Thời sự Việt Nam – 01/02/2022 (ngày Tết Ta)


Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Đại sứ Knapper tại Việt Nam chúc Tết Nhâm Dần 

Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Marc Knapper và phu nhân chụp ảnh đón Tết Nhâm Dần, 1/2/2022.

Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Marc Knapper và phu nhân chụp ảnh đón Tết Nhâm Dần, 1/2/2022. 

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper vừa gửi ra lời chúc mừng năm mới âm lịch nhân dịp Việt Nam và một số nước châu Á bước sang năm Nhâm Dần bắt đầu từ ngày 1/2/2022 dương lịch.

Lời chúc Tết của Ngoại trưởng Blinken được đăng tải hôm 31/1 (tức 29 Tết) trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ mở đầu với câu: “Tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của mình đến mọi người ở Hoa Kỳ và trên khắp thế giới chào mừng Năm mới Âm lịch vào ngày 2/1”.

Tiếp đến, ngoại trưởng Mỹ chia sẻ rằng: “Cùng lúc chúng ta suy ngẫm về một năm đã qua và đón chào một năm mới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy cho một tương lai hòa bình và thịnh vượng”.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng cường quốc số 1 thế giới “hoan nghênh mọi quốc gia và dân tộc cùng tham gia với chúng tôi trong nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai”.

Kết thúc thông điệp chào năm mới âm lịch của Ngoại trưởng Blinken, ông chúc năm Nhâm Dần “mang lại cơ hội, thành công và sức khỏe tốt cho mọi người”.

Như VOA đã đưa tin, trong những ngày này, hàng triệu người gốc châu Á, bao gồm hơn 2,2 triệu người gốc Việt, có nhiều hoạt động đón Tết âm lịch trên đất Mỹ ở nhiều thành phố và tiểu bang.

Đại diện ngoại giao cao nhất của Mỹ ở Việt Nam, tân Đại sứ Marc Knapper, cũng gửi ra lời chúc Tết, đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ vào sáng 1/2 (mùng 1 Tết).

Thông điệp ngắn gọn của ông Knapper viết rằng: “Tôi và gia đình chúc các bạn một năm mới mạnh khoẻ, an khang, và thịnh vượng!”, được đăng kèm ảnh vị đại sứ tay cầm các phong bao lì xì ngồi cùng phu nhân và chú chó cưng cạnh cành hoa đào và cây quất, những biểu tượng đặc trưng cho ngày Tết ở Việt Nam.

Đại sứ Knapper đến Hà Nội đêm 27/1, vài ngày trước Tết, trở thành đại sứ thứ 8 của Mỹ ở nước Việt Nam thống nhất sau năm 1975. Ông còn cần thực hiện một thủ tục quan trọng là trình quốc thư lên chủ tịch nước của Việt Nam mới chính thức được nước chủ nhà công nhận về nhiệm kỳ đại sứ của ông.

Không chấp nhận bán rẻ, nhà vườn tiêu hủy 500 chậu hoa ế

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/07-tieu-huy-hoa-1.jpg

Xe ép rác Công ty công viên cây xanh TP HCM tiêu hủy 500 chậu hoa ế sau khi anh Thiện đồng ý, trưa 29 Tết – Ảnh: VNExpress 

11 giờ sáng ngày 31 Tháng Giêng (29 Tháng Chạp), Ban quản lý công viên Gia Định, quận Phú Nhuận, yêu cầu tiểu thương trả mặt bằng để công nhân vệ sinh dọn dẹp, chuẩn bị đón khách dịp Tết. Nhiều nhà vườn hối hả khiêng chậu hoa ra lề đường Hoàng Minh Giám bán đến chiều mong kiếm thêm chút đỉnh trước khi về quê. Nhưng gia đình anh Thiện còn hơn 500 chậu cúc mâm xôi đành chấp nhận tiêu hủy chứ không bán rẻ. Anh Thiện đau lòng nói:

“Tôi làm hoa hơn chục năm rồi, chưa năm nào ế như vậy”.

Những năm trước, chỉ đến sáng 30 Tết là cả gia đình ăn thu dọn hành lý, đón xe về quê ăn Tết, nhưng năm nay thì khác, cứ nghĩ đến “Tết” là anh lại thở dài.

Tết năm nay, gia đình anh Thiện đưa hơn 800 chậu cúc mâm xôi lên Sài Gòn, nhưng đến trưa 29 Tết mới bán chưa đến 300 chậu. Giá mỗi cặp loại một 400,000 đồng, loại hai 300,000 đồng nhưng khách chủ yếu đến hỏi, sau đó quay xe đi. Anh nói với giọng nghẹn ngào: “Gần đến giờ trả mặt bằng, chúng tôi đã giảm giá còn phân nửa nhưng họ vẫn mặc cả thấp hơn. Thà mình chịu lỗ vài chục triệu chứ không bán”.

12 giờ trưa, hơn chục bảo vệ công viên Gia Định đưa xe ép rác đến khu vực bán hoa của anh Thiện. Hoa được chất thành đống sau đó đưa lên xe tiêu hủy. Chạy xe vừa tới, chị Kim Thương, ngụ quận Tân Bình, rút trong ví tờ 200,000 đồng mua hai chậu. Chị nói: “Tôi mua ủng hộ nhà vườn. Họ bỏ nhiều công sức chăm sóc hoa rồi, đến giờ này ai cũng muốn bán hết để về quê đón Tết”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/07-tieu-huy-hoa-3.jpg

Người bán cắt cành chậu bông giấy, không bán rẻ tại công viên 23/9, quận 1, trưa 31 Tháng giêng – Ảnh: VNExpress 

Ngược với hành động mua ủng hộ của chi Thương, nhiều người đi đến khu vực này để xin hoa, có người tới lặng lẽ xách chậu đi nhưng bị bảo vệ ngăn lại. Một bảo vệ nói: “Chúng tôi phải chất thành đống tiêu huỷ theo yêu cầu của chủ tiệm, không cho người dân đến hôi của”.

Cách công viên Gia Định chừng 15 km, ở chợ hoa Công viên 23/9 (quận 1), nhiều tiểu thương chấp nhận cắt bỏ hoa ế chứ không bán rẻ. Anh Nguyễn Phú Tài, nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang, nói phải tiêu hủy hoa xót xa lắm nhưng thà chịu lỗ để năm sau còn kinh doanh chứ không bán rẻ. “Bán thấp quá tạo thành thói quen, nhiều người chờ đến ngày cuối cùng để mua giá rẻ”. (Theo VNExpress)

Đi đòi nợ ngày giáp Tết, chủ nợ bị con nợ giết rồi phi tang xác

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/03-Phi-tang-1.jpg

Chủ nợ bị giết rồi phi tang xác xuống hầm biogas – Ảnh: Người dân cung cấp 

Chuyện đau lòng xảy ra vào ngày 28 Tháng Giêng (nhằm ngày 26 Tết) tại UBND xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Theo báo Lao Động, vào lúc 15:30, chị P.T.T. (39 tuổi, trú thôn Quảng Cộng, xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành) lái xe máy đến nhà đến nhà Nguyễn Thị Vuông (49 tuổi, trú tại thôn Lâm Thành) để lấy tiền nợ.

Không biết điều gì xảy ra giữa hai người phụ nữ, đã khiến chị Vuông dùng hung khí đánh chết chị T.

Sau đó Vuông bỏ thi thể nạn nhân vào giỏ to bằng nhựa thường dùng để đựng hoa quả, ném xuống bể biogas của gia đình mình ở phía sau vườn.

Về phía gia đình nạn nhân, sau khi chị T. đi và không trở về, người thân đã tìm kiếm đồng thời thông báo sự việc lên cơ quan chức năng.

Sáng 30 Tháng Giêng, công an xác định nghi phạm gây ra cái chết của chị T. là Vuông, nên hung thủ đã bị bắt ngay sau đó, và được công an xã Thạch Quảng bàn giao cho công an huyện Thạch Thành điều tra.

HRW và gia đình Châu Văn Khảm kêu gọi tự do cho công dân Úc sau 3 năm bị giam giữ ở Việt Nam 

https://gdb.voanews.com/A384B845-37EA-44C5-976C-8F6E993A7B80_w1023_r1_s.jpg

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch và gia đình ông Châu Văn Khảm kêu gọi trả tự do cho công dân Úc hiện đang thụ án tù ở Việt Nam trong 3 năm qua với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Ông Khảm, một thợ làm bánh 72 tuổi ở Sydney, bị chính quyền Việt Nam kết án 12 năm tù vào tháng 11/2019 sau khi bị cáo buộc đã gây quỹ cho các hoạt động nhằm “chống phá nhà nước,” tham gia vào các cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Úc và tuyển mộ thành viên cho Đảng Việt Tân, một tổ chức vì dân chủ có trụ sở ở Mỹ nhưng bị Hà Nội dán mác “khủng bố.” Công dân Úc gốc Việt bị bắt giữ khi tới Việt Nam vào tháng 1/2019 và bị kết án sau đó 10 tháng.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 23/1, giám đốc quốc gia Australia của HRW Elaine Pearson kêu gọi chính phủ Úc thúc giục cho việc thả tự do cho ông Khảm.

“Tháng này đánh dấu 3 năm ngày công dân Úc Châu Văn Khảm bị giam giữ tuỳ tiện ở Việt Nam,” bà Pearson nói khi đề cập đến việc giam giữ ông Khảm ở Việt Nam và cho biết vợ ông, bà Châu Quỳnh Trang, đã không được nói chuyện với chồng mình trong 3 năm qua.

“Bản án khắc nghiệt đối với ông Châu (Văn Khảm) về tội khủng bố là một sự bóp méo về công lý,” bà Pearson nói trong tuyên bố. “Chính phủ Việt Nam nên ân xá cho ông Châu để ông trở về với gia đình ở Úc.”

HRW và các tổ chức nhân quyền quốc tế khác như Amnesty International đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về sự thiếu công bằng và quy trình xét xử ông Khảm khi bị kết tội khủng bố trong một phiên toà kéo dài 4 tiếng rưỡi ngày 11/11/2019.

Tuy nhiên, ngay sau đó, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nói rằng phiên toà xét xử ông Khảm và hai người nữa cũng thuộc Đảng Việt Tân “đã diễn ra công khai, minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật Việt Nam, bảo đảm đầy đủ các quyền của các bị cáo.”

Lý giải cho việc xét xử ông Khảm tội “khủng bố” chống lại nhà nước Việt Nam, phó phát ngôn viên của BNG nói rằng Việt Tân “là tổ chức khủng bố, đã nhiều lần đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam với mục đích phá hoại, gây bạo động, kích động hận thù dân tộc và gây bất ổ xã hội.”

Ông Khảm từng nhập ngũ và tham gia lực lượng Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, ông vượt biên sang trại tị nạn ở Malaysia trước khi sang định cư tại Úc năm 1983. Ông Khảm bị bắt khi vào Việt Nam từ Campuchia qua cửa khẩu Hà Tiên ở Kiên Giang. Công an Việt Nam cho rằng ông nhập cảnh vào Việt Nam một cách phi pháp để “huấn luyện” cho các thành viên của Việt Tân mà trước đó thuộc Hội Anh em Dân chủ.

Giám đốc quốc gia Australia của tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ cho biết HRW lo ngại về việc điều trị y tế không đầy đủ đối với ông Khảm và rằng ông đã không được gặp mặt đại diện lãnh sự Úc ở TPHCM kể từ tháng 4/2021.

“Chính phủ Úc cần ưu tiên trường hợp của ông (Khảm) trong các cuộc thương lượng với Việt Nam và mạnh mẽ thúc ép cho việc trả tự do cho ông ấy,” bà Pearson nói.

Nhân dịp 3 năm kể từ khi ông Khảm bị giam giữ ở Việt Nam, bà Trang cũng đưa ra một tuyên bố, trong đó nói gia đình bà lo sợ rằng họ có thể không bao giờ được gặp mặt ông Khảm nữa và kêu gọi chính phủ Úc can thiệp.

“Bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ từ gia đình chúng tôi, cộng đồng người Việt ở Úc, và các tổ chức trong và ngoài nước Úc nhằm cứu anh (Khảm) trong hơn 3 năm qua nhưng chồng tôi vẫn bị tù đày,” bà Trang viết trong bức thư được giáo đốc quốc gia Australia của HRW công bố hôm 23/1.

Tháng 12 năm ngoái, cộng đồng người Việt ở Sydney đã dựng một bảng hiệu lớn ở đây để kêu gọi chính phủ nước này gây áp lực hơn nữa nhằm buộc chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Khảm. Trước đó trong tháng, HRW cũng thúc giục chính phủ Úc gây sức ép với Việt Nam tại đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước để phóng thích ông Khảm.

Chính phủ Việt Nam đã thả tự do cho nhiều tù nhân chính trị để ra nước ngoài sống lưu vong sau các sức ép từ các chính phủ phương Tây. Những người được thả tự do sau các cuộc thương lượng như vậy gồm có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay blogger Mẹ Nấm, và Nguyễn Văn Hải, hay blogger Điếu Cày, đều hiện đang sống lưu vong tại Mỹ; Luật sư Nguyễn Văn Đài, hiện sống ở Đức, hay Đặng Xuân Diệu, hiện sống ở Pháp.

Bà Pearson cho rằng nếu các chính phủ như Mỹ, Pháp và Đức “có thể thuyết phục Việt Nam thả trước thời hạn các tù nhân chính trị, thì tại sao chính phủ Úc không thể thành công trong việc thương lượng việc trả tự do cho công dân Úc Châu Văn Khảm?”

Theo bà Trang, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã thảo luận trường hợp của chồng bà với chính phủ Việt Nam vào tháng 4/2021 và đã tổ chức một buổi gặp mặt giữa đại diện lãnh sự với ông Khảm. Tuy nhiên bà Trang cũng cho biết rằng kể từ đó bà không được biết đến bất kỳ một hành động nào nữa của chính phủ Úc nhằm “cứu” chồng bà khỏi nhà tù Việt Nam.

Thống kê của HRW tính tới tháng 12 năm ngoái cho thấy có ít nhất 146 người đang bị giam giữ sau song sắt ở Việt Nam vì thực thi các quyền cơ bản của họ. Tuy nhiên, Việt Nam luôn phủ nhận việc giam giữ các tù nhân lương tâm và nói rằng chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.

Comments are closed.