Posts Tagged ‘trò hề bầu cử’


Thư phản đối bầu cử giả hiệu của LM Nguyễn Hữu Giải ngày 23/5/2021 tại Việt Nam

Monday, May 24th, 2021

Bầu cử Việt Nam: ‘Thiếu tự do và không công bằng’ (RFA)

Thursday, May 20th, 2021

Bầu cử Việt Nam: 'Thiếu tự do và không công bằng’

Hình minh hoạ. Một tấm biển cổ động cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân ở Hà Nội năm 2016 AFP

Việt Nam chuẩn bị bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vào ngày 23/5 tới. Trong thời gian này, các cơ quan truyền thông nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phản bác điều mà họ gọi là ‘luận điệu xuyên tạc’ về bầu cử trên không gian mạng. Tuy nhiên, đặc điểm chung của các lập luận này đều cỗ võ cho một cuộc bầu cử phi dân chủ.

Các biểu hiện của bầu cử phi dân chủ

Bầu cử ở Việt Nam là phi dân chủ được thể hiện rõ qua việc đảng đương quyền không chấp nhận cho lực lượng bất đồng chính trị được chen chân vào các cơ quan dân cử. Các hoạt động ứng cử của đối lập chính trị thì bị quy kết là lợi dụng việc ứng cử để chống phá nhà nước.

Biện minh cho điều này, các nhà lý luận của Đảng viện dẫn đến điều 4 Hiến Pháp quy định “Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” để đảm bảo các thành viên của Đảng chiếm đa số ghế áp đảo trong các cơ quan dân cử.

Điều này thể hiện cho một tư duy và cách hành xử độc đoán, tự trao cho mình một đặc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội mà không cần thông qua ý chí của người dân.

Thứ hai, Đảng cầm quyền gia tăng kiểm soát các phương tiện truyền thông trước và sau các cuộc bầu cử, bằng cách xử lý hành chính lẫn hình sự đối với các cá nhân hay tổ chức loan tải các thông tin tiêu cực về bầu cử. Việc kiểm soát các phương tiện truyền thông trong bầu cử còn dẫn đến việc cử tri có thể tiếp cận những thông tin không đáng tin cậy hoặc thiên vị về các ứng viên được đảng cầm quyền hậu thuẫn.

Thứ ba, các Ủy ban bầu cử không độc lập. Cụ thể như Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức bầu cử tại địa phương, mà Chủ tịch của Ủy ban này lại do Bí thư Tỉnh ủy đảm trách –  trong khi Bí thư Tỉnh ủy cũng là một ứng viên tranh cử và được cơ cấu sẽ là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh đó.

baoqdndelection2021.jpeg
Ảnh chụp màn hình bài báo trên trang Quân Đội Nhân Dân về cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân năm 2021.

Bầu cử là nền tảng của thể chế dân chủ. Tuy nhiên, không phải có bầu cử là có dân chủ. Bầu cử vẫn diễn ra định kỳ ở những quốc gia độc tài, nhưng chỉ nhằm phô trương hình thức. Tại Việt Nam, số lượng người đi bầu luôn vượt ngưỡng 90%, mà thiếu hẳn tính thực chất là cử tri không nắm rõ về các ứng viên được bầu, tức là bầu cho có, thậm chí là đi bầu thay. Các ứng viên tiếp xúc vận động cử tri diễn ra cũng rất hình thức và hạn chế, do chính quyền tổ chức, với một số lượng nhỏ công dân do chính quyền chọn lọc và chỉ định tham dự.

Thế nào là bầu cử tự do và công bằng?

Để các cuộc bầu cử thể hiện ý nguyện của cử tri, chúng phải ‘tự do và công bằng’. Nhằm làm rõ hơn giữa cuộc bầu cử thực chất hay bầu cử giả hiệu, vào năm 1994 Liên minh Nghị viện Thế giới đã thông qua Tuyên ngôn về tiêu chí bầu cử tự do và công bằng.

‘Bầu cử tự do’ có nghĩa là tất cả mọi người có quyền bầu cử đều có quyền đăng ký và bỏ phiếu theo tự do lựa chọn của họ. Một cuộc bầu cử được coi là ‘tự do’ khi mọi người có thể quyết định có bỏ phiếu hay không, và tự do bỏ phiếu cho ứng cử viên hoặc đảng khác mà không sợ hãi hoặc đe dọa.

‘Bầu cử công bằng’ có nghĩa là tất cả các đảng phái chính trị đã đăng ký đều có quyền bình đẳng trong việc tranh cử, vận động cử tri ủng hộ và tổ chức các cuộc họp hay mít tinh. Điều này mang lại cho họ một cơ hội công bằng để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình.

Đối chiếu vào tiêu chí này, bầu cử Việt Nam rõ ràng là thiếu tự do và không công bằng. Cử tri chỉ được tự do bầu trong khuôn khổ các ứng viên mà Đảng đã phê duyệt. Bầu cử trong tình trạng này được mô tả bằng thuật ngữ “bầu cho ai cũng vậy” vì nó chỉ là sự hợp thức hóa các lựa chọn nhân sự trước đó của giới cầm quyền.

Sự thiếu tự do còn thể hiện qua việc nhà cầm quyền xem việc đi bầu không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Công dân có trách nhiệm đi bầu trong một môi trường bầu cử không có tính cạnh tranh chính trị, thành ra phiếu bầu của công dân như là một sự thành tâm chiều theo ‘ý đảng’, nếu không muốn bị liệt vào dạng ‘thành phần có vấn đề về chính trị’.

Sự không công bằng trong bầu cử được thể hiện qua việc các tổ chức, đảng phái nằm ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam đều bị đặt ngoài vòng pháp luật. Sân chơi trong bầu cử chỉ là đặc quyền dành cho các thành viên của Đảng và một số ít người ngoài Đảng do chính Đảng phê duyệt.

Vì vậy có thể nói rằng, việc bầu cử ở Việt Nam vẫn diễn ra định kỳ nhưng không thể hiện Việt Nam là một quốc gia dân chủ được đảm bảo bởi quá trình bầu cử tự do và công bằng. Công dân bị giới hạn trong quá trình tham gia ứng cử và tiếp cận thông tin, đảng phái đối lập bị ngăn cấm tranh cử, và Ủy ban bầu cử bị chi phối hoàn toàn bởi đảng cầm quyền. Đây chỉ là một cuộc bầu cử giả hiệu nhằm phô trương dân chủ hình thức vì nó là cuộc bầu cử thiếu tự do và không công bằng.