Thay lãnh đạo cấp cao, VN bước vào giai đoạn ‘làm ăn cần thận trọng’?
BBC News – 25/01/2023
Nguồn hình ảnh, Vietnam+/Chụp lại hình ảnh,
Hình ảnh hồi tháng 1/2022: VietnamPlus đăng tin và hình “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng các đại biểu và kiều bào thực hiện nghi thức thả cá truyền thống trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Vừa có thêm một bài viết mới trên truyền thông tiếng Anh đánh giá tác động của vụ Đảng Cộng sản Việt Nam cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về nghỉ.
Tác giả Randall Puah cho rằng vì vị trí chủ tịch nước không liên quan đến việc điều hành kinh tế Việt Nam nên việc thay ông Phúc (nguyên văn: loại bỏ ông – removal) sẽ “không thay đổi nhiều dưới sự lãnh đạo của TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng”.
Trước mắt, Đảng Cộng sản Việt Nam cho bà Võ Thị Ánh Xuân (sinh năm 1970, quê An Giang) giữ quyền Chủ tịch nước sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc được “cho về nghỉ và nghỉ hưu”.
Ông Randall Puah nêu tên các vị Tô Lâm và Phan Văn Giang như những ứng viên hàng đầu cho chức vụ này.
Dù ai lên thay ông Phúc cũng không ảnh hưởng đến đường hướng kinh tế vĩ mô của Việ Nam, bài của ông Randall Puah, “Business Implications of President’s Ouster in Vietnam” (23/01/2023) trên trang Geopolitical Monitor cho rằng vụ việc vẫn có ba tác động tới môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Vì công cuộc chống tham nhũng sẽ có tác động tiếp tục tới giới làm ăn, họ cần biết về ba điều sau.
Một là Việt Nam sẽ có “môi trường chính trị thận trọng, vì các chính trị gia phải rút ra bài học từ những diễn biến gần đây, khiến cho các vụ làm ăn (business dealings), cùng thủ tục cấp phép của chính phủ sẽ dịch chuyển chậm hơn”.
Hai là doanh nghiệp cần chuẩn bị để có đường đi tránh xa, hoặc giảm thiểu rủi ro vì một làn sóng tiềm tàng các vụ điều tra chống tham nhũng có động cơ chính trị (a potential wave of politicized anti-corruption investigations) ập tới trong những tuần, những tháng sau Tết Nguyên đán.
Và thứ ba là các doanh nghiệp cần nhìn thận trọng vào xu thế lâu dài khi Đảng Cộng sản tập trung hơn vào kiểm soát nội bộ, thể hiện qua các vụ thanh trừng để loại đối thủ chính trị, và việc kiểm duyệt bên trong tạo rủi ro về cách hoạt động, các quy định và danh tiếng cho các doanh nghiệp.
Môi trường này sẽ hiện rõ hơn nếu hai trong tứ trụ mới có thể “đến từ lãnh đạo có gốc trong Bộ Công an”.
Một người là đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, và người kia là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm, nếu ông lên thay ông Phúc, Randall Puah viết.
Các ý kiến khác
Vụ ông Phúc phải rời ghế Chủ tịch nước khi chưa hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thu hút nhiều bình luận quốc tế trong tháng 1 năm nay.
Viết trên trang Nikkei Asia tuần trước, nhà bình luận từ Hoa Kỳ Zachary Abuza cho rằng những người như ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là ‘những nhà kỹ trị thực dụng quyết tâm đưa Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế vĩ mô ổn định” nhưng cũng có nhiều kẻ thù.
Việc loại bỏ họ đặt ra câu hỏi về xu hướng và sự ổn định chính trị của Việt Nam.
Cùng thời gian, ông Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, được Reuters dẫn lời, cũng cho rằng sự ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng (xem thêm trên BBC).
Tuy nhiên, ông Carl Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm từ Úc thì cho rằng việc chỉ đạo chung các vấn đề đối ngoại là do Bộ Chính trị ĐCSVN quyết định, nên việc ông Phúc xuống chức hay các thay đổi nhân sự cao cấp nhất chỉ có tác động nhỏ tới chính sách chung.
Trả lời RFA hôm 18/01, GS đã hồi hưu Carl Thayer cho rằng chính sách tăng cường quan hệ một cách thận trọng của Hà Nội với Hoa Kỳ mà không để Trung Quốc mất lòng “sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi nhân sự trên”.
Tuy nhiên, một vấn đề cơ bản hơn, mà BBC News Tiếng Việt đã đề cập ngay sau khi Việt Nam thoát ra khỏi đại dịch Covid, là mô hình làm ăn có chi phí “sân sau” của khá nhiều ngành kinh tế, gắn liền dịch vụ công gồm cả y tế, xây dựng, với công ty tư nhân sẽ còn vận hành nổi không vì lo sợ bị dính vào án tham nhũng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images/BBC/Chụp lại hình ảnh,
Ba Phó Thủ tướng (hình từ trái qua): Trần Lưu Quang, Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà
Về cơ bản, đây là một phần của mâu thuẫn giữa “kinh tế thị trường” với định hướng xã hội chủ nghĩa, khi mà động lực của thị trường có thể dẫn dắt quan chức dù mong muốn của hệ thống chính trị là ngược lại.
Truyền thông nhà nước VN đã nói từ lâu về ảnh hưởng của “lợi ích nhóm” gồm mạng lưới làm ăn thân hữu mà các trang mạng xã hội tin rằng có sự hiện diện phía sau khá nhiều các quan chức “bị hạ đài” gần đây.
Việc tạo ra một môi trường hoàn toàn mới, minh bạch, tôn trọng pháp quyền là điều lý tưởng nhưng hiện chưa rõ có khả thi hay không khi mà nhiều năm qua các nỗ lực đó gặp vật cản lớn: bộ máy có thói quen muốn kiểm soát và nhân sự đông đảo, thu nhập chính thức thấp ở mọi ngành, mọi cấp.
Ngoài ra, về cơ bản, thể chế chính trị ở VN thiếu cơ chế kiểm tra chéo, cân bằng quyền lực, giám sát lẫn nhau của mô hình Tam quyền phân lập.
Bởi vậy, Nhà nước Việt Nam đã ra nhiều luật chống lợi ích nhóm nhưng cũng phải liên tục có các văn bản tiếp theo để chấn chỉnh hiện tượng này, một dấu hiệu cho thấy nó là một phần khó tách khỏi của nền kinh tế, như một bài trên báo Nhân Dân xác định hồi tháng 8/2022.