Thời sự Việt Nam Thứ tư 20 tháng 4 năm 2022
Ân xá Quốc tế chỉ trích luật buộc Facebook “gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp trong 24 giờ” – RFA
20/4/2022
Một người dùng mở màn hình đăng nhập mạng xã hội Facebook /Reuters
Với luật mới này nếu được ký thông qua thì các phát ngôn trên mạng bị cho là “bất hợp pháp” đều sẽ bị gỡ bỏ trong vòng 24 giờ.
Hôm 20 tháng 4, hãng tin Reuters công bố bản tin độc quyền về việc chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thông qua một luật mới nhằm siết chặt quản lý mạng xã hội.
Tuy bản tin trên không công bố nội dung chi tiết cũng như tên của điều luật mới, nhưng hiện nay chính phủ Việt Nam đang trong quá trình hoàn tất nghị định số 72/2013/ND-CP sửa đổi.
Đây là nghị định được sử dụng để quản lý việc cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng, vốn đã được các cơ quan nhà nước sử dụng để yêu cầu các công ty sở hữu mạng xã hội có nhiều người dùng ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok… phải gỡ bỏ nội dung “chống chính quyền”.
Điều đáng chú ý ở điều luật mới, dự kiến được thủ tướng Phạm Minh Chính ký thông qua vào tháng Năm tới theo nguồn tin của Reuters, đó là quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung được cho là vi phạm pháp luật trong vòng 24 tiếng.
Nguồn tin trên nói thêm rằng, nếu các công ty không đáp ứng thời hạn do chính phủ đặt ra thì nền tảng của công ty đó có thể bị cấm ở quốc gia Đông Nam Á này.
Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng môi trường internet ở Việt Nam sẽ trở nên ngột ngạt hơn nữa với sự xuất hiện của điều luật mới.
Trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do, bà Ming Yu Hah, Phó giám đốc khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế, bày tỏ sự lo ngại trước diễn biến này:
“Ở Việt Nam thì mạng xã hội, trong đó có Facebook, là một trong những nơi duy nhất để người ta bày tỏ sự thái độ phản kháng của mình, cho dù phải đối diện với nguy cơ bị xử tù lâu năm nếu bài đăng của họ bị cho là vi phạm pháp luật.
Những điều luật hà khắc như thế này là mối đe dọa diệt vong đối với sự tự do biểu đạt ở Việt Nam.”
Facebook, YouTube, TikTok hay Twitter là các mạng xã hội được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đây cũng là các công cụ mà người Việt Nam dùng để bày tỏ quan điểm trong đó có quan điểm chính trị.
Chỉ duy nhất đại diện của công ty TikTok trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters cho biết, sẽ tiếp tục tuân thủ luật pháp địa phương hiện hành để đảm bảo nền tảng này vẫn là một không gian an toàn cho sự thể hiện sáng tạo, đồng thời khẳng định sẽ gỡ bỏ nội dung vi phạm các nguyên tắc của nền tảng.
Nhiều người dân đã bị bỏ tù vì các phát ngôn ôn hòa của mình trên mạng xã hội ở quốc gia có một đảng Cộng sản lãnh đạo này.
Mới đây nhất thì một toà án ở Hà Nội đã kết án 5 năm tù đối với nhà báo độc lập Lê Văn Dũng vì các video phát trực tiếp của ông trên mạng xã hội.
Chính quyền Việt Nam từ lâu đã bày tỏ tham vọng kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài có đông người dùng thông qua các công cụ pháp lý, như Nghị định 72 và Luật An ninh Mạng, và cả các biện pháp đe dọa.
Đơn cử như hồi tháng 11 năm 2020, Facebook đã thông báo họ buộc phải tăng cường kiểm duyệt nội dung thể theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam, sau khi bị đe dọa cấm cửa nếu không tuân thủ.
Động thái tuân thủ trên của Facebook đã nhận nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền vì công ty này bị coi là đặt lợi nhuận lên trên các nguyên tắc tự do và quyền con người.
Bà Ming Yu Hah cũng kêu gọi các công ty mạng xã hội “chống lại” các điều luật này và “đặt quyền con người lên trên lợi nhuận và quyền tiếp cận thị trường”.
Việt Nam là một trong những thị trường lớn của Facebook tại Châu Á với lợi nhuận hàng năm lên đến một tỉ USD. Ngoài ra cũng có khoảng 60 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội YouTube.
CDC Mỹ cho Việt Nam ra khỏi danh sách ‘chớ du hành’ vì COVID – VOA Tiếng Việt
Khách du lịch thăm quan bằng thuyền trên sông Mekong ở Việt Nam. CDC Mỹ vừa hạ giảm mức khuyến cáo du hành vì COVID-19 tới Việt Nam nhưng vẫn khuyên những công dân chưa tiêm chủng chớ đi du lịch đến đây.
Gần hai tháng sau khi khuyến cáo công dân “chớ du hành” đến Việt Nam, Mỹ đã đưa quốc gia Đông Nam Á ra khỏi danh sách cảnh báo cao nhất trong lúc số ca lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam giảm mạnh với tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm cao nhất thế giới.
Sau làn sóng bùng phát bệnh lần thứ 4 và lớn nhất ở Việt Nam, số lượng ca nhiễm COVID trong cộng đồng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng vừa qua. Việt Nam ghi nhận hơn 43.000 ca nhiễm mới hôm 18/3, mức giảm mạnh so với hàng trăm nghìn ca những ngày trước đó.
Khi lây nhiễm bùng phát mạnh trong cộng đồng ở Việt Nam sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hồi cuối tháng 2 nâng mức báo động về tình hình dịch COVID ở quốc gia Đông Nam Á lên mức báo động đỏ, tức “Các tình huống đặc biệt”, và khuyên công dân ngừng đến Việt Nam.
Nhưng hôm 18/4, CDC nói rằng họ đã dỡ bỏ khuyến cáo “chớ du hành” vì COVID tới Việt Nam và khoảng 90 quốc gia khác. Cơ quan y tế công cộng của chính phủ Mỹ cũng đã thay đổi cách gọi tên mức khuyến cáo cao nhất, tức mức 4, từ “Rất cao” thành khuyến cáo cho “Các trường hợp đặc biệt”.
Việt Nam hiện nằm ở “Cấp độ 3: Cao” cùng với 121 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có Canada, New Zealand cùng nhiều nước châu Âu và châu Á. Ở mức độ khuyến cáo này, chính phủ Mỹ vẫn khuyên những công dân chưa tiêm chủng đầy đủ không du hành tới Việt Nam và những điểm đến trong danh sách này.
Các mức khuyến cáo còn lại của CDC gồm “Cấp độ 2: Vừa phải”, “Cấp độ 3: Thấp” và mức thấp nhất là COVID-19 không được biết tới. Trung Quốc và hầu hết các nước châu Phi nằm trong danh sách ở mức độ thấp của CDC. Các nước như Ukraine – nơi đang có chiến sự – và Afghanistan – nơi đang nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban – và nhiều quốc đảo nằm trong danh sách của mức khuyến cáo thấp nhất, tức không rõ về COVID.
Hiện không còn nước nào bị CDC khuyến cáo “chớ du hành” khi trung tâm này cho toàn bộ các nước bị khuyến cáo trước đây ra khỏi mức độ cao nhất. CDC cho biết trong một tuyên bố rằng những khuyến cáo được cập nhật sẽ “giúp công dân Mỹ đưa ra quyết định sáng suốt hơn về sự an toàn cho các chuyến du lịch quốc tế của mình.”
Các hãng hàng không và công ty du lịch thúc ép chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm âm tính COVID đối với du khách quốc tế trước khi khởi hành như nhiều quốc gia khác đã làm. Họ cũng cho rằng việc khuyên công dân “chớ du hành” là không cần thiết và làm người dân nhụt chí đi du lịch.
Việt Nam, với hầu hết người dân được tiêm đầy đủ vaccine chống COVID, đã mở cửa du lịch hoàn toàn từ giữa tháng trước. Bộ Y tế nói rằng dịch bệnh đã “cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước” với số ca mắc mới và tử vong liên tục giảm. Bộ cho biết số ca nhiễm và tử vong có xu hướng giảm từng ngày trong 3 tuần qua do Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID “với quy mô lớn nhất trong lịch sử.”
Trong số 2 kịch bản phòng chống dịch mà Bộ Y tế có thể triển khai trong thời gian tới, có việc Việt Nam “chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành” với các hoạt động xã hội trở về bình thường.
Sài Gòn vẫn tốn tiền tỷ thuê ‘siêu máy bơm’ dù đường hết ngập
Đường Nguyễn Hữu Cảnh được thông xe cuối tháng 4/2021 và hiện nay đã hết bị ngập – Ảnh: Thư Trần/Zing News
Đó là điều khó hiểu khiến người dân phải đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố, nhưng không nhận được câu trả lời chính thức, vì các ban ngành có trách nhiệm trong chuyện này đang cố tình… “câu giờ!”
Mấy năm trước, con đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, Bình Thạnh) thường xuyên bị ngập lụt khi vào mùa mưa. Đến Tháng Năm 2019, chính quyền TP.HCM ký hợp đồng thuê “siêu máy bơm” với giá 14.2 tỷ đồng/năm để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Đến Tháng Mười 2019, dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1, Bình Thạnh) vốn đầu tư 473 tỷ đồng được khởi công nhằm nâng cấp đường, giải quyết ngập úng cho khu vực.
Công trình nâng cấp này đã hoàn thành vào năm 2021, và trong mùa mưa năm ngoái, khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh ghi nhận xảy ra sáu ngày mưa có vũ lượng từ 50 mm – 80 mm nhưng không gây ngập tuyến đường này.
Siêu máy bơm của Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho UBND TP.HCM thuê để chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh với giá 14.2 tỷ đồng/năm – Ảnh: Tiền Phong
Một năm kể từ khi công trình nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thông xe, tình trạng ngập nước trên tuyến đường đã không tái diễn.
Tưởng hiệu quả này sẽ giúp thành phố tiết kiệm được 14.2 tỷ đồng mỗi năm, và dùng số tiền này vào công việc phục vụ dân sinh khác. Thế nhưng Sở Xây dựng, trong trách nhiệm của họ, không đề xuất cho thành phố về việc có tiếp tục thuê máy bơm hay không mà kiến nghị UBND TP.HCM giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với UBND quận Bình Thạnh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Trung tâm tư vấn phát triển thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật “tiếp tục theo dõi thêm” (!?)
Siêu máy bơm do Tập đoàn Quang Trung lắp đặt để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều năm qua và đã có hiệu quả chống ngập bước đầu. Trên cơ sở đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM đã ký hợp đồng thuê từ giữa Tháng Tư 2018.
Hợp đồng thuê dịch vụ bơm kéo dài bảy năm, giá thuê là hơn 14.2 tỷ đồng/năm. Không rõ trong hợp đồng có điều khoản nào cho phép bên thuê được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hay không. Nếu không có điều khoản này, trong ba năm tới, người dân thành phố sẽ phải “è cổ” ra đóng thuế để trả chi phí cho thứ họ không sử dụng. (Tổng hợp)
Viettel công bố cập bờ cáp quang có băng thông lớn nhất Việt Nam
RFA
20/4/2022
Lễ công bố cập bờ tuyến cáp ADC của Viettel ở thành phố Quy Nhơn, Bình Đình hôm 19/4/2022 /Viettel
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hôm 19/4 công bố cập bờ tuyến cáp quang có băng thông lớn nhất từ trước tới nay ở thành phố Quy Nhơn.
Lễ công bố tuyến cáp quang ADC (Asia Direct Cable) được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn.
Đây là tuyến cáp quang được Viettel cho biết có dung lượng băng thông lớn gấp ba lần tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway).
Tuyến cáp quang biển ADC có chiều dài cáp ngầm là 9.800 km, dung lượng đạt trên 140 Tbps, sử dụng công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất hiện nay, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư ban đầu là 290 triệu đô la.
ADC là tuyến cáp biển thứ năm, với quy mô đầu tư lớn nhất cho đến nay của Viettel, trên cơ sở hợp tác đầu tư, xây dựng với các Tập đoàn viễn thông quốc tế lớn trên thế giới như: Singtel, China Telecom, SoftBank, China Unicom, NT, PLDT, TATA Communications.
Tốc độ truy cập internet của Việt Nam trong thời gian qua liên tục bị ảnh hưởng bởi các sự cố của cáp quang biển. Hôm 15/4 tuyến cáp APG gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 khiến việc truy cập Internet đi quốc tế của người dùng bị ảnh hưởng. Tuyến cáp quang này cũng bị đứt trước đó và được khắc phục hồi tháng 2 vừa qua.
TTCK lao dốc, nhà đầu tư yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước bảo vệ
Hình minh hoạ: Một nhà đầu tư đang theo dõi màn hình thị trường chứng khoán ở Hà Nội năm 2016 /Reuters
Nhiều nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Việt Nam yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân tình trạng bán tháo cổ phiếu vào lúc đóng cửa cuối ngày giao dịch (ATC) trong những ngày qua khiến thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), liên tục trong các phiên giao dịch gần đây, lệnh bán bất ngờ “đổ sập” xuống thị trường trong những phút cuối khiến cho giới đầu tư bức xúc.
Trong những phiên giao dịch gần đây, lệnh bán bắt đầu xuất hiện nhiều vào sau 14 gờ. Việc lệnh bán tháo xuất hiện ở những phút cuối tạo nên tâm lý “buông xuôi” vì khả năng VN Index đảo chiều tăng điểm trở lại là rất thấp.
Tình trạng này khiến nhà đầu tư cũng đưa nhâu đẩy lệnh bán bằng mọi giá vào phiên giao dịch cuối khiến VN Index lao dốc mạnh. Vào cuối ngày 20/4, VN Index giảm 21,73 điểm, tương đương 1,55%.
SGGP cho biết nhiều nhà phân tích cho rằng hiện tượng bán tháo đột ngột những phút cuối liên tục xảy ra trong các ngày gần đây khiến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà đầu tư phản ứng khá gay gắt trên các diễn đàn chứng khoán, yêu cầu UBCKNN vào cuộc để tìm ra nguyên nhân và bảo vệ nhà đầu tư.
Trong những tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lao dốc. Theo phân tích của một số nhà quan sát thị trường chứng khoán được báo Nhà nước trích đăng, nguyên nhân một phần là vì việc bắt giữ hai đại gia bất động sản gần đây có liên quan đến những vi phạm của họ tại thị trường chứng khoán.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt hôm 29/3 với cáo buộc “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng – bị bắt hôm 5/4 với cáo buộc tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc tập đoàn này phát hành chín đợt trái phiếu trái quy định pháp luật.