Thời sự Việt Nam Thứ năm 09 tháng 6 năm 2022


Ấn Độ bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam 

09/6/2022 

VOA Tiếng Việt 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho đại diện Quân đội Việt Nam ở nhà máy đóng tàu Hồng Hà, Hải Phòng, ngày 9/6/2022. Photo Twitter Rajnath Singh.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho đại diện Quân đội Việt Nam ở nhà máy đóng tàu Hồng Hà, Hải Phòng, ngày 9/6/2022. Photo Twitter Rajnath Singh. 

Hôm 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chủ trì lễ bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam, dự án nằm trong gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu đôla của Chính phủ Ấn Độ dành cho quốc gia Đông Nam Á, giữa lúc Trung Quốc gia tăng sức mạnh trong khu vực.

Lễ bàn giao diễn ra tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Hải Phòng, nơi đã hoàn thành 7 chiếc tàu tuần tra tốc độ cao, Bộ trưởng Singh cho biết trên Twitter. Ông đồng thời cho biết thêm rằng 5 chiếc ban đầu được sản xuất tại nhà máy đóng tàu L&T ở Ấn Độ.

“Tôi tin tưởng rằng thành công của dự án này sẽ là tiền đề cho nhiều dự án hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam”, ông Singh viết trên Twitter.

“Tôi rất vui khi được tham gia buổi lễ lịch sử này đánh dấu sự hoàn thành tốt đẹp của dự án đóng 12 tàu hộ vệ cao tốc theo Hiệp định Quốc phòng trị giá 100 triệu đôla của Chính phủ Ấn Độ”, báo The Hindu dẫn lời ông Singh phát biểu tại buổi lễ.

Ông Singh nói thêm rằng dự án này là một điển hình trong tầm nhìn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về “Ấn Độ tự cường” (Self-reliant India) và sứ mệnh “Sản xuất tại Ấn Độ – Sản xuất cho thế giới” (Make in India – Make for World).

“Chúng tôi rất vui mừng nếu những người bạn thân thiết như Việt Nam trở thành một phần trong quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi thông qua tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng”, ông Singh nói.

Hà Nội đặt mua 12 tàu tuần tra cao tốc này cho Cảnh sát biển Việt Nam theo gói tín dụng quốc phòng được New Dehli gia hạn vào tháng 9/2014.

Hôm 8/6, Ấn Độ và Việt Nam ký một thỏa thuận tương hỗ hậu cần trong khi hai Bộ trưởng Quốc phòng ký ‘Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Đối tác Quốc phòng Ấn Độ-Việt Nam hướng tới năm 2030’, mà Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết sẽ tăng cường đáng kể về phạm vi và quy mô hợp tác quốc phòng.

Trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, hai bên nhất trí về việc sớm hoàn tất hạn mức tín dụng quốc phòng trị giá 500 triệu đôla gia hạn cho Việt Nam, và “việc thực hiện các dự án sẽ bổ sung đáng kể năng lực quốc phòng của Việt Nam”.

Hai bên cũng tổ chức “các cuộc thảo luận trên phạm vi rộng về các sáng kiến hiệu quả và thiết thực nhằm mở rộng hơn nữa các cam kết quốc phòng song phương và các vấn đề khu vực và toàn cầu”, một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thêm.

Biên bản Ghi nhớ (MoU) Ấn – Việt về tương hỗ hậu cần này là hiệp định lớn đầu tiên mà Việt Nam ký kết với bất kỳ quốc gia nào, theo trang Times of India.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục có “mối quan hệ đáng tin cậy nhất trong thời hiện đại với sự hội tụ rộng lớn hơn các lợi ích và mối quan tâm chung”.

Truyền thông trong nước loan tin Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Singh hôm 8/6.

Ông Phúc cho biết Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ, ủng hộ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-ASEAN và quan hệ giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực, trong khi ông Chính bày tỏ mong muốn xây dựng quân đội hai nước vững mạnh, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Việt Nam, một quốc gia quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Ấn Độ hiện có các dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam ở Biển Đông. Hai nước đang đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải trong vài năm gần đây để bảo vệ lợi ích chung trong khi tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược.

Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Campuchia khiến Việt Nam và những nước khác quan ngại

Nhóm phóng viên RFA
09/6/2022

Căn cứ hải quân Trung Quốc tại Campuchia khiến Việt Nam và những nước khác quan ngại

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia (phải) và đại sứ Trung Quốc tại Campuchia (trái) tại lễ động thổ căn cứ Ream ở Preah Sihanouk vào ngày 8/6/2022 

AFP 

Những diễn tiến mới nhất tại Căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia, nơi mà Trung Quốc đang xây dựng cơ sở cho quân đội của họ có thể sử dụng, khiến Việt Nam quan ngại dù không nói ra và các nhà chiến lược quân sự Hà Nội theo dõi sát những biến chuyển bên kia biên giới.

Các nguồn tin ngoại giao cho hay vấn đề căn cứ Ream và sự can dự của Bắc Kinh vào những dự án chiến lược tại Xứ Chùa Tháp chắc hẳn có trong chương trình nghị sự những cuộc họp của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman khi bà đến thăm Việt Nam vào cuối tuần này.

Theo kế hoạch, thứ trưởng Sherman sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ ngày 10 đến 13 tháng sáu. Bà sẽ có những cuộc gặp với quan chức Việt Nam gồm phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc.

Thứ trưởng Ngoại giaoWendy Sherman sẽ không gặp các quan chức quốc phòng Việt Nam vì trùng lịch; tuy nhiên trong một chuyến tăm tương tự vào năm 2014, bà Wendy Sherman đã gặp tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng và là chiến lược gia chính về Campuchia của Việt Nam.

Lúc đó bà là phó Ngoại trưởng phụ trách Chính trị sự vụ.

reambasea.jpeg

Căn cứ Ream chụp hồi ngày 26/7/2019. Ảnh AFP

Quan hệ lịch sử

Việt Nam không chỉ là nước láng giềng với Campuchia mà còn là ‘người anh em từ Đông Dương’ và đồng minh truyền thống.

Chính phủ Phnonh Penh hiện nay được Hà Nội dựng nên sau khi quân Việt Nam đánh bại quân Khmer Đỏ vào năm 1979. Thủ tướng Hun Sen, một người nói Tiếng Việt lưu loát, thường bị giới chỉ trích tại Campuchia gọi là ‘con rối’ của Việt Nam ngay từ khi khởi sự cuộc đời chính trị của ông.

Tin tức về dự án phát triển được Trung Quốc hỗ trợ, mà theo đó Bắc Kinh sẽ giúp Phnom Penh cải tạo và nâng cấp nhưng cơ sở tại Ream, cho thấy mức độ mất mát của ảnh hưởng Việt Nam tại Campuchia trong những năm gần đây.

Một nhà phân tích người Việt muốn ẩn danh bì tính nhạy cảm của vấn đề phát biểu : “Việt Nam dĩ nhiên quan ngại vì căn cứ Ream nằm rất sát với căn cứ ở đảo Phú Quốc.”

Trên thực tế, Căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Preah Sihanouk thuộc mạn tây nam Campuchia bên Vịnh Thái Lan chỉ cách Phú Quốc không đến 30 kilomet. Đảo này theo tiếng Khmer là Koh Tral.

Chính Hải quân Việt Nam hồi tháng 1/1979 đã chiếm căn cứ Ream từ quân Pol Pol rồi chuyển từ Khmer Đỏ cho tân chính phủ Campuchia.

Tuy vậy Hải quân Việt Nam sau đó chỉ được mời đến thăm Căn cứ Ream một đôi lần và gần đây tòa nhà ‘Hữu nghị Việt Nam’ được xây bởi phía Hà Nội đã bị dời khỏi căn cứ này mà theo báo cáo là nhằm tránh xung đột với các nhân sự Trung Quốc.

Nhà phân tích người Việt nói thêm: “Cũng có một sự thất vọng lớn; tuy nhiên theo tôi sự can dự của Trung Quốc ở căn cứ này  không nhắm đến Việt Nam mà hơn thế là để cho chính phủ Campuchia đưa ra một thông điệp thách thức và một dấu chỉ cảnh báo đối với Hoa Kỳ.”

Vào tháng 7/1982, Hà Nội và Phnom Penh ký một thỏa thuận về ‘vùng nước lịch sử’ giữa hai nước để phân định biên giới biển và chủ quyền đối với các đảo trong Vịnh Thái Lan. Mục đích để giảm thiểu hiểu nhầm và ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra.

reambaseb.jpeg

Thủ tướng Hun Sen cắt băng khánh thành Sân vận động Techo ở Phnom Penh do Trung Quốc tài trợ hôm 18/12/2021. Ảnh AFP

Thế an ninh lưỡng nan

Can dự của Bắc Kinh tại Ream gây nên tranh cãi ở Phương Tây khi mà Hoa Kỳ thấy ra mối đe dọa Trung Quốc có được cơ sở hải quân đầu tiên trên đất Đông Nam Á. Căn cứ này có thể cho phép Bắc Kinh mở rộng tuần tra khắp Biển Đông.

Quan ngại về căn cứ Ream có từ năm 2019 khi mà Tờ Wall Street Journal loan tin về một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc cắt đặt nhân sự, tàng trữ vũ khí và cho chiến hạm trấn đóng ở đó.

Campuchia và Trung Quốc luôn bác bỏ thông tin đó, nói rằng’ việc cải tạo căn cứ chỉ nhằm tăng cường khả năng hải quân của Xứ Chùa Tháp trong công tác bảo vệ toàn vẹn vùng biển và chống tội ác trên biển.”

Washington từng than phiền “về sự thiếu minh bạch trong mục đích, bản chất và phạm vi của dự án này, cũng như vai trò mà quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đóng trong công tác xây dựng và việc sử dụng hậu xây dựng cơ sở này.”

Nhà nghiên cứu Sovinda Po tại Viện Hợp tác & Hòa Bình Campuchia có phát biểu : “Những tin tức mới nhất về Căn cứ Hải quân Ream là một dấu chỉ thêm nữa cho thấy Hoa Kỳ không chấp nhận thực tế Campuchia và Trung Quốc đã là đối tác thân cận tại Đông Nam Á. Lý do chính đằng sau những cáo buộc thường xuyên của Hoa Kỳ là nhằm cảnh báo chính phủ Campuchia đừng qua kết thân cới Trung Quốc.”

Vị chuyên gia Campuchia này phân tích tiếp: “Việt Nam cũng không vui khi thấy Trung Quốc tiến gần hơn đến lãnh thổ của họ vỉ Hà Nội và Bắc Kinh đang có những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như niềm tin vào nhau giữa đôi bên xuống thấp.”

Chuyên gia Sovinda Po cho rằng căn cứ hải quân và những diễn tiến quanh nó do đó trở nên một thế an inh lưỡng nan lớn cho Campuchia, Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Bình thường mới”

Trung Quốc đã có được sức mạnh biển lớn nhất thế giới với 355 tàu chiến và dự kiến số này lên đến 460 chiếc vào năm 2030. Đây là số liệu theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về quân đội Trung Quốc.

Phía Hoa Kỳ có 297 tàu trong lực lượng chiến đấu nhưng hoạt động tại hơn 800 căn cứ quân sự ở hải ngoại.

Chuyên gia về chính sách quốc phòng ở Singapore Blake Herzinger và cũng là một sĩ quan Hải quân dự bị người Mỹ cho rằng ‘Đây là một bình thường mới, Trung Quốc sẽ tìm kiếm những căn cứ ở nước ngoài như chúng ta làm.”

Và trên tài khoản Twitter ông Blake Herzinger viết “Nếu chúng ta nghĩ việc loại trừ những quốc gia chọn hợp tác với Trung Quốc sẽ làm được điều gì đó hơn là khiến chúng ta giống như họ, thì chúng ta vô cùng nhầm lẫn.”

Mối quan hệ Hoa Kỳ- Trung Quốc trở nên căng thẳng trong những năm gần đây bởi nhiều yếu tố gồm có sự khác biệt về quyền lợi chiến lược và địa chính trị, vấn đề nhân quyền, dân chủ và vai trò của Trung Quốc trong khu vực.

Ngược lại, trong suốt thập niên qua dưới cái gọi là Sáng kiến Vành đai- Con đường (BRI), Trung Quốc đã bơm đầu tư vào những dự án hạ tầng quan trong ở Campuchia gồm Đặc khu Kinh tế Shihanukville, Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville , sân bay quốc tế mới Siem Reap, đường xá, cầu cống và những nhà máy thủy điện.

Thủ tướng Hun Sen từng phát biểu câu nổi tiếng tại một diễn đàn khu vực vào năm 2021 rằng : “Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, thì tôi dựa vào ai? Nếu tôi không yêu cầu Trung Quốc, thì tôi yêu cầu ai?”

Chuyên gia Blake Herzinger nói rằng: “ Đã đến lúc phải công nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ hết sức giới hạn tại một khu vực cạnh tranh nơi mà mà số đối lại là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Sự bắt nạt công khai không thể giành được Campuchia.”

Sắp hoàn tất đàm phán xuất khẩu một số trái cây Việt Nam ra nước ngoài

RFA
08/6/2022

Sắp hoàn tất đàm phán xuất khẩu một số trái cây Việt Nam ra nước ngoài

Sầu riêng VN được bán tại chợ nổi Cái Răng-Cần Thơ 

AFP 

Công tác đàm phán cho việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, nhãn tươi sang Nhật và bưởi sang Mỹ đang đi vào giai đoạn cuối.

Đó là thông tin do Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra tại diễn đàn kết nối nông sản diễn ra trong ngày 8/6 theo hình thức trực tuyến.

Tại diễn đàn Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật cho biết hiện 10 thị trường tiêu thụ trái cây nhiều nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hong Kong, Hà Lan, Nga và Úc.

Các loại trái cây Việt được xuất vào thị trường Mỹ gồm thnah long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Dự kiến vài tháng nữa Hoa Kỳ sẽ mở cửa cho trái bưởi Việt Nam.

Ba loại đang được xất vào thị trường Nhật gồm thanh long, xoài và vải.

Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất sang nước này chanh leo và hy vọng việc đàm phán xuất sầu riêng sang Hoa Lục sẽ sớm kết thúc và được xuất trong năm nay.

Tags: , ,

Comments are closed.