Thời sự Thứ Tư 25/10/2023: *BT Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc bị cách chức *Ngoại giao hàng đầu TQ gặp Blinken và Sullivan ở Hoa Thịnh Đốn *Pháp đề nghị liên minh quốc tế chống lại Hamas *Cản bước của Sáng kiến Vành đai và Con đường *Philippines và Trung Quốc đang trên đà xung đột?


Võ Thái Hà tổng hợp


Lý Thượng Phúc: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc bị cách chức

Tác giả, George Wright BBC News

25/10/2023

Ông Lý Thượng Phúc chỉ mới đảm nhận công việc này từ tháng 3 năm nay

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Lý Thượng Phúc chỉ mới đảm nhận công việc này từ tháng 3 năm nay

Trung Quốc đã chính thức bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, hai tháng sau khi ông không xuất hiện trước công chúng.

Không có lời giải thích nào được đưa ra về việc bãi nhiệm cũng như không có công bố nào về nhân vật sẽ thay thế ông Lý.

Việc cách chức ông Lý diễn ra sau khi một số quan chức quân sự cấp cao gần đây bị bãi nhiệm, trong đó có Tần Cương – người đã bị tước bỏ chức vụ Ngoại trưởng vào tháng 7.

Ông Tần và ông Lý cũng bị loại khỏi các vị trí trong Hội đồng Nhà nước, Bộ quốc gia vào hôm 24/10.

Các nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã phê chuẩn việc bãi nhiệm cả hai quan chức này, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.

Việc cách chức ông Lý khiến vị trí Bộ Trưởng Quốc phòng của Trung Quốc bị bỏ trống khi nước này chuẩn bị tiếp đón các quan chức quốc phòng nước ngoài tới Bắc Kinh trong tuần này.

Reuters đưa tin vào tháng trước rằng ông Lý đang bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng liên quan đến việc mua sắm và phát triển các thiết bị quốc phòng.

Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là vào ngày 29/8 tại, tại diễn đàn an ninh với các quốc gia châu Phi tại Bắc Kinh. Ông mới đảm nhiệm chức vụ này hồi tháng 3/2023.

Là một kỹ sư hàng không vũ trụ và bắt đầu sự nghiệp của mình tại một trung tâm phóng vệ tinh và tên lửa, Tướng Lý đã thăng tiến như diều gặp gió trong hàng ngũ quân đội và chính trường tinh hoa chính trị Trung Quốc.

Năm 2018, khi đứng đầu Bộ Phát triển Trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì mua máy bay chiến đấu và vũ khí của Nga.

Các biện pháp trừng phạt được cho là điểm trở ngại đối với Tướng Lý, người đã từ chối gặp người đồng cấp Mỹ, Lloyd Austin tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng ở Singapore hồi đầu năm nay.

Ông Tần Cương chính thức bị bãi nhiệm vào tháng 7/2023

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Tần Cương chính thức bị bãi nhiệm vào tháng 7/2023

Ông Lý được cho là người được Chủ tịch Tập Cận Bình ưa thích, giống như ông Tần, nhân vật hiện đã bị tước bỏ chức vụ chính phủ cuối cùng của mình.

Vào tháng 7/2023, ông Tần bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc chỉ sau 7 tháng đảm nhiệm chức vụ.

Không có lý do nào được đưa ra cho việc cách chức ông Tần nhưng tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin nói rằng ông có quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân khi còn giữ chức vụ đại sứ tại Mỹ.

Ngay sau đó, hai lãnh đạo của một đơn vị tinh nhuệ quản lý kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã bị thay thế, gây ra đồn đoán về một cuộc thanh trừng.

Tướng Lý Ngọc Siêu, Tư lệnh đơn vị Lực lượng Tên lửa của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và cấp phó của ông đã “biến mất” nhiều tháng trước khi việc bãi nhiệm họ được công bố.


Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc gặp ông Blinken và ông Sullivan ở Hoa Thịnh Đốn 

Jill McLaughlin 

Thứ tư, 25/10/2023 

Tuệ Chân lược dịch

Bản tin có sự đóng góp của Associated Press và Reuters.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra chỉ bốn tháng sau khi ông Blinken tới Trung Quốc, đó là chuyến đi mà một thành viên Đảng Cộng Hòa từng mô tả là chứa đầy ‘những thất bại hiển nhiên.’ 

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc gặp ông Blinken và ông Sullivan ở Hoa Thịnh Đốn

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo trong Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh hôm 18/10/2023. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images) 

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc sẽ tới Hoa Thịnh Đốn trong chuyến thăm ba ngày vào tuần này, chuyến thăm là một phần trong nỗ lực liên tục của chính phủ Tổng thống (TT) Biden nhằm hợp tác ngoại giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Hôm thứ Hai (23/10) các quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden cho biết, vào ngày thứ Năm (26/10) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến Hoa Thịnh Đốn, nơi ông có các cuộc họp với Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan. Họ không xác nhận liệu nhà ngoại giao Trung Quốc này có gặp Tổng thống Joe Biden hay không. 

‘Những thách thức’

Chiều hôm thứ Ba (24/10), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) đã xác nhận chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Vương. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, bà Mao cho biết hai bên sẽ có “những trao đổi sâu sắc” về các vấn đề quốc tế và khu vực mà cả hai cùng quan tâm. 

Ông Blinken và ông Vương sẽ “thảo luận về một loạt các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố, đồng thời tuyên bố thêm, “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp ngoại giao để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ, giải quyết các bất đồng, và đạt được những tiến bộ trong những thách thức xuyên quốc gia chung.” 

Các quan chức cao cấp của chính phủ cho biết, các quan chức Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy Bắc Kinh đóng góp tích cực hơn ở Trung Đông, đồng thời nói thêm rằng việc thiết lập lại mối quan hệ quân sự giữa hai nước sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ. 

Theo những quan chức này, các cuộc chiến tranh Nga-Ukraine và Israel-Hamas sẽ là một trong những chủ đề thảo luận trong chuyến thăm của ông Vương. 

“Chúng tôi luôn tin rằng phương thức ngoại giao gặp mặt trực tiếp là cách tốt nhất để nêu ra các vấn đề thách thức, giải quyết những hiểu lầm và bất đồng trong giao tiếp, đồng thời tìm cách hợp tác với Trung Quốc ở những lĩnh vực mà cả hai cùng có lợi,” một quan chức cao cấp của chính phủ thông báo ngắn gọn về chuyến thăm của ông Vương cho các phóng viên với điều kiện ẩn danh. 

Chuyến thăm ba ngày của ông Vương diễn ra chỉ vài tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, tại đó Tổng thống Biden và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có thể sẽ gặp nhau. Cuộc gặp mặt trực tiếp của họ diễn ra hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022) bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.

Các quan chức cao cấp nói trên đã không tiết lộ liệu chuyến thăm của ông Vương có trải đường cho cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh APEC hay không. Mặc dù vậy, họ mô tả chuyến thăm của ông Vương là một phản hồi “có qua có lại” trước chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Sáu của ông Bliken.


Tổng thống Pháp đề nghị liên minh quốc tế chống lại Hamas 

25/10/2023 

Reuters 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức họp báo chung tại Jerusalem, ngày 24/10/2023.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức họp báo chung tại Jerusalem, ngày 24/10/2023. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/10 đề nghị liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria nên mở rộng phạm vi để bao gồm cuộc chiến chống lại nhóm hiếu chiến Hamas người Palestine ở Gaza.

Ông Macron không đưa ra thông tin chi tiết về phương cách liên minh do Mỹ dẫn đầu gồm hàng chục quốc gia, trong đó Israel không phải là thành viên, có thể tham gia. Tuy nhiên, các cố vấn của ông nói rằng sự tham gia của liên minh không nhất thiết có nghĩa là phải triển khai trên bộ mà có thể bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo.

Phát biểu cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ông Macron nhấn mạnh rằng Pháp và Israel chia sẻ chủ nghĩa khủng bố là “kẻ thù chung” của họ.

Ông nói với các phóng viên: “Pháp sẵn sàng tham gia liên minh quốc tế chống Daesh, trong đó chúng tôi đang tham gia các hoạt động ở Iraq và Syria để chiến đấu chống lại Hamas”.

Ông Macron, người đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột khu vực, cũng cho biết cuộc chiến chống lại Hamas “không khoan nhượng nhưng không phải không có luật lệ”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không bình luận trực tiếp về đề nghị của ông Macron nhưng cho biết đây là cuộc chiến giữa “trục ma quỷ” và “thế giới tự do”.

Ông nói: “Trận chiến này không chỉ của riêng chúng tôi… mà là trận chiến của tất cả mọi người”.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo được thành lập vào tháng 9 năm 2014.

Văn phòng của ông Macron cho biết ý tưởng này nhằm lấy cảm hứng từ liên minh và Pháp sẵn sàng thảo luận với Israel và các đối tác về những biện pháp có thể liên quan đến việc chống lại Hamas.

“Liên minh quốc tế chống Daesh không chỉ giới hạn ở các hoạt động trên thực địa mà còn tham gia vào việc huấn luyện lực lượng Iraq, chia sẻ thông tin giữa các đối tác và cuộc chiến chống tài trợ khủng bố”, văn phòng Tổng thống Pháp cho biết.

Cẩn thận để đạt được sự cân bằng, ông Macron cũng đã gặp nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây, nơi ông nói rằng cuộc tấn công của Hamas không chỉ gây đau thương cho Israel mà còn là một thảm họa đối với người dân Palestine.

“Một mạng sống của người Palestine đáng giá một mạng sống của người Pháp, một mạng sống của người Israel”, ông Macron nói, đồng thời nhắc lại sự cần thiết phải có giải pháp hai nhà nước mà ông nói là cần thiết để người Palestine không đi theo “ảo ảnh của các nhóm khủng bố cực đoan nhất”.

Ông Abbas, người cho rằng tiếng nói của Pháp được tôn trọng trong khu vực, đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức “sự xâm lược” ở Gaza và bảo vệ người Palestine.

Tuy nhiên, một số người biểu tình đã xuống đường Ramallah để biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Macron và đốt ảnh của ông. “Macron, hãy ngừng ủng hộ Israel”, một trong những biểu ngữ viết.

Ba mươi công dân Pháp đã bị các phần tử hiếu chiến Hamas sát hại trong cuộc tấn công vào miền nam Israel hôm 7/10 mà trong đó có hơn 200 người bị bắt giữ và 1.400 người thiệt mạng. Bộ Y tế Palestine cho biết các cuộc không kích trả đũa của Israel vào Gaza đã giết chết hơn 5.000 người kể từ đó.

Tổng thống Pháp, người đã gặp gia đình các nạn nhân người Pháp tại sân bay Tel Aviv, cho biết việc giải thoát 9 con tin người Pháp là ưu tiên hàng đầu của Pháp.


Cản phá bước tiếp theo của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc 

Michael Wilkerson 

Thứ tư, 25/10/2023 – Yến Nhi biên dịch

Cản phá bước tiếp theo của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba về Hợp tác Quốc tế tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 18/10/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images). 

Hoa Kỳ cần phải nghiêm túc đối mặt với mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và công cụ địa chính trị chính của chính quyền này là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây ra. 

Tuần này, Trung Quốc tổ chức hội nghị quốc tế lần thứ ba tập trung vào BRI, một chương trình phát triển do ĐCSTQ và Chủ tịch Tập Cận Bình ra mắt vào năm 2013. Ông Tập sẽ chủ trì sự kiện này, vốn đánh dấu kỷ niệm 10 năm BRI. Vị khách đáng chú ý nhất của diễn đàn là Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã ngồi chung bục với ông Tập tại lễ khai mạc. 

Bề ngoài là một sáng kiến nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và khôi phục các liên kết thương mại dọc theo Con đường Tơ lụa cũ, nhưng về căn bản, BRI là sự phản ánh tham vọng và sức mạnh kinh tế, công nghiệp và quân sự của Trung Quốc. BRI là một công cụ địa chính trị của Trung Quốc, và cho đến nay công cụ này đã phát huy hiệu quả trong việc tái tạo trật tự thế giới mới theo ý tưởng của Bắc Kinh. 

Khoảng 150 quốc gia đã ký kết nhiều hình thức thỏa thuận khác nhau, dưới sự bảo trợ của BRI. Lưu ý mong muốn mở rộng hòa bình và thịnh vượng toàn cầu của mình, Bắc Kinh tán dương việc đầu tư hơn 1 ngàn tỷ USD vào các dự án của BRI. Hầu hết khoản đầu tư này tập trung vào năng lượng, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng tiếp vận, khai thác mỏ và hàng hóa. Điều không được nhắc tới là sự thi hành mạnh mẽ của ĐCSTQ, với tầm ảnh hưởng vươn đến tận các nguyên thủ quốc gia và các thế lực khác ở mỗi quốc gia tham gia vào sáng kiến. Ngoài ra, BRI còn có sự hợp tác quân sự và các thỏa thuận an ninh khác với nhiều quốc gia tham gia BRI. 

Do phần lớn khoản đầu tư của BRI đi kèm với các điều khoản ép buộc, và thường ở dạng nợ, nên các quốc gia đi vay ở châu Phi và các nơi khác đã bắt đầu phản đối bản chất gây hấn của BRI, lợi ích không cân xứng cho Trung Quốc, và triển vọng nợ nần do BRI gây ra. Về phần mình, Trung Quốc hiện phải chấp nhận thực tế là nhiều khoản đầu tư được thực hiện trong thập niên qua là phi thương mại và sẽ không thu được lợi nhuận. Điều này có thể quản lý được ở quy mô nhỏ, nhưng khi tổng số tiền bắt đầu lên tới hàng ngàn tỷ dollar, thì ngay cả kho bạc lớn của Trung Quốc cũng phải chú ý và thận trọng. Điều này càng đúng hơn khi nền kinh tế trong nước của Trung Quốc đang suy thoái và nợ xấu ngày càng gia tăng. 

Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của diễn đàn BRI năm nay là tầm quan trọng chính yếu của mối bang giao giữa Trung Quốc và Nga. Ngày đầu tiên gồm một cuộc họp kéo dài hơn ba giờ giữa ông Tập và ông Putin bên lề diễn đàn, để thảo luận về một số vấn đề nhạy cảm giữa hai bên. Các chủ đề bao gồm các cuộc xung đột ở Ukraine, Israel, và khu vực châu Phi nói tiếng Pháp, cũng như các vấn đề thương mại, như thăm dò và phát triển Bắc Cực, một khu vực tranh chấp lâu nay giữa các quốc gia. 

Mặc dù chắc chắn không phải là một đối tác bình đẳng, nhưng Nga đã trở thành đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc trong BRI, và ván cờ địa chính trị rộng lớn hơn đang được chơi trên toàn cầu. Nga, về căn bản đang trong một cuộc chiến ủy nhiệm với Hoa Kỳ và NATO, giờ đây cần đến Trung Quốc hơn bao giờ hết. 

Là một công cụ địa chính trị, mục tiêu chính của BRI là tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc đồng thời ngăn chặn và cuối cùng làm giảm quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Là một phần của sáng kiến này, Trung Quốc không chỉ sử dụng sức mạnh kinh tế mà còn cả quyền lực mềm của mình để thuyết phục các quốc gia “Global South” ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á, hướng tới các chính sách thân thiện với ĐCSTQ. 

Về phía mình, Hoa Kỳ vừa chậm chạp vừa kém hiệu quả trong việc ứng phó với thách thức do chính quyền Trung Quốc và BRI đặt ra. Hoa Kỳ đã không nhìn nhận mối đe dọa này một cách nghiêm túc, và kết quả là ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới tiếp tục gia tăng. 

Hoa Kỳ tỏ ra kém cỏi khi đối đầu với BRI một phần vì quốc gia này không sẵn lòng hoặc không thể ngăn cản đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi và các nơi khác. Quyền lực mềm của Hoa Kỳ — khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục thay vì ép buộc — đã bị suy yếu do sự thiếu chú ý, một sự thay đổi trong hệ thống giá trị theo hướng “Wokism” (Chủ nghĩa thức tỉnh), một hệ tư tưởng không được lan truyền rộng rãi ở hầu hết các nơi trên thế giới — và lạm dụng các công cụ quyền lực cứng của mình, trong đó có các biện pháp trừng phạt kinh tế. 

Không giống như trong Chiến tranh Lạnh vốn áp dụng một cách tiếp cận rộng hơn, ngày nay, Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào các quyền lực cứng mang tính ép buộc, và đã sao nhãng các quyền lực mềm của mình. Cả hai đều cần thiết, nhưng quyền lực mềm có thể có tiềm năng lớn hơn để tạo ra ảnh hưởng chính trị cũng như văn hóa lâu dài và thực chất. Như Hoa Kỳ gần đây đã được nhắc nhở, việc chỉ phụ thuộc vào quyền lực cứng là không hiệu quả. Quyền lực cứng, bất luận là quân sự hay kinh tế, đều là những công cụ cần thiết nhưng chưa đủ để tạo ra ảnh hưởng địa chính trị bền vững. 

Nếu Hoa Kỳ nghiêm túc trong việc chống lại mối đe dọa mà ĐCSTQ đặt ra đối với tự do và dân chủ, thì Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi đáng kể các ưu tiên của mình liên quan đến phát triển kinh tế. BRI cung cấp một bộ các quy định, nhưng lịch sử của Hoa Kỳ từ thời hậu chiến cũng đã làm như vậy. 

Cam kết của Hoa Kỳ trong việc đẩy lùi BRI sẽ đòi hỏi phải có sự thay đổi trong các ưu tiên, không phải là các nhu cầu cạnh tranh, như Ukraine, sự trợ giúp của NATO, Thỏa thuận Xanh mới, và nhiều trụ cột cốt lõi của “Bidenomics” (Các chính sách kinh tế của ông Biden). Điều này gần như bất khả thi chừng nào vòng luẩn quẩn thâm hụt-nợ-lạm phát vẫn tiếp tục di chuyển theo hình xoắn ốc. Và điều đó chắc chắn là không thể khi cả Tòa Bạch Ốc lẫn Quốc hội Hoa Kỳ vẫn đang tê liệt và kém hiệu quả.


Thách thức đối diện chiến dịch “Hồng Kông hạnh phúc”

Trưởng đặc khu John Lee của Hồng Kông sẽ có bài phát biểu chính sách hàng năm của ông vào thứ Tư. Ông sẽ tập trung vào hai chủ đề: “đoàn kết” và nền kinh tế. Ông Lee muốn người Hồng Kông vui vẻ hơn, và đã phát động một chiến dịch hồi tháng 4 mang tên “Hồng Kông hạnh phúc,” bao gồm việc tổ chức các sự kiện như lễ hội hóa trang nhằm xóa bỏ nhận thức về thành phố này như một nơi biểu tình, đàn áp và cô lập vì covid.

Nhưng ý niệm của chính quyền ông về hoà hợp cũng liên quan đến việc giam giữ nhiều chính trị gia đối lập và áp dụng luật an ninh quốc gia hà khắc. Ngay sau khi chiến dịch “Hạnh phúc” được phát động, chính phủ đã treo giải thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (128.000 USD) cho ai cung cấp được thông tin về 8 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đang trốn ở nước ngoài, trong đó có một công dân Úc.

Trong khi đó, nền kinh tế Hồng Kông đã suy giảm 3 trong 4 năm qua. Nó sẽ tăng trưởng phần nào trong năm nay, nhưng bị hạn chế bởi thị trường nhà ở yếu kém và các vấn đề kinh tế ở đại lục. Thị trường lao động cũng phải thay thế hàng loạt nhân công đã rời bỏ quê hương trong bốn năm qua.


Meta công bố kết quả quý

Vào thứ Tư, Meta, công ty mẹ của Facebook, sẽ báo cáo kết quả quý. Cho đến nay công ty này đã có một năm tốt đẹp, khi giá cổ phiếu tăng hơn 160%, cao hơn bất kỳ công ty công nghệ lớn nào khác. Nhưng điều đó một phần là do cổ phiếu Meta rớt giá sâu trong năm 2022 so với các đối thủ.

Từ tháng 9 năm 2021 đến tháng 11 năm 2022, giá trị thị trường chứng khoán của Meta đã giảm 3/4 do doanh thu quảng cáo giảm. Nhưng từ quý 2 năm nay, doanh số bán quảng cáo đã bắt đầu phục hồi, tăng 12% lên 31 tỷ USD trong ba tháng tính đến tháng 7. Giá cổ phiếu của Meta cũng được hưởng lợi nhờ công ty cắt giảm chi phí.

Nhà đầu tư sẽ cố gắng đánh giá các sản phẩm hỗ trợ trí tuệ nhân tạo mới của Meta, bao gồm trợ lý AI và nhãn dán kỹ thuật số tạo ra bằng văn bản (các loại biểu tượng cảm xúc). Việc vận hành AI rất tốn kém nhưng Meta hy vọng những tính năng này sẽ tạo ra nhiều sự tương tác hơn giữa người dùng – và do đó là nhiều doanh thu quảng cáo hơn. Nếu ván bài AI của Meta là đúng, công ty có thể tăng vọt trở lại. Nếu không giá cổ phiếu của họ sẽ lại đi xuống.


Gia đình các con tin gây áp lực lên chính phủ Israel

Hamas cho đến nay đã thả 4 con tin bị họ bắt cóc khi tấn công Israel vào ngày 7/10. Người Mỹ là bên tiến hành đàm phán, thông qua trung gian là Qatar, một nhà bảo trợ của Hamas. Gia đình các con tin được giải thoát cảm thấy nhẹ nhõm đan xen với sự ái ngại cho 220 con tin vẫn còn ở Gaza – cũng như tức giận vì chính phủ Israel không tham gia nhiều hơn vào tiến trình đàm phán.

Người thân đã tự mình giải quyết vấn đề, bằng cách thành lập một trụ sở chính ở Tel Aviv với hàng trăm tình nguyện viên. Những người từng là nhà ngoại giao đang tìm cách liên lạc với các chính phủ nước ngoài, trong khi các cựu giám đốc tình báo Israel đóng vai trò đàm phán. Các công ty công nghệ Israel đã xem xét hàng nghìn giờ video trên mạng xã hội để tìm bất kỳ dấu hiệu nào của con tin.

Áp lực từ các gia đình đã buộc chính phủ, vốn ban đầu có ý định tiến vào Gaza mà không quan tâm đến sự an toàn của các con tin, phải tuyên bố giải cứu con tin là “ưu tiên hàng đầu.” Các gia đình cảnh báo nếu điều đó không xảy ra, họ sẽ biểu tình trên đường phố.


Tình hình kinh doanh của Deutsche Bank 

Lãi suất tăng là tin tốt cho các ngân hàng châu Âu, nhờ biên lãi ròng cao bù đắp cho hoạt động ngân hàng đầu tư yếu kém. Vào thứ Tư, Deutsche Bank sẽ báo cáo thu nhập quý mới nhất. Sau khi báo lỗ lớn vào năm 2019, ngân hàng Đức đã tái cơ cấu và tránh được thua lỗ trong mọi quý kể từ nửa cuối năm 2020.

Các nhà đầu tư sẽ tự hỏi liệu ngân hàng có thể tiếp tục hưởng lợi từ lãi suất cao hay không khi nền kinh tế chậm lại và tình trạng vỡ nợ của các công ty gia tăng. Bộ phận ngân hàng đầu tư của Deutsche Bank cũng đang được chú ý. Biến động thị trường giảm đi đã làm giảm doanh thu giao dịch giữa các ngân hàng đầu tư châu Âu, trong khi thu nhập từ phí tư vấn cũng sụt giảm khi các công ty hạn chế hoạt động M&A. Deutsche Bank cho tới nay đối phó với những vấn đề này tốt hơn so với một số đối thủ cạnh tranh. Họ thậm chí còn tăng đặt cược vào một số lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Trong tháng này, Deutsche đã hoàn tất việc mua lại Numis, một công ty môi giới doanh nghiệp của Anh với giá 500 triệu USD.


Indonesia chuẩn bị bầu tổng thống

Các ứng viên tổng thống của Indonesia phải tuyên bố tranh cử trước thứ Tư cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 14 tháng 2 năm 2024. Nhân vật chiến thắng sẽ đối mặt kỳ vọng rất lớn. Đó là vì người đương nhiệm Joko Widodo, hay còn được gọi với biệt danh Jokowi, là một trong những nhà lãnh đạo có tỉ lệ ủng hộ cao nhất thế giới.

Dự kiến sẽ có ba ứng viên. Họ bao gồm Ganjar Pranowo, cựu thống đốc miền trung Java, người đứng thứ hai trong kết quả thăm dò. Anies Baswedan, cựu thống đốc thủ đô Jakarta, đứng thứ ba. Ứng viên hàng đầu là Prabowo Subianto, bộ trưởng quốc phòng Indonesia. Ông Prabowo đã thua Jokowi hai lần. Là một cựu quân nhân, ông từng bị buộc tội cho phép vi phạm nhân quyền ở Đông Timor vào những năm 1980 và bắt cóc các sinh viên hoạt động dân chủ vào những năm 1990. Ông Prabowo luôn mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc. Một cách khéo léo, ông đã chỉ định con trai cả của Jokowi, Gibran Rakabuming, làm đối tác tranh cử. Mặc dù Jokowi vẫn chưa hậu thuẫn ứng viên nào, nhưng nhiều nhà quan sát coi việc đề cử ông Gibran là một dấu hiệu cho thấy Jokowi ủng hộ ông Prabowo. Đó có thể là một lý do tại sao ông đang dẫn đầu.


Biển Đông: Vì sao Philippines và Trung Quốc đang trên đà xung đột?

Tác giả, Rupert Wingfield-Hayes – BBC News

25/10/2023

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/512xn/p0gn3qs5.jpg

Chụp lại video, 

Biển Đông: Tàu cảnh sát biển Trung Quốc va chạm với tàu tiếp tế Philippines 

Hãy xem kỹ đoạn video về “vụ va chạm” hôm Chủ nhật giữa một tàu tuần duyên Philippines và một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi đuôi tàu này va vào boong tàu kia, ngay giữa khung hình là đoàn truyền hình Philippines đang cố gắng để có được thứ mà giới báo chí gọi là “dẫn trước ống kính”.

Cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh ở các bãi cạn chìm ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.

Nhưng trong những tháng gần đây có điều gì đó đã thay đổi. 

Các cuộc tranh chấp trên biển hiện đang diễn ra dưới sự chú ý cao độ của giới truyền hình. Đây là lần thứ hai trong nhiều tuần, các nhà báo Philippines quay được một cuộc chạm trán ở cự ly gần, cạnh một rạn san hô đặc biệt nhạy cảm được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như Bãi Cỏ Mây, Bãi cạn Ayungin hay Nhân Ái Tiêu (Ren Ai).

Đây là hoạt động có chủ ý, một phần trong chính sách của chính phủ Philippines nhằm thu hút sự chú ý vào điều mà họ gọi là “sức mạnh vũ lực” của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với những gì Manila nói là vùng biển của mình.

Đại tá đã nghỉ hưu Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta đã thấy một sự thay đổi đáng kể trong năm nay. Đó là điều mà tôi gọi là một chiến dịch minh bạch đầy quyết đoán”.

Bắt đầu từ tháng Giêng, chính phủ Philippines đã bắt đầu cung cấp thêm các video về những cuộc chạm trán cho truyền thông địa phương. Vào mùa hè, ngày càng có nhiều nhà báo, trong đó có BBC, được lên thuyền và máy bay của Manila tiến vào vùng biển tranh chấp.

“Nó giống như bật đèn chiếu lên để cho thấy các hoạt động vùng xám của Trung Quốc,” Đại tá Powell nói.

REUTERS

Nguồn hình ảnh, REUTERS

Chụp lại hình ảnh, 

Tàu Philippines đang trên đường tới đồn trú của mình ở Bãi Cỏ Mây vào Chủ nhật

Trung Quốc dường như đã bị bất ngờ trước những chiến thuật mới này.

Trong một thời gian, có vẻ như chiến lược này đã đạt được hiệu quả, theo Oriana Skylar Mastro, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, bà nói thêm rằng: “Chúng tôi thấy các hoạt động của Trung Quốc có phần tạm lắng”.

Bắc Kinh đã giảm bớt căng thẳng và Manila đã có thể thực hiện một số chuyến tiếp tế tới một đồn trú mà nước này có trên Bãi Cỏ Mây – một tàu mắc cạn cũ kỹ có từ thời Thế chiến thứ hai mang tên Sierra Madre.

Chiếc tàu được cố tình neo đậu trên rạn san hô vào năm 1999. Kể từ đó, một nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Philippines đã đơn độc canh chừng con tàu rỉ sét khi nó dần bắt đầu mục rã. 

Vào năm 2014, một nhóm BBC đã lên con tàu này. Thậm chí khi đó nó vẫn giữ nguyên trạng tồi tệ với những lỗ thủng lớn ở hai bên và sóng bắn xuyên qua tàu.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đã bằng lòng chơi một trò dài hơi. Khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila tốt đẹp, lực lượng cánh sát biển của Trung Quốc đã cho phép việc tiếp tế cho tàu Sierra Madre. Khi quan hệ trở nên căng thẳng, họ chuyển sang chặn các chuyến tiếp tế.

Nhưng đánh giá chung của Bắc Kinh là Sierra Madre không thể tồn tại mãi, và đến một lúc nào đó, Philippines sẽ buộc phải sơ tán thủy quân lục chiến, khi con tàu vụn thành từng mảnh xuống biển.

Trong sáu năm dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, giả định đó có vẻ có cơ sở. Nhưng kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đắc cử năm ngoái, chính sách đối ngoại của Philippines đã quay ngoắt 180 độ.

REUTERS

Nguồn hình ảnh, REUTERS

Chụp lại hình ảnh, 

Một số ít quân Philippines đang đóng quân trên Sierra Madre đổ nát

Tổng thống Marcos không chỉ đảo ngược chính sách nồng ấm với Bắc Kinh của Duterte, mà ông còn quay lại ủng hộ hoàn toàn việc liên minh với Mỹ và bắt đầu lớn tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Còn nữa. Các nguồn tin ở Manila tiết lộ rằng đồ ăn và nước uống không phải là thứ duy nhất Philippines mang đến tiếp tế cho Sierra Madre. Họ nói rằng họ đã âm thầm vận chuyển vật liệu xây dựng, bao gồm cả xi măng và giàn giáo. Mục đích: chống đỡ cho con tàu rỉ sét.

Đại tá Powell nói: “Thật khó để biết họ có thể kéo dài hơi sức của con tàu bằng cách nào. Tôi nghĩ chúng ta đang đi đến điểm khủng hoảng. Ngày tàn của Sierra Madre đã gần kề. Nó có thể vỡ vụn sớm thôi.”

Có lẽ chính cảm giác cấp bách mới này đang thúc giục cả Manila lẫn Bắc Kinh trở nên quyết liệt hơn. Philippines đang cố gắng duy trì sự hiện diện ở Bãi Cỏ Mây. Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại quyền lực của mình, xác định rằng Sierra Madre sẽ không tồn tại được.

Nhưng nếu Sierra Madre cuối cùng chìm xuống vùng nước màu xanh ngọc của Biển Đông – hay Biển Tây Philippine như cách gọi của Manila – thì điều gì sẽ xảy ra?

Liệu Bắc Kinh có nhảy vào và cố gắng giành quyền kiểm soát rạn san hô như họ đã làm ở những nơi khác ở Biển Đông không? Manila sẽ cố gắng neo đậu một tàu khác trên Bãi Cỏ Mây? Và Washington sẽ phản ứng thế nào?

Không ai biết nhưng ngày đó sẽ đến, có lẽ sớm thôi.


Tags: ,

Comments are closed.