“Thăng trầm quyền lực” của ba nhiệm kỳ một Tổng bí thư, ba đời Thủ tướng (TS Phạm Quý Thọ)


“Thăng trầm quyền lực” trong ba nhiệm kỳ một Tổng bí thư, ba đời Thủ tướng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn làm Thủ tướng) tại Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 12/11/2021 AFP

RFA 1 tháng 6, 2021

Tha hoá quyền lực trong chế độ đảng toàn trị trở nên trầm trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường, nhưng kiểm soát nó phụ thuộc vào người đứng đầu đảng.

Quyền lực là nhu cầu tự thân của chế độ, nên “thăng trầm quyền lực” là không tránh khỏi, nó xảy ra thường xuyên hơn trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường, thường được giữ kín, xử lý nội bộ. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ qua (2011-2021), tình trạng “thăng trầm quyền lực” trở nên bất thường, không thể che giấu, đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính trị. Một là, dịch chuyển vị trí quyền lực nội bộ trên đỉnh tháp quyền lực, đặc biệt quan hệ giữa Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Về nguyên lý, quyền lực tổng bí thư là tối cao, nhưng thực tế đã bị ‘suy giảm’ so với thủ tướng, người trực tiếp chỉ đạo các quan chức chính phủ và điều hành nền kinh tế, có thực quyền và gần tiền. Bởi vậy, nguy cơ ‘tiếm quyền’ hiện hữu. Hai là, tình trạng suy thoái của quan chức trong bộ máy chính quyền ngày càng trở nên nghiêm trọng. Biểu hiện rõ rệt là nhóm lợi ích, bảo trợ chính trị, quốc nạn tham nhũng, trục lợi, lãng phí, quan liêu, tiêu cực… dưới nhiều hình thức và ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế nghiêm trọng đến mức “đe doạ sự tồn vong chế độ”.

Thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực là thách thức mà chính quyền liên tục gặp phải trong quá trình cai trị. Đảng sử dụng bộ máy cán bộ để điều hành bộ máy Nhà nước, nhưng ai kiểm soát bộ máy này, khi bộ máy “suy thoái”, khi “bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” hư hỏng? Cấp trên “xử lý” cấp dưới, dựa vào thế lực quân đội hay an ninh và thông qua các cơ quan như Ban Tổ chức, Ban Nội Chính, Uỷ ban kiểm tra trung ương…. Bởi vậy, quyền lực buộc phải tập trung cao độ, trong đó cá nhân tổng bí thư có vai trò quyết định.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người có thâm niên lâu ở vị trí quyền lực nhất, đang nắm quyền Tổng Bí thư ở nhiệm kỳ thứ ba (2021-2026), nhiều lần nhấn mạnh “công tác cán bộ là then chốt”, trước hết là các cán bộ cấp cao, các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và, đặc biệt là vị trí Thủ tướng Chính phủ. Trong nhiệm kỳ đầu, các năm từ 2011-2016, ông đã nhận ra “sự bất ổn” của bộ máy. Năm 2012 ông Trọng điều chuyển và bổ nhiệm hai nhân vật “của mình”, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Đà Nẵng làm Trưởng ban Nội chính và ông Vương Đình Huệ, khi đó là Bộ trưởng Tài chính làm Trưởng Ban Kinh tế. Ông muốn Đảng không chỉ kiểm soát nội bộ mà hơn thế cả lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, việc đề xuất hai ông Thanh và Huệ vào Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ này đã bị phản đối từ Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị TƯ 6 năm 2012.

000_Hkg10247971.jpg

Đây có lẽ là bài học kinh nghiệm lãnh đạo đảng quý giá nhất để ông quyết tâm nắm quyền ở hai nhiệm kỳ tiếp theo. Ở nhiệm kỳ 2016-2021, ông đã vượt qua giới hạn tuổi, và ở nhiệm kỳ 2021-2026, tại Đại hội 13 tháng 1/2021, vừa qua ông lại vượt qua quy định “không quá hai nhiệm kỳ” trong Điều lệ đảng. Ông thấu hiểu quyền lực đó là khả năng làm thay đổi cách hành xử của người khác để đạt được những gì mình muốn, kể cả từ cấp độ hệ thống chính trị, giai cấp xã hội và quan hệ sản xuất, như  Karl Marx quan niệm, cũng như từ cấp độ cá nhân, đó là khả năng kiểm soát nguồn lực, biến cố và người khác để thực hiện mục đích của mình, bất chấp những sự phản đối như Max Weber diễn giải.

Vai trò cá nhân Tổng Bí thư rất lớn trong chiến dịch “đốt lò” do ông Trọng thúc đẩy với tư cách người đứng đầu Ban phòng chống tham nhũng trung ương, như một biện pháp ‘răn đe’, ưu tiên để chống “suy thoái” quan chức trong bộ máy. Theo báo cáo tổng kết giai đoạn 2013-2020, bảy năm ông làm Trưởng ban, hơn 131.000 đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, đã bị thi hành kỷ luật và hơn 11.700 vụ án về kinh tế và chức vụ, trong đó có 1.900 vụ tham nhũng, với gần 4.400 bị can bị truy tố. Qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất… để ‘củng cố’ Đảng, thông qua các bộ phận tham mưu như Ban Tổ chức, Ban Nội chính… bộ máy lãnh đạo mới cho nhiệm kỳ hiện nay được thực hiện. Về cơ bản, các cán bộ có quá trình hoạt động đảng, đoàn, quân đội, an ninh được tăng cường thay vì “kỹ trị” trong chính phủ.

Tuy nhiên, ‘băn khoăn’ lớn nhất là bộ máy này vận hành nền kinh tế như thế nào khi đòi hỏi chuyển đổi mạnh sang thị trường để thúc đẩy tăng trưởng mà không bị “suy thoái”. Nguyên Thủ tướng Dũng nhiệm kỳ (2011-2016) về hưu “làm người tử tế” mà Đảng đã không thể kỷ luật ông vì “quản lý, điều hành nền kinh tế yếu kém” để lại hậu quả nặng nề với chính sách tăng trưởng nóng dựa vào các tập đoàn nhà nước, được ví như “quả đấm thép” của nền kinh tế. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ (2016-2021) đã nỗ lực vận hành “Chính phủ Kiến tạo” với chính sách “thực dụng”, từng bước mở rộng kinh doanh đồng thời với gỡ bỏ vướng mắc về môi trường luật pháp và hành chính mà không gây “phản ứng” từ bộ máy hiện hành. Dù được coi là thành công trong tăng trưởng kinh tế, nhưng ông Phúc chỉ là thủ tướng “quá độ” khi ‘được’ đảng luân chuyển giữ vị trí Chủ tịch Nước. Đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính được giới quan sát chính trị quan tâm chú ý từ đầu nhiệm kỳ này (2021-2026), người xuất thân từ ngành an ninh, hai nhiệm kỳ, 10 năm kinh nghiệm công tác đảng với cương vị Bí thư Tỉnh Quảng Ninh và Trưởng ban Tổ chức trung ương. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 thứ 4 khiến cả hệ thống chính trị đang “gồng mình” đối phó và, vì vậy ông chưa có cơ hội thể hiện chính sách điều hành kinh tế thích ứng với điều kiện “ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” và tư tưởng Mác – Lenin đang được đề cao.

Chuyển đổi kinh tế sang thị trường trước hết được hiểu đồng nghĩa với việc xoá bỏ công cụ kế hoạch hoá tập trung bao cấp, vốn là đặc trưng của chế độ toàn trị. Mặc dù chế độ này được tổ chức theo tam giác quyền lực theo thứ bậc từ đỉnh xuống đáy tạo ra một hệ thống tinh vi, nhưng khi phương thức quản lý này bị loại bỏ thì tam giác quyền lực cũng bắt đầu lung lay. Hơn thế, sự chuyển đổi kinh tế sang thị trường cần thiết phải mở rộng quyền tự do kinh doanh cho các chủ thể kinh tế, từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đến tư nhân, đồng thời với việc cần tạo dựng các nguyên tắc cho thị trường vận hành có hiệu quả, đặc biệt về sở hữu tư nhân và giám sát quyền lực đối trọng. Tuy nhiên, điều sau này lại ‘mâu thuẫn’ với các giá trị của chủ nghĩa Mác – Lenin, hệ tư tưởng “nền tảng” mà chế độ dựa vào.

Lịch sử ghi chép lại, rằng trí sĩ thời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm từng nói: “Sở dĩ giáo không phổ cập được là do học trò không được học, mà học trò không học là do thầy không tinh, sở dĩ “pháp” không được lập là do người giỏi không được dùng, mà người giỏi không được dùng là do thưởng phạt không công minh, sở dĩ chính không thi hành được là do kẻ lại không được liêm, mà kẻ lại không được liêm là do bổng lộc không được đủ. Song thầy giảng không tinh, thưởng phạt không công minh và bổng lộc không đủ, duyên cớ là đều do tình trạng thiếu thốn và sự thực thiếu thốn. Cho nên, dù có cấp bách lo việc này nhưng nếu không nắm được mấu chốt của nó, thì dù “trí” có thể biết được, nhưng “thế” vẫn không thể làm được“.

Việc giữ quyền lực tuyệt đối bằng sử dụng bạo lực và chuyên chế, lấy quân đội, công an như nguồn sức mạnh, cấm bất đồng chính kiến, kiểm soát truyền thông đại chúng, khống chế con người không chỉ trong hành động mà còn cả cách suy nghĩ và tình cảm… không những chỉ tiềm ẩn nguy cơ phản kháng, khiến chi ngân sách trở nên gánh nặng mà còn cản trở tăng trưởng. Ngoài ra, chống tham nhũng và tạo ra bộ máy toàn trị đặc quyền, nhưng nếu không đủ ‘đặc lợi’, thì quan chức của bộ máy ấy cũng dễ trở nên ‘hư hỏng’. Một hệ thống tiền lương danh nghĩa cho khu vực công, theo đó tiền lương tháng hiện thời của Chủ tịch Nước là cao nhất cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng, tương đương gần 900$, đang phản ánh sai sự thật về thu nhập “khủng” của quan chức được che đậy bởi các nguồn gốc phức tạp, thậm chí phi pháp. Không kiểm soát được tài sản của quan chức một cách minh bạch liệu có thể có bộ máy nhà nước trong sạch để duy trì quyền lực “thăng” bền vững?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/up-and-downs-of-three-term-party-chief-06012021102612.html

Tags: , ,

Comments are closed.