Những băn khoăn về vụ án Việt Á – Lưu Nhi Dũ


03/01/2024

” KHÔNG THẤY TRÙM CUỐI

Dư luận mong muốn qua vụ án này, để biết trùm cuối trong vụ Việt Á là ai? Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 6 lần tăng vốn điều lệ, nhưng tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động. Ông Phan Quốc Việt và 2 cổ đông còn lại vẫn nắm giữ khoảng 20 % cổ phần vốn, 80 % cổ phần còn lại (ước khoảng 800 tỉ đồng) do các cổ đông khác “bơm” vào.

Ai “bơm” vốn vào Việt Á với số vốn lớn như vậy, chiếm đến 80 % vốn điều lệ là rất lớn. Tìm ra được chủ nhân của các cổ đông lớn này, mới tìm thấy “trùm cuối”. Còn nay “trùm cuối” biến mất!”.

Tôi có nhiều bài viết về Việt Á sau khi Phan Quốc Việt bị bắt, đặt nhiều câu hỏi về chất lượng kit test Việt Á, năng lực sản xuất, vốn, “trùm cuối” là ai… Nhưng đọc hai kết luận điều tra hai vụ án Phan Quốc Việt ra tòa, thấy nhiều câu hỏi chưa thể trả lời được. Ghi lại đây như tài liệu để mọi người tham khảo. 

Hôm nay (03-01) Phan Quốc Việt (Việt Á) lại ra tòa cùng với ba cựu ủy viên Trung ương Đảng. Nổi bật hẳn lên là cựu thượng thơ Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long – người hùng chống dịch Covid-19, tội nhận hối lộ 2,25 triệu USD từ Việt Á. Số tiền hối lộ này đủ để Thanh Long nhận án tử nhưng có lẽ chỉ chung thân. 

Nguyễn Bắc Son từng nhận hối lộ 3 triệu USD, cũng chỉ chung thân. Nhưng tội của Long nặng hơn, khi vừa hô hào chống dịch, vừa đưa tay nhận tiền khủng trong khi dân chết vì Covid la liệt. Vừa ác vừa bẩn vừa dối trá, tàn nhẫn.

MÀN SƯƠNG BAO PHỦ VIỆT Á

Đọc kỹ kết luận điều tra vụ án Phan Quốc Việt và Học viện Quân y, thấy vợ của Phan Quốc Việt bà Hồ Thị Thanh Thủy (Phó tổng giám đốc Việt Á) dựa trên các tài liệu y học công bố trên internet, đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất kit test. Sản phẩm này đạt yêu cầu và thay thế cho sản phẩm đang nghiên cứu của Học viện Quân y đang nghiên cứu.

Nhiều người đặt câu hỏi thực tế Việt Á có sản xuất được kit test? Cơ quan điều tra đã tổ chức thực nghiệm việc sản xuất test xét nghiệm Covid-19 của Việt Á và kết luận Việt Á sản xuất được.

Test Việt Á, thực chất là các thành phần đều nhập khẩu tất. Tối 20-01-2022, Tổng cục Hải quan cho biết: Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Á trong 5 năm 2017 đến tháng 12-2021 là 286 tỉ đồng, trong đó gồm bộ thành phẩm que thử thành phẩm test nhanh Covid-19, các loại sinh phẩm chế tạo bộ kit.

Trong chương trình “Chuyển động 24h” của VTV1 phát lúc 18 giờ 30 ngày 19-12-2021, người xem bàng hoàng khi thấy “xưởng sản xuất” bé tẹo của Công ty Việt Á, với lèo tèo vài lao động phổ thông làm nhiện vụ “pha chế” để sản xuất các bộ kit! 

Tôi cam đoan các nhà khoa học lúc đó biết hết nhưng vì sao họ im lặng là chuyện khác. Kể cả Trung tướng Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân Y cũng tung chưởng ca ngợi test Việt Á: “Việt Nam đã được gửi tới Vigology, một tạp chí quốc tế uy tín về virus học’’, và khẳng định: “Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO, tổ chức này lập tức liên hệ với Học viện Quân y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác”. Nói dóc đến vậy, nhưng hình như Đỗ Quyết “thoát” trong vụ này?

Phan Quốc Việt từng trả lời báo chí rằng Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á. Thông tin này cũng nói dóc.  Còn thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn bộ kit này cũng là “tin giả”, bởi vì vào tháng 10-2020, WHO có thông báo nói rõ ràng rằng kit Việt Á không được chấp thuận (“Not Accepted”), bị loại ngay từ “vòng gửi xe”! 

Vậy mà ngày 26-4-2020, website của Bộ Khoa học Công nghệ lại thông báo: “WHO đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”! Và khẳng định: “Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được WHO chấp thuận’’.

Cũng trong bài viết này: “Sau khi được Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu… Các tổ chức như WB (World Bank – PV), quỹ CHAI (Quỹ y tế toàn cầu Clinton – PV) dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới”.

Toàn bộ những thông tin đó đều sai sự thật và đã bị rút khỏi trang web trên!

Đây là lúc tôi có loạt bài về test Việt Á, nên cùng bạn bè, đồng nghiệp truy rất dữ các thông tin liên quan. 

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Đại học New South Wales – Úc) cho rằng ở phương Tây có câu “reinvent the wheel” (tái sáng chế cái bánh xe), hàm ý nói mất thì giờ, tiền bạc và công sức để làm ra cái mà người khác đã sáng chế và đã hoàn thiện. Các tập đoàn dược trên thế giới và ngay cả Trung Quốc họ đã hoàn thiện các phương pháp xét nghiệm Covid. Vậy Học viện Quân y nghiên cứu cái đã nghiên cứu để làm gì? 

KIT TEST VIỆT Á LÀ SẢN PHẨM DỎM

Mới đây PGS.TS Cao Thị Bảo Vân – một chuyên gia về sinh học phân tử, người đã giải mã bộ gien virus cúm gà A/H5N1 lưu hành ở Việt Nam trên mẫu bệnh phẩm người và gia cầm năm 2004-2005, viết trên Facebook, cho rằng “muốn làm ra phương pháp xét nghiệm mới thì tiên quyết phải giải mã toàn bộ gien của con virus gây bệnh” – còn vợ Phan Quốc Việt làm sao đủ trình độ làm chuyện đó, chỉ pha trộn, chế chế mà ra sản phẩm mù. 

PGS-TS Vân viết tiếp: “Kit chẩn đoán gen virus gây Covid19 (không phải test nhanh) cũng theo nguyên tắc phương pháp Realtime PCR nói chung, thực ra là trộn mấy thành phần chủ chốt cần thiết và bộ mồi dựa trên gen của virus gây bệnh thôi. Cái gì cũng mua mà các cụ.

Nhiều người thắc mắc: Nói quy trình có sẵn miễn phí, vậy chả lẽ các hãng nước ngoài họ ko làm được để bán? Thế này các cụ ạ. Từ quy trình in house tới cấp phép cho bộ kit thương mai, quy định của quốc tế vô cùng ngặt nghèo. Quá trình kiểm định phải thực hiện trên số lượng mẫu lớn, rồi phải xin được chứng chỉ IVD mới được sử dụng trên người bệnh được. Kit nước ngoài chưa có chứng nhận IVD thì một là Việt Nam không cho nhập, mà nếu may lọt được thì cũng không đấu thầu được. Mà dù có trúng số độc đắc mà đấu thầu được thì lại không có tên trong công văn khuyến cáo của Bộ Y tế, dù giá rẻ hơn nhiều”. 

Việc kiểm định kit 3 ngày nói đạt thì không hiểu thế nào. Kiểm định làm trên bao nhiêu mẫu bệnh phẩm của Việt Nam, độ nhạy độ đặc hiệu ra sao, v.v… ti tỉ tiêu chuẩn đánh giá một bộ sinh phẩm áp dụng cho người bệnh, không phải nói “đạt” là xong”.

Yếu tố này giống như hàng giả, hàng chưa đạt chất lượng, không thấy đề cập trong kết luận điều tra. Chỉ thấy cơ quan điều tra trưng cầu giám định thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả… và kết luận giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành. 

Vậy đó, có nghĩa là kit test của Việt Á không đạt chuẩn, chưa có chứng chỉ IVD (không được phép lưu hành). Nhưng từ năm 2020 – 2021, Việt Á sản xuất tổng cộng hơn 8,7 triệu kit test; đã bán cho các đơn vị, cơ sở y tế hơn 8,3 triệu kit test, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng; trong khi giá thành sản xuất chỉ có 143.000 đồng.

Tội bán hàng kém chất lượng không thấy thể hiện! 

KHÔNG CÓ CÔNG NGHỆ CAO NÀO CẢ

Cũng theo PGS.TS Cao Thị Bảo Vân, Việt Á tưởng bở, ngon ăn, từng nộp đơn xin vào khu Công nghệ cao TPHCM, xin đất và đầu tư khủng để sản xuất test kit. Tình cờ PGS.TS Vân lại là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt vụ đó. PGS Vân nhớ lại: “Hai vị phản biện và các thành viên hỏi đại diện Việt Á “Công nghệ đâu”? Không có công nghệ gì cả ngoài trộn mấy thành phần đó. Tiêu chuẩn tiên quyết được duyệt vào khu Công nghệ cao là phải có công nghệ mới đột phá. Nên Hội đồng nhất trí: Không đạt! Sau đó ít lâu, Việt Á quyết tâm nộp lại hồ sơ lần 2. Lần này hồ sơ cũng dày cả thước, nhưng vẫn bị không đạt các cụ ạ. Mấy tháng sau thì nghe tin Việt Á bị bắt”.

Ngày 03/60/2021, Tập đoàn Vingroup thành lập công ty cổ phần Công nghệ sinh học Vinbiocare (Vinbiocare) với quy mô vốn điều lệ 200 tỉ đồng.

Vinbiocare đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Cụ thể là sản xuất vắc xin, huyết thanh và các thành phần của máu, các loại thuốc khác, bao gồm chất vi lượng, thuốc chẩn đoán, sản xuất hóa dược.

Vingroup nắm chi phối tại Vinbiocare với tỉ lệ sở hữu 69 % vốn điều lệ, trong đó Phan Quốc Việt sở hữu 30 % vốn điều lệ. Sở dĩ Vingroup nhắm đến Phan Quốc Việt cõ lẽ nhờ “hư danh” Việt năm công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử. NHưng Vingroup cũng ngay lập tức nhận ra một Việt Á dỏm, chẳng có công nghệ nào cả và tháng 8/2021 Việt Á rút vốn khỏi Vinbiocare. 17/12/2021 Phan Quốc Việt bị khởi tố. 

KHÔNG THẤY TRÙM CUỐI

Dư luận mong muốn qua vụ án này, để biết trùm cuối trong vụ Việt Á là ai? Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 6 lần tăng vốn điều lệ, nhưng tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động. Ông Phan Quốc Việt và 2 cổ đông còn lại vẫn nắm giữ khoảng 20 % cổ phần vốn, 80 % cổ phần còn lại (ước khoảng 800 tỉ đồng) do các cổ đông khác “bơm” vào.

Ai “bơm” vốn vào Việt Á với số vốn lớn như vậy, chiếm đến 80 % vốn điều lệ là rất lớn. Tìm ra được chủ nhân của các cổ đông lớn này, mới tìm thấy “trùm cuối”. Còn nay “trùm cuối” biến mất!

LƯU NHI DŨ 03.01.2024


Comments are closed.