Thời sự Thứ Hai 05/12/2022: TQ nới lỏng hạn chế Covid; Việt Nam, Hàn Quốc đối tác chiến lược toàn diện; Tòa Tối cao Mỹ về quyền đồng tính;
Võ Thái Hà tổng hợp
Các thành phố của Trung Quốc nới lỏng các hạn chế Covid sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc
Financial Times – Cù Tuấn, dịch – 4-12-2022
Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận sự bất mãn của công chúng với việc phong tỏa, trong cuộc họp kín với các quan chức EU.
Các thành phố của Trung Quốc đã đẩy nhanh việc nới lỏng các hạn chế Zero-Covid vào cuối tuần qua, tạo ra kỳ vọng rằng Bắc Kinh có thể từ bỏ chính sách đại dịch đã khiến đất nước này bị cô lập trong gần ba năm và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Một số thành phố của Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát, ngay cả khi Covid vẫn tiếp tục lây lan. Trung Quốc báo cáo 31.824 ca nhiễm trong ngày 3/12, giảm nhẹ so với ngày trước đó, do các yêu cầu xét nghiệm đã giảm.
Thâm Quyến và Thượng Hải đã loại bỏ yêu cầu người đi làm phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR để di chuyển trên phương tiện giao thông công cộng, sau động thái tương tự của Thiên Tân, Thành Đô và Trùng Khánh. Một số khu chung cư ở Bắc Kinh đã chỉ ra cho cư dân vào cuối tuần rằng, nếu họ có kết quả xét nghiệm dương tính, họ có thể cách ly tại nhà thay vì tại cơ sở cách ly tập trung, đánh dấu sự nới lỏng đáng kể các biện pháp hạn chế.
Cơ quan lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ bộ chính trị, đã không đưa ra thông báo chính thức về lập trường của họ đối với việc nới lỏng các hạn chế. Mặc dù vậy, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dường như đang chỉ đạo sự thay đổi chính sách, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Trong cuộc họp kín với các quan chức châu Âu hôm 1/12, ông Tập thừa nhận các cuộc biểu tình đã làm rúng động các thành phố trên khắp đất nước vào cuối tuần trước, theo hai quan chức châu Âu.
Ông Tập nói với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, rằng các sinh viên “bực bội” đã thúc đẩy các cuộc biểu tình sau ba năm áp dụng chính sách Zero Covid. Nội dung cuộc gặp giữa ông Tập và ông Michel lần đầu tiên được South China Morning Post đưa tin.
Sự tức giận gia tăng đối với các hạn chế Zero Covid của Trung Quốc đã lan rộng thành làn sóng bất bình trên toàn quốc vào cuối tuần trước, khi cư dân ở các thành phố bao gồm Thượng Hải và Vũ Hán xuống đường. Một vụ hỏa hoạn ở Urumqi, trong đó 10 người chết, đã trở thành tâm điểm cho sự tức giận lan rộng đối với cái giá phải trả về nhân mạng của chính sách này.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói thêm rằng, chủng Omicron hiện đang gây ra đợt bùng phát trên toàn quốc, ít gây chết người hơn so với các biến thể trước đó, nhưng các quan chức lo lắng về tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người già. Bắc Kinh hiện đang cố gắng khởi động lại chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ một cách muộn màng.
Chỉ khoảng 40% người từ 80 tuổi trở lên đã tiêm đủ 3 mũi, số liều cần thiết đối với vắc xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc để đạt được mức độ bảo vệ cao, chống lại biến thể Omicron.
Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã thực hiện một cách tiếp cận bảo thủ hơn so với các thành phố khác. Hầu hết các nhà hàng và quán bar đều đóng cửa, và yêu cầu xét nghiệm 48 giờ đối với công nhân khi vào các tòa nhà văn phòng vẫn được duy trì.
Các nhà kinh tế đang cảnh báo rằng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phục hồi nhanh chóng ngay cả khi các quan chức đẩy nhanh các biện pháp mở cửa đất nước. Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại công ty nghiên cứu Natixis, cho biết “Trung Quốc chắc chắn sẽ chỉ tăng trưởng bằng một nửa so với những gì chính phủ nước này đã đề ra cho năm 2022” – với mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến là 5,5%.
Bà cho biết, “các yếu tố đằng sau sự giảm tốc cấu trúc của Trung Quốc vẫn còn nguyên vẹn”, bao gồm khủng hoảng bất động sản, dân số già và năng suất lao động giảm, những yếu tố sẽ tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế của Trung Quốc ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ.
Lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của châu Âu bắt đầu có hiệu lực
Lệnh cấm của EU đối với dầu thô đi bằng đường biển của Nga sẽ có hiệu lực từ thứ Hai tuần này. Đồng thời, một kế hoạch phức tạp khác nhằm điều chỉnh thị trường năng lượng đã được thống nhất, với mục tiêu cắt triệt để dòng đô la dầu mỏ đang tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trong khi vẫn tránh được cú sốc giá dầu toàn cầu.
Các nhà cung cấp tàu chở dầu và bảo hiểm ở châu Âu (bao gồm cả Anh) sẽ bị cấm hợp tác với mọi tàu chở dầu thô từ Nga đến các nước ngoài EU. Để đảm bảo lệnh cấm không làm giảm xuất khẩu của Nga và gây ra cú sốc giá dầu, Mỹ đề xuất rằng các dịch vụ trên vẫn có thể được cung cấp cho những nước ngoài EU miễn là họ mua dầu đi bằng đường biển của Nga dưới mức giá trần đã thỏa thuận. Sau nhiều tháng tranh cãi, hôm thứ Sáu, G7, Australia và EU đã đồng ý áp giá trần 60 USD/thùng. Nhưng với việc Nga từ chối tuân thủ, còn quá sớm để phương Tây tuyên bố chiến thắng.
EU-Mỹ tranh luận về đạo luật kinh tế xanh
Châu Âu từ lâu đã thúc giục Mỹ làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dù Mỹ đã có những tiến bộ gần đây, EU vẫn chưa hài lòng. Khối này lo ngại tổng thống Joe Biden đang theo cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” thay vì ưu tiên khí hậu. Đạo luật Giảm Lạm phát, chính sách nổi bật bậc nhất của ông Biden, đưa ra các ưu đãi xanh trị giá 400 tỷ đô la, nhưng cũng bao gồm trợ cấp bảo hộ cho các sản phẩm chính như ô tô điện. Cuộc họp vào thứ Hai ở Washington giữa EU và chính quyền Biden sẽ cho thấy những chỉ dấu ban đầu về cách hai bên giải quyết tranh chấp.
Luật này quy định ngoại lệ chỉ có thể được áp dụng cho các quốc gia mà Mỹ có hiệp định thương mại tự do, trong đó không bao gồm EU. Vào Chủ nhật, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo EU phải “điều chỉnh” các quy tắc viện trợ nhà nước để đối phó các khoản trợ cấp xanh của Mỹ. Rõ ràng không phải là dấu hiệu tốt để mở đầu cuộc họp.
Trung Quốc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc để kích thích kinh tế
Vào thứ Hai, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ giải phóng 500 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ đô la) nguồn tiền cho vay bằng cách giảm 25 điểm cơ bản đối với tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Trong những năm gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thường xuyên cắt giảm dự trữ bắt buộc để khuyến khích cho vay nhiều hơn. Câu hỏi khó hơn là nhu cầu sẽ đến từ đâu trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Các hạn chế covid đã gây ra bất an lớn cho các công ty. Nhiều khoản đầu tư nhà máy hoặc cửa hàng mới đã bị cắt khỏi kế hoạch. Hồi tháng 10, tổng vay mới thậm chỉ giảm còn 615 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn 211 tỷ nhân dân tệ so với năm ngoái.
Đây là điều đáng lo ngại đối với chính phủ, nhất là vì họ muốn thấy các công ty mở rộng hoạt động và xây dựng nhà máy. Cho đến khi Trung Quốc khắc phục được vấn đề covid của mình, giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc sẽ không có nhiều tác dụng.
Tòa Tối cao Mỹ xử vụ kiện về quyền đồng tính
Bốn năm sau khi bỏ qua mấu chốt của vụ kiện giữa một cặp đồng tính nam và một người thợ làm bánh theo đạo Kitô, người đã từ chối làm bánh cưới cho họ, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đang xem xét một vụ kiện khác cũng về chủ đề này. Vào thứ Hai, các thẩm phán sẽ xem xét vụ 303 Creative kiện Elenis. Câu hỏi đặt ra là: Tu Chính án thứ Nhất có cho phép một nhà thiết kế web từ chối tạo trang web cho đám cưới đồng tính nam vì lý do niềm tin của cô không cho phép hay không?
Lorie Smith, nhà thiết kế trên, cho biết “quyền tự do thiêng liêng trong suy nghĩ và tâm trí” không cho phép bang Colorado được buộc cô phải tạo ra những thông điệp mâu thuẫn với niềm tin của mình. Đáp lại, đại diện bang phản bác rằng luật chỉ yêu cầu bà Smith cung cấp dịch vụ tương tự cho khách hàng đồng tính như mọi khách hàng khác. Trong phần tranh luận, cô có thể khẳng định chỉ bán những trang web có chứa “các đoạn Kinh thánh nói rằng hôn nhân là sự kết hợp một nam một nữ” miễn là cô bán chúng “cho tất cả mọi người.” Câu hỏi hóc búa trong cuộc chiến văn hóa của Mỹ lại được đem ra: nếu một doanh nghiệp được quyền từ chối phục vụ đám cưới đồng tính, thì tại sao họ lại không thể từ chối phục vụ đám cưới khác chủng tộc.
New Zealand khởi động cuộc điều tra về việc xử lý đại dịch COVID-19 – 05/12/2022
New Zealand đang thành lập một ủy ban điều tra hoàng gia về việc xử lý đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết kết quả của cuộc điều tra sẽ giúp các chính phủ trong tương lai chuẩn bị cho những tình huống tương tự.
Thủ tướng cho biết hôm 5/12: “Chúng tôi không có sách vở nào để áp dụng quản lý COVID-19, nhưng với tư cách là một quốc gia, chúng tôi đã đoàn kết một cách phi thường và chúng tôi đã cứu được nhiều người”.
Bà Ardern cho biết hôm 5/12 rằng đại dịch COVID-19 “là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe của người dân New Zealand và nền kinh tế của chúng ta kể từ Thế chiến II.”
New Zealand được báo trước rộng rãi về các bước mà họ đã thực hiện dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm COVID thấp. Tuy nhiên, một số cư dân New Zealand ở ngoài nước khi đại dịch xảy ra nhận thấy rằng họ gặp khó khăn khi về nước.
Bà Ardern cho biết: “New Zealand có ít ca bệnh, số ca nhập viện và số ca tử vong cũng ít hơn gần như bất kỳ quốc gia nào khác trong hai năm đầu tiên xảy ra đại dịch nhưng chắc chắn đã có tác động rất lớn đối với người dân New Zealand cả ở trong nước và nước ngoài”.
Cuộc điều tra sẽ bắt đầu vào đầu năm tới và sẽ được dẫn dắt bởi nhà dịch tễ học Tony Blakely.
Việt Nam, Hàn Quốc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện – 05/12/2022
Hai nguyên thủ của Hàn Quốc và Việt Nam họp thượng đỉnh ở Seoul hôm thứ Hai 5/12 và nhất trí nâng tầm mối quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, hãng thông tấn Yonhap và tờ The Korea Times loan tin.
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc từ hôm 4/12 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Phúc là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Hàn Quốc kể từ khi ông Yoon Suk-yeol trở thành tổng thống nước chủ nhà hôm 10/5.
Hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường hợp tác giữa hai nước về chiến lược, an ninh, công nghiệp và chuỗi cung, Yonhap và The Korea Times tường thuật.
Vẫn theo hai cơ quan báo chí Hàn Quốc, trong một cuộc họp báo sau khi họp thượng đỉnh với Chủ tịch Phúc, Tổng thống Yoon phát biểu rằng trong 30 năm qua, hai nước Hàn Quốc và Việt Nam đã tạo nên một trường hợp mẫu mực về quan hệ song phương hợp tác và cùng có lợi, với tiến bộ to lớn trong hợp tác thương mại và đầu tư.
“Trên cơ sở những thành tựu này, chúng tôi muốn mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Hàn-Việt thông qua thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, Tổng thống Yoon nói thêm.
Với quyết định mới nhất này, Việt Nam giờ đây có thêm một đối tác chiến lược toàn diện, bên cạnh đúng ba nước khác là Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
(VOA đang tiếp tục cập nhật các chi tiết.)
Phi hành gia Trung Quốc trở về trái đất sau sứ mệnh ‘thành công’ kéo dài 6 tháng – 05/12/2022
Ba phi hành gia Trung Quốc hạ cánh trở lại trái đất hôm 4/12 từ tàu vũ trụ Thần Châu-14, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin, kết thúc sứ mệnh kéo dài sáu tháng trên trạm vũ trụ của Trung Quốc, theo Reuters.
Ba phi hành gia – chỉ huy Chen Dong và các đồng đội Liu Yang và Cai Xuzhe – những người đã giám sát giai đoạn xây dựng cuối cùng, then chốt tại trạm vũ trụ, được hoàn thành vào tháng 11, tất cả đều cho biết họ cảm thấy khỏe mạnh sau khi hạ cánh trong bản ghi âm được phát sóng trên đài CCTV.
Tàu vũ trụ này hạ cánh xuống địa điểm Đông Phong ở khu tự trị Nội Mông phía bắc Trung Quốc lúc 8:09 tối giờ địa phương với các nhân viên từ cơ quan vũ trụ tuyên bố toàn bộ nhiệm vụ, bắt đầu vào ngày 5/6, là một “thành công hoàn toàn”, CCTV đưa tin.
Nhân viên tại bãi đáp lần lượt khiêng phi hành đoàn trông có vẻ mệt mỏi và đài CCTV đưa tin cả ba người đã ra khỏi tàu an toàn vào lúc 9 giờ hơn.
Hôm 30/11, một phi hành đoàn mới gồm ba phi hành gia Trung Quốc đã đến trạm vũ trụ trên tàu Thần Châu-15 để thay thế nhóm này.
Trạm vũ trụ này cho thấy một cột mốc quan trọng trong chương trình không gian có người lái kéo dài ba thập kỷ của Trung Quốc, lần đầu tiên được phê duyệt vào năm 1992. Trạm này cũng đánh dấu sự khởi đầu cho việc cư trú lâu dài của Trung Quốc trong không gian.
Việc xây dựng trạm không gian này bắt đầu vào tháng 4 năm ngoái với việc ra mắt mô-đun đầu tiên và lớn nhất trong số ba mô-đun của trạm, Thiên Hà, là khu sinh hoạt của các phi hành gia.