Kỳ đưa về nhà nhận làm con. Vào một ngày năm 1957, người ta phát hiện Nông Thị Xuân bị tai nạn ô tô chết bên đường chân Dốc Chèm…”
Để tổng kết về huyện hôn nhân tình ái của Hồ Chí Minh, tác giả viết:
“Cũng năm 1958, Hồ Chí Minh vì muốn hoàn thành tâm nguyện kết hôn cùng Lâm Y Lan nên đã nhờ Đào Chú, Chu Ân Lai giúp đỡ. Theo những bằng chứng đáng tin cậy, có thể thấy, Đặng Dĩnh Siêu, Thái Sướng biết rất rõ Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh không phải là một người, biết rõ Nguyễn Ái Quốc đã bị bệnh chết, càng rõ hơn, Hồ Chí Minh là kẻ bội bạc hôn nhân. Tuy nhiên, với Lâm Y Lan, Hồ Chí Minh lại đặc biệt dành tình cảm cho bà, khiến tôi vô cùng kính trọng và biểu đồng tình”.
C- “Nhật ký trong tù”
Một vấn đề khác mà tác giả Hồ Tuấn Hùng dùng để cố chứng minh Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Tập Chương, người gốc Đài Loan là khả năng ngôn ngữ, văn chương bằng tiếng Trung Hoa của hai nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh. Đặc biệt ông phân tích “Nhật ký trong tù” với những chữ hay tiếng đặc biệt của người Khách Gia (người Hẹ) để dẫn chứng Hồ Chí Minh là người đến từ Miêu Lật, Đài Loan, cũng là quê quán của tác giả.
1- Khả năng về Hán văn của Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc
Tác giả HTH dẫn chứng “Hồ sơ Lư Sơn” viết là năm 1959, Hồ Chí Minh đến Lư Sơn (19), ông dùng ngón tay để viết thư pháp ba chữ “Lư Sơn hảo” (庐山好 )
“…Hồ Chí Minh thong thả nhúng ngón tay vào nghiên mực, viết ba chữ lớn: “Lư Sơn hảo” (庐山好 ) rồi lùi về phía sau hai bước ngắm nghía. Lâu Thiệu Minh liếc qua, rất khâm phục:
– Thưa Hồ Chủ tịch! Người viết chữ Hán thật tuyệt.
Sau khi viết “Lư Sơn hảo” bằng ngón tay, Hồ Chí Minh lại dùng bút tiểu khải viết 10 chữ nhỏ: “Hồ Chí Minh, tháng tám năm 1959″ vào dòng lạc khoản để kỷ niệm chuyến thăm Lư Sơn”.”
Tên một khách sạn sao lại theo cách viết bằng ngón tay của Hồ Chí Minh tại Lư Sơn, Quảng Tây
Tác giả cho là trình độ thư pháp của Hồ Chí Minh thuộc loại khá.
Còn Nguyễn Ái Quốc thì
“cho đến năm 1932, hầu như không thấy ông sử dụng Hán văn trong các bài viết, chưa nói đến trình độ viết thư pháp chữ Hán. Vì sao đến năm 1938, sau khi rời Mạc Tư Khoa về vùng biên giới Việt Trung hoạt động, Hồ Chí Minh lại đột nhiên sử dụng Hán văn, viết báo, làm thơ và viết thư pháp một cách thành thạo? Chúng tôi vô cùng nghi ngờ. Có thật Nguyễn Ái Quốc dùng ngón tay viết thư pháp? Có thật ông dùng Hán văn viết “Nhật ký trong tù”? (HTH)
Để nói về trình độ tiếng Trung Hoa của Nguyễn Ái Quốc, ông HTH dẫn chứng:
“Theo Đặng Dĩnh Siêu, vào thời điểm năm 1925, bà có dạy Nguyễn Ái Quốc học tiếng Trung, đến năm 1926 thì ông ta kết hôn với Tăng Tuyết Minh. Sự việc này đúng là có thực. Nói cách khác, đến năm 1927, trình độ nghe, nói, đọc và viết chữ Hán của Nguyễn Ái Quốc rất hạn chế”.
Ông kết luận khả năng Hán văn của Nguyễn Ái Quốc:
“Dừng lại ở mức độ 3 đến 4 năm cấp tiểu học, tuyệt đối không có khả năng viết báo, tạp chí và những bài nghị luận trường thiên lời văn khúc chiết, đanh thép, không thể là tác giả của “Nhật ký trong tù”, càng không có khả năng viết thư pháp bút lông hoặc “thư pháp ngón tay” chữ Hán”.
Hồ Tập Chương thì khác hẳn
“Lớn lên ở Đài Loan, từ nhỏ đã được giáo dục nền văn hóa Hán… Năm 1929, lúc ấy Hồ Tập Chương 29 tuổi, rời Đài Loan đến Thượng Hải, trình độ đọc và viết chữ Hán không thể sai sót, có khả năng viết thư pháp, nói tiếng Khách Gia Quảng Đông và tiếng Mân Nam Phúc Kiến lưu loát”.
Ông HTH nhận xét là dùng khả năng Hán văn của Nguyễn Ái Quốc để liên kết với khả năng Hán văn của Hồ Chí Minh chỉ là một trò đùa dai.
Ông Bùi Tín trong bài “Vài chuyện đã rõ về ông Hồ” (20) cũng đã viết
“Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của anh Phương Nam băn khoăn hoài nghi về tập thơ Ngục trung nhật ký, cứ như của người Tàu, phong cảnh Tàu, cảm khái Tàu, lịch sử Tàu, hồi tưởng Tàu, hình ảnh Tàu. Không một tên làng, tên huyện, tên tỉnh VN, không tên tuổi một anh hùng, di tích lịch sử VN, không một con sông ngọn núi VN. Chưa có nhà phê bình văn học thơ ca nào nghiên cứu kỹ về điểm này”.
2- Những chữ của người Khách Gia hay dùng có trong tập thơ “Nhật ký trong tù”
Hồ Chí Minh bị bắt tại Quảng Tây ngày 27 tháng 8 năm 1942, 14 tháng bị giam qua 18 nhà tù. Trong thời gian bị tù ông đã dùng Hán văn để làm 134 bài thơ tên là “Ngục trung nhật ký” ( 獄中日記: Nhật ký trong tù). Theo như tác giả HTH thì ngoài khả năng Hán văn, người viết tập thơ này phải là người Khách Gia mới dùng những tiếng đặc biệt này, hơn nữa “vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, phải là người từng cư trú tại địa bàn Khách Gia, thấm nhuần tư tưởng, tình cảm cộng đồng dân tộc, mới viết được những câu thơ hàm súc mang đặc trưng văn hóa Khách Gia như vậy” (HTH).
Lấy vài thí dụ vài bài về ngôn ngữ Khách Gia trong “Ngục trung nhật ký”:
– Bài thơ với đề tài “Tảo” (早Buổi sớm) dùng chữ “lung” là nhà giam hai lần. Tác giả HTH giải thích: “”Lung” (籠), tiếng Khách chỉ nhà giam, phòng giam. Người Khách Gia ở Miêu Lật bị vào nhà giam gọi là “nhập lung”(入籠), ra khỏi nhà lao gọi là “xuất lung”(出籠), giam trong nhà lao gọi là “quan lung”(關籠). Trong khi ấy, những từ với ý nghĩa trên ở Trung văn lại được gọi là “nhập ngục”(入獄), “xuất ngục”(出獄), “phục ngục”(服獄), hầu như không ai dùng chữ “lung”. Trong “Nhật ký trong tù”, từ “lung” được hiểu là “nhà giam”, “nhà ngục” hoặc “nhà tù” được sử dụng ở hơn 10 bài thơ”.
– Bài thơ với đề tài “Học dịch kỳ” ( 學奕棋Học đánh cờ) có câu “Công thủ vận trù vô lậu toán” ( 攻守運籌無漏著算) có nghĩa là “Tấn công phòng thủ không sơ hở”. “Lậu toán”(著算): trong từ vựng Trung văn không có từ “lậu toán”… “Lậu toán” là loại ngữ từ tiêu chuẩn của người Khách Gia, chỉ sự tính toán sai lầm khi đánh cờ tướng” (HTH).
– Bài thơ với đề tài “Lạc liễu nhất chích nha” (落了一隻牙 Rụng mất một chiếc răng), ông HTH giải thích “Lạc liễu nhất chích nha”, thực chất là một câu văn bất thông trong cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa Trung văn, nhưng lại là một phương ngôn rất thông dụng nếu phát âm theo cách của người Khách Gia, Miêu Lật,…”
– Bài thơ với đề tài “Nhất cá đổ phạm ngạnh liễu” (一个賭犯硬了 Một người tù cờ bạc chết cứng). “”Ngạnh liễu”(硬了) hàm ý chỉ sự chết, là một từ rất thông dụng trong ngôn ngữ Khách Gia Miêu Lật. Người Khách Gia thường nói “ngạnh liễu” thay cho “nhân tử liễu”(người chết) của Trung văn” (HTH).
3- Những chữ của người Khách Gia ở thời Nhật chiếm đóng (1895–1945) trong tập thơ “Nhật ký trong tù”
– Bài thơ với đề tài “Đổ” ( Đánh bạc 賭) có câu “Dân gian đổ bác bị quan lạp” (民間賭博被官拉). “Quan lạp” (官拉) là từ ngữ rất thông dụng của người Khách Gia, Miêu Lật. Thời Nhật chiếm đóng Đài Loan, nhân dân bị cảnh sát rượt đuổi gọi là “quan lạp” (HTH).
– Bài thơ với đề tài “Hạn chế” (限制) có câu “Xuất cung dã bị nhân chế tài” (出恭也被人制裁). “”Xuất cung”(出恭): Từ thời Nhật Bản chiếm đóng, người dân ở Miêu Lật, Đồng La gọi việc đến nhà xí đại tiện là “xuất cung”… Nhiều năm trước đó, học trò Miêu Lật, Đồng La thường xuyên vào Đại lục tham dự các kỳ thi của triều đình, nên khi về quê đã dùng từ “xuất cung” thay cho “đại tiện”, nghe có vẻ trang nhã hơn. Từ “xuất cung” được lưu truyền cho đến ngày nay trở thành một thứ phương ngôn đặc thù của người Đồng La.” (HTH).
– Bài thơ với đề tài “Nam Ninh ngục” (南寧獄) có câu (監房建築頂摩登 Giam phòng kiến trúc đính “ma-đăng”) có nghĩa là nhà lao xây theo kiểu tân thời. “”Ma đăng”(摩登): Thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, có một số từ nước ngoài du nhập vào Đồng La mà từ “ma đăng” vốn có nguồn gốc Anh ngữ (modern), nghĩa là “hiện đại” là một ví dụ” (HTH).
– Bài thơ với đề tài “Công kim” (工金 Tiền công). ““Công kim”(工金): Thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan có một số từ nước ngoài được du nhập vào hệ thống từ vựng Hán ngữ. “Công kim” chỉ tài sản công, tiền công” (HTH).
Đây chỉ là một vài thí dụ tiêu biểu được trích trong bản dịch của dịch giả Thái Văn. Tác giả Hồ Tuấn Hùng sau khi phân tích tập thơ “Ngục trung nhật ký”, ông đã đi đến kết luận là càng chứng tỏ mình văn tài thơ phú hay, ông Hồ càng lộ rõ ra ông không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Tập Chương, chú của tác giả, một người Đài Loan:
“Tổng hợp những phần đã phân tích ở trên, chúng tôi đi đến kết luận, tác giả “Nhật ký trong tù” nhất định phải là người có đủ ba điều kiện sau đây:
1- Đối với ngữ văn Trung Quốc phải có trình độ cao, mà đối với nền Quốc học thường thức cũng phải đạt trình độ tương đối khá. Sáng tác được thơ trong “Nhật ký trong tù” tuyệt đối không phải là người chỉ có trình độ chữ Hán ba, bốn năm tiểu học.
2- Tác giả “Nhật ký trong tù” nhất định phải là người sắc tộc Khách Gia thuộc cộng đồng cư dân Miêu Lật, Đồng La, Đài Loan.
3- Tác giả “Nhật ký trong tù” phải là người Khách Gia thông thạo Nhật ngữ”.
D- Đảng CS cố chứng minh ông Hồ là Nguyễn Ái Quốc
Theo như ông Hoàng Văn Chí viết trong sách “Từ thực dân đến Cộng Sản”, thì đến năm 1958 ông Hồ mới nhận mình là Nguyễn Ái Quốc “Việc này được phơi bày công khai năm 1958 khi một phái đoàn nhân viên sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa viếng thăm quê hương ông Hồ. Sau cuộc viếng thăm, báo chí Hà Nội đã thú nhận ông Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc”. Theo như tác giả HTH, sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (VĐĐVKC) của tác giả Trần Đạt Nhân (T. Lan), cũng là ông Hồ, xuất bản lần đầu năm 1961 và sách “Tôi đã mấy lần được gặp Bác Hồ” của Nguyễn Lương Bằng năm 1965:
“Trần Đạt Nhân là bút danh của Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng là Phó chủ tịch nước Việt Nam, hai người đều đồng lòng, nhất trí chế tạo Hồ Chí Minh tức Nguyễn Ái Quốc mà không bị lật tẩy bởi nhân chứng đã chết, Hồ Chí Minh vẫn đường đường chính chính tiếp tục sắm vai Nguyễn Ái Quốc”.
Về việc Hồ Chí Minh gặp Paul Vaillant Couturier ở Thượng Hải, ông này từng là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng Sản Pháp:
“Chiều tối hôm sau, Bác gặp đồng chí Vayăng Cutuyriê ở một địa điểm kín đáo. “Muôn dặm quê người gặp bạn thân!”. Cả hai người vô cùng mừng rỡ, vừa cảm động nghẹn ngào… Hai anh em siết chặt tay nhau mà nói chuyện. Bác nói cho đồng chí Vayăng Cutuyriê biết hoàn cảnh khó khăn của mình” (VĐĐVKC).
Ông HTH cho đây là một sự ngụy tạo để gom Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh làm một vì ông Couturier đã mất từ 26 năm về trước, chả còn sống để làm chứng. Đến việc gặp gỡ luật sư Frank Loseby năm 1960, người đã biện hộ cho Nguyễn Ái Quốc năm 1931 ở Hương Cảng, tác giả HTH cho là
“căn cứ vào những động tác liên hoàn từ năm 1956, có thể phỏng đoán, Hồ Chí Minh có ý ngầm thông báo cho vợ chồng luật sư Loseby biết là, Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, tin tức đăng trên các báo về sự kiện Nguyễn Ái Quốc chết bởi bệnh lao phổi chỉ là tin tức giả… nếu như Nguyễn Ái Quốc không chết, chân thành báo đáp ơn cứu mạng, vì sao đến mãi năm 1956 mới ba lần liên lạc với vợ chồng luật sư Frank Loseby, năm 1960 mới chính thức mời thăm?… Thử nghĩ, một ông già đã xấp xỉ 80 tuổi, sau 28 năm bặt vô âm tín, đặc biệt là người Âu Mỹ nhìn người phương Đông, liệu có khả năng phân biệt được thật giả? Hồ Chí Minh chơi trò bịp bợm chẳng qua là để vợ chồng Losely ghi nhớ “Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc” mà thôi”.
Tuy nhiên trước khi Hồ Chí Minh công khai nhận mình là Nguyễn Ái Quốc năm 1958 thì trước đó một năm, 1957 ông Hồ về thăm quê của Nguyễn Ái Quốc ở Nghệ An.
“Thời gian này, song thân Nguyễn Ái Quốc đã qua đời từ lâu, một người anh là Nguyễn Sinh Khiêm mất vào năm 1950 và người chị là Nguyễn Thị Thanh cũng mất vào năm 1954. Ông Khiêm và bà Thanh, năm 1945 cũng đã ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh, vội vàng nói chuyện về thời thơ ấu rồi lại trở về quê. Vậy tình hình lúc gặp mặt ra sao, nói những chuyện gì, trước sau vẫn còn là một bí mật. Vì thế, vào năm 1957, khi Hồ Chí Minh về thăm quê hương Nguyễn Ái Quốc, những người trong làng, có thể nói, không một ai phát hiện ra vị Chủ tịch nước Việt Nam không phải là Nguyễn Ái Quốc. Huống hồ, các phe cánh đối lập như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh cũng lưu lạc ở Trung Quốc Đại lục, chết vì bệnh tật chốn tha hương. Hồ Chí Minh đến lúc này mới vượt qua các trở ngại, hoàn thành kế hoạch “dời hoa tiếp cây”, thay thế vai trò Nguyễn Ái Quốc do Quốc tế Cộng Sản sắp đặt” (HTH).
E- Kết luận
Trong sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo” tác giả Hồ Tuấn Hùng đã đưa ra khá nhiều bằng chứng và nhiều lúc đã xác định Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Tập Chương, người Đài Loan ở huyện Miêu Lật, thôn Đồng La. Tuy nhiên đến phần cuối thì ông viết: “Ngày nay, khi luận về thân thế Hồ Chí Minh và công lao của ông, chúng ta nên để cho lịch sử phán xét. Lấy việc Hồ Chí Minh nhận lời phỏng vấn ký giả ngoại quốc làm cơ sở kiểm nghiệm, có phải ông đã thành tâm thể hiện lòng trung thành với nhân dân Việt Nam qua những lời hứa hẹn?”. Người viết xin góp ý là phải đổi câu “công lao của ông” thành câu “tội lỗi của ông đối với dân tộc Việt Nam”.
Theo như hệ thống tư pháp ngày nay tại các nước dân chủ. Một phiên tòa (theo như sự hiểu biết rất sơ sài của người viết) gồm có chánh án, bồi thẩm đoàn, công tố viên, luật sư biện hộ, nhân chứng và nghi can. Nghi can là ông Hồ Chí Minh. Công tố viên là những người kết tội ông. Nhân chứng là những nạn nhân dù trực tiếp hay gián tiếp. Luật sư biện hộ là những người Cộng Sản bênh vực ông, những tác giả đã phủ nhận việc ông là người Đài Loan. Bồi thẩm đoàn là các độc giả, những người đọc, biết về sự kiện, biết các bằng chứng. Chánh án sẽ là người dân Việt. Bản án sẽ là những trang sử được ghi lại về việc này. Người viết chỉ là một trong những người đi tìm hiểu, để biết thêm về những bí ẩn trong lịch sử cận đại, muốn nêu ra đây để chia sẻ với bạn đọc, với hy vọng chúng ta sẽ có một bản án (verdict) sớm hơn để ghi lại trong trang sử Việt cho hậu thế.
10/2013
Trần Việt Bắc
___________________________________
Tài liệu tham khảo:
1- Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo-Tìm hiểu về cuộc đời Hồ Chí Minh, dịch giả Thái Văn.
2- 胡志明生平考 – Hồ Chí Minh sinh bình khảo, tác giả Hồ Tuấn Hùng.
3- Hồ Chí Minh Những năm tháng chưa được biết đến Sophie Quinn‐Judge.
4- Từ thực dân đến cộng sản, tác giả Hoàng Văn Chí.
5- Ho Chi Minh, a life, tác giả William J. Duiker.
6- Một nghi án lịch sử Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh, tác giả Trần Bình Nam.
7- Hồ Chí Minh – Người Việt hay Người Tàu, tác giả Phạm Đình Lân.
8- Ý kiến nhà báo Bùi Tín về cuốn “Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của Hồ Tuấn Hùng.
9- HCM – Nguyễn Ái Quốc- Nguyễn Sinh Cung, ba không thể là một, tác giả Nguyễn Gia Định.
10- Giọt Nước Trong Biển Cả, tác giả Hoàng Văn Hoan.
11- Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan, tác giả Phạm Quế Dương.
12- Ông nội và người cha của Hồ Chí Minh, tác giả Tường Lam Hồ Sĩ Sênh.
13- Có mấy Hồ ông? Tác giả Vũ Thế Phan.
14- Ai là tác giả những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc, tác giả Thụy Khuê.
15- Đảng CSVN phiên bản của tình báo TQ, tác giả Huỳnh Tâm.
16- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, đảng Cộng Sản Việt Nam.
17- HỒ CHÍ MINH, tác giả Nguyễn Thiên Thụ.
18- HỒ CHÍ MINH – Nhận Định Tổng Hợp, tác giả Minh Võ.
19- Nhận xét về cuốn Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, tác giả Nguyễn Duy Chính.
20- Nghi Án Thế Kỷ Về Hồ Chí Minh, tác giả Trần Gia Phụng.
21- Nhận định về Hồ Tập Chương trong tác phẩm “Sinh bình Khảo”, tác giả Nhóm Hành Khất.
22- Những phút cuối đời của Hồ ông: Ai bốc phét, ai nói láo? Tác giả Hàn Lệ Nhân.
23- Niềm tin của tôi bị lung lay, tác giả Bà Đầm Xòe.
24- Thêm những nghi vấn về Hồ Chí Minh, tác giả Xích Tử.
25- Truyền thông và cuộc chiến giải trừ gian dối, tác giả Bảo Giang.
26- Vừa đi đường vừa kể chuyện, tác giả T. Lan (Hồ Chí Minh).
Chú thích:
(1) http://tw.myblog.yahoo.com/hgfds198/article?mid=-2&prev=251&l=a&fid=10
(2) Nguyên văn: 胡集璋誕生於日據時代的台灣省苗栗郡銅鑼庄 (Hồ Tập Chương đản sinh ư Nhật cứ thời đại đích Đài Loan tỉnh, Miêu Lật quận, Đồng La trang)
(3) Nguyên văn trong “Hồ Chí Minh sinh bình khảo”: 同登舞台一顯一隱 “Đồng đăng vũ đài nhất hiển nhất ẩn”
(4) Học giả Hoàng Văn Chí là người đã từng hợp tác với Việt Minh từ năm 1949 đến 1953, năm 1954 di cư vào Nam, năm 1960 qua sống tại Pháp. Năm 1965 sang định cư tại Hoa Kỳ theo lời mời của bộ Ngoại Giao, mất tại Maryland 1988.
(5) Nguyên bản: “From Colonialism to Communism” bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Sách được dịch ra trên 15 ngôn ngữ. Đây là tài liệu đầu tiên do một người Việt viết bằng ngoại ngữ để phê phán chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Sau này ông dịch sách sang tiếng Việt, với tên “Từ Thực dân đến Cộng sản”, bút hiệu Mạc Định.
(6) Nguyên văn: 在場的七位代表中,除了阮愛國同志和我
(7) Theo http://vi.wikipedia.org/wiki – Đảng Cộng sản Việt Nam
(8) Bản dịch của dịch giả Thái văn ghi là trang 449, có lẽ ghi lại nhưng bị lầm. Bản tiếng Anh của Duiker là trang 499.
(9) http://cti.gov.vn/component/…ngay-y-bay-gi
http://www.xaydungdang.org.vn/…-bay-gio.aspx
http://danchinhdang.thuathienhue…9-20-1265
(10) Người viết tóm tắt lại theo như tác giả sách “Hồ Chí Minh sinh bình khảo”.
(11) Cũng gọi là Nguyễn Sinh Huy.
(12) Lý Lập Tam (Li Lisan李立三1899-1967) là một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn đầu, là người nắm thực quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian 1928-1930 (theo Wikipedia).
(13) Khang Sinh (Kang Sheng康生1898 – 1975) đã là người đứng đầu cơ quan an ninh và gián điệp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sau này đã bị truy tố cùng với Tứ nhân bang (theo Wikipedia).
(14) HTH: “Mùa xuân năm 1930, con trai trưởng Hồ Thự Quang ra đời nhưng không biết mặt cha. Tôi có hỏi về mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với gia đình qua những thông tin trên báo chí, Hồ Thự Quang vào năm 2005 đã 75 tuổi, bị trúng gió nhẹ, cặp mắt hơi lệch, nói câu được câu mất: “Lúc còn nhỏ, bác Ba (Hồ Tập Phỉ) từng nói với tôi: ‘Cha cháu làm nghề buôn bán ở Thượng Hải’. Khi tôi mười lăm, mười sáu, chú Út (Hồ Tập Dưỡng) lại bảo: ‘Cha cháu có khả năng là Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam”. Chú Thự Quang thở dài nặng nhọc, nói đứt quãng: “Mấy chục năm nay đã nghe nhiều tin đồn, chẳng biết có dụng ý gì. Chú muốn hỏi thân mẫu nhưng bà đã qua đời. Từ lúc phụ tử phân ly, mỗi người một phương, chưa từng gặp mặt, cũng chẳng để lại một dòng lưu bút nào. Được tôn xưng là ‘Cha già Việt Nam’, nhưng chú chắc rằng, trong lòng ông lúc nào cũng thương cảm mà thôi”. Nói rồi, ông đứng dậy, nghẹn ngào. Tôi vội vàng đỡ lấy, an ủi: “Thời tao loạn, tạo hóa trêu ngươi. Từ lúc chính phủ Quốc dân đảng tiến nhập Đài Loan, ông không thể về, chứ không phải không muốn về. Tiểu thúc công chẳng đã từng nói, trên hành trình bôn ba, Người lấy tên Hồ Quang làm bí danh, đó chẳng phải là tình cảm của Người với gia đình sao?”
(15) http://www.people.com.cn/…425915.html
(16) “胡志明的另一个中国爱人” ( Hồ Chí Minh đích lánh nhất cá Trung Quốc ái nhân)
(17) Báo TQ Kể Mối Tình HCM Với Lâm Y Lan; Lê Duẫn Tố Ông Hồ Phản Bội Lời Hứa Không Lấy Vợ, Làm Đảng CSVN Mất Hết Danh Tiếng (http://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-186721/)
(18) W. J. Duiker, note 54. “… Ho probably wanted a companion from Guangdong because he still cherished the memory of his first wife, Tang Tuyet Minh. Other sources provide no explanation as to why the role could not have been played by a Vietnamese. The Chinese government had gone to the trouble of locating three candidates before dropping the idea. On hearing about the project, Zhou Enlai had expressed the concern that it could arouse anti-Chinese feelings within the Vietnamese Party leadership in Hanoi”.
(19) Lư Sơn ở trong tỉnh Quảng Tây, khoảng 15 Km phía đông bắc của tỉnh Quế Lâm
(20) http://m.voatiengviet.com/a/1606014.html
(21) Không biết tác giả Hồ Tuấn Hùng lấy cái tên Trần Đạt Nhân từ tài liệu nào, theo như một số tài liệu thì tác giả sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” là T. Lan, cũng là bút danh của ông Hồ Chí Minh.
Nguồn: Dân Làm Báo – danlambaovn.blogspot.com
Đọc thêm:
Nguyễn Duy Chính, Nhận xét về cuốn Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo, 2008.
Phạm Quế Dương, Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc: Chủ tịch HCM là người VN hay Đài Loan, 2013
Thiên Ðức, Vụ án buôn vua Việt Nam Hồ Chí Minh, 2009
Vũ Thư Hiên, ‘Tác phẩm giả tưởng’ về Hồ Chí Minh, 2013
Vũ Quang Hiển, VN ‘thiếu tư liệu về Hồ Chí Minh’, 2013
Nhóm Hành Khất, Nhận định về Hồ Tập Chương trong tác phẩm “Sinh bình Khảo”, 2013
Tạ Nhất Linh, Bàn về Hồ Chí Minh – Hồ Tập Chương, 2013
Thiên Nam, Quả lừa lịch sử: HCM / CSVN-CSTQ cướp chính quyền VN, 2011
Trần Bình Nam, Một nghi án lịch sử Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: một hay hai người? 2013
Bùi Tín, Những luận điệu hoang tưởng, bịa đặt, 2009
Đặng Huy Văn, Tôi không tin Hồ Chí Minh, Hồ Tập Chương là một! 2013.