Thảm kịch Đồng Tâm (2) DLB
4. Dối trá
Mở trận đánh lớn bất chính, bất minh và tàn bạo đánh vào dân, bộ Công an phong tỏa mọi thông tin sự thật về trận đánh Đồng Tâm 8.1.2020. Ngay cả đội ngũ báo chí đông đúc của đảng, của công an cũng không được tiếp cận sự thật Đồng Tâm. Độc quyền thông tin về trận đánh nhưng những ông tướng công an ở sở chỉ huy, những người thảo kịch bản và hoạch định phương án tác chiến Đồng Tâm 8.1.2020, hoạch định cả những cái chết ở Đồng Tâm cũng thông tin bất nhất về cái chết của ba sĩ quan công an.
Sáng 9.1.2020, trong thông báo đầu tiên về tin chiến sự Đồng Tâm, bộ Công an đưa tin ba sĩ quan công an chết ở cánh đồng Sênh do “một số đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh”. Hôm sau ông tướng chánh văn phòng bộ Công an lại lôi tên ba ông sĩ quan xấu số chết ngoài đồng Sênh phải về chết giữa làng Hoành mới buộc được tội cho dân Đồng Tâm gây ra cái chết của ba sĩ quan công an. Hôm sau nữa ông tướng thứ trưởng bộ Công an lại điều ba sĩ quan công an về chết ngay trong khe tường giữa nhà cụ Kình và nhà bên canh mà họ gọi là “hố kỹ thuật”: “Ba cán bộ, chiến sĩ công an không phải thiệt mạng do “hầm chông, lựu đạn, bom xăng, dao phóng”, mà cả ba bị chết do cùng té xuống “hố kỹ thuật” sâu bốn mét” (Lời ông tướng Thứ trưởng bộ Công an). Phải chết ngay trong khe tường cạnh nhà cụ Kình để có tang chứng buộc tội gia đình cụ Kình giết công an, do đó công an mới phản ứng bắn chết cụ Kình.
Vì sao các ông tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh Đồng Tâm lại lúng túng, ấp úng, mơ màng, nói năng huyên thuyên về cái chết của ba công an, ba đồng đội của họ như vậy. Hai khả năng đặt ra.
Một. Cái chết của ba công an không có trong thực tế, chỉ có trong kịch bản của những người lên phương án tác chiến ở sở chỉ huy trận đánh. Trong trận đánh phải có cái chết của ít nhất ba công an để biên minh cho hành xử tàn bạo của công an, trong đêm xông vào nhà dân, bắn chết dân như bắn một kẻ có nợ máu. Nhưng tác giả kịch bản quá kém cỏi, kịch bản quá sơ hở. Ba cái chết cứ phải thay đổi để bịt những sơ hở đó mà bịt không nổi.
Ba cái chết được truy tặng huân chương chiến công cao nhất nhưng ngoài tên người, tên đơn vị thì thân nhân và gia đình người chết sơ sài không bình thường. Ba gia đình mang nỗi đau của ba cái chết phải là chủ thể trong đám tang. Nhưng trong đám tang, gia đình vô cùng mờ nhạt, không thấy nỗi đau chỉ thấy hình thức thủ tục của một đám tang. Cả việc tặng huân chương, thăng quân hàm đầy báng bổ pháp luật, báng bổ giá trị cao quí của những tấm huân chương cũng được làm nhanh bất thường đến kinh ngạc.
Bình thường bộ hồ sơ tưởng thưởng, vinh thăng phải hành trình vòng vèo qua nhiều cửa, nhiều cấp, nhiều cuộc họp xét duyệt, nhiều dấu son của một nền hành chính nhiêu khê, trì trệ. Đơn vị cơ sở là trung đoàn cảnh sát cơ động phải tập hợp tư liệu, xây dựng báo cáo thành tích khen thưởng, họp hội đồng, họp đảng ủy xem xét và làm văn bản đề nghị lên cấp trên là BTL CSCĐ (bộ tư lệnh cảnh sát cơ động). BTL CSCĐ lại trình lên BCA (Bộ Công an). BCA trình lên Chính phủ. Từ tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước mới ký quyết định tặng thưởng huân chương. Từ đề nghị của trung đoàn đến Chủ tịch nước ký quyết định phải qua ít nhất năm cấp. Mỗi cấp đều phải theo trình tự: Thủ trưởng xét duyệt, văn phòng thảo đề nghị, xin chữ ký rồi trình lên cấp trên. Thần tốc nhất mỗi cấp cũng phải mất một ngày. Nhưng ba công an chết ở Đồng Tâm ngày 9.1 thì ngay hôm sau đã có chữ kí của Chủ tịch nước quyết định truy tặng huân chương. Kỳ lạ là ngày 9.1 công bố ba cái chết, trong cùng một ngày hôm sau, 10.1, có ngay chữ ký của cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước. Mau lẹ phi thường như việc tôn vinh đã có sẵn trong kịch bản, đã được hoàn tất từ trước, chỉ chờ công bố cái chết là công bố tặng huân hương.
Chỉ vài chục người dân họp mặt tưởng niệm ngày đau thương ngày 19.1, ngày 17.2, ngày 14.3… lập tức có hàng trăm công an chìm nổi khống chế dân, giải tán cuộc họp mặt chính đáng của dân và hàng chục mật vụ cầm máy quay video dí sát vào mặt từng người dân ghi hình. Trong trận đánh lớn vào Đồng Tâm của hàng ngàn cảnh sát cơ động phải có hàng trăm ống kính video nghiệp vụ của công an có mặt ở mọi chỗ, với máy ghi hình cao cấp, ghi được hình trong mọi điều kiện ánh sáng, nhất là những điểm có xung đột, là đỉnh điểm bùng nổ như nhà cụ Kình.
Sở chỉ huy trận đánh rất cần hình ảnh, bằng chứng xác thực về cái chết của công an để biện minh cho trận tấn công vào dân tàn bạo của công an. Có tới ba cái chết quý giá đó thì đội ngũ ghi hình đông đảo của công an phải xô đến bấm máy ở mọi góc độ. Nhưng các tướng công an ở sở chỉ huy trận đánh đưa thông tin về ba cái chết mà không có nổi một tấm hình đủ sức thuyết phục, đủ sức chứng minh xác thực về cái chết của công an ở Đồng Tâm rạng sáng 9.1.2020. Có cái chết thực thì nơi ba công an ngã xuống không thể tùy tiện di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Cái chết đau lòng có thực đó cũng đã được ghi lại bằng nhiều tấm ảnh xúc động và đầy sức thuyết phục, không mơ sồ và giả tạo như hai, ba tấm ảnh nghèo nàn do dư luận viên tung lên mạng.
Hai. Cái chết của ba công an chỉ là tai nạn xảy ra ngoài kịch bản. Quân đội và công an đua nhau làm kinh tế, hăm hở làm kinh tế, say mê làm kinh tế. Đua nhau làm kinh tế, sĩ quan quân đội và công an đều kiếm tiền rất giỏi và rất giàu như tướng Lê Mã Lương đã chỉ ra. Giỏi kiếm tiền, giỏi làm giàu, chỉ biết mê mải đếm tiền thì phẩm chất người lính, khả năng tác chiến của quân đội phải thấp kém và kĩ năng nghiệp vụ của công an phải tồi tệ.
Kéo đại quân bất ngờ đánh vào một làng quê nhỏ bé, quyền chủ động hoàn toàn thuộc về công an khai chiến. Trong trận đánh, người dân bị khống chế, giam trong nhà, người dân chỉ tự vệ cũng bất lực. Công an hoàn toàn làm chủ tình thế, làm chủ diễn biến trận đánh mà có tới ba sĩ quan công an cấp tá, cấp úy nối nhau lao xuống “hố kỹ thuật” chết thảm thì kỹ năng, nghiệp vụ của những sĩ quan công an đó quá tồi dẫn đến cái chết quá lãng nhách, không đáng.
Cơm ăn, áo mặc từ tiền thuế của dân, nhận đồng lương ưu đãi từ tiền thuế của dân mà nỡ cầm khẩu súng có được cũng từ tiền thuế của dân bắn vào dân rồi nhận cái chết do tự té xuống “hố kỹ thuật”. Dù đau lòng, thương tâm nhưng đó là những cái chết tầm thường của những con người công cụ phản bội nhân dân, chống lại nhân dân.
Nhưng nhà nước công an trị cần biện minh cho chiến dịch bất minh, bất chính, tàn bạo đánh vào dân Đồng Tâm nên phải vội vã tôn vinh cái chết của ba con người công cụ cầm súng bắn vào dân trở thành “xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ tổ quốc”.
Ông tiến sĩ văn chương Nguyễn Phú Trọng có biết tổ quốc là gì không? Tổ quốc là đất nước núi sộng ruộng đồng tổ tiên để lại. Tổ quốc là nhân dân bền bỉ lam lũ làm nên sức sống của đất nước, là người dân âm thầm hy sinh, đổ máu giữ gìn cương vực lãnh thổ làm nên sự trường tồn của tổ quốc. Nổ súng bắn vào nhân dân, bắn vào những người làm nên sự trường tồn của tổ quốc mà là bảo vệ tổ quốc ư? Trao huân chương cho những cái chết tầm thường của những người cầm súng bắn nhân dân, phản bội nhân dân. Đó là những tấm huân chương lừa dối nhân dân.
Bắn vỡ tim, nát óc cụ Kình ngay tại nhà cụ, ngay trên gường ngủ của cụ rồi mang xác cụ đi, tự tiện mổ phanh thây cụ ra. Tưởng đã là tột cùng tàn ác man rợ. Nhưng không. Khi gọi vợ con cụ Kình nhận xác cụ về chôn cất, những người bắn cụ còn bắt vợ con cụ ký giấy xác nhận cụ Kình chết ở đồng Sênh, cách nơi cụ bị giết chết bốn cây số. Không phải chỉ tột cùng man rợ mà còn tột cùng của sự trắng trợn lừa dối. Sự việc người dân biết rõ, họ còn lừa dối như vậy thì cái chết của ba công an, chỉ họ biết với nhau, họ lừa dối thế nào mà chẳng được. Với sự tàn bạo nam rợ và lừa dối trắng trợn của nhà nước công an trị thì mọi người dân Việt Nam đều là Lê Đình Kình.
Thảm kịch Lê Đình Kình chính là thảm kịch của người dân lương thiện sống trong thể chế tồn tại bằng bạo lực và lừa dối. Thảm kịch đó hôm nay đã xảy ra với cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm. Ngày mai thảm kịch đó sẽ xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam đau thương dưới thể chế cộng sản công an trị.
22.01.2020
Phạm Đình Trọngdanlambaovn.blogspot.com
Pages: 1 2