Thời sự thế giới Thứ năm 08 tháng 9 năm 2022


Võ Thái Hà tổng hợp

Ngoại trưởng Blinken đến Kyiv, công bố Mỹ viện trợ quân sự 2 tỷ đô la cho châu Âu 

08/9/2022 

AP 

Ngoại trưởng Mỹ Blinken thăm một bệnh viện ở Kyiv, 8/9/2022.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken thăm một bệnh viện ở Kyiv, 8/9/2022. 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thăm đột xuất Kyiv hôm thứ Năm 8/9 cùng lúc chính quyền của Tổng thống Biden công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá hơn 2 tỷ đô la cho Ukraine và các nước châu Âu khác bị Nga đe dọa.

Trong các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Ukraine, ông Blinken cho biết chính quyền của ông Biden đã thông báo với Quốc hội Mỹ về chủ trương cung cấp 2 tỷ đô la theo chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài dài hạn cho Ukraine và 18 nước láng giềng, bao gồm cả các thành viên NATO và các đối tác an ninh khu vực, là những nước “có nhiều nguy cơ tiềm tàng nhất bị Nga xâm lược trong tương lai”.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, và nhiều khả năng sẽ như vậy, khoảng 1 tỷ đô la trong số đó sẽ được dành cho Ukraine và phần còn lại được chia cho Albania, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Georgia, Hy Lạp, Kosovo, Latvia, Lithuania, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Khoản viện trợ này sẽ giúp các quốc gia kể trên “ngăn chặn và phòng vệ trước các mối đe dọa hiện hữu đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ” bằng cách tăng cường việc họ hội nhập quân sự vào NATO và chống lại “sự ảnh hưởng và hung hăng của Nga”, bộ nói thêm.

“Sự trợ giúp này một lần nữa thể hiện cam kết vững chắc của chúng tôi đối với tương lai của Ukraine với tư cách là một quốc gia dân chủ, có chủ quyền và độc lập, cũng như an ninh của các đồng minh và đối tác trên toàn khu vực”, vẫn lời Bộ Ngoại giao Mỹ.

Chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài, hay FMF, cho phép các nước nhận viện trợ mua thiết bị quốc phòng do Hoa Kỳ sản xuất, thường tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của họ.

Khoản viện trợ lần này bổ sung vào gói vũ khí hạng nặng, đạn dược và xe bọc thép trị giá 675 triệu đô la dành riêng cho Ukraine mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố hôm 8/9 tại một hội nghị ở Ramstein, Đức.

Ông Austin nói rằng “cuộc chiến đang ở vào một thời điểm quan trọng nữa”, khi các lực lượng Ukraine bắt đầu phản công ở miền nam đất nước. Ông nói rằng “giờ đây chúng ta đang thấy là những nỗ lực chung của chúng ta rõ ràng đang mang lại thành công trên chiến trường”.

Cùng với Mỹ, Đức và Hà Lan sẽ đào tạo về rà phá bom mìn cho binh sĩ Ukraine cũng như cung cấp các thiết bị rà phá bom mìn. Khóa đào tạo sẽ được thực hiện tại Đức. Hai nước này trước đó đã phối hợp với nhau đưa các khẩu pháo đến Ukraine.

Các khoản trợ giúp được công bố hôm 8/9 nâng tổng số viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine lên 15,2 tỷ đô la kể từ khi ông Biden nhậm chức. Các quan chức Mỹ cho biết các cam kết mới có chủ đích thể hiện rằng Mỹ không hề lay chuyển trong việc ủng hộ Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Những thông báo về viện trợ được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Ukraine và Nga đang gia tăng trong những ngày gần đây, trong đó, các lực lượng Ukraine tiến hành một cuộc phản công nhằm chiếm lại các khu vực do Nga nắm giữ ở miền nam và miền đông.

(AP)

Mỹ-Hàn họp lại Nhóm tư vấn Chiến lược răn đe cấp cao

08/9/2022

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 20/05/2022. AP – Kim Min-hee 

Theo hãng tin Yonhap, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc họp nhóm Tư vấn chiến lược răn đe mở rộng cấp cao (EDSCG) tại Washington vào ngày 16/09/2022. Đây sẽ là cuộc họp thứ ba của nhóm, nhưng là cuộc họp đầu tiên sau 4 năm 8 tháng. 

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

« Thứ trưởng ngoại giao thứ nhất của Hàn Quốc Cho Hyun Dong và thứ trưởng Quốc Phòng Shin Beom Cheol sẽ sang Mỹ để họp với Bonnie Jenkins, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, và Colin Karl, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về Chính sách.

Theo thông tin từ chính phủ Seoul, cuộc họp tập trung vào các biện pháp răn đe toàn diện với Bắc Triều Tiên, bao gồm các biện pháp tăng cường hiệu quả của việc “răn đe mở rộng” trong các khu vực an ninh quan trọng. Từ góc độ này, nhóm tư vấn sẽ thảo luận sâu về các biện pháp cụ thể, chẳng hạn như triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc, nếu Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Việc tổ chức cuộc họp này đã được bộ trưởng bộ Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và Hàn Quốc Lee Jong Sup thảo luận hồi tháng 7 khi ông Lee Jong Sup có chuyến thăm Washington. Trong chuyến đi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc đã tuyên bố, “nếu Mỹ có ý định rõ ràng trong việc bảo vệ Hàn Quốc khỏi mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, thậm chí là nguy cơ tấn công trên đất liền, thì phải có một cơ chế nào đó để hỗ trợ và đó chính là Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng cấp cao”.

Nhóm này được Mỹ và Hàn Quốc đồng ý thành lập tại hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng (2+2) vào tháng 10/2016 và đã có cuộc họp đầu tiên vào tháng 12 cùng năm. Cuộc họp tiếp theo của nhóm đã được tổ chức vào tháng 1/2018. Tuy nhiên, kể từ đó, Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng cấp cao Mỹ-Hàn đã không được tổ chức để thể hiện không khí hòa giải liên Triều và mở đường cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. »

Đại sứ Nga: Ông Putin và ông Tập sẽ gặp mặt vào tuần tới

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/09/ntdvn_xi-putin-1-1200x789-1.jpeg

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Kremlin.ru, 2019CC-BY-4.0). 

Ngày 7/9, Đại sứ Andrey Denisov của Nga tại Trung Quốc chia sẻ với truyền thông rằng Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào tuần tới.

“Hội nghị thượng đỉnh (SCO) này chắc chắn sẽ rất thú vị, vì đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên kể từ sau đại dịch”, ông Denisov nói. “Tôi không có ý nói rằng hội nghị video trực tuyến là không hay, nhưng việc trao đổi thảo luận trực tiếp giữa những nhà lãnh đạo sẽ có chất lượng rất khác… Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một cuộc họp toàn diện, nghiêm túc của các nhà lãnh đạo với một chương trình nghị sự chi tiết. Chúng tôi hiện đang làm việc với các đối tác Trung Quốc về vấn đề này”.

Ngày 7/9, ông Lật Chiến Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ (xếp thứ 3), đã đến Vladivostok để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, trở thành quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ đến thăm nước ngoài kể từ năm 2020. Hãng thông tấn TASS đưa tin, ông Lật Chiến Thư dự kiến ​​sẽ gặp ông Putin hôm đó.

Thời điểm ông Tập gặp ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung-Nga, cho dù Moscow đang chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của quốc tế sau cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Những năm gần đây, Moscow và Bắc Kinh đã trở thành đối tác thân thiết hơn do cả hai bên hiện có quan hệ căng thẳng với các nước phương Tây. Vài tuần trước khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ vào tháng Hai, Nga và Bắc Kinh tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”. Sau này, Bắc Kinh từ chối lên án Moscow, thay vào đó liên tục đổ lỗi cho NATO và Mỹ về cuộc chiến.

Ngày 7/9 khi được hỏi về kế hoạch cho chuyến thăm Trung Á của ông Tập Cận Bình trong tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không thể cung cấp bất kỳ chi tiết nào.

Hội nghị thượng đỉnh SCO sẽ được tổ chức tại Samarkand – Uzbekistan vào ngày 15/9. Các thành viên của tổ chức là: Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan.

Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chỉ ra rằng việc ông Tập quyết định thực hiện chuyến công du nước ngoài hiếm hoi vài tuần trước Đại hội 20 ĐCSTQ thể hiện sự tự tin và quyền uy chính trị của ông trong ĐCSTQ.

Ông Alfred Wu nói: “Vấn đề cho thấy khả năng nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 của ông ấy đã ngã ngũ… Tôi thực sự không nghĩ rằng vị trí của ông ấy đang bị thử thách”; “Nếu đến Mỹ hoặc châu Âu, ông ấy có thể gặp rất nhiều thách thức. Khi đến gặp Putin, ông ấy nhận được mọi lời khen ngợi từ bạn bè, cho ông ấy cảm giác rất vui vì thấy bản thân còn uy quyền”.

Thiên Thanh, Vision Times

Tranh cãi ở Thái Lan về giới hạn nhiệm kỳ của thủ tướng 

Khi Prayuth Chan-ocha, khi ấy là người đứng đầu quân đội Thái Lan, tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 5 năm 2014, ít người nghĩ ông sẽ nắm quyền chính trị lâu dài. Nhưng vào thứ Năm, tòa án hiến pháp của đất nước sẽ xem giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng 8 năm, được quy định trong hiến pháp 2017, áp dụng ra sao cho trường hợp của ông Prayuth.

Phe đối lập nói thời gian của thủ tướng đã hết từ tháng trước, khiến tòa đình chỉ ông khỏi chức vụ vào ngày 24 tháng 8. Nhưng “chú Tu” (biệt danh của ông) lập luận rằng luật chỉ tính những năm sau 2019, thời điểm liên minh bảo hoàng của ông thắng đa số trong cuộc tổng tuyển cử.

Tòa án có thể sẽ đồng ý, qua đó châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ hơn nữa, đặc biệt là trong giới sinh viên. Hiện các vấn đề kinh tế đã làm bùng lên tâm lý‎‎‎ bất mãn. Pheu Thai, đảng đối lập chính, đang nhắm đến một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào năm tới, ngay cả khi đã có thay đổi trong hệ thống bỏ phiếu. Nhưng trong một chế độ chuyên quyền ngụy trang dưới tấm màn dân chủ, sẽ là một phép màu nếu người Thái sớm có được chính quyền mà họ mong muốn.

ECB bối rối giữa chống lạm phát và tránh suy thoái

Trong bối cảnh các hãng dự báo như Oxford Economics hạ triển vọng kinh tế của châu Âu xuống “suy thoái”, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ họp vào thứ Năm để quyết định mức tăng lãi suất. Lạm phát giá tiêu dùng đang rất cao: lên 9,1% trong tháng 8 so với một năm trước đó – cao hơn nhiều mục tiêu 2% của ngân hàng. Quan điểm chung trước mùa hè là tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất, nhưng một số chuyên gia đang dự đoán bước tăng tới 0,75 điểm phần trăm.

Liệu có đúng khi tăng lãi suất ngay lúc nguy cơ suy thoái xuất hiện? Xét cho cùng, lạm phát ở châu Âu không phải do kinh tế bùng nổ, mà chủ yếu là vì giá năng lượng quá cao. Những thứ này ăn sâu vào túi tiền của người tiêu dùng và doanh nghiệp đến mức nền kinh tế đang suy yếu nhanh chóng, dù chưa có gánh nặng lãi suất từ ECB. Sau khi đánh giá thấp nguy cơ lạm phát trong năm qua, giờ đây ngân hàng có thể đang đánh giá thấp một cuộc suy thoái.

Sáng kiến đối thoại của tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp sẽ ra mắt đứa con tinh thần mới nhất của ông vào thứ Năm. Ý tưởng đằng sau Conseil National de la Refondation (tạm dịch: Hội đồng tái thiết lập nền tảng quốc gia) của Emmanuel Macron là tập hợp các chính trị gia, công đoàn, tổ chức phi chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, v.v., để thảo luận về các giải pháp cho những thách thức lớn bao gồm biến đổi khí hậu, năng lượng, việc làm, giáo dục và y tế. Hội đồng được thiết kế để phục hồi niềm tin của người dân vào tiến trình dân chủ, sau khi tỷ lệ cử tri đi bầu xuống thấp kỷ lục trong các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay. Nó cũng nhằm trả lời các cáo buộc rằng ông Macron không nghe tham vấn.

Các thành viên cao cấp của chính phủ sẽ dự ngày khai mạc hội đồng ở Marcoussis, một thị trấn gần Paris. Các phiên họp sẽ được tổ chức ở các cơ sở khác nhau trên khắp nước Pháp trong vài tháng. Song tất cả các đảng đối lập quốc gia, cũng như hầu hết các nghiệp đoàn, đã tẩy chay hội đồng, vì cho rằng nó không thực sự có ảnh hưởng. Khi từ chối trao cho ông Macron một thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6, cử tri Pháp đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng họ muốn ông hợp tác hơn với các lực lượng khác. Nhưng cho đến nay, các chính trị gia đối lập vẫn tiếp tục văn hóa đối đầu cũ.

Beirut xem xét xây lại cảng

Beirut không xa lạ gì với việc xây dựng lại từ đống đổ nát. Trong lịch sử 5.000 năm đầy biến động của mình, thành phố đã phải làm như vậy 7 lần, gần đây nhất là khi nội chiến kết thúc vào năm 1990 và xung đột năm 2006 với Israel. Hồi năm 2020, lỗi sơ suất của chính quyền đã dẫn đến một vụ nổ lớn tàn phá cảng Beirut và giết chết hơn 200 người. Sự việc khiến thủ đô của Lebanon phải tái thiết thêm một lần nữa. Nhưng lần này cộng đồng quốc tế có tham gia: vào thứ Năm, Inspireli Awards, một công ty kiến trúc của Séc, sẽ công bố người chiến thắng trong Cuộc thi Cải tạo Cảng Beirut.

Các giám khảo sẽ chọn trong 40 bản vẽ, từ 19 quốc gia, trong đó có các thiết kế nhà hát ngoài trời, bảo tàng, các liên kết giao thông rộng lớn, cho đến trang trại đô thị. Các kiến trúc sư chiến thắng sẽ hợp tác với ban quản lý cảng và chính phủ Lebanon để hoàn thiện công trình. Vấn đề tiếp theo là tìm đủ tiền để thực hiện dự án. Nhìn chung, đây là cơ hội để định hình lại tương lai thành phố, hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.

Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hai người Mỹ gốc Hoa hối lộ quan chức nước ngoài

Lam Giang

Bộ Tư pháp Mỹ truy tố hai người Mỹ gốc Hoa hối lộ quan chức nước ngoài

Quang cảnh bên ngoài của Tòa nhà Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ở Washington, DC, Mỹ. (Tom Brenner / Getty Images) 

Hai người thuộc Quần đảo Marshall gốc Hoa đã bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về tội hối lộ các quan chức chính phủ ở đảo quốc Thái Bình Dương bằng tiền từ Trung Quốc. Hai người đã nhận tội vào ngày 6/9.

Một cặp đôi người Quần đảo Marshall gốc Hoa bị giới chức Mỹ truy tố với cáo buộc rửa tiền và vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng nước ngoài, Business Insider đưa tin hôm 6/9.

Theo thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ, cặp đôi trên – Cary Yan, 50 tuổi và Gina Zhou, 34 tuổi – đã sử dụng “nhãn mác” của một tổ chức phi chính phủ tại New York để hối lộ các quan chức Quần đảo Marshall, vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng nước ngoài. Khi thực hiện hành vi này, họ đang sinh sống tại Mỹ, The Washington Times đưa tin.

Hai người này đã bị bắt giữ tại Thái Lan tháng 11/2020, trước khi bị dẫn độ sang New York, Mỹ. Cả Yan và Zhou đều đã có hộ chiếu Quần đảo Marshall, Bộ Tư pháp Mỹ nói.

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 2/9 cho biết hai nhân vật này đã sử dụng “tiền từ Trung Quốc và các nơi khác” để cố gắng hối lộ sáu quan chức chính phủ Quần đảo Marshall để bàn việc xây dựng một khu vực bán tự trị trên rạn san hô Rongelap thuộc lãnh thổ Quần đảo Marshall, với tên gọi “Đặc khu kinh tế Rongelap” (Rongelap Atoll project).

Ông Yan và bà Chu đã nhận tội tại tòa án liên bang Manhattan hôm thứ Ba (6/9).

Các tài liệu của tòa án không nêu rõ nguồn gốc quốc tịch của họ, nhưng tiết lộ rằng họ cần một thông dịch viên tiếng Quan Thoại tại phiên tòa nhận tội.

Hai nhân vật trên “đã có nhiều hành động bất hợp pháp để thu lợi cá nhân, gây thiệt hại cho người dân quần đảo Marshall”, Trợ lý Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Michael J. Driscoll tuyên bố.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, hai người này có thể bị phạt tới 20 năm tù cho mỗi tội danh rửa tiền, và tới 5 năm tù do vi phạm Đạo luật Hành vi Tham nhũng nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một kế hoạch lớn nhằm mở rộng ảnh hưởng tại quốc đảo Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược chống lại sự thúc đẩy của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực.

Bà Pascal, một chuyên gia về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Foundation for the Defense of Democracy, FDD), cho biết Trung Quốc đang hoạt động bí mật ở quần đảo Marshall.

Bà nói: “Quần đảo Marshall nằm ở vị trí chiến lược giữa Hawaii và châu Á, nó công nhận Đài Loan, và nó nằm trong ‘liên kết tự do’ với Hoa Kỳ, có nghĩa là Hoa Kỳ hoàn toàn chịu trách nhiệm về quân sự và an ninh của quốc gia này”.

Quần đảo Marshall từng là lãnh thổ của Mỹ, trước khi được trao trả độc lập năm 1986. Washington vẫn giữ thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ quốc gia này về mặt quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định.

Quần đảo Marshall cũng sở hữu địa điểm thử nghiệm tên lửa đạn đạo Ronald Reagan. Bà Pascal cho biết Bắc Kinh muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền quần đảo và tạo khoảng cách với Hoa Kỳ.

“Điều này sẽ đưa Trung Quốc đến gần hơn với mục tiêu cô lập Guam, quần đảo Mariana, Nhật Bản và Hàn Quốc và đẩy Mỹ trở lại Hawaii”, bà nói.

Bà cho biết các cáo buộc trong bản cáo trạng cho thấy các hoạt động này là một phần của hoạt động gây ảnh hưởng bí mật của Trung Quốc bằng cách “ủy nhiệm”, vì không có đại sứ quán Trung Quốc ở Quần đảo Marshall. 

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Kenneth A. Polite Jr. thuộc Bộ phận Hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết: “Yan và Zhou bị cáo buộc đã tham gia vào một kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm hối lộ các quan chức được bầu ở Quần đảo Marshall và phá hoại quy trình lập pháp”.

Ông Alex Gray, một cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói rằng “Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động gây ảnh hưởng phức tạp và các hoạt động mặt trận thống nhất trên các đảo Thái Bình Dương quan trọng về mặt chiến lược, vốn rất đáng lo ngại vì sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở đó”, ông nói.

Ông Grey tin rằng chính quyền ông Biden nên gia hạn các “hợp đồng” quan trọng của Hoa Kỳ với Marshall, Palau và Micronesia.

Các quan chức của Quần đảo Marshall lần đầu tiên tiết lộ các hoạt động cho chính phủ Hoa Kỳ. Vụ việc đã bị trì hoãn bởi quá trình dẫn độ kéo dài của Thái Lan, bắt đầu vào năm 2020.

Yan giữ chức Chủ tịch Tổ chức Quản trị và Cạnh tranh Thế giới cho đến năm 2019. Nhóm tự mô tả mình là một “tổ chức quốc tế hỗn hợp” gồm các nhóm không chính thức và chính thức, với tư cách tham vấn đặc biệt theo một chương trình của Liên Hợp Quốc được gọi là Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Cộng hòa Quần đảo Marshall, bao gồm 29 đảo san hô và 4 đảo, trở nên độc lập vào năm 1979. Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân trên một trong những hòn đảo, Bikini Atoll, từ năm 1948 đến năm 1958.

Lam Giang

Bốn phụ nữ Việt bị toà án ở Anh kết án vì tội rửa tiền

08/9/2022

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/4-viet-women-found-guilty-by-the-uk-court-09082022080209.html/@@images/image

Năm người bị kết án về tội rửa tiền ở Anh bao gồm bốn phụ nữ Việt Nam 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngEastern Region Special Operations Unit 

Bốn phụ nữ người Việt vừa bị một toà án ở Anh kết án vì tội rửa tiền với tổng số tiền lên đến hơn bốn triệu bảng.

Theo báo chí Anh, những người này nằm trong nhóm năm người vừa bị kết án.

Những người này đã sử dụng các sinh viên Việt Nam tại Anh để nhận tiền vào tài khoản ngân hàng của họ. Số tiền này sau đó được chuyển cho các công dân Việt Nam tại Anh đang điều hành các doanh nghiệp xuất khẩu quần áo về Việt Nam.

Theo Đơn vị Điều tra Đặc biệt Khu vực Miền Đông (ERSOU), nơi đã phát hiện ra băng nhóm, một phần tiền được rửa qua các tiệm làm móng.

Tiền bất chính được thu về từ các hoạt động phạm pháp như việc đưa lậu người Việt từ Pháp vào Anh. Mỗi người Việt từ Pháp vào Anh lậu như vậy phải trả một khoản tiền từ 7.000 đến 11.500 bảng.

Những người này sau đó được chuyển đến làm ở những cơ sở trồng cần sa trái phép.

Cảnh sát ra lệnh bắt những nghi phạm tại nhiều địa điểm ở Birmingham, Cambridgeshire, Essex, Leicester, London và Wales.

Một trong những người bị bắt được xác định đã nhận người lao động phục vụ cho hoạt động trồng cần sa của mình là Gerldo Baci. Người này bị kết án tù 16 tháng với cáo buộc sở hữu với ý định cung cấp cần sa, sở hữu tài sản phạm pháp.

Bốn người Việt Nam khác bị kết án gồm: My Ha Do, 31 tuổi, ở London; Hanh Tuyet Nguyen, 43 tuổi, ở Shropshire; Thi Phuong Huyen Phan, 35 tuổi, ở London; Ly Thi Hoai Pham, 53 tuổi, không có địa chỉ cố định.

Những người này bị kết án tù lần lượt là: ba năm tù, hai năm tù, 18 tháng tù, 18 tháng tù treo.

Tags: , , , ,

Comments are closed.