Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 không như kỳ vọng – Hệ lụy của ‘đốt lò’


27.05.2024 3:39

VNTB – Hệ lụy của ‘đốt lò’

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 không như kỳ vọng

Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội hôm 25-5-2024 cho thấy, sau 2 năm triển khai, các chính sách tại Nghị quyết 43 từng được kỳ vọng là giúp thực hiện “mục tiêu kép”, hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch,… tất cả đến nay vẫn là ‘chiếc bánh vẽ’ quá lớn; và được giải thích một cách hoa mỹ là “quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế khiến kết quả không thể đạt như kỳ vọng, phần lớn xoay quanh chữ ‘chậm’ từ chính sách liên quan cho đến cán bộ thi hành”.

Đó là vấn đề muôn thuở của thể chế.

Công tâm mà nói thì cũng khó trách về khả năng quản trị quốc gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính hay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; bởi trong bối cảnh đời sống chính trị khi mà vào tháng 5 năm ngoái, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với 21 cá nhân là Ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban Bí thư. Theo đó, kết quả đợt bỏ phiếu tín nhiệm ấy thì bà Trương Thị Mai là người xếp thứ hai sau ông Nguyễn Phú Trọng về số phiếu “tín nhiệm cao” (95,68%), xếp thứ tư (sau ông Phan Văn Giang) là ông Võ Văn Thưởng (94,05%), ông Vương Đình Huệ xếp thứ năm (92,97%) – đồng hạng với ông Phạm Minh Chính.

Gần một năm sau, tháng 3-2024, ông Võ Văn Thưởng được cho là chủ động ‘từ nhiệm’, đến cuối tháng 4-2024, là việc ‘từ nhiệm’ của ông Vương Đình Huệ, và tiếp theo là bà Trương Thị Mai.

Có người đã bông đùa rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ này mà thông báo tụ tập bất thường bao nhiêu lần, thì Quốc hội hội họp bất thường bấy nhiêu lần bởi những cá nhân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa đương nhiệm bị ‘đồng đảng’ xử lý, cũng là những cá nhân từng được Đảng sắp xếp để đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”.

Với thực tế trong 21 thành viên mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 phải loại bỏ có tới sáu Ủy viên Bộ Chính trị (Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Trần Tuấn Anh cùng vào tháng 1-2023, ba người còn lại là Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai) thì thử hỏi làm sao mà đời sống kinh tế chung có thể yên ổn cho tập trung công việc kiến thiết sau hậu dịch giã Covid?

Ở đây có một mâu thuẫn: Mấy ông, mấy bà cán bộ lãnh đạo nhà nước là “tầng lớp tinh hoa”, là nhân sự của Đảng. Quý ông bà này được Đảng cất nhắc đưa lên vị trí quyền lực mà không phải từ lá phiếu bầu chọn của cử tri nhân dân. Cái “chính danh” của quý ông, quý bà đó là được “Đảng giao phó trách nhiệm”. Việc của “tầng lớp tinh hoa” là “làm tròn trách nhiệm Đảng giao”, chớ không phải đổ thừa hoàn cảnh.

Vậy nên trên nguyên tắc về người “đứng mũi chịu sào”, người chịu “trách nhiệm” về nhân sự cấp dưới trong nội các là Thủ tướng Phạm Minh Chính; và cao hơn của việc “giao phó trách nhiệm”, là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Con số thống kê công bố hai năm về trước cho biết tính đến ngày 5-12-2022, cả nước có 51.827 tổ chức cơ sở Đảng, tăng 46 tổ chức so với năm 2021; kết nạp 120.307 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên cả nước lên 5.248.607 đảng viên. Với con số đảng viên tính theo đơn vị hàng triệu này thì liệu có bao nhiêu đảng viên không “làm tròn trách nhiệm Đảng giao”?

Có ý kiến là Đảng Cộng sản Việt Nam hãy nhìn rộng ra như nhìn vào đất nước Singapore chẳng hạn, một trường hợp điển hình khi có hơn 30% người tài không phải quốc tịch Singapore, chứ đừng nói chi ràng buộc theo một đảng phái chính trị nào đó.

Hoặc là Luxembourg, với dân số tương đương dân số tỉnh Quảng Trị, một đất nước rất bé nhưng thu nhập bình quân đầu người hơn 100 ngàn USD. Rất nhiều người đến làm việc không phải là người Luxembourg, thậm chí hơn 50% chuyên gia cao cấp không phải là người Luxembourg…

Trong khi đó thì Việt Nam chẳng những trái ngược, mà còn cứ phải bận tâm đấu đá quyền lực ngay trong chính nội bộ độc đảng cầm quyền. 

Với đời sống kinh tế thì yếu tố đầu tiên là sự ổn định chính trị xã hội trong nước. Bất kỳ một quốc gia nào trong giai đoạn phát triển hiện nay đều cần một môi trường vĩ mô ổn định, một nền tảng xã hội vững chắc, và đảm bảo làm sao mà mỗi con người đều có thể tiếp cận cơ hội, nguồn lực, phát triển bản thân, dễ dàng tham gia vào những câu chuyện chung của xã hội.

Ở Việt Nam thì các giềng mối trên đều lung lay vì đe dọa ‘xóa bàn’ để ‘gầy lại’ (?!).


Comments are closed.