Tham nhũng tại VN: Vụ án Việt Á – Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh hầu tòa


BBC News – 03/01/2024

” Vào tháng 7/2023, khi Việt Nam tiến hành xét xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’, nhà quan sát chính trị David Hutt nói với BBC về chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng: 

“Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự – đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy. Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng” .

Nguyễn Thanh Long hầu tòa sáng ngày 3/1/2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị giải đến tòa án sáng ngày 3/1/2024

Sáng ngày 3/1, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cùng 35 bị can khác trong vụ án Việt Á.

Đây là vụ án đầu tiên xét xử cùng lúc ba cựu ủy viên trung ương nêu trên và gần 19 cựu cán bộ của Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) các tỉnh Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang và Bình Dương.

Có tổng cộng sáu tội danh được nêu ra trong phiên tòa. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiền khoảng 51 tỷ đồng. Một số tờ báo trong nước như Thanh Niên, VnExpress, VOV đã mô tả ông Long ra hầu tòa với “tóc bạc trắng, đôi mắt thâm quầng”.

Còn ông Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt và Phó Tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp đều bị truy tố về hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày. Có tổng cộng hơn 70 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. 

Liên quan đến vụ Việt Á, trong buổi lễ bàn giao công tác trước khi rời nhiệm sở, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng có phát biểu: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. 

Lời thanh minh của ông Phúc được nhiều người trích dẫn và bình luận giữa bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng vợ và gia đình ông có dính líu đến vụ án Việt Á nên sự nghiệp chính trị của ông phải chấm dứt.

Phát ngôn của ông Phúc sau đó bị hàng loạt các báo như Thanh Niên, Tiền Phong, tạp chí Công thương… gỡ bỏ. Còn về lý do ông Phúc bị miễn nhiệm thì thông cáo cho biết ông Phúc “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”. 

Cáo trạng viết gì?

Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và lan tới Việt Nam, Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á để triển khai đề tài nghiên cứu kit test Covid-19.

Kinh phí của dự án này là gần 19 tỉ đồng, trích từ ngân sách nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, các bị cáo tại Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số đơn vị liên quan đã có hàng loạt sai phạm, biến kết quả nghiên cứu về kit test Covid-19 từ tài sản nhà nước thành tài sản tư nhân. 

Công ty Việt Á sau đó sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, được cho là nâng khống giá nguyên liệu đầu vào rồi bán cho các đơn vị, cơ sở y tế trên khắp cả nước; thu lợi với số tiền chênh lệch là hơn 1.235 tỉ đồng.

Đáng chú ý, để có thể thuận lợi có chân trong đề tài nghiên cứu, được nghiệm thu, cấp phép lưu hành rồi phân phối kit test đến nhiều địa phương, CEO Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã bỏ ra hơn 106 tỉ đồng hối lộ các quan chức. 

Ông Nguyễn Thanh Long bị cho là người nhận hối lộ nhiều nhất, với số tiền 2,25 triệu USD, tương đương hơn 51 tỉ đồng. 

Cáo trạng mô tả ông Long có vai trò “trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit test”. 

Cựu Bộ trưởng Y tế còn đứng ra giới thiệu Việt Á với lãnh đạo một số địa phương để giúp công ty này tiêu thụ kit test.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Công ty Việt Á cũng chi hàng chục tỉ đồng để “cảm ơn” một số quan chức đã đưa ra quyết định trái pháp luật, có lợi cho công ty. Trong đó, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD, tương đương hơn 4,6 tỉ đồng, theo cáo trạng.

Ông Ngọc Anh có vai trò là người ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu có sự tham gia của Công ty Việt Á, đồng ý để Bộ KH-CN tổ chức họp báo nhằm hỗ trợ quảng bá hình ảnh kit test Việt Á, ký quyết định khen thưởng và ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á…

Phiên tòa xét xử vụ bê bối Việt Á

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ test kit Việt Á tại TAND thành phố Hà Nội với tổng cộng 38 bị cáo, bị truy tố sáu tội danh

Chiếc lò của ông Trọng

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ‘nóng’ khi liên tiếp nhiều quan chức bị bắt giữ và kỷ luật. 

“Lửa” trong lò của TBT Nguyễn Phú Trọng không những thiêu rụi sự nghiệp chính trị của những quan chức chính quyền địa phương và trung ương, các giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh mà còn lan sang cả khu vực tư nhân – đúng theo lời ông nói “không vùng cấm, không ngoại lệ”.

Gây chú ý trong dư luận trong những ngày cuối tháng 12 là vụ Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công bố những sai phạm tại Bộ Công thương là “nghiêm trọng, khó khắc phục” liên quan đến điện gió, cung ứng xăng dầu. 

Truyền thông Việt Nam dẫn thông tin từ ủy ban này cho biết đã có những vi phạm liên quan đến Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đề nghị “xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật”. 

Nhưng báo chí ít nói đến việc ông Trần Tuấn Anh là con trai của cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Ngoài ra, hai cục phó của Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng đã bị bắt giữ hồi tháng 27/12/2023 liên quan đến vụ án Xuyên Việt Oil. 

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/512xn/p0bdbm9l.png

Chụp lại video, 

Vụ bộ xét nghiệm Việt Á: ‘Một lỗi quá nặng trong khoa học’

Hôm qua, ngày 2/1, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp là quan chức cấp tỉnh mới nhất bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến Dự án Khu đô thị Thương mại nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh. 

Theo truyền thông Việt Nam, dự án này được nhắc đến trong đại án ‘Vạn Thịnh Phát’ khi Chủ tịch Tập đoàn Capella Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 40 triệu USD. 

Trước đó, vào ngày 30/12/2023, cựu Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến bị khởi tố liên quan đến cáo buộc sai phạm thời điểm ông còn giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, gây thất thoát hơn 55,8 tỷ đồng. 

Tháng 10/2023, ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã bị khởi tố liên quan tới dự án Hạc Thành Tower. 

Đến nay, ông Chiến và ông Xứng đã nộp mỗi người khoảng 22,5 tỉ đồng để “khắc phục hậu quả”. 

Vào tháng 7/2023, khi Việt Nam tiến hành xét xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’, nhà quan sát chính trị David Hutt nói với BBC về chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng: 

“Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự – đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy. Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng.” 

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn0485prg3zo


Tags: , , , ,

Comments are closed.