Tại sao TBT Trọng lại đưa ông Thưởng vào Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương? Trần Đông A 


05/7/2023  – Trần Đông A 

Hình minh hoạ.

Hình minh hoạ. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là một trong bốn lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSVN, sau Tổng bí thư (Theo quy ước). Một chức năng của ông Thưởng là thống lĩnh lực lượng vũ trang. Vậy cớ sao Bộ Chính trị lại chỉ định ông tham gia vào Ban Thường vụ?

Thống lĩnh các lực lượng vũ trang

Sáng 3/7/2023, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ 6 (QUTW6), nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tại Hội nghị QUTW6 này, TBT Nguyễn Phú Trọng, Bí thư QUTW đã chúc mừng Chủ tịch nước (CTN) Võ Văn Thưởng được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Thường vụ QUTW. Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo mọi mặt trong Quân đội nhân dân Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của đảng đối với với Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo kế hoạch hội nghị, trong thời gian một ngày, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội 6 tháng đầu năm. Đồng thời Hội nghị cũng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 và thảo luận, thông qua một số nội dung quan trọng khác.

Theo Hiến định, CTN Võ Văn Thưởng là người thống lĩnh lực các lượng vũ trang nhân dân. Có nghĩa là mọi vấn đề quan trọng, Ban Thường vụ QUTW đều phải báo cáo CTN.

Nhưng quy định nói trên, trong nhiều trường hợp nó chỉ tồn tại về danh nghĩa. Tuy CTN là thống lĩnh lực các lượng vũ trang nhân dân, nhưng ngay từ đầu, Đảng và Nhà nước từng nhận thấy, cần phải ban hành, sửa đổi pháp luật, kiện toàn lại một số tổ chức và bổ sung thêm những nhiệm vụ, chức danh cần thiết… mới bảo đảm được việc thực thi nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến chức năng thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của CTN. Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định, Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Trước đấy, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định: “Chủ tịch nước quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân”. Trên thực tế đã có một số vướng mắc trong việc thực thi “quyền thống lĩnh” này. Từ năm 2016, CTN Trương Tấn Sang đã từng nêu vấn đề này trước Quốc hội

Hồi bấy giờ, ông Trương Tấn Sang đã phàn nàn rằng, một số nhiệm vụ của CTN tuy đã được hiến định nhưng thiếu cơ chế thực thi, trong đó có việc thực hiện “quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong Báo cáo trước Quốc hội, ông Sang cho hay, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, trước tình hình thế giới và Biển Đông phức tạp, ông đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tại các cuộc họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương. Tuy nhiên, ông Sang cho rằng, “hoạt động của Hội đồng quốc phòng và an ninh và việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân có nhiều vướng mắc”. Một trong những vướng mắc ấy là “chưa có quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc phòng an ninh và bộ phận giúp việc cho hội đồng. Nhiệm vụ và quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân được quy định trong hiến pháp nhưng chưa được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành”. 

Cái lõi là tương quan quyền lực

Qua bao đời CTN, “các vướng mắc” nói trên vẫn tồn tại cho đến ngày nay, tuy giữa chừng có một vài điều chỉnh. Cụ thể, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam quy định: “Chủ tịch nước phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng; Thủ tướng Chính phủ phong, thăng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng”. Tương tự, Luật Công an nhân dân năm 2005 cũng quy định: “Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm Thượng tướng, Đại tướng. Thủ tướng Chính phủ phong, thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng, Trung tướng”. Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Theo đó, Chủ tịch nước “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân” (khoản 5, Điều 88). Với quy định này, thẩm quyền phong, thăng cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng trong quân đội và công an trước đây thuộc về Thủ tướng Chính phủ thì từ nay thuộc về Chủ tịch nước. Tuy nhiên, các điều chỉnh này vẫn chưa hề động chạm đến tương quan cốt lõi nhất, đó là tương quan quyền lực giữa hai “trụ” hàng đầu, đồng thời đến quyền trên danh nghĩa và thực tế của “trụ” CTN.

Ví dụ sinh động nhất về thế yếu của “trụ” CTN thể hiện qua việc Bộ Chính trị giải quyết chuyện Nguyễn Xuân Phúc. “Trăm năm bia đá thì mòn…” Không những ông Phúc, gia đình cũng như “phe cánh” của ông ở Quảng Nam và trên khắp cả nước sẽ còn lâu mới “tâm phục, khẩu phục” cách xử lý của “người đốt lò vĩ đại” đã xuống tay với một CTN trước Tết Nguyên đán như thế… Nhưng điều quan trọng hơn, Đảng và Nhà nước CSVN xử lý “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” như thế, đã để lộ nhiều yếu huyệt. Trong suốt lịch sử cầm quyền của ĐCS, từ thời Lê Duẩn, các Bí thư đảng luôn “tiếm quyền” đối với các Chủ tịch nước. Đơn giản là vì như ông Hồ Chí Minh từng thừa nhận trong Di chúc (từ năm 1969): “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Chức danh CTN, luôn ở vị thế “làm vì”, tượng trưng chứ không thực quyền. Mặc dầu vây, đã có hai thời kỳ ngoại lệ: thời CTN Lê Đức Anh và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Do hoàn cảnh lịch sử (thời Lê Đức Anh đất nước “lưỡng đầu thọ địch” và tính cách cá nhân “quyết liệt” của Ba Dũng, nên xu thế “tiếm quyền” của Đảng đối với Nhà nước và Chính quyền tạm thời bị đẩy lùi.

Trở lại việc ông Trọng, với tư cách là Bí thư QUTW tặng hoa và chúc mừng CTN Võ Văn Thưởng được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Ban Thường vụ QUTW, thực chất là một vở bi hài kịch không hơn không kém. Bởi vì, khác với năm 2016, TBT Nguyễn Phú Trọng “tự chỉ định mình” vào Đảng ủy Công an, là vì ông chưa thật tin tưởng vào bộ sậu lãnh đạo nên muốn nắm Bộ Công An chặt hơn. Cho nên xuất hiện một tình trạng tréo ngoe: đường đường là TBT đảng trong toàn quốc, nhưng khi ngồi vào Ban Thường vụ Đảng ủy Công an, ông Trọng là cấp dưới của Tô Lâm. Lần này, Bộ Chính trị – mà thực chất là Tổng bí thư Trọng – chỉ định CTN Võ văn Thưởng tham gia Ban Thường vụ QUTW lại mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại. Không phải là để tăng quyền lực cho “ngài Tổng Tư lệnh”! Bằng động thái này, Bộ Chính trị đã giảm quyền lực của “ngài Tổng tư lệnh” xuống. Trên thực tế, quyền năng của ông Thưởng chỉ còn lại một lá phiếu ngang bằng với phiếu của tất cả các thành viên khác trong Ban Thường vụ, chứ không phải là lá phiếu nặng cân hơn của “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”. 

Nhưng tại sao Bộ Chính trị lại giảm quyền lực của của Nhà nước xuống một nấc như thế? Sâu xa đằng sau quyết định này là gì? Sâu xa và cốt lõi của vấn đề nằm ở tương quan ảnh hưởng và quyền lợi giữa ĐCSVN đối với dân tộc Việt Nam. Nếu như trong các cuộc kháng chiến kiến quốc trước đây, “slogan” của QĐNDVN là “trung với nước, hiếu với dân” thì vào những thập niên xây dựng CNXH sau nau này, Đảng định hướng cho quân đội phải “trung với Đảng, hiếu với dân”. Điều này có hàm ý phải đặt quyền lợi của Đảng trước/ hoặc trên quyền lợi của dân tộc? Bộ Công an “thanh kiếm và lá chắn” của Đảng cũng thức thời “tự diễn biến” rất mau lẹ, nên những năm gần đây đã lấy “motto” là “còn Đảng còn mình”. Lợi ích Dân tộc, quyền lợi Quốc gia, đương nhiên không đời nào Đảng tuyên bố là thứ yếu… Nhưng cả trong Quân dội, lẫn Công an, cũng như trong tất cả bộ ngành nào khác, tiếng nói cuối cùng phải là tiếng nói của Đảng. Lợi ích cao nhất là bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ. Để đạt được mục đích tối thượng ấy, Đảng sẵn sàng xử lý “thống lĩnh” Nguyễn Xuân Phúc, cũng như Đảng sẵn sàng trừ khử đảng viên 50 năm tuổi đảng Lê Đình Kình để làm gương cho các đảng viên và quần chúng nào không tuân theo lệnh của Đảng?

https://www.voatiengviet.com

Comments are closed.