Sau 40 năm sống dưới chế độ cộng sản, Tiệp Khắc đã sửa sai. Còn Việt Nam? – Thanh Ngọc –


Nếu kiên trì tranh đấu, người Việt Nam cũng có thể có một tương lai khác.

24/5/2021

Một người biểu tình phất cờ Cộng hòa Czech trong cuộc biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Prague ngày 16/11/2019, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Cách mạng Nhung. Ảnh: EPA-EFE/Martin Divisek.

Một ngày tháng 10/2017, Jan và tôi đi dạo trên Quảng trường Wenceslas, thành phố Prague (người Việt Nam thường gọi là Praha), nơi người dân biểu tình kết liễu chế độ độc tài cộng sản tại Tiệp Khắc vào năm 1989. Jan không ngừng nói về những thứ tồi tệ dưới chế độ cộng sản. Anh nói như một nhân chứng của quá khứ, dù Jan sinh ra ở thời kỳ đầu của nền dân chủ.

Prague năm 2017 mới bước vào thời kỳ dân chủ được chừng 28 năm, chỉ bằng hơn một nửa thời gian đất nước này chìm trong chế độ cộng sản. Đâu đó trong những cửa hàng, trên những con đường, bạn có thể cảm thấy hơi thở cộng sản vẫn chưa tắt hẳn ở nơi này.

Chúng tôi đến trước bức tượng người phụ nữ khỏa thân đứng trong tư thế la hét ai đó. Bức tượng này sẽ không bao giờ tìm thấy chỗ đứng dưới chế độ cộng sản vì sẽ bị cho là bệnh hoạn.

Jan đọc từ điện thoại cho tôi nghe về kết quả bầu cử nghị viện mới. ANO 2011, đảng dân túy của tỷ phú Andrej Babiš đã giành chiến thắng (“Ano” trong tiếng Czech nghĩa là “yes”). Jan thất vọng nói: “Sớm thôi, ở quảng trường chúng ta đang đi đây sẽ đầy người biểu tình để phản đối nhà tài phiệt Babiš làm thủ tướng”.

Tôi nói với Jan, ít ra ở Czech cơ hội tham gia chính trị còn mở ra cho nhiều người. Ở Việt Nam, chỉ có người cộng sản mới có thể tham gia chính trị, hơn 90 triệu người Việt phải đứng nhìn một nhóm nhỏ quyết định số phận của họ.

Jan gật đầu và chúng tôi bước tiếp về phía viện bảo tàng.

***

Ở đầu quảng trường này, phía sau tượng thánh Wenceslas và phía trước tòa nhà bảo tàng, có một nơi mấp mô trên vỉa hè, trông xa giống như một ngôi mộ. Vào ngày 16/1/1969, ở nơi mấp mô đó, một sinh viên tên Jan Palach đổ xăng tự thiêu. Ba ngày sau, anh chết trong bệnh viện. Lúc đó, khối Warszawa đứng đầu là Liên Xô đưa quân vào kiểm soát Tiệp Khắc. Jan Palach đã tự thiêu để phản đối cuộc xâm chiếm, “làm người dân thức tỉnh” trước nền chính trị bị ngoại quốc giật dây.[1]

Nơi tưởng niệm Jan Palach tại Prague, thủ đô của Cộng hòa Czech. Ảnh: Pbase.com.

Dân chủ có thể đến bất ngờ

Ngọn lửa của Jan Palach không tạo được tác động gì vào lúc đó. Thế lực của Liên Xô đã củng cố quyền lực gần như tuyệt đối cho chính quyền cộng sản Tiệp Khắc. Mùa xuân Prague, kế hoạch của thủ tướng thuộc nhóm cấp tiến Alexander Dubček với những hứa hẹn cải cách nhân quyền mới chớm nở đã phải lụi tàn. Liên Xô đã thay một vị thủ tướng khác mà họ tin tưởng hơn.

Người Tiệp Khắc tiếp tục sống. Họ không biết khi nào chế độ cộng sản do chính họ bầu chọn mới thực sự kết thúc. Sự lựa chọn đó của người Tiệp Khắc đã phải trả giá bằng chính đời sống của họ.

Đầu những năm 1970, The Plastic People of the Universe làm điên đảo giới trẻ Tiệp Khắc bằng thứ âm nhạc mê hoặc và phong cách trình diễn ấn tượng. Ban nhạc này được thành lập một tháng sau khi khối Warszawa xâm chiếm Tiệp Khắc. Những ca từ phóng khoáng và tinh thần độc lập của ban nhạc khiến chính quyền ngày càng khó chịu.[2]

The Plastic People of Universe năm 1974. Ảnh: Stray Satellite.

Không lâu sau, The Plastic People of the Universe mất tư cách biểu diễn chuyên nghiệp, mất nhạc cụ (vốn khi đó thuộc sở hữu nhà nước) và nơi diễn tập. Việc này nằm trong chương trình chấn chỉnh các hành vi đạo đức và xã hội của chính quyền.

Đến năm 1972, ban nhạc bị cấm biểu diễn công khai. Chính quyền cho rằng âm nhạc của họ là “bệnh hoạn” và “tác động tiêu cực đến xã hội”. Ban nhạc chuyển sang biểu diễn chui ở ngoại ô. Khán giả chỉ biết chính xác địa điểm trước một ngày, hoặc phải đợi cho đến ngày biểu diễn. Người hâm mộ sẽ lần mò trong mưa gió, tuyết rơi để tìm đến các trang trại hay nhà kho bị bỏ hoang được chọn làm địa điểm biểu diễn.

Vào tháng 3/1974, hơn một nghìn khán giả tìm đường đến nghe The Plastic People of the Universe biểu diễn. Họ chẳng thấy ban nhạc ở đâu, thay vào đó là cảnh sát. Cảnh sát đánh đập khán giả ở một đường hầm và đưa một lên tàu chở về Prague. Sáu sinh viên bị bắt giữ, nhiều sinh viên khác bị đuổi học.

Tháng 3/1976, cảnh sát Tiệp Khắc quyết định tiêu diệt bằng được ban nhạc sau một cuộc biểu diễn chui. Cảnh sát mật đã thẩm vấn hơn 100 người hâm mộ, xét nhà, tịch thu nhạc cụ, bắt giữ 27 nhạc sĩ.

“The Second Festival of the Second Culture”, sự kiện âm nhạc do The Plastic People of the Universe (đứng ngoài cùng bên phải) tổ chức tại Bojanovice ngày 21/2/1976. Chỉ trong một tháng sau đó, 27 nghệ sĩ có mặt trong bức ảnh này đã bị bắt. Ảnh: Ondrej Nemec/ martinfryc.eu.

Dưới áp lực của quốc tế, hầu hết các nhạc sĩ sau đó đã được thả. Tuy nhiên, chính quyền kiên quyết đưa bốn người ra xét xử tội gây rối, trong đó có hai thành viên của The Plastic People of the Universe, một nhạc sĩ và một ca sĩ khác.

Các kiểm sát viên đã chỉ trích từ ngữ thô tục trong các bài hát của họ và cho rằng chúng làm băng hoại giới trẻ Tiệp Khắc. Những người bị bắt đã trả lời rằng họ quyết bảo vệ quyền sáng tác và hát những ca khúc mà họ muốn. Bốn người đã bị tuyên án từ 8 tháng đến 18 tháng tù giam.[3]

Phiên tòa bị giới nghệ sĩ, kịch gia, văn sĩ chỉ trích kịch liệt, trong đó có Vaclav Havel, người sau này trở thành tổng thống đầu tiên của nền dân chủ Tiệp Khắc.

Nỗi tức giận về phiên tòa đã khiến hơn 200 người thuộc giới trí thức Tiệp Khắc thành lập một tổ chức nhân quyền không chính thức và phát hành một kiến nghị chỉ trích những hành vi đàn áp nhân quyền vào tháng 1/1977, được gọi tắt là Hiến chương 77. Bản hiến chương gây được tiếng vang lớn, được nhiều tờ báo lớn như Le Monde, The New York Times phổ biến.[4]

Tuy nhiên, giống như vụ tự thiêu của Jan Palach, nền chính trị độc tài ở Tiệp Khắc vẫn không có gì thay đổi. Thay vào đó, Vaclav Havel và một số nhà bất đồng chính kiến phải ngồi tù.

Phải mất thêm 12 năm nữa, người Tiệp Khắc mới làm nên số phận của mình. Tháng 11/1989, hàng trăm nghìn người biểu tình ở Quảng trường Wenceslas trong cuộc Cách mạng Nhung (Velvet Revolution). Cuộc biểu tình lịch sử đó được châm ngòi vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày sinh viên Jan Palach tự thiêu.[5]

Cuộc Cách mạng Nhung năm 1989. Minh họa: Czechleaders.com.

Đó chỉ là một trong số vô vàn sự kiện đấu tranh với chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc. Dường như thành công hay thất bại đều không phải là mục tiêu quan trọng đối với họ. Điều quan trọng là họ kiên trì tranh đấu.

Ngay sau khi Cách mạng Nhung thành công, Điều 4 trong Hiến pháp Tiệp Khắc, vốn khẳng định vai trò lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản, đã bị xóa bỏ. Một cuộc bầu cử tự do được tiến hành. Tiệp Khắc thoát khỏi bóng tối cộng sản và tiến đến nền dân chủ.[6]

Kiên trì tranh đấu ở Việt Nam

Vào đêm ngày 15/8/2018, một đêm nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị công an giải tán bằng dùi cui, mũ bảo hiểm, hung khí tự chế. Đó là đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín, nơi anh hát những bài hát trước năm 1975.

Ca sĩ Nguyễn Tín và người tổ chức đêm nhạc Nguyễn Đại nói với RFA là họ bị công an bịt mắt đưa về đồn tra tấn. Sau đó, cả hai người bị đạp ra khỏi xe giữa đường.[7]

Nhà báo Phạm Đoan Trang cũng tham gia đêm nhạc và kết thúc bằng việc bất tỉnh trong bệnh viện. Cô kể, có sáu công an mặc thường phục đánh đập cô bằng nón bảo hiểm, hung khí tự chế.[8]

Đoan Trang nhập viện sau đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín. Ảnh: Phạm Đoan Trang.

Đầu tháng 5/2021, hai mẹ con nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị tòa tuyên án 8 năm tù giam và 3 năm quản chế cho mỗi người. Họ bị buộc tội đã đăng những đoạn phim bị cho là sai sự thật về tranh chấp đất đai lên mạng xã hội.[9]

Thay vì giải quyết thấu đáo những tranh chấp đất đai, chính quyền chọn cách bỏ tù những người cất tiếng nói phản đối. Thay vì thực thi quyền tự do biểu đạt, xuất bản, hiệp hội như đã cam kết, chính quyền lại chọn cách bỏ tù những người dám thực hành những quyền ấy.

Những hành động bất nhất đó có thể mang lại lợi ích ngắn hạn cho chính quyền, nhưng không dập tắt được sự phẫn nộ nén sâu trong lòng người dân.

Những bản án tù của các nhà hoạt động Việt Nam không phải là vô ích. Chúng có thể ngăn họ trực tiếp tranh đấu cho nhân quyền, nhưng đổi lại, hoạt động tranh đấu của họ đi xa hơn đến đông đảo quần chúng. Trần Huỳnh Duy Thức, Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhà báo Phạm Đoan Trang, và rất nhiều nhà hoạt động đã gặp nạn khác luôn là những ngọn lửa soi sáng cho những người đi tìm sự bình đẳng, nhân quyền cho Việt Nam.

Cuộc biểu tình khổng lồ kết liễu chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc có lẽ đã không xảy ra nếu cuộc cải cách Mùa xuân Prague của Thủ tướng Dubček được thực hiện. Việt Nam đã bỏ qua bài học này.

https://www.luatkhoa.org/2021/05/sau-40-nam-song-duoi-che-do-cong-san-tiep-khac-da-sua-sai-con-viet-nam/

Tags: ,

Comments are closed.